Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Điện ảnh / "Hai, tư, sáu" và "Hai nước Nhật của Phan Bội Châu"

"Hai, tư, sáu" và "Hai nước Nhật của Phan Bội Châu"

- Kiến Văn — published 26/02/2013 23:15, cập nhật lần cuối 04/05/2013 15:47
hai cuốn phim giá trị, không thể bỏ qua (sẽ chiếu tại Câu lạc bộ YĐA Paris, chiều thứ bảy 2.3.2012)


Giới thiệu phim



Hai, tư, sáu
của Nguyễn Hoàng Điệp
Hai nước Nhật của Phan Bội Châu
của Phan Đình Anh Khoa



Chiều thứ bảy 2 tháng 3.2013, Câu lạc bộ YĐA sẽ mang lại cho công chúng điện ảnh một chương trình độc đáo (Studio Le Clef, rue Daubenton, Paris 5ème, M° Censier-Daubenton), gồm hai phim tài liệu và một phim truyện ngắn.

Tôi chưa được xem trước Đường nào đi tới biển ?, phim tài liệu về những người đồng tính nữ, nên càng nóng lòng được xem vì đề tài này hầu như chưa bao giờ được đề cập tới trong điện ảnh Việt Nam (về đồng tính nam, thì có, chẳng hạn như phim Ái Nam Ái Nữ mà YĐA đã lên chương trình hồi tháng giêng 2013), và nhất là, theo lời mấy người bạn đã có may mắn xem rồi, thì cuốn phim của Nguyễn Vân Anh, Trần Thanh Hiên và Phạm Mai Phương được thực hiện một cách trung thực và đã tham gia Liên hoan phim Đông Nam Á (Lifescape) năm 2012 ở Chiang Mai (Thái Lan).

Bài này do đó, chỉ giới thiệu hai cuốn phim Hai, Tư, Sáu (phim truyện ngắn) và Hai nước Nhật của Phan Bội Châu (phim tài liệu).

Ở nước ngoài, ai không để ý tới tên tuổi nhà sản xuất cuốn phim Bi, đừng sợ ! của đạo diễn Phan Đăng Di, thì chắc chưa biết Nguyễn Hoàng Điệp. Hai, Tư, Sáu là tác phẩm điện ảnh đầu tay của nữ đạo diễn mà tên tuổi đã trở thành quen thuộc với khán giả truyền hình Việt Nam qua loạt phim tài liệu Cuộc sống thay đổi với những chủ đề văn hóa xã hội nóng bỏng. Thực ra đây là cuốn phim (ngắn) thứ nhì : cuốn phim đầu tiên của Nguyễn Hoàng Điệp là phim tốt nghiệp Trường đại học Sân khấu & Điện ảnh (thủ khoa), Mùa thứ 5. Dài 26 phút, quay bằng máy nửa chuyên nghiệp, với kinh phí 600 €, Mùa thứ 5 "khiến người xem sửng sốt không chỉ vì câu chuyện lạ lùng về người phụ nữ nghiện mùi quần áo của chồng hơn bản thân người chồng, được kể bằng một chuỗi những hình trau chuốt một cách phi phi thực thực mà còn vì cái cảm giác đằng sau những hình ảnh đó, cảm giác về một ẩn ức tâm lý được che đậy bằng những cố tình lộ liễu và có thể là phức tạp hơn nhiều những gì được thấy".

Nhận xét trên cũng phần nào ứng với Hai, Tư, Sáu, cuốn phim 17' đã được giới thiệu ở Góc phim ngắn của Liên hoan Cannes và Liên hoan phim ngắn Courts Devant tại Paris mùa xuân và mùa thu 2012. Ba khoảnh khắc trong ba ngày của một tuần lễ, với ba nhân vật (một phụ nữ trẻ, người chồng và cậu sinh viên người tình). Đề tài "tam giác" cổ điển, thậm chí cũ mèm, nhưng qua con mắt tế vi, sắc sảo của nữ đạo diễn, nó trở thành đa nghĩa, để khán giả khám phá ra thế giới hôm nay của một phụ nữ trẻ, trung lưu, ở Hà Nội. Những hạt muối "ngon lắm", cái khuya áo vô tri... bỗng trở thành những cái nút kịch tính, những cái chìa khóa mở ra khoảng trống của tâm hồn, và có thể, là vận hội để người phụ nữ trẻ mang lại ý nghĩa cho một cuộc đời vô nghĩa. Có thể, cũng có thể không...

17 phút ấy và những hình ảnh trau chuốt khẳng định tài năng của Nguyễn Hoàng Điệp. Được biết kịch bản Đập cánh giữa không trung (phim dài) của nữ đạo diễn đã nhận được tài trợ từ Berlin và Paris và máy quay sẽ khởi động vào tháng 5 tới. 


*


Hai nước Nhật của Phan Bội Châu đưa chúng ta tới nước Nhật cách đây một thế kỉ. Đây là cuốn phim tốt nghiệp thạc sĩ Trường Đại học Quốc gia Nghệ thuật Tokyo (2007) của Phan Đình Anh Khoa.

1905, Nhật thắng Nga. Chiến thắng của Nhật Bản như tiếng sấm, tia chớp xé tan màn đêm bao phủ các nước thuộc địa ở Châu Á, mở ra triển vọng giải phóng đất nước bằng đấu tranh vũ trang. Sào Nam Phan Bội Châu thay mặt hoàng thân Cường Để bí mật sang Nhật để cầu viện. Qua sự giới thiệu của Lương Khải Siêu lúc ấy đang tị nạn ở Nhật, ông gặp những nhân vật trong giới chính quyền Nhật Bản (các cuộc đối thoại, như ta biết, đều diễn ra bằng bút đàm Hán tự, vì Phan không nói được tiếng Trung Hoa, tiếng Nhật thì càng không). Qua lời khuyên sáng suốt của nhà canh tân Trung Quốc, Phan Bội Châu quyết định phát động phong trào Đông Du, đưa thanh niên sang Nhật học hỏi (quân sự chỉ là một phần trong chương trình học tập), thay vì cầu viện vũ khí mà chưa có người biết sử dụng. Thế là trong vòng 2 năm trời, cũng với Cường Để, khoảng hai trăm du học sinh Việt Nam đã vào học những trường Nhật Bản. Nhưng năm 1908, đế quốc Nhật ký hiệp định với chính quyền thực dân Pháp : Pháp thừa nhận chủ quyền của Tokyo trên bán đảo Triều Tiên mà quân đội Thiên Hoàng vừa chiếm đóng, và đổi lại, Nhật thừa nhận chủ quyền của Pháp trên "toàn cõi Đông Pháp". Hệ quả tất nhiên là chính quyền Nhật giải tán phong trào Đông Du, trục xuất Phan Bội Châu và các đồng chí. Nhiều du học sinh phải trốn tránh những cuộc truy tìm và khám xét của cảnh sát Nhật.

Trong tình cảnh tuyệt vọng do sự phản bội của chính quyền Nhật Bản, Phan Bội Châu đã khám phá ra một nước Nhật khác, mà hiện thân là bác sĩ Asaba Sakitaro. Không một chút ngại ngần, "thầy" Asaba và gia đình đã dốc hết tiền tiết kiệm trong nhà (1700 yên, trong khi lương tháng của hiệu trưởng một trường trung học lúc đó là 18 yên) gửi cho Phan Bội Châu, một người ông chưa bao giờ gặp, ngay khi ông nhận được lá thư cầu cứu. Sau đó, bệnh viện, rồi nhà riêng của ông, sẽ là nơi trú ẩn cho những du học sinh Việt Nam lẩn tránh cảnh sát. Trước khi rời nước Nhật (nhà cầm quyền cho ông thời hạn 10 ngày để ra đi), Phan Bội Châu đã đến gặp và cảm ơn ân nhân. Lần sau, khi bí mật trở lại nước Nhật, thì Asaba đã từ trần. Phan Bội Châu sẽ dựng một tấm bia để gửi gấm "nỗi lòng không biết nói cùng ai". Câu chuyện dựng tấm bia cao hơn hai mét gần ngôi mộ Asaba tự nó là một biểu tượng tuyệt vời của nhân dân Nhật đối với những người Việt Nam yêu nước.

Với những hình ảnh đơn giản, những tư liệu tìm lại từ nhiều nguồn (trong đó có văn khố của Bộ ngoại giao Nhật) Phan Đình Anh Khoa đã cho khán giả ngược dòng lịch sử, sống lại những năm tháng mà sau này, "ông già Bến Ngự" viết trong Tự Phán rằng "đó là những năm tháng hạnh phúc nhất" đời ông.

Một trăm năm sau, trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm, đông đảo người Việt Nam biết phân biệt nhân dân Pháp với chính quyền Pháp, nhân dân Mỹ với chính quyền Mỹ, coi đó như cái gì hiển nhiên. Hai nước Nhật của Phan Bội Châu xác nhận chân lý ấy, và hơn nữa, cho ta thấy, đó thuộc loại chân lý không phải dân tộc nào cũng dễ nhận ra, thời nào cũng dễ thấy. Tôi không thể không mở ngoặc để nói tới quan hệ hiện nay của nước ta với Trung Quốc. Trong khi, vì những lí do không bàn ở đây, chính quyền Việt Nam bị và tự trói chặt trong cái còng "16 chữ vàng", người Việt Nam chúng ta làm gì để gặp và kết thân với những Lương Khai Siêu, những Asaba ở phương Bắc ? Chẳng lẽ không có "Trung Quốc thứ nhì" hay sao ? Chẳng lẽ Lỗ Tấn tuyệt tự, hay chỉ có một hậu duệ là Lưu Hiểu Ba đang ở trong tù ?

Nhưng thôi, hãy cứ coi đó là câu chuyện khác. Được may mắn xem đi xem lại 30 phút Hai nước Nhật của Phan Bội Châu, tôi chỉ mong rằng cuốn phim này sớm được phát hành rộng rãi ở trong nước và trên thế giới.

Kiến Văn





Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss