Những ngày chủ nhật ở Ville d'Avray
ĐIỆN ẢNH
Những ngày chủ nhật ở Ville d'Avray
LES DIMANCHES DE VILLE D'AVRAY
PHAN TAM KHÊ
Có thể nào vừa ngưỡng mộ, vừa ngượng ngùng khó chịu khi phải xem một cuốn phim kể lại mối tình của một người đàn ông 30 tuổi và một bé gái 12 tuổi chăng ? Điều đó rất có thể nhưng phải kèm theo nhiều điều kiện ; người đàn ông phải là một người mất trí, tầm thông minh của ông chỉ ở mức độ của tuổi 13 ; đứa bé gái thủ vai chính phải có biệt tài và đạo diễn phải là một tài năng hết cỡ, để có thể làm cho câu chuyện nhuốm màu thi tứ và mộng mơ. Đó là trường hợp của đạo diễn Serge Bourguignon trong phim Những ngày chủ nhật ở Ville d'Avray.
Mở đầu phim là cảnh dội bom khủng khiếp một vùng quê ở Đông Dương. Cận cảnh cuối cùng được phóng to là khuôn mặt hãi hùng của một bé gái với tiếng thét xé lòng, tiếp theo đó là cử chỉ sảng sốt của người phi công, giật phắt chiếc mũ phi hành ra khỏi đầu.
Trên sân ga Ville d'Avray êm ắng đã vãn người, chỉ còn lại người phi công đang chờ đợi người bạn gái chưa về ; anh lơ láo nhìn tấm quảng cáo có hàng dừa xanh như cố gợi nhớ đến cõi xa xăm. Bỗng nhiên, trên màn ảnh xuất hiện một bé gái rấm rức khóc, đang níu tay một người đàn ông, cô bé nửa khóc nửa van lơn : « Xin bố đừng bỏ con vào ký túc xá ! ». Tiếng khóc càng lúc càng day dứt cuốn hút lấy người phi công. Anh tiến lại gần :« Không nên để cô bé khóc như thế ». Giọng nói thảng thốt và đôi mắt ngẩn ngơ. Anh chìa bàn tay đầy những viên sỏi và bảo cô bé hãy chọn viên nào cô thích nhất. Hai luồng nhãn quang giao tiếp như báo hiệu cho một cuộc giông tố bắt đầu. Người cha giật tay và lôi cô bé đi soãi chân theo một bức tường đen đủi. Ngớ ngẩn, người phi công đuổi theo. Sau khi đưa cô bé vào ký túc xá và sau khi hứa sẽ trở lại mỗi cuối tuần để đưa cô bé đi chơi, người cha vứt bỏ chiếc cặp da có giấy tờ liên quan đến cô bé và biến mất trong đêm. Pierre -- tên người phi công -- được nghe lỏm câu chuyện của hai cha con, anh nhặt lấy cặp giấy và trở về. Từ đó, cứ mỗi cuối tuần, nhân danh cha đến lãnh Françoise -- tên cô bé -- đi chơi.
Họ lang thang trong các khu rừng, các hồ nước; các nẻo đường vắng lặng, họ đuổi nhau, chơi hú tim như những trẻ con. Françoise kể cho Pierre nghe về quá khứ của em, về gia đình, về bà ngoại mình, người Phi Châu, về tập tục dùng dao găm để đoán vận mệnh của người Phi Châu và cho Pierre biết Françoise không phải là tên thật của mình. Françoise mơ có một gia đình và trong đó Pierre sẽ là chồng. Françoise đã sống với quá khứ, đang sống trong hiện tại và sẽ sống cho tương lai trong khi đó thì Pierre chỉ còn có hiện tại.
Những ngày chủ nhật lang thang trên đường phố Ville d'Avray trôi qua một cách êm đềm. Thế rồi, một chủ nhật kia khi Madeleine, người nữ y tá đã tận tình săn sóc và yêu thương Pierre được nghỉ. Cô báo cho Pierre biết là họ được bạn bè mời đi chơi. Pierre sảng sốt vì đời sống đều đặn của những ngày chủ nhật bị xáo trộn và vì không có phương tiện nào để báo trước cho Françoise. Nhiều lần anh cố tìm cách lẩn trốn mà cũng không xong. Sau khi ăn uống xong, bọn họ kéo nhau đi xem tướng số, và vì nhớ đến câu chuyện của Françoise, Pierre đã lấy trộm chiếc dao găm của bà chủ nhà tướng số. Về phần Madeleine, cô càng muốn xáp lại gần Pierre thì Pierre lại càng lẩn tránh. Pierre là một người mắc bệnh mất trí, mọi hành động của anh đều do bản năng dắt dẫn, tất cả những điều đó không qua mắt được cô y tá Madeleine. Madeleine bắt đầu theo dõi và cô bỗng nhận ra là mối tình của Pierre và Françoise chỉ là một mối tình trẻ thơ, hồn nhiên và cảm động. Cô thông cảm và càng yêu thương Pierre hơn.
Hardy Krüger (Pierre) và
Patricia Gozzi (Françoise / Cybèle)
Mùa Giáng sinh sắp đến. Pierre hứa với Françoise là sẽ tổ chức một đêm Giáng sinh tuyệt diệu cho chính họ. Trong đêm Giáng sinh Pierre sẽ mang đến một cây thông và con gà trống sắt trên đỉnh nhà thờ, và Françoise sẽ viết tên thật của mình trên mảnh giấy bỏ vào một chiếc hộp treo trên cây Noël. Đêm Giáng sinh sẽ đến, họ vui vẻ chạm cốc Champagne, và Pierre mở chiếc hộp trong đó có hàng chữ CYBÈLE (1).
Trong lúc đó thì Madeleine đi và điện thoại cùng khắp để tìm Pierre. Madeleine được một ông bạn chở xe đi tìm, cùng lúc ấy ông ta cho cô biết là đã điện thoại cho cảnh sát. Hoảng hốt, Madeleine điẹn thoại cho một người bạn thân, là một nhà điêu khắc, là nơi mà Pierre thỉnh thoảng đến làm để kiếm tiền túi, để giải khuây và cũng là nơi mà anh đã đến đánh cắp cây Noël. Madeleine và hai ông bạn cảm thấy là an ninh của Pierre bị đe dọa, họ gấp rút sục sạo tìm kiếm và mong rằng sẽ tìm ra được Pierre trước cảnh sát.
Cảnh cuối cùng : Pierre nằm sóng soài trước họng súng của viên cảnh sát. Françoise nghẹn ngào bên thân thể bất động của Pierre. Cảnh sát viên cho biết, may mà ông kịp thời hạ sát Pierre, nếu không thì hung thủ đã dùng chiếc dao găm để giết chết đứa bé !!! Một ngộ nhận hàm hồ. Cảnh sát viên tiến gần Françoise và hỏi : « Cháu tên gì ? ». Cô bé hét lên :« Tôi không có. Tôi chẳng còn là gì cả ».
Ống kính quét từ từ trên bức tường đen đủi của một tu viện, đồng thời khúc nhạc đưa tang trỗi mạnh...
Toàn bộ cuốn phim không toát ra một cảm giác khó chịu nào, câu chuyện chẳng có gì là đen tối, và thẳng hoặc nếu có một khán giả khó tính, thì nụ cười cảm thông và hiền hòa của Madeleine khi nhìn trộm Pierre và Françoise đang nô đùa như hai đứa trẻ (mà là hai đứa trẻ thật sự) cũng nói lên được cái trong trắng của hai nhân vật và sẽ thuyết phục được người khán giả kia.
Hai nhân vật chính của phim là hai con người bị quá khứ đốn ngã, họ tìm về nhau, họ cần có nhau, họ nương tựa vào nhau để xây dựng một hiện tại mong manh. Họ sống phút chốc, không có ngày mai, cuộc đời của họ là ngõ cụt, và nếu Françoise có nghĩ đến một ngày mai, thì cái ngày đó chỉ là một ước mơ. Giữa họ có một gắn bó thân thương và một tình yêu trong sáng :« Màu xanh của thiên đường tình yêu thơ dại » đó là đầu để lớn của tờ Pèlerin đã đề cập đến phim vào thời điểm phim ra mắt (1962).
Tất cả các chi tiết của phim được khai thác một cách hết sức tế nhị. Ngay lúc đầu, khi Pierre nói với người cha : « Không nên để cho bé khóc như thế », giọng điệu và nét bộ mặt ngớ ngẩn đã cho khán giả thấy được trạng thái tri thức của Pierre : có một thoáng gì bất ổn. Tình yêu của Madeleine với Pierre cũng chu đáo, nhẹ nhàng đáng yêu. Phải là một người hồn nhiên, nhạy cảm, có một giác quan sắc bén mới có thể thực hiện được một cuốn phim như thế. Serge Bourguignon là con người ấy. Serge Bourguignon không những đã thực hiện được một cuốn phim hay mà ông đã thực hiện được một tuyệt tác ; như một bài phê bình trong tờ News đã viết : « Đây là một cuốn phim chưa từng có trong lịch sử điện ảnh, và sẽ chẳng bao giờ có một phim như thế » ; cũng tại Mỹ, một bài phê bình khác đã viết :« Đây không phải là một cuốn phim, mà đây là một màn ảo thuật. »
Ngay lúc trình làng, Những ngày chủ nhật ở Ville d'Avray đã làm cho giới điện ảnh chú ý. Phim đoạt "Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo" tại hội phim Venise năm 1962, và đã lọt vào mắt xanh của một nhà phân phối phim Mỹ và vì thế phim được chiếu tại New York. Phim được giới phê bình Mỹ nhiệt liệt hoan nghênh. Vài tuần sau, nó được chiếu tại Paris. Ở đây, chúng ta phải mở một dấu ngoặc : tại sao nó không được ra mắt ngay lúc đầu ở Paris ? Điều đó đã được giải thích như sau : khi phim hoàn thành, nhà sản xuất đắn đo không biết nên phát hành phim theo thể loại nào : "art et essai" (2) hay "grand public" (3). Sau khi thấy phim đạt được thành công ở New York, người ta đã phát hành theo thể loại "grand public". Nó đã được quần chúng hoan nghênh và vài nhà phê bình ngưỡng mộ. Khốn thay, vài không phải là tất cả. Có nhiều nhà phê bình lúc bấy giờ (và nói cho cùng, bây giờ cũng thế) đã nắm trọn vận mệnh của các nghệ sĩ trong tay họ, họ đã không nương tay với Những ngày chủ nhật ở Ville d'Avray. Chủ chốt trong việc này là nhóm "Nouvelle Vague" (Làn sóng mới). Một vài người trong nhóm này đã tỏ ra lạnh nhạt, hờ hững, và một vài nhà phê bình khác đã không ngần ngại lên tiếng chê bai, miệt thị. Tội nghiệp, Serge Bourguignon chỉ phạm một lỗi duy nhất là không thuộc về "gia đình" này. Hơn thế nữa, ông đã có dịp chu du nhiều nơi, nhất là vùng Cực Á, ông có một tầm nhìn rộng và hiểu biết nhiều về thế giới bên ngoài, cái tầm nhìn mà những người hãnh tiến trong nhóm "Nouvelle Vague" không có được, họ như những con "gà nhà ăn quẩn cối xay", chỉ thực hiện những đề tài quay quanh các vấn đề thuộc nước Pháp.
Cái tầm nhìn của Bourguignon còn được thể hiện qua nghệ thuật, qua cách dàn dựng, qua cách quay phim của ông, và nhất là đề tài mà ông đã chọn là một đề tài không phụ thuộc vào một thời đại hay một không gian nào. Cái đặc điểm đã làm cho nhóm "Nouvelle Vague", những người đã tự cho mình nắm trọn trong tay cuộc cách mạng về hình thức cũng như nội dung của nền điện ảnh Pháp, không chấp nhận nổi.
Thêm vào đó, Brigitte Bardot, vào thời ấy đang ở đỉnh cao của nền điện ảnh Pháp, rất ưa thích Những ngày chủ nhật ở Ville d'Avray ; bà đã yêu cầu Bourrguignon viết và thực hiện một cuốn phim mà bà sẽ thủ vai chính (cuốn phim A coeur joie). Rất tiếc là cuốn phim không mang lại kết quả tốt.
Việc nhận được giải thưởng Oscar vào năm 1963 đã củi lửa thêm cho sự ganh tị của nhóm "Nouvelle Vague", nhưng lại mở đường cho Bourguignon đi vào Hollywood. Ông thực hiện tại Mỹ cuốn phim The Reward (Khen thưởng), một loại phim cao bồi hiện đại. Mặc dù có nhiều diễn viên danh tiếng tham dự, nhưng phim cũng không đạt được kết quả mong muốn.
Về lại Pháp, ông để hết tâm lực vào việc chăm sóc đàn ngựa của ông (ở Dordogne), đây là đam mê lớn của ông, điều này chúng ta đã thấy qua phim Những ngày chủ nhật ở Ville d'Avray trong đó ông đã đóng vai kỵ mã. Ông đã thực hiện một phim tài liệu cho truyền hình và cho màn ảnh lớn Mon royaume pour un cheval (Vương quốc của tôi cho một chú ngựa).
Sự kiện Những ngày chủ nhật ở Ville d'Avray không được chiếu trên màn ảnh truyền hình, không được phát hành DVD, và chỉ được chiếu hiếm hoi trên màn ảnh lớn đã làm cho huyền thoại Những ngày chủ nhật ở Ville d'Avray càng lúc càng lớn mạnh hơn. Cinémathèque française ở Paris chỉ chiếu lại khoảng 10 năm một lần, và lần nào của chật ních khán giả.
Vào tháng 4 năm nay, sau 47 năm vắng bóng, phim đã được chiếu lại ở một số rạp, và lần trở lại này kéo dài đến hơn cả 5 tuần, đó là điều hiếm có. Sau mỗi buổi chiếu, khán giả thường bàn tán về phim và cho rằng thời gian đã không để lại một tì vết nào trên phim, phim không hề bị lão hóa, phải chăng đây là dấu ấn của một tuyệt tác ?
Le Montchic, 14.5.2010
PHAN TAM KHÊ
(1) Vì vậy mà tên thật của phim là Cybèle ou Les dimanches de Ville d'Avray, và tên tiếng Anh là Cybele and Sundays.
(2) Nghệ thuật và thử nghiệm.
(3) Đại chúng.
Các thao tác trên Tài liệu