Phim ĐỪNG ĐỐT chiếu tối thứ tư 5.5 ở Paris
Giới thiệu phim mới của Đặng Nhật
Minh
Đừng đốt
trên màn ảnh Paris
Kiến Văn
Tối thứ tư 5.5 này, câu lạc bộ YĐA (Yêu Điện Ảnh) sẽ chiếu cuốn phim Đừng đốt tại rạp Studio de la Clef với sự có mặt của đạo diễn Đặng Nhật Minh (xem ở đây).
Những ai theo dõi sự xuất hiện của Nhật kí Đặng Thùy Trâm chắc không quên câu nói : "Đừng đốt ! Trong đó đã có lửa rồi !". Đó là lời của trung sĩ quân đội Sài Gòn, anh Nguyễn Trung Hiếu, khi anh trao cuốn sổ tay của bác sĩ Đặng Thùy Trâm cho Fred Whitehurst, viên sĩ quan quân báo có nhiệm vụ khai thác tư liệu "bắt được của địch" (và đốt đi những gì không phục vụ mục tiêu tình báo). Như tên gọi của nó, Đừng đốt không phải là cuốn phim truyện minh họa những trang nhật ký (mặc dầu đây tự nó là một tác phẩm quan trọng), cũng không phải đơn thuần là hành trình 35 năm của hai cuốn nhật ký (mặc dầu đó là một câu chuyện kì lạ đã gây xúc động và tạo nên sự chú ý về cuốn sách bán chạy nhất ở Việt Nam năm 2006 và đã được dịch và xuất bản ở Mỹ và hơn 10 nước khác).
Đặng Nhật Minh đã chọn một "góc tiến công" khác : qua cuộc phiêu du của hai cuốn sổ tay, anh đã đưa người xem vượt không gian và thời gian, đi vào thế giới nội tâm của Thùy (cô gái tận tụy, nhiệt tình nhưng "mắc bệnh tiểu tư sản", tự nguyện "đi B" chiến đấu vì... tình, và đồng thời lại vô cùng yêu nước và yêu đồng loại, thậm chí rất "bôn" nữa), vào cuộc chiến tranh ghê gớm diễn ra ở huyện Đức Phổ Quảng Ngãi, cuộc chiến tranh sống ở cả hai phía (phía cách mạng, trên mặt đất và dưới mặt đất ; phía bên kia, từ máy bay lên thẳng hay trong những căn cứ khổng lồ), và cuộc sống từ đó đến nay ở hậu phương (Hà Nội, Mỹ) và tại Đức Phổ.
Với kinh phí thuộc loại lớn, do ngân sách nhà nước (11 tỉ đồng, tức khoảng 400 000 €, theo Vietnamnet) cung cấp, lại được quân đội hỗ trợ, Đừng đốt có những cảnh chiến sự "hoành tráng" (tất nhiên không thấm vào đâu so với phim Mỹ), nhưng đây không phải là phim chiến tranh.
Tôi muốn nhấn mạnh điều này để giải hoặc một số thành kiến (dễ hiểu). Trước hết là thành kiến "tuyên truyền". Bắt đầu ngay từ cuốn Nhật ký : đây không phải là một tác phẩm ngụy tạo, bản gốc của nó vẫn còn được lưu trữ tại Trung tâm tư liệu Lubbock (Texas), nó không phải do Bộ 4T tung ra, mà do một nhà xuất bản tư nhân (Nhã Nam) quyết định xuất bản. Thành công thương mại của cuốn nhật ký chắc chắn không nằm trong dự tính của nhà xuất bản, càng không do chủ trương tuyên truyền. (Và khi bộ máy tuyên truyền tưởng bở, tung ra một cuốn nhật ký khác, thì chẳng mấy kết quả, nếu không nói là thất bại).
Cuốn phim cũng vậy. Người có thành kiến
có quyền nghi ngờ khi nhà nước bỏ ra một số tiền lớn như mỗi lần nó
muốn cho ra những cuốn phim mà giới điện ảnh vẫn gọi là "phim cúng cụ",
ngân sách đồ sộ (bỏ vào những cái túi cũng khá hoành tráng), chiếu khai
mạc ầm ĩ, hôm sau thì bỏ xó vì không ai xem. Càng nghi ngờ khi Đừng đốt
được "trình chiếu" nhân ngày 30/4 năm ngoái. Rồi được bông sen vàng,
cánh diều vàng, được "cử" làm đại diện cho phim Việt Nam tranh giải
Oscar. (Nhưng giải bình chọn của công chúng ở Liên hoan phim Fukuoka
thì khó gọi là "chính trị", phản ứng của công chúng ở Mỹ cũng thế).
Vậy mà không phải vậy. Cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, như ta biết, không phải là bản anh hùng ca "đúng lập trường". Nó cho thấy sự dã man của "giặc Mỹ" và đồng thời tâm địa gớm ghiếc của những "đồng chí" ngay từ những ngày chiến đấu ác liệt. Cuốn phim cũng thế : ở đây hầu hết các nhân vật, VC (chị Thùy và các bạn), Mỹ (Fred, gia đình...), hay "ngụy" (anh Hiếu) đều là những con người "tốt", đầy ắp tình người. "Hầu hết", vì nhân vật "phản diện" duy nhất trong phim là đồng chí bí thư đảng ủy bệnh viện, dũng cảm chạy ngay về "cứ" để "báo cáo kết quả đợt học tập chính trị", để Thùy ở lại với thương bịnh nặng, một mình chống chọi (và hy sinh) với trận càn của quân địch.
Có lẽ chính vì sự trung thực ấy -- trung thành với tâm trí của Đặng Thùy Trâm, và tôn trọng nhân cách của những Fred, Hiếu..., nhất là sự mến phục hai bà mẹ, bà mẹ Việt Nam và bà mẹ Mỹ -- mà Đừng đốt đã chinh phục được lòng người. Nói khác đi, Đặng Nhật Minh đã chọn đúng "góc tiếp cận". Tôi biết anh đồng cảm như thế nào với con người Đặng Thùy Trâm và con người Fred Whitehurst. Và anh đã truyền được sự đồng cảm ấy cho các diễn viên, cũng như đội làm phim, kể cả hai nhạc sĩ Hung phụ trách phần âm nhạc.
K. V.
Các thao tác trên Tài liệu