Một cầu thủ Việt Nam dự giải quán quân quốc tế bóng bầu dục
Một
cầu thủ
Việt Nam
dự giải quán quân
quốc
tế bóng bầu dục
Võ Quang Yến
Từ ngày 15 tháng chín đến ngày 23 tháng mười 2011 sắp tới sẽ có tổ chức Giải Quán quân Quốc tế Bóng bầu dục 15 (rugby à 15) ở New-Zeland, trên 20 sân vận động, giữa 20 đội tuyển quốc gia : 12 đội đã đạt đến vòng tứ kết Giải Quán quân lần trước năm 2007 và 8 đội đấu tuyển giữa 80 nước còn lại. Nước Pháp sắp hạng thứ tư cuôc thi đấu trước nên tất nhiên được chọn vào Giải Quán quân năm nay. Mỗi đội chỉ có thể đến dự với 30 cầu thủ nên cuộc chọn lựa lâu dài đã gây vài thất vọng cho những người không được tuyển. Thật ra, từ bốn năm nay, các huấn luyện viên đã theo dõi những trận đấu trong nước và vài trận đấu thân hữu quốc tế hay trong những trận thi đấu quốc tế tay ba (ở nam bán cầu), tay sáu (ở Âu châu) nên, trừ một vài trưòng hợp, phần lớn những cầu thủ hầu như biết trước số mệnh của mình. Môn bóng bầu dục rugby ra đời năm 1823 tại thị trấn Ragby bên nước Anh, là một môn thể thao mới lạ đối với người Việt nói riêng, với người châu Á nói chung : như tên gọi, mỗi đội gồm có 15 cầu thủ, chơi cả tay lẫn chân, mục tiêu là đặt cho được bóng sau đường vạch khung thành địch thủ hay đá vào xà trên khung thành hình chữ H. Đến nay bóng bầu dục rất ít thấy ở Á Đông, ngay cả ở Ấn Độ là nơi có truyền thống thể thao Anh quốc. Các nước chơi giỏi môn thể thao nầy tập trung ở Úc châu, Nam Phi, Nam Mỹ và Âu châu.
Chiều hôm thứ bảy 26 tháng hai năm nay, trong khuôn khổ Giải 6 Quốc gia (Tournoi des 6 Nations), hai đội bóng bầu dục giỏi nhất Pháp và Anh đã gặp nhau ở sân vận động Twickenham, London bên Anh. Điều đáng chú ý chiều hôm thứ bảy ấy : cầu thủ phát cú đá đầu tiên, mở đầu trận đấu là một người Pháp gốc Việt, với một phần tư dòng máu Việt, tên là Trịnh Đức François, biệt danh Fouassou. 25 tuổi (sinh ngày lễ Đình chiến 11.11.1986 ở Montpellier), cao 1m84, nặng 90kg, anh là ouvreur (trung vệ cánh trụ cột) của đội, mang áo số 10. Là một trong hai cầu thủ chánh của đội, anh góp phần vào bản lề giữa hai phần phòng vệ và tấn công, tương tự như cầu thủ số 10 trong đội bóng tròn. Báo chí khen ngợi anh có đủ đức tính sức mạnh, bình tâm, uy tín để chỉ đạo ván chơi. Có óc chiến lược, anh phát hiện mau chóng điểm yếu của đội địch nên vừa biết chèn, ngáng, đẩy, ôm chặn đắc lực đối thủ để phòng vệ, vừa biết chạy mau, chuyền bóng lanh chóng, đúng lúc, đúng chỗ cho bạn đồng đội để tấn công. Chiều hôm thứ bảy vừa qua, anh bị thương, phải thôi cuộc giữa chừng và đội Pháp bị thua nhưng huấn luyện viên Marc Lièvrement vẫn tin cậy ở anh và anh đã được tiếp tục tuyển vào đội trong các ván đấu sau. Để đạt đến vị trí nầy, từ lâu anh đã tỏ ra có nhiều khả năng trong các trận đấu và nhiều thiện chí trong những buổi tập dượt.
Chắc chắn là François không có truyền thống lâu đời trong môn thể thao bóng bầu dục. Ông nội anh, ông Trịnh Đức Nhiên, quê quán cách xa Hà Nội 40 km, tòng quân vào quân đội Pháp ở Đông Duơng và khi mãn lính qua Pháp lại dấn thân vào cuộc kháng chiến chống Đức. Sau khi hòa bình trở lại ông được đưa về cư trú ở làng Sainte-Livrade, thuộc tỉnh Lot-et-Garonne, là một nơi những cựu binh sĩ bị cư xử tàn tệ, mất hết mọi nhân quyền và phẩm tước. May cho ông có một cặp vợ chồng không có con nhận ông làm con nuôi và cho đi học một trường dạy may ở Paris. Tốt nghiệp, ông bắt đầu mở một tiệm may thủ công truớc khi về thành phố Agen vào khoảng thập niên 50 làm thuê cho một hãng áo quần may sẵn. Ông cưới một bà vợ gốc Ý sinh ở Argentina, có hai con : Albert và Philippe. Albert trở thành một bác sĩ cấp cứu ở thị trấn Saint-Esprit, có một con là Antoine, lúc trẻ ông chơi bóng bầu dục ở vị trí pilier gauche hai đội Caudecoste và Colayrac. Nếu Albert vẫn tiếp tục sống ở Agen, Philippe dọn về nam, vượt sông Orb qua định cư ở tỉnh Hérault. Con ông, François, theo gương chú và anh, tuy cũng có chơi nhu đạo, quần vợt, bắt đầu tiếp xúc với bóng bầu dục ở Montpellier. Còn nhỏ anh chơi ở vi trí demi de mêlée ở Trường dạy bóng bầu dục Pic Saint-Loup. Lớn lên, anh đổi vị trí qua demi d’ouverture. Ở tuổi thiếu niên (15-17 tuổi) anh nhập đội bóng "Montpelleir Hérault rugby" rồi được tuyển vào "Pôle France" ở Trung tâm Quốc gia Bóng bầu dục ở Linas-Marcoussis, miền nam Paris. Trong tay một người có khả năng, "Pôle France" có thể xem như một dụng cụ để cầu thủ nắm lấy nhắm đường chuyên nghiệp. Năm 17 tuổi, anh đã được ngôi sao Gregor Towsend nước Scotland ngợi khen là cầu thủ có khả năng phát hiện khoảng mở trong hàng ngũ đối phương để chuyền bóng cho bạn đồng đội. Một lời khen ấy có thể thổi phồng chàng trai lên chín tầng mây, nhưng anh kiên cường giữ chân trên đất và tiếp tục chăm chỉ học hành, thi đậu Tú tài ban khoa học S và, trong thời gian tập sự ở khoa Khoa học và Kỹ thuật Hoạt động Thể dục và Thể thao, tốt nghiệp bằng Cử nhân Quản lý Thể thao ở viện Đại học Montpellier vì anh nghĩ rất đúng là sống trong môn thể thao chỉ có một thời kỳ thanh niên rất giới hạn, quá lắm là mười năm. Đằng khác cầu thủ bóng bầu dục không ăn lương lớn bằng cầu thủ bóng tròn…
Trận đấu đầu tiên ở mức cao của François Trịnh Đức là đá với Montpellier chống Biarritz năm 2005. Sau đó anh được tuyển vào đội bóng của Pháp, 3 lần đội dưới 19 tuổi, lần đầu chống đội Scotland, một lần đội dưới 21 tuổi năm chống đội Wales. Năm 2008, lần đầu tiên anh chính thức được tuyển vào đội Pháp chống Scotland. Năm 2010, nhờ thành tích vẻ vang trong trận đấu chống Samoa, anh được vinh danh Talon d’Or. Cũng ở năm nầy, với đội tuyển Pháp, anh dự Giải 6 Quốc gia và thành công thắng Grand Chelem nghĩa là không thua một trận nào. Một lần nữa anh được vinh danh Talon d’Or nhờ thành tích trong trận đấu chống Ireland. Tiếp theo đó anh được tặng thưởng giải Oscar du Midi ở sân vận động Yves-du-Manoir tại Montpellier. Huấn luyện viên Marc Lièvremont không hết lời khen ngợi François, cho anh đã thành công điều khiển đội Pháp vẻ vang chống lại được hàng tiền đạo hùng mạnh địch thủ. Từ khi nhận chức huấn luyện viên đội bóng quốc gia cách đây ba năm, Marc Lièvrement đã sáu lần thay cầu thủ số 10 và thấy như từ nay ông đã tìm ra được người xứng đáng ở vị trí nầy. Trí óc thanh thản, cơ thể khoẻ mạnh, lại ở tuổi trẻ trung, François có đủ điều kiện để điều khiển đội bóng và trong còn nhiều năm. Anh chỉ buồn ở một điểm : anh không giỏi trong kỹ thuật sút bóng vào khung thành. Đến nay, những cầu thủ ở vị trí anh thường nhẹ cân hơn nhưng anh nghĩ đúng là trong lúc mọi cầu thủ đang lên cân, số 10 cũng phải theo đà nặng thêm để khỏi là một điểm yếu của đội. Tuy nhiên, anh có một đời sống lành mạnh, áp dụng một thực đơn dinh dưỡng vừa đủ : cơm, bún, thịt, rau, không hút thuốc, rượu chè thì rất có hạn, chỉ sau một trận đấu hào hứng thì bạn bè cùng nhau nhậu nhẹt chút ít, gọi là hiệp thứ ba. Ngày nay, cùng các bạn đồng đội, anh náo nức chờ đợi Giải Quán quân Quốc tế 2011 sắp đến ở New-Zeland để đạt mục tiêu mong ước trở thành vô địch quốc tế, hy vọng sự kiện thua trận vừa qua trước đội Anh không làm nản lòng, nhụt chí của anh cũng như của các bạn. Trong khuôn khổ chuẩn bị, vừa qua đội Pháp thắng hai lần liên tiếp đội Ireland, làm phấn khởi phần nào các bạn đồng đội Pháp.
Trong lúc chờ đợi, Trịnh Đức François không quên nguồn cội Á Đông của anh. Trước hè 2010, nhân được Liên đoàn Bóng bầu dục Hồng Kông mời qua trong chương trình vận động bóng bầu dục Á châu nhắm mục đích Giải quán quân quốc tế năm 2019 ở Nhật Bản, trong thời gian ở Phnom Penh, anh ghé thăm một hội phi chính phủ Pour un sourire d’enfant (Cho một nụ cuời con trẻ) trước khi trao bóng với những đấu thủ trẻ và dự một trận đấu biểu diễn. Theo Liên đoàn Bóng bầu dục Campuchia đây là một dịp hiếm có để quảng cáo bóng bầu dục ở xứ họ. Bên phần Liên đoàn Bóng bầu dục Hồng Kông thì tổ chức một cuộc gặp gỡ hơn 150 cầu thủ trẻ các hội với François. Họ mơ ước lập lên một chiếc cầu nối giữa hai liên đoàn Pháp và Hồng Kông. Trong luôn hai tiếng đồng hồ, những cầu thủ 6-15 tuổi tập dượt trước con mắt phê phán của François. Sau cùng, chàng trai nước Pháp biểu diễn cách sút vào khung thành. Các nhà lãnh đạo Liên đoàn Hồng Kông thú thật : Thật là may mắn cho các cầu thủ Hồng Kông. François không những là cầu thủ giỏi nhất thế giới mà còn là một cầu thủ mẫu mực cho giới trẻ Hồng Kông. Chúng tôi hy vọng hôm nay chỉ là bước đầu một cuộc hợp tác lâu dài. Bên phần François cũng tỏ vẻ hài lòng. Anh tâm sự : Tôi rất vui thích có dịp truyền đạt nhiệt huyết của mình cho bọn trẻ và không chỉ dạy chúng cách chơi bóng tôi còn muốn chỉ cách chúng vui thích khi chơi. Lẽ tất nhiên khi trẻ thì ai cũng muốn quên bỏ mọi ràng buộc để vui chơi với bạn bè nhưng đồng thời cũng phải học tập kỹ thuật. Trong lúc ban đầu nầy, tôi chỉ muốn đem lại tâm trạng vui vẻ của tôi để cố thử lưu giữ vẻ tươi tỉnh của lớp tuổi trẻ ấy. Sau cùng, sau khi trả lời bao câu hỏi về đời sống của anh, về thời sự thể thao, về môn bóng bầu dục,…anh không quên nêu lên một vài khái niệm luận lý : Ở trường bóng bầu dục ta không chỉ học để thành cầu thủ mà còn học làm người với những phẩm giá như sự kính trọng, tình đoàn kết, tình bạn bè,…mà ta cần áp dụng hằng ngày. Và đó chính là môn thể thao bóng bầu dục. Bao giờ đến lượt Việt Nam mời anh về thăm ?
Ở tuổi 25, với hơn 20 lần được tuyển vào đội bóng quốc gia, Trịnh Đức François có những nhận định rất già dặn. Luôn hết sức nỗ lực trên sân cỏ, anh không phủ nhận một khát khao thắng lợi bất di bất dịch. Khi vừa mới nhận xong một giải thưởng, anh không có chút tự mãn và tuyên bố : Tôi chưa đạt đến mức cao nhất nghệ thuật chơi của tôi. Gần như cầu thủ độc nhất ở Pháp có nhiều khả năng trong vai đấu thủ số 10, anh tự hào : Tôi quan niệm như luôn luôn tự cạnh tranh với chính mình vì tôi tự thấy trong tôi còn có một khoảng tiến triển đáng kể. Để đáp ứng lòng tin ban của lãnh đạo, anh góp phần nhiệt huyết vào dự kiến đầy tham vọng của Liên đoàn Bóng cầu dục Pháp. Không một cản trở nào có thể làm anh lỡ chuyến bay sắp tới qua New-Zeland, nơi với các bạn đồng đội, trong khuôn khổ Giải Quán Quân Quốc tế, anh sẽ lại đọ sức với đội có tiếng All Back, đặc biệt cho anh là đối diện với cầu thủ nổi danh Dan Carter chơi cùng vai bên đội địch, một đội danh tiếng đã cho đội Pháp một bài học mùa thu vừa qua ở Marseille. Dù sao, từ nay nước ta đã có thể hãnh diện ghi một tên Việt Nam, dù không trọn vẹn, trong bảng vàng bóng bầu dục đồng thời sẽ có một cầu thủ hiện diện trong Giải Quán quân Quốc tế sắp tới.
Võ Quang Yến
Xô thành đầu thu 2011
Các thao tác trên Tài liệu