Đọc SAIGON SAMEDI của Đỗ Kh.
Cuối Tuần tại Saigon
Đọc SAIGON SAMEDI
tiểu thuyết thứ hai của Đỗ Khiêm
PHẠM TÙNG CƯƠNG
Sau một chuyến ngao du hơi trật chìa xuyên qua nước Cămpuchia trong KHMER BOLÉRO – cuốn sách trong đó Việt Nam được nhắc đến thường xuyên dù không phải là một phần của cảnh trí trong truyện – Đỗ Kh. nay đã lấy lại hơi sức để cuốn hút chúng ta vào cuộc lữ hành hoang cuồng chẳng kém, lần này ngay tại Saigon trong vòng mấy ngày cuối tuần vào tháng Giêng 1975.
Chuyến đi đến tận cùng đêm này (“may làm sao câu chuyện này phần lớn diễn ra trong đêm”) chỉ là cái cớ để bày ra cuộc diễu hành với nhiều nhân vật ngoạn mục trong cái lồng hiện sinh của họ (Hùng, một trong hai người tham dự chuyến ngao du, được tay bạn thân Dzũng gán cho hình dung từ Sartrien), đồng thời chiếu vài tia sắc cạnh vào tấn bi kịch của xã hội miền Nam vào đầu những năm 1970 (“Các thập niên ở đất nước chúng tôi có vẻ ngắn ngủi, thường thì bị mất một nửa”) : một xã hội bất bình đẳng ở đó sinh sôi một tập quần ma đầu, mánh mung, vô công rổi nghề, đểu giả, ganh tị, cùng những ân tình vụn vặt thường ngày giữa các con người liên đới và đầu óc thực tế.
Ba buổi ra mắt sách Saigon Samedi ở Paris : xem mục TIN SINH HOẠT
của Diễn Đàn
Chẳng hạn Dzũng, con dòng của một gia đình giàu sang và có giáo dục cao (với điện thoại riêng gắn trong phòng ngủ – đừng quên chúng ta đang ở Saigon vào năm 1975 – lái môtô phân khối mạnh, mặc đồ lót nhập, nói được tiếng Pháp tiếng Anh, đánh cặp với con gái một tướng lãnh, và tỏ vẻ ham mê Nietzsche). Đây là một chàng trai tự tin, mộng mơ, khinh mạn, chẳng có phương hướng nhất định, tuy trung thành với bạn (có người gọi đó là tính liên đới giai cấp). Dù tự tin, Dzũng che giấu một nỗi buồn chán hiện sinh (“Đến 12 giờ khuya, ta biết làm chi đây ?”) và có vẻ sống những ngày nhàn cư công tử.
Về phần Hùng, bạn tri kỷ của Dzũng (“bạn tôi theo Sartre trong khi tôi mê Nietzsche, bởi vậy chúng tôi kết với nhau”) và cũng hiển nhiên thuộc giới tư sản thượng lưu ở Saigon (cả hai quen thuộc Cercle Sportif Saigon như thọc tay vào túi ) là một trí thức biết hành động (?) dù lạc loài trong quân ngũ nhưng vẫn đủ lanh lợi biết chụp ngay cơ hội tốt để trốn ra ngoài rong chơi với bạn.
Nhân vật ngoại quốc duy nhất là Frank – người Mỹ. Frank khiến ta nhớ đến “Người Mỹ trầm lặng”. Cũng như Pyle, Frank đã hấp thụ “một căn bản giáo dục tốt” (Harvard ?), làm việc với CIA và đặt tin tưởng vào một “Thành Phần thứ Ba” cho Việt Nam.
Còn thêm Cathy “bức tranh đẹp treo nghiêng trên một tấm vách lôi thôi”, đứng chào hàng trong một tiệm bán nước hoa và bị Tuyết mắng là “gái hư” vì mặc y phục trang nhã ; trong khi Tuyết thì sống một cách vô tư bằng cái nghề xưa nhất trên trái đất. Lại còn Mười, anh nghĩa quân gốc nhà quê ngây ngô và hết lòng lo giúp bạn, khiến độc giả không khỏi xúc động. Còn thêm…
Giữa cái không khí nặng mùi chết chóc ấy (lính chết trận, băng đảng giết nhau, các sinh hoạt trong Quân y viện Cộng hòa…) ta phát hiện các xung lực của sự ham sống (và đôi khi tự hủy) hơn hẳn mức bình thường. “Sự thật của thế gian này là cái chết. Ta phải chọn lựa, chết hoặc dối trá.” Những nhân vật khác nhau trong SAIGON SAMEDI đã chọn, đã dối trá và chết. Thật vậy, ở Saigon cũng như ở Zuydcoote, sự phi lý của chiến tranh và sống chết đè nặng trên đầu con người, dù chỉ trong một khoảng cuối tuần.
Cách kể truyện đã vận dụng khéo một số kỹ thuật điện ảnh như flashback hoặc cho khung hình dừng lại, kèm với sự mô tả đôi khi chính xác cao độ về đời sống dân chúng thường ngày và Saigon vào thời buổi đó. Tác giả có vẻ đùa nghịch với văn bản của mình (...và độc giả cũng thế khi đọc truyện) do các câu chọc cười có quy chiếu rõ ràng rải khắp các trang viết. “Tuyết cũng sẽ cài một cành như thế vào mái tóc cô giống như thiên hạ đã làm trên đường đến San Francisco” (Theo bài hát của Scott McKenzie “If you’re going to San Francisco, Be sure to wear some flowers in your hair”) , “L’envers, l’envers, c’est les autres!” (Hello, “Jean Sol Partre”)…
Theo thiển ý, điều đáng tiếc là tác giả đã không khai thác sâu hơn nhân vật ca sĩ hát rong có một số nét giống François Villon để gia tăng mức sáng sủa, độ chính xác cùng chất biếm lộng đểu và sắc cạnh cho cuốn truyện. Ví dụ, tác giả có thể phơi mở thêm về các nguyên nhân đã xui khiến chàng trai có học với năng khiếu văn chương và cũng có vẻ con nhà gia thế là Hùng gia nhập quân đội trong tư cách binh nhì trong khi bao nhiêu thanh niên khác tìm đủ cách để khỏi đi lính. Tất nhiên, ngưỡng mộ tư tưởng Sartre không thể là lý do khôn ngoan trong trường hợp này, nếu chẳng nói là ngược lại! (Nên xem lại sự chọn lựa của Sartre vào lúc nước Pháp bị Đức chiếm đóng).
Tóm lược sơ đồ phê bình của Paul Nizan trong quyển Les Consciences Réfractaires (Các lương tâm bất phục tùng), triết gia Michel Onfray đã viết như sau : “Mọi thứ văn chương hiện thực, quan tâm đến dân chúng, giai cấp vô sản, tiến bộ xã hội, tố cáo chủ nghĩa tư bản là văn chương tốt; tất cả thơ văn không tốt đều là văn chương độc hại.”
Dù rằng giai cấp vô sản chỉ nhận được một sự quan tâm không xác minh và chủ nghĩa tư bản rừng rú vào thời buổi ấy chỉ bị tố cáo phớt qua, SAIGON SAMEDI thuộc vào dòng văn học tốt. Sau KHMER BOLÉRO, khí lực Đỗ Khiêm chưa cạn. Hi vọng ông vẫn còn đủ hơi sức để cống hiến chúng ta trong một ngày không xa lắm những sáng tác văn chương tốt lành khác.
Phạm Tùng Cương
2-2014
Holmdel, NJ-USA
Chân Phương dịch từ tiếng Pháp
Các thao tác trên Tài liệu