Đọc tiểu thuyết LES FRATERNITÉS của Philippe PAPIN
Giới thiệu tiểu thuyết mới
LES FRATERNITÉS
của Philippe Papin
Philippe Papin được biết như một nhà sử học với những công trình nghiên cứu giá trị về lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại (Histoire de la ville de Hanoi, Fayard, 2001 ; Histoire des territoires de Hanoi. Quartiers, villages et sociétés urbaines du XIXe au début du XXe siècle, Les Indes savantes, 2013 ; Corpus des inscriptions anciennes du Vietnam, Institut Hán-Nôm, EPHE et EFEO, 2005-2010, 22 tập...) cũng như những sách phổ thông về Việt Nam (Vietnam, parcours d'une nation Belin 2003, Vivre avec les Vietnamiens L'Archipel 2010).
Với Les Fraternités, chúng ta làm quen với Philippe Papin nhà văn. Đây không phải là sáng tác văn học đầu tay của ông. Trang 2 cuốn tiểu thuyết mới ra tháng 4.2018, cho biết : dưới bút hiệu Pierre d'Étanges, tác giả đã xuất bản Une belle immobile (Les Indes Savantes, 2010), Confessions cannibales (Flammarion, 2013). Tôi chưa được đọc hai tiểu thuyết này, nên đoán mò rằng lần này ký tên thực, nhà văn muốn đặt cuốn tiểu thuyết mới vào bối cảnh quen thuộc của nhà sử học : Việt Nam thế kỷ XX, và Hà Nội, nơi ông sống nhiều năm, đầu tiên là nghiên cứu sinh, rồi giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ (Hà Nội).
Les Fraternités,
xin tạm dịch là Những
mối tình anh em kết nghĩa. Tại
sao có câu chuyện anh em kết nghĩa, phải đọc đến chương chót mới biết,
nên tôi không giải thích gì thêm, dành cho độc giả cái thú khám phá.
Tiểu thuyết gồm 20 chương, không đánh
số từ 1 đến 20 như thường lệ, mà xen kẽ những chương ghi thứ tự bằng
chữ cái (A), (B)... đến (G) và những chương đánh số 1, 2, ... , 13. Đây
không phải là cách xếp thứ tự cầu kỳ, lập dị, mà có mục đích giúp người
đọc định vị trên trục thời gian. Chương đầu tiên, chương (A) mở đầu
bằng câu : "Tôi trở về Việt Nam sau
năm mươi tám năm vắng mặt. Trở về nhà, dù ai nói gì thì nói, mà không
phải chỉ vì nguyên quán tôi ở đây". Ông già 88 tuổi, năm 2015
trở lại Việt Nam, nơi ông ra đời (năm 1927) và sống liên tục cho đến
năm 1957. Các chương (B), (C)..., (G) sẽ là chuyện hiện tại, còn các
chương 1, 2..., 13 đưa ta đi ngược thời gian, cụ thể là trong giai đoạn
1940-1957.
Đọc hết 300 trang, ta không biết tên họ tiếng Pháp của ông là gì, chỉ biết tên tiếng Việt là Do Thái. Cha mẹ ông là người Pháp. Chính xác hơn, cha ông là bác sĩ, giáo sư y khoa (thầy học của Tôn Thất Tùng), gốc Do Thái, mẹ dòng dõi tiểu quý tộc miền tây nam nước Pháp, có của. Dễ hiểu là họ sống khá cô độc, xa lánh thế giới thực dân (phản động, kỳ thị chủng tộc, hãnh tiến). Năm 1940, với chính quyền Vichy, họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của đạo luật bài Do Thái và bọn cực hữu côn đồ. 13 tuổi, Do Thái chứng kiến cha và em trai bị hành hạ, mở đầu giai đoạn suy sụp thân thể, tinh thần của cha mẹ và em. 18 tuổi, mồ côi, đơn độc. Tư tưởng phục thù bọn phát xít (đôi lúc "ố Pháp") gặp gỡ phong trào Việt Minh, chàng thanh niên 20 tuổi bỏ đại học, ra vùng kháng chiến. Cái tên Do Thái bắt đầu từ đây. Do Thái thì không mấy nông dân Việt Nam biết là dân tộc gì, nhưng mang máng như một dân tộc thiểu số Thái, Tày... gì đó. Hoạ chăng có vài ba trí thức biết Do Thái là dân tộc của... Karl Marx. Do Thái đi theo một hành trình na ná như con đường của một con người có thực : Georges Boudarel (lấy bí danh Đại Đồng). Đại Đồng thì công tác địch vận, Do Thái theo học một khoá đào tạo "đội cải cách ruộng đất" do cố vấn Trung Quốc đảm nhiệm (cùng khoá, có một "Nhà Tư Duy" từ Pháp về chiến khu, dễ nhận ra là tác giả Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng : Trần Đức Thảo), sau ngày tiếp quản thủ đô, thì cũng như Đại Đồng, Do Thái sẽ làm việc ở Nhà xuất bản ngoại văn. Cải cách ruộng đất, rồi Nhân văn Giai phẩm, Do Thái được "trục xuất mềm" sang Tiệp Khắc, trước khi trở về Pháp. Những người cộng sản Pháp, Đức có thật và tham gia kháng chiến, thì muộn hơn : 1964-1965, trong vụ chống chủ nghĩa xét lại.
Cấu trúc Les Fraternités xen kẽ những cảm hứng, hồi tưởng của cụ già 88 tuổi, "trở về nước" sau 58 năm lưu đày, nhất quyết đi bằng đường bộ, bắt đầu bằng... hang Pắc Bó, với những trang nhật ký hay ghi nhanh của chàng thanh niên Do Thái, trong suốt 7 năm (1950-1957), và hồ sơ lưu trữ mà ông già được phép tham khảo của Mật thám Pháp về cha mẹ, gia đình, cũng như về những người Pháp tiến bộ (đặc biệt là Ernest Babut). Dưới những thể loại viết khác nhau, người đọc khám phá ra bầu không khí "Pháp Đông Dương" dưới chính quyền Decoux, rồi "Giải phóng" (tôi đặt từ Libération – của nước Pháp – trong ngoặc kép, vì ở Đông Dương, dưới nhãn quan Do Thái, chỉ là một sự "trùng hưng" (Restauration), một rọ cua trong đó chung sống và bon chen Pháp gian, Pháp kháng chiến, thực dân, và những thanh niên được ném sang Đông Dương "giải giới phát xít Nhật"), không khí Cải cách Ruộng đất, không khí Hà Nội sau Hiệp định Genève 1954, và những ngày tháng Nhân văn Giai phẩm. Sự kiện, tình tiết... thực ra chỉ được gợi ra, mở nguồn cho những suy nghĩ, xác tín, dằn vặt, thức tỉnh của Do Thái. Les Fraternités là một cuốn tiểu thuyết lịch sử, đồng thời là tiểu thuyết nội tâm, nó là hành trình của một con người đi tìm lại nguồn gốc gia đình, tuổi trẻ và tìm lại chính mình.
Đối với Philippe Papin, viết tiểu thuyết có lẽ là nhu cầu và niềm khát khao của một nhà sử học sau những giờ giam mình trong sử kiện, trong những số liệu, văn bia, để óc tưởng tượng mang lại sự sống nhiều khi bị sử học vắt kiệt. Điều đó có lẽ giải thích đôi chỗ mà nhà văn đã lấn át tinh thần cảnh giác của nhà sử học. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ : Papin đã cho miền Bắc Việt Nam "cải tạo xã hội chủ nghĩa" hơi sớm, ngay từ 1955-56, cũng như đỡ đẻ cho chế độ "Việt Nam cộng hoà" ngay từ mùa xuân 1955, nửa năm trước ngày "truất phế Bảo Đại", "suy tôn Ngô tổng thống". Sự đi trước thời gian còn thể hiện ngay trong ngôn ngữ : sổ tay viết ngày 14.3.1957 của Do Thái (trang 259), đã tạo ra động từ "engoulaguer", từ danh từ goulag (*), nhiều năm trước Soljenitsyn (Một ngày của Ivan Denissovitch xuất bản năm 1962, Quần đảo Goulag đầu thập niên 70).
Nói vậy thôi, chứ vài hạt sạn nhỏ không làm mất giá trị một cuốn tiểu thuyết hay và đáng đọc.
Nguyễn Ngọc Giao
19.4.2018
Les Fraternités, tiểu thuyết, 310 trang
Nhà xuất bản Les Belles Lettres, 2018.
Giá : 21€ (sách in), 15€ (sách điện tử)
Philippe Papin giao lưu với độc giả :
thứ sáu 20.4.2018, 19g-21g
tại Librairie Petite Egypte
35, rue des Petits-Carreaux,
75002 PARIS
(*) Trong thư điện tử gửi sau khi đọc bài này, bạn Philippe Papin cho tôi biết danh từ goulag đã xuất hiện từ những năm 1930. Đúng như thế, từ điển Le Petit Robert cho biết năm xuất hiện là 1938. Tuy nhiên, nó chỉ thông dụng trong giới nghiên cứu và thạo tin về chế độ ngục tù Liên Xô, và chỉ phổ biến trong đại chúng từ thập niên 1960 với những tác phẩm của Soljenitsyn. Câu hỏi đặt ra là : năm 1957, ở Hà Nội khép kín như bưng, nhân vật Do Thái đã nghe nói tới danh từ này chưa ?
Các thao tác trên Tài liệu