Giải thưởng "Tài năng trẻ" của hội AAFV
GIẢI THƯỞNG « TÀI NĂNG TRẺ » CỦA HỘI AAFV
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Hôm 23 tháng 01 năm 2014 vừa qua ở trụ sở Trường Viễn Đông Bác Cổ EFEO (Ecole Française d’Extrême -Orient), 22 Đại lộ Tổng thống Wilson tại Paris, Hội Hữu nghị Pháp Việt AAFV (Association d’Amitié Franco-Vietnamienne) đã trao tặng Giải « Tài năng trẻ » cho cô tân tiến sĩ Béatrice Wisniewski. Giải đặt ra để thưởng một công trình khoa học hay văn nghệ Pháp có liên quan đến Việt Nam cho một thí sinh dưới 35 tuổi. Cô là tác giả một luận án trên đề tài Đồ gốm cổ điển Việt Nam trong nghìn năm thứ nhất kỷ nguyên ta. Từ sự phát hiện những lò nhiệt độ cao đến sự xuất hiện một cuộc sản xuất có tổ chức : khảo cứu khảo cổ. Chủ nhiệm đề tài là ông Pierre-Yves Manguin, Giám đốc nghiên cứu tại Trường Viễn Đông Bác Cổ EFEO (*).
Cô Wisniewski được chọn trong một số thí sinh cống hiến những đề tài vừa lý thú vừa lợi ích. Ban giám khảo để ý đến đề tài về hợp tác giữa vùng Ile-de-France và Ủy ban nhân dân Hà Nội, dự án « Hà Nội bằng hình ảnh và tranh vẽ nguyên bản », đề tài dời chuyển văn hóa trong thời kỳ thuộc địa, dự án trao đổi phương sách giáo dục giữa những cán bộ giảng dạy Việt Nam, dự án về các chất độc dioxin, ... đặc biệt một luận án về ca trù đã được hoan nghênh (**). Hôm phát giải, ông chánh chủ khảo Patrice Cosaert cho biết là ban chấm giải rất phân vân và bỏ nhiều thi giờ bàn cãi vì các đề tài đều đáng được thưởng nhưng giải chỉ trao tặng cho một thí sinh độc nhất. Rút cuộc cô Wisniewski trúng giải vì ban giám khảo đánh giá cao phương cách làm việc của cô trên một đề tài thích đáng về mặt khoa học có khả năng phổ biến kiến thức và góp phần làm tỏa rạng văn hóa Việt Nam. Từ thời xuất hiện những lò nhiệt độ cao đến lúc ló ra một cuộc sản xuất có tổ chức, cô đã xác định được vị trí của nền gốm cổ truyền Việt Nam ở nghìn năm thứ nhất kỷ nguyên ta. Nghệ nhân Việt Nam đã biết dựa lên kỹ thuật Trung Hoa để phát minh những phương pháp chế tạo các loại gốm đặc biệt như « đồ gốm men trong » (glaçure), làm nền tảng cho cuộc phát triển ngành gốm các thời Lý, Trần (thế kỷ XI-XIV) sau nầy…
Trong
buổi trao tặng giải thưỏng, cô Wisniewski
thổ lộ đã
đi qua Việt Nam bốn
lần, mỗi lần
từ hai đến
tám tháng. Cô đã góp phần khai quật
ở Dương Xá tỉnh Bắc Ninh và Tuần
Châu tỉnh Quảng Ninh với các bạn
đồng nghiệp
EFEO và viện Khảo cổ
Việt Nam. Cô đã mất
bảy năm để dự
thảo luận án, kể
từ bằng Cao
học là chín năm lặn lội
trong ngành gốm Việt
Nam cho nên cô đón nhận giải thưởng
với tất cả
« hạnh phúc », hân hạnh góp phần
vào cuộc trình bày ra đại chúng
công tác canh tân ngành gốm Việt
Nam. Bên lề vinh dự,
giải thưởng tuy tương đối
nhỏ (3000 EUR) cũng gíúp ích phần
nào cho đời sống cô thí sinh đỗ
đạt nhưng chưa kiếm ra được
việc làm.
Thành Xô, ngày tiễn ông Táo lên trời trước Tết Giáp Ngọ
VÕ QUANG YẾN
(*) xem Đại học Paris đón nhận ca trù, Diễn Đàn Forum 02.05.2012
(**) xem Theo dõi cuộc khảo cứu văn hóa Óc Eo, Diễn Đàn Forum 29.08.2013
Các thao tác trên Tài liệu