Số đặc biệt "Xuôi dòng Mékong"
Tạp chí CHRONIQUES DU ÇÀ ET LÀ
Số đặc biệt, N°12 Mùa thu 2017
XUÔI DÒNG MÉKONG
Văn học Lào, Campuchia và Việt Nam
Tạp chí CHRONIQUES DU ÇÀ ET LÀ (ra mỗi năm 2 số) đã dành số Mùa thu 2017 để giới thiệu văn học nghệ thuật Lào, Campuchia và Việt Nam. Tất nhiên, với vỏn vẹn 140 trang khổ nhỏ, nó chỉ có thể « xuôi dòng Mê Kông » với vận tốc của mùa lũ.
Ba bài ngắn giới thiệu lược sử văn học Lào, cuốn tiểu thuyết De quelle liberté… của nhà dân tộc – nhân học Pháp Jean-Paul Dumont (đề tài : nước Lào sau 1975 và cuộc sống tị nạn ở Pháp), điện ảnh và truyện tranh. Rất tiếc số tạp chí này xuất bản trước buổi chiếu phim NOY của Anysay Kéola ngày 4.4 vừa qua ở trường INALCO, để giới thiệu với độc giả một tác phẩm điện ảnh giá trị (chuyện một sinh viên y khoa đồng tính và một thiếu nữ người H’Mong, cả hai phải đối diện với sự kỳ thị của xã hội Viên-chăn).
Phần về Campuchia, ngoài bài phỏng vấn Jacques Dolias (chuyên gia Khmer-học, INALCO) về đời sống văn học, văn hoá Campuchia, hai bài bút ký của tác giả Pháp, chỉ vỏn vẹn một trang nói về điện ảnh và truyện tranh, trong đó, mười dòng về Rithy Panh, nhà điện ảnh đại tài và có công lớn trong việc phục sinh điện ảnh Campuchia.
Tuy sơ lược (nửa số tạp chí), phần về Việt Nam dầu sao cũng cung cấp những thông tin bổ ích tối thiểu về đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay qua bài phỏng vấn Nguyễn Giáng Hương, bài viết của Phạm Xuân Nguyên (Vài nét về văn học VN hôm nay), và đáng chú ý là bài của Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thuý (TĐG QG TP HCM) về « Văn học thương mại ở Thành phố Hồ Chí Minh ». Thế nào là « văn học thương mại », có lẽ chỉ cần đơn cử vài tên truyện : Ngày trôi về phía cũ (Anh Khang), Bồ câu chung mái vòm (Dương Thuỵ), Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình (cùng tác giả), Venise và những cuộc tình Gondola (cùng tác giả), Chờ em ở San Francisco (cùng tác giả), mỗi cuốn in nhiều lần, tổng số in từ 20 000 đến 40 000 bản. Ba tác giả văn học được giới thiệu bằng tác phẩm : Trần Thuỳ Mai với truyện ngắn Trăng nơi đáy giếng (bản dịch của Nguyễn Giáng Hương), Ngô Tự Lập với một chùm thơ tiếng Pháp, Huỳnh Như Phương với hai bút ký (bản dịch của Nicole Louis-Hénard và Phan Thanh Thuỷ).
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu