Xe đạp tình thương
Một học bổng độc đáo
Xe đạp tình thương
Trong chốc lát, các em học sinh trong hình sẽ là chủ nhân của những chiếc xe đạp xanh đỏ tím vàng này và lần đầu tiên các em sẽ về nhà bằng xe đạp, xe của bà con bạn bè tứ phương tặng.
Tôi ngỡ ngàng đọc cái điện thư ngắn của anh, nhìn mấy tấm hình tiếp theo, có cả một tấm với một em để trên cái "porte-bagages" chiếc xe mới tinh của mình một tấm bìa với vài chữ nắn nót "Chúng con cảm ơn chú T." (tên tôi). Nghĩ một lúc, tôi mới nhớ ra đã góp với anh một tấm séc nhỏ mấy tháng trước, khi được nghe một người bạn nói về công việc âm thầm mà anh đã tiến hành từ gần 10 năm nay, và điện thư với mấy tấm ảnh này chỉ là cách anh "báo cáo" công việc của mình. Do lần đầu tiên đóng góp, cũng tự nhiên là lần đầu tiên tôi nhận được "báo cáo" này ! Anh là Trần Văn Thọ, một Việt kiều sống ở vùng Paris, thường có mặt trong những sinh hoạt Phật tử ở Chùa Khuông Việt hay ở vài sinh hoạt từ thiện như các buổi trình diễn âm nhạc lấy tiền giúp trẻ em nạn nhân chất độc da cam - mà anh là người cầm máy quay video ghi hình (với các ca sĩ Thuỷ Tiên, Thế Vinh ở trong nước sang). Thêm 2,3 emails nữa, tôi mới "moi" được của anh vài thông tin, xin chép lại dưới đây (có sắp xếp lại nhưng giữ nguyên câu chữ của anh).
Câu chuyện xe đạp cho học sinh nghèo bắt đầu từ 2004 với 2 anh bạn nay đã mất, anh Lâm và anh Long ! Chúng tôi làm với tư cách cá nhân, nay vẫn vậy, vì thấy dễ hơn là phải thành lập một hội đoàn.
Chúng tôi bắt đầu ở Huế và các làng huyện chung quanh, mỗi năm về 1 lần cuối tháng 8, cho đúng mùa tựu trường. Dần dần, với sự giúp đỡ của người quen, tôi đến những trường học xa thành phố ở vùng sâu A Lưới, Nam Đông, Quảng Trị…
Tôi tỏ ý với các hiệu trưởng là tôi đến với tính cách cá nhân giao quà cho các em qua trung gian nhà trường mà thôi, không kèn trống, diễn văn, do đó thỉnh thoảng mới có vài phụ huynh tò mò đến. Tôi chỉ yêu cầu các hiệu trưởng và hội đồng trường chọn một cách công bằng, trong mỗi lớp một em xứng đáng để được nhận quà theo 3 tiêu chuẩn : gia đình nghèo, nhà ở xa trường (có em nhà ở cách trường 12 km), và chăm chỉ học hành. Ba tiêu chuẩn chung chung này ai cũng đồng ý, bằng chứng là có nhiều hiệu trưởng tổ chức bầu cử trong từng lớp, tất cả học sinh trong lớp bầu 1 em xứng đáng nhất.
nhưng anh cũng phải nói
vài câu...
Tôi chỉ gặp lại vài em đã nhận xe đạp, các em chỉ biết người đem xe đạp là "bác Thọ" ở Pháp mà thôi, và nhờ bác Thọ chuyển lời cám ơn về Pháp đến những người cho xe đạp, tôi không để lại địa chỉ nên các em cũng khó viết thơ ; có vài trường tôi không đến vì họ muốn phải có giấy phép của bộ ngoại vụ, của bộ giáo dục, hội chữ thập đỏ, v.v..
Có sự góp sức của những
người thợ sửa xe
Những "bước" đầu bỡ ngỡ
và thích thú
Năm đầu tôi chỉ có tiền cho 30 chiếc, dần dần số người tham gia tăng lên (*) vì họ biết quà của họ sẽ đến tận tay các em học sinh đang cần chúng, nguyên vẹn, không qua trung gian. Chắc anh vẫn nhớ cô Vy Anh, một người Việt chẳng may bị tai nạn mất trong metro ba năm trước (**) khi còn quá trẻ, gia đình cô đã dành tiền phúng điếu cho từ thiện, trong đó có "học bổng xe đạp" của tôi, và sau đó mỗi năm vẫn tiếp tục. Còn ông bác sĩ của tôi, hai năm trước khi tôi tới khám bệnh, ông hỏi mới đi đâu về, - đi Việt Nam - làm gì ? - mang xe đạp cho học sinh nghèo. Khám xong ông rút hộc tủ đưa tôi 50€, "tiền mua một chiếc xe cộng tiền sửa lúc xe hỏng". Ông còn nói ông có dư 1 máy khám rọi tim, ông cho tôi đem về VN !
Cách đây 10 năm, với 20€ mình có thể mua một chiếc xe đạp; ngày nay một xe đạp made in Việt Nam với vài phụ tùng chính nhập từ Nhật hay Nam Hàn đẹp và có chất lượng, năn nỉ trả giá hết hơi cũng không dưới 35€ một chiếc. Năm nay với số tiền của bà con và bạn bè ủng hộ, tôi mua được 210 xe đạp, tôi thuê xe hàng chở đến 15 trường trung học cấp 2 và cấp 3, trao tận tay cho các em. Các em và các thầy cô hiệu trưởng hẹn ngày tái ngộ, mùa tựu trường 2014.
Vài dòng ngắn ngủi, anh vẫn là người ít nói, xin để người đọc tự hình dung những khó khăn, trở ngại mà anh đã kiên trì vượt qua, cũng như những niềm vui mà anh đã gặp trong việc thực hiện ý tưởng học bổng độc đáo và nhiều ý nghĩa này.
H.V.
(*) Bạn muốn/sẵn sàng chia sẻ với anh Thọ thì giờ, công sức, tiền bạc vào việc tiếp tục duy trì học bổng độc đáo này, xin trực tiếp viết cho anh vài dòng về tranvantho39@gmail.com
(**) Ngày 27.10.2010 - chú thích của H.V.
Xem
thêm : Thư của anh Cao Huy Thuần và nhiều hình ảnh trên
nền nhạc Tuổi Ngọc của Phạm Duy qua giọng ca Thái Thảo : Tình
xe đạp
Các thao tác trên Tài liệu