Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Nghệ thuật sân khấu / Ông người Ý – Barbato Bruno

Ông người Ý – Barbato Bruno

- Hải Lý — published 15/12/2010 23:26, cập nhật lần cuối 18/08/2012 22:19
Xin cảm tạ âm nhạc đã đưa chúng tôi đến gần nhau, cảm tạ chân tình của Bruno đã giúp chúng tôi thêm niềm tin mà tiếp bước trên hành trình đánh thức lương tri con người - vì cuộc sống thanh bình và an vui, bình đẳng cho mọi người trên quê hương Việt Nam, trên trái đất nầy.


Ông người Ý – Barbato Bruno


Hải Lý



bruno-hachuong


Ông người Ý, tôi người Việt, làm quen nhau bằng một thứ ngoại ngữ đối với cả hai - tiếng Ðức. Dù phát âm có pha Ý hay pha Việt gì, thì chúng tôi vẫn hiểu nhau bằng một ngôn ngữ chung – âm nhạc – và gặp nhau ở tần số chung – cùng chia sẻ nỗi đau của những trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam.

Hàng năm cứ đến những ngày cuối thu, cuối năm, người dân Ðức có một nếp sống văn hóa rất lành mạnh là quyên góp từ thiện. Các kênh truyền hình quốc gia, các danh cầm hay ca sĩ nổi tiếng, các nhà thờ, hội đoàn địa phương v.v…thay phiên nhau tổ chức các đêm hòa nhạc lớn nhỏ các loại, doanh thu thường là dành trọn cho các chương trình công ích xã hội, giúp bệnh nhân ung bướu hay nạn nhân bị thiệt hại nặng nề do thiên tai.

Trên tinh thần đó, đây là lần thứ ba, cùng với hội VNED, Vietnam – les enfants de la dioxine tại Pháp – www.vned.org – chúng tôi tổ chức buổi biểu diễn âm nhạc để gây quỹ giúp các em. Dù chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ trên đất nước VN, tuy vậy hậu quả từ chất độc màu da cam còn nằm lại trong đất trong nước vẫn tiếp tục gây thương đau và khuyết tật cho nhiều trẻ em sinh ra trong thời hậu chiến. Giúp xoa dịu nỗi đau, khiếm khuyết và bình thường hóa cuộc sống cho các em vẫn còn là điều thách thức lương tâm của nhân loại, của chúng tôi, nhóm người Việt thiện nguyện tại vùng Rhein-Main-Neckar sinh sống trên nước Ðức (GVF-RMN).

Các nghệ sĩ đến từ VN, đa số là các tài năng âm nhạc khiếm thị hoặc khuyết tật. Năm 2007 là hai em khiếm thị Anh Mạnh và Phương Dung, năm 2008 với ca sĩ Thủy Tiên, nghệ sĩ Thế Vinh và ca sĩ chống chiến tranh người Mỹ Richard Fuller, năm nay 2010 là ca nhạc sĩ khiếm thị Hà Chương, người đã nhiều lần đoạt huy chương vàng các cấp về độc tấu đàn bầu tại VN và nghệ sĩ sáo trúc Danh Thuận.

Từ một sự tình cờ ngẫu nhiên Barbato Bruno (1) biết đến chương trình của chúng tôi. Hai ngày trước khi chương trình bắt đầu, chúng tôi làm quen nhau qua điện thoại. Giọng ông hình như run lên vì xúc động khi ông kể tôi nghe nỗi bức xúc, giận dữ, khi lần đầu biết đến hậu quả độc hại của chất độc da cam trong cuộc chiến tại VN qua các kênh truyền thông. Lòng tha thiết với sự sinh tồn của con người và thiên nhiên đã khiến Bruno tự hỏi: Tại sao trái Cam, hương rất thơm, màu sắc rất đẹp lại không thể sinh tồn ở VN?

Từ đó trái tim nhạy cảm của người nghệ sĩ đã bật ra tiếng hát.

Bài hát “ Non Dimentichiano il Vietnam” được hình thành ngay sau đó, được trình bày trên làn sóng phát thanh của vùng Bayern, phía nam nước Ðức (Bayerischer Rundfunk) từ năm 2009 qua gìọng hát Tenor nổi tiếng của ca sĩ Oscar Imhoff (2).

Ðến để kể cho các bạn nghe tâm tình của tôi” ông nói ngắn sau một phút quyết định nhanh khi nghe tôi thông báo về địa điểm, thời gian, nơi tổ chức chương trình.

Bài hát nầy phải đến được với nhân dân, đất nước Việt Nam” đó là nguyện vọng cháy bỏng của Bruno.

Hãy giúp tôi dịch bài hát nầy ra tiếng Việt, ngôn ngữ của những nạn nhân mà lòng tôi đang hướng đến” đó là khát vọng từ hơn một năm qua của Bruno.

Vượt qua đoạn đường dài gần 500 km, ông đã không ngần ngại đến với chương trình “Tiếng đàn Bầu” ngày 20.11.2010 vừa qua tại Eschborn. Tiếng hát của Bruno vang lên mạnh mẽ cùng với tiếng đệm đàn của Hà Chương. Hình ảnh Bruno và Hà Chương cùng hoà diễn trên sân khấu đã để lại trong lòng chúng tôi và khán giả tối hôm đó một dấu ấn khó phai về lòng nhân ái của con người, không phân biệt chính kiến, màu da hay sắc tộc.

Cảm nhận âm nhạc quả thật không có biên giới của ngôn ngữ, không lâu sau đó, chúng tôi nhận được bản dịch lời Việt của dịch giả Hà Quang. Giai điệu da diết trong bài hát đã hoà quyện tuyệt vời vào hồn Việt.

Thông điệp trong lời Việt của Hà Quang,

Đừng oán thán,
đừng trách cứ,
đừng kết án,
Từng người lính đã gây tang tóc khổ đau bao người

Sau tang tóc, sau đau thương, vẫn có thể vượt lên nỗi đau và hận thù để tha thứ. Hãy giúp nhau chữa lành vết thương, hãy cho nhau sức mạnh và truyền cho nhau niềm tin yêu vào cuộc sống, cho “cây đời mãi mãi xanh tươi” (3)

Hãy tưới chút nắng tin yêu,
rạng ngời trên trái cam
Và để thương yêu kia ngập tràn trên thế gian
Để mai đây,
cây sẽ đơm bông vườn trái xum xuê
Bến nước trong xanh, con gió đầu mùa
Đời khơi dòng mới, sinh sôi nhựa trào
Mở cửa con tim, vui đón ngọt ngào
Rộn rã tình yêu…

Xin cảm tạ âm nhạc đã đưa chúng tôi đến gần nhau, cảm tạ chân tình của Bruno đã giúp chúng tôi thêm niềm tin mà tiếp bước trên hành trình đánh thức lương tri con người - vì cuộc sống thanh bình và an vui, bình đẳng cho mọi người trên quê hương Việt Nam, trên trái đất nầy.

Nào, Ông người Ý, hãy cất tiếng hát:

Non fu-ron, sol- tan- toi, ma-ri-nes….

Và, Tôi người Việt, xin hòa theo:

Ðừng oán thán, đừng trách cứ, đừng kết án….


Tháng 11 năm 2010,

© Hải Lý



bruno-2



(1) Barbato Bruno: họa sĩ vẽ chân dung truyền thần, thi sĩ, nhạc sĩ sáng tác, nghệ nhân thiết kế và bảo quản công trình kiến trúc cổ, hiện sinh sống tại vùng Bayern nước Ðức.

Ðịa chỉ liên lạc: barbato-bruno@web.de

(2) Oscar Imhoff: ca sĩ giọng Tenor, người Á Căn Ðình (Argentina) hiện đang sinh sống tại thành phố Munich. Ông học hát với Diana López Esponda tại quê hương mình. Các vai diễn và bài hát nằm trong chương trình đã được biểu diễn đó đây của ông rất nổi tiếng và rất rộng, thí dụ như: Arturo in Bellinis I Puritani, Faust in Mefistofele, Turridu in Mascagnis Cavalleria Rusticana, Paolo in Zandonais Francesca da Rimini, Gabriele Adorno in Simon Boccanegra, Alfred in Die Fledermaus, Bacchus in Ariadne auf Naxos, Edgardo in Lucia di Lammermoor, Don Carlos und Otello, Rodolfo in La Bohème, Alfredo in La Traviata, Pinkerton in Madama Butterfly, Prunier in La Rondine, Herodes in Salome, Pollione in Norma und die Knusperhexe in Hänsel und Gretel, Antonio in Die Hochzeit des Figaro und Le Duc in Chérubin.

Xin xem thêm chi tiết tại đây: http://www.suedostbayerisches-staedtetheater.de/index.php?259

(3) Tựa đề bài thơ “Và cây đời mãi mãi xanh tươi” của thi sĩ Xuân Diệu.



Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss