Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Nghệ thuật sân khấu / MÚA RỐI VIỆT DIỄN KIỂU PHÁP

MÚA RỐI VIỆT DIỄN KIỂU PHÁP

- Võ Quang Yến — published 22/03/2012 22:14, cập nhật lần cuối 22/03/2012 22:14


MÚA RỐI VIỆT
DIỄN KIỂU PHÁP


Võ Quang Yến



hinh-1 Từ 10 đến 25 tháng ba 2012 vừa qua, tiếp tục chương trình văn hoá và nghệ thuật Việt Nam khai đầu với đoàn xiếc Làng tôi, nhà hát Claude Lévi-Strauss thuộc viện Bảo tàng Quai Branly ở Paris trình bày vở Le maître des marionnettes (Ông tổ múa rốỉ) của nhà đạo diễn Dominique Pitoiset. Năm nay 53 tuổi, xuất thân kiến trúc sư, nguyên là một diễn viên hát kịch, rất có tiếng nhờ đã dựng lên hơn 30 vở kịch, ông từng đã là Giám đốc nhà hát Dijon – Bourgogne, hiện là Giám đốc Nhà hát quốc gia Bordeaux – Aquitaine. Ông kể chuyện cách đây hai năm, nhân đi tìm biết ngành múa rối nuớc Việt Nam ở miền đồng bằng sông Hồng, dần dần ông bị lôi cuốn vào đời sống nhà sư Từ Đạo Hạnh, hồi thế kỷ 12, đã giáo huần, chữa bệnh dân quê và nhất là dạy họ kỹ thuật múa rối nước. Ông được nghe kể truyền thuyết của ông tổ ngành múa rối nước, cách thờ cúng ngày nay ở chùa Thầy cạnh Thủy Đình cất lên giữa hồ ở làng Sài Sơn, cách phía tây Hà Nội 30km. Ông được đưa đi sâu vào lòng dân Việt, những người hãnh diện nguồn gốc Rồng Tiên của mình với đàn con 100 người, một nửa theo mẹ Âu Cơ lên núi, nửa kia nối gót cha Lạc Long Quân xuống biển, thể hiện cuộc chia ly qua một mối tình giữa hai đối lập. Cảnh gián đoạn tình cảm cũng xảy ra trong phong cảnh đất nước, giữa núi và biển, con cháu dân Việt sống lên trong lòng nước làm dây liên lạc giữa núi cao cõi Tiên và biển rộng nôi Rồng. Ông cảm thấy như bước từ văn hóa nấy qua văn hóa khác, nhuốm mình giữa biết bao giây phút ngạc nhiên phát xuất từ những cuộc gặp gỡ, tuy đều khác nhau, luôn hướng về một điểm : những tài nguyên của tính khác biệt. Dần dần, ông quên bỏ mọi câu hỏi đã đặt lúc ban đầu để thả hồn vào dòng nước, mặc sức trôi dạt không chèo không lái, lạc lối vào những con đường mới, thụ hưởng cái bất ngờ để rồi ngóng nghe những tiếng vang vọng từ thuở xưa.

hinh-2 Phải chăng vì múa rối nước là một thể dạng nghệ thuật độc đáo, kỹ thuật xa lạ, gần như độc nhất trên hoàn cầu, tuy bình dân nhưng có tính truyền thống mà Dominique Pitoiset chọn làm nền tảng cho sáng tác của mình mà ông muốn nhẹ nhàng, chính xác, khêu gợi, một tác phẩm thơ mộng trên mặt nước. Cộng tác với nhà soạn kịch Daniel Loayza, những chuyên gia nghệ thuật Kattrin Michel và ánh sáng Christophe Pitoiset, trong một sản phẩm hợp tác Nhà hát quốc gia Bordeaux - Aquitaine, Nhà hát múa rối Việt Nam – Hà Nội, Viện Bảo tàng Quai Branly – Paris, Nhà hát Thành phố Luxembourg – le Parvis, và Sân khấu Tarbes – Pyrénées; Dominique Pitoiset (dàn cảnh, trang trí) lập nên một đoàn múa rối với 9 nghệ nhân 6 nam 3 nữ thuộc Nhà hát múa rối Việt Nam và một ca sĩ, Ngô Thị Quam. Ông muốn phổ biến một kỹ thuật nguồn gốc ngàn năm (thời Lý 1010-1225), những bí quyết của một quỷ thuật có một không hai. Ông mộng tưởng qua những màn ngắn, giữa mơ và truyện, qua diễn xuất những cuộc gặp gỡ, các nghệ nhân Việt Nam phục hồi ma lực sự tích những con rối truyền thống trong lúc khán giả để mặc dòng nước lôi cuốn, khám phá quá khứ và tương lai của một dân tộc. Báo chí ở Pháp đua chép nhau kể lại cảnh một màn sương mù, rồng rắn uốn lượn theo nếp cuộn của nước qua nhịp điệu một ba lê, gây lên một cảnh tượng mê hoặc, quyến rũ. Đến lượt những con cá yên tĩnh rẽ sóng rồi bỗng nhiên kích động tóe nước, sủi bọt. Mặt nước trở lại êm dịu khi con rùa nghiêm chỉnh hiện ra, đầu ngắc ngư trên cổ, cũng như khi con phượng thanh thản nhẹ bước, ngó trước nhìn sau, con cá sấu thấp thoáng nửa trong nửa ngoài nước trước khi vùng lên dữ dội. Cũng có lúc những con cò thư thái kiếm mồi, những con cua vô lễ đua nhau tự do trèo lên đầu Phật,…hay một đoàn Tiên yểu điệu vui múa trong một khoảng trời thanh bình. Tất cả các màn lặp lại những cử chỉ đời sống hằng ngày đều diễn ra trong một bầu thơ mộng, dành rất nhiều chỗ cho trí tưởng tượng phong phú của khán giả.

Bắt đầu từ Bordeaux, trước Paris, từ tháng 11.2011 đến tháng 01.2012 đoàn múa rối đã đi một vòng các thành phố Angoulême, La Rochelle, Arcachon, Narbonne, Tarbes-Pyrénées, Chalon-sur-Saône, Caen, Valenciennes, Chateauroux, Lyon, Draguignan. Sau Paris, trong hai tháng hai và ba 2012, đoàn tiếp tục biểu diễn ở các thành phố Chambéry, Cergy-Pontoise, Vannes, Sceaux (thành phố nơi tôi định cư), Colombes. Hôm 15.03 vừa qua, nhân đoàn ghé qua Xô thành, tôi thầm vui mừng sẽ có dịp sống lại một đêm múa rối nước đã gợi biết bao hứng thú cho nhà tôi và tôi hồi ở Hà Nội năm nào. Hơn nữa, chúng tôi sẽ còn có dịp dẫn bọn cháu đi xem một cuộc biểu diễn đặc sắc của đất nước mình. Tôi say sưa kể cho bọn nó nghe sự tích múa rối nước, cảnh tuợng vinh quy bái tổ,… và nhất là những màn sống động, vui tươi như chuyện con rùa ở hồ Hoàn Kiếm nổi lên lấy lại thanh kiếm trong tay vua Lê lợi hay chuyện con chồn lại bắt vịt trong đàn và trèo lên trốn trên cây dừa cao, …Hôm biểu diễn, tôi ngạc nhiên không thấy dàn nhạc, thay vào chỉ có cô ca sĩ độc nhất với cặp sanh và cái chuông. Trong bóng tối thấy có mặt nước rung rinh cũng là lúc phim được chiếu lên màn ảnh. Trong khoảng 10 phút, khán giả được đưa đi khắp các nẻo đường Hà thành, ban ngày và ban đêm, thấy toàn là xe máy và xe máy, không có xe đạp hay xe hơi. Tôi đoán có lẽ đây là đường dẫn đến nhà hát. Nhưng không, sau đó khán giả được mục kích, luôn trên màn ảnh, khoảng cùng thời gian, mặt nước phẳng lặng một khúc sông, trước một rặng núi xanh thẳm, thỉnh thoảng có một con đò ngang dọc nhẹ nhàng lướt qua….


hinh-3


Đang phân vân chưa hiểu rõ chương trình đưa khán giả về đâu thì may quá màn hé mở, cho hiện ra một con rùa sơn son thép vàng, mới tinh. Rùa bơi qua, lượn lại, cổ ngốc lên rồi thụt xuống, ngoài ra không có một cử động nào khác. Tôi chờ đợi mãi một chiếc thuyền chở vua Lê Lợi lại trả kiếm…Đặc biệt, rùa không phải ra biểu diễn một mình mà với nghệ nhân thao tác, tay cầm cần điều khiển. Tôi sửng sốt : cái ma thuật của múa rối nước là chỉ thấy con rối mà không biết nó được vận dụng ra sao. Thế mới là hay. Ai dè ở đây, bí mật đã đươc mật bí ngay từ đầu. Ai cũng biết bí mật múa rối nước vô cùng được giữ kín. Còn có thể hiểu được nếu trình bày giải thích khi cuộc biểu diễn đã kết thúc…Trong lúc ấy cô ca sĩ ngâm những bài thơ, hát những bài chèo không ăn nhập gì với con rùa, không có nhạc đệm theo, và như vậy suốt buổi biểu diễn. Con gái tôi không hiểu tiếng Việt, bảo thật khó chịu đựng hơn một tiếng đồng hồ một giọng ngâm đơn điệu. Vẫn biết có lời dịch chiếu lên màn ảnh nhưng lời dịch, khi có khi không, không giải thích cuộc biểu diễn ! Sau nầy, cá, rắn, tiên nữ,… tiếp tục bơi lượn nhưng cũng như trong màn con rùa, chẳng theo một trò sự tích gì. Một lúc, bổng có nhạc múa rối (từ một dĩa hát) dội lên, tôi mừng thầm màn múa rối nước có thể thật sự diễn ra. Thật vậy, sau một bầy vịt có những nông dân cày bừa, bắt cá, sàn gạo,…chính là cảnh tượng đồng quê, nhưng, tiếc quá, màn chỉ diễn trong vài phút, và cũng không dựa lên một cốt truyện nào ! Màn sau trình bày cô ca sĩ trên một bục gỗ tiếp tục ngâm hát không có đàn đệm. Đây hết còn múa rối, đừng nói đến múa rối nước.

Cái «đinh» của cuộc biểu diễn là màn Phật Bà Quan Âm ngàn mắt ngàn tay. Bà được đặt trên một bàn thờ, sơn son thép vàng sáng chói, trước có hai con hạc đứng chầu. Bà không nhúc nhích, chỉ có những cánh tay cử động, gấp vào, dãn ra, đơn điệu trong một thời gian có thể cho là lâu ! Múa rối, có thể đồng ý, múa rối nước, chắc chắn là không. Nhà đạo diễn đã sử dụng dụng cụ và kỹ thuật múa rối nước Việt Nam mà loại bỏ hết những sự tích cốt lõi của cuộc biểu diễn. Ông bỏ cả ông Tễu, nhân vật trào phúng, hài hước, hóm hỉnh tiêu biểu múa rối nước. Öng quên là múa rối được dựng lên cho dân làng trước và sau mùa màng để cầu xin được mùa và để tạ ơn Trời Phật đã ra ơn độ thế. Sau đó mới có mục địch mua vui cho những nông dân suốt năm cặm cụi làm ăn. Họ cần vui đùa, thư giãn để tạm quên mọi nhọc nhằn, lo lắng Ngày nay, người ta biểu diễn múa rối nước ngày Tết, khi có lễ hội và, trái với thông lệ, được đưa ra ngoài khuôn khổ 16 đoàn truyền thống trong 7 tỉnh Bắc Việt, ra ngay cả nước ngoài. Dân chúng lại tìm xem những màn vui đẹp như Đốt pháo mở cờ, Bắn pháo thành chữ, Kéo quân, Rồng phun nước làm mưa, những điệu múa khéo léo như Kéo tứ linh, Múa sư tử, Lân tranh cầu, Múa tiên, những màn vui nhộn quanh con cáo như Đánh cáo, Cáo leo cây, Cáo bắt gà, những màn lịch sử như Lam Sơn khởi nghĩa, Trần Hưng Đạo bình Nguyên, Trưng Trắc Trưng Nhị,…là tinh hoa của cuộc múa rối nước.


hinh-4


Thủy Đình ở chùa Thầy (ảnh VQY)

Tôi hiểu nhà đạo diễn Dominique Pitoiset, thường hâm mộ ngành múa rối, rất xúc động trước một kỹ thuật xa xưa may mắn còn tồn tại sau nhiều năm chinh chiến trên đất Việt, trong cuộc phát triển phóng túng một nền văn minh cổ kính đang diễn biến. Ví chi nhập cảng giản dị kỹ thuật ấy, ông mong muốn gìn giữ, vinh quang, tỏ lòng cảm phục một nghệ thuật truyền thống qua một sáng tác thơ mộng cùng thực hiện với các nghệ nhân Việt Nam và những con rối tuyệt diệu, Nhưng chỉ nhắm mặt nghệ thuật, quên múa rối nước là một truyền thống Á Đông, ông đã trình bày vở Le maître des marionnettes như là một màn kịch múa cận đại không hổn. Vẫn biết mọi nghệ thuật cần phải đổi mới, nhưng màn ba lê nầy, dù được báo chí ca ngợi, thiếu mất cái tinh thần. Những người Tây phương xem vở nầy khen ngợi kỹ thuật, có thể hiểu lầm về ngành múa rối nước Việt Nam và đánh giá sai lạc. Truyền thống múa rối nước thông thái, dân gian, phức tạp với những bí mật sử dụng nhà nghề không thể dễ dàng giản dị hóa. Tuy cảm kích thịnh tình của nhà đạo diễn, liệu những người đã từng thưởng thức màn múa rối nước cổ truyền, những nghệ nhân trong các đoàn truyền thống Bắc Việt đã đón nhận cuộc cải biên nầy ra sao ? Rời khỏi cuộc biểu diễn, tôi hỏi một người bạn cùng xem : có thất vọng không ? Anh trả lời gọn lỏn : buồn ! Không biết anh buồn vì nhớ về Hà Nội thân yêu cùa anh hay vì thấy môn rối nước của ta đang được cải tân biến hóa trong một phương hướng còn cần phải được thảo luận sâu rộng…


Võ Quang Yến

Xô thành ngày đầu xuân 2012


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss