Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Nghệ thuật sân khấu / Nghệ thuật Việt Nam là thế ư?

Nghệ thuật Việt Nam là thế ư?

- Bùi Đức Hào — published 17/02/2014 12:55, cập nhật lần cuối 18/02/2014 09:49

Nghệ thuật Việt Nam là thế ư?


Bùi Đức Hào



Buổi văn nghệ mở màn cho « Năm Việt Nam - Pháp 2014 » tại Nhà Hát Châtelet (Paris) tối 14 tháng 2 vừa qua thể hiện những cố gắng không chối cãi từ những nghệ sĩ và thu hút sự quan tâm của nhiều người. Song, hầu hết những khán giả mà chúng tôi quen biết đều đã không khỏi băn khoăn trước những bất cập và khuyết điểm quá hiển nhiên, mà những dòng ghi vội này xin được chia sẻ cùng bạn đọc qua một số nhận xét, đương nhiên là chủ quan nhưng ít ra cũng không phải vì do xem thường mọi chuyện hoặc chỉ đứng xa làm kẻ bàng quan.

Cảm giác chung và xuyên suốt về buổi trình diễn này, xin nói ngay, là sự nghèo nàn và yếu kém.

Nghèo, bởi không có gì mới so với những lượt « đem chuông đi đấm xứ người » mấy chục năm về trước : diễn mục (répertoire) quanh đi quẩn lại cũng chỉ chừng ấy màn, với chừng ấy bài. Chúng tôi nói bài chứ không nói thể loại vì, trong lãnh vực âm nhạc , một dân tộc không thể « sáng chế » ra nhiều thể loại trong một thời gian ngắn. Ngược lại, nếu đoàn văn nghệ đại diện cho dân tộc đó, trong suốt mấy thập kỷ, cứ đem diễn trước một công chúng nước ngoài (Pháp) các tiết mục đã được lập đi lập lại đến độ « lờn mắt nhàm tai », thì quả là đáng tiếc và đáng trách. Hai ví dụ tiêu biểu1 trong đêm trình diễn 14 tháng 2 là màn biểu diễn đàn nhị và đàn k’long put : hai tác phẩm giá trị, nhạc sĩ giỏi, nhưng lại là những tiết mục đã nghe quá nhiều lần. Đó là chưa nói đến sự kiện những « bổn cũ soạn lại  » này, nói chung, không làm khán giả quên được những người đã từng thể hiện xuất sắc trong quá khứ (giọng hát tuyệt vời của một Kiều Hưng qua « Chiếc khăn Piêu », hoặc tài chơi nhạc hiếm có của một Đỗ Lộc chẳng hạn ).

Yếu, vì ngay trong những thể loại được đề cao bởi UNESCO – mà người dẫn chương trình đã kỹ lưỡng nhấn mạnh như thế – như Ca Trù và Đờn Ca Tài Tử , ca sĩ đươc chọn để thể hiện – đặc biệt cho thể loại sau này – qua « 2 trích đoạn Vọng Cổ » (sic) đã hát thiếu (chỉ có 1 thay vì 2) và hát… không lọt lỗ tai ( đến độ khán giả không vỗ tay !).

Còn cái kém ư ? Xin đơn cử vài điều dễ gây phản cảm.

Trước hết là màn « Tiên du », trích nhạc Nguyễn Thiện Đạo2 : người ta không hiểu vì sao nhà soạn nhạc môn đệ của Olivier Messiaen này lại chấp nhận để cho người ta trộn lẫn nhạc của ông với cái... không-biết-gọi-là-thứ-gì (múa ? minh họa sân khấu ?), cộng thêm với cái được người dẫn chương trình mệnh danh là « phụ họa video », mà tác dụng chỉ là phá hỏng tác phẩm – vốn cần sự tập trung cao độ để thưởng thức – của nhà soạn nhạc !

Sự lạm dụng hình ảnh video trên màn ảnh đại vĩ tuyến của sân khấu cũng là nguyên nhân làm loãng, thậm chí làm mất giá trị nhiều tiết mục khác : văn nghệ không phải là sự nhồi nhét, « khoe của » kiểu trọc phú đại gia, mà là sự chắt lọc, sự tinh tế trong từng chi tiết một, sự « tiết kiệm phương tiện » (economie de moyens), sự tiết chế...

Tiết chế, có lẽ đó cũng là bài học cần rút ra. Bởi lẽ trong cùng một buổi diễn ngắn như vậy mà người tổ chức lại cho làm hai lần màn thời trang. Hơn thế nữa, lần thứ nhất (trình diễn áo yếm) là một tiết mục – đứng về mặt thiết kế chương trình – hoàn toàn « lạc quẻ », thậm chí làm méo mó nội dung chuyển tải của đêm văn nghệ, vì chương trình chỉ mới vừa bắt đầu ! Và lần thứ hai (trình diễn áo dài), cũng là để kết thúc đêm văn nghệ, khán giả không ai vỗ tay, khiến người dẫn chương trình phải « nhắc tuồng ».

Tiết chế, đó cũng là câu kinh nhật tụng cho những ai viết lời dẫn chương trình. Bởi vì, trong đêm văn nghệ, người ta đã phải nghe nhiều lần những lời tự khen tặng, tự để cao giá trị những màn trình diễn : đừng quên chỉ có khán giả mới là người đánh giá sau cùng. Người dẫn chương trình chỉ có phận sự cung cấp thông tin tối yếu cho khán giả, không nên tự cho mình cái quyền « bao cấp » cả óc thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng. Chúng ta không thể ở mãi trong tình trạng ấu trĩ, lạc hậu ấy. Làm văn nghệ khác với việc rao bán cao đơn hoàn tán của một thời quá vãng...

Nghệ thuật là một sự kiếm tìm liên tục bởi kẻ thù của sáng tạo là sự lập lại, là thói quen, là sự dễ dãi3. Thay vì hâm đi hâm lại mãi những món ngon nhưng đã quá « date », tại sao ta không có quyền tưởng tượng ra sự xây dựng nghiêm túc những tiết mục mới mẻ, với sự tham dự của những tài năng xứng đáng ra mắt thế giới ?

 

Những mong các vị có trách nhiệm giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài đoái hoài đến sự mong đợi của quần chúng đối với cách thể hiện cái hồn và sức sống của dân tộc.


BĐH



Chú thích


1 Trên tờ chương trình tiếng Pháp, tên bài được ghi là « La moisson » và «  Echos des Hauts Plateaux » 

2 Rất có thể vì nhà soạn nhạc quá... dễ tính, như cách ông gắn trên mạng (http://www.nguyenthiendao.com/) câu phát biểu sau đây của thầy mình : « Il faut que vous sachiez aussi que je tiens DAO pour un très grand musicien, un des compositeurs les plus originaux de notre époque ! Il y a quelques années, j’ai entendu son Koskom (communauté cosmique) pour grand orchestre : j’en ai été bouleversé. Et tout ce qu’il a écrit depuis n’a fait que confirmer ce premier émerveillement..."  Olivier Messiaen

3 Như chúng tôi đã có dịp trình bày, qua một bài viết năm 2006 về Lê Minh Sơn và Tùng Dương : http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7529&rb=0206


Lời bàn của chúa nhện : 


Tác giả quá bi phẫn ! đây có phải nghệ thuật và nghệ sĩ Việt Nam tất cả đâu ? Khi Đảng và chính phủ đã để "Văn hoá thể thao du lịch" vào chung một rọ (xin lỗi, bộ) thì rõ ràng đã coi văn hoá chỉ là thứ dùng để giải trí kiếm tiền mà thôi. Dĩ nhiên nghệ thuật trong giải trí cũng có thể có trình độ, nhưng giao cho những kẻ vô văn hoá quản lý thì chỉ có thể rẻ tiền. Tội nghiệp Nguyễn Thiện Đạo.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss