Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Nghệ thuật sân khấu / Tùng Dương-Nguyên Lê : độc đạo những giao thoa sáng giá

Tùng Dương-Nguyên Lê : độc đạo những giao thoa sáng giá

- Bùi Đức Hào — published 07/03/2014 22:05, cập nhật lần cuối 08/03/2014 00:02


Tùng Dương-Nguyên Lê :
độc đạo những giao thoa sáng giá 


Bùi Đức Hào



Rạp hát Aryard (gần tháp Eiffel, Paris ), đêm mùng 2 tháng 3 vừa qua, nhiều lúc như rực sáng hẳn lên với những tràng pháo tay nồng nhiệt. Sân khấu ngập tràn những lớp lang âm thanh, tiết điệu và màu sắc hòa lẫn của các giọng ca không biên giới : Tùng Dương đã thực sự khẳng định là ngôi sao ca nhạc Việt Nam đi đầu với những cách tân, những cái riêng lạ (singularités) được nâng lên tầm quốc tế, dưới con mắt xanh và ngón đàn tài tình của Nguyên Lê.

Đã quá hạn cho một bài tường thuật – và điều đó cũng nằm ngoài ý định của người viết – , cho nên chỉ xin được ghi lại ở đây đôi nhận xét về thành tựu hiếm có của hai nghệ sĩ này, mà đêm trình diễn trên đã cho thấy nhiều mặt tuy chưa thật sự đầy đủ.

Một đêm nhạc sống có cái hay của sự trực diện và trực tiếp : bạn thấy, nghe, xáp lại gần các nghệ sĩ, chia sẻ những phản ứng tức thời của khán giả, cũng như sẽ đồng thời đón nhận một số bất ngờ có thể xảy ra về mọi mặt, dù với xác suất lớn hay nhỏ (hát duo thiếu ăn khớp, đàn có lúc như lạc dây hoặc lạc điệu với ca sĩ, người dẫn chương trình hơi bị non tay, v.v...).

Ngược lại, nếu chỉ nghe CD1, bạn sẽ không sao cảm nhận được cái không khí hân hoan, hồ hởi, chẳng hạn khi Tùng Dương « bay bổng » cùng Julia Sarr. Hoặc giả, như trong « xen » cuối cùng, khi bài Lý Ngựa Ô được đàn hát, múa may, vỗ nhịp bởi mọi người, theo đà của hai nữ ca sĩ Nhật và Sénégal cùng với Tùng Dương, Hương Thanh và ban nhạc Nguyên Lê trên sân khấu.


docdao

Một cảnh sân khấu đêm hát Tùng Dương tại Paris ( Ảnh : Vũ Hồi Nguyên)


Những hình ảnh đó có thể khiến bạn vui đến độ để rơi giọt lệ ấm chợt trào trên mắt...

Không vui sao được khi, đúng trong thời điểm của năm Việt-Pháp, hai đại biểu xuất sắc của hai ngôn ngữ đó – trước mặt bạn – đã tuyệt vời cất lên những khúc hoan ca vì tình yêu, tự do, huynh đệ, hòa bình !

Bởi xuất sắc nên tuyệt vời. Bởi sáng tạo nên tinh tuyền mới mẻ : họ đã bỏ xa cả ngàn dặm những biểu hiện lười lĩnh kiểu « văn hóa » nhai lại mà ta mới chứng kiến gần đây.2

Vì sao đã có được một sự sẻ chia vượt trùng dương, xuyên lục địa, như vậy ?

Câu trả lời chắc chắn phải dựa ít nhất trên hai yếu tố : một là trong bản thân nhạc dân ca, có ngầm chứa những thành tố cơ bản của tâm hồn nhân loại ; thứ đến là tài năng của các nghệ sĩ đã phối khí, hòa âm và diễn đạt thành công để lột tả cái tự tính hồn nhiên, cái nhạc tính nguyên ủy và đại đồng của nó.

Những đặc trưng diệu kỳ đó đã được bàn tay phù thủy Nguyên Lê nặn nên trên hầu hết các tác phẩm trong album để tạo nên một không gian vừa thật đến độ chạm ngay tận đáy lòng bạn, vừa ảo như một cuộn phim đầy ắp những giấc mơ tiềm thức. Một không gian - sân khấu cho Tùng Dương tung hoành, vừa gần gũi, quen thuộc như « ao nhà », nhưng đồng thời cũng mênh mông vời vợi như những góc biển chân trời đâu đó ở tận cùng Trái đất.

Hoặc có khi còn xa hơn nữa : phải nghe trong CD mới thấy một ca khúc cô đọng như « Thể đơn bào » – mà ý tưởng dùng giọng hát của Lê Dung để khơi mào là tuyệt diệu – có một chiều sâu và sức khơi gợi lạ lùng, cho người ta cái cảm giác – nói không ngoa – gần gần như khi lần đầu được xem phim 2001, l'Odyssée de l'espace... 3

Có thể vì giọng Tùng Dương … quái chăng ? Nếu thủ pháp của phù thủy Nguyên Lê là pha trộn những thanh tố âm dương bề ngoài tưởng là xung khắc để tạo ra những hiệu ứng thẩm mỹ bất ngờ (bài hát ta thường có nhạc ngoại dạo mở hoặc đồng hành, và ngược lại), thì bí quyết của Tùng Dương, quả thật, chính là khả năng anh « đạo diễn » rất thông minh cách hát của mình.

Về tài năng của Tùng Dương, chúng ta đã biết ngay từ album đầu tay Chạy trốn 4. Nhưng lần này, khách yêu nhạc lại vui mừng khám phá thêm là Tùng Dương thể hiện rất chuẩn mực những bài tiếng Anh, thường là rất ít hợp với chất giọng ca sĩ Việt. Hai bài anh chọn của Bjork (All is full of love) và Bob Marley ( Redemption song) nói lên khát vọng yêu thương và tự do : còn thông điệp nào trong sáng hơn ?

Độc đạo là con đường huyết mạch, nhưng không thể đơn độc lao vào. Thấy Nguyên Lê kể ra con số nhạc sĩ cộng tác trong album cũng đủ chóng mặt, nhưng kết quả thì thật thanh thoát, hài hòa. Không chút phô trương, ồn ào hay gượng ép, khiên cưỡng. Từ tiếng koto liêu trai của Mieko Miyazaki bay lửng lơ trên các bài Cuộn, Con Ốc..., đến những giọt đàn bầu thánh thót rơi xuống các ca khúc của... Bjork và Y.Dour / N.Cherry, từ hợp tấu những âm thanh lạ lẫm hòa quyện trong tác phẩm cổ điển Bài ca trên núi đến sự phụ họa táo bạo của Tom Diakite – bằng chính ngôn ngữ xứ anh – trong bài Giăng tơ cùng lúc Tùng Dương hát..., tất cả đều thể hiện một sự đan chéo tinh tế những chất liệu và một sự cẩn trọng kiếm tìm.

Công trình của Nguyên Lê với Tùng Dương, vì thế, là một mẫu mực trong thế giới nghệ thuật Việt Nam nói chung hiện nay.

Bởi trước hết nó kết tinh bao nhiêu công sức từ thượng nguồn : không có bước khởi xướng Bài Hát Việt 5 từ nhiều năm trước thì không thể có lớp nhà soạn nhạc trẻ tài hoa như Lưu Hà An, Sa Huỳnh... hôm nay. Dương Thụ, người rất tâm huyết với sự cách tân âm nhạc Việt Nam, thường nhắc nhở chúng ta về sự kiên trì phải có trước « sứ mạng lịch sử » của thế hệ nhạc sĩ mới : một đằng là quy luật « mưa lâu thấm đất »6 và, đằng khác, ông cũng không quên nhấn mạnh đến chiều kích «  tính quốc tế ».7

Độc đạo đã làm được những điều đó. Nó thể hiện sự thành công của dòng nhạc đương đại Việt Nam – mà nhiều nhạc sĩ trẻ đã cuối cùng nắm được chìa khóa sáng tạo – cũng như sự « xứng đôi vừa lứa » giữa nhạc mình với nhạc người qua những giao thoa đầy tính thẩm mỹ cùng thế giới.

Thành tựu này không thể không làm ta nghĩ đến vấn nạn văn học nghệ thuật Việt Nam.8 Nguyên Ngọc, người gần như bị ám ảnh thường xuyên về khả năng hội nhập.9 chắc sẽ tán thưởng những nghệ sĩ của chúng ta nếu ông biết đến, vì Độc đạo không chỉ là lối đi lên cho riêng âm nhạc, mà còn mở ra cả một mô thức và viễn tượng « ra biển lớn » đầy hân hoan cho văn nghệ Việt Nam.

B Đ H



Chú thích


1 Album Độc Đạo, Tùng Dương-Nguyên Lê, Nhà xuất bản Âm Nhạc ; Xem bài Vũ An :
http://www.diendan.org/Doi-song/nghe-thuat-san-khau/nghe-doc-dao-tung-duong-nguyen-le

2 Nghệ thuật Việt Nam là thế ư?,
http://www.diendan.org/Doi-song/nghe-thuat-san-khau/nghe-thuat-viet-nam-la-the-u

3 2001: A Space Odyssey , phim của  Stanley Kubrick, ra năm 1968.

4 Xem thêm phân tích về Tùng Dương qua bài :Trên đỉnh âm nhạc Lê Minh Sơn,
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7529&rb=0206

5 Xem thêm : Sân khấu âm nhạc Việt Nam có gì lạ?, http://www.diendan.org/viet-nam/san-khau-am-nhac-vn

6 Dương Thụ. Cà Phê Mưa, Nhã Nam, NXB Hội Nhà Văn, 2010, tr. 407

7 Sđd, tr. 406

8 Cái Đẹp như thách thức trong Văn Nghệ và Triết Học III ,
http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/van-nan-viet-nam

9 Nguyên Ngọc, Không gian… của Nguyễn Ngọc Tư,
http://www.viet-studies.info/NNTu/NguyenNgoc_NguyenNgocTu.htm; Xem thêm:

« Hội nhập là ra biển lớn » (Có phải người Việt thường không triệt để?)



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss