Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Nghệ thuật sân khấu / Một tuyệt phẩm của hội nhập văn hoá

Một tuyệt phẩm của hội nhập văn hoá

- Hàn Thuỷ — published 15/10/2010 22:01, cập nhật lần cuối 15/10/2010 22:28
Trong hơn một tiếng đồng hồ khán giả bị cuốn hút trong một bữa tiệc thị giác và thính giác; của cái đẹp mắt đẹp tai kỳ diệu và mới lạ; của cái phập phồng – từ hồi hộp đến tán thưởng, từ căng thẳng theo rõi đến thờ phào thoải mái – của xiếc, theo những chu kỳ liên tục gối đầu nhau...


Một tuyệt phẩm
của hội nhập văn hoá



Hàn Thuỷ



hinh 3


Nghe nói tốt từ đủ mọi nguồn, mà đã bị lỡ dịp hồi năm ngoái, cuối cùng tối hôm qua tại hạ mới được xem xiếc « Làng tôi » (thông tin tại đây). Sáng nay vội vàng viết mấy dòng để nhắn các bạn nào còn chưa đi xem: nếu có dịp thì tuyệt đối không nên bỏ qua, và nhớ lấy vé sớm nhất nếu có thể, bản thân gia đình tại hạ đã kiếm vé từ cả tháng trước, mà cũng chỉ mua được chỗ ngồi ở ghế phụ (strapontin). Chưa vội nói đến những khía cạnh dân tộc của « gánh xiếc mới Việt Nam » này, chỉ riêng về mặt trình diễn xiếc, đây là một đỉnh cao so với mặt bằng thế giới. Trong hơn một tiếng đồng hồ khán giả bị cuốn hút trong một bữa tiệc thị giác và thính giác; của cái đẹp mắt đẹp tai kỳ diệu và mới lạ; của cái phập phồng – từ hồi hộp đến tán thưởng, từ căng thẳng theo rõi đến thờ phào thoải mái – của xiếc, theo những chu kỳ liên tục gối đầu nhau.

Xin bạn đọc để ý cái tên « gánh xiếc mới Việt Nam » (Le nouveau cirque du VietNam). Quan trọng là chữ « xiếc mới », gánh « xiếc mới » chứ không phải « gánh xiếc » mới. Và người viết cũng xin thêm: cái ý « đây là một đỉnh cao của trình diễn xiếc », không có nghĩa « đây là một đỉnh cao của xiếc ». Tại sao « làm xiếc » ngôn từ như vậy ?

hinh-4Có lẽ xiếc có từ thời cổ xưa, và cũng có lẽ đã xuất hiện từ nhiều nguồn độc lập, vì nếu các hình thức trình diễn Á / Âu có thể khác nhau thì nội dung của nó không gì phổ quát hơn : đó đều là những màn mua vui bình dân; một là dựa trên sức mạnh và sự cân bằng, dẻo dai, nhanh nhạy, của cơ thể; hai là trình diễn thú vật đã được dạy dỗ khéo léo; ba là bày tỏ cái can đảm của nghệ sĩ xiếc... những tiết mục các loại như vậy có nhiều và chắc phần đông đã quen thuộc. Nghề xiếc cả thế giới đã liên thông và sau một thời gian thì tuy đã cố gắng đổi mới, làm lạ hoá, v.v. nếu cứ theo cách trình diễn từng màn riêng lẻ một, không khỏi tạo cảm giác nhàm chán. Sức khoẻ và sự khéo léo của con người cũng đã tới hạn, và những nghệ sĩ giỏi nhất, những màn độc đáo nhất lại được biết nhanh chóng nhất qua vô tuyến truyền hình.

Do đó, từ những năm 70 của thế kỷ 20, trên thế giới đã có sự chuyển biến trong trình diễn xiếc, và đã thành một phong trào « xiếc mới », nó còn có tên « xiếc hiện đại » (cirque contemporain) hay « xiếc sáng tạo », (cirque de création), theo Wikipedia. Trong xiếc mới những màn xiếc được trình diễn trong một dàn cảnh chung nhất, trong đó các yếu tố trước đây là phụ – hoặc gần như không có – như nhạc đệm, bố trí chuyển tiết mục, phông cảnh sân khấu... trở nên quan trọng hơn rất nhiều, giúp nâng cao mặt thẩm mỹ – thường là cái thần tiên để phục vụ trẻ em – và tính thống nhất của các tiết mục... Một buổi trình diễn xiếc trở thành một buổi « trình diễn văn nghệ » tổng hợp và có chủ đề, trong đó các màn xiếc tuy là vai chính, vẫn phải phục vụ một ý đồ chung. « Làng tôi » là một buổi trình diễn như thế, và đôi khi, như trong « Làng tôi », gần như không còn sự phân biệt các tiết mục nữa.

Chủ đề là cây tre. Tất cả sân khấu là những cây tre, người ta làm xiếc bằng và với những cây, những cọc, những mẩu tre. Phông cảnh cũng chính là những cây, những cọc tre ấy, được thay đổi liên tục trong những màn chuyển đoạn để trở thành nhà sàn, trở thành cột đu... thành vật thay dây cáp đi thăng bằng... Chuyển đoạn cùng là lúc để đạo diễn cho xen vào những bài dân ca, những hoạt cảnh sinh hoạt nông thôn rất đẹp. Nhiều khi còn đang ngẩn ngơ thì không biết màn xiếc mới đã bắt đầu tự bao giờ.

Âm nhạc là một thành công lớn, vừa rất truyền thống vừa rất hiện đại, người ta cảm thấy có ảnh hưởng của âm nhạc bác học hiện đại; nhất là của Olivier Messiaen và Nguyễn Thiên Đạo qua tầm quan trọng của bộ gõ, hơn thế nữa, gõ cái gì cũng có thể thành nhạc, vừa tung bóng vừa gõ mõ cũng thành nhạc...

hinh5ỉ Y phục trong « Làng tôi » rất nhã, thuần một màu nâu. Dĩ nhiên các nghệ sĩ xiếc đều trẻ khoẻ và đều có thể hình đẹp, nhưng với quần dài, áo cánh hay yếm màu nâu họ trở nên mảnh dẻ, kín đáo và nền nã chứ không như các nghệ sĩ xiếc quốc tế thường chỉ mặc áo tắm. Các nghệ sĩ đều chân trần. Đi guốc thì quả thực khó leo trèo chạy nhảy, nhưng nếu mặc nâu sồng mà đi hài như người … lạ hay đi giày ba-lê như tây, thì còn ra cái thể thống gì !

Các màn xiếc nói chung có kỹ thuật khá cổ điển – cũng khó mà bứt phá trên khía cạnh thuần tuý xiếc – được « cây tre hoá » và « nâu sồng hoá » cũng tạo nhiều bất ngờ thích thú. Nói chung, « Làng tôi » lấy một ý tưởng chủ đạo duy nhất và đi đến cùng ý tưởng đó bằng nhiều thủ pháp sân khấu lão luyện, được hỗ trợ bởi một nền nhạc vừa truyền thống vừa hiện đại, để thành công tuyệt đỉnh – bạn đọc đã đi xem có để ý màn ca trù do một người đàn ông vừa đàn vừa hát không ? điều ấy hình như xưa nay không có. Người ta khó có thể cho rằng một thành công như thế không đến từ những tác giả đã lăn lóc trong nghề, không chỉ ở Việt Nam mà còn trong phong trào xiếc mới trên thế giới. Và nếu như thế cũng không có gì lạ. Từ cổ xưa những nghệ sĩ xiếc là những kẻ đi lang thang rày đây mai đó. Cũng như những kẻ du ca, họ là một tác nhân của hội nhập văn hoá giữa các vùng, học hỏi các câu chuyện, các thủ thuật của nơi này để đem trình diễn tại nơi khác, với một cái gì riêng của mình.

Các vùng lang thang của ngày xưa bây giờ là một quả đất tròn.

Có lẽ, trong « Làng tôi », ngoài một buổi xem xiếc mới xuất sắc, có tính nghệ thuật cao, người không quen văn hoá Việt Nam được tặng thêm cái nhìn về nền văn hoá xa lạ ấy, trình diễn ở mức độ xảo diệu. Còn người Việt Nam được tặng thêm gì nhỉ ? Tại hạ không dám trả lời chung, chỉ biết với riêng mình, ngoài những cảm xúc thần tiên còn trong đứa trẻ của bất cứ người lớn nào, ngoài những cảm xúc « về nguồn » của một người Việt Nam khi nghe tiếng mõ, khi nghe câu ca dao, câu ca trù, đây còn là một bài học về hội nhập văn hoá. Một thành công hội nhập đích thực, sâu sắc, khoẻ mạnh, tươi mát, rửa sạch được những cảnh nhố nhăng, những kỷ lục này kỷ lục nọ hết sức ngu dại và nhược tiểu mà thời sự văn hoá Việt Nam gần đây không thiếu.

Hội nhập, là cho và nhận. Trong cùng một tác phẩm, với tính thống nhất cao. Hy vọng gánh xiếc mới Việt Nam sẽ tiếp tục sáng tạo nhiều tác phẩm như « Làng tôi ».


hinh2


Hàn Thuỷ

15.10.2010


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us