Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Nghệ thuật sân khấu / VŨ ĐIỆU KHƠ ME

VŨ ĐIỆU KHƠ ME

- Võ Quang Yến — published 06/12/2013 23:00, cập nhật lần cuối 05/12/2013 23:23
... trên sân khấu Paris

VŨ ĐIỆU KHƠ ME
TRÊN SÂN KHẤU PARIS


Bài và ảnh Võ Quang Yến



Tòa đốc lý Paris XIII tổ chức tháng 9.2013 vừa qua một Lễ Trăng nhằm vào dịp Trung Thu, trong luôn một tuần, từ ngày 14 đến ngày 21. Chương trình gồm có nhiều buổi biểu diễn nhạc kịch Việt Nam, Căm Pu Chia, Ấn Độ, hòa nhạc Trung Quốc cùng những cuộc triển lãm tranh ảnh. Sau đêm mở đầu Nét duyên dáng Việt Nam, tối hôm chủ nhật dành cho đoàn Ba lê Cổ điển Khơ me. Cái may là ở Pháp có được một đoàn múa kịch khơ me, theo gót đoàn cổ điển phục hồi trong nước Cam Pu Chia ngay sau khi quân Khơ me đỏ rời khỏi chính quyền năm 1980. Hồi ấy, những nghệ sĩ còn sống sót mặc dầu thiếu thốn mọi điều cương quyết cùng nhau mở trường học nhắm phục hồi một đoàn ba lê nổi tiếng hồi xưa. Công tác không phải dễ dàng : phải tìm những nhạc sĩ còn sống, dựng lại một dàn nhạc, huy động những nghệ sĩ cũ, thành lập một đội ngũ mới, đào tạo những thế hệ đào nhảy cho ngày mai vì phải huấn luyện bắt đầu từ 8-10 tuổi nếu không là 5 tuổi, làm sao cho xứng danh một đoàn Ba lê Hoàng gia trước kia. Những công việc nầy chắc chắn không sao thực hiện được nếu không nếu không có bàn tay điều khiển khéo léo của các công chúa Bopha Devi con vua và Vacheahra em vua Norodom Sihanouk. Từ trần hè năm nay trong lúc chuẩn bị Lễ Trăng, công chúa Vacheahra năm 1976 thành lập đoàn BCK (Ballet Classique Khmer) ở Pháp với sự trợ giúp của hai bà Voan Savay và Hing Mina, giáo sư nghệ sĩ ưu tú đoàn Ba lê Quốc gia Cam Pu Chia. Nhưng đoàn ba lê không thể phục hồi trong lúc những miếu điện Angkor gợi hứng chưa được sửa sang nếu không toàn vẹn cũng là tử tế. Công chúa Bopha Devi nhờ vua cha giúp sức kêu cứu Unesco vì sau bao năm chinh chiến rồi cướp bóc, Angkor đã rất là điêu tàn. Cũng may là lời kêu gọi được đáp ứng và rất chóng số tiền 50 triệu đô la từ Nhật, Đức, Pháp, Ý, Trung Quốc, Ấn Độ đã lại giúp thực hiện những công tác cốt yếu. Trở thành bộ trưởng bộ Văn hóa và Nghệ thuật, công chúa Bopha Devi lại càng nỗ lực phục hưng đoàn ba lê quốc hồn quốc túy xứ sở. Năm 2003, đoàn được Unesco công nhận kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại.


11 12 13
21 22 23

Maison de la Culture Paris 1987

Sau các đền miếu Angkor, những vũ điệu là tiêu biểu nhất cho nền văn hóa khơ me. Để cho nghệ thuật thiêng liêng xa xưa kia khỏi đì vào quên lãng trên đất Pháp, nhất là truyền thống truyền miệng khó truyền đạt nơi đất khách cho các thế hệ non trẻ, hội đoàn ba lê khơ me không tiếc công tìm kiếm những nghệ sĩ tài hoa dìu dẫn con em. Được sự ủng hộ tích cực cúa vị đại sứ Cam Phu Chia ở Pháp Uch Kiman, bà Công chúa Vacheahra chủ tịch đoàn ba lê tổ chức thuờng xuyên những cuộc biểu diễn vừa để các em quen thuộc với các điệu nhảy, vừa nhắm mục đích trình bày cho khán giả Pháp và ngoại quốc thể dạng thần bí của một nền văn hóa lâu đời Kambuja (Campuchéa, Cam Pu Chia). Trong lòng người Pháp luôn còn vương vấn tiềm tàng một hình ảnh nghệ thuật tinh hoa, một nền tảng văn hóa thanh tao từ lúc một mẫu đền đài Angkor thu gọn được xây dựng lại ở Hội chợ Quốc tế Paris năm 1931. Ba lê khơ me là nguỡng cửa để bước vào nền văn minh muôn thuở, trà trộn vào một thế giới tinh thần. Cho tái sinh vũ điệu khơ me xa xưa là kết giao giữa thần và người, đồng thời là một dịp để đổi mới tinh thần dân tộc Khơ me. rất cần thiết vào lúc nầy để thử quên bỏ những hình ảnh ghê rợn trong quá khứ, để thăng hoa mọi thống khổ trong kỷ niệm gia đình, làng mạc, để vươn lên sống lại như con Phượng hoàng trong huyền thoại Ai Cập tái sinh từ tro cốt của nó. Công chúa Bopha Devi được tôn thờ gần như con Phượng hoàng kia tuy không chết đi sống lại mà được bà nội, hoàng hậu Kossamak (mất lưu vong năm 1973 Bắc Kinh) nuôi dưỡng từ thuở còn trẻ. Vì bà cai quản đoàn Ba lê Hoàng gia, bà hướng Bopha Devi vào ngành kịch múa qua tay những nữ nghệ sĩ của vương triều Sisowath nhất là công chúa tỏ ra có nhiều thiên tài đặc biệt. Nhưng vì cương vị của công chúa cho không cho phép nàng biểu diễn bất cứ nơi nào, trước măt bất cứ ai, nên phải đợi đến năm 1964, khi vua Norodom Sihanouk mới lên ngôi, qua Pháp trong một cuộc viếng thăm quốc gia, nàng mới có dịp múa ở rạp Opéra de Paris trước vua cha và tướng De Gaulle, xen kẽ Ba lê Opéra và Ba lê Hoàng gia ! Bà đóng vai Brahma trong điệu Bung Bung chúc tụng nhà vua.


31 32 33
41 42 43

Parc floral Vincennes Paris 2010

Khi vương triều Cam Pu Chia bị đánh đổ năm 1970, 400 vũ nữ và nhạc công đang còn hoạt động trong đoàn Ba lê Hoàng gia. Nhưng sau cuộc tàn sát kinh khủng của quân Khơ me Đỏ cuồng tín từ 1975 đến 1979, số nầy chỉ còn lại khoảng ba mươi người, hơn một nghìn năm văn hiến nước Căm Pu Chia, kể từ triều đại Jayavarman (802-869) suýt bị điêu tàn ! Từ nhiều thế kỷ, nghệ thuật ba lê biểu thị linh hồn khơ me xuất thân trong tín ngưỡng dân gian từ những nữ thần apsara xa xăm là những “vũ nữ thiên đường đi trên nước” chỉ múa nhảy trước các vị vua chúa hay thần thánh. Các vũ nữ nầy thiết lập một mối liên hệ giữa hai thế giới thấy và không thấy được, giữa người sống và người chết nên làm trung gian giữa Trời và Đất. Ngày nay, đi dạo quanh di tích Angkor, khách tinh ý có thể nhận ra trên các tường đá gần 2000 hình ảnh những apsara trong tư thế cất cánh, với một đôi môi thanh thản, nụ cười bí ẩn như để giễu cợt người hậu thế trần gian. Biểu hiệu một tinh thần bất diệt và thiêng liêng, ba lê khơ me không thể được chấp nhận trong một cuộc cách mạng vô ý thức với những người thô kệch thiếu kiến thức. May cho Cam Pu Chia là vương triều không bị tàn lụi hoàn toàn và có những vị luôn còn nuôi tưởng nghệ thuật cao siêu có thể cứu vớt tình thế. Lập tức ngay sau khi Ba lê Hoàng gia tái lập, la Maison de la Culture du Monde năm 1994 mời đoàn qua Paris biểu diễn ở Théâtre du Rond Point. Trong đêm gala mở đầu dưới sự lãnh đạo của công chúa Bopha Devi, có mặt đông đảo các ông hoàng bà chúa Âu châu, đặc biệt các công chúa Orléans và Napoléon.


51 52 53
61 62 63

Parc floral Vincennes Paris 2010

Vũ điệu Cam Pu Chia thường được kê làm ba loại chính :

- cổ điển ở trong vương triều,

- dân gian miêu tả đời sống hằng ngày,

- bản xứ có tính cách địa phương.

Thể hiện vũ điệu cổ điển là Ba lê Hoàng gia, như tên gọi, lúc ban đầu dành cho vương triều, mang tên robam preah reachea trop có nghĩa là vũ điệu giàu có của vua. Vũ điệu nầy rất giống vũ điệu cổ điển Thái Lan vì hai nước thành lập từ lâu một cuộc trao đổi văn hóa sâu rộng... Y phục vũ nữ cũng rất giống nhau, chỉ có chút ít thay đổi khi Hoàng hậu Kossamak Nearireath thực hiện một cuộc cải tạo. Theo truyền thống, vũ điệu cổ điển là một hỗn hợp kịch điệu bộ, tuồng hát câm, một chuỗi tư thế nối tiếp dịu dàng, thong thả, không đột nhiên, liên tục trong một thuật bố trí, theo nhịp một điệu nhạc du dương. Những tư thế nầy hiện ra trong một thời gian không lâu, không mau, “đủ để cho khán giả trông thấy, khâm phục và nuối tiếc” (George Groslier). Cơ thể luôn phải thẳng đứng trong lúc uyển chuyển, bộ mặt luôn thản nhiên, chỉ có chân tay cử động để diễn đạt cảm giác. Vũ điệu khơ me là một tổng thể hình thể liên miên chuyển động. Những cử động được chu đáo soạn thảo, chậm rãi thực hiện. Nếu tư thế chân tay thể hiện một từ, cử động liên tục được xem như là một câu. Mỗi nhân vật phối hợp những cử chỉ đặc thù của mình. Lúc trước những cử động phải theo lề lối chặt chẽ, ngày nay ý nghĩa tượng trưng dần bị bỏ quên. Bắt đầu từ giữa thế kỷ XX, vũ điệu được đem trình bày trước công chúng trong những buổi lễ công cộng.


71 72 73
81 82 83

Tòa Đốc lý Paris XIII 2013

Trái với vũ điệu cổ điển, vũ điệu dân gian được thực hiện theo một nhịp điệu tương đối lanh nhưng những cử chỉ, động tác không được cách điệu hoá rõ ràng bằng. Liên quan với sắc tộc, gần gũi với súc vật, trang phục của người múa là áo quần hằng ngày, dân quê, miền núi. Có khi điệu nhảy chỉ giới hạn trong một làng xóm hẻo lánh. Dàn nhạc đệm theo mang tên mahori với nhiều nhạc cụ giây, một ống sáo. Những chủ đề vũ điệu liên quan với súc vật thuờng là điệu nhảy con nai (chủ đề chết), điệu nhảy con bò hoang (chủ đề trung thành), điệu nhảy con công, điệu nhảy mùa màng, đệu nhảy trái dừa (chủ đề Năm Mới)… Vũ điệu bản xứ, vì là địa phương, được dân gian biết đến nhiều nhất nhưng chỉ ở một vùng giới hạn, đặc biệt là các điệu ramvong (tương đương với điệu lam vong Thái hay Lào), ram khach, ram saravan, lem leav (nghĩa là điệu Lào). Những vũ điệu nầy không nhộn nhịp, không gắn dính, không ôm nhau, chỉ có hai tay và cánh tay nhịp theo điệu nhạc, chịu ảnh hưởng nhiều những vũ điệu Lào, nhưng vẫn còn tiêu biểu, trừ ram khach phỏng theo vũ điệu trong triều. Một điệu nhảy đặc biệt được thực hiện đầu các đám rước trước khi vào chùa là chhayam, một vũ điệu khôi hài, diễn viên lắm khi đeo mặt nạ, nhịp điệu quay cuồng, người nhảy cũng là người chơi nhạc, sử dụng trống hay chiêng.


91 92 93
101 102 103

Tòa Đốc lý Paris XIII 2013

Hôm tháng 9.2013 vừa qua ở tòa đốc lý Paris XIII, ba lê chọn lựa là một vũ điệu cổ điển mang tên Ramakerti, phổ biến qua tên Reamker, bản Căm Pu Chia sử thi huyền thoại Ấn Độ lớn thứ nhì : Ramayana hay “Sự tích hành trình của Rama”, sau bộ Mahabharata. Song song với Ramakerti, còn có những bản Ramakien Thái Lan, Phra Lak Phra Lam Lào, Hikayat Seri Rama Mã Lai, những bản dịch ra các tiếng Java, Kawi… Viết bằng Phạn tự giữa thế kỷ III trước và thế kỷ III sau CN, Ramayana gồm có 7 tập, 48.000 câu thơ, thường được gán cho ẩn sĩ truyền thuyết Valmiki, biệt danh Adikavi còn được gọi “Thi sĩ đầu tiên”. Sách có nhiều chuyện trong kinh Vệ đà nhưng không chỉ có tôn giáo, trái lại có nhiều chuyện huyền thoại, truyền thuyết hay nguồn gốc vũ trụ (cấu tạo Quả đất qua mắt đạo Bà la môn). Nhiều đoạn trong sách được sùng bái khi đọc ra, nhiều cảnh tượng được đem ra diễn trong các tuồng hát như kathakali ở miền nam Ấn Độ. Truyện đang còn đuợc phổ biến nhiều không những ở Ấn Độ mà khắp Đông Nam Á. Sách kể chuyện sự lọt lòng và nuôi nấng hoàng tử Rama, hoá thân thứ bảy của Vishnu, cuộc chinh phục Sita và đám cưới với nàng. Sau đó Rama bị vua cha đày đi Ayodhya, theo gót có Sita và em là Lakshmana. Ở đây, con quỷ Ravana cướp Sita đem về Lanka (thường được cho là đảo Sri Lanka). Sau khi tìm kiếm, Rama tìm ra Sita và cứu ra khỏi tay quỷ sứ nhờ sự giúp sức của Hanouman, đại tướng bầy khỉ. Rama giết Ravana, về nước lên ngôi và trở nên một ông vua khôn ngoan, đạo đức. Trong một phần phụ còn có chuyện nghi oan Sita ngoại tình trong thời gian bị bắt cóc, Sita buồn giận bỏ chồng đem con lại ở nhà Valmiki nhưng vài năm sau oan được giải và Sita trở về lại với Rama.


111 112 113
121 122 123

Tòa Đốc lý Paris XIII 2013

Reamker có nghĩa “Vinh dự của Rama” là văn bản cốt yếu văn học còn lại từ thời kỳ sau Angkor. Sáng tác vào khoảng cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII, cấu tạo nguyên bản cổ điển Ấn Độ luôn còn được giữ vững nhưng ảnh hưởng khơ me điểm thêm màu sắc cho thấy nhiều chi tiết đời sống trong vương triều Cam Pu Chia với những phẩm giá Phật gíáo, những thủ tục của chính quyền… Sản phẩm ra đời vào lúc phong trào đổi mới văn học nối tiếp cuộc kiến thiết chính trị được các vua khơ me khởi xướng sau cuộc chiếm đóng thảm thương kinh đô Longvek của quân Xiêm năm 1594. Reamker rất quan trọng trong văn hóa khơ me vì nhiều đoạn đã được trích dùng trong Ba lê Hoàng gia, nhiều vở kịch, văn liệu, công trình nghệ thuật. Ngay ở điện đài Angkor Vat, nhiều cảnh trong Reamker cũng được thấy khắc trong các hình chạm nổi. Dài nhiều trăm trang, có bản gồm đến trên 20 chương, Reamker lần lượt kể toàn bộ kỳ công của Rama. Ngay trước khi nối ngôi vua cha, Ayudhya, bị dì ghẻ ghen tuông dèm pha, Ram bị đuổi vào rừng ở với vợ Sita và đứa em Laks. Con quỷ Rab muốn cướp Sita về làm vợ, nhờ tay phù thủy Mareech giả dạng một con nai lại quyến rũ Sita. Sita cậy Ram đi bắt con nai. Khi Ram đi xa rồi, Mareech lại giả dọng Ram kêu cứu để kéo xa Laks. Măc dầu Laks đã bật vòng lửa bảo vệ, Rab giả dạng một ẩn sĩ lại thành công kéo Sita ra khỏi vòng lửa, bắt đem về Lanka. Để cứu Sita, Rab và Laks liên minh với một quân đội khỉ. Chuá khỉ Hanuman mang nhẫn của Ram lại thăm Sita và trao nhẫn làm dấu hiệu nhận biết. Cùng với đạo quân khỉ, Ram và Laks lại đánh và giết chết con quỷ Rab. Ram cứu được Sita và lên ngôi vua. Vở múa kết thúc với một điệu nhảy quạt để mừng Ram trở về và thái bình trở lại.


131 132 133
141 142 143

Tòa Đốc lý Paris XIII 2013

Tôi may mắn đưọc dự ba buổi biểu diễn qua ba thời điểm khác nhau trong số nhiều cuộc trình bày của các đoàn múa khơ me ở Paris. Trước lần nầy năm 2013 ở tòa đốc lý Paris XIII là buổi quảng cáo Passion Indochine năm 2010 tại Parc floral ở vườn Vincennes ngoại ô Paris lúc Vietnam Airlines muốn mở mang văn hoá trong không gian kinh doanh. Trước đó nữa là năm 1987 đoàn múa được nhà đạo diễn Chérif Khaznadar và bà giám đốc nghệ thuật Françoise Gründe mời trình diễn ở Maison de la Culture de Paris lúc anh Gs Trần Văn Khê còn ở Paris và chăm lo cuộc giao lưu văn hóa giữa nước Pháp và các nước Đông Dương đã cùng nhau chung sống hơn một thế kỷ. Năm nay đoàn múa khơ me biểu diễn trong một chương trình Festival Nhạc Á Đông ở Paris mùa thu. Tuy hơn 25 năm xa cách, trang phục vẫn luôn còn một dạng giống nhau, chỉ có vũ nữ là khác. Mầu nhiệm là ở chỗ đó : với thời gian họ không già ra mà trẻ lại ! Cái may của nền văn hóa Cam Pu Chia là sau cuộc tái sinh nay lại được trẻ hóa. Đoàn múa khơ me đang được một lớp trẻ đẹp lại nối phiên, làm sống lại, sống lâu một nghệ thuật lâu đời may mắn được cứu vãn, làm hả dạ, nguôi lòng không ít các vũ nữ xưa…


hinh-15


Võ Quang Yến

Thành Xô mùa thu 2013




Diễn Đàn : Bạn đọc có thể xem các hình theo nguyên khổ tác giả gửi tới bằng cách bấm chuột nút phải trên hình, trừ hình cuối vốn đã như vậy.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss