Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Tin buồn / Bà Lê Thị Mạnh (“Bác Giớ”)

Bà Lê Thị Mạnh (“Bác Giớ”)

- Diễn Đàn — published 18/05/2024 12:00, cập nhật lần cuối 19/05/2024 00:42

Tin buồn




Bà Lê Thị Mạnh (“ Bác Giớ ”)



bg


Chúng tôi được tin Bà Lê Thị Mạnh (quả phụ Trịnh Văn Giớ) đã tạ thế ngày 4.5.2024, thọ 97 tuổi.


Lễ tang đã cử hành ngày 15.5.2024 tại Nhà hỏa táng Batignolles, lễ an táng cùng ngày tại Cimetière Parisien de Saint-Ouen.


Diễn Đàn xin thành thực chia buồn với các bạn Liêm, Hạnh, Đào và toàn gia.



Tưởng nhớ “ Bác Giớ ”


Thế là Bác Giớ đã ra đi. Đối với riêng tôi, từ hơn 60 năm nay, hình ảnh “ Bác Giớ ” (mà sao tôi vẫn quen gọi là  " Chị Giớ ”) vẫn gắn liền với bác Ty, và bao nhiêu bác trai bác gái phụ lão của phong trào Việt Kiều tại Pháp, những trụ cột, những hình ảnh “ tham chiếu ” cho bao nhiêu thế hệ tiếp theo.

Có lẽ cũng như nhiều bạn, tôi biết rất ít về cá nhân Bác Giớ và các bác phụ lão – trừ trường hợp bác Nguyễn Viết Ty vì nhiều năm, bác đứng tên cho báo Đoàn Kết, và cho phép dùng địa chỉ riêng 70 rue de Mazarine làm địa chỉ của tờ báo. Còn "Bác Giớ”, chúng ta chỉ gọi tên bác bằng tên bác trai – như phụ nữ mấy thế hệ sau đó. Đọc cáo phó của gia đình, tôi mới biết tên con gái của bác.

Nhưng không quên được, là những giai thoại nhỏ về các bác, những việc làm lớn nhỏ mà suốt gần một thế kỷ, các bác đã âm thầm đóng góp cho phong trào, cho đất nước. Âm thầm, khiêm tốn, tự nguyện... giúp đỡ các phái đoàn trong nước, chính quyền có, văn nghệ có, nhất là trong những năm Hội nghị Paris.

Trong giờ phút đau buồn này, nhắc tới một chuyện không vui, là không nên. Nhưng tôi cứ xin nhắc lại, vì ý nghĩa của nó. Có một lần, một phái đoàn trong nước sang, ở trụ sở 2 rue Le Verrier, cạnh vườn Luxembourg, nhiều năm là trụ sở của Tổng đại diện VNDCCH, trước khi Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ (năm nay là đúng 50 năm). Cũng như mọi lần, vài bác phụ lão tự nguyện tới giúp đoàn, từ vệ sinh cho đến bếp núc. Nhiều bác ở ngoại ô xa, sáng đi tối về là một ngày lao động khá dài ở tuổi về hưu. Lần ấy, tôi không biết bác Giớ có mặt không. Nhưng một bác gái khác, được một thành viên trong đoàn, hỏi thân thiện : "Bác đến làm việc như thế này, được trả lương bao nhiêu ?”.

Nhiều ngày sau, tôi mới có dịp gặp bác gái ấy. Mặt bác còn nửa giận nửa buồn. Bác không thể hiểu được người ta có thể nghĩ rằng bao nhiêu năm nay, bác tự nguyện làm những công việc cho phong trào, cho đất nước, là để nhận lương. Sự ngộ nhận tất nhiên là hai chiều. Người hỏi bác là một cán bộ, hay một văn công nhân viên nhà nước, đã từ lâu rồi, quên rằng một phong trào cách mạng đại chúng làm bằng những sự tham gia tự nguyện của hàng triệu cá nhân ý thức. Khi cách mạng thành công, Nhà nước được thành lập, người ta đã phải công chức hóa một số cán bộ, thậm chí hai danh từ công chức và cán bộ trở thành đồng nghĩa, và xã hội công dân, nền tảng của phong trào cách mạng, bị quên đi, thậm chí còn bị coi là tiềm thể của những "thế lực" thù địch, nếu nó không được tổ chức, lãnh đạo chặt chẽ, bóp nghẹt.

Câu chuyện xã hội công dân, những hành động tự nguyện, vô vụ lợi, là câu chuyện dài dài. Trong giờ phút này, tôi chỉ muốn nghĩ tới nỗi buồn của bác phụ lão khi “được” hỏi về tiền lương. Nỗi buồn vĩ đại, vĩ đại như tấm lòng yêu nước của các bác, của bác Giớ, và của tất cả các bác, người mất người còn.

N.N.G.






Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us