Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Tin buồn / Madeleine RIFFAUD (1924-2024)

Madeleine RIFFAUD (1924-2024)

- Kiến Văn — published 07/11/2024 13:10, cập nhật lần cuối 07/11/2024 15:37
Nhà thơ, nhà báo, chiến sĩ kháng chiến Madeleine Riffaud đã từ trần ngày 6.11.2024 tại nhà riêng (Paris 4), sau nhiều năm trọng bênh, thọ 100 tuổi.

Tin buồn


Madeleine RIFFAUD
(1924-2024)

ChanDung

Nhà thơ, nhà báo, chiến sĩ kháng chiến Madeleine Riffaud đã từ trần
ngày 6.11.2024 tại nhà riêng (Paris 4), sau nhiều năm trọng bệnh, thọ 100 tuổi.

Sinh viên ở tuổi 18, mắc bệnh lao nặng (thời đó chưa có penicillin), Madeleine Riffaud đã được biết như một nhà thơ trẻ xuất sắc. Tại bệnh viện dưỡng lao, chị tham gia hàng ngũ kháng chiến chống phát xít Đức. 20 tuổi, tham gia đội vũ trang FTP, giết chết một sĩ quan Đức bên bờ sông Seine trong phong trào trả thù cho đồng bào ở Oradour-sur-Glane bị một sư đoàn nazi tàn sát. Bị bắt, tra tấn, kết án tử hình, trao đổi tù binh, bị bắt trở lại, vượt ngục, rồi tham gia giải phóng Paris (quảng trường La République). Từ đó, một cuộc đời đầy ắp : phóng viên, ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân mỏ (Pháp), của nhân dân Algérie chống thực dân, của Việt Nam chống quân đội Pháp, rồi quân đội Mỹ, rồi phóng sự về cuộc sống tận tụy, đầy gian khổ của y tá, hộ lý các bệnh viện Pháp... (bạn đọc có thể theo dõi tóm tắt sự nghiệp của Madeleine Riffaud trên trang từ điển bách khoa mở Wikipédia).

h2

Madeleine Riffaud với Nguyễn Đình Thi (trái), chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), lúc về già (phải)


Đối với người Việt Nam, tên tuổi của Madeleine Riffaud không những chỉ gắn bỏ với hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà gợi lên mối tình với nhà thơ, nhà văn Nguyễn Đình Thi. Họ gặp nhau tại Liên hoan quốc tế thanh niên 1951 ở Berlin, và đã sống chung với nhau ở Hà Nội trong thời gian 1955-56 cùng hai đứa con mồ côi mẹ, với sự “ủng hộ” của chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhưng cũng chính Cụ Hồ đã dứt khoát khuyên Madeleine phải khăn gói trở về Pháp : chủ nghĩa Mao bao trùm lên ĐCS Việt Nam trong thời kỳ này, không những trong cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu, mà trên toàn bộ đời sống chính trị, văn hóa, xã hội. “Bản thân Bác, sáu tháng nữa, không biết sẽ ra sao”, Cụ Hồ nói với Madeleine như vậy, và viện dẫn việc bà Phạm Ngọc Thạch, bộ trưởng y tế, đã phải chia tay với chồng, đưa hai con Colette và Alain về Pháp.  Chứng từ của Madeleine Riffaud đã được ghi lại cặn kẽ trong phần Bonus đi kèm cuốn phim Les Sept Vies de Madeleine Riffaud (Bảy cuộc đời của Madeleine Riffaud), của  Jorge Amat (Unifrance, 2019). Có dịp, chúng tôi sẽ đăng toàn văn chứng từ quan trọng này (*).

Kiến Văn

_______________
(*) Xem hồi ký của André Menras : Lên đỉnh vinh quang rồi bị lãng quên như đồ phế thải

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us