Bạn đang ở: Trang chủ / Đời sống / Tin buồn / Nguyễn Văn Liên (1914-2020)

Nguyễn Văn Liên (1914-2020)

- Diễn Đàn — published 14/08/2020 18:40, cập nhật lần cuối 14/08/2020 20:39

Tin buồn


Nguyễn Văn Liên
(1914-2020)



nvl


Chúng tôi được tin ông Nguyễn Văn Liên, cựu công binh, đã từ trần tại Vitry-sur-Seine (94) ngày 10 tháng 8 năm 2020, thọ 106 tuổi.

Lễ tang đã cử hành ngày 14.8.2020 tại nghĩa trang Kremlin-Bicêtre.

Xin thành thực chia buồn với con gái Annie-Flore Nguyen Kazem-Bakhshi, con trai Jean-Michel Nguyen và toàn thể tang quyến.



Ông Nguyễn Văn Liên có lẽ là người cuối cùng còn sống trong nhóm những người Việt Nam thuộc xu hướng trôt-kit tại Pháp, đồng chí của các ông Đặng Văn Long, Hoàng Khoa Khôi, Nguyễn Khánh Hội.

Thời giờ và phương tiện hạn chế, chúng tôi không tìm lại được cuốn hồi ký và những bài viết của ông. Dưới đây, xin trích lại lời kể của ông trong cuộc phỏng vấn năm 2003, đăng trên trang mạng onsvietnam :


Lính thợ VN đi Pháp đều bị bắt. Về phần tôi, tôi không bị bắt, nhưng bị cưỡng bách từ tháng tám 1939. Gia đình tôi có 4 anh em trai, Hội đồng xã đến nhà cưỡng bách bố tôi phải cử một  đứa con trai đi lính thợ, tôi là con thứ hai, đã có vợ và có con trai, tôi bị bố tôi cắt cử, tôi không có lý do từ chối ý định của bố tôi, bởi vì nếu bố tôi không giàn xếp được thì họ sẽ dùng sức mạnh đến bắt buộc và cũng sẽ bắt tôi chứ không ai khác. Còn 24 bạn đồng đội ở xã tôi thì bị bắt. Ban đêm lúc họ đang ngủ say, tuần đinh ập vào nhà bắt trói đem tới đình trung giam giữ rồi ngày mai bị áp giải lên huyện như giải tù. Trong số đó có hai người là con một. Điều đó chứng tỏ ra rằng bọn lý hào không cần đến pháp luật, chúng được chính quyền bản xứ che chở, và chính quyền thuộc địa  làm ngơ. Ngày 18 tháng tám 1939 tuyển lính ở huyện, tuyển chọn xong lính mới tập hợp ở Thanh  Hóa. Ở Thanh  Hóa  hai  tháng  không có tàu thủy, lính thợ được phép trở về gia đình đợi khi có tàu thủy sẽ bị gọi trở lại. Ngày 11 tháng 12 năm 1939 họ bị gọi trở lại Thanh Hóa rồi ngày 12 tháng 12 năm 1939 đi Đà Nẵng. Ngày 16 tháng 12 xuống tàu thủy. Chiếc Yalou khổng lồ và già nua chở 2.000 lính thợ đi Pháp. Ngày 22 tháng 1 năm 1940 tới Marseille, ở lại Marseille một tuần lễ rồi lính thợ được chia thành cơ, ngũ và di chuyển đi các nơi làm việc. Tôi thuộc cơ 18 đi Bergerac làm thuốc súng. Mấy ngày sau khi tới Bergerac, một hôm ông quản cơ 18 vào thăm trại  ngũ, khi đó anh Sếp groupe Nguyễn Sinh Sắc vắng mặt (....)

Tôi  thuật  lại môt quảng đời dĩ vãng của tôi, sau khi thôi học. Sau 15 phút vấn đáp ông (quản cơ) trở lại phòng giấy, hôm sau ông cho gọi tôi đến phòng giấy rồi bảo rằng: từ hôm nay, anh được bổ nhiệm giám thị thông ngôn, trách nhiệm một nhóm đi làm thuốc súng khởi đầu từ ngày mai.

(...)

Riêng ở Bergerac, lính thợ phải cưỡng bách làm thuốc súng cho Đức. Từ nửa cuối năm 1940 đến quí ba năm 1944 là thời kỳ đen tối của đoàn thể lính thợ, những viên chức của sở MOI và viên chức của lính thợ, thông ngôn, giám  thị  tự  do bóc lột và đàn áp quần chúng. Chúng ăn cắp lương thực  và  quần  áo  của  anh em lính thợ đem  bán  chợ  đen, chúng xem như là hành động tự nhiên, không ai  dám phản đối. Lính thợ vì đói rét và làm việc quá sức, đến năm 1946, số người chết  trong anh em lính thợ lên đến một phần mười tổng số, vì  tai  nạn, đói  rét, bom đạn và nhất là bệnh tật . Trong thời kỳ đen tối đó, sở MOI luợm lặt được một số lợi nhuận trên mồ hôi nước mắt của anh em lính thợ là  677 triệu frs, khi đó phần ăn  giảm  sút  gần  tới   nạn đói. Sở MOI ra  lệnh cho quỹ Đồng bạc Đông Dương giữ lại một phần  tiền  lương  bỏ vào sổ  tieết   kiệp. Chúng  tôi  không  được  biết rõ  sổ tiết kiệm đó vận hành ra sao chỉ biết khi đó số tiền tiết kiệm của lính thợ lến tới 21 triệu frs, để ở Địa ốc Ngân hàng Hà Nội mà sở MOI là chủ  nhân độc nhất.


Mặc dầu lính thợ được  xem  là  lao  động  nặng  nhọc, phần  ăn  được  bồi dưỡng hơn nhân dân thành thị nhưng chỉ là văn  bản  viết  trên  giấy. Trong  thực  tế  thì ngược  lại. Người  ta thấy họ húp bát cháo  loãng  lênh  đênh  vài  miếng  thịt  dai như cao su, vài miếng cà rốt, cải  bắp.  Người ta thấy họ ăn mặc rách rưới tả tơi, đi giầy há miệng, gót giầy mòn tới gót chân, lại có cả trường hợp đi chân đất trong khi đẵn củi trên núi cao, hay làm việc trên ruộng muối…


Nhà  ở  phần  nhiều  chật  hẹp, thiếu  không khí và không đủ suởi ấm. Tệ hơn nữa là trong khi các tiểu đoàn lính thợ đi  làm  việc  cho  chủ  tư  ở  thôn  quê hoặc miền rừng núi, người ta dọn dẹp chuồng bò làm phòng ngủ, rải rơm trên nền xi măng  rồi  nằm  sát  vào  nhau kiếm chút hơi ấm. Chính  tôi  cùng  với  nhóm của tôi  đã  ngủ  trong chuồng bò trải rơm, trên miền núi cao Mont Bazillac trong mùa thu 1941. Chuồng  bò  vừa  là  phòng  ngủ  vừa  là phòng ăn của chúng tôi, thảm  cảnh  này  chẳng  phải  là  đặc  biệt, có hàng  mấy  chục trường hợp như vậy. Còn khủng khiép hơn nữa là  tiểu đoàn lính thợ làm việc trong nhà máy dệt  ở  Arđèche, họ ngủ trong ngôi nhà siêu vẹo dưới chân  núi, không  có  sưởi  ấm. Một hôm có cơn giông lớn, ngôi nhà đổ sập, có 7 lính thợ chết vùi trong đống gạch đá! Nhưng còn hai cảnh thương tâm khác đập vào mắt mọi người là chế độ lao tù và ngành y tế của sở MOI.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us