Alice NEEL họa sĩ của thế kỷ
Triển lãm tại Trung tâm Pompidou
(Paris)
đến ngày 16.1.2023
Alice NEEL
họa sĩ của thế kỷ
Kiến Văn
Chưa hề biết hay có nghe nói tới nữ họa sĩ Alice Neel, ở Pháp, bạn có hai tháng để đi xem cuộc triển lãm lớn về “họa sĩ dấn thân” này.
Ra đời cuối tháng giêng 1900, từ trần
năm 1984, Alice Neel sống gần như trọn vẹn thế kỷ 20. Nhưng gần như
trong ba phần tư cuộc đời của mình, người nghệ sĩ mà một nhà phê bình
hội họa đã gọi là “họa sĩ của thế kỷ”,
không được công chúng biết tới, bị giới phê bình nghệ thuật coi thường,
thậm chí chê bai. Cuối đời, Alice Neel chứng kiến sự đảo ngược. Và sau
khi bà mất đi, bà được vinh danh, về nghệ thuật, cũng như về nhân cách
và lập trường.
(trái) : Alice trước tấm Chân dung tự họa, 1980
(phải) : Richard in the Era of the Corporation, 1978
Bằng chứng là cuộc triển lãm hiện nay ở Paris, và trong mấy năm vừa qua, trước và sau đại dịch Covid-19, các cuộc triển lãm lớn ở New York (viện bảo tàng nổi tiếng MET), Houston, London, Hamburg... “Nghệ sĩ dấn thân”, “họa sĩ chân dung của thế kỷ”, “cộng sản”, “nữ quyền”, “chống kỳ thị chủng tộc”, “phản chiến”, “người nghệ sĩ suốt đời đi ngược dòng”....
(trái) Chân dung Andy Warhol, 1970
(phải) The Black Draftee, 1965
Đúng là Alice “đi ngược dòng”. Từ những năm 1920, dòng hội họa chủ đạo ở Mỹ là trừu tượng, rồi nhiều thập niên về sau, là Pop Art, là đủ mọi thứ... trừ hội họa tượng hình (figuratif). Bà đã chọn tượng hình, không những thế, còn đoạn tuyệt với quan niệm thẩm mỹ, thậm chí duy mỹ, của trường phái ấn tượng. Đề tài tranh của Alice là những con người trong cuộc đời thường, đi metro, biểu tình, những người da đen, latino hẩm hiu, những người đàn bà bị hành hung, khỏa thân những người đàn bà bụng chửa, vú xệ... cả một xã hội New York (từ khu Harlem, Spanish... lên khu Upper phía bắc bán đảo Manhattan) : Alice Neel khẳng định ý đồ nghệ thuật nhất quán của mình là tái tạo cả môt xã hội như “Tấn tuồng đời” (La comédie humaine) của Honoré de Balzac. Tranh của bà là “hiện thực”, nhưng cố nhiên không phải là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” như một ông đồng chí của bà (Mike Gold, tổng biên tập tạp chí The New Masses ) trong Đảng cộng sản Mỹ đã vơ vào một cách khiên cưỡng nực cười. Alice muốn dùng cây cọ, màu sắc, đường nét... để “trao lời cho những người không có tiếng nói”, sáng tạo ra “hình ảnh của những con người vô dạng vô hình”.
“Cộng sản” ? Đúng là Alice Neel, sau nhiều năm “thân cộng” đã gia nhập Đảng cộng sản Mỹ. Cục phản gián FBI đã lập hồ sơ dày cộm, thời McCarthy đã nhiều lần thẩm vấn bà. Bà đã vẽ chân dung Gus Hall, chủ tịch ĐCS Mỹ. Nhưng nói như ngôn ngữ dân gian Việt Nam, Alice Neel, là “người cộng sản nhưng mà tốt”. Bà kết thân và dứt khoát bảo vệ một đồng chí (người da đen) bị khai trừ vì tội... “thích nhạc Debussy”.
Alice and José, 1938
Chân dung toàn thân mà Alice Neel vẽ nên là những con người với tất cả sự đa dạng, phức tạp, sinh động, bi thảm của họ, những con người mà bà lưu tâm, đặc biệt vì họ ở “ngoài lề”, hoặc vì vị trí xã hội, giới tính của họ. “Khi một chân dung thành công, nó phản ánh nền văn hóa, thời đại, và nhiều thứ khác”. Không phải ngẫu nhiên mà người ta chú ý tới chân dung (dở dang) người thanh niên da đen J. Hunter (The Black Draftee) biến mất trong cuộc chiến tranh Việt Nam sau một buổi ngồi làm mẫu, bức chân dung “ác độc” Alice vẽ người con trai Richard của bà (cán bộ lãnh đạo công ty hàng không Pan Am, sau khi đã lãnh đạo và giết ngọt công ty hàng không quốc doanh để dọn chỗ cho các công ty tư doanh – một loại Macron Mẽo). Hay bức chân dung tự họa, và nhất là bức chân dung Andy Warhol, nửa khỏa thân, trần trụi với những vết khâu vá trên bụng sau khi chết hụt vì bị bắn mấy viên đạn, bức tranh đã lột tả sự cô độc tuyệt đối của một nhân vật công cộng, đồng nghĩa với sự hào nhoáng và trình diễn.
Kiến Văn
Các thao tác trên Tài liệu