Bức tranh sơn dầu CHIỀU TÀ của Hàm Nghi xuất hiện tại Paris
Bán đấu giá ngày 24.11.2010
MỘT BỨC TRANH
của vua HÀM NGHI
HÀM NGHI, Chiều tà (Déclin du jour), sơn dầu 1915, 35 cm x 46 cm
Ngày thứ tư 24.11.2010 tới đây, lúc 14g15, môt tác phẩm hội họa của vua Hàm Nghi, lần đầu tiên, sẽ được đem ra bán đấu giá tại Paris. Người ra giá là văn phòng SVV Millon & Associés (ước tính từ 800 đến 1200 Euros). Cuộc đấu giá sẽ được tổ chức tại Hotel Drouot,9 rue Drouot 75009 Paris (M° Richelieu Drouot).
Hàm Nghi giữa những tác phẩm điêu khắc
ảnh chụp năm 1935 (sưu tập của cháu nội).
Theo thông tin của SVV Millon & Associés (bấm vào đây), bức tranh Déclin du jour (lô thứ 41) sẽ được trưng bày từ ngày 8.11 tại số 5 Avenue d'Eylau, Paris 16e (từ 9g30 đến 17g30) rồi tại nơi đấu giá, khách sạn Drouot (Salle 1, ngày thứ ba 23.11 từ 11g đến 18g, ngày thứ tư 24.11 từ 11g đến 12g).
Vẫn theo văn phòng đấu giá, bức sơn dầu này có kích thước 35 cm x 46 cm, ghi là vẽ năm 1915. Đó là năm thứ nhì cuộc Thế chiến lần thứ nhất. Theo tiểu sử của cựu hoàng, lúc đó ông ở Alger, sống và sáng tác tranh tượng tại biệt thự Gia Long, khu El Biar.
Theo giới theo dõi thị trường hội họa,
đây là lần đầu tiên một tác phẩm của Hàm Nghi được đem ra bán đấu giá
(điều này giải thích tại sao, mức định giá ban đầu khá thấp).
Năm 1926, Hàm Nghi đã triển lãm tranh và tượng tại Paris (cũng vào tháng 11, tại Galerie Mantelet, rue de la Boétie, Paris 8). Hiện nay, chưa có một vựng tập cho biết các tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông hiện ở trong tay những ai, ngoài gia đình ba người cháu ngoại (con của công chúa Như Lý và chồng là bá tước François Barthomivat de La Besse). Theo thông tin của chúng tôi, đầu thập niên 1960, khi bà Marcelle Laloe (kết hôn với Hàm Nghi năm 1904) rời biệt thự Gia Long về Pháp (ở vùng Périgord), bà và các con chỉ mang theo những bức tranh và những bức tượng giữ trong nhà, để lại ngoài vườn những bức tượng lớn. Hài cốt của Hàm Nghi (mất năm 1944) được an táng trong khu vườn của biệt thự, đến năm 1965 mới được đưa về Thonac (Pháp). Khu vườn lớn này đã được chia đôi, một nửa trở thành đại sứ quán Liên Xô (nay là Liên bang Nga), tòa biệt thự và nửa vườn còn lại vẫn do chính phủ Algérie chủ quản. Một cựu đại sứ Việt Nam mà chúng tôi có dịp gặp trong tháng 10.2010 cho biết năm ngoái ông đã đến Alger và được đi thăm biệt thự này và thấy ngoài vườn có một vài tác phẩm điêu khắc. Câu hỏi đặt ra là : đó phải chăng là những tác phẩm của cựu hoàng ? toàn bộ những bức tượng mà gia đình không mang sang Pháp hiện nay còn ở đâu ? Mong rằng Bộ văn hóa và Bộ ngoại giao Việt Nam ý thức được nhiệm vụ của mình và kịp thời đặt vấn đề với chính phủ Algérie.
Về cuộc đời nghệ sĩ của nhà vua, xin tìm đọc bài Hàm Nghi nghệ sĩ mà chúng tôi đã công bố trên mặt báo Diễn Đàn ngày 8.7.2008.
N. N. G.
Các thao tác trên Tài liệu