Bạn đang ở: Trang chủ / Các số đặc biệt / Vĩnh biệt Phạm Ngọc Tới / Chân dung nhà văn, trong một thế nhìn (V)

Chân dung nhà văn, trong một thế nhìn (V)

- Lê Minh Hà — published 24/11/2009 12:44, cập nhật lần cuối 24/11/2009 12:44


Chân dung nhà văn,
trong một thế nhìn (V)

 

Lê Minh Hà



Thì tôi cứ nhận vơ ông về cho giới mình như thế. Dù gì thì ông cũng đã viết bao nhiêu bài báo, cũng là tác giả của những tác phẩm tôi tin không có nhiều người đọc lắm đâu, vì bị đòi vốn trước, là vốn sống, vốn tình, vốn duyên vốn nợ ít nhiều với lĩnh vực mà ông nói tới. Nhưng nghệ thuật là thế, có thứ dành cho đám đông, đọc, cười khóc ngay lập tức, cũng có thể quên ngay. Lại có thứ chỉ dành cho một giới người thôi, để thở dài vì cái đẹp hiếm quý bắt gặp trên hay sau từng con chữ chính xác, giản dị. Như khoa học. Như đời người.

Thật ra thì ông trước hết và sau rốt thuộc về một nghệ thuật khác : nghệ thuật thị giác, nghệ thuật của kĩ thuật nữa. Tôi không biết nhiều về các tác phẩm mang tính chuyên ngành của ông. Toàn nghe hóng, đọc hóng. Kể cả về ngôi nhà nghe nói tính cách lắm của ông giữa Paris. Kể cả về thiền viện ông thiết kế ở nơi đó. Nghĩa là ông thông thạo đường nét, hình khối, mảng miếng, kết cấu, sức bền vật liệu, vân vân. Toàn những thứ tôi mù tịt, hai lần mù tịt. Cái sự biết của ông, cũng là cái sự không biết hai lần của tôi làm tôi nể ông lắm khi đọc tác phẩm của ông. Dù sao tôi biết mình có tấp tểnh viết văn thì cái gọi là thiên phú cũng vậy vậy thôi, nghiệp đấy mà cũng là nghề thôi, nhỏ.

Mười lăm năm cúi cổ trước phận cát đằng, sang trời Âu còn phải lẩy bẩy tập bước vào cầu thang máy cuốn và hoàn toàn chưa có khái niệm gì về Internet, (Hà Nội lúc đó chưa có cả hai) tôi gặp ông lần đầu, ngẫu nhiên, trên một tờ báo không bìa, nuy, nhưng cái tên thì viết đẹp không chịu được. Dễ hiểu vì sao tôi hoàn toàn đờ đẫn sau khi đọc bài viết về xa lộ thông tin của tác giả có cái tên rất Đường thi. Còn bài của ông thì làm tôi quá sướng, ngang với sướng khi đọc những bài viết rất văn hóa về thời sự chính trị ở tờ báo này. Đó là một bài nghiên cứu hội họa, súc tích, giản dị, đặc biệt chuyên nghiệp, có khả năng phổ cập kiến thức tức thì với tôi. Và từ đó, tôi không bỏ qua bài nào của tác giả đó. Những bút danh khác nhau không giấu được thể tạng cảm xúc của ông, dù đề tài từng bài thì khác.

Nhưng tôi hoàn toàn không biết ông, không biết tên thật của ông, cái tên mà khi đã quen, tôi gọi  cho tới bây giờ.

Thế nên phải thú thật là tôi xấu hổ, khi nhớ lần đầu gặp ông, nhớ sự thiếu nồng nhiệt, vồn vã của mình, chỉ biết tự trách trời sinh tính.

Thì cũng là tại ông chủ nhà. Nào ai biết ưu ái cây bút chẻ, ông chủ nhà đã mời ông tới ăn bữa tối cùng chúng tôi, nhưng lại chỉ giới thiệu tên thật của ông. Cứ nghĩ là bạn, là đồng nghiệp, là Việt kiều tây của chủ nhà, đến vì chủ nhà. Ai dám nghĩ con người đó tới vì mình.

Chỉ thầm thú vị khi nghe chuyện hai ông bạn. Ngưòi ta hay nói tới giới trí thức Việt kiều ở Pháp thế hệ các ông, gặp, đắm luôn vào sự lịch lãm. Nó không nằm ở kính, ở tẩu, ở những từ ngữ của thổ dân họ quen đệm trong câu chuyện, hay ở tầm cao sâu trong những vấn đề các ông các bà ấy bàn luận. Nó đặc biệt lắm, trước hết vì giản dị lắm. Trong cách trò chuyện, đãi người, ân cần mà cứ như thể là nhân tiện, làm cho người tiếp xúc không cảm thấy áy náy mình đang làm phiền gia chủ, cũng không bối rối vì cái nhỏ của mình, trong trường hợp của tôi lúc đó là nhỏ tuổi, nhỏ tài, nhỏ trí, nhỏ chí, tóm lại là nhỏ tuốt.

Đường bên đất Pháp từng chặng có trạm thu tiền, bờ cỏ hai bên đường chốc chốc lại thấy hiện ra một đôi mảng màu sặc sỡ, hình tròn, hình tam giác, hình vuông, chẳng biết là biểu tượng của cái gì, chắc không được làm với ý tưởng phục dựng lịch sử chính quốc như Con Đường Gốm Sứ đang thi công ở Hà Nội bây giờ, chưa biết chừng chỉ cốt làm lái xe tỉnh ngủ, nhưng với tôi thì rất đáng chú ý. Để hỏi trong bữa ăn, về sự bị mãi lộ mà lúc đó tôi chưa hiểu rằng là một trong các biểu hiện của văn minh, về ý nghĩa của các mảng màu, về chuyện mai đi đâu về đâu giữa Paris. Tôi không nhớ, chúng tôi đã nói gì, nói như thế nào về chuyện thích nghe chèo cổ. Chỉ biết là điều đó chúng tôi không bao giờ lại dại dột thổ lộ với các đồng hương trẻ trẻ.

Sau bữa cơm ông về, rồi trở lại. Cứ nghĩ ông bỏ quên cái gì. Nhưng không, ông đưa cho chúng tôi ngay cửa ra vào một băng cassette thu các làn điệu chèo cổ, Thanh Ngoan hát. Sau này, biết ông nhiều hơn, nếu không nói là gần như một người cháu tâm giao dù không bao giờ gặp lại, tôi vẫn luôn kinh ngạc trước những ứng xử tinh tế, ý nhị ở ông. Uyên bác, đã đành, nhưng thẳm sâu ở con người ấy là sự tinh tế, thành cả một cốt cách, lưu dấu văn hóa đặc biệt của hai vùng đất ông đã sống qua, hai thủ đô, Paris, Hà Nội. Bạn ông, một nhà phê bình văn chương thông thái và tinh tế đã nói có lẽ là đúng nhất về tính cách này ở ông. Con người đó thanh và nhã. Tôi muốn nói thêm : và Hà Nội, không lẫn với thanh và nhã của những vùng đất khác, chẳng hạn Huế.

Tôi biết rất nhiều về nước Pháp, về Paris, qua những trang sách. Nhưng ấn tượng về Paris tận mắt không nhiều. Có màu đá hồng lên như da thịt người dưới tia nắng sau mưa rọi từ phía sông Seine trên bờ vai thần vệ nữ làm nhớ dáng người con gái bán dưa cà góc phố năm xưa. Có cái ân cần không tiếng của người nghệ sĩ lần đầu gặp mặt. Cả hai đều gọi tôi hướng về Hà Nội, một Hà Nội lầm lụi, thương khó thời tôi lớn, và Hà Nội kia, nhẹ nhõm và sang cả mà tôi muốn sống qua. Bạn, khi tôi viết những dòng này, bạn có tin rằng cả hai gương mặt Hà Nội ấy đều làm tôi đau đớn.

Có những lúc đọc thư ông nhận xét về tôi, về văn tôi, hay một người viết khác, tôi nhận ra ở ông bên thiên tư đặc biệt của người nghệ sĩ trí thức là cái điềm đạm của người từng trải.  Đọc rộng, tỉ mẩn đến từng tác giả mới bấu được vào ngưỡng cửa văn chương, ông phát hiện chính xác tài năng mới, chẳng hạn Nguyễn Ngọc Tư, Đào Vũ Hoài. Nhưng tôi cũng thấy thêm một nét nữa trong tạng thưởng thức của ông : ông trọng sự uyên bác và tinh tế, mà không mê lắm sự cầu kì, cũng như chất địa phương quá trong chữ nghĩa, dù đó là nét độc sáng của người viết. Nhưng tôi cũng là người viết đậm chất địa phương. Và tôi biết, nếu ông ưu ái Lê Minh Hà hơn thì chính là vì ông thiết tha với một miền phong thổ tích hợp được trong nó lớp váng màu mỡ của hồn cốt bao nhiêu miền đất khác. Là Hà Nội.

Có một lần ông viết hẳn hai trang báo về cuốn sách đầu tay của tôi. Lúc đó tôi hoàn toàn chưa biết ông. Đọc, nhận xét đầu tiên của tôi là người viết không thuộc giới nghiên cứu văn chương, không để mình hoa mắt bởi các thứ trào lưu chủ nghĩa. Nhận xét thứ hai : đọc kĩ lắm, không phải lối đọc ban phát ra vẻ của rất nhiều người viết phê bình điểm sách hiện nay. Và, thứ ba : phải là người Hà Nội, phải là người yêu Hà Nội kinh khủng. Không thế, làm sao ông rưng rưng được cùng tôi trước một mùi hoàng lan chín lìm lịm, sau mưa. Niềm giao cảm giữa tôi với ông bắt đầu từ đó, từ nỗi nhớ một thành phố đã rời xa, nơi có nỗi bâng khuâng chờ cơn gió đầu mùa bời bời chạy đuổi lá khô trên mặt phố, niềm iu ấp từng chút hương hoa, đến miếng ăn cũng thành của hương hoa, dù đời sống chẳng bao giờ thiếu nhọc nhằn. Biết ông nhiều hơn dù vẫn chẳng thêm một lần gặp mặt, tôi cứ nghĩ giả dụ ông không đi du học từ tuổi niên thiếu, giả dụ ông ở lại, đi kháng chiến, rồi một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn… lệ mừng gặp nhau xôn xao tiếng dương cầm, như lời thơ của một ca khúc không hiểu sao buổi đầu tôi cứ nghĩ viết cho và do người thế hệ ông, rồi ông sẽ trải dần bi kịch hòa bình lập lại trên đất nước mình, với chuyện trưng thu nhà cửa, cải tạo công thương nghiệp, rồi gia cảnh lụi dần, rồi đời sống thời chiến kiêm bao cấp với tem, phiếu, sổ gạo, bìa chất đốt… ông sẽ thế nào ? Thì có lẽ ông vẫn vậy, sẽ khổ, sẽ nghèo, sẽ vẫn uyên bác, và sẽ vẫn không thể xô bồ. Hà Nội là Hà Nội vì những đầu ô, những gánh hàng hoa, những ngõ chợ sặc sụa mùi rác rưởi và nước thải, vì những chiều gió trở, vì những mùa hoa, nhưng, tôi tin rằng với những người sinh ra lớn lên ở những miền đất khác, Hà Nội là Hà Nội vì những người như thế, nhã và thanh, và kiêu hãnh, biết đủ trong những ngày tháng thiếu, biết thiếu trong đủ đầy.

Nhưng người Hà Nội như thế không phải là người có thể dễ dàng cộng sinh. Mỗi người là cả một thế giới. Thế giới của ông, đẹp, mong manh, Đẹp tựa hồ như Đạo. Những người thiết tha với cái đẹp vốn mong manh không bao giờ là người yếu đuối. Tôi đã nghĩ thế khi một lần nghe chuyện ông qua Hà Lan mà không đi hết nổi con đường da thịt ở Amsterdam, vốn là đặc sản xứ này. Ông không phải là người có thể bình thản trước, không phải chỉ là nỗi đau đớn, sự ô nhục của con người, mà là sự không biết xấu hổ của con người. Cũng vậy, khi ông kể cho tôi nghe về niềm tự tin thái quá một nhà thơ nữ bày tỏ ở… hiệu bánh mì, khi cô sang Pháp đọc thơ, tôi nghe qua giọng ông một nỗi hốt hoảng khi phải chứng kiến sự lố bịch chỉ có ở con người. Không phải là ông không chấp nhận, mà đơn giản là ông không chịu đựng được cả sự vô cảm lẫn vô tâm, theo cái cách số đông chúng ta vẫn làm, là biến tất cả thành trò cười. Biết có những người như vậy, chỉ nội một sự đụng chạm với tầm thường cũng đủ để tự tổn thương. Mà vẫn lạ.

Những hồi ức tuổi thơ của ông làm tôi hiểu cái khác thường ấy thật ra là có gốc rễ. Ở con người ấy, cái nhạy cảm đặc biệt nghệ sĩ đã sớm định hình, như là định mệnh. Tôi rất thích đọc hồi kí tuổi thơ của người đi trước. Có người viết u u hoài hoài, mang mang lắm nỗi, mà hóm. Như Tô Hoài. Có người láu lỉnh như Vũ Thu Hiên. Lại có người hồn hậu như Duy Khán… Hồi ức tuổi thơ của ông trong vắt, đau đáu. Có gì đó làm tôi nhớ tới một hồi ức tuổi thơ khác, cũng của một người Hà Nội như ông, thuộc thế hệ ông, và cũng đang ở Pháp – nhà văn Vũ Hùng, tác giả của một cuốn truyện đi suốt tuổi thơ tôi: Phía Tây Trường Sơn. Tuổi thơ của họ giao hòa trong nhiều sự kiện lớn lao của đất nước vừa rũ bùn đứng dậy. Nhưng con đường họ đi khác nhau một cách ngẫu nhiên. Một người đi tây, một người tây tiến. Rồi cuối cùng cũng vẫn Paris. Nhưng họ không biết nhau, không biết, dù cả hai có thể nói đều là những đứa trẻ của Hà Nội những ngày tháng chạp năm 1946. Và tôi vẫn cứ áy náy rằng đã không dám giới thiệu những bậc tiền bối ấy với nhau, chỉ vì nghĩ sự ngẫu nhiên của số phận sẽ định hướng chọn lựa của con người. Biết đâu, sự họ không biết nhau cũng là một chọn lựa, biết đâu. 

Trước khi in hồi ức về những ngày thơ ấu, ông có đề nghị chồng tôi chuyển cho thật nhiều ảnh về phố cổ và phố cũ đã chụp suốt nhiều năm để ông chọn làm minh họa sách. Rồi không thấy ông dùng. Thì cũng phải, phố đâu phải chỉ gồm nhà, phố trước hết là hồn nắng sương, hồn cây lá, là người và nhịp sống đi về trên đó. Phố cổ phố cũ Hà Nội hôm nay lùng nhùng dây điện, đôi khi lại có cả cái loa truyền thanh phường thò ra từ trong mớ lùng nhùng đó, treo từng búi, sáng chiều lọc ọc, ra rả những điều khổ lắm biết rồi vẫn có riêng cho mình một hồn một phách, nhưng không là cái hồn phách cũ nằm trong tâm tưởng của ông. Rồi chỉ mới mùa hạ vừa qua thôi, trả lời về bức ảnh chúng tôi vừa gửi đi từ Hà Nội, ông đã nửa buồn nửa phẫn vì cái nhà to đùng công trình kiến trúc tiêu biểu của thời kì đổi mới (có biển hiệu hẳn hoi) của tổng công ti dầu khí Việt Nam thòi lòi trên cả một quần thể chung cư xập xệ bên cái hồ có cái tên theo ông là kì quái : hồ Thành Công. Nhưng có chợt tưởng tượng một chuyến về lại Thủ đô cho ông, tôi vẫn nghĩ ông không bao giờ là Từ Thức. Bởi con người đó khi đắm mình trong hồi ức tuổi thơ đã hiểu rất rõ “ ngày nay cần phải có thêm một niềm tin nào đó mới giữ nổi cái tình yêu trong sáng của mình đối với một nơi chốn mà mình đã từng yêu mến ”. Niềm tin đó ở ông phải dào dạt lắm thì ông mới không chỉ hết lời nhắc một ngày xưa và không quay phắt đi với cái hôm nay, mà day dứt với ý tưởng đưa Hà Nội trở lại là Hà Nội, đúng hơn là tìm lại cho mảnh đất này hôm nay cái chất muôn đời. Tôi đã đọc rất kĩ ý tưởng cải tạo phố cổ của ông. Còn nhớ chú cháu đã đồng tình mà không đồng ý được với nhau, không phải ở góc độ kiến trúc, tôi biết gì về điều đó đâu để mà cãi, mà chỉ vì tôi ngờ vực khả năng di được dân ra khỏi phố cổ để quy hoạch và cải tạo lại. Còn ông thì tin rằng sẽ làm được vì đó là việc hiển nhiên sẽ phải làm, nếu nhà nước hiểu và thực hiện được đúng đắn sức mạnh của mình. Nếu ơi là nếu. Nếu thế thì liệu Hà Nội của chú cháu mình có bị quê mùa hóa thế này không. Cái nét quê mùa duyên dáng ở đâu kia về tới đất này sao phô đến thế. Có điều, khi ông viết “ Hà Nội chỉ thực sự đẹp và đáng yêu khi cái niềm tin ấy – (niềm tin nào đó cần có kia) vẫn còn nguyên vẹn trong trái tim ta ”, ông không biết rằng Hà Nội đúng là chỉ thực sự đẹp với tôi, khi tôi thấy niềm tin trong sáng, giản dị, dai dẳng ấy ở những người như ông – một kiểu Thạch Lam trên một bình diện khác của sự biết. Lứa chúng tôi, và hình như cả những lứa đời sau, với một Hà Nội đã biến đổi rất nhiều so với thời ông, thời trước ông, lòng vẫn Thủ đô, nhưng tình yêu Hà Nội nhiều khi hệt như một niềm tuyệt vọng. 

Nỗi đau cuối luôn luôn là tận cùng, làm người ta kiệt lực. Nhưng khi đi tìm một địa chỉ tin cậy để giúp ông phó thác cuốn sách nghiên cứu hội họa cuối cùng, đọc mấy dòng ông viết rằng ông muốn làm nhanh, vì sợ không còn nhiều thời gian, tự dưng tôi thấy mình hoang phí quá và đời sống bất chợt lại lóng lánh trong tôi.

Điều ông viết hoàn toàn không phải là một niềm tiên cảm gì, tôi tin thế. Đó là sự biết trước về một điều không ai biết mà thôi, sống đầy, sống nhiều thì sẽ như nhiên được vậy.

Cũng vì sống đầy, sống nhiều, ông biết một điều ông không thể làm ngay được. Đấy là viết tiếp hồi kí tuổi thơ, về khoảng đời từ khi qua Pháp, học, làm, tham gia theo cách riêng vào những biến thiên lịch sử quê nhà. Viết cho tôi, ông bảo rằng có những người những việc biết hết cả rồi đấy nhưng chưa thể phán xét thành lời ngày hôm nay được, và ông dự định dành thời gian để vẽ, cũng như viết truyện tình yêu ! Hình như tôi hiểu ông. Thể tạng cảm xúc của ông mà tôi đọc ra qua bao nhiêu dòng chữ đã giải thích tất cả. Nhưng mà tôi tiếc. Cũng vì biết thời gian không chờ, biết người đi sau không thể nói thay người đi trước, không thể nhìn bằng con mắt người trong cuộc, tự đi qua.

Bây giờ thì ông đã là người tới cõi. Giả như một cuộc đời chỉ gồm những sự vụ tầm tầm, ao ước tầm tầm thì cái việc ra đi nhẹ nhõm đến thế ở tuổi này là đủ để người đời, người nhà và chính mình, nếu còn một kiếp sau để biết, thỏa mãn với tuổi trời cho rồi. Nhưng với một người như ông, biết giới hạn tự nhiên chỉ là để thu xếp làm được nhiều nhất cho khao khát một đời, vì người, vì nghệ thuật thì cuộc sống thế nào cũng là quá ngắn. Nên chi, nhận tin ai cũng bàng hoàng.


*

Từ hôm qua đến lúc này mình vẫn bàng hoàng. Trước tin một người đã ở giữa cái tuổi thất thập cổ lai hi ra đi đột ngột.

Là kiến trúc sư, nhà phê bình hội họa, qua Pháp ở tuổi thiếu niên, mà ở người đó lại hội tụ cái chất Hà Nội muôn đời. Có thể nói ấn tượng Hà Nội chú đưa lại đã làm nên ấn tượng Paris ở mình, lần đầu qua đó. Lịch lãm và thanh nhã, đúng kiểu một trí thức Tây học sống ở Tây, mà cũng là lịch và thanh của người Tràng An một thuở. Rất tinh tế, nhỏ nhẹ, ông dường như biết mình không cần đến vẻ cương cường là cái cốt cách bên ngoài mà đàn ông ưa chứng tỏ. Ở người nghệ sĩ này, cái ông tạo ra đã là đẹp, mà bản thân cách ông sống cũng là cái đẹp. Giá đời này có nhiều hơn một những người như thế, chiến tranh có tránh được không thì khó nói, nhưng từng ngày sẽ tránh được rất nhiều bụi bặm, ơ hờ trong các ràng níu với nhau làm người ta mệt mỏi và chán nản.

(trích từ blog cá nhân)

 

*

 

Và bây giờ, chấp nhận sự thật rồi, ngồi viết những dòng này, nỗi bàng hoàng sống lại, tròn nguyên. Người đi rồi, còn lại ?

Lê Minh Hà


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss