Bạn đang ở: Trang chủ / Các số đặc biệt / Vĩnh biệt Phạm Ngọc Tới / Thắp nén hương tưởng niệm người thầy đầu tiên

Thắp nén hương tưởng niệm người thầy đầu tiên

- Lưu Thuỷ Hương — published 04/11/2009 21:25, cập nhật lần cuối 04/11/2009 21:25


Thắp nén hương tưởng niệm
người thầy đầu tiên



Lưu Thuỷ Hương



Đến bây giờ, khi thầy đã ra đi, tôi mới dám tự nhận mình là học trò của thầy. Một điều rất giản dị êm đềm mà từ trong những ngày đầu cầm viết tôi đã nghĩ như vậy, chỉ không dám nói ra - vì sợ. Tôi sợ mình chưa xứng đáng để nhận chức danh là “học trò của thầy Văn Ngọc”.

Tôi đến với văn chương gần như bằng hai bàn tay trắng. Bài học đầu tiên cho người chập chững cầm bút là bài điểm sách của thầy. “Đọc Dấu Ấn của Nguyễn Thị Thanh Bình”. Những điều tưởng chừng rất đơn giản nằm sau những câu chữ hiền hoà của thầy, đã là bài học vỡ lòng, là nghệ thuật sơ khởi cho một kẻ lơ ngơ đứng bên dòng văn chương. Tôi rón rén đặt chân mình lên viên đá nghệ thuật đầu tiên, mơ hồ nhận ra, có một thế giới bao la huyền bí nằm ở phía trước. Chỉ cần bước được ra khỏi cuộc sống tẻ nhạt hàng ngày, ta sẽ ở đó. Chỉ cần đừng trói buộc cả cuộc đời mình vào bản ngã, ta có thể thoát ra để đuổi theo và săn tìm bản ngã.

Những sự kiện dàn trải trong một lôgích nào đó, hoặc những tình cảm đôi khi bị pha loãng trong cuộc sống hàng ngày, thường thiếu sự cô đọng và tương phản cần thiết để có thể gây nên những cảm xúc lớn.”

Đoạn văn này của thầy viết cách đây hơn bốn năm (Diễn Đàn số 150), có lẽ bây nó đã chìm trôi vào giữa biển văn chương và biến đi mất hút. Tôi chỉ là một người tình cờ tìm được viên ngọc ước, trân trọng giữ lại bên mình làm hành trang. Giờ đây, khi thầy mất đi, tôi bồi hồi giở lại trang viết cũ của thầy, chậm rãi đọc từng câu từng chữ, tìm lại những cảm xúc, những rung động huyền diệu của những ngày đầu mơ ước. Cánh cửa trước mắt mình khe khẽ mở ra, một thế giới huyền ảo đam mê vẫn còn ở đó. Và tôi ngơ ngác nhận ra rằng, mình vẫn chưa bước qua được viên đá đầu tiên thầy đặt nơi ngưỡng cửa. Tôi chạy táo tác, chạy đổ mồ hôi, thử nhảy nhót đủ kiểu mà hoá ra mình vẫn chưa đi được một đoạn đường nào.

Đã quá muộn màng để tâm sự với thầy điều đó. Để được hỏi thầy một câu. Có buồn cười không, thưa thầy?

Để rồi được nghe những lời chỉ bảo chân tình của thầy.

Tôi là học trò của thầy, loại học trò rơi, học trò rớt, loại học lén chữ nghĩa của thầy qua những bài thầy viết đăng trên báo. Cơ duyên đến muộn màng, mãi sau vài truyện ngắn được đăng, tôi mới có dịp liên lạc thư từ với thầy, để được học hỏi thêm nhiều điều quý giá, để lại nuôi lòng khao khát bước đi trên những con đường thênh thang lang bạt.

Nghệ thuật như một cuộc săn tìm… bất tận”. Ai mà đi săn tìm cái bất tận, thưa thầy? Câu nói lạ lùng của thầy đuổi theo tôi mãi. Để trong những lúc tuyệt vọng chán chường chỉ muốn rời bỏ thế giới văn chương đầy những điên rồ và ảo tưởng, thì câu nói của thầy thoảng qua như một tiếng thở dài. Đi tiếp hay dừng lại, không ai trói buộc mình đâu. Cứ thử đi tìm hư vô trong hư vô, biết đâu mình tìm được chính mình, không chỉ là bản ngã mà còn cả tự ngã nằm trong mênh mang hư vô, và thẳm sâu vô thức.

Nghệ thuật luôn là một cuộc săn tìm không bao giờ kết thúc: cái điều lý tưởng mà mình muốn đạt tới bao giờ cũng vẫn ở phía trước.” Câu này tôi đọc đến thuộc lòng. Nhưng chắc là thầy sẽ cười thật hiền và bảo, câu đó thầy chủ ý viết cho hội hoạ và nghệ thuật tạo hình. Thầy không chủ ý viết cho văn chương nhưng tư tưởng của thầy bao quát quá. Nên có đứa học trò lén vác tư tưởng của thầy mà chạy loanh quanh.

Nhờ có văn chương bắc nhịp cầu cho tôi quen được thầy. Hai con người khác biệt về tuổi tác, trình độ văn hoá, môi trường sống… mà có cùng một niềm đam mê. Hội hoạ là niềm đam mê của tôi trong suốt những năm tháng tuổi thơ nghèo khó. Mãi đến khi có được đồng tiền còm cõi trong tay để mua một cây cọ, một hũ màu thì ước mơ nhỏ bé của mình mới có dịp run rẩy bay lên. Chỉ tiếc là, mình đã lỡ mất một dịp để được học thầy. (Con không buồn đâu, quyết không buồn đâu, thưa thầy. Con để những điều lý tưởng nằm ở phía trước, để mình còn có cơ hội đi tiếp trên con đường thiên lý. Con sẽ lau khô những giọt nước mắt trên trang giấy – và bước đi !)

Tôi viết những dòng này, muộn màng để tưởng nhớ tới người thầy đầu tiên. Một người đáng kính mà tôi chưa hề có dịp diện kiến. Cho đến khi thầy ra đi, tôi mới có dịp nhìn thấy chân dung của thầy trên trang Diễn Đàn và xót xa biết rằng, mình đã để lỡ một cơ duyên. Lá thư cuối cùng thầy viết cho tôi mang tiêu đề ”Sự thật”, như một lời động viên. Nó đến vào những ngày tôi chán nản cùng cực bộ mặt loè loẹt giả trá của văn đàn, những ngày hoang mang xót xa cho thân phận bất lực của những người cầm viết. Nhờ lá thư của thầy mà tôi hiểu rằng, nghệ thuật trước hết là một sự tự thử thách.

Văn chương, nghệ thuật chỉ có thể là một sự dấn thân của riêng mình, chẳng cần đến sự ồn ào làm gì, vô bổ ích, và đôi khi đáng khinh.”

Nén hương tưởng niệm thầy tôi thắp bên bờ sông Spree, gửi khói theo sông xuôi về biển rộng.


Berlin, một ngày sụt sùi mưa tuyết.

Lưu Thuỷ Hương


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us