Bạn đang ở: Trang chủ / Các số đặc biệt / Vĩnh biệt Phạm Ngọc Tới / Thao thức cùng Anh

Thao thức cùng Anh

- Đà Linh — published 05/11/2009 11:33, cập nhật lần cuối 05/11/2009 11:49


THAO THỨC CÙNG ANH

Đà Linh (*)


Khi nghe tin cấp báo của nhà thơ Thanh Thảo từ Quảng Ngãi, về sự đột ngột ra đi của anh, tôi vào ngay Diễn Đàn, những dòng chữ của anh Nguyễn Ngọc Giao hiện lên, thật bàng hoàng “chưa thể chấp nhận sự mất mát này”! Chỉ vậy thôi, lời anh Giao thốt ra như nói thay tâm trạng của tôi, và chắc chắn cả những ai đã từng quen biết, làm việc cùng anh Tới.

Làm sao có thể chấp nhận được? Tôi còn quá nhiều kỷ niệm, duyên nợ với anh, nhiều công việc, dự định dở dang cùng anh. Anh - một người “rất Hà Nội” giữa lòng Paris. Anh - người Việt Nam đầu tiên tôi được gặp gỡ tại ga sân bay Charles-de-Gaulle, người đã nối tôi với Paris, và phần nào đó với châu Âu. Anh đã giúp tôi rất nhiều trong công việc của tôi với Viện Tư tưởng đương đại (Paris). Anh cho tôi thêm nhiều tri thức, chỉ bảo nhiều điều cặn kẽ mà tôi còn xa lạ. Giọng nói Hànội chuẩn, từ tốn, nhẹ, ấm của anh từ đó cứ vang trong tôi. Với tôi, anh là một người Thầy.

Bên anh, luôn có “một nửa của anh”, chị Uyên, người mà tôi nghĩ rằng chỉ có thể gặp trong cuốn tiểu thuyết lay động nhất, ở chị, tôi thấy hình tượng người phụ nữ Việt Nam thưở nào, nhỏ nhẹ nhẫn nhịn, tinh tế, một người vợ, người mẹ thật đôn hậu, thật đặc biệt. Tôi đã cùng anh chị vi vu trên biết bao con đường, lâu đài, bảo tàng, tượng đài, vườn cây, nhà hát, hàng cây, con sông, những tháp, cây cầu, nhà thờ, màu sắc... chúng cổ kính, tráng lệ, tuyệt vời hơn những tưởng tượng bay bổng của thiếu thời với tiểu thuyết Pháp các thế kỷ trước, khi bên cạnh tôi có anh chị, khi tai vang lên những lời dẫn ngọn ngành của anh. Anh - người đứng về cái đẹp, vẻ đẹp hòa điệu, bền vững. Định số đã đưa Paris đến với đời anh, và ở đây, anh đã trở nên một nhà mỹ học, một kiến trúc sư tài năng.

Tôi cũng đã có lần cùng anh hẹn ở ga Paris du Nord, lên một chuyến TGV, từ Pháp sang Đức (anh Tới rất ngại đi tàu bay). Tôi xuống Berlin, xa hơn anh một ga, anh xuống Zoo. Anh có niềm vui lớn ở Zoo, nơi con gái anh tốt nghiệp Học viện âm nhạc, đã lập gia đình (cũng như những người con khác của anh chị đều chọn con đường âm nhạc), hình ảnh cha con, ông cháu , “tam đại đồng đường” vui vầy trên sân ga, trở nên một ký ức khó nhòa trong tôi. Anh muốn tôi xuống Zoo với anh, dù chỉ một ngày, có thể muốn tôi chia sẻ niềm vui dạt dào này, và cũng muốn tôi biết thêm cảnh tình, cuộc sống ở đây. Tôi đã xin khất anh lần khác...

Trước mắt tôi lúc này là các công trình, tác phẩm của anh đã xuất bản những năm qua, có công trình nhà văn Nguyên Ngọc, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến phát hiện, cũng có tác phẩm tôi “có duyên” phát hiện..., đều là những công trình, tác phẩm giá trị, thực tiễn và vô cùng tâm huyết. Tôi lần giở lại những trang sách, gặp lời của những nhà văn, trí thức đầu ngành trong nước : “Cách nhìn của người trong cuộc - cuộc nghề và cuộc đời của người con đất Việt... dù sống và làm nghề xa quê vẫn đau đáu nỗi niềm trước đổi thay của đất nước” (Kiến trúc sư Nguyễn Trực Luyện, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, nói về công trình Kiến trúc đâu là những vấn đề?); “Đằng sau những vấn đề kỹ thuật cụ thể, những công thức và số liệu khô khan, chúng ta có thể cảm nhận được tấm lòng trìu mến thiết tha của tác giả đối với quê hương, nơi ông vẫn luôn đau đáu hướng về” (giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN, nói về công trình Xây nhà bằng đất). “Những trang sách này, đọc kỹ, tôi tin vậy, rất có thể gợi cho ta nhiều suy nghĩ chẳng hề nhỏ, và cũng đầy tính cập nhật. Nhớ lại, để mà nghĩ lại, nghĩ tới. Cho hôm nay, và cho cả ngày đến” (Nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên P. Tổng thư ký Hội Nhà văn VN, Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, nói về tác phẩm Hồi ức tuổi thơ)...

Một cuộc đời mang trầm tích Thăng Long, Đông Đô xưa, một parisien thanh cao và nhân ái, một tâm hồn nghệ sĩ hiếm hoi, người cha, người chồng vẹn toàn, người thầy thầm lặng. Anh để lại cuộc đời hơn một cuốn sách quý, trong đó chứa sẵn những bài học đau đáu.


Lúc tôi viết những dòng này, miền Trung đang đương đầu với hậu quả của cơn bão thứ 2, trong vòng chưa đầy tháng. Tôi đang ở Đà Nẵng, đang lật giở tin tức các kênh: nào một chánh văn phòng UBND một địa phương nhiều lần nhận hối lộ; rồi vụ bé gái bị chặt 3 ngón tay ở Vĩnh Long; Bẻ quy hoạch bán nền cho quan chức;...nhưng tôi đang cần thông tin về bão lũ, lại nghĩ về đoạn tuyến kè bê tông ven biển thành phố bị đánh sập trong đợt I, Đài VTV quay không thấy lõi sắt, người dân bình luận “giá mà có lõi gỗ như cột bê tông tuyến đường phía Bắc ngày nào thì còn đỡ...”. Chưa hết choáng váng, “Nam trung bộ tang thương”( Đất Việt), “Đã có hơn 110 người chết và mất tích... tang tóc vùng lũ Phú Yên... 500 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 5.600 ngôi nhà bị hư hỏng nặng” (Pháp Luật)... Chúng tôi đã đi thực tế không ít lần sau bão lũ (và vẫn sống chung với nó), mới đây đến một xã đảo nghèo vùng cát giáp giới Quảng Nam-Quảng Ngãi, nằm đúng mắt bão đợt I, 388 ngôi nhà hỏng, sập, bay nóc... Nhà thơ Thanh Thảo và tôi, thay mặt Foyer Việt Nam (Paris) gửi chút tấm lòng chia sẻ của các anh chị bên đó với bà con vùng lũ lụt. Năm này qua năm khác, nếu thống kê lại, thật rùng mình, đau đớn, kinh hoàng. Tôi không kể lại câu chuyện của Phạm Duy Tốn, mà thời học sinh đã học trong sách giáo khoa từ những năm 60, 70 thế kỷ trước, mà tôi muốn nói về sự thấu cảm của anh Tới trước thực tế quê nhà Việt Nam. Anh đã cố gắng đưa ra những phương án, những cái “phao”, đơn cử “Về cả ba phương diện: kinh tế, kỹ thuật và kiến trúc, giải pháp xây nhà bằng đất, áp dụng cho các vùng nông thôn Việt Nam, đã được kiến trúc sư Phạm Ngọc Tới trình bày một cách rõ ràng, chính xác và đầy thuyết phục” (giáo sư Chu Hảo). Là “bà đỡ” cho công trình này cách nay ít năm, đến nay tôi vẫn luôn ngạc nhiên về giá trị và ý nghĩa to lớn của công trình Xây nhà bằng đất. Anh Tới đã xem xét, đối sánh vận dụng (đông tây kim cổ) rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ, chính xác về mọi mặt, kèm các bản vẽ kỹ thuật, các thông số, đặc biệt đối với vùng khí hậu nhiệt đới, lũ lụt... lại kinh tế, dễ làm, thậm chí đến người nông dân nghèo nhất cũng có thể tự làm lấy một ngôi nhà tử tế, thẩm mỹ, bằng đất, bền vững, bất chấp thiên tai. Nhưng ít người đọc, càng ít người hiểu và đưa vào thực tiễn. Linh cảm mách bảo, sẽ còn nhiều đau thương, mất mát...

Làm sao có thể chấp nhận được? Bởi anh vẫn còn Thao thức, còn đau đáu.

Xin cám ơn Diễn Đàn, nơi các anh chị luôn giữ gìn ngọn lửa tri thức Việt. Tôi nhớ lần anh Tới đưa tôi đến Trung tâm Hội nghị Kléber (tòa nhà ký kết Hiệp định Paris), anh Tới nói anh Giao và các anh, cùng nhiều anh chị em bên đó đêm ngày đã tích cực tham gia, đấu tranh, đóng góp cả trí tuệ, sức người, sức của mà mình có, để góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris. Anh nói chậm rãi, thật nhiều chuyện chúng tôi không biết, chưa hề nghe, rất cảm động. Bởi đó là lòng yêu nước, lòng tự trọng của người Việt Nam. “Điều này, chắc không ai độc quyền”! Chúng tôi đã cười rất vui.

Anh Tới còn ước mong được trở lại cội nguồn quê hương, bên kia sông phía nam Hà thành, nơi anh chỉ biết trong tâm khảm, mà chưa một lần qua đó - nơi ấy có tên Dũng Kim, hay còn gọi Lũng Vàng. Rất có thể đó là sự sắp đặt của con Tạo, dù xa nơi đâu, quê hương luôn sống trong anh, thổn thức trong anh, cho anh một nguồn năng lượng đủ sức kết tinh ở chân trời khác... để tác thành viên Ngọc quý giá nơi con người - sự nghiệp của anh.

Thao thức cùng anh Phạm Ngọc Tới - Văn Ngọc.


Đà Nẵng, sáng mồng 5/11/2009

Đà Linh



(*) Nhà văn, nguyên phó giám đốc kiêm tổng biên tập nhà xuất bản Đà Nẵng, nơi đã xuất bản những cuốn sách dẫn trong bài của Văn Ngọc (chú thích của Diễn Đàn)

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss