Bạn đang ở: Trang chủ / Các số đặc biệt / Vĩnh biệt Phạm Ngọc Tới / Tưởng nhớ anh Tới

Tưởng nhớ anh Tới

- Bùi Trọng Liễu — published 05/11/2009 12:48, cập nhật lần cuối 05/11/2009 12:48


Tưởng nhớ anh Tới



Bùi Trọng Liễu




Tin anh Phạm Ngọc Tới mất, quả là đột ngột với tôi. Anh và tôi cùng tuổi, anh chỉ hơn tôi non 5 tháng, nhưng anh thường khỏe mạnh, không quặt quẹo từ nhỏ như tôi. Vợ chồng tôi thường nói đùa với anh là anh trẻ trung như vậy, chắc thời gian đã quên anh, chắc phải thọ đến trăm tuổi, nào ngờ ! Tôi và anh quen biết nhau thời tham gia phong trào Việt kiều ở Pháp mà anh là nhân vật kỳ cựu, trước tôi dăm năm, khi tôi còn chật vật với bênh tật ở dưỡng đường chữa bệnh lao. Khi tôi tới với phong trào Việt kiều thì Mỹ đã thế chân Pháp ở miền Nam; khi tôi tham gia phụ trách khối trí thức thì thường gặp anh luôn trong những buổi họp hành; và chị Uyên, phu nhân của anh, lúc đó lại là một “xướng ngôn viên” của những buổi văn nghệ đại chúng. Quan hệ giữa anh chị và tôi lại hơi đặc biệt, vì ông thân sinh ra chị Uyên, bác sỹ Vũ Ngọc Anh (1) là người đã đỡ đẻ cho mẹ tôi khi sinh ra tôi ở Thái Bình năm 1934. Tôi xin nói nốt chuyện riêng tư trước khi nói tới chuyện công việc chung. Anh là người luôn luôn tận tuỵ với bạn bè. Tôi hỏi anh điều gì, anh luôn luôn đáp ứng, từ việc tìm hộ tài liệu, hình ảnh thời xưa, cho đến cách pha màu cho tranh vẽ – chính anh đã chỉ cho tôi “sơn nước” (peinture acrylique), và chỉ dẫn cách dùng, vì tôi ngại bẩn và dị ứng nên không muốn dùng “sơn dầu” (peinture à l’huile). Anh và tôi cũng có một thời (lúc tôi còn khoẻ) đàm đạo về tranh vẽ ; anh cũng có lần rủ tôi đi với anh tới nơi triển lãm tranh của anh (tôi thì không triển lãm vì tranh của tôi rất riêng tư, không thể bán cho người khác!). Rồi những lần hỏi ý anh về việc sửa hai nhà (2) cho hai con tôi, anh rất tận tụy giúp đỡ, tìm hộ thầu khoán, đến tận nơi xem xét làm cố vấn, thậm chí có lúc còn chữa hộ cả bản vẽ kiến trúc sao cho hợp. Tôi nhắc lại đây như một chứng, đồng thời là lời “tái” cám ơn.

Trong thời công tác phong trào, rồi cùng làm báo Đoàn Kết, rồi báo Diễn Đàn, anh và tôi đều luôn luôn phân biệt quan hệ trong công việc chung và quan hệ riêng tư. Vì vậy mà thi thoảng có những điều bất đồng trong công tác, quan hệ riêng tư không bao giờ bị vẩn đục.

Về những cuốn sách anh xuất bản, bao giờ anh cũng nhớ dành tặng cho tôi một bản, vì anh bảo tôi là anh biết tôi sẽ đọc và đọc kỹ. Quả là có sự này. Đặc biệt là cuốn Hồi ức tuổi thơ, nxb Đà Nẵng 2007, có đoạn anh nhắc cái thói ăn quà của học sinh, và kể lại khoảng năm 1944 ở Hà Nội có cái mốt ăn “bánh tây cặp chả cốm” của học sinh các phố buôn bán Hà Nội. Đối với tôi thì gia đình nghiêm cấm việc ăn quà, chả cốm thì tôi chỉ được ăn có một lần duy nhất trong đời trong một ngày giỗ ở nhà người trong họ, thời nhỏ nghĩ tới đã thèm rỏ dãi. Anh và tôi đều có những kỷ niệm riêng của mình ở Hà Nội về năm 1945 sau Cách mạng tháng 8, và năm 1946 trước ngày Toàn quốc Kháng chiến. Tôi nghĩ đó là những kỷ niệm bổ sung cho nhau, vì chúng tôi sống mỗi người trong khung cảnh của mình. Anh có nhắc lại những buổi anh đi tập hát, đóng kịch, hay sinh hoạt và “chỉ huy” những đoàn “nhi đồng cứu quốc” ở khu phố của anh, mặc đồng phục, đánh trống ếch, bồng súng gỗ, diễu qua các phố mà tôi còn nhớ hình ảnh, trong khi tôi còn phải học “bạc mắt” ra (vì lẽ mấy năm trước đó, tôi bị chuyển từ trường ta vào trường tây, và sau Cách mạng thì chuyển từ trường tây ra trường ta – để rồi sau này khi đi Pháp, lại bị chuyển từ trường ta sang trường tây). Nhưng cũng có một đoạn anh kể về Hà Nội treo cờ năm nước Đồng minh: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Tàu (Tưởng Giới Thạch); tôi đã nói với anh là tôi dám cả quyết là chỉ 4 lá cờ Đồng minh, mà không có cờ Pháp (3), vì ngày đó, người Việt Nam nào (dù quốc hay cộng) cũng coi Pháp là thực dân đang tái chiếm Nam bộ và rục rịch đổ bộ ra Bắc, không ai chấp nhận việc treo cờ Pháp.

Về cuốn Đi trong thế giới hội hoạ, nxb Trẻ 2004, tôi thú thật là có đọc kỹ, những chẳng hiểu gì.

Nhưng có lẽ hai cuốn sách mà anh bỏ nhiều công phu ra viết một cách thiết tha là hai cuốn :

Kiến trúc, đâu là những vấn đề ?, nxb Đà nẵng 2005 và  Xây nhà bằng đất, theo phong cách và kỹ thuật hiện đại (anh viết chung với kỹ sư công nghệ Trần Văn Sơn), nxb Đà nẵng 2006, đặc biệt là cuốn thứ nhì này. Có lẽ là qua cuốn sách này (hình như tập hợp các tài liệu bài báo “kiến nghị” của anh trước đó trong nhiều năm), anh đặt cả niềm tin vào sự ích lợi cho nước nhà về cả 3 mặt: kinh tế, kỹ thuật và kiến trúc. Nhưng tôi cảm thấy hình như anh có sự thất vọng lớn về việc nói mà chẳng được nghe. Đây cũng là trường hợp của nhiều Việt kiều. Có khác chăng là ở chỗ anh là người có niềm tin trong trắng, rành mạch, cho nên khi khám phá ra mặt trái, thì không thể nhân nhượng.

Tôi muốn nhắc ở đây lại một kỷ niệm “nhớ đời” có chút ít liên quan đến anh Tới, mà hình như tôi đã có lần kể ở đâu đó. Hè 1975, chiến tranh đã chấm dứt ; tôi muốn về nước để thăm hỏi bà con thân thuộc, mừng mọi người đã tai qua nạn khỏi. Tình hình trong nước lúc đó chưa ổn định, cá nhân chưa thể đi một mình. Nhân dịp có hai đoàn Việt kiều ở Pháp về nước, tôi đựợc ghép vào đó. Một đoàn Việt kiều kỳ cựu trong phong trào, được về thăm gia đình, do anh Tới làm trưởng đoàn. Một đoàn khoa học và kỹ thuật khoảng 8 người, (do anh S. làm trưởng đoàn), toàn là người có gia đình ở trong Nam, do Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước mời về, và trên nguyên tắc sẽ được tổ chức để vào Thành phố Hồ Chí Minh, đang dưới chế độ quân quản (tôi nghe nói riêng là có mục đích để góp phần trấn an tinh thần của trí thức miền Nam lúc đó ?). Tình hình của tôi là “nửa dơi nửa chuột”, tôi không có gia đình thân ở trong Nam, nên không ở trong diện này, nhưng đồng thời lại do Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước thu xếp chỗ ăn chỗ ở tại khách sạn Hoàn Kiếm như 8 vị kia. Hôm họp 2 đoàn để nghe phổ biến thủ tục, tôi được ông đại sứ kéo ra một chỗ riêng ; ông bảo tôi : “Tôi có việc này nhờ anh, nhưng yêu cầu anh kín đáo”. Tất nhiên tôi không thể từ chối. Ông trao cho tôi một gói vừa to vừa nặng, dán kín, và bảo là tài liệu gửi cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi nghĩ thầm : có 2 ông trưởng đoàn đấy (anh Tới và anh S.), sao lại trao cho tôi. Tôi yêu cầu cho tôi một giấy giới thiệu, nhưng đại sứ bảo : sứ quán đã điện về trong nước; khi anh xuống sân bay (Gia Lâm), sẽ có người của phủ Thủ tướng ra nhận gói tài liệu ; anh đừng ngai. Nói vậy rồi thì tôi đâu nói thêm gì được. Tôi vứt tất cả những quà cáp cho gia đình, nhồi vào vali, để có thể bỏ cái gói kia vào cái bị khoác vai của tôi, chật đầy cái bị, nặng, mà tôi cứ khư khư giữ, không dám rời. Thuở đó, Hà Nội chưa có sân bay đủ dài cho máy bay lớn đáp xuống ; cả hai đoàn đi máy bay Air France đến Viên-Chăn, rồi đổi đi máy bay nhỏ hơn để về Hà Nội. Chẳng may, đến Viên-Chăn thì đã xế chiều, mà chỉ có một máy bay nhỏ khoảng hơn mươi chỗ cho hành khách, thành ra hai anh trưởng đoàn phải bàn với nhau, ai đi, ai ở lại Viên-Chăn đến hôm sau. Tôi hoảng : nếu tôi không về Hà Nội thì lỡ hẹn người của phủ Thủ tướng ở sân bay Gia Lâm, nhưng tôi không thể thổ lộ cho ai, vì đã được dặn là phải kín đáo. Thành ra tôi đành “vờn” chung quanh hai anh trưởng đoàn, mà không nói gì được. May sao, anh S. ngó thấy tôi, anh bảo tôi đi với đoàn anh, và anh Tới đồng ý. Tôi mừng quá, và thầm cảm ơn các anh cho tới ngày nay.

Phần tiếp theo của câu chuyện là trở thành bi hài. Xuống sân bay Gia Lâm, tôi chẳng thấy người của phủ Thủ tướng đâu cả. Tôi hoảng quá. Lần này tôi đi với tư cách cá nhân – (không phải như năm 1970, hay sau này năm 1981, tôi về với tư cách khách mời của Nhà nước, có người đón người đưa, chẳng ai dám khám xét hành lý giấy tờ) – nếu công an sân bay và hải quan đòi mở xem tôi mang tài liệu gì, cho ai, thì tôi nói sao đây. May sao ngó quanh quẩn, tôi thấy anh T. vốn mấy năm trước là tham tán văn hoá đầu tiên ở Cơ quan Tổng đại diện của ta ở Pháp ; anh ra đón đoàn Khoa học Kỹ thuật. Tôi vốn quen anh, biết anh là cháu rể rất thân của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tôi gọi anh, kể lể sự tình của tôi. Anh gọi một cán bộ đi cùng và bảo tôi : anh yên trí, anh cứ trao gói đó cho anh này, sẽ về đến văn phòng Thủ tướng ngay. Tôi không biết tên anh này, mà cũng chẳng được giấy chứng nhận gói tài liệu. Và tôi yên trí về khách sạn. Sáng hôm sau, đã gần trưa, có người gõ cửa phòng, tôi mở cửa, thấy một sĩ quan chào kiểu nhà binh và bảo tôi : tôi là người của phủ Thủ tướng, đến để nhận gói tài liệu. Ba hồn bẩy vía của tôi bay lên mây, tôi kể cho anh nỗi truân chuyên của tôi và nói với anh là chiều hôm qua người của Uỷ ban đã lĩnh nhận và hứa là đưa về Văn phòng Thủ tướng ngay, chắc gói tài liệu đang ở đó. Anh sĩ quan lẳng lặng chào rồi đi. Tôi hộc tốc sang Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật để tìm anh T., nhưng anh đi vắng, mấy ngày sau tôi mới gặp được anh, anh cười bảo : anh cứ yên tâm, có gì đâu !

Tôi kể lại chuyện này như thêm một nén hương viếng anh Tới (4).

“Sinh ly, tử biệt” là những nỗi đau trong đời người. Nhưng nếu phải tìm trong cái “hoạ” một niềm an ủi, thì tôi có thể nói rằng có những người trạc tuổi tôi, mong muốn được đột tử, tránh được những ngày hấp hối lê thê. Đó là lời tôi muốn được nói với chị Uyên và thân quyến, kèm theo tình cảm thân ái của cả gia đình tôi.

lieutoi





Ảnh chụp hè 1975, nhân bữa cơm do Ban Việt kiều Trung ương tổ chức mời.

Anh Tới mặc áo màu đậm đứng ở hàng đầu (người thứ 4 kể từ bên phải tấm ảnh), chị Uyên là người thứ 5, tôi đứng ở hàng 2 (người thứ 2 kể từ bên phải tấm ảnh).

Các anh chị nào còn nhớ thời Hội nghị Paris, hẳn còn nhớ anh Nguyễn Minh Vỹ, phó trưởng đoàn VNDCCH (hàng đầu người thứ 7, kể từ bên phải tấm ảnh). Người thứ 9 đứng ở hàng đầu đeo kính đen là Thứ trưởng phủ Thủ tướng Nguyễn Văn Ngọc, phó Ban Việt kiều Trung ương (Bộ trưởng phủ Thủ tướng, Trần Quang Huy, Trưởng Ban Việt kiều Trung ương, vắng mặt hôm đó).

Bùi Trọng Liễu











Chú thích bên lề :

(1) Bác sỹ Vũ Ngọc Anh là bộ trưởng Y tế - Cứu tế trong Chính phủ Trần Trọng Kim (thành lập ngày 17/4/1945 sau cuộc đảo chính Nhật lật Pháp ở Đông Dương ngày 9/3/1945, và sau khi vua Bảo Đại và Triều đình Huế tuyên bố bãi bỏ Hiệp ước Pháp bảo hộ, và Việt Nam khôi phục chủ quyền ngày 11/3/1945). Ông tử nạn do máy bay Đồng Minh bắn trúng xe (23/7/1945 ?) khi quân Nhật còn đang đóng ở Việt Nam. Năm 1934, bác sỹ Vũ Ngọc Anh đang phụ trách Y tế ở tỉnh Thái Bình và bố tôi cũng đang làm quan tại đó, do đó hai gia đình quen biết nhau.

(2) Nhưng không phải cái tư thất mà anh Giao nói trong bài “Anh Tới” trên Diễn Đàn.

(3) Vả lại cờ Pháp thời đó của đội quân viễn chinh, có vẽ thêm cái “croix de Lorraine” mà dân ta giễu là “cờ chữ ngưu” (chữ Nho “ngưu” nghĩa là trâu).

(4) Cách đây mười mấy năm, tôi có làm bài thơ tặng anh Tới, trong đó tôi có nhắc đến sự tận tuỵ tự nguyện của anh trong việc sửa Hội quán của phong trào và việc xây chùa Trúc Lâm. Nhưng mấy kiếp máy vi tính của tôi bị hỏng, một số tài liệu tàng trữ bị mất, nay tôi tìm không ra, đành chịu không chép lại ở đây vì không nhớ.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss