Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Đọc Thơ Nguyễn Trãi

Đọc Thơ Nguyễn Trãi

- Phạm Thảo Nguyên — published 09/03/2010 01:01, cập nhật lần cuối 09/03/2010 01:01

Đọc Thơ Nguyễn Trãi


Đề Yên Tử Sơn, Hoa Yên Tự


Phạm Thảo Nguyên


Ngày xuân chúng ta hãy theo Nguyễn Trãi lên núi thiêng Yên Tử lễ chùa Hoa Yên:


DL

Chùa Hoa Yên

題安子山花煙寺

安山山上最高峰,

纔五更初日正紅。

宇宙眼窮滄海外,

笑談人在碧雲中。

擁門玉槊森千畝,

掛石珠流落半空。

仁廟當年遺跡在,

白毫光裏睹重瞳。



Yên sơn sơn thượng tối cao phong
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung
Ủng môn ngọc sóc sâm thiên mẫu
Quải thạch châu lưu lạc bán không
Nhân miếu đương niên di tích tại
Bạch hào quang lý đổ trùng đồng


Chùa Hoa Yên, Núi Yên Tử


Trên đỉnh núi Yên cao tót vời
Canh năm vừa tới, trời hồng tươi
Mắt nhìn vũ trụ ngoài tầm biển
Người đứng giữa mây nói nói cười
Bọc cửa măng nhô nghìn mẫu trúc
Đá treo châu chảy nửa lưng trời
Nhân Tôn di miếu còn ngay đó
Trong ánh hào quang mắt Bụt ngời

Bình chú:


Khi được đọc bài thơ này của Nguyễn Trãi, câu thơ thứ tư đã thu hút tôi lạ lùng:

Tiếu đàm nhân tại bích vân trung.
(Nói cười người ở trong đám mây xanh)

Một câu thơ ung dung tự tại, thanh thoát, chữ dùng rất giản dị nhẹ nhàng, mà sao ta thấy chan hoà một tư cách cao vòi vọi của người thơ. Và bài thơ dịch chỉ viết xong khi tôi tạm bằng lòng câu:

Người đứng giữa mây nói nói cười.

Nhưng thật ra để nói lên tâm tình Nguyễn Trãi, thì phải có đủ cả hai câu 3, 4:

Mắt nhìn vũ trụ ngoài tầm biển
Người đứng giữa mây nói nói cười.

Không phải là vẻ kiêu hãnh tự hào, lời thơ nhẹ như không, nhưng đầy nức sự thoả lòng vì công cuộc giải phóng đất nước do Lê Lợi cầm đầu, vừa đánh đuổi xong giặc Minh, kẻ xâm lược hỗn sược phương bắc, Nguyễn Trãi, người có công đầu, xác nhận rằng:

Giữa vũ trụ này, đây là đất của tổ tiên ta, dân ta đã oai hùng dành lại được, là nơi ta đặt chân đứng lên làm chủ, cười cười nói nói hiên ngang giữa mây trời”.

Trong khoảng trời mây núi mênh mông, rừng trúc bạt ngàn, suối, thác, uốn lượn của Yên Tử Sơn, Nguyễn Trãi tới lễ trình miếu thờ vua Trần Nhân Tôn. Ngài là chủ nhân đất nước này, người chỉ huy tối cao của quốc dân trong hai lần cuối cùng phá giặc Nguyên Mông xâm lấn vừa mới hơn một thế kỷ trước, mà cũng là tổ tiên dòng họ ngoại, của mẹ ông. Khi ngửng lên chiêm bái, ông thấy tượng một vị sa môn đầu đà tu khổ hạnh, nét mặt thanh thản không vướng chút bụi trần. Ông thấy cốt cách nhà vua đắc đạo của Đại Việt, người được con dân thời đó gọi rất thân thương là “vua Bụt”, hiện lên trong ánh hào quang, với đôi mắt có hai con ngươi nhìn ông như chan hoà hồn thiêng sông núi.


Hình như đối với phần lớn người Việt chúng ta, danh xưng “Vua Bụt” như còn xa lạ. Đó chính là do âm mưu thâm độc của giặc Minh, trong hơn một chục năm chiếm đóng đất nước ta: Chúng muốn xoá tận hết văn hoá dân ta, chúng đã phân chia nước ta thành quận huyện của Tàu, tất cả tài liệu về văn minh Đại Việt xưa, nhất là chữ Nôm, quốc ngữ của dân ta, đã bị chúng cố tình huỷ diệt. Cho nên hiện nay, ta gần như chỉ còn lại bốn bài phú chữ Nôm hiếm hoi còn cất dấu trong các chùa chiền xưa cũ, trong đó có bài Vịnh Vân Yên Tự Phú viết bởi Tam Tổ Huyền Quang, còn có danh hiệu này:

nhèn chi vua Bụt tu hành

Ngoài ra danh xưng Bụt dành cho Phật còn có rất nhiều trong những thư tịch đời xưa, ngay trong ca dao:

Gần chùa gọi bụt bằng anh
Thấy bụt hiền lành cõng bụt đi chơi.

cũng như trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi, và nhiều tư liệu đời Trần, Lê khác:

...Thân đà hết luỵ thân nên nhẹ
Bụt ấy là lòng, bụt há cầu…

(Mạn Thuật, bài 5)

Dù bụt dù tiên ai kẻ hỏi
Ông này đã có thú ông này
...
(Mạn Thuật, bài 6)…

Phạm Thảo Nguyên

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us