Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Bà mẹ can đảm / hồi IV - V

hồi IV - V

- Bertolt Brecht - Lê Chu Cầu — published 20/01/2007 23:25, cập nhật lần cuối 21/04/2007 11:43

Bertolt Brecht

BÀ MẸ CAN ĐẢM VÀ CÁC CON

     
Biên niên ‚Cuộc Chiến Tranh Ba Mươi Năm’

   
LÊ CHU CẦU dịch từ nguyên tác tiếng Đức :

„Mutter Courage und ihre Kinder“
Eine Chronik aus dem dreissigjährigen Krieg

NXB Suhrkamp, Frankfurt a.M., 1963

 

IV

 

Bà mẹ can đảm hát bài ca đầu hàng lớn59.

Trước một lều sĩ quan.

Bà mẹ can đảm đứng chờ. Một viên thư lại trong lều ngó ra.

 

Thư lại: Tôi biết mụ mà. Mụ đã chứa chấp một tên phụ trách quân lương của phe Tin lành. Mụ đừng khiếu nại thì hơn.

Bà mẹ can đảm: Tôi cứ khiếu nại. Tôi vô tội, nếu tôi cam chịu thì chẳng hoá ra là tôi nhận tội à. Họ đã dùng gươm phá nát mọi thứ trong xe tôi, lại phạt năm Taler chẳng vì chuyện gì hết thảy.

Thư lại: Tôi khuyên mụ nên ngậm họng thì tốt hơn. Chúng tôi không có nhiều người theo đoàn quân bán hàng nên mới cho phép mụ tiếp tục buôn bán đấy, nhất là mụ lại có tội nữa, thỉnh thoảng phải nộp phạt là đúng rồi.

Bà mẹ can đảm: Tôi cứ khiếu nại.

Thư lại: Tùy mụ. Vậy mụ chờ đấy cho đến khi quan đại úy kị binh có thì giờ. Quay vào lều.

Lính trẻ giận dữ bước tới: Bouque la Madonne60! Tay đại úy kị binh chó chết đâu rồi? Nó quịt tiền thưởng của ông, đem nhậu sạch với đồng bọn. Nó sẽ chết với ông!

Lính già chạy theo: Câm mồm kẻo bị gông đấy.

Lính trẻ: Ra đây, đồ ăn cắp! Ông sẽ xẻ thịt mày! Quịt tiền thưởng của ông, sau khi ông lặn ngụp dưới sông, ông là người duy nhất trong cả đoàn quân. Một li bia ông cũng không mua nổi, ông đâu chịu dễ như thế. Ra đây để ông bằm thịt mày!

Lính già: Lậy Đức bà Maria, lậy thánh Josef, thế này thì hỏng mất.

Bà mẹ can đảm: Họ không trả anh ta tiền thưởng à?

Lính trẻ: Buông tôi ra, tôi cho anh theo nó luôn, cho chết cả lũ.

Lính già: Cậu này cứu được con ngựa của ngài đại tá mà lại không được tiền thưởng. Cậu ấy còn trẻ, đi lính chưa lâu.

Bà mẹ can đảm: Buông anh ta ra, anh ta đâu phải chó để bị cột xích. Đòi tiền thưởng là phải. Nếu không anh ta lập công làm gì?

Lính trẻ: Nhất định là nó chè chén trong kia! Tụi bay toàn là đồ chết nhát. Ông đã lập công xuất sắc nên đòi tiền thưởng.

Bà mẹ can đảm: Anh bạn trẻ, chớ có gào lên với tôi như thế. Tôi cũng có chuyện riêng để lo, với lại anh phải giữ giọng chứ. Anh sẽ cần tới nó khi quan đại úy kị binh tới đây. Kẻo lát nữa giọng anh khản đặc, nói không ra tiếng thì ông ta đâu biết nếp tẻ ra sao để mà ra lệnh cùm anh, cho đến khi anh chết khô vì uất. Những kẻ ngoác mồm gào thét như anh không gào lâu được đâu, chỉ nửa giờ là sẽ ngủ lăn quay vì kiệt sức thôi.

Lính trẻ: Tôi không kiệt sức, cũng cóc buồn ngủ, chỉ đói thôi. Bánh mì chúng làm bằng quả đấu và hạt gai dầu để ăn bớt ăn xén. Nó đem tiền thưởng của tôi đi chơi gái, còn tôi đói. Nó sẽ chết với tôi.

Bà mẹ can đảm: Tôi hiểu cái chuyện anh đói. Năm ngoái quan tư lệnh của các anh đã ra lệnh cho lính tráng các anh bỏ đường cái, cứ nhè các cánh đồng mà băng qua, đạp nát lúa mì lúa mạch; nếu hồi đó tôi có giày ống để bán thì mỗi đôi bán được mười Gulden nếu lính tráng các anh có ai trả nổi mười Gulden. Ông ta tưởng rằng năm nay không còn đóng quân ở vùng này nữa, nhưng bây giờ ông ta vẫn còn đây và mọi người đói to. Tôi hiểu tại sao anh giận dữ.

Lính trẻ: Tôi không chịu nổi, bà đừng nói nữa, tôi không chịu được sự bất công.

Bà mẹ can đảm: Anh có lí, nhưng được bao lâu? Anh không chịu nổi bất công được bao lâu? Một giờ hay hai? Thấy chưa, anh không tự vấn mình, tuy đó là điều cốt tử, tại sao, nếu như anh biết bị cùm sẽ khốn khổ lắm thì bấy giờ tự động anh chịu nổi bất công ngay.

Lính trẻ: Tôi không hiểu tại sao lại chịu nghe bà nói. Bouque la Madonne! Thằng đại úy kị binh đâu rồi?

Bà mẹ can đảm: Anh nghe tôi nói vì anh biết trước tôi sẽ nói gì với anh, rằng cơn giận dữ của anh đã tan biến rồi, nó chỉ như lửa rơm thôi, mà anh lại cần một cơn giận dữ dai dẳng, nhưng lấy đâu ra?

Lính trẻ: Bà muốn nói là việc tôi đòi tiền thưởng không chính đáng chứ gì?

Bà mẹ can đảm: Ngược lại. Tôi chỉ nói rằng cơn thịnh nộ của anh không đủ lâu, thành ra anh chẳng đạt được gì sất, thật đáng tiếc. Nếu nó dai thì tôi còn kích anh thêm nữa kìa. Lúc ấy tôi sẽ còn xúi anh xẻ thịt lão chó chết nữa cơ, nhưng nếu anh không dám xẻ thịt lão vì anh thun vòi lại thì sao? Lúc ấy còn trơ mình tôi, đành chịu để lão đại úy kị binh tóm cổ làm tình làm tội.

Lính già: Bà nói chí phải, cậu này chỉ lên cơn đồng bóng thôi.

Lính trẻ: Đồng bóng à, để rồi xem tôi có bằm nó không. Rút kiếm. Nó mà tới là tôi bằm ngay.

Thư lại thò đầu ra: Quan đại úy kị binh sắp tới ngay rồi. Ngồi xuống.

Người lính trẻ ngồi xuống.

Bà mẹ can đảm [nói trống không]: Anh ta ngồi xuống rồi. [Với người lính trẻ] Anh thấy tôi nói đúng chưa. Anh ngồi xuống rồi đấy. Đấy, bọn họ quá rành chúng ta và biết phải làm gì mà. Ngồi xuống! Chỉ cần ra lệnh như thế thôi là chúng ta ngồi cả xuống. Mà trong lúc ngồi thì đâu làm loạn được. Anh không nên đứng lên như đã đứng hồi nãy, đừng đứng lên làm gì. Anh chẳng cần phải xấu hổ trước mặt tôi, tôi đâu hay ho gì hơn anh, thật đấy. Họ đã làm chúng ta mất hết can đảm. Tại sao, tại vì nếu tôi hó hé thì việc làm ăn có thể sẽ bị phương hại. Tôi kể cho anh nghe về chuyện thỏa hiệp nhé. Hát bài ca đầu hàng lớn:

 

Hồi đang tuổi thanh xuân
Tôi cũng nghĩ mình có gì đặc biệt hơn người.

(Với dung nhan, tài nghệ và quyết tâm thành đạt
Chứ không giống như bất kì cô gái con người tiểu điền chủ61 nào!)

Tôi đòi hỏi mọi chuyện không gì chê trách nổi62
Chẳng ai trục lợi được với tôi.

(Được ăn cả, ngã về không, chứ không thể thế nào cũng xong; thành công hay không là ở tự tay mình, tôi không để cho ai áp khuôn đặt phép!)

Thế mà có con chim sáo đậu trên nóc nhà
Đã hót rằng: cô cứ chờ vài năm rồi sẽ biết!

Rồi sẽ cùng đi trong đoàn ca nhạc
Bước đều, khi nhanh khi chậm
Và cô thử khẽ thổi kèn:
Rõ ràng kèn kêu rồi đấy.
Còn bây giờ, đàng sau quay!
Người ta tưởng rằng: mọi sự đã có Chúa an bài63
Làm gì có chuyện ấy!

Song chưa hết năm
Tôi đã phải nếm mùi cay đắng

(Một nách hai con, giá bánh mì cắt cổ, lại trăm thứ lo toan!)

Khi mà dàn nhạc không cần tôi nữa
Chúng bắt sao tôi cũng đành phải chịu.

(Mình phải biết thỏa hiệp với mọi người, đôi bên cùng có lợi, chứ không thể cứ cứng đầu cứng cổ được.)

Và con chim sáo trên nóc nhà
Hót rằng: chưa đầy một năm!

Rồi nàng sẽ cùng đi trong đoàn ca nhạc
Bước đều, khi nhanh khi chậm
Và rồi nàng thử thổi kèn:
Rõ ràng kèn kêu rồi đấy.
Theo ta, đàng sau quay!
Người ta tưởng rằng: mọi sự đã có Chúa an bài
Làm gì có chuyện ấy!

Tôi đã từng thấy nhiều người làm chuyện kinh thiên động địa
Sao trên trời họ cũng cho rằng sẽ với tới thôi.

(Người có tài sẽ thành công, có chí thì nên! Chúng ta sẽ làm nên chuyện.)

Nhưng ít lâu sau, chỉ cần vượt núi, trèo non
Đã thấy ngay mang một cái mũ rơm cũng là quá nặng.

(Cần phải lượng sức mình thôi64!)

Và con sáo trên nóc nhà
Hót rằng: chờ vài năm!

Rồi họ sẽ cùng đi trong đoàn ca nhạc
Bước đều, khi nhanh khi chậm
Và rồi họ thử thổi kèn:
Rõ ràng kèn kêu rồi đấy.
Theo ta, đàng sau quay!
Người ta tưởng rằng: mọi sự đã có Chúa an bài
Làm gì có chuyện ấy!

 

Bà mẹ can đảm nói với người lính trẻ: Thành ra tôi nghĩ rằng anh cứ việc ngồi chờ đây với thanh kiếm tuốt trần, nếu quả thật anh quyết thanh toán chuyện này và phẫn nộ của anh đủ lớn, vì anh có lí do chính đáng, tôi công nhận, còn nếu chỉ là lửa rơm thì tốt hơn anh nên đi ngay thôi!

Lính trẻ: Nói thối bỏ mẹ! Bước thấp bước cao bỏ đi, người lính già đi theo.

Thư lại thò đầu ra: Quan đại úy kị binh đã tới. Giờ thì mụ có thể khiếu nại được rồi đấy.

 

V

 

Hai năm sau. Cuộc chiến tranh ngày một lan rộng thêm tới những vùng khác. Chiếc xe thồ nhỏ bé của Bà mẹ can đảm đi không ngừng nghỉ qua Ba Lan, Mähren, Bayern, Ý rồi lại Bayern. Năm 1631 cuộc chiến thắng của Tilly ở Magdeburg65 đã làm Bà mẹ can đảm thiệt mất bốn cái áo sơ mi sĩ quan.

 

Chiếc xe của Bà mẹ can đảm đậu ở một ngôi làng bị bắn phá tan tành.

Xa xa văng vẳng tiếng quân nhạc. Hai người lính ngồi uống rượu ở quầy, có Kattrin và Bà mẹ can đảm phục vụ. Một tay lính khoác chiếc áo lông thú, loại của đàn bà.

 

Bà mẹ can đảm: Sao, chú không có tiền trả à? Không tiền thì không rượu. Họ chơi được khúc nhạc khải hoàn nhưng lại không trả lương cho lính.

Lính: Tôi thèm rượu quá. Tôi tới trễ thành thử chẳng cướp bóc được gì. Tay tư lệnh chơi đểu tụi tôi, chỉ thả cho tụi tôi cướp thành phố có một giờ thôi. Hắn bảo hắn không phải là kẻ tàn nhẫn; nhất định là thành phố này đã đút lót hắn rồi.

Tuyên úy bước thấp bước cao về tới: Trong ngôi nhà kia vẫn còn có người. Một gia đình nông phu. Ai phụ tôi với. Tôi cần vải.

Người lính thứ hai đi với tuyên úy.

Kattrin hết sức xúc động, tìm cách thuyết phục mẹ đưa vải.

Bà mẹ can đảm: Tao không có vải. Còn bông băng thì tao đã bán hết cho Trung đoàn rồi. Tao không xé áo sơ mi sĩ quan của tao cho người ta đâu.

Tuyên úy gọi vói lại: Tôi cần vải, nói rồi mà.

Bà mẹ can đảm ngồi chắn nơi bậc xe không cho Kattrin lên xe: Tao không có. Họ không trả tiền vải cho tao đâu, tại sao, tại vì họ cóc có tiền.

Tuyên úy cúi hỏi người đàn bà ông ta khiêng tới: Sao mấy người còn ở lại đó trong lửa đạn như thế?

Bà nông dân giọng yếu ớt: Vì ngôi nhà.

Bà mẹ can đảm: Họ đời nào chịu bỏ của chạy đi! Để bây giờ tôi phải è cổ ra gánh. Tôi không chịu.

Người lính thứ nhất: Đây là bọn Tin Lành. Tại sao chúng lại theo Tin Lành chứ?

Bà mẹ can đảm: Họ ỉa vào chuyện tôn giáo của chú. Ngôi nhà của họ thế là tiêu mất rồi.

Người lính thứ hai: Họ không phải Tin Lành mà đích thị là Thiên Chúa giáo.

Người lính thứ nhất: Khi bắn thì mình đâu chừa họ ra được!

Nông dân được tuyên úy khiêng ra: Tôi cụt mất cánh tay rồi.

Tuyên úy: Vải đâu?

Mọi người nhìn Bà mẹ can đảm, bà không nhúc nhích.

Bà mẹ can đảm: Tôi không cho vải được. Biết bao thứ phải chi rồi: thuế này, tiền lãi vay nợ này, tiền đút lót này! Kattrin kêu gừ gừ, nhấc một thanh củi đe dọa bà mẹ. Mày có điên không? Bỏ ngay thanh củi xuống, kẻo bà lại cho một trận bây giờ, đồ khốn! Tôi không cho gì hết, không cho, tôi phải lo cho thân mình chứ. Tuyên úy nhấc bà khỏi bậc xe, đặt xuống đất, móc ra mấy cái áo sơ mi rồi xé thành từng dải. Giời đất ơi, áo của tôi! Mỗi cái giá những nửa Gulden cơ đấy! Thế là tôi sạt nghiệp mất rồi!

Từ trong ngôi nhà vẳng ra tiếng trẻ thét lên đau đớn.

Nông dân: Con bé vẫn còn trong đó! Kattrin chạy vào ngôi nhà.

Tuyên úy với bà nông dân: Bà cứ nằm yên! Nó sẽ được cứu ra thôi.

Bà mẹ can đảm: Giữ con Kattrin lại, mái nhà sập mất.

Tuyên úy: Tôi không vào trong đó nữa đâu.

Bà mẹ can đảm chạy tới chạy lui: Chớ phung phí chỗ vải đắt tiền của tôi!

Người lính thứ hai giữ bà lại. Kattrin bế ra một bé sơ sinh từ trong ngôi nhà đổ nát.

Mày lại tìm được một đứa trẻ sơ sinh để bồng thế đã sướng chưa? Đưa ngay cho mẹ nó, kẻo tao lại mất cả giờ đánh vật mới rứt nó ra khỏi tay mày, mày không nghe à? Với người lính thứ hai: Đừng có mà trố mắt ra, tốt hơn anh nên lại đàng kia bảo họ ngừng chơi nhạc đi, tại đây tôi đã chứng kiến chiến thắng của họ rồi. Chiến thắng của mấy người chỉ đem lại thiệt hại cho tôi thôi.

Tuyên úy trong lúc băng bó: Máu vẫn chảy.

Kattrin bồng đứa bé, đung đưa, miệng ư ư một bài hát ru.

Bà mẹ can đảm: Nó ngồi đấy và lấy làm sung sướng giữa cảnh khốn khổ, [với Kattrin] đưa trả nó ngay đi, mẹ nó tỉnh lại rồi. Phát giác ra tay lính thứ nhất uống trộm rượu, lại còn định ôm chai chuồn. Pschagreff66! Đồ súc vật, mày còn muốn chiến thắng nữa thôi? Trả tiền.

Người lính thứ nhất: Tôi không có gì hết.

Bà mẹ can đảm lột áo lông của hắn: Vậy thì để cái áo này lại đây, đàng nào thì cũng là thứ ăn cắp.

Tuyên úy: Hắn còn một cái áo nữa mặc bên dưới.

 
 

Bản dịch của Lê Chu Cầu

2/11/2003 - 17/01/2007

  

 

59 Đầu hàng số phận.

60 Bouque la Madonne (tiếng Pháp): một câu chửi tục.

61 Häuslertochter: con gái người lãnh lương công nhật, có được mảnh đất con con.

62 Suppe ohne Haare: xúp không vương tóc. Nghĩa bóng thường hiểu: (làm) việc gì đó không ai chê trách được chút nào.

63 Ngạn ngữ Đức có câu: “Der Mensch denkt, Gott lenkt” nghĩa cũng như “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Brecht đã tài tình thay dấu phẩy bằng dấu hai chấm “Der Mensch denkt: Gott lenkt” làm thay đổi hẳn nghĩa, thành “Người ta tưởng rằng: Chúa đã an bài”, nhưng 'làm gì có chuyện ấy!'

64 Sich nach der Decke strecken: lượng sức.

65 Xin xem chú thích về những địa danh và tên người ở phần ‚Sơ luợc bối cảnh lịch sử’.

66 Pschagreff: một tiếng chửi Ba Lan, tạm dịch là ‚đồ mắc dịch’.

Hết hồi 5


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss