Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Bà mẹ can đảm / hồi IX - X - XI - XII

hồi IX - X - XI - XII

- Bertolt Brecht - Lê Chu Cầu — published 20/01/2007 23:25, cập nhật lần cuối 21/04/2007 11:44

Bertolt Brecht

BÀ MẸ CAN ĐẢM VÀ CÁC CON

     
Biên niên ‚Cuộc Chiến Tranh Ba Mươi Năm’

   
LÊ CHU CẦU dịch từ nguyên tác tiếng Đức :

„Mutter Courage und ihre Kinder“
Eine Chronik aus dem dreissigjährigen Krieg

NXB Suhrkamp, Frankfurt a.M., 1963

 

IX

 

Cuộc chiến tranh tôn giáo đã kéo dài mười sáu năm. Nước Đức bị thương vong hết quá nửa số dân. Những nạn dịch khủng khiếp lại giết thêm những gì còn sót lại sau bao cuộc tàn sát. Nạn đói hoành hành ở những vùng đất phồn thịnh trước đây. Chó sói đi rong trong những thành phố bị thiêu rụi. Mùa thu năm 1634 chúng ta gặp Bà mẹ can đảm ở vùng Fichtelgebirge89 của Đức, bên con đường đại quân Thụy Điển kéo qua. Mùa đông năm ấy đến sớm và rất khắc nghiệt. Việc buôn bán gặp khó khăn, khiến họ chỉ còn cách ăn xin. Tay đầu bếp nhận được thư từ Utrecht90 và chia tay.

  

Trước một ngôi nhà xứ đổ nát.

Một buổi sáng u ám đầu mùa đông. Gió giật từng cơn. Bà mẹ can đảm và tay đầu bếp mặc áo lông cừu sờn cũ, đứng cạnh chiếc xe thồ.

 

Đầu bếp: Còn tối mù thế này, chưa ai thức cả đâu.

Bà mẹ can đảm: Nhưng đây là nhà xứ. Để kéo chuông thì ông mục sư phải bò ra khỏi giường. Rồi ông ăn tí xúp nóng cho ấm bụng chứ.

Đầu bếp: Lấy đâu ra, khi mà cả làng cháy thành than hết như thế này.

Bà mẹ can đảm: Nhưng nhà có người ở, hồi nãy có tiếng chó sủa.

Đầu bếp: Dù có xúp đi nữa thì ông ta cũng chẳng cho đâu.

Bà mẹ can đảm: Biết đâu, nếu mình hát...

Đầu bếp: Tôi chán đến tận cổ rồi.

Chợt: Tôi nhận được một lá thư từ Utrecht báo tin mẹ tôi đã mất vì dịch tả và cái quán ăn nay thuộc về tôi. Thư đây nếu mình không tin. Dù nó không liên quan gì tới mình nhưng tôi vẫn đưa mình xem bà dì tôi viết gì về triển vọng đổi đời của tôi.

Bà mẹ can đảm đọc thư: Anh Lamb này, tôi cũng mệt mỏi vì nay đây mai đó mãi rồi. Tôi thấy mình chẳng khác con chó nhà hàng thịt, bao nhiêu thịt khách xơi, còn mình đến khúc xương cũng không có. Tôi không còn gì để bán nữa mà người ta cũng chẳng có gì để mua. Ở một làng vùng Sachsen91 có một người áo quần rách rưới muốn thuyết phục tôi đổi một Klafter92 sách đóng gáy da lấy hai quả trứng, còn ở một làng vùng Würtemberg thì người ta sẵn sàng đổi cầy lấy một bịch nhỏ muối. Họ còn cầy bừa làm gì nữa chứ? Chẳng có gì mọc nổi, ngoài những bụi gai. Ở một làng vùng Pommer nghe đâu dân làng đã ăn thịt trẻ con rồi và người ta bắt được cả các bà sơ đi ăn cướp.

Đầu bếp: Thế giới diệt vong mất rồi.

Bà mẹ can đảm: Đôi khi tôi như thấy mình đi vào địa ngục với cái xe thồ, bán nhựa thông93 hay là bay lên trời gạ bán thức ăn đi đường cho những linh hồn lạc lối. Giả thử tôi và mấy đứa con còn sống sót tìm được một nơi không bị ăn đạn từ tứ phía thì tôi muốn yên tĩnh nghỉ ngơi vài ba năm.

Đầu bếp: Ta có thể mở cái quán ăn kia. Anna này, mình cân nhắc đi. Tối hôm qua tôi đã quyết định là ngay hôm nay sẽ về lại Utrecht, dù mình có đi theo tôi hay không.

Bà mẹ can đảm: Tôi phải nói với con Kattrin đã. Chuyện hơi quá đột ngột mà tôi không thích phải quyết định trong gió lạnh và bao tử lép kẹp thế này. Kattrin ơi! Kattrin leo ra khỏi xe. Kattrin, mẹ phải cho con biết. Ông bếp và mẹ định đi Utrecht. Ở đó ông thừa hưởng một quán ăn. Về đấy thì con sẽ có một nơi ở ổn định và có thể làm quen với người này người kia. Đàn ông họ chuộng người chín chắn, chứ dung mạo không phải là thứ quyết định. Mẹ định thế đấy. Mẹ với ông bếp hợp nhau. Phải công nhận điều này: ông ấy có đầu óc làm ăn. Mẹ con mình sẽ không còn phải lo đói nữa, nhất rồi, phải không nào? Và rồi con có giường nệm đàng hoàng, được quá, đúng không? Mình không thể cứ sống lang thang mãi trên đường, trên xá được. Con sẽ tàn tạ mất thôi. Mày đã đầy chấy rận rồi đấy. Hoặc mình phải quyết định đi theo đoàn quân Thụy Điển, về hướng bắc, có lẽ họ đang ở phía kia. Chỉ về phía tay trái. Kattrin ạ, mẹ nghĩ là mình phải quyết định thôi.

Đầu bếp: Anna này, tôi muốn nói chuyện riêng với mình.

Bà mẹ can đảm: Kattrin, vào trong xe đi.

Kattrin leo lên xe trở lại.

Đầu bếp: Tôi phải cắt ngang cuộc nói chuyện của mình vì thấy mình đã hiểu nhầm. Tôi tưởng tôi không cần tự nói ra, vì đã quá rõ. Nhưng nếu không rõ thì tôi buộc phải nói để mình biết rằng không thể có chuyện mình đem Kattrin theo được. Tôi nghĩ là mình hiểu ý tôi.

Phía sau hai người Kattrin thò đầu ra lắng nghe.

Bà mẹ can đảm: Ý của anh là tôi phải bỏ con Kattrin lại à?

Đầu bếp: Chứ mình tưởng gì? Cái quán đó chật chội lắm. Nào phải là thứ quán với ba quầy rượu đâu. Hai ta nai lưng làm thì tạm sống được, nhưng không đủ nuôi ba miệng ăn, dứt khoát không. Kattrin có thể cứ giữ cái xe này.

Bà mẹ can đảm: Tôi lại cứ nghĩ ở Utrecht nó có thể tìm được một tấm chồng.

Đầu bếp: Vớ vẩn! Làm sao nó có chồng cho nổi? Đã câm lại còn thêm cái sẹo! Với ngần ấy tuổi ư?

Bà mẹ can đảm: Nói khẽ chứ!

Đầu bếp: Sự thật là sự thật, dù nói to hay khẽ. Đó cũng chính là một trong những lí do khiến tôi không thể chứa nó trong quán được. Khách đâu có thích lúc nào cũng thấy nó sờ sờ trước mắt. Mình không thể trách họ được.

Bà mẹ can đảm: Câm họng. Tôi đã bảo anh nhỏ mồm thôi.

Đầu bếp: Có ánh đèn trong nhà xứ kìa. Ta hát được rồi đấy.

Bà mẹ can đảm: Anh bếp này, làm sao nó có thể một mình kéo cái xe được? Nó sợ chiến tranh lắm. Nó chịu không nổi đâu. Nó đã mơ những giấc mơ kinh khủng biết bao! Tôi nghe nó rên rỉ trong đêm. Nhất là sau những trận đánh. Nó đã thấy gì trong những giấc mơ ấy, tôi không biết. Nó khổ vì thương người. Mới đây tôi lại thấy nó giấu một con nhím bị xe mình cán phải.

Đầu bếp: Cái quán nhỏ lắm. Gọi: Thưa quí ông, cùng kẻ ăn người ở trong nhà! Chúng tôi xin được trình diễn bài ca về Salomon, Julius César và những bậc thánh nhân quá cố, dù bài hát này không giúp gì được cho họ cả. Để quí vị thấy chúng tôi cũng là người lương thiện, chính vì thế chúng tôi vất vả mà vẫn không đủ sống, nhất là trong ngày đông tháng giá. Họ hát:

 

Quí vị đã từng thấy vua Salomon94 sáng suốt
Quí vị biết ông đã trở thành gì.
Với ông hết thảy mọi điều đều sáng tỏ như ánh mặt trời
Nhưng ông nguyền rủa giờ phút mình chào đời
Vì nghiệm ra rằng tất cả đều vô nghĩa.
Vua Salomon vĩ đại và sáng suốt biết bao!
Xem kìa, ngày chưa qua, đêm chưa tới
Mà thế gian đã thấy hậu quả rồi:
Vì quá sáng suốt nên ông mới ra nông nỗi!
Người không có đức tính này thật đáng ganh tị biết bao! 

Mọi đức tính nói cho ngay đều nguy hiểm trên thế gian này, như bài hát hay ho này đã chứng minh, tốt nhất đừng nên có thì sẽ được một cuộc sống an nhàn và bảo đảm có bữa ăn sáng, cứ cho là món xúp nóng đi. Như tôi đây không có tí xúp nào, rất muốn được một bữa, tôi từng là lính, nhưng tính quả cảm của tôi có ích lợi gì đâu trong bấy nhiêu trận đánh, hoàn toàn không, tôi đói vẫn hoàn đói; lẽ ra tôi thà làm một thằng chết nhát, trốn chui trốn nhủi ở nhà lại hay hơn. Vì sao thế?

Quí vị từng biết rằng César95 quả cảm
Quí vị biết ông đã ra sao.
Ông chễm chệ như một vị thần ngự trên bàn thờ
Để rồi bị giết, như quí vị đã biết
Lại chính vào lúc ông đạt tới đỉnh cao quyền lực.
Ông rú thất thanh: cả mày nữa sao, hỡi con nuôi của ta?
Xem kìa, ngày chưa qua, đêm chưa tới
Mà thế gian đã thấy hậu quả rồi:
Vì quá quả cảm nên ông mới ra nông nỗi!
Người không có đức tính này thật đáng ganh tị biết bao!

Hạ giọng: Họ chẳng thèm nhìn ra. Nói to: Thưa quí ông, cùng kẻ ăn người ở trong nhà! Có thể quí vị sẽ bảo rằng ừ, dũng cảm mấy cũng chẳng nuôi được thân, hãy thử với lòng trung thực xem sao! Biết đâu mấy người sẽ được no hay ít ra cũng không đến nỗi hoàn toàn rỗng ruột. Thế này thì sao?

Quí vị biết ông Sokrates96 chính trực
Ông luôn nói ra sự thật:
Nhưng bọn chức trọng quyền cao chẳng những không biết ơn ông
Mà còn săn lùng ông nữa chứ
Chúng bắt ông uống chén thuốc độc.
Người con vĩ đại của nhân dân ngay thẳng chừng nào!
Xem kìa, ngày chưa qua, đêm chưa tới
Mà thế gian đã thấy hậu quả rồi:
Vì quá chính trực nên ông mới ra nông nỗi!
Người không có đức tính này thật đáng ganh tị biết bao! 

Vâng, vị tha là chia sớt những gì mình có, nhưng nếu mình không có gì hết thì sao? Nhà từ thiện có lẽ cũng gặp khó khăn, dĩ nhiên rồi, vì cần phải có gì đó mới làm việc thiện được chứ. Phải, lòng vị tha là một đức tính hiếm hoi vì chẳng đem lại lợi lộc gì.

Thánh Martin97, như quí vị biết
Không đành lòng khi thấy ai cùng quẫn.
Trời tuyết giá, thấy một người đàn ông nghèo
Ngài bèn xé đôi áo choàng, chia cho y một nửa
Thế là cả hai đều chết cóng.
Ngài không mong được trả công ở cõi trần!
Xem kìa, ngày chưa qua, đêm chưa tới
Mà thế gian đã thấy hậu quả rồi:
Vì quá vị tha nên ngài mới ra nông nỗi!
Người không có đức tính này thật đáng ganh tị biết bao!

Chúng tôi đây cũng thế! Chúng tôi là những kẻ lương thiện, nương tựa vào nhau, không ăn cắp, không giết người, không đốt nhà! Có thể nói rằng chúng tôi càng ngày càng sa sút và bài hát đã được chứng thực qua hoàn cảnh chúng tôi. Xúp thì hiếm hoi, còn nếu chúng tôi làm khác đi, là đạo tặc hay kẻ giết người thì biết đâu chúng tôi được no say! Bởi tính tốt chẳng đem lại lợi lộc gì, không như thói hư tật xấu, thế giới là như thế đấy nhưng lẽ ra phải khác chứ!

Quí vị thấy chúng tôi đây những con người lương thiện
Tuân giữ mười điều răn.
Nhưng cho đến nay chẳng ích lợi gì.
Quí vị là những người ngồi bên lò ấm
Hãy giúp chúng tôi qua cơn cùng quẫn!
Chúng tôi từng kính Chúa xiết bao!
Xem kìa, ngày chưa qua, đêm chưa tới
Mà thế gian đã thấy hậu quả rồi:
Lòng kính Chúa đã khiến chúng tôi ra nông nỗi!
Người không kính Chúa thật đáng ganh tị biết bao!

 
Tiếng nói từ bên trên: Này mấy người kia! Lên đây! Có xúp bột mì cho mấy người đấy.

Bà mẹ can đảm: Anh Lamb à, tôi không nuốt nổi đâu. Tôi không bảo rằng những gì anh nói là sai, nhưng anh dứt khoát chưa? Mình rất hiểu nhau mà.

Đầu bếp: Dứt khoát. Mình suy nghĩ đi.

Bà mẹ can đảm: Tôi không cần suy nghĩ gì nữa. Tôi không bỏ nó ở đây được.

Đầu bếp: Quyết định của mình thật không đúng tí nào, nhưng tôi không làm khác được. Tôi không nhẫn tâm, nhưng phải cái quán nhỏ quá. Còn bây giờ ta phải lên trên kia thôi, kẻo xôi hỏng bỏng không, công ta hát trong trời lạnh thành công cốc mất.

Bà mẹ can đảm: Để tôi gọi Kattrin.

Đầu bếp: Nên lấy gì mang về cho nó hơn. Cả ba chúng ta lên đó e người ta chết khiếp.

Kattrin leo xuống xe, mang một tay nải. Cô nhìn quanh xem hai người kia đi chưa, rồi cô vắt một cái quần cũ của tay đầu bếp và một cái váy của bà mẹ cạnh nhau lên bánh xe khiến dễ nhận thấy. Xong rồi cô đang định xách tay nải bỏ đi thì bà mẹ từ ngôi nhà trở về.

Bà mẹ can đảm bưng một đĩa xúp: Kattrin! Đứng lại! Kattrin! Mày định đi đâu với tay nải thế kia? Mày quẫn trí rồi à? Lục tay nải. Nó thu gói hết đồ lề của nó vào đây! Mày đã nghe thấy rồi à? Mẹ đã bảo ông ấy rằng chuyện đi Utrecht với cái quán ăn là không được, mẹ con mình làm gì ở đó mới được chứ? Mày với mẹ, hai mẹ con mình không thích hợp với quán ăn. Còn chiến tranh thì còn bao nhiêu chuyện để mẹ con mình làm ăn. Nhìn cái quần và cái váy. Mày ngu quá. Nếu tao thấy mấy thứ này mà mày lại đi mất rồi, thì sao? Kattrin muốn bỏ đi song bị mẹ giữ chặt lại. Đừng nghĩ rằng vì mày nên mẹ mới cho ông ấy ra rìa. Vì cái xe, thế thôi. Tao chưa thể bỏ được cái xe quá đỗi quen thuộc, chứ không phải vì mày đâu, vì cái xe đấy. Mẹ con mình đi hướng khác, còn đồ đạc của ông bếp thì mình để ra cho tay ngu ngốc ấy dễ tìm. Leo lên xe, vứt thêm mấy món khác xuống cạnh cái quần. Xong, ông ấy biến khỏi đời mẹ con mình, mẹ sẽ không còn để cho một người đàn ông nào khác xen vào nữa. Bây giờ hai mẹ con mình lại tiếp tục. Mùa đông rồi cũng sẽ qua thôi, như mọi mùa đông khác. Quàng dây kéo xe vào, có thể tuyết sẽ rơi đấy.

Hai mẹ con quàng dây, quay ngược xe lại rồi kéo đi. Khi quay lại, tay đầu bếp ngỡ ngàng nhìn đồ đạc của mình bị vứt lăn lóc.

 

X

  

Suốt năm 1635 bà mẹ can đảm và cô con gái Kattrin kéo xe trên những con đường liên tỉnh miền trung Đức, theo những đoàn quân càng ngày càng thảm hại hơn.

Đường liên tỉnh.

Bà mẹ can đảm và Kattrin kéo chiếc xe thồ. Họ đi qua nhà một nông dân, từ trong vẳng ra tiếng hát.

 

Tiếng hát:

Một gốc hồng
Trồng tháng ba
Giờ trổ hoa
Ngay giữa vườn
Xem sướng mắt
Không uổng công.
Ai có vườn
Thật hạnh phúc.

Khi tuyết rơi
Gió bấc thổi
Qua rặng thông
Mái rạ kín
Mong gì hơn.
Tháng ngày đông
Ai có nhà
Thật hạnh phúc.

 

Bà mẹ can đảm và Kattrin dừng bước lắng nghe rồi lại kéo xe đi tiếp.

 

XI

 

Tháng giêng 1636. Quân phe hoàng đế Áo uy hiếp thành phố Halle98 – thuộc phe Tin Lành. Hòn đá99 bắt đầu nói. Bà mẹ can đảm mất cô con gái, một mình tiếp tục kéo xe. Cuộc chiến tranh còn lâu mới kết thúc.

  

Chiếc xe thồ giờ đã tàn tạ đậu cạnh một nhà nông dân có mái rạ thật dầy, tựa lưng vào vách đá. Lúc ấy về đêm. Từ trong lùm cây một viên hạ sĩ quan và ba người lính mặc giáp trụ tiến ra.

 

Hạ sĩ quan: Cấm không được làm ồn. Ai mở mồm la thì tụi bay cứ việc lấy giáo đâm cho ta.

Người lính thứ nhất: Nhưng muốn có người hướng đạo thì ta phải gõ cửa gọi họ chứ.

Hạ sĩ quan: Gõ cửa không phải là tiếng ồn bất thường. Như con bò cái cạ vào vách chuồng thôi.

Lính gõ cửa nhà một nông dân. Người vợ ra mở cửa, bị lính bịt miệng. Hai tên lính xông vào trong nhà.
Có tiếng đàn ông phía bên trong: Chuyện gì thế?
Lính dẫn người nông phu và con trai ra.

Hạ sĩ quan chỉ chiếc xe vì hắn thấy Kattrin vừa ló đầu ra: Đàng kia còn một con nhỏ nữa. Một tên lính kéo cô ra. Còn ai ở đây nữa không?

Vợ chồng nông phu: Đây là con trai chúng tôi. Còn cô này câm. Mẹ cô vào trong phố buôn hàng, vì nhiều người bán tống bán tháo đi để chạy loạn. Hai mẹ con cô ta là những người đi theo lính để làm ăn, buôn bán.

Hạ sĩ quan: Ta cảnh cáo các người phải ngồi yên, chỉ một tiếng động nhỏ là ăn giáo vào sọ ngay, biết chưa? Ta cần một người dẫn đường vào trong phố. Chỉ người nông phu trẻ. Thằng kia, lại đây!

Người nông phu trẻ: Tôi chẳng đường biết100.

Người lính thứ hai ngoác miệng cười: Hắn chẳng đường biết.

Người nông phu trẻ: Tôi không phục vụ bọn Thiên Chúa giáo các người.

Hạ sĩ quan với người lính thứ hai: Cho nó một mũi giáo vào sườn!

Người nông phu trẻ bị mũi giáo đe dọa, buộc phải quì gối: Thà chết chứ tôi không dẫn đường.

Người lính thứ nhất: Vỏ quít dầy đã có móng tay nhọn. Tiến lại chuồng nuôi súc vật. Hai bò cái, một bò đực. Nghe đây: nếu mày bướng thì tao chém chết bò.

Người nông phu trẻ: Đừng giết bò!

Vợ nông phu khóc lóc: Xin ngài đội trưởng tha cho bò của chúng tôi, kẻo chúng tôi chết đói mất.

Hạ sĩ quan: Bò của mấy người sẽ phải chết nếu hắn vẫn ngoan cố.

Người lính thứ nhất: Tôi giết con bò đực trước.

Người nông phu trẻ hỏi người nông phu già: Con có nên dẫn đường không? Người vợ nông phu gật. Tôi chịu dẫn đường.

Vợ nông phu: Đội ơn ngài đội trưởng đã tha cho chúng tôi, đời đời chúng tôi không dám quên, Amen.

Người nông phu già ngăn không cho vợ tiếp tục cám ơn.

Người lính thứ nhất: Tôi biết ngay là bọn này quí con bò đực hơn hết mọi thứ mà!

Được người nông phủ trẻ dẫn đường, viên hạ sĩ quan và đám lính đi tiếp.

Người nông phu: Tôi muốn biết chúng âm mưu gì. Nhất định là không tốt rồi.

Vợ nông phu: Có khi chúng chỉ là trinh sát thôi. Ông định làm gì?

Người nông phu kê thang vào mái nhà rồi leo lên: Xem thử có phải chúng đơn lẻ không. Đứng trên cao: Các lùm cây trong cánh rừng động đậy. Tôi thấy có gì đó cho tới tận chỗ khai thác đá. Ở trảng đầy lính mang giáp trụ. Một khẩu đại bác nữa. Dám tới hơn một trung đoàn. Xin Chúa đoái thương thành phố và tất cả những người dân trong đó.

Vợ nông phu: Thành phố có ánh đèn không?

Người nông phu: Không. Giờ này thiên hạ còn ngủ mà. Leo xuống. Chúng mà đột nhập vào trong ấy thì chúng sẽ giết sạch.

Vợ nông phu: Lính canh sẽ phát hiện kịp thời chứ.

Người nông phu: Tay lính canh trên tháp nơi sườn dốc chắc đã bị chúng giết rồi, nếu không hắn ta đã rúc tù và báo động.

Vợ nông phu: Giá ta đông người hơn...

Người nông phu: Chỉ có bọn mình với cô câm ở đây thôi...

Vợ nông phu: Ông nghĩ ta không làm được gì hết à?

Người nông phu: Không.

Vợ nông phu: Mà ta lại không thể nào chạy xuống đó được trong đêm tối thế này.

Người nông phu: Suốt sườn dốc tới dưới kia đầy nhóc bọn chúng. Đến ra hiệu để báo động cũng không được.

Vợ nông phu: Ông có nghĩ rằng chúng cũng sẽ giết lũ ta trên này không?

Người nông phu: Chắc chắn, ta đành bó tay thôi.

Vợ nông phu với Kattrin: Cầu nguyện đi, cô bé đáng thương, cầu nguyện đi! Chúng ta không làm được gì để ngăn chuyện máu đổ, thịt rơi. Cô không nói được nhưng cầu nguyện được. Không ai nghe được cô, nhưng Chúa nghe được. Tôi cùng cầu nguyện với cô. Mọi người quì xuống, Kattrin quì sau lưng vợ chồng nông dân. Lậy Cha chúng tôi ở trên trời, thấu lời chúng con cầu nguyện, xin chớ để cho thành phố này phải chết với mọi người trong đó đang ngủ, họ không được biết gì cả. Xin đánh thức họ dậy, để họ chạy ra tường thành nhìn xem bọn chúng nó từ sườn dốc xuống, vượt bãi cỏ trong đêm tối tiến về phía thành phố với giáo và đại bác. Lại nói với Kattrin: Xin hãy che chở mẹ chúng tôi và khiến cho lính canh đừng có ngủ, mà thức, kẻo quá muộn. Xin Chúa phù hộ cho cả em rể chúng tôi đang ở trong đó với bốn đứa con, xin đừng để chúng phải chết, chúng vô tội, chẳng biết gì hết. Với Kattrin đang rên rỉ: Một đứa chưa tới hai tuổi, đứa lớn nhất lên bẩy. Kattrin ngẩn ngơ đứng dậy. Lậy Cha chúng tôi, xin thấu lời chúng con, vì chỉ Chúa mới có thể giúp được thôi, chắc là chúng con sẽ chết mất, tại vì chúng con yếu, lại không có giáo, không có gì hết, cũng không dám nữa nên phó thác vào tay Chúa cùng với lũ bò và cả ngôi nhà, cả thành phố luôn, nó cũng ở trong tay Chúa trong khi quân địch thì người đông thế mạnh, đang ngay trước tường thành.

Kattrin lách ra xe mà không ai biết, cô lấy một vật gì đó, giấu dưới tạp dề rồi leo thang lên tận nóc chuồng bò.

Xin Chúa nghĩ tới lũ trẻ đang bị đe doạ, nhất là những đứa nhỏ nhất, những người già cả không đi lại được và mọi tạo vật của Người.

Người nông phu: Và tha thứ cho tội lỗi của chúng con, giống như chúng con tha thứ cho những kẻ có lỗi với mình. Amen.

Kattrin ngồi trên nóc nhà, lôi chiếc trống dấu dưới tạp dề ra, bắt đầu gõ.

Vợ nông phu: Lậy Chúa, nó làm gì thế?

Người nông phu: Nó mất trí rồi!

Vợ nông phu: Lôi nó xuống, nhanh!

Người nông phu chạy lại cầu thang, nhưng Kattrin đã kéo thang lên nóc.

Nó hại chúng ta rồi.

Người nông phu: Ngừng ngay cái trò đánh trống đi, con tàn tật kia!

Vợ nông phu: Nó làm cho đám lính của hoàng đế chú ý tới bọn ta!

Người nông phu tìm đá dưới đất: Mày không im thì tao ném!

Vợ nông phu: Mày không tội nghiệp bọn ta sao? Mày không có tim à? Nếu chúng tới đây thì chết cả lũ! Chúng sẽ cắt tiết hết.

Kattrin nhìn sững về phía thành phố xa xa, tiếp tục đánh trống.

Vợ nông phu nói với chồng: Tôi đã bảo ông rồi mà, đừng để phường cầu bơ cầu bất đậu xe trong sân nhà. Bọn lính có cướp hết bò của mình thì chúng cũng mặc kệ mình thôi.

Hạ sĩ quan chạy tới với đám lính và người nông phu trẻ: Ta sẽ bằm vằm hết bọn bay!

Vợ nông phu: Bẩm quan, chúng tôi vô tội, chúng tôi không chịu trách nhiệm. Ả đã lén leo lên đấy. Ả là người lạ, không phải người trong gia đình đâu ạ.

Hạ sĩ quan: Thang đâu?

Người nông phu: Trên đó ạ.

Hạ sĩ quan gọi lên: Ta ra lệnh bỏ trống xuống!

Kattrin vẫn đánh trống tiếp tục.

Lũ bay thông đồng với nhau. Bay đừng hòng sống sót.

Người nông phu: Bên cánh rừng kia có sẵn thông người ta đã đốn. Hay ta khuân về một cây để thọc cho nó xuống...

Người lính thứ nhất với hạ sĩ quan: Xin được có một đề nghị. Nói vào tai hạ sĩ quan. Tay này gật. Nghe đây, bọn ta đề nghị việc này có lợi cho cô. Cứ xuống đi rồi cùng bọn ta đi liền tức thì vào phố. Cô chỉ cho bọn ta biết mẹ cô thì bà cụ sẽ được tha chết.

Kattrin tiếp tục đánh trống.

Hạ sĩ quan thô bạo đẩy tay lính qua một bên: Nó không tin lời mày. Mồm miệng mày như thế thì nó không tin là phải. Gọi vói lên: Nếu ta hứa với cô thì sao nào? Ta là sĩ quan, trọng chữ tín.

Kattrin đánh trống mạnh hơn nữa.

Không thiêng rồi.

Người nông phu trẻ: Bẩm quan, ả không chỉ lo cho bà mẹ mà thôi đâu.

Người lính thứ nhất: Không thể để lâu hơn nữa được. Cả thành phố sẽ nghe thấy mất.

Hạ sĩ quan: Chúng ta phải tìm cách gây ra tiếng động, át tiếng trống của nó mới được. Lấy gì để gây tiếng động bây giờ?

Người lính thứ nhất: Nhưng chúng ta không được phép gây tiếng động mà.

Hạ sĩ quan: Tiếng động vô tội, tiếng động không sắt máu thì được, đồ ngu.

Người nông phu: Tôi có thể dùng rìu bổ củi.

Hạ sĩ quan: Được đấy, bổ đi. Người nông phu lấy rìu bổ vào thân cây. Bổ mạnh vào! Nữa! Bổ để mà cứu cái mạng mi đấy!

Kattrin lắng nghe tiếng bổ củi nên gõ trống nhỏ đi. Cô lo lắng nhìn quanh rồi lại tiếp tục gõ.

Hạ sĩ quan với nông phu: Mi bổ yếu quá. Với người lính thứ nhất: Mày bổ thêm một tay.

Người nông phu: Nhưng tôi chỉ có một cái rìu thôi. Ngừng bổ.

Hạ sĩ quan: Thế thì ta phải đốt nhà. Phải xông khói nó.

Người nông phu: Bẩm ngài đội trưởng, vô ích. Nếu người trong thành phố thấy lửa thì họ sẽ biết hết.

Trong lúc đánh trống Kattrin vẫn lắng nghe. Rồi cô cất tiếng cười.

Hạ sĩ quan: Xem kìa, nó cười nhạo chúng ta. Ta chịu không nổi nữa. Ta phải bắn nó, cho dù sẽ lộ hết mọi chuyện. Đem súng tới đây!

Hai người lính chạy đi. Kattrin tiếp tục gõ trống.

Vợ nông phu: Bẩm quan Tôi có cách. Cái xe thồ của nó đậu phía bên kia. Nếu ta đập phá cái xe thì nó sẽ thôi ngay. Mẹ con nó không có gì khác ngoài cái xe ấy.

Hạ sĩ quan với người nông phu trẻ: Mi lại đập phá cái xe đi. Gọi lên: Nếu mày không chịu ngừng thì tụi ta sẽ đập nát xe của mày cho mà xem.

Người nông phu trẻ đập khẽ vài cái vào chiếc xe.

Vợ nông phu: Đừng đánh trống nữa, đồ súc sinh!

Kattrin đăm đăm nhìn chiếc xe một cách tuyệt vọng, miệng hắt ra những âm thanh ai oán, nhưng vẫn tiếp tục gõ trống.

Hạ sĩ quan: Mấy thằng lính khốn kiếp đâu rồi, sao mãi chưa đem súng tới?

Người lính thứ nhất: Bọn người trong phố chắc vẫn chưa nghe thấy gì hết, nếu không ta đã nghe chúng nổ súng rồi.

Hạ sĩ quan gọi lên: Bọn chúng chẳng nghe thấy tiếng trống của mày đâu. Còn bây giờ bọn ta sẽ bắn mày. Lần cuối: ném trống xuống!

Người nông phu trẻ bất chợt quẳng thanh gỗ đang dùng đập chiếc xe thồ: Gõ tiếp đi! Kẻo sẽ chết hết cả! Gõ tiếp đi! Gõ tiếp đi!

Tên lính quật y ngã xuống, dùng giáo đập túi bụi. Kattrin bật khóc, nhưng vẫn tiếp tục gõ trống.

Vợ nông phu: Đừng đánh vào lưng nó! Chúa ơi, mấy người đánh chết con tôi rồi!

Mấy tên lính khiêng súng chạy tới.

Người lính thứ hai: Thưa, ngài đại tá giận sùi bọt mép. Chúng ta sẽ phải ra trước toà án quân sự.

Hạ sĩ quan: Dựng súng! Dựng súng! Gọi lên trong lúc lính gác súng lên chạc: Lần cuối cùng: ngừng ngay tiếng trống!

Kattrin vừa khóc vừa cố hết sức gõ trống thật to.

Bắn!

Mấy tên lính nổ súng. Kattrin bị trúng đạn nhưng vẫn còn gõ thêm mấy tiếng nữa rồi mới từ từ gục xuống.

Thế là hết ồn nhé!

Nhưng tiếp theo ngay những tiếng trống cuối cùng của Kattrin là tiếng đại bác thành phố bắn ra. Xa xa có tiếng chuông nhà thờ rung inh ỏi lẫn với tiếng đại bác.

Người lính thứ nhất: Thế là con nhỏ đạt được cái điều nó muốn rồi.

 

XII

 

Tảng sáng. Có tiếng trống và tiếng sáo của đoàn quân dần xa.

 

Bà mẹ can đảm ngồi xổm bên xác con gái, bên chiếc xe thồ. Gia đình nông phu đứng cạnh.

   

Người nông phu hậm hực: Bà phải đi ngay thôi. Chỉ còn một trung đoàn nữa phía sau. Một thân một mình thì bà không đi nổi đâu.

Bà mẹ can đảm: Có lẽ nó chỉ thiếp đi thôi. Hát:

 

Ầu ơ, ầu ơ
Cái gì sột soạt trong đống rạ thế kia?
Trẻ con hàng xóm khóc lóc nỉ non
Còn các con tôi tươi vui.
Con hàng xóm áo quần rách tả tơi
Mà con quần lụa áo là
Cắt sửa từ áo khoác của thiên thần.

Con hàng xóm không có miếng ăn
Mà con được nguyên một ổ bánh to
Nếu bánh quá khô
Thì con chỉ cần bảo mẹ một tiếng

Ầu ơ, ầu ơ
Cái gì sột soạt trong đống rạ thế kia?
Con trai ta đứa đã chết ở Ba Lan
Còn đứa kia không biết ở đâu.

   

Lẽ ra ông bà không nên cho con gái tôi biết về lũ con của em rể ông bà.

Người nông phu: Nếu bà không vào thành phố để kiếm lời thì có lẽ đã chẳng ra nông nỗi.

Bà mẹ can đảm: Bây giờ nó ngủ rồi.

Vợ nông phu: Ngủ đâu mà ngủ, bà phải thấy chứ, cô ấy chết rồi.

Người nông phu: Còn bà phải dứt khoát lên đường thôi. Dọc đường có chó sói, mà bọn lính đi càn quét cướp bóc còn tệ hại hơn cả sói nữa.

Bà mẹ can đảm: Vâng.

Đi lại xe, lấy ra một tấm bạt phủ lên xác con.

Vợ nông phu: Bà còn người con nào khác nữa không, tìm tới đó mà ở?

Bà mẹ can đảm: Có đấy, còn một thằng. Thằng Eilif.

Người nông phu trong khi Bà mẹ can đảm đậy xác con: Bà phải tìm cậu ấy thôi. Chúng tôi sẽ lo chôn cất con gái bà chu đáo. Bà cứ yên tâm.

Bà mẹ can đảm: Tôi gửi ông bà tiền để chi phí. Đặt tiền vào tay người nông phu. Ông ta và con trai bắt tay bà mẹ can đảm rồi khiêng xác Kattrin đi.

Vợ nông phu cũng bắt tay và cúi chào. Vừa quay đi vừa nói: Bà phải gấp gáp lên!

Bà mẹ can đảm tròng xe vào người: Hy vọng một mình tôi kéo nổi. Chắc được thôi vì trong xe không còn mấy hàng nữa. Tôi nhất định sẽ lại làm ăn buôn bán được!

Một trung đoàn khác từ phía sau kéo qua trong tiếng kèn trống.

Bà mẹ can đảm kéo xe: Cho tôi theo với! Có tiếng hát vẳng từ phía sau hậu trường:

Ca rằng:

Cuộc chiến tranh triền miên
Mang đến cả may lẫn rủi.
Kéo dài cả trăm năm
Dân đen chỉ toàn mất mát.
Miếng ăn trông thấy mà kinh, áo quần thì rách nát!
Lương lậu thì bị trung đoàn lấy phăng hết nửa.
Song biết đâu lại chẳng xẩy ra phép lạ:
Chiến dịch còn chưa kết thúc mà!
Mùa xuân đến rồi. Dậy đi thôi, hỡi giáo đồ Cơ đốc!
Tuyết đã tan rồi! Người chết yên nghỉ!
Kẻ nào còn sống
Hãy chuẩn bị lên đường.

 

Bản dịch của Lê Chu Cầu

2/11/2003 - 17/01/2007

  

89 Fichtelgebirge: vùng núi ở đông bắc bang Bayern.

90 Utrecht: một thành phố lớn ở Hòa Lan.

91 Sachsen, Würtemberg, Pommern là ba vùng ở trung, tây nam và đông bắc Đức.

92 Klafter: đơn vị đo lường xưa, bằng khoảng một vòng tay ôm.

93 Dùng để đốt lò...luyện ngục.

94 Salomon: theo Kinh thánh là vua Do Thái (970 – 930 tr. CN), nổi tiếng sáng suốt.

95 César (100 – 44 tr. CN) nhà chính trị và quân sự cổ La Mã nổi tiếng, bị ám sát. Trong số những kẻ chủ mưu có cà Brutus, con nuôi của César.

96 Sokrates (470 – 359 tr. CN): triết gia bậc thầy cổ Hy lạp [tiểu quốc Athen], bị những kẻ ganh ghét vu cáo đã „mê hoặc thanh niên“ và „vô thần vô thánh“ và bị kết án tử hình. Ông có thể thoát chết nếu chịu ‚biệt xứ’, nhưng ông đã khước từ và hiên ngang uống thuốc độc.

97 Thánh Martin (316 – 397): giám mục Tours.

98 Halle: một thành phố công nghiệp khá lớn ở đông Đức hiện nay.

99 Tức là Kattrin (xem thêm Màn 3).

100 Thay vì „tôi chẳng biết đường“ anh chàng sợ quá, nói sai văn phạm thành „tôi chẳng đường biết“ [nên bị tên lính nhạo].

   

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss