Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Bà mẹ can đảm / hồi VI - VII - VIII

hồi VI - VII - VIII

- Bertolt - Brecht - Lê Chu Cầu — published 20/01/2007 23:25, cập nhật lần cuối 21/04/2007 11:43

Bertolt Brecht

BÀ MẸ CAN ĐẢM VÀ CÁC CON

     
Biên niên ‚Cuộc Chiến Tranh Ba Mươi Năm’

   
LÊ CHU CẦU dịch từ nguyên tác tiếng Đức :

„Mutter Courage und ihre Kinder“
Eine Chronik aus dem dreissigjährigen Krieg

NXB Suhrkamp, Frankfurt a.M., 1963


VI

 

Trước thành phố Ingolstadt67 ở Bayern Bà mẹ can đảm chứng kiến đám tang của Tilly, viên tư lệnh đạo quân Thiên Chúa giáo bị tử thương. Họ trò chuyện về vai trò những anh hùng trong chiến tranh và nó sẽ có thể kéo dài bao lâu. Tuyên úy than thở rằng tài năng của y bị mai một, còn Kattrin được mẹ cho đôi giầy đỏ. Đó là năm 1632.

 

Trong lều của Bà mẹ can đảm, người đi theo đạo quân bán hàng.

Quầy bán rượu trông ra phía sau, đóng cửa. Trời mưa. Tiếng trống và nhạc đám ma từ xa vọng lại. Tuyên úy và viên thư lại Trung đoàn chơi cờ. Bà mẹ can đảm và con gái kiểm kê hàng hoá.

 

Tuyên úy: Bắt đầu đưa đám đấy.

Bà mẹ can đảm: Thật tiếc cho cái ông quan tư lệnh – hai mươi hai đôi vớ - bị tử trận, nghe nói là rủi ro. Hôm ấy sương mù kín đồng cỏ, chỉ tại sương mù. Quan tư lệnh còn kêu gọi trung đoàn hãy chiến đấu cảm tử mà, rồi quan phi ngựa về hậu tuyến, chẳng ngờ sương mù nên chạy lộn hướng, thành ra xông tới trước, quan trúng đạn ngay giữa trận tiền - chỉ còn có bốn cái đèn bão thôi. Có tiếng huýt sáo phía sau. Bà đi tới quầy rượu. Mấy người trốn không đi đưa đám quan tư lệnh thì thật là dơ dáng quá! Rót rượu.

Thư lại: Lẽ ra không nên phát lương trước khi đưa đám. Bây giờ họ lo nhậu nhẹt, chứ chẳng thèm dự lễ tang lễ tiếc gì.

Tuyên úy với thư lại: Thế ông không phải đưa đám à?

Thư lại: Tôi trốn, tại mưa.

Bà mẹ can đảm: Ông thì có khác, nhỡ mưa làm hỏng mất bộ quân phục thì sao. Nghe nói là họ định rung chuông trong lễ tang đấy chứ, nhưng lúc ấy mới té ra quan tư lệnh đáng thương đã lệnh bắt đóng cửa các nhà thờ68, thành thử quan không được nghe tiếng chuông khi hạ huyệt ngài. Thay vào đó họ tính bắn ba phát đại bác để đám tang không quá sơ sài - mười bẩy thắt lưng.

Tiếng gọi ở quầy rượu: Rượu đây, nhà hàng ơi!

Bà mẹ can đảm: Trả tiền trước! Không được, mấy người không được tha giầy ống dơ bẩn vào lều tôi! Mấy người uống ngoài kia cũng được, mưa mặc mưa. Với thư lại: Tôi chỉ cho chức sắc được vào thôi. Tôi nghe nói là thời gian gần đây quan tư lệnh có chuyện lo. Ở Trung đoàn hai nghe nói có lộn xộn vì ngài không trả lương, ngài bảo rằng đây là cuộc chiến tranh vì Đức tin, do đó họ phải chiến đấu không lương. Nhạc đưa đám. Mọi người nhìn về phía sau.

Tuyên úy: Bây giờ thiên hạ đi diễu qua linh cữu.

Bà mẹ can đảm: Tôi thấy tội nghiệp cho một vị tư lệnh hay hoàng đế; có thể ông ta nghĩ rằng mình làm cái việc cuối cùng khiến đời sau còn nhắc tới, được dựng tượng, chẳng hạn ông ta chinh phục thế giới, đó là cái đích lớn nhất của một vị tư lệnh, vì ông ta nào biết làm gì có ích hơn nữa đâu. Nói tóm là ông ta cố công cố sức, để rồi thất bại bởi đám dân đen, vì có lẽ họ thích được một vại bia hay một chút gái ghiếc, chứ không muốn gì cao xa hơn. Những kế hoạch tuyệt hay, tuyệt đẹp sở dĩ thành công cốc là do sự tầm thường của những kẻ phải thực hiện chúng, bởi vì các hoàng đế đâu có tự làm được, phải trông cậy vào sự ủng hộ của quân dân sở tại, tôi nói thế có đúng không?

Tuyên úy cười: Courage, tôi công nhận là bà đúng, trừ chuyện lính tráng. Họ chỉ có thể làm những gì họ làm được. Với những người lính đang đứng uống rượu ngoài mưa kia chẳng hạn, tôi dám tin là mình làm hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, suốt một trăm năm, nếu cần thì hai cuộc chiến tranh một lượt luôn, mà tôi không phải là tư lệnh chính hiệu nhé.

Bà mẹ can đảm: Nghĩa là ông không tin rằng cuộc chiến tranh sẽ kết thúc ư?

Tuyên úy: Vì quan tư lệnh chết à? Bà chớ ngây thơ thế chứ. Có cả tá tư lệnh như thế, thời nào mà chả có anh hùng.

Bà mẹ can đảm: Ấy, tôi không chỉ thành khẩn hỏi cho biết đâu, mà vì tôi nghĩ xem có nên tích trữ những thứ hàng hiện mua rẻ được không, nhưng lỡ hết chiến tranh thì tôi đến phải vất đi mất.

Tuyên úy: Tôi biết là bà thật bụng tính chuyện này. Bao giờ chẳng có những kẻ đi rêu rao nơi này nơi kia rằng: „Sẽ có lúc chiến tranh chấm dứt“. Còn tôi nói rằng: chưa chắc đâu. Có thể chiến tranh phải nghỉ lấy hơi, phải, thậm chí nó có thể gặp chuyện không may. Có gì bảo đảm cho nó đâu, trên thế gian này đâu có gì toàn hảo. Có lẽ không bao giờ có một cuộc chiến tranh toàn hảo để người ta có thể nói là: không có gì phê phán được. Bỗng dưng nó có thể chựng lại, vì điều gì đó không lường trước, không ai có thể nghĩ hết được mọi điều. Chỉ cần một sơ sót, thế là xảy ra tai hoạ. Và người ta phải lo vực cuộc chiến tranh ra khỏi bãi lầy! Nhưng lúc nguy cấp sẽ có các hoàng đế, vua chúa và Giáo hoàng xúm vào cứu nó. Thành ra nói chung chiến tranh chẳng phải thật sự sợ cái gì hết mà nó có cả một cuộc sống trường thọ.

Một người lính hát trước quầy rượu:

Một li rượu, chủ quán, lẹ lên, hãy nhanh một chút!
Vì người kị mã đâu có thì giờ.
Hắn còn phải chiến đấu cho hoàng đế.

Cho hai phần rượu đi, hôm nay là ngày lễ mà!

Bà mẹ can đảm: Giá mà tôi tin lời ông được nhỉ...

Tuyên úy: Thì bà cứ tự nghĩ mà xem! Có lí do gì để chống đối chiến tranh nào?

Người lính hát phía sau:

Ngực em đâu, lẹ lên, hãy nhanh một chút!
Vì người kị mã đâu có thì giờ.
Hắn phải phi ngựa tới tận vùng Mähren.

  

Thư lại thình lình: Thế còn hòa bình thì sao? Tôi gốc gác vùng Böhmen69, đôi lúc muốn về thăm quê.

Tuyên úy: Ông muốn về thăm quê à? Giào ơi, hòa bình! Khi đã chén hết pho mát rồi thì những cái lỗ biến đâu nhỉ70?

Người lính hát phía sau:

Ngả quân bài ra, chiến hữu, hãy nhanh một chút!
Vì người kị mã đâu có thì giờ.
Hắn phải tới nơi tuyển quân để còn kịp đăng kí.

Đọc kinh đi, cha cố, hãy nhanh một chút!
Vì người kị binh đâu có thì giờ.
Hắn còn phải hi sinh cho hoàng đế.

 

Thư lại: Về lâu về dài người ta không thể sống không có hoà bình.

Tuyên úy: Tôi muốn nói rằng trong chiến tranh cũng có hoà bình, chiến tranh cũng có những chỗ yên bình chứ. Chiến tranh thoả ứng được mọi yêu cầu, kể cả yêu cầu hoà bình, chuyện này đã được trù tính rồi, bằng không nó đứng vững làm sao nổi. Trong chiến tranh anh cũng ị được như trong thời rất thanh bình, giữa hai trận đánh vẫn có bia uống, thậm chí trên đường tiến quân lúc nào anh cũng có thể gối đầu lên tay làm một giấc trong rãnh bên đường. Khi tấn công thì anh không chơi bài được rồi, mà anh cũng đâu chơi bài được trong thời bình khi cầy ruộng, nhưng sau khi chiến thắng thì tha hồ. Anh mà có bị bắn cụt một chân thì thoạt tiên anh gào toáng lên như chuyện gì kinh khủng lắm, nhưng rồi anh bình tâm lại hay được cho uống rượu để rồi sau rốt anh lại nhẩy như con choi choi và cuộc chiến không hề vì thế mà kém đi. Cũng chẳng có gì cấm anh sinh con đẻ cái ngay giữa cuộc chém giết, sau một nhà kho hay đâu đó, suốt cuộc chiến tranh anh không bao giờ bị cản trở cả, rồi thì chiến tranh sẽ có được con cái của anh để tiếp diễn. Không, chiến tranh bao giờ cũng tìm ra được lối thoát, chắc chắn thế. Vậy thì tại sao nó phải ngừng chứ?

Kattrin ngưng tay làm việc, đăm đăm nhìn tuyên úy.

Bà mẹ can đảm: Thế thì tôi sẽ mua hàng. Tôi tin vào lời ông nói. Chợt Kattrin ném cái giỏ đựng chai lọ xuống đất rồi chạy ra ngoài. Kattrin! Cười. Jesus Maria, nó cứ mong đến lúc thanh bình. Tôi đã hứa với cháu là khi hoà bình nó sẽ có một tấm chồng. Chạy theo con gái.

Thư lại đứng dậy: Tôi thắng ván này vì ông mải nói, ông phải trả tiền.

Bà mẹ can đảm vào với Kattrin: Ngoan nào, cuộc chiến tranh sẽ kéo dài thêm chút nữa, mẹ con mình kiếm thêm ít tiền thì hòa bình lại càng vui hơn. Bây giờ con vào phố, chưa đến mười phút đâu, lấy hàng trong hiệu ‘Sư tử vàng’, những món có giá thôi, còn lại mình sẽ đem xe tới chở sau, mọi chuyện thỏa thuận cả rồi, ông thư lại của Trung đoàn sẽ đi cùng với con. Đa số lính tráng đã đi đưa đám ngài tư lệnh rồi thì mẹ chẳng có gì phải sợ cho con. Con đi đi, đừng để mất mát gì đấy, hãy nghĩ đến tư trang mai kia lấy chồng!

Kattrin quấn khăn lên đầu rồi đi với viên thư lại.

Tuyên úy: Bà dám để cô ấy đi với tay thư lại à?

Bà mẹ can đảm: Nó không có nhan sắc, thành ra tôi không ngại có ai hại nó.

Tuyên úy: Cái cách bà buôn bán thành công khiến tôi luôn ngưỡng mộ. Tôi hiểu vì sao người ta gọi bà là Can đảm.

Bà mẹ can đảm: Người nghèo cần can đảm. Tại sao, tại họ thua thiệt. Muốn dậy sớm thì tính nết họ phải thế nào chứ. Hay là chuyện họ phải cầy cuốc trong thời buổi chiến tranh! Chỉ riêng chuyện sinh con đẻ cái trong lúc tương lai mù mịt đã chứng tỏ họ can đảm. Làm đồ tể tàn sát lẫn nhau trong lúc vẫn nhìn mặt nhau, cái đó cần can đảm. Chịu đựng hoàng đế với giáo hoàng đè đầu cưỡi cổ chứng tỏ họ can đảm ghê gớm, vì các ngài này lấy mạng họ như chơi. Ngồi xuống, móc túi lấy ra tẩu thuốc rồi hút. Ông làm ơn bổ cho chút củi.

Tuyên úy miễn cưỡng cởi áo khoác, chuẩn bị bổ củi: Tôi vốn là người chăn dắt linh hồn chứ không phải bổ củi.

Bà mẹ can đảm: Nhưng tôi không có linh hồn, ngược lại tôi cần củi.

Tuyên úy: Cái tẩu nào thế?

Bà mẹ can đảm: Thì tẩu thôi.

Tuyên úy: Không, không phải “tẩu thôi” mà là một cái tẩu đặc biệt.

Bà mẹ can đảm: Thế à?

Tuyên úy: Đây là cái tẩu của tay đầu bếp Trung đoàn Oxenstjerna.

Bà mẹ can đảm: Ông biết rồi sao còn vờ vịt hỏi?

Tuyên úy: Vì tôi không rõ bà có biết mình đang hút chính cái tẩu ấy không. Cũng có thể bà chỉ tiện tay móc bừa trong đống hàng của bà rồi vô tình đem hút thôi.

Bà mẹ can đảm: Nếu thế thì sao?

Tuyên úy: Nhưng tôi nhầm. Bà hút nó một cách cố ý.

Bà mẹ can đảm: Cố ý thì đã sao nào?

Tuyên úy: Này bà, tôi cảnh báo bà đấy. Đó là nhiệm vụ của tôi. Bà sẽ chẳng gặp lại hắn nữa đâu; không phải đáng tiếc mà là may cho bà. Tôi thấy hắn là người không đáng tin cậy. Ngược lại.

Bà mẹ can đảm: Sao? Ông ta tử tế đấy chứ.

Tuyên úy: Chết thật, người như thế mà bà bảo là tử tế à? Tôi thì không rồi đấy. Tôi không hề muốn nói xấu hắn, nhưng bảo là hắn tử tế thì tôi thật không dám. Một tay Don Juan71 thì có, mà lại ranh ma nữa. Bà cứ nhìn cái tẩu mà xem, nếu bà không tin lời tôi. Bà phải thừa nhận rằng nó bộc lộ nhiều tính nết của hắn.

Bà mẹ can đảm: Tôi chẳng nhìn thấy gì hết. Chỉ thấy nó cũ thôi.

Tuyên úy: Nó bị cắn đứt tới một nửa. Rõ là một tay vũ phu. Đó là cái tẩu của một kẻ tàn nhẫn, bà phải nhận thấy điều đó nếu bà chưa mất hết khả năng phán đoán.

Bà mẹ can đảm: Khéo kẻo ông bửa mất thớt gỗ lót chẻ củi của tôi đấy.

Tuyên úy: Thì đã bảo rằng tôi không phải là thợ bổ củi chuyên nghiệp mà lại. Tôi vốn học chuyện săn sóc phần hồn. Ở đây tài năng của tôi bị lạm dụng vào việc xác. Tài năng Chúa ban cho tôi hoàn toàn bị mai một. Thật là tội lỗi. Bà chưa nghe tôi thuyết giáo đấy thôi. Tôi có thể chỉ với một bài diễn văn kích động cả một Trung đoàn, khiến họ coi quân địch chẳng khác bầy cừu. Khi nghĩ tới chiến thắng cuối cùng họ sẵn sàng hy sinh đời mình như vất đi những tấm giẻ chùi chân hôi hám. Chúa đã cho ban tôi tài hùng biện. Tôi mà thuyết giáo thì bà mê mẩn đến quên nghe quên thấy luôn.

Bà mẹ can đảm: Tôi đâu có muốn quên nghe quên thấy. Nếu thế thì tôi làm gì ở đó?

Tuyên úy: Bà ạ, tôi vẫn thường nghĩ phải chăng bà không chỉ che dấu cái bản tính nồng nhiệt của mình qua lối ăn nói bỗ bã. Bà cũng là người và cần sự ấm cúng chứ.

Bà mẹ can đảm: Cách hay nhất mà chúng ta làm cho lều ấm là có đủ củi.

Tuyên úy: Bà lại đánh trống lảng rồi. Tôi nói nghiêm chỉnh đấy, bà ạ, đôi khi tôi tự hỏi nếu chúng ta sắp xếp để mối quan hệ giữa bà và tôi được chặt chẽ hơn tí chút thì sao nhỉ. Ý tôi muốn nói là sau khi mà cơn giông tố của thời chiến tranh đã cuốn chúng ta lại với nhau một cách lạ kì như thế này.

Bà mẹ can đảm: Tôi nghĩ là nó đủ chặt chẽ rồi. Tôi nấu ăn cho ông, còn ông làm việc, chẳng hạn như bổ củi.

Tuyên úy lại gần bà: Bà biết tôi muốn nói gì với mấy chữ ‘chặt chẽ hơn’ mà, đó không phải là mối quan hệ trong ăn uống, chẻ củi và những nhu cầu tầm thường khác. Bà hãy để con tim của mình nói chứ đừng tự gò bó nó.

Bà mẹ can đảm: Ông chớ có vác rìu lại gần tôi. Quan hệ kiểu ấy tôi e chặt chẽ quá!

Tuyên úy: Bà đừng coi thường chuyện ấy. Tôi rất nghiêm chỉnh nên đã cân nhắc điều mình nói.

Bà mẹ can đảm: Ông tuyên úy này, ông nên biết điều. Tôi thấy ông dễ mến nên không muốn nặng lời. Tôi chỉ nghĩ đến chuyện nuôi nổi mình và lũ con qua ngày với cái xe thồ thôi. Tôi không coi ông bếp là của mình và lúc này tôi không đầu óc đâu nghĩ chuyện riêng tư. Ngay bây giờ, khi quan tư lệnh tử trận và ai cũng nói tới hoà bình, tôi còn liều mua hàng. Nếu tôi sạt nghiệp thì ông sẽ đi đâu? Ông thấy chưa, ông không biết mà. Chẻ củi cho tôi đi thì tối tối chúng ta sẽ được ấm, thế cũng là nhiều trong thời buổi này. Sao thế? Đứng dậy. Kattrin chạy vào, thở không ra hơi, cô bị một vết thương ở trán, phía trên con mắt. Cô tha về đủ thứ: nào hộp, nào đồ da, một cái trống ...v...v...

Bà mẹ can đảm: Sao thế, mày bị hành hung à? Trên đường về à? [Với tuyên uý] Nó bị hành hung trên đường về! Chắc là cái tay kị binh đã uống say ở đây rồi! [Với Kattrin] Lẽ ra mẹ không bao giờ nên để con đi. Quẳng những thứ ấy đi! Không sao đâu, chỉ trầy da rách thịt thôi. Mẹ băng cho, chỉ một tuần sẽ khỏi. Chúng thật còn man rợ hơn thú vật. Băng vết thương.

Tuyên úy: Tôi không trách họ. Khi còn ở quê hương bản quán họ đâu có bậy bạ như thế với đàn bà con gái. Tội lỗi ở những kẻ gây ra chiến tranh, họ làm đảo lộn hết thảy nơi con người ta.

Bà mẹ can đảm: Thế lúc về ông thư lại không đi theo mày à? Ấy cũng bởi vì mày đoan chính nên chẳng ai màng tới. Vết thương không sâu, không thành sẹo đâu. Thế, băng xong rồi. Mẹ có quà cho mày, cứ ngồi yên. Mẹ đã kín đáo cất giữ món này cho mày, rồi mày sẽ thấy. Moi trong một cái bao lấy ra đôi giầy đỏ cao gót của cô nàng Yvette Pottier. Đấy, thấy chưa? Mày vẫn ao ước mà. Giờ thì được rồi nhé. Xỏ nhanh vào, kẻo mẹ đổi ý. Không thành sẹo đâu, mà nếu có đi nữa thì tao cũng chẳng buồn phiền gì. Số phận những ai vừa mắt chúng thì thật là khốn khổ khốn nạn. Chúng giày vò cho đến chết thôi. Không vừa mắt chúng thì được chúng tha cho sống. Tao đã từng thấy nhiều cô xinh lắm cơ, nhưng rồi chẳng bao lâu sau biến đổi đến chó sói còn phải khiếp. Họ kinh hoàng đến nỗi đi ra sau một gốc cây bên đường mà cũng sợ. Thì giống như cái cây thôi, cây nào cao thẳng thì bị đốn làm xà nhà, còn những cây cong quẹo được tiếp tục sống. Chỉ là chuyện may rủi thôi. Đôi giầy còn tốt, mẹ đã đánh xi rồi mới cất đi đấy.

Kattrin bỏ giầy ở đó, chui vào trong xe.

Tuyên úy: Mong là cô ấy không bị xấu đi.

Bà mẹ can đảm: Sẽ bị mang thẹo. Nó không cần chờ hòa bình làm gì nữa.

Tuyên úy: Cô ấy không để bị cướp mất hàng.

Bà mẹ can đảm: Lẽ ra tôi không nên đe nẹt nó. Giá như tôi biết được đầu óc nó đang nghĩ gì! Có lần một buổi tối nó không về nhà, chỉ một lần trong bấy nhiêu năm. Sau đó tôi thấy nó vẫn như trước, nhưng làm việc nhiều hơn. Tôi không moi ra được nó đã gặp chuyện gì. Tôi đã nghĩ nát óc một thời gian dài. Nhặt những món hàng Kattrin mang về, giận dữ phân loại ra. Chiến tranh đấy! Nguồn thu nhập béo bở đấy!

Nghe tiếng đại bác.

Tuyên úy: Họ đang hạ huyệt quan tư lệnh. Thật là một giây phút lịch sử.

Bà mẹ can đảm: Giây phút lịch sử đối với tôi là lúc chúng phang lên phía trên mắt con gái tôi. Nó đã tàn tạ hết một nửa rồi, không có chồng được nữa đâu, mà nó thích con nít lắm cơ; nó câm cũng vì chiến tranh, hồi nhỏ nó đã bị một tên lính nhét gì đó vào trong miệng. Thằng Schweizerkas tôi đã mất rồi, thằng Eilif giờ ở đâu chỉ có Chúa biết. Tổ bà chiến tranh.

 

VII


Bà mẹ can đảm vào lúc buôn bán phất tới cao điểm.

   

Trên con đường liên tỉnh. 

Viên tuyên úy, Bà mẹ can đảm và cô con gái Kattrin kéo xe thồ có treo những món hàng mới. Bà đeo xâu chuỗi làm bằng những đồng Taler 72 bạc.

 

Bà mẹ can đảm: Mấy người chê bai nguyền rủa chiến tranh nhưng không làm tôi đổi ý đâu. Quả thật chiến tranh hủy diệt trước hết những con người thể chất yếu đuối, nhưng trong hòa bình họ cũng chết sớm hơn người khác vậy. Ít ra thì chiến tranh cũng vỗ béo được những kẻ sống nhờ vào nó. Hát:

 

Khi anh không đủ sức cầm cự trong cuộc chiến tranh
Thì đành vắng mặt anh ngày thắng trận.
Chiến tranh không khác chi chuyện bán buôn
Thay vì pho mát là đạn chì thế thôi.
Những kẻ sống định cư có được lợi gì đâu. Họ chết trước hơn ai hết.

Hát:

Người thì muốn nhiều thứ
Kẻ khác không có được:
Anh ta làm khôn, đào hầm trú ẩn
Nào ngờ lại tự đào hố chôn mình quá sớm.
Tôi đã thấy có người mệt mỏi
Vì chạy đôn chạy đáo tìm nơi yên nghỉ cuối cùng
Nằm trong đó rồi, có khi lại hỏi
Cớ chi mà ta gấp gáp, vội vàng.

   

Họ tiếp tục kéo xe đi.

   

VIII

 

Cùng năm ấy vua Thụy Điển Gustav Adolf tử trận ở Lützen73. Hòa bình khiến Bà mẹ can đảm có cơ sạt nghiệp. Người con trai táo tợn của bà lại làm thêm một việc ‚anh hùng’ thừa thãi nên phải chịu chết nhục nhã.

 

Trong trại lính.

Một sáng mùa hè. Một bà lão và người con trai đứng đợi trước xe thồ. Người con trai kéo theo một bịch đựng khăn trải giường, chăn, gối v...v...

 

Tiếng Bà mẹ can đảm từ trong xe: Chưa sáng bảnh mắt mà buôn với bán cái gì?

Chàng trai: Mẹ con chúng tôi đã đi hai mươi dặm suốt đêm, lại phải về ngay hôm nay.

Tiếng Bà mẹ can đảm: Tôi làm gì với những chăn nệm ấy? Còn ai có nhà có cửa nữa đâu.

Chàng trai: Thì bà hãy cứ ngó qua một tí đi.

Bà lão: Đây cũng không được gì đâu, con ơi. Thôi mình đi!

Chàng trai: Người ta sẽ xiết nhà mình để trừ vào tiền thuế mất, mẹ ạ! Có thể bà ấy chịu trả ba Gulden nếu mẹ các thêm cái thánh giá. Chuông nhà thờ bắt đầu rung: Mẹ ơi, nghe kìa!

Tiếng nói từ phía sau: Hoà bình! Vua Thụy Điển tử trận rồi!

Bà mẹ can đảm thò đầu ra khỏi xe. Tóc tai chưa chải: Có chuyện gì mà chuông rung vào giữa tuần thế này?

Tuyên úy từ dưới gậm xe bò ra: Họ kêu gì thế?

Bà mẹ can đảm: Ông chớ có bảo với tôi rằng hòa bình vừa nổ ra74 đấy nhé; tôi mới vừa mua hàng tích trữ xong.

Tuyên úy gọi ra sau: Có thật hòa bình không?

Tiếng nói: Từ ba tuần nay rồi, nghe nói thế, chỉ có chúng ta không biết đấy thôi.

Tuyên úy với Bà mẹ can đảm: Chắc phải đấy, nếu không họ rung chuông làm gì?

Tiếng nói: Trong phố có cả một đám đông phe Luther với bầu đoàn lỉnh kỉnh. Họ cho biết tin này đấy.

Chàng trai: Mẹ ơi, hòa bình rồi. Ơ kìa, mẹ làm sao thế? Bà lão quị xuống.

Bà mẹ can đảm rút vào trong xe: Lậy đức bà Maria, lậy thánh Josef! Kattrin, hoà bình rồi! Thay bộ đồ đen75 vào! Ta đi lễ. Mẹ con mình cho đến nay vẫn chưa làm lễ cho thằng Schweizerkas. Mà chẳng biết có hoà bình thật không?

Chàng trai: Mọi người đều bảo thế mà. Hòa bình được thiết lập rồi. Mẹ đứng lên được không? Bà lão đứng lên như mê. Bây giờ con sẽ mở lại cửa hàng làm yên ngựa. Con hứa với mẹ. Mọi chuyện sẽ lại đâu vào đấy. Những thứ này mẹ con ta lại đem về, bố sẽ lại có giường nệm đàng hoàng. Mẹ đi nổi không? Với tuyên úy: Mẹ tôi bị choáng. Vì cái tin mới đấy. Bà không tin rằng sẽ hòa bình. Còn bố tôi vẫn bảo là thế nào cũng sẽ có. Chúng tôi về nhà ngay đây. Hai mẹ con đi ra.

Tiếng Bà mẹ can đảm: Cho bà ấy uống tí rượu!

Tuyên úy: Họ đi rồi.

Tiếng Bà mẹ can đảm: Có chuyện gì bên trại lính thế kia?

Tuyên úy: Người ta đổ xô cả về đấy. Để tôi chạy sang xem sao. Tôi có nên mặc áo thầy tu không nhỉ?

Tiếng Bà mẹ can đảm: Ông hãy hỏi cho kĩ trước khi ra mặt là dân phản Chúa76. Tôi mừng vì đã có hòa bình, dù bị sạt nghiệp. Có thể nói rằng ít ra tôi cũng đã nuôi được hai trong mấy đứa con qua hết cuộc chiến tranh. Bây giờ tôi sẽ được gặp lại thằng Eilif.

Tuyên úy: Ai từ trại lính đi lại đây thế kia? Nếu không phải ông bếp của quan tư lệnh thì còn ai nữa!

Đầu bếp hơi xơ xác, xách tay nải: Ai thế kia? A, ông tuyên úy!

Tuyên úy: Bà Courage ơi, có khách!

Bà mẹ can đảm xuống xe.

Đầu bếp: Hồi đó tôi có hứa sẽ tới hàn huyên một chút, khi nào rảnh rỗi. Tôi không quên món rượu của bà, bà Fierling ạ.

Bà mẹ can đảm: Lậy Chúa, ra là ông đầu bếp của quan tư lệnh đấy! Gớm, sau bao nhiêu năm! Thằng cả Eilif nhà tôi giờ ở đâu?

Đầu bếp: Thế cậu ấy vẫn chưa tới à? Cậu ấy đi trước tôi và cũng định lại đây tìm bà mà.

Tuyên úy: Tôi phải khoác cái áo thầy tu mới được, chờ nhá. Ra sau xe.

Bà mẹ can đảm: Thế thì nó sẽ đến ngay thôi. Gọi vào xe. Kattrin, anh Eilif về! Lấy một li rượu mời ông bếp, con nhé! Kattrin không ló mặt. Kéo một mớ tóc phủ xuống là xong thôi mà! Ông Lamb đâu phải người lạ. Tự đi lấy rượu. Nó không muốn ló mặt, nó chẳng thiết gì hòa bình. Nó đã chờ hòa bình mỏi cả mắt. Bọn lính tráng đã đánh nó bị thương phía trên con mắt; lành lặn rồi, không thấy vết sẹo đâu nữa nhưng nó cứ nghĩ là mọi người luôn nhìn nó đăm đăm.

Đầu bếp: Chà, chiến tranh! Cùng Bà mẹ can đảm ngồi xuống.

Bà mẹ can đảm: Ông bếp này, ông gặp lại tôi đúng lúc tai bay vạ gió. Tôi sạt nghiệp rồi.

Đầu bếp: Sao cơ? Đúng là không may thật.

Bà mẹ can đảm: Hòa bình làm tôi phá sản77. Mới đây, vì nghe lời ông tuyên úy khuyên nên tôi liền mua hàng dự trữ. Bây giờ mọi chuyện trái ngược cả thành thử tôi chết cứng trên đống hàng của mình.

Đầu bếp: Làm sao mà bà lại đi nghe lời tay tuyên úy được chứ? Nếu hồi đó không phải chạy gấp thì tôi đã bảo bà phải cẩn thận đối với hắn rồi; chỉ tại bọn Thiên Chúa giáo ùa tới nhanh quá. Hắn chỉ được cái bẻm mép. Vậy là bây giờ hắn có tiếng nói với bà đấy.

Bà mẹ can đảm: Ông ấy rửa chén đĩa cho tôi và phụ kéo xe.

Đầu bếp: Ngữ hắn mà kéo xe! Hắn lại chẳng sẽ kể bà nghe vài ba câu chuyện tiếu lâm ấy à, tôi rành hắn quá mà, hắn có một quan niệm không đứng đắn về đàn bà, tôi đã uổng công thuyết phục hắn. Hắn không đáng tin cậy.

Bà mẹ can đảm: Thế ông có đáng tin cậy không?

Đầu bếp: Khi tôi chỉ còn trên răng dưới khố thì tôi đáng tin cậy. Mời bà!

Bà mẹ can đảm: Đáng hay không cũng chẳng nghĩa lí gì. Đội ơn Chúa, tôi chỉ có được mỗi một lão đáng tin cậy thôi. Thành thử ở đâu tôi cũng chẳng phải làm gì hết trơn hết trọi, mùa xuân hắn lấy chăn của lũ trẻ đi bán, rồi hắn thấy cái kèn armonica của tôi là không hợp lẽ đạo. Tôi thấy ông chẳng nên khoe rằng mình đáng tin cậy.

Đầu bếp: Tôi thấy bà vẫn rất miệng lưỡi, nhưng chính vì thế mà tôi coi trọng bà.

Bà mẹ can đảm: Ông chớ có bảo rằng đã mơ thấy tóc dính trên răng78 tôi đấy!

Đầu bếp: Mơ chứ! Còn giờ đây hai ta ngồi đây uống rượu của bà, nghe tiếng chuông hòa bình. Tài chuốc rượu của bà thật đã nổi tiếng.

Bà mẹ can đảm: Lúc này tôi chẳng ham gì tiếng chuông hòa bình. Tôi không biết họ sẽ lấy gì để trả lương còn nợ đám lính và tôi sẽ làm gì với thứ rượu nổi tiếng của mình? Các ông đã được trả lương chưa?

Đầu bếp ngần ngừ: Chưa. Thành thử chúng tôi mới tan đàn rã đám. Tôi mới nghĩ mình ở lại làm gì nữa; trong khi chờ đợi hãy đi thăm bạn bè cái đã. Cho nên bây giờ tôi mới ngồi đối diện với bà.

Bà mẹ can đảm: Nghĩa là ông trắng tay.

Đầu bếp: Họ nên từ từ ngừng rung chuông đi là vừa. Tôi rất muốn buôn bán chút gì đó, chứ hết ham làm đầu bếp cho họ rồi. Thiếu thốn đủ thứ mà tôi vẫn phải nấu nướng món gì đó79 cho họ, để rồi bị hắt xúp nóng bỏng vào mặt. Nghề đầu bếp bây giờ khổ như chó. Thà là ra trận, thật đấy, nhưng khổ nỗi bây giờ hoà bình rồi. Viên tuyên úy xuất hiện, lúc này trong bộ áo thầy tu trước kia. Ta sẽ nói tiếp chuyện này sau vậy.

Tuyên úy: Còn tốt chán, chỉ có vài chỗ bị mối nhấm thôi.

Đầu bếp: Tôi không hiểu ông mất công mà làm gì. Người ta đâu cần đến ông nữa, bây giờ ông định cổ vũ ai để họ chịu hy sinh cho kẻ khác, xứng đáng với đồng lương? Ngoài ra, tôi còn có chuyện phải làm ra lẽ với ông, vì ông đã khuyên bà đây mua sắm hàng hoá vô bổ với lý do là chiến tranh sẽ kéo dài mãi mãi.

Tuyên úy cáu tiết: Xin hỏi nó dính dáng gì tới ông?

Đầu bếp: Vì như thế là ông vô trách nhiệm! Tại sao ông dám xía mõm vào chuyện làm ăn của người khác với những lời khuyên chẳng ai cần tới?

Tuyên úy: Ai xía vô chứ? Với Bà mẹ can đảm: Tôi không biết bà là bạn chí thiết của ông đây và phải báo cáo với ông ta đấy.

Bà mẹ can đảm: Ông đừng vội nóng, ông bếp chỉ nói ra điều ông ấy nghĩ thôi mà, còn ông không thể chối cãi được là cuộc chiến tranh của ông chỉ là bánh vẽ thôi.

Tuyên úy: Bà đừng nên phạm tội đối với hòa bình! Bà thật chẳng khác linh cẩu trên chiến trường.

Bà mẹ can đảm: Tôi là gì chứ?

Đầu bếp: Ông mà nhục mạ bà bạn của tôi thì sẽ biết tay tôi đấy.

Tuyên úy: Tôi không thèm nói với ông. Tôi biết tỏng ý đồ của ông mà. Với Bà mẹ can đảm:

Khi thấy bà đón chào hòa bình như thể lấy ngón tay cái và ngón trỏ nhón chiếc khăn cũ nhơ bẩn thì tôi phẫn nộ, vì lúc ấy tôi hiểu rằng bà không muốn hòa bình, chỉ ham chiến tranh, vì bà muốn trục lợi, nhưng bà chớ quên câu ngạn ngữ: „Muốn ăn sáng với quỉ, cần phải có cái muỗng thật dài!“80

Bà mẹ can đảm: Tôi chẳng màng gì tới chiến tranh mà nó cũng chẳng màng tới tôi mấy. Dẫu sao tôi cấm ông không được gọi tôi là linh cẩu. Từ nay chúng ta đường ai nấy đi.

Tuyên úy: Vậy tại sao bà lại trách móc hòa bình trong khi mọi người thở dài nhẹ nhõm? Chỉ vì mấy cái thứ đồ bỏ trong xe của bà ư?!

Bà mẹ can đảm: Hàng của tôi không phải đồ bỏ, tôi sống nhờ vào chúng, cả ông cũng thế, cho đến nay.

Tuyên úy: Nghĩa là sống nhờ chiến tranh! A ha!

Đầu bếp với tuyên úy: Lớn đầu thì lẽ ra ông phải tự hiểu rằng không nên khuyên gì hết chứ. Với Bà mẹ can đảm: Hoàn cảnh đã thế này thì tốt hơn cả là bà bán tống bán tháo đi cho nhanh một số mặt hàng trước khi tụt giá. Bà thay quần áo rồi đi liền đi, đừng để chậm phút nào nữa.

Bà mẹ can đảm: Một lời khuyên chí lí. Tôi sẽ làm theo.

Tuyên úy: Vì là của ông bếp khuyên mà!

Bà mẹ can đảm: Thế sao ông không khuyên? Ông ấy nói đúng, tốt nhất là tôi nên ra chợ ngay. Đi vào trong xe.

Đầu bếp: Ông tuyên úy, thế là tôi thắng ông một keo. Ông không nhanh trí. Lẽ ra ông phải nói thế này: ‘Tôi đã khuyên bà thật à? Tôi chỉ bàn chuyện thế sự thôi chứ!’ Ông chớ nên kình với tôi. Chuyện sửng cồ đấu đá không hợp với cái áo thầy tu của ông đâu!

Tuyên úy: Ông mà không câm mõm thì tôi giết ông ngay, mặc kệ hợp hay không hợp.

Đầu bếp tháo giầy ống, gỡ miếng giẻ quấn chân: Nếu như ông không trở thành một tay đê tiện vô thần vô thánh thì bây giờ hòa bình rồi ông vẫn dễ dàng phụ trách một họ đạo nào đấy. Chẳng ai cần đầu bếp vì chẳng còn gì để nấu với nướng, nhưng tín ngưỡng thì vẫn còn, chẳng có gì thay đổi cả.

Tuyên úy: Ông Lamb, tôi phải năn nỉ ông đừng chèn ép tôi ra khỏi đây. Từ ngày đời mình xuống dốc81 tôi đã trở thành một con người tốt hơn rồi, nên không thể nào còn thuyết giáo cho ai được nữa.

Yvette Pottier tới, mặc đồ đen, rất sang trọng, chống gậy. Nàng đã già đi nhiều, mập hơn, mặt bự phấn. Một người hầu theo sau.

Yvette: Này, mấy người kia! Có phải Bà mẹ can đảm ở đây không?

Tuyên úy: Chính phải! Chúng tôi hân hạnh được tiếp ai đấy ạ?

Yvette: Bà đại tá Starhemberg. Thế Bà mẹ can đảm đâu?

Tuyên úy gọi vào xe: Có bà đại tá Starhemberg muốn gặp bà đấy!

Tiếng Bà mẹ can đảm: Tôi ra ngay!

Yvette: Tôi là Yvette đây!

Tiếng Bà mẹ can đảm: Chao ôi, Yvette!

Yvette: Chỉ ghé thăm xem bà khoẻ không đấy thôi. Chợt nhận ra tay đầu bếp đang hoảng kinh quay mặt đi: Ơ kìa, Pieter!

Đầu bếp: Yvette!

Yvette: Hay thật! Mình tới đây bằng gì?

Đầu bếp: Đi theo đoàn quân thôi.

Tuyên úy: A, mấy người quen biết nhau à? Chí thân chứ?

Yvette: Tôi nghĩ là thân. Nhìn tay đầu bếp: Phệ quá rồi.

Đầu bếp: Mình cũng đâu còn thon thả gì nữa.

Yvette: Đồ đê tiện, dẫu sao thì gặp lại mình tôi cũng rất vui. Vì tôi có dịp để nói ra những gì tôi đã nghĩ về mình.

Tuyên úy: Bà cứ nói thật rõ vào, nhưng đợi Bà mẹ can đảm ra đã.

Bà mẹ can đảm ra với đủ thứ hàng hóa lỉnh kỉnh: Yvette! Hai người ôm nhau. Nhưng sao lại tang phục thế này?

Yvette: Trông không hợp với tôi à? Chồng tôi, ông đại tá, đã mất cách đây vài năm.

Bà mẹ can đảm: Cái lão tí nữa thì mua cái xe của tôi ấy à?

Yvette: Anh của lão ấy.

Bà mẹ can đảm: Thế thì cô sướng quá rồi! Ít ra cũng có được một người công thành danh toại trong chiến tranh.

Yvette: Lên voi rồi xuống chó rồi lại lên voi thôi mà.

Bà mẹ can đảm: Ta không nên nói xấu những ông đại tá, họ kiếm tiền như nước!

Tuyên úy với đầu bếp: Ở vào hoàn cảnh của ông thì tôi sẽ xỏ giầy lại đấy82. Với Yvette: Thưa bà đại tá, bà vừa hứa là sẽ nói những gì bà nghĩ về ông đây.

Đầu bếp: Yvette, đừng gây chuyện ở đây mà.

Bà mẹ can đảm: Yvette, đây là một người bạn của tôi.

Yvette: Chính là Pieter-tẩu đấy.

Đầu bếp: Bỏ cái biệt danh đó đi! Tôi tên là Lamb.

Bà mẹ can đảm cười: Pieter-tẩu! Kẻ từng làm cho đàn bà mê mệt! Ông ạ, tôi vẫn giữ cái tẩu của ông đấy.

Tuyên úy: Lại còn đem ra hút nữa cơ!

Yvette: Thật may là tôi còn cảnh báo bà được. Hắn là con người bạc bẽo nhất suốt một giải bờ biển vùng Flandern. Có bao nhiêu ngón tay là bấy nhiêu người con gái đã bị hắn đem lại bất hạnh.

Đầu bếp: Chuyện lâu rồi. Mà cũng không hề có thật nữa.

Yvette: Đứng lên, khi một mệnh phụ phu nhân nói chuyện với mình! Tôi đã từng thương yêu hắn biết mấy! Vậy mà cùng lúc hắn đèo thêm một con nhỏ da đen chân vòng kiềng, tất nhiên hắn cũng đem lại bất hạnh cho cô ả.

Đầu bếp: Xem ra thì tôi đã khiến mình gặp được hạnh phúc đấy chứ.

Yvette: Câm mõm, đồ thân tàn ma dại! [Với Bà mẹ can đảm] Nhưng bà nên cẩn thận trước hắn đấy, một kẻ như hắn thì ngay cả lúc xuống dốc cũng vẫn nguy hiểm!

Bà mẹ can đảm với Yvette: Đi với tôi, tôi phải tống khứ hàng đi trước khi mất giá. Có thể cô giúp tôi được nhờ cô quen biết nhiều ở Trung đoàn. Gọi vào trong xe: Kattrin, không đi nhà thờ nữa, tao phải ra chợ. Khi thằng Eilif tới thì rót rượu cho nó uống.

Đi với Yvette.

Yvette vừa quay đi vừa nói: Thật không ngờ con người như thế này lại đã từng khiến tôi lầm lạc! May nhờ tướng tinh của tôi tốt nên tuy vậy tôi vẫn leo lên cao được. Còn bây giờ tôi ngăn cản chuyện tồi bại của mình thì mai sau lên trời tôi sẽ được tính công đấy, Pieter-tẩu ạ.

Tuyên úy: Tôi muốn lấy lời Chúa phán minh họa cho buổi trò chuyện của chúng ta: ‚Cối xay của Chúa nghiền từ từ.’83 Thế mà ông lại đi phàn nàn về chuyện tiếu lâm của tôi!

Đầu bếp: Tôi thật xui xẻo. Sự thật như thế này: tôi đói meo rồi nên hy vọng sẽ được một bữa ăn nóng sốt. Bây giờ tôi bị vu oan khiến bà ấy có cái nhìn sai lệch. Tôi nghĩ là mình nên cuốn gói trước khi bà ấy về là hơn.

Tuyên úy: Thế là phải.

Đầu bếp: Ông tuyên úy này, tôi đã lại ngán hòa bình tới tận cổ rồi. Loài người phải băng qua lửa gươm vì họ mang tội từ khi còn tấm bé84. Tôi ước chi lại được quay cho quan tư lệnh một con gà trống thiến béo căng, với sốt hạt cải và một ít củ cải vàng85. Chẳng biết giờ quan đang ở đâu.

Tuyên úy: Bắp cải đỏ86, ông ạ. Gà trống thiến phải ăn với bắp cải đỏ.

Đầu bếp: Phải rồi, nhưng quan lại thích củ cải vàng cơ.

Tuyên úy: Ông ấy chẳng biết gì sất.

Đầu bếp: Thế mà ông vẫn cùng chén đẫy đó thôi.

Tuyên úy: Tôi phải nhắm mắt nuốt đấy.

Đầu bếp: Dẫu sao ông cũng phải đồng ý rằng hồi đó mới thật đáng sống.

Tuyên úy: Có lẽ thế thật.

Đầu bếp: Sau khi ông gọi bà ấy là linh cẩu thì ông đâu còn mong gì ở lại đây được nữa. Ông nhìn cái gì thế?

Tuyên úy: Tay Eilif!

Eilif đi tới, có lính cầm giáo theo sau. Hắn bị trói, mặt mũi trắng bệch.

Cậu bị làm sao thế?

Eilif: Mẹ tôi đâu?

Tuyên úy: Vào phố rồi.

Eilif: Nghe nói mẹ tôi hiện ở đây. Họ cho phép tôi được ghé thăm bà lần cuối.

Đầu bếp với những người lính: Mấy người đưa hắn đi đâu?

Một người lính: Không phải tới chỗ tốt lành rồi.

Tuyên úy: Hắn phạm tội gì?

Người lính: Hắn đã xông vào cướp nhà một nông dân, giết chết bà vợ.

Tuyên úy: Sao cậu lại có thể làm thế được?

Eilif: Tôi có làm gì khác trước kia đâu.

Đầu bếp: Nhưng bây giờ là thời bình mà.

Eilif: Câm mồm! [Nói với lính] Tôi ngồi được không, đợi đến khi mẹ tôi về.

Người lính: Không có thì giờ.

Tuyên úy: Trong chiến tranh người ta đã trọng thưởng y, y được ngồi ăn bên tay phải quan tư lệnh. Bấy giờ thì hành động này của y được xem là quả cảm! Có thể nào nói khó với sĩ quan quân pháp được không?

Người lính: Vô ích. Cướp bò của nông dân thì có gì là quả cảm?

Đầu bếp: Dại dột quá!

Eilif: Nếu tôi dại thì tôi đã chết đói nhăn răng rồi, anh chỉ khôn cái miệng.

Đầu bếp: Vì anh khôn nên sẽ mất đầu.

Tuyên úy: Ít ra mình cũng phải gọi Kattrin ra để cô ấy biết chứ.

Eilif: Đừng gọi! Cho tôi một ngụm rượu thì hay hơn.

Người lính: Không có thì giờ đâu, đi!

Tuyên úy: Thế chúng tôi phải nhắn gì cho mẹ cậu?

Eilif: Nói với mẹ tôi rằng tôi không làm gì khác cả, vẫn như hồi đó. Hay thôi, đừng nói gì hết với mẹ tôi. Đám lính giải hắn đi.

Tuyên úy: Tôi cùng đi với cậu chặng đường khốn khó này.

Eilif: Tôi không cần cha cố.

Tuyên úy: Cậu đâu biết được sẽ cần hay không. Đi theo.

Đầu bếp gọi theo: Tôi sẽ phải kể cho bà ấy biết thôi, bà ấy còn muốn được gặp hắn mà!

Tuyên úy: Ông đừng nói gì với bà ấy là hay hơn cả. Cùng lắm nói rằng cậu ấy có ghé đây và sẽ quay lại, chắc là mai. Rồi khi trở về tôi sẽ thuật lại cho bà ấy biết.

Vội vã đi. Tay đầu bếp lắc đầu nhìn theo, rồi băn khoăn đi quanh. Sau rốt hắn lại gần cái xe.

Đầu bếp [với Kattrin]: Này, cô không chịu ra à? Tôi hiểu cô trốn tránh hòa bình. Tôi cũng muốn trốn đấy. Tôi là đầu bếp của quan tư lệnh, cô còn nhớ chứ? Tôi muốn hỏi cô có chút gì để ăn không cho đến khi mẹ cô về. Tôi chợt thèm một miếng thịt mỡ hơ khói, hay bánh mì cũng được, chỉ để nhai đỡ buồn trong lúc ngồi không thôi. Nhìn vào trong [nói với mình] Cô nàng chùm chăn kín đầu.

Phía sau có tiếng đại bác.

Bà mẹ can đảm chạy về, thở không ra hơi, vẫn còn hàng: Ông bếp, hòa bình lại tiêu rồi! Lại đánh nhau đã ba ngày nay. Tôi chưa kịp tống hàng đi thì nghe tin này. Đội ơn Chúa! Trong phố họ đang bắn nhau với phe Luther. Chúng ta phải kéo xe đi ngay thôi. Kattrin, gói ghém lại! Sao trông ông lúng túng thế! Có chuyện gì?

Đầu bếp: Đâu có gì.

Bà mẹ can đảm: Có. Nhìn ông tôi biết.

Đầu bếp: Có lẽ vì lại đánh nhau. Thành ra chắc tôi phải chờ đến tối mai mới có được chút gì ấm vào bao tử.

Bà mẹ can đảm: Ông bếp, ông nói dối.

Đầu bếp: Eilif có tới đây, nhưng lại phải đi ngay.

Bà mẹ can đảm: Nó có ghé đây à? Thế là chúng ta sẽ gặp nó trên đường hành quân. Bây giờ tôi phải đi theo quân ta. Trông nó thế nào?

Đầu bếp: Như xưa.

Bà mẹ can đảm: Nó chẳng bao giờ thay đổi. Chiến tranh không cướp nổi con trai tôi được. Nó rất khôn. Ông phụ tôi thu vén chứ? Bắt đầu gói ghém. Nó có kể gì không? Nó vẫn quan hệ tốt với quan tư lệnh chứ? Nó có kể gì về những hành động oanh liệt của nó không?

Đầu bếp rầu rĩ: Tôi nghe nói là cậu ấy có lập lại một việc.

Bà mẹ can đảm: Lát nữa hãy kể, bây giờ ta phải đi. Kattrin xuất hiện. Kattrin, hoà bình lại tiêu rồi. Ta lại tiếp tục đi. Với đầu bếp: Thế ông tính sao?

Đầu bếp: Tôi định đi đầu quân.

Bà mẹ can đảm: Tôi đề nghị... ông tuyên úy đâu rồi?

Đầu bếp: Vào phố với Eilif.

Bà mẹ can đảm: Ông Lamb, vậy thì ông đi với tôi một đọan. Tôi cần được trợ giúp.

Đầu bếp: Chuyện với Yvette...

Bà mẹ can đảm: Nó chẳng làm xấu đi hình ảnh ông trong mắt tôi đâu. Ngược lại. Ở đâu có lửa, ở đấy có khói, người ta bảo thế mà. Vậy ông đi theo tụi tôi chứ?

Đầu bếp: Tôi không từ chối.

Bà mẹ can đảm: Trung đoàn mười hai đã lên đường rồi đấy. Kéo càng xe thôi. Bánh mì đây. Ta phải đi vòng phía sau tới chỗ phe Luther. Có thể tối nay tôi được gặp thằng Eilif rồi. Nó là đứa tôi thương nhất. Hòa bình mới một lúc đã lại tiếp tục đánh nhau. Hát trong khi tay đầu bếp và Kattrin quàng dây kéo xe quanh người:

 

Từ Ulm87 cho tới Metz88, từ Metz tới Mähren!
Bà mẹ can đảm luôn có mặt!
Chiến tranh sẽ nuôi những ai sống nhờ vào nó
Nó chỉ cần thuốc súng và đầu đạn chì.
Nhưng nó đâu thể chỉ sống với chì
Cũng không thể chỉ với thuốc súng, nó cũng cần người!
Thế thì các người phải mau tới trung đoàn trình diện đi
Kẻo chiến tranh chết sớm! Tới ngay hôm nay đi!

 


Bản dịch của Lê Chu Cầu

2/11/2003 - 17/01/2007

 

 

67 Ingolstadt: nay là một thành phố công nghiệp quan trọng ở bang Bayern (nam Đức).

68 Ý nói các nhà thờ Tin lành.

69 Xem ‚Sơ luợc bối cảnh lịch sử’.

70 Nhiều loại pho mát có đầy những lỗ to bằng đầu ngón tay – như tổ ong, hình thành do bọt không khí trong quá trình chế biến. Ý câu này là: một câu hỏi ngớ ngẩn, đã chiến tranh thì hòa bình thế nào được.

71 Một nhân vật tiểu thuyết nổi tiếng trăng hoa.

72 Đơn vị tiền Đức, cho tới thế kỷ 18.

73 Lützen: gần Leipzig - một thành phố lớn ở đông Đức ngày nay.

74 Với Bà mẹ can đảm thì hoà bình là tai họa nên mới 'nổ ra' (ausbrechen)!

75 Quần áo màu xẫm là trịnh trọng, đề đi nhà thờ.

76 Bấy giờ Tin lành bị coi là phản Chúa (Antichrist)!

77 Nguyên văn: hòa bình làm tôi gẫy cổ.

78 Thành ngữ ‚Haare auf die Zähne haben’ nghĩa là ‚người mồm miệng nanh nọc’, song – vì thất học - bà mẹ can đảm lại hiểu theo nghĩa đen: ‚tóc dính răng’.

79 Nguyên văn: với rễ cây và da giầy.

80 Ý nói: những kẻ muốn trục lợi qua chiến tranh hãy coi chừng, vì chính mình cũng có thể bị liên lụy - Năm 1953, khi vở kịch được trình diễn ở Kopenhagen (thủ đô Đan Mạch), Brecht đã viết trên một tờ báo Đan Mạch rằng khi soạn vở kịch, ông muốn qua câu châm ngôn này cảnh giác các nước Bắc Âu trước khuynh hướng hòa hoãn với Hitler để trục lợi. Quả nhiên, năm 1939 Đan Mạch kí hiệp ước không xâm phạm với Đức quốc xã, nhưng chưa đầy một năm sau Đức chiếm Đan Mạch mà không hề tuyên chiến.

81 Cũng có nghĩa sa đọa.

82 Xỏ xiên rằng tay đầu bếp bất lịch sự!

83 Có lẽ tương tự câu: ‚Lưới trời lồng lộng’ của ta.

84 Theo đạo Cơ đốc: loài người mang tội tổ tông, vì tổ tiên (Adam và Eva) đã cãi lời Chúa Trời ăn trái cấm!

85 Củ cải vàng: cà rốt (cách gọi của người miền nam nước Đức).

86 Có một thứ bắp cải màu tím – không phải đỏ!

87 Ulm: một thành phố công nghiệp lớn ở nam Đức hiện nay.

88 Metz: một thành phố lớn ở đông bắc nước Pháp.

Hết hồi 8


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss