Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Ba truyện ngắn Tanizaki Jun.ichirô

Ba truyện ngắn Tanizaki Jun.ichirô

- Tanizaki Jun.ichirô & Nguyễn Nam Trân — published 18/03/2016 00:00, cập nhật lần cuối 16/03/2016 00:22

Ba truyện ngắn Tanizaki Jun.ichirô


Dịch và giới thiệu: Nguyễn Nam Trân

(Cập nhật: 22/12/2015)


tacgia


Thiết tưởng không cần phải nói nhiều về vai trò của Tanizaki Jun.ichirô (1886-1965) trong dòng văn học Nhật Bản cận đại.

Sau đây là ba truyện ngắn sẽ đem đến cho quý độc giả một chút hương vị văn phong khác đời của Tanizaki, người có một chỗ đứng biệt lập giữa vườn văn Nhật Bản.

Cho đến nay, việc giới thiệu Tanizaki ở Việt Nam thực ra không phải là không có nhưng hãy còn quá ít ỏi và nhất là chưa có tác phẩm trường thiên nào của ông được dịch ra Việt ngữ. Trong khi đó, trên thế giới, văn chương của Tanizaki đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhất là Anh và Pháp. Nhà nghiên cứu và dịch giả uy tín Donald Keene gần đây trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình, đã cho biết khi được Hội đồng đánh giá Giải Nobel Văn Học hỏi ai là người Nhật Bản xứng đáng lãnh giải hơn cả vào thời điểm thập niên 1960, đã có ý kiến rất tích cực về Tanizaki so sánh với các nhân vật đồng thời như hai nhà văn Kawabata Yasunari, Mishima Yukio và nhà thơ Nishiwaki Junzaburô (1894-1982). Chúng ta biết Tanizaki đã mất vào năm 1965, ba năm sau, giải ấy về tay Kawabata.



XÂM MÌNH

(Shisei, 1910)



hinh-2


Dẫn nhập:


Tanizaki Jun-ichirô là người kể chuyện có duyên nhất trong số những cây viết tiền chiến, nội dung các tác phẩm của ông phần nhiều khai thác cảnh sống đồi trụy của xã hội cũ đang suy tàn và địa ngục của đời sống nội tâm. Sở trường về tiểu thuyết lịch sử và tiểu thuyết phong tục, văn chương Tanizaki vừa thâm trầm, cổ kính, vừa bóng bẩy, diễm tình, vừa đồi phế, bệnh hoạn nhưng không kém phần tinh tế. Làm như ta qui tụ được tài hoa của cả Marquis de Sade, Paolo Pasolini, Marcel Proust, Guy de Maupassant, Nguyễn Tuân, Edgar Allan Poe... trong cùng một con người.

Xâm Mình dường như đóng khung được hai chủ đề lớn trong văn học. Trước hết là vai trò của cái huông “cuốn sổ đoạn trường”. Con nhện xâm trên lưng chỉ phù-điêu-hoá lời tiên tri về tương lai người con gái trong truyện như dự ngôn của nhà viết kịch Euripidès về Aphrodite (theo ý kiến Mishima Yukio), của Nguyễn Du (qua Đạm Tiên) về Kiều : cái đẹp đã hoài thai của độc, sự sống vốn nẩy mầm cái chết. Chủ đề thứ hai là mối quan hệ giữa nghệ sĩ và tác phẩm. Người nghệ sĩ dù thực hiện tác phẩm để giải thoát một ám ảnh, vẫn còn có thể thành nạn nhân của nó một khi tác phẩm thoát khỏi tay mình.

Dịch giả sử dụng văn bản Shisei trong Jun-ichirô Rabirinsu I - Shoki tanpenshu (Mê cung của Jun-ichirô - Tập I - Những đoản thiên đầu tay) do Chiba Junji biên tập, nhà Chuôkôron xuất bản năm 1998 ở Tôkyô.


Nguyễn Nam Trân


*


Chuyện xảy ra hồi thiên hạ còn giữ được cái đức « Ngu » đáng quý, thuở mọi người chưa nghĩ đến tranh danh đoạt lợi như bây giờ. Cuộc đời lúc đó mới nhàn tản làm sao ! Để khuôn mặt các nhà quyền quý và đám vương tôn công tử không vương lấy một bóng mây tư lự, để những trận cười của các nàng hầu trong phủ đệ và đám gái buôn hương không bao giờ biết dứt, chỉ cần biết uốn ba tấc lưỡi giúp vui như các chú hầu trà và kép diễu cũng thành một thứ nghề được đời trọng vọng. Bản tuồng hát và tiểu thuyết kiếm hiệp có phụ bản bằng tranh đương thời như Nữ-Sadakurô, Nữ-Jiraiya và Nữ-Narukamia1 đều cho ta thấy người đẹp là kẻ mạnh, người xấu xí là kẻ yếu. Không ai là không ra sức làm đẹp, thậm chí họ đã đem xâm những bức họa lên cái thân thể trời cho. Vào thời đó, trên da thịt người ta là cả một cuộc khiêu vũ của những tập hợp màu sắc và đường nét, hoặc đậm đà hoặc rực rỡ.

Khách lui tới những chốn ăn chơi chỉ chịu lên kiệu mấy tên phu có hình xâm đẹp. Chị em ta dưới xóm Yoshiwara hay Tatsumi mê mẩn mấy cậu trai có bức họa nổi thật khéo trên người. Đừng nói chi bọn máu mê hay lính chữa lửa, từ đám thương nhân đến hàng vũ sĩ, ai ai cũng khoái thích chàm lên người. Đôi khi, trong các kỳ họp của Hội Xâm Mình tổ chức ở Ryôgokua2 (2), người dự hội thường lấy tay vỗ vỗ lên chỗ xâm, khi thì để khoe một mẫu hình đẹp, khi thì để phẩm bình qua lại với nhau.

Dạo đó có một gã thợ xâm mình có hoa tay tên gọi Seikichi. Tài của y vốn không thua gì những bậc sư trong nghề kể cả Charibun miệt Asakusa, Yatsuhei xóm Matsushima hay bọn Konkonjirô. Dưới mũi bút họa của Seikichi, chỉ cần một thoáng là da thịt của hàng chục khách đã trải ra như tấm vóc. Nhiều hình xâm mà anh chàng là tác giả từng được trầm trồ ở Hội Xâm Mình. Trong khi Darumakin sở trường về lối chấm phá đậm nhạt, Karakusa Gonta được đời xưng tụng là bậc kỳ tài về lối xâm son, Seikichi ta nổi danh vì những mẫu hình kỳ quái và những nét xâm kiều diễm của y.

Seikichi trước kia chuộng họa phái Toyokuni-Kunisadaa3 và đã sinh sống bằng nghề vẽ tranh Ukiyo-ea4 nên ngày nay tuy rơi xuống hàng thợ xâm mình, y vẫn giữ được chút lương tâm và cái nhạy cảm của người họa sĩ. Y không bao giờ chịu đặt cây kim xâm trên một làn da, một thân hình không có sức thu hút mình. Nhiều lúc, khách tuy đã được y thuận xâm cho, ngoài việc vâng theo một mẫu họa và món tiền lễ nào đó mà y tùy hứng phán ra, còn phải chịu thêm sự đau đớn của đầu mũi kim xâm, một cực hình kéo dài hàng một hai tháng.

Trong lòng người thợ xâm hình trẻ tuổi này, từ lâu chôn giấu một khoái cảm và một khát vọng thầm kín. Khi đường kim của y gây ra những vết phồng tấy trên da và làm ứa những giọt máu đỏ tươi, hầu hết khách hàng, cho dầu là đàn ông chăng nữa, đều rên rỉ vì không chịu nổi sự đau đớn. Hễ khách hàng càng rên siết bao nhiêu, độ khoái cảm khó tả của y lại tăng bấy nhiêu. Seikichi đặc biệt thích lối xâm chấm phá và xâm son vì đó là hai lối xâm gây đau đớn nhiều nhất. Khách, sau khi mỗi ngày đã chịu trung bình hàng năm, sáu trăm mũi kim, còn phải tắm nước nóng cho ăn màu, ra khỏi bồn đều ngã quị dở sống dở chết dưới chân Seikichi, hồi lâu vẫn không lê mình nổi nửa bước. Ngay trước cảnh tượng thảm thương như vậy, mắt y lúc nào cũng chỉ ném một tia nhìn lạnh lùng :

‒ Cha chả, coi bộ đau đấy chứ nhỉ ?

Y vừa hỏi vừa cười thích thú. Gặp mấy người khách yếu chịu đau, trẹo miệng nghiến răng, rên siết như chết đến nơi, y lại bảo :

‒ Anh là Edokkoa5 dân gan góc kia mà ! Ai cho rên mà rên ? Đường kim Seikichi nầy đau số một đó !

Nói xong, y liếc xéo nét mặt đầm đìa nước mắt của khách, rồi tiếp tục xâm bất kể. Còn gặp người can đảm, cố sức chịu đựng không nhíu cả lông mày thì y trêu :

‒ Hưừm, tướng anh thế mà cũng chịu đựng giỏi nhỉ ! Nhưng xem nào, bắt đầu từ giờ mới thấm đau, tài thánh cũng không đương nổi đây.

Rồi y cười, nhe hàm răng trắng nhởn.

Khát vọng bình sinh của y là tìm cho được một người con gái có làn da óng mượt để đem hết tâm hồn và tài hoa của mình mà khắc ghi vào đó. Một người con gái như vậy phải hội đủ điều kiện về tư chất cũng như về dung mạo. Nếu nàng ta chỉ có một khuôn mặt đẹp hay một làn da mượt thì vẫn chưa thỏa mãn những đòi hỏi của y. Seikichi đi dò la trong các xóm bình khang, tìm ngay cả các cô gọi là đẹp nức Edo, nhưng vẫn không đào ra một ai như y mong đợi. Ba bốn năm đằng đẵng nuôi trong lòng hình ảnh người-chưa-bao-giờ-gặp đó một cách hoài công, y vẫn kiên trì không từ bỏ ước mơ của mình.

Đúng vào một chiều mùa hạ của năm thứ tư tìm kiếm, lúc đi qua tửu quán Hirasei trong khu phố Fukagawa, Seikichi chợt bắt gặp một bàn chân đàn bà trắng nuột để trần buông thõng sau bức mành mành của chiếc kiệu đợi ngoài sân. Với cái nhìn bén nhạy của Seikichi, một bàn chân người vẫn có năng lực diễn tả những động thái phức tạp chẳng thua gì khuôn mặt. Và bàn chân người con gái hôm ấy đối với y là một thứ ngọc quý bằng da bằng thịt, vì nó đẹp từ hàng ngón chân xếp rất gọn ghẽ từ ngón cái tới ngón út, từ mầu sắc của mấy chiếc móng chẳng thua gì vỏ ốc hồng nhạt mà người ta bắt được trên bờ biển của những hòn đảo trong tranh, từ gót chân đầy đặn như thỏi ngọc, từ làn da gan chân mầu mỡ tưởng chừng được xối mát không ngừng bằng mạch nước trong đổ ra từ ghềnh đá. Bàn chân này phải no tròn bằng huyết tươi của lũ đàn ông và giày xéo lên bao xác tình si. Người đàn bà có bàn chân này là kẻ đến nay Seikichi bỏ bao công chờ đợi. Có lẽ đó là người đàn bà nổi bật nhất trong đám đàn bà. Y cố nén nhịp tim đang hồi hộp như muốn bật tung ra khỏi lồng ngực, đuổi theo chiếc kiệu để cố thấy mặt nàng, nhưng được vài khu phố thì mất dấu.

Lòng khát khao của người thợ xâm mình biến thành một thứ tình yêu mãnh liệt. Năm đó rồi tàn, và một buổi sáng khi mùa xuân thứ năm đã già nửa, trong lúc Seikichi, miệng nhay một cây tăm, ngắm mấy chậu vạn niên thanh đặt bên hàng hiên tết bằng những lóng trúc ngả màu teng đồng trong sân ngôi nhà trọ ở xóm Saga trong khu Fukagawa, thì cánh cửa gỗ sau sân chợt động như có ai tới thăm. Qua hàng dậu thấp, y thấy một cô gái lạ mặt.

Đó là cô gái đưa tin cho một nàng ca kỹ ở xóm Tatsumi, vốn là chỗ quen biết với Seikichi.

‒ Cô em sai đưa cái áo Haori này đến cho thầy, kính nhờ thầy vẽ mẫu hình nền trong hộ cho...

Nói xong, nàng tháo cái tay nải vàng nghệ, lấy ra chiếc áo Haori đàn bà bọc trong tấm giấy có họa hình kép hát Iwai Tokajua6 , và một phong thư. Nội dung bức thư ngoài khẩn khoản chuyện cái áo, nàng ta còn bảo cô nhỏ đưa thư này nay mai cũng trở thành đàn em của mình, sẽ bắt đầu nghiệp cầm ca ở các trà đình kinh đô, mình thì đừng quên đã đành nhưng xin cũng tìm cách nâng đỡ cô em đó.

‒ Ta chịu không tài nào nhớ mặt cô. Chắc cô mới đến đằng Tatsumi dạo sau này thôi, phải không?

Vừa hỏi, Seikichi vừa chăm chắm nhìn cô gái. Cô ta mới mười sáu mười bẩy là cùng mà đã có cái vẻ đĩnh đạc già dặn thật lạ lùng của một kẻ đã sống lâu năm trong làng hương phấn, một tay từng bóp nát bao nhiêu trái tim đàn ông. Dáng dấp của nàng như được chung đúc từ vô số giấc mộng của bao đời trai thanh gái lịch đã đi qua từ hàng chục năm nay trong cái kinh thành tụ tập tất cả tiền tài và tội lỗi của cái nước này.

‒ Hồi tháng sáu năm ngoái, dường như cô em có lên kiệu ở trước quán Hirasei ấy nhỉ ?

Seikichi bảo cô gái ngồi xuống bên hiên và hỏi để có thể ngắm kỹ càng đôi chân trần của cô đặt trên chiếc bệ kê chân giát chiếu Bingo .

‒ Thưa vâng, dạo ấy thầy em hãy còn sinh tiền nên đôi lúc em cũng có dịp đến đằng đó...

Nàng cười chúm chím vì câu hỏi kỳ quái, vừa đáp như thế.

‒ Ta đợi cô em năm nay nữa là tròn năm năm trời. Tuy mới biết mặt cô hôm nay là lần đầu nhưng ta nhớ đã từng trông thấy bàn chân cô rồi. Ta có một vật này muốn cô em xem. Cô bước lên trên chơi chút đã.

Vừa lúc cô gái định cáo từ ra về, y nắm tay nàng mời lưu lại và dẫn lên phòng khách, một căn gác nhìn xuống giòng sông Sumidaa7. Y lấy ra hai cuộn tranh, trải bức thứ nhất trước mặt cô gái.

Đó là bức tranh vẽ Mạt Hỉa8, nàng cung phi sủng ái của hôn quân Trụ Vương. Bức tranh diễn tả xuất thần vẻ yêu kiều và tàn bạo ; vẻ yêu kiều của bà phi tình tứ mà thân hình quá mảnh mai như không chịu nổi sức nặng của chiếc mão miện dát đầy lưu ly, san hô, để mặc vạt áo lụa phất phơ trên bậc thang lên điện, tay phải cầm nghiêng một chén rượu lớn, ẻo lả tựa vào lan can ngắm nghía người đàn ông đang đợi hành hình ; vẻ tàn bạo qua hình ảnh người tử tù tay chân đều bị cột chặt bằng xích sắt vào trụ đồng, mắt nhắm nghiền, đầu lả về phía bà phi, trong tư thế đợi giây phút cuối của cuộc đời.

Người con gái nhìn chăm chú bức tranh một lúc rồi không hiểu vì sao, ánh mắt nàng chợt sáng lên, đôi môi run rẩy. Kỳ dị thay, gương mặt nàng dần dần bỗng giống y khuôn mặt bà phi. Nàng như đã tìm ra được cái tôi của mình ẩn nấp nơi đây.

‒ Bức tranh này phản ánh cái Tâm của cô em đấy !

Seikichi nói xong, cười khoái trá, nhìn xoi mói vào mắt cô gái. Người con gái ngẩng vầng trán tái xanh, thưa :

‒ Tại sao thầy lại đem cái đồ dễ sợ này cho em xem ?

‒ Người đàn bà trong tranh này là cô em đó. Nhất định là máu của nàng ta đang giao hòa với máu cô em.

Y lại trải bức họa thứ hai : bức họa này nhan đề là "Phân bón". Chính giữa bức tranh là một cô gái trẻ đang dựa mình vào một thân cây anh đào, mắt dán vào vô số thây đàn ông nằm lớp lớp dưới chân nàng. Bầy chim lượn chung quanh nàng như đang ríu rít khúc ca chiến thắng và đôi mắt ướt át của nàng không dấu nổi vẻ sung sướng tự hào. Không biết đó là cảnh một bãi chiến trường sau cuộc giao tranh hay cảnh của một hoa viên giữa độ xuân về. Nàng con gái được cho xem cảnh tượng trong tranh bỗng mang tâm trạng như đang tìm kiếm một cái gì tiềm ẩn trong hồn nàng.

‒ Đây là bức tranh minh họa tương lai của cô em đấy. Những xác nằm la liệt là hình ảnh của mấy chú si tình bỏ mạng vì cô đó !

Y vừa nói, tay chỉ vào cô gái trong tranh mà nét mặt không khác chi người đang ngồi đối diện.

‒ Xin lỗi thầy, thầy làm ơn cất bức tranh này đi.

Người con gái như muốn đẩy lui sức cám dỗ, quay lưng không nhìn bức họa rồi phủ phục trên mặt chiếu, mãi lúc sau mới run run :

‒ Thầy ơi, em xin thưa thật nhé : đúng như thầy đoán không sai, tính hạnh em chẳng khác cô gái trong tranh đâu. Nhưng thôi, thầy tha cho em, dẹp giùm bức tranh đó đi.

‒ Đừng giở cái giọng nhát nhúa như vậy, ráng nhìn cho thật kỹ nó đi, cô có sợ chăng là sợ lúc nầy thôi !

Y nói mà trên mặt vẫn giữ một nụ cười châm chọc khó chịu.

Tuy thế, cô gái vẫn không dám ngẩng đầu lên, cứ nằm im, tay lấy vạt áo che kín mặt.

‒ Thôi cho em về đi thầy. Ở gần bên thầy sao mà hãi quá " Nàng con gái van lơn mãi.

‒ Đợi ở đây đi. Rồi ta sẽ biến cô em thành mỹ nhân tuyệt thế cho xem.

Vừa nói, Seikichi đường hoàng ngồi sát lại cô gái. Trong lưng của y đã lận sẵn một bình thuốc mê nài lại từ một tay y-sư Hòa Lan.


*


Mặt trời lay láy trên giòng sông, rọi vào căn phòng tám chiếu như muốn đốt cháy. Những tia nắng hắt từ mặt nước rún rẩy vẽ những đường nét uốn éo vàng diệp lên lớp giấy hồ phết cửa, lên gương mặt thiêm thiếp giấc nồng của cô gái. Cửa phòng đóng chặt, Seikichi tay cầm bộ đồ xâm, ngồi thừ như mất hồn một lúc lâu. Đây là lần đầu tiên y được nhẩn nha nhìn tường tận một vẻ đẹp kỳ dị và nghĩ cho dầu ngồi mười năm, trăm năm trong căn phòng mà ngắm khuôn mặt kia, y cũng sẽ không bao giờ biết chán. Như dân Memphis ngày xưa đã trang điểm cõi trời đất cao rộng của xứ Ai Cập bằng những kim tự tháp và tượng Sphinx, y đem cả tấm tình yêu của mình bắt đầu chạm trổ lên trên da thịt băng thanh của một con người.

Thế rồi tay trái y kẹp giữa ngón trỏ, ngón giữa và ngón út những mũi bút họa, tỳ lên lưng người con gái, tay phải cầm kim bắt đầu xâm. Linh hồn của người thợ xâm trẻ tuổi hòa trong mỗi giọt mực, ngấm vào da. Mỗi giọt son Lưu Cầu tan trong rượu mạnh đi vào thân thể cô gái là những giọt máu của tính mệnh y. Qua bức họa Seikichi thấy cả mầu sắc của tâm hồn mình.

Không biết trời quá ngọ vào lúc nào, rồi ngày xuân êm đềm cũng ngã chiều mà tay của Seikichi vẫn không dừng một khắc và người con gái cũng chưa tỉnh giấc. Độ chừng sợ nàng về chậm, một gã vác đàn được gửi tới nhưng liền bị y đuổi khéo :

‒ Ai chớ cái cô nhỏ đó thì đã về mất đất rồi !

Rồi trăng bắt đầu treo ngang trên dãy dinh cơ của phiên trấn Tosa cất bên kia sông, để ánh sáng mờ ảo len vào nhà nhà dọc theo bờ; Seikichi vẫn chưa xâm xong được một nửa, quyết ý khêu tim bạch lạp làm việc tiếp.

Xâm mỗi giọt mực, đối với y tự dưng thành ra một chuyện không đơn giản chút nào. Mỗi lần châm một mũi, rút một mũi, người nghệ sĩ không nén được tiếng thở dài như cảm thấy đang chạm khắc lên chính trái tim mình. Dưới đường kim, dần dần hiện trên làn da hình một con nhện cái thật lớn, và khi trời bắt đầu rựng sáng thì con vật tám chân yêu ma này đã bắt đầu bò lên khắp chiếc lưng.

Đêm mùa xuân rạng cùng với tiếng mái chèo thương hồ ngược xuôi khuấy nước. Khi đợt sương trên đỉnh những chiếc buồm trắng no gió sớm bắt đầu tan dần để những mái ngói ở các xóm cồn trên sông như Nakasu, Hakozaki, Yoshikishijima lấp lánh ánh nắng, người thợ xâm mới tạm ngừng đường kim, ngắm hình thù con vật mà y đã trổ lên lưng thiếu nữ. Chính hình xâm này là cả mạng sống của y. Nhìn việc làm hoàn tất, người nghệ sĩ cảm thấy trong lòng một nỗi trống không to lớn.

Hai bóng người cứ thế không mảy may động đậy. Thế rồi giọng khàn khàn, trầm trầm của Seikichi dội vào bốn bên bức vách :

‒ Ta vì muốn cho cô em thành một người con gái đẹp thật sự nên đã trút hết tâm lực vào vào bức hình xâm. Từ nay, khắp nước Nhật này không còn ai có thể trội hơn cô em được đâu. Em sẽ hết e thẹn, rồi mà xem, trăm thứ đàn ông đều trở thành phân bón lót đường em cả.

Như hiểu được lời của người thợ xâm, từ đôi môi nàng con gái bắt đầu có tiếng rên khe khẽ thoát ra như sợi tơ mỏng. Dần dần tỉnh lại, mỗi lần nàng nặng nhọc thở ra hít vào thì con nhện trên lưng cũng cựa quậy ngo ngoe như vật sống.

‒ Chắc đau lắm phải không ? Tại con nhện đương quặp siết thân hình cô em mà!

Nghe nói, người con gái mở mắt ngơ ngác nhìn, đôi đồng tử tiếp nhận thêm những tia sáng của trăng tàn, lấp lánh hẳn ra, chiếu vào mắt Seikichi :

‒ Xin thầy làm ơn cho xem con nhện trên lưng em đi. Nếu như thầy đã dồn hết tinh thần vào đấy thì chắc chắn em phải đẹp ra chứ hở ?

Tiếng nói của nàng như người đang còn trong giấc mộng. Nhưng không hiểu từ đâu đó đã toát ra một cái gì sắc nhọn.

‒ Ừ thôi, bây giờ vào bồn mà tắm nước nóng đi cho màu nó ăn. Ráng chịu một chút, đau lắm đó.

Seikichi ghé sát vào tai nàng, nhỏ nhẹ như an ủi.

Cô gái cố nén cái đau đang lan khắp châu thân, gượng cười :

‒ Nếu mà được đẹp ra thì dầu có đau đớn cách mấy em cũng chịu được cho thầy xem.


*


‒ Ối trời ơi, có nước nóng thấm vào rát quá... Xin lỗi, thầy để mặc em, làm ơn lên trên gác đợi đi, em không muốn cho đàn ông thấy sự đau đớn của em đâu, bực lắm !

Nàng không đủ sức lau nổi cái thân thể của mình vừa ngoi ra từ nước nóng, gạt bàn tay đưa ra che chở của Seikichi, đau đớn gieo người xuống tấm ván cọ, vật vã rên siết như đang ở giữa cơn ác mộng. Mái tóc điên loạn xổ tung xuống gò má ; sau lưng nàng có treo một tấm kính lớn, hai gan chân trắng ngần chiếu lên mặt kính.

Thái độ của cô gái đã thay đổi hoàn toàn so với chiều hôm qua. Người thợ xâm khôn xiết kinh ngạc nhưng vẫn nghe lời leo lên gác ngồi đợi một mình. Khoảng nửa giờ sau, nàng đã để mái tóc vừa gội chảy xuống đôi vai, áo xống tề chỉnh bước lên. Bây giờ thấy nàng hoàn toàn không còn mãy may đau đớn gì cả, tựa lan can tỉnh táo ngước mi nhìn khung trời mờ sương.

‒ Ta biếu không cô em hai bức tranh này lẫn bức xâm trên ngườI đó. Thôi, sửa soạn về đi là vừa.

Seikichi vừa nói, vừa đặt hai bức họa trước mặt cô gái. Nhưng nàng ta , đôi mắt long lanh ánh kiếm, tiếng nói vang như khúc khải hoàn :

‒ Thầy ơi, bây giờ em không còn nhút nhát chút nào đâu. Chính thầy sẽ là nạn nhân để làm phân bón đầu tiên cho em đó… !

‒ Trước khi về, cho ta xem lại bức xâm lần nữa thử coi.

Seikichi bảo. Người con gái lặng im, gật đầu, từ từ tuột áo. Những phiến nắng ban mai chiếu dội lên mặt bức xâm, làm con nhện trên lưng như muốn hực lửa.

Tanizaki Jun-ichirô

Tạp chí Shinshichô tháng 11 năm Meiji 43 (1910)

NNT (dịch lần đầu 1969)



Chú Thích Của Người Dịch:


a1 Nữ-Sadakurô ... :Tên những bản tuồng Kabuki và tiểu thuyết bằng tranh lấy cảm hứng từ đề tài Trung Quốc hay Nhật Bản mà trong đó, phụ nữ thủ những vai chính mạnh bạo như Jiraiya, đạo tặc có yêu thuật đời Tống, hay Narukami, thần sấm chớp.

a2 Ryôgoku (Lưỡng Quốc) : xóm bình dân thời Edo (1603-1866) nằm giữa hai lãnh địa (quốc), nay thuộc ngoại ô Tôkyô.

a3 Toyokuni (1769-1825) và cao đệ của ông là Kunisada (1786-1864).

a4 Ukiyo-e : tranh Nhật Bản vẽ về những đề tài xã hội và nhất là tình tiết cuộc sống phong lưu dưới thời Edo thái bình.

a5 Edokko : dân bản quán ở Edo. Edo là tên cũ của Tôkyô dưới thời mạc phủ Tokugawa, lúc ấy là thủ phủ miền Đông Nhật Bản, nổi tiếng vì những vũ sĩ thiện chiến và can đảm. Thành ngữ Nhật Bản có câu « Trai miền Đông, gái Kinh Đô » (Azuma otoko, kyô onna).

a6 Iwai Tojaku (1776-1847), gọi tắt Tojaku, kép nam chuyên thủ vai đào trong các tuồng Kabuki.

a7 Nguyên tác Ôkawa tức giòng sông lớn, để chỉ Sumidagawa, phần chảy qua vùng Tokyo.

a8 Mạt Hỉ: có lẽ Tanizaki muốn nói đến Đát Kỷ sủng cơ đã làm vua Trụ mất nước về tay Vũ Vương nhà Chu. Mạt Hỷ hay Muội Hỷ là ái thiếp của vua Kiệt nhà Hạ, một người đẹp làm vong quốc khác. Xin tồn nghi.


*


*          *


KỲ LÂN

(Kirin, 1910)


kylan


Dẫn Nhập:


Truyện ngắn dưới đây đăng trên tạp chí Shinshichô tháng 12 năm 1910, một tháng ngay sau Xâm Mình (Shisei). Tanizaki lúc đó mới 24 tuổi. Ông đã đi thẳng vào làng văn nhờ hai tác phẩm này với sự chúc phước của các đại sư đương thời như Mori Ôgai, Ueda Bin và Nagai Kafuu.

Kỳ lân là một linh thú của thần thoại Trung Quốc, hai lần xuất hiện trong đời Khổng Tử: một lần trước khi ông sinh ra như điềm báo hiệu ông sẽ trở thành vị tố vương (vua không ngai), lần thứ hai 70 năm sau, như một con thú lạ bị người ta giết, nhân đó Khổng Tử đoán đời mình đã đến hồi chung cuộc. Nói chung, kỳ lân tượng trưng cho nhân cách phi thường của Khổng Tử.

Tanizaki và các nhà văn Nhật Bản (Mori Ogai, Nakajima Atsushi, Inoue Yasushi…) đã tìm nguồn cảm hứng hương xa trong cổ điển Trung Quốc qua hình ảnh những trang tuyệt thế như Bao Tự, Đát Kỷ, Dương quý Phi, Ngư Huyền Cơ, Hạ Cơ… Cùng lúc, một số nhà văn Tây Phương (Gustave Flaubert, Oscar Wilde, Pierre Louys…) đặt bối cảnh các tác phẩm của họ mãi tận Jerusalem, Carthage, Alexandria…, ca tụng sắc đẹp Salambô, Salomé và nữ hoàng Sheba. Thế nhưng, theo J.Pigeot và J.J.Tshudin, hai dịch giả Pháp và cũng là hai nhà chuyên môn về Tanizaki thì nguồn gốc của tác phẩm Kỳ Lân lạ lùng đến không ngờ. Bởi lẽ truyện này dù lồng khung trong bối cảnh Trung Quốc nhưng thực ra đã bắt nguồn trực tiếp từ hai tiểu phẩm của Anatole France nhan đề Thaïs (1889) và Balthasar (1886), trong đó nhà văn Pháp tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ giữa những hiền nhân và ác nữ, cũng giống như cuộc gặp gỡ giữa Khổng Tử, bậc sư phó đạo đức lễ nghĩa của muôn đời, và nàng Nam Tử, tượng trưng cho sự quyến rũ của sắc dục và tâm địa ác độc.

Nguyễn Nam Trân


*


Phượng này, phượng này!
Sao để đức ngươi suy vi!
Chuyện chưa đến may còn đuổi kịp,
Chuyện đã qua rồi can ích chi!
Thôi ngưng đi, ngưng đi!
Những kẻ nay ra làm việc nước,
Mất mạng có khib1

Năm 493 trước Tây Lịchb2. Sách vở của Tả Khâu Minh, Mạnh Kha và Tư Mã Thiên đều chép rằng vào dịp đầu xuân, khi Định Công nước Lỗ cử hành lễ tế Giao lần thứ mười ba, Khổng tử với vài người học trò theo hầu hai bên xe, từ giã quê hương Lỗ quốcb3 , lên đường truyền bá đạo học của mình.

Bên bờ sông Tứ, cỏ thơm mọc xanh xanh. Dù trên các đỉnh Phòng Sơn, Ni Khâu, Ngũ Lĩnhb4, tuyết đã tan nhưng ngọn gió bấc, thổi hung hãn như vó ngựa Hồ, hãy còn đem đến cùng với cát sa mạc những đợt lạnh cuối cùng của một mùa đông khốc liệt. Tử Lộ hăng hái dẫn đầu đoàn người, chiếc áo hồ cừu màu tím của chàng phấp phới trong gió. Nhan Uyên ánh mắt nghiêm trang trầm tư và Tăng Sâm với phong thái thực thà đôn hậu, chân dận trong hài cỏ nối bước theo sau. Phàn Trì, gã đánh xe trung thành, vừa cầm cương điều khiển cỗ xe thắng bốn ngựa, đôi khi đưa mắt nhìn trộm khuôn mặt già nua của phu tử đang ngồi trên xe, mắt ứa lệ cảm thương cho cái số kiếp long đong của thầy mình.

Một ngày nọ, cả đoàn đã đến biên giới nước Lỗ, ai nấy đều quay lại phía cố hương lòng những ngậm ngùi, thế nhưng bóng núi Qui Sơn đã che lấp con đường vừa mới đi qua nên họ nào có thấy chi. Lúc đó, Khổng Tử mới lấy đàn cầm ra khảy, và hát bằng một giọng buồn thổn thức:

Những muốn nhìn về nước Lỗ,
Qui Sơn khuất nẻo quê rồi.
Trên tay không rìu không búa,
Đành cho cây núi che thôi.

Thế rồi cứ như thế mà đi mãi về hướng bắc suốt ba ngày liền. Đến một giải đồng bằng êm ả, họ nghe có tiếng ai ca hát thật thanh thoát. Đó là tiếng hát của một ông lão mặc áo khoác da hươu, thắt lưng giây gai, đang đi nhặt gié lúa sót trên bờ ruộng. Khổng Tử mới gọi Tử Lộ đến hỏi:

‒ Này Do, nghe tiếng hát này ngươi thấy nó ra sao?

‒ Thưa tôn sư, tiếng hát ấy không có giai điệu bi thương như khúc hát của thầy. Nó tựa cánh chim tự do bay giữa từng trời, không gì bó buộc.

‒ Đúng như thế. Ông lão chính là Lâm Loạib5, một môn đệ của Lão Tử ngày xưa. Tuy sống phải đến trăm tuổi rồi nhưng mỗi khi xuân về thì lại ra đồng, bao nhiêu năm rồi vẫn cứ mót lúa và ca hát. Trò nào muốn đến gặp để hỏi thăm thì cứ việc.

Nghe thầy nói thế, một đệ tử là Tử Cống bèn chạy đến giữa cánh đồng, đón chào ông lão và lên tiếng hỏi :

‒ Tiên sinh vừa mót lúa vừa cất tiếng hát vui tươi như thế, hẳn trong lòng không vướng một điều gì hối hận?

Thế nhưng ông lão chẳng thèm quay đầu lại, cứ chú tâm nhặt gié lúa sót, vừa bước đi, không lúc nào ngưng tiếng hát. Tử Cống vẫn không bỏ cuộc, chạy theo hỏi chuyện. Lúc đó, ông lão mới tạm ngừng hát và sau khi đưa mắt ngắm Tử Cống suốt một lượt, mới nói:

‒ Theo ông thì ta có điều gì để phải hối hận ?

‒ Tiên sinh lúc trẻ không làm gì nên chuyện, lúc lớn lên không chịu tranh đua với đời, về già vợ con không có để an ủi tuổi già, nay cái chết đến gần kề, có vui sướng gì mà vừa đi mót lúa và ca hát vui vẻ như thế?

Nghe xong, ông lão cất tiếng cười ha hả:

‒ Niềm vui của ta thiên hạ nếu ai muốn đều có được, nhưng ngược lại, nó đã khiến cho họ đau khổ. Lúc trẻ không nên chuyện, lớn lên không tranh đua, già không vợ con, cái chết sắp đến bên mình à, chính vì được như thế nên ta mới cảm thấy vui đấy chứ!

Tử Cống lại hỏi tiếp:

‒ Đã là người ai cũng cầu được sống lâu, lo sợ trước cái chết, cớ sao tiên sinh có thể vui sướng trong sự chết chóc?

‒ Sinh với tử cũng như đi tới nơi rồi lại quay về. Chết ở chỗ này là sinh ra ở chỗ khác. Phải biết rằng bám víu vào sự sống là một điều lầm lẫn. Chuyện bây giờ chết đi hay xưa kia sinh ra, liệu có khác gì nhau!

Ông lão trả lời như thế rồi cứ thế tiếp tục ca hát. Tử Cống không hiểu ý nghĩa lời nói của ông ta nhưng cũng quay về bẩm lại với thầy.

Khổng Tử mới bảo:

‒ Đó là một lão nhân mà chúng ta có thể trao đổi ý kiến được. Tuy nhiên, ông ta vẫn chưa tìm ra lẽ đạo hay chưa đạt đến cốt lõi của vấn đề!

Thế rồi cả đoàn lại đi hết ngày này sang ngày nọ theo con đường lữ hành dài dằng dặc. Họ vượt qua sông Ky. Khăn bịt đầu bằng vải đen của phu tử đã nhuốm bụi đường mà áo hồ cừu của người cũng đã bạc màu vì mưa gió.

Khi họ vào đô thành nước Vệb6, dân chúng ngoài đường phố chỉ trỏ vào đoàn xe và nói với nhau:

‒ Đấy là bậc thánh nhân người nước Lỗ tên gọi Khổng Khâu. Nghe nói ông ta đến đây để truyền lại những lời giáo huấn cao đẹp và phương pháp thi hành thiện chính cho hai kẻ cai trị bạo ngược là chúa công và phu nhân của chúng ta.

Mặt mũi của dân chúng trông gầy còm hốc hác, ai nấy đều mệt mỏi vì đói khát. Nhà cửa của họ tối tăm, từng bức vách vọng ra tiếng than van sầu muộn. Những cây hoa đẹp nhất nước đã phải nhổ đi rời vào trồng trong cung cho vui mắt phu nhân. Những con lợn béo nhất nước cũng phải đem đi tiến để miệng phu nhân xơi cho bổ khoẻ. Nắng xuân tươi thắm như trêu ngươi chiếu lên những đường phố ảm đạm màu tro xám. Hơn thế nữa, trên cái gò cao nằm ngay giữa kinh thành, cung điện nguy nga tựa hồ thêu bằng năm sắc cầu vồng, giống như con mãnh thú no nê máu huyết, đang chong mắt nhìn xuống phố xá điêu tàn hiện ra như đống hài cốt. Âm hưởng của những quả chuông ngân từ trong cung sâu chẳng khác nào tiếng rống của mãnh thú, đang âm vang khắp bốn bề vương quốc.

Khổng Tử lại hỏi Tử Lộ :

‒ Này Do, khi nghe tiếng chuông kia ngươi thấy thế nào?

‒ Thưa tiếng chuông đó khác với cung bậc e dè như lời giãi bày với trời cao trong tiếng đàn của thầy, cũng không được tự do tự tại, phó mặc cho tự nhiên như tiếng ca của Lâm Loại. Nó chỉ ca tụng những sự hoan lạc đi ngược với đạo trời, quả thật là thứ âm thanh đáng kinh sợ.

Khổng Tử bèn giải thích:

‒ Ngươi nói chí lý. Cái chuông đó tên gọi Lâm Chung tức chuông rừng, ngày xưa Vệ Tương Côngb7 đã vắt kiệt tài sản và mồ hôi nước mắt của dân chúng để đúc ra. Khi chuông đó gióng lên thì tiếng kêu thê thiết của nó từ ngự uyển vang vọng ra những rừng cây. Vì chất chứa biết bao lời nguyền rủa và nước mắt của đám cùng dân, nạn nhân của chế độ hà khắc, nên nó mới vang ra những âm thanh khủng khiếp như vậy.

Linh Côngb8 bước ra bao lơn Linh Đài, nhìn giang sơn đang nằm trải dài trước mắt. Ông đã cho đặt trên đài những tấm bình phong bằng đá vân mẫu và những chiếc trường kỷ cẩn đầy mã não. Bên cạnh là phu nhân Nam Tử trong tấm áo dài xanh với những vạt áo sắc cầu vồng buông lơi như đang phủ lên người một áng mây. Cả hai cùng nâng chén quỳnh sực nức hương thơm để mời nhau và nhìn xuống cảnh núi rừng đồng ruộng đang đắm mình trong lớp sương xuân.

‒ Trong khi cả trời lẫn đất đang trôi trong một dòng suối chan hòa ánh sáng diễm lệ như thế này, cớ sao nơi nhà dân chúng, ta không nhìn thấy một cành hoa đẹp, không nghe một tiếng chim hót véo von, nghĩa là thế nào?

Vừa nói, Linh Công vừa chau mày lấy làm quái lạ. Đang đứng hầu bên cạnh, viên hoạn quan Ung Cừb9 mới tâu rằng:

‒ Thưa, nhân vì người trong nước quá đỗi cảm kích lòng nhân đức của đại vương và mến mộ dung nghi quốc mẫu nên hễ có hoa đẹp đều dâng lên để tô điểm tường giậu trong vườn ngự. Do đó chim chóc cả nước, không sót một con, vì bị hương hoa của ngự viên quyến rũ, đều tụ tập chung quanh nơi ấy rồi ạ!

Viên hoạn quan vừa dứt lời thì bỗng nghe tiếng chuông xe của Khổng Tử đang đi qua dưới Linh Đài kêu rộn ràng, phá tan cảnh tịch mịch thê lương của đường phố. Tướng quân Vương Tôn Giáb10 cũng đang tháp tùng Linh Công, mở to mắt nhìn ra dáng kinh ngạc :

‒ Kẻ đang rong xe dưới đường kia là ai vậy nhỉ? Ông ta có cái trán của vua Nghiêu, cặp mắt của vua Thuấn, cổ chẳng khác Cao Dao, vai sánh được Tử Sản. Từ lưng trở xuống phía dưới, so với vua Vũb11, chắc chỉ kém mỗi ba tấc.

Nghe nói, phu nhân Nam Tử vừa trỏ tay chỉ đoàn xe và người, quay lại hỏi họ Vương :

‒ Nhưng sao mặt gã đàn ông đó lại rầu rĩ quá thể! Này tướng quân, khanh là người hiểu rộng biết nhiều, hãy nói cho ta hay hắn từ đâu đến vậy?

Vương Tôn Giá giải thích :

‒ Thần khi trẻ đi lại các nước thì nghiệm thấy rằng ngoài Lão Đamb12, viên sử quan tùng sự ở triều đình nhà Chu, chưa ai có tướng mạo khôi vĩ như con người này. Đấy ắt là thánh nhân họ Khổng nước Lỗ vì không thực hiện được hoài bão chính trị ở quê hương nên ra nước ngoài truyền bá đạo học của mình. Khi ông ta sinh ra, nghe nói ở nước Lỗ kỳ lân xuất hiện, từ trời cao vọng xuống tiếng nhạc khoan thai và có cả tiên nữ giáng trần. Môi ông ta như môi trâu, bàn tay như tay hổ, lưng như lưng rùa, thân dài chín thước tám tấc, nghi biểu chẳng khác Văn Vương. Người vừa đi qua là ông ta chứ chẳng ai khác.

Linh Công uống cạn chén rượu đang cầm trên tay, hỏi :

‒ Thánh nhân Khổng Tử dạy điều chi cho người ta vậy?

Vương tướng quân thưa thêm :

‒ Người được gọi là thánh nhân trong tay nắm được tất cả đầu mối của mọi tri thức. Thế nhưng trường hợp Khổng Tử, ông chỉ chú trọng việc đi đến các nước truyền bá cho bậc quân vương đường lối chính trị để tề gia, phú quốc, bình thiên hạ.

‒ Ta tìm sắc đẹp khắp nơi trên đời, nay đã gặp Nam Tử. Lại thu thập tài sản châu báu trong thiên hạ xây cho được cung điện như thế này. Ta chỉ còn muốn dựng nghiệp bá để có quyền uy xứng đáng với tầm cỡ của phi tử và cung điện. Vậy ta muốn các ngươi làm cách nào vời cho được vị thánh nhân đó đến đây truyền cho ta cái thuật bình thiên hạ.

Vừa nói, Linh Công vừa đưa mắt qua phía bên kia bàn, nhìn đôi môi của phu nhân Nam Tử. Lý do là bình sinh những điều gì diễn tả được nỗi lòng của ông ta đều không phải do chính ông ta nghĩ ra mà thường là những lời nói phát ra từ bờ môi của nàng.

‒ Thần thiếp cũng mong một lần được giáp mặt con người mà đời cho là phi phàm đó. Nếu gã đàn ông có khuôn mặt rầu rĩ kia quả là thánh nhân thì chắc hắn sẽ có nhiều điều ngỏ với thiếp lắm.

Phu nhân ngước mắt lên như người đang mơ mộng và lặng ngắm về phía xa xôi nơi đoàn xe vừa mất dạng.

Chợt khi đoàn người ngựa của Khổng Tử vừa đến trước Bắc Cung thì có một viên quan dáng dấp khôi ngô, đi theo là đám tùy tùng đông đảo, ra roi đánh một chiếc xe thắng bốn con ngựa nòi Khúc Sảnb13 mà chiếc ghế bên phía hữu vẫn còn để trống, vừa đến nơi. Viên quan xuống xe, ân cần và cung kính vái chào:

‒ Kẻ hèn tên là Trọng Thúc Ngữb14, vâng mệnh chúa công tôi đến đây để đón rước tiên sinh. Việc tiên sinh lần này lên đường truyền bá đạo học của ngài, tứ phương chư quốc không đâu là không biết. Hành trình xa xôi như thế chắc giờ đây mái xe xanh màu phỉ thúy của tiên sinh đã bạc cùng sương gió mà tiếng trục bánh cũng không còn êm ái bên tai nữa. Nguyện xin tiên sinh hãy đổi qua chiếc xe mới này và hạ cố đến cung điện của chúa công tôi để truyền cho người cái đạo an dân, trị nước của các bậc tiên vương. Để tiên sinh tẩy trần đã có nước nóng sôi sục và trong vắt như thủy tinh của ôn tuyền phía nam Tây Bồ, để tiên sinh đỡ khô cổ đã có các thức hoa quả cam, chanh, quất thơm tho ngọt ngào trong vườn thượng uyển, để đầu lưỡi tiên sinh nếm được những vị ngon và bụng tiên sinh no đến thỏa thuê lăn ngay ra ngủ thì đã có lợn, gấu, báo, bò, dê được vỗ cho béo sẵn trong chuồng trại của hoàng cung. Xin tiên sinh dừng bánh xe ghé lại tệ quốc, dù một, hai, ba tháng hay một năm, mười năm cũng được, để xua hết sự ngu tối mù mịt, cho chúng tôi được sáng mắt sáng lòng.

Khổng Tử bèn trả lời:

‒ Cái mà ta mong mỏi không phải là cung điện tráng lệ của bậc vương giả mà là lòng thành kính muốn học đạo tam vươngb15 của người ấy thôi. Việc đó thì nước có vạn cỗ xe nhưng nếu vua như Kiệt,Trụ thì vẫn chưa gọi là xứng đáng, còn cho dù đất chỉ rộng trăm dặm mà muốn thực hành chính trị của Nghiêu Thuấn thì không thể nói là chỗ chật hẹp được. Nếu Linh Công muốn trừ những mối họa trong thiên hạ và có chí mưu đồ hạnh phúc cho bách tính thì ta xin ở lại đất này cho đến lúc nhắm mắt vùi xương.

Thế rồi, chẳng bao lâu sau, Khổng Tử và đám đệ tử được đưa vào bên sâu trong cung điện. Những đôi hài sơn đen của họ khua vang trên nền đá mài sạch bóng không gợn hạt bụi. Họ đi qua một cơ xưởng, nơi tiếng thoi cửi kêu tanh tách và có những nàng nữ quan vừa dệt gấm vừa cùng cao giọng hátb16:

Bàn tay mềm mại chúng em,
Hối hả may áo kịp đem cho người.

Từ dưới bóng những cành đào trong rừng đang độ ra hoa trắng như bông, có tiếng nghé ngọ lười lĩnh của những con bò đang được thả nuôi trong trại.

Vệ Linh Công nghe theo lời khuyên can của Trọng Thúc Ngữ, trước tiên ra lệnh cho phu nhân Nam Tử và đám cung tần lui ra, tẩy sạch môi miệng cho hết hương vị hoan lạc của rượu ngon, sửa soạn áo xống chỉnh tề tiếp kiến Khổng Tử ở một gian phòng trong cung điện. Linh Công đem thuật phú quốc, cường binhb17 và đạo bá vương ra hỏi Khổng Tử.

Thế nhưng đứng trước những câu hỏi liên quan đến việc đấu tranh làm tổn hại nhân mạng và tàn phá đất nước người khác, vị thánh nhân nhất nhất không trả lời. Ngoài ra, người cũng không dạy điều gì nhằm vắt kiệt sức lực hay chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Như thế, người không bàn về chính trị, kinh tế hay kỹ nghệ mà chỉ trang nghiêm luận thuyết về đạo đức, coi nó là điều quan trọng nhấtb18. Người phân biệt rõ ràng giữa bá đạo nghĩa là đường lối đem sức mạnh bắt mọi nước phải phục tùng và vương đạo tức dùng nhân nghĩa để giáo hóa.

‒ Nếu chúa công muốn thi hành vương đạo, trước tiên cần phải khắc phục mọi dục vọng cá nhân cái đã!

Lời răn dạy của vị thánh nhân là như thế.

Kể từ ngày hôm đó, cái làm xiêu lòng Linh Công không phải là lời nói của phu nhân Nam Tử nữa mà là giáo huấn của vị thánh nhân. Buổi sáng ra nơi miếu đường thì nhà vua hỏi Khổng Tử về đạo trị nước đúng đắn, buổi chiều đến Linh Đài học Khổng Tử về cách vận hành của thiên văn theo thời tiết bốn mùab19. Ban đêm ông không hề ghé qua phòng khuê của phu nhân. Tiếng thoi đưa dệt gấm trong cơ xưởng im bặt, nó được thay bằng tiếng trương bật của dây cung, tiếng vó ngựa và tiếng tiêu thiều của đám quan nhân trẻ tuổi đang trau giồi lục nghệb20.

Một hôm, nhà vua dậy sớm, một mình leo lên Linh Đài, đưa mắt ngắm nhìn quang cảnh đất nước, thấy khắp núi rừng đồng nội vang tiếng chim hót líu lo, chốn chốn nhà dân muôn hoa đua nở rực rỡ, lũ nông phu bước chân ra đồng, bận rộn canh tác mà vẫn không quên ca hát ngợi khen công đức của mình. Từ trong khóe mắt của Linh Công, những giọt nước mắt nóng trào ra vì cảm động.

Lúc đó, bất ngờ nghe tiếng ai vọng đến bên tai :

‒ Vì đâu chúa công lại khóc như thế này?

Một làn hương ngọt ngào mê mẩn tâm hồn phả vào mũi Linh Công. Đó là mùi thơm của những cánh đinh hương mà phu nhân thường ngậm trong miệng hòa lẫn với mùi các hương liệu và dầu hoa tường vi đến từ Tây Vực mà nàng vẫn ủ trong áo xống. Ma lực của làn hương toát ra từ thân thể người đẹp mà lâu nay ông bỏ quên giống như những cái móng tay nhọn hoắc tàn nhẫn cấu vào trái tim giờ đây trong sáng như ngọc của ông làm nó đau nhói.

‒ Ta xin nàng đừng đăm đăm nhìn vào mắt ta bằng cái nhìn mê hoặc. Chớ trói buộc lấy thân ta bằng đôi cánh tay mềm mại diễm kiều. Vị thánh nhân đã dạy cho ta cách chiến thắng cái ác rồi nhưng ta chưa học được từ nơi người phương pháp đối phó với sự quyến rũ của mỹ nhân.

Linh Công nói xong, gạt phắt bàn tay người đẹp và ngoảnh mặt nhìn chỗ khác.

‒ Ôi chao, cái tên Khổng Khâu kia không biết tự lúc nào đã giật lấy chúa công khỏi vòng tay của thần thiếp. Đó cũng là điều dễ hiểu vì từ xưa thiếp chưa hề yêu chúa công. Nhưng ngược lại, chúa công thì không có tài phép gì để mà không yêu thiếp.

Khi nói như thế, đôi môi của Nam Tử run lên như có một cơn giận mãnh liệt đang bùng cháy. Phu nhân trước khi về làm dâu ở Vệ đã âm thầm dan díu với một chàng công tử nước Tống tên gọi Tống Triềub21. Lý do làm phu nhân nổi giận, không phải vì tình yêu của chồng trở nên phai nhạt mà vì cảm thấy sức mạnh điều khiển trái tim đàn ông của mình đã yếu kém đi.

‒ Không phải ta không còn yêu ái khanh. Thế nhưng kể từ hôm nay, ta sẽ yêu khanh với tình yêu của người chồng đối với vợ mình. Cho đến gần đây, ta đã yêu khanh như một tên nô lệ phụng sự chủ nhân, giáo đồ tôn sùng thánh mẫu. Ta không làm gì khác hơn là dâng cả nước, cả dân, cả của cải, cả sinh mạng mình để mua lấy sự hài lòng của khanh. Ngày nay, nhờ vị thánh nhân dạy bảo, ta đã biết rằng hãy còn có những điều cao thượng đáng làm hơn những chuyện đó. Trong bao nhiêu lâu, cái đẹp nhục thể của khanh đối với ta là sức mạnh không gì vượt nỗi. Nhưng giờ đây tiếng nói âm vang từ con tim của thánh nhân mới là cái đem đến cho ta sức mạnh còn cao xa hơn sức mạnh nhục thể của khanh nữa.

Theo đà cái lời phát biểu đầy quyết tâm và can đảm này, đầu của Linh Công dường như ngẩng cao hơn, vai của ông vươn hẳn lên, mắt ông dám nhìn thẳng vào khuôn mặt đầy phẫn nộ của phu nhân.

‒ Chúa công nhất định không phải là kẻ đủ cương quyết để có thể ăn nói chống báng thần thiếp. Đâu. Ngài đáng thương thật! Ở đời, không ai đáng thương cho bằng người thiếu ý chí. Tuy nhiên, thiếp có thể cướp lại chúa công từ bàn tay của Khổng Khâu ngay từ bây giờ. Miệng lưỡi chúa công thốt ra được những lời lẽ cao đẹp thực đấy nhưng khi nhìn thiếp, cớ sao mắt ngài lại lộ vẻ si mê đến thế? Thiếp có đủ phù phép để chiếm đoạt linh hồn đàn ông và sẽ ra tay đưa cái gã đàn ông gọi là thánh nhân Khổng Khâu đó vào tròng cho chúa công xem.

Phu nhân nhếch môi cười ngạo nghễ, mắt liếc xéo Linh Công rồi áo xiêm sột soạt, xẳng xớm quay xuống Linh Đài. Kể từ ngày đó, con tim vừa mới tìm được sự bình tĩnh của Linh Công đã bắt đầu cảm thấy sự xâu xé giữa hai thế lực xung khắc.

‒ Chư quân tử bốn phương khi đến Vệ, ai nấy đều tìm đủ mọi cách van xin để được thiếp tiếp kiến một lần. Vị thánh nhân kia là người trọng lễ, cớ sao không thấy bóng dáng ông ta đâu cả vậy?

Khi được viên hoạn quan Ung Cừ truyền chỉ của phu nhân, vị thánh nhân khiêm tốn kia không thể cưỡng lờib22.

Khổng Tử cùng một đoàn đệ tử đến hầu ở cung điện nàng Nam Tử, họ quay sang hướng bắc khấu đầu một cách trọng thể. Từ phía trong bức màn gấm của chiếc bệ nhìn về phía nam, chỉ thấy hé lộ đôi hài thêub23 của phu nhân. Khi nàng khẽ cúi đầu trả lễ đoàn người, tiếng châu ngọc cài trên mái tóc, tiếng chuỗi hạt đeo cổ và vòng xuyến trên cườm tay chạm vào nhau nghe như tiếng nhạc.b24

‒ Mọi người khi đến nước Vệ này, ai được nhìn mặt thiếp cũng đều ngạc nhiên tấm tắc : "Trán của phu nhân giống như Đát Kỷ, mắt của phu nhân là mắt Bao Tự”. Nếu tiên sinh quả thực là bậc thánh nhân thì xin chỉ dạy cho thiếp biết, tự thời tam hoàng ngũ đế xa xưa đến nay, trên mặt đất này, có người nào dung mạo xinh đẹp hơn thiếp chăng?

Nói xong, phu nhân mới vén tấm màn để lộ một nụ cười tươi tắn rồi cho gọi cả bọn đến gần. Nàng đội mũ miện phượng hoàng, cài thoa hoàng kim, giắt lược đồi mồi, áo khoác màu cầu vồng óng ánh như vẩy cá, khuôn mặt vui vẻ rạng rỡ như lấp lánh muôn tia sáng mặt trời.

‒ Thần chỉ tìm hiểu về những người đạo cao đức trọng chứ còn về những người có khuôn mặt đẹp thì thần không biết gì cả.

Nghe Khổng Tử trả lời như thế, Nam Tử lại hỏi tiếp :

‒ Thiếp đang thu thập những đồ lạ lùng, quý hiếm trên cõi đời này. Trong kho tàng của thiếp có cả vàng Đại Khúc lẫn ngọc Thùy Cứcb25. Trong vườn của thiếp còn có rùa Lũ Cú, hạc Côn Luânb26. Thế nhưng thiếp chưa từng thấy kỳ lân, giống linh vật xuất hiện mỗi khi có bậc thánh nhân ra đời. Thiếp cũng chưa được nhìn bảy cái lỗ trên trái tim b27 mà một người đại hiền ắt phải có. Nếu tiên sinh thực sự là thánh nhân thì có thể nào cho thiếp được xem chỗ ấy hay không?

Đến đây, Khổng Tử bèn đổi sắc mặt, nghiêm nghị đáp :

‒ Thần không biết gì về những vật quý hiếm, lạ lùng. Sở học của thần là điều mà đàn ông đàn bà nhà quê nhà mùa ai cũng học được, và đó cũng là những điều không biết là không được.

Phu nhân nghe xong, hạ giọng :

‒ Đàn ông hễ nhìn mặt thiếp, nghe tiếng thiếp nói thì dẫu mày đang chau cũng thư giản, mặt có tối sầm cũng sáng sủa ra. Cớ sao mỗi tiên sinh lúc nào cũng vẫn giữ vẻ buồn bã ủ dột? Thiếp thấy khuôn mặt nào buồn đều khó coi cả. Khi còn ở nước Tống, thiếp có biết một gã trai trẻ tên gọi Tống Triều. Anh chàng này không có vầng trán cao sang như tiên sinh nhưng thay vào đó, đôi mắt anh ta trong sáng đẹp đẽ như trời xuân. Còn như Ung Cừ, hoạn quan hầu hạ bên mình thiếp đây, tuy hắn ta không có cái giọng oai nghiêm của tiên sinh nhưng tiếng nói của hắn lại thanh tao như tiếng chim xuân. Nếu tiên sinh thực sự là bậc thánh nhân thì phải có khuôn mặt xinh đẹp phù hợp với một tâm hồn phong phú chứ. Bây giờ, thiếp xin vì tiên sinh mà xóa đám mây u ẩn và gạt đi những điều phiền não đang ám ảnh tiên sinh.

Thế rồi quay lại đám cận vệ tả hữu, phu nhân bảo họ đem đến một cái hộp.

‒ Thiếp có nhiều loại hương thơm. Khi trong lòng phiền muộn, chỉ cần ngửi làn hương này sẽ cảm thấy như bước vào trong một thế giới huyền ảo tuyệt vời.

Theo lời nàng ra lệnh, bảy thị nữ đầu đội kim quan, lưng thắt thắt lưng liên hoa, nâng bảy lò hương, đến đặt chung quanh chỗ vị thánh nhân ngồi.

Lúc đó, phu nhân bèn mở hộp hương ra, lần lượt lấy từng loại hương một ném vào trong các lò hương. Bảy làn khói đậm lặng lẽ vươn lên khỏi bức màn gấm. Những làn khói vàng và tím lẫn vào khói trắng của gỗ bạch đàn như quyện lại với nhau biết bao nhiêu giấc mộng dị thường đã mấy trăm năm chìm dưới đáy Nam Hải. Hương thơm của mười hai loại uất kim hươngb28 ngưng đọng tất cả tinh anh của loài cỏ thơm đã được nuôi dưỡng bằng những đợt sương xuân. Có cả thứ long diên hương cô lại từ nước dãi ứa từ miệng rồng trấn giữ đầm sâu ở Đại Thạch Khẩub29 cũng như trầm hương chế ra từ nhựa của rễ cây quý hiếm chỉ có ở đất Giao Châu. Chúng nó có sức lôi cuốn lòng người, đưa họ vào một thế giới mộng tưởng xa xôi, ngọt ngào. Dù vậy, nó chỉ làm cho khuôn mặt của bậc thánh nhân đăm chiêu như đang ẩn giữa lớp mây mù.

Phu nhân vẫn tươi cười bảo:

‒ Này, khuôn mặt của tiên sinh đã bắt đầu sáng sủa hơn một chút rồi đấy. Thiếp có rất nhiều thứ rượu ngon, chén quý. Nếu hương thơm đã đem đến cho cõi lòng cay đắng của tiên sinh phần nào sự ngọt ngào thì vài giọt rượu sẽ làm cho thân thể tôn nghiêm cứng nhắc của tiên sinh được thư giãn khoan khoái.

Nghe nàng ra lệnh, bảy thị nữ đầu đội mũ ngân quan, thắt lưng bồ đào lại cung kính đem đủ loại rượu quý và chén quý đặt lên bàn.

Phu nhân rót từng thứ rượu vào những cái chén, mời mọi người một lượt. Những giọt rượu này có ma lực giúp người ta đâm ra khinh miệt mọi thứ đạo đức để chỉ chuyên chú vào những gì tượng trưng cho sắc đẹp. Có thứ rượu rót trong chén ngọc quỳnh, trong suốt đến nổi có thể nhìn thấy xuyên qua đó những tia sáng màu xanh, không hương vị trần gian nào sánh kịp. Nó giống như một thứ nước cam lồ đem đến cho người uống niềm hoan lạc trên thượng giới. Lại có thứ chén màu lam ngọc, mỏng như tờ giấy, có thể tự nó hâm được rượu cho nóng. Khi rót rượu lạnh vào, chỉ cần đợi một chốc thôi, nó sẽ phát nhiệt sôi lên và thiêu đốt được mối sầu trong gan ruột con người. Còn loại chén gọi là hà ngư đầu có hình thù đầu con tôm sống ở vùng Nam Hải đang nổi giận nên chùm râu đỏ đâm ra vài tấc. Chén được cẩn bằng những hạt vàng và ngọc, trông tựa như bọt sóng. Thế nhưng chừng ấy thứ chỉ làm cho vị thánh nhân chau mày ủ ê thêm mà thôi.

Nụ cười của phu nhân lại càng thêm tươi :

‒ Kìa, khuôn mặt của tiên sinh tỏa sáng hơn hồi nãy rồi đấy! Thiếp có rất nhiều thứ thịt chim và muông thú. Người đã được khói hương xóa sạch những phiền não trong hồn và được sức mạnh của rượu làm cho khớp xương thớ thịt thư giãn, cần phải nếm những món ăn đậm đà đầu lưỡi nữa chứ.

Phu nhân vừa dứt lời đã có bảy thị tì đội mão trân châu, thắt lưng thái canhb30 đến đặt trên bàn đủ các loại thịt chim và thú lạ. Nàng tiếp tục mời cả đoàn dùng hết món này đến món khác. Nào là bào thai huyền báo, nào phượng non Đan Huyệtb31, có cả thịt rồng khô núi Côn Luân lẫn bàn chân con tượng. Chỉ cần cho vào miệng một miếng thịt ngon ngọt như thế này, người ta lúc đó sẽ không đếm xỉa, phân biệt thiện ác gì nữa. Thế nhưng khuôn mặt của vị thánh nhân vẫn đượm buồn.

Lần thứ ba, phu nhân lại cất tiếng cười dòn :

‒ Ôi chao, gương mặt tiên sinh giờ đây càng thêm tươi tắn và tôn quý. Người nào sau khi ngửi được làn hương huyền diệu, nhấm nháp vị cay ngây ngất của rượu ngon, ăn được miệng thịt bổ béo ấy rồi thì có thể bước vào một thế giới thần tiên huyền ảo vừa vừa dữ dội vừa kích thích vừa đã mắt mà kẻ phàm tục hằng mong được thấy để thoát khỏi những lo âu và sầu muộn của thế gian này. Bây giờ thiếp xin được phép trình bày truớc mắt tiên sinh cái thế giới ấy.

Nói xong, quay lại một hoạn quan hầu cận, nàng đưa ngón tay trỏ vào bức màn gấm xếp nếp và buông dài đang phủ kín một góc tường, truyền lệnh cho tả hữu kéo nó giạt ra hai bên.

Bên kia bức màn là những bậc thang dẫn xuống khu vườn trước mặt. Dưới bậc thang và trên mặt đất trải lớp cỏ xanh thơm mới nhú mầm, ánh sáng của một ngày xuân ấm áp chiếu rọi lên một nhóm người, không biết là bao nhiêu, tay chân bị trói và nằm chồng chất lên nhau. Người thì ngẩng mặt lên trời, người quỵ gối dưới đất, kẻ trông như đang chồm lên, kẻ khác lại như thể muốn đấm đá. Từ trong đám người đủ hình đủ dạng này văng vẳng những âm thanh lạ lùng như tiếng khóc than, lúc thì kêu gào, lúc thì rên rỉ, nghe thật khủng khiếp. Có người thì thân thể nhuộm đỏ chót trông giống một đóa mẫu đơn đang nở rực rỡ, có người thì run rẩy xác xơ như con bồ câu bị thương. Bọn họ là đám tội nhân đang chịu những cực hình, phần vì lý do là pháp luật của nước này vốn rất nghiêm khắc, phần để làm trò quý phi xem chơi cho thích mắt. Không có lấy một người được mảnh vải che thân, không một ai da thịt lành lặn. Trong bọn họ, có một gã đàn ông chỉ vì không ngớt lời phê phán sự độc ác của phu nhân nên mặt mày đã bị cột bào lạcb32 hủy hoại, lỗ tai bị xiên và cổ phải mang gông nặng. Lại có cả người con gái đẹp chỉ vì cái tội muốn được Linh Công yêu thương, đã chuốc lấy lòng ghen tương của phu nhân đến nỗi bị xẻo mũi, cắt gân chân và xiềng bằng xích sắt. Trước quang cảnh này, Nam Tử thần hồn như bay bổng, nó làm cho khuôn mặt nàng có cái đẹp của nhà thơ và vẻ trầm tư của triết gia.

‒ Đôi khi thiếp vẫn tháp tùng xe chúa công ngự đi qua những đường phố trong thành. Nếu chúa công nổi hứng, tình tứ nhìn cô gái nào trong đám người qua lại thì thiếp sẽ ra lệnh vây bắt ngay và cho cô ta chịu cái số phận như thế này. Giờ đây thiếp cũng muốn tiên sinh đi cùng xe với Chúa Công và thiếp dạo chơi trong thành. Sau khi đã thấy cảnh tượng thiếp trừng trị lũ tội đồ kia rồi, chắc hẳn tiên sinh không có ý làm phật lòng thiếp chứ ạ?

Trong câu nói đó của phu nhân, có tiềm ẩn một ước muốn áp chế và hủy hoại mạnh mẽ. Ánh mắt vẫn dịu dàng trong khi miệng lại thốt ra những lời đanh ác, chuyện đó xưa nay đối với phu nhân vẫn là điều bình thường.

Một ngày xuân nọ vào năm 493 trước Tây Lịch, trên đất Thương Khưb33 nằm giữa hai con sông Hoàng Hà và Ky Thủy, có hai cỗ xe thắng bốn ngựa dạo trên đường phố thành đô nước Vệ. Trên chiếc xe đầu tiên, dưới bóng tàn lọng do hai nữ quan cầm che hai bên, theo hầu chung quanh là đám đình thần và cung nhân, vua Linh Công nước Vệ, bên cạnh có thái giám Ung Cừ và phu nhân Nam Tử, người đàn bà có cái tâm địa của Đát Kỷ và Bao Tự, đang ngồi. Trên chiếc xe thứ haib34 với một đoàn đệ tử đi đằng trước đằng sau là thánh nhân Khổng Tử, kẻ xuất thân xứ Tưub35 quê mùa, lòng mang nặng hoài bão chính trị vua Nghiêu vua Thuấn.

‒ Thôi rồi, nhìn đây đủ thấy là cái đức thánh nhân của ông ta không làm gì được trước sự bạo ngược của quý phi. Từ giờ trở đi, có lẽ những lời bà ta phán ra sẽ trở thành pháp luật của nước Vệ mà thôi.

‒ Ông thánh nhân tướng mạo rầu rĩ thật. Còn bà ta trông mới ngạo nghễ làm sao! Nhưng chưa bao giờ chúng ta thấy gương mặt phu nhân lại đẹp như hôm nay.

Đám thường dân tụ tập trong ngõ, mắt nhìn theo đoàn xe đi ngang qua, miệng bàn tán với nhau như vậy.

Tối hôm đó, phu nhân Nam Tử trang điểm đặc biệt lộng lẫy, nằm trên nệm gấm, chờ đợi đến tận khuya. Hình như ai đang gõ nhẹ cửa rồi có tiếng hài rón rén bước vào.

‒ Ôi chao, rốt cuộc chúa công đã trở lại với thần thiếp đấy à? Từ rày về sau và cho đến mãi mãi, thiếp sẽ không cho chúa công ra khỏi vòng tay của thiếp nữa đâu nhé!

Phu nhân mở rộng hai cánh tay, vươn ra nâng lấy tay áo dài của Linh Công. Đôi tay mềm mại, như bốc lửa vì men rượu, biến thành một sợi giây ràng buộc khó gỡ quanh thân thể Linh Công.

‒ Ta thù ghét khanh. Khanh đúng là ác nữ. Khanh là con quỷ sống đã hủy hoại đời ta. Thế nhưng ta không sao có thể rứt bỏ được ái khanh.

Giữa khi Linh Công run rẩy nói, đôi mắt của phu nhân lấp lánh một niềm tự hào quái ác.

Sáng ngày hôm sau, thầy trò Khổng Tử một đoàn lại lên đường trực chỉ đất Tào để tiếp tục truyền bá đạo họcb36.

Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc giả dã.

“Ta chưa từng thấy có ai yêu đạo đức bằng yêu sắc dục”. Đó là câu nói cuối cùng của vị thánh nhân khi người giã từ nước Vệ. Lời ấy được chép trong Luận Ngữ, trước tác quý giá của người và vẫn còn lưu truyền mãi đến bây giờ.

NNT (Tôkyô 25/06/2008)

Tư Liệu Tham Khảo:


1) Tanizaki Jun.ichirô, 1981, Kirin, trong Toàn Tập Tanizaki Jun.ichirô, quyển thứ 1, trang 75-90, Chuô Kôron, Tôkyô xuất bản, tái bản lần thứ nhất năm 1992. Nguyên tác Nhật ngữ.

2) Pigeot, Jacqueline & Tschudin, Jean-Jacques, 1986, Kirin, dịch sang Pháp văn từ Kirin, đăng trong Tanizaki Oeuvres, Tome I, trang 13-26 (dịch), trang 1606-1618 ( bình chú), Gallimard xuất bản, 1997. Bản tham chiếu.


Chú Thích Của Người Dịch:


b1Nguyên văn: Phượng hề, phượng hề. Hà đức chi suy. Vãng giả bất khả gián. Lai giả do khả truy. Dĩ nhi, dĩ nhi. Kim chi tùng chính giả một nhi.(Luận Ngữ). Tương truyền là bài hát của Tiếp Dư tức Sở Cuồng, một ẩn sĩ giả điên, với ngụ ý phê bình Khổng Tử (người cao cả như con chim phượng) khi họ gặp nhau khoảng năm 489 trước Tây Lịch, nhưng như thế lại là sau chuyến đi sang nước Vệ của Không Tử, bối cảnh của truyện ngắn này.

b2Theo J.Pigeot và Tschudin, Khổng Tử đã từ Lỗ đến Vệ lần đầu tiên năm 497 TCN tức là sớm hơn thời điểm trong truyện những 4 năm. Hai người cho rằng Tanizaki hoặc không coi trọng sự chính xác lịch sử cho lắm hoặc đã sai lầm vì vô ý.

b3Tương truyền vì mắc mưu ngoại bang đem tặng nữ nhạc nên Lỗ Định Công mải vui chơi, chỉ làm lễ qua quýt khiến cho Khổng Tử chán nản, bỏ quan mà đi.

b4Tên sông, núi đều là địa danh nằm gần Khúc Phụ trong tỉnh Sơn Đông, quê hương của Khổng Tử.

b5Một đạo gia, truyện có chép trong sách Liệt Tử.

b6Một trong sáu nước lớn đời Xuân Thu, nay thuộc vùng Hồ Bắc, Hồ Nam, xưa là đất phong của Khang Thúc, em trai Vũ Vương nhà Chu.

b7Vệ Tương Công là bố của Linh Công. Tuy con một người thiếp, Linh Công được cha chọn làm vua thay vào chỗ của trưởng nam.

b8Vua chư hầu, trị vì từ năm 534 đến 493 TCN. Nàng Nam Tử, vợ ông ta, xuất thân quý tộc nước Tống, nổi tiếng là con người phong hóa đồi bại, can dự nhiều đến triều chính và các việc phế lập sau khi Linh Công chết.

b9Nhân vật có thực, từng được nhắc đến trong Sử Ký của Tư Mã Thiên.

b10Danh tướng nước Vệ, đã cầm quân kháng cự và thắng quân Tần năm 502 TCN. Không Tử có nhắc đến ông hai lần trong Luận Ngữ.

b11Nghiêu, Thuấn, Vũ, tức ba đế vương trong thần thoại, tượng trưng cho đạo đức và đại nghiệp. Cao Dao là quan hình pháp cứng rắn và liêm khiết của vua Thuấn, còn Tử Sản, người cùng thời, được Khổng Tử đặc biệt kính trọng. Tử Sản làm tể tướng nước Trịnh, có tài cải cách chính trị và ngoại giao, còn đặt ra bộ luật thành văn đầu tiên của Trung Quốc.

b12Một tên hiệu của Lão Tử, tương truyền trước kia có làm việc ở văn khố nhà Chu trong thành Lạc Dương.

b13Tức giống ngựa quý sinh sản ở đất Khúc, lúc đó thuộc về Tần, nằm ở phía bắc Hoàng Hà.

b14Nhân vật có thực, cố vấn cho Linh Công về nghi lễ. Được Khổng Tử khen ngợi như Vương Tôn Giá trong Luận Ngữ để giải thích cho học trò rằng nhờ có tôi hiền nên một ông vua bạo ngược như Vệ Linh Công có thể sống còn.

b15Ám chỉ các vua hiền thời cổ. Đồng nghĩa với từ “tam hoàng ngũ đế” , ba vua năm đế, nghĩa là thời đại hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc.

b16Đây là một bài hát mà Tanizaki mượn từ Vệ Phong trong Kinh Thi. “Tham tham nữ thủ, Dĩ thường khả phùng” đại ý trách người chồng bắt người vợ mới cưới về phải làm việc quần quật mà không để ý tới công khó.

b17Chữ dùng trong Chiến Quốc Sách, phần nói về nước Tần, cũng là kế sách mà chính phủ Nhật thời Meiji hô hào.

b18Luận Ngữ thuật lại là Khổng Tử chỉ tập trung thuyết về nhân và lễ.

b19Chứng minh ảnh hưởng của thiên văn học và lịch số đến việc trị nước. Kinh Thư và Chu Lễ là những tác phẩm cơ bản của đạo Nho đều có đề cập đến vai trò quan trọng của thiên văn.

b20Sáu ngành học cần thiết cho bậc sĩ trở lên gồm lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, đặt ra từ đời nhà Chu.

b21Theo Luận Ngữ và Sử Ký, Tống Triều là một người rất đẹp trai, vai anh em (ruột hay cùng cha khác mẹ) với Nam Tử cho nên còn có thể xem đây là một mối tình loạn luân nữa. Ông ta từng đến Vệ chơi năm 496 và có thể đã có mặt lúc Khổng Tử ở đó.

b22Việc Khổng Tử ra mắt nàng Nam Tử có chép lại trong Luận Ngữ. Cuộc viếng thăm này đã gây ra một sự bất mãn nơi một số đồ đệ.

b23Chắc cảnh khoe chân này là để dành cho Tanizaki, người nổi tiếng có khuynh hướng yêu thích bàn chân (foot-fetischism).

b24Để diễn tả cực ý của sự xa hoa, kể từ những dòng này, Tanizaki sẽ dùng nhiêu từ tu sức bằng Hán văn hiểm hóc. Ví dụ hoyô (bộ dao) khi nói đến đồ trang sức trên tóc hay yôraku (dao lạc) để chỉ đồ trang sức trên cổ và trên tay. Dịch giả buộc lòng phải dịch thoát.

b25Những vùng đất có tính truyền thuyết. Đại Khúc nổi tiếng vì vàng và kiếm có chất lượng tốt. Thùy Cức là một địa danh trong đất Tần, nơi sản xuất ngọc thạch. Có lẽ Tanizaki đã xuất điển từ các tác phẩm như Tả Truyện hoặc các sách Xuân Thu khác.

b26Lũ Cú không rõ ở đâu nhưng được biết như nơi nổi tiếng vì rùa. Riêng Côn Luân, còn đọc là Côn Lôn, là rặng núi có tính thần bí nằm ở Tân Cương, ngăn đồng bằng Tarim với Tây Tạng.

b27Ám chỉ trái tim quý hiếm có bảy lỗ của Tỉ Can, một người hiền, chú của vua Trụ, đã bị ông vua bạo ngược này sai mổ tim để làm thuốc cho ái cơ Đát Kỷ.

b28Có chép trong Lương thư, được xem như một loại hương thơm dùng để chế rượu lễ. Có nơi dịch là mùi thơm bột nghệ (safran des Indes) hay hương hoa vành khăn (tulipe). Thường xuất hiện trong thơ Đường (Lư gia thiếu phụ uất kim hương vv…)

b29Một địa danh ở tỉnh Sơn Tây, Hoa Bắc, xưa là nơi buôn bán giao thương với Mông Cổ.

b30Các dịch giả người Pháp dịch là hoa tilleul (hoa cây đoạn)

b31Tên một ngọn núi miền Đông Bắc Trung Quốc, nơi xuất phát Đan Thủy, dòng sông đổ ra biển Bột Hải (Liêu Đông).

b32Hình phạt dã man của vua Trụ nhà Ân cho bôi dầu cho trơn cột đồng nung trên lò than và bắt người ta đi qua.

b33Nền cũ (khư) cố cung nhà Ân (Thương), nay thuộc An Dương (Hồ Nam).

b34Sử Ký Tư Mã Thiên có chép lại điều khuất nhục này. Chỗ còn lại trên xe thứ nhất đã dành cho một viên thái giám thay vì cho Khổng Tử, người được xem như bậc sư phó của nhà vua.

b35Tên quê quán Khổng Tử trong tỉnh Sơn Đông, cách sông Tứ 60 lý về hướng đông nam, nơi cha ông từng trấn nhậm.

b36Tào là một tiểu quốc nằm giữa Vệ và Tống, ở Sơn Đông. Thật ra, theo Sử Ký, Khổng Tử còn trở lại đất Vệ sau đó hai lần, lần đầu vào năm 494 TCN để gặp lại Linh Công nhưng vẫn không được dùng, và lần thứ hai vào năm 489 TCN để cố vấn cho người kế vị Linh Công.


*


*          *


BÀN CHÂN FUMIKO

(Fumiko no ashi, 1919)


hinh-4


Dẫn Nhập:


Truyện ngắn dưới đây có thể gây cú sốc cho một số độc giả dù nội dung không có lấy một lời lẽ tục tằn. Khuynh hướng bái vật (fetischism) đặc biệt đối với bàn chân đàn bà (foot-fetischism) đã được nhắc đến trong Xâm Mình (Shisei, 1910), tác phẩm Tanizaki viết thời trẻ. Bàn Chân Fumiko miêu tả lệch lạc tính dục này trong bối cảnh xã hội Nhật Bản đầu thế kỷ trước. Chính vì đi ngược với văn học tải đạo thời Minh Trị, Tanizaki bị xem như một nhà văn ma giáo, bệnh hoạn, trụy lạc. Nhiều người đòi đốt tác phẩm của ông.

Các nhà phê bình đã đặt giả thuyết về ảnh hưởng của quyển Bệnh Lý Tính Dục (Psychopathia Sexualis) ‒ sách do Richard von Krafft-Ebing trước tác mà Tanizaki được đọc khoảng năm 1908 ‒ đối với truyện ngắn này. Cũng cần nhắc thêm là từ 1905, Sigmund Freud đã bàn về khuynh hướng bái vật trong trứ tác kinh điển bằng tiếng Đức của mình, Ba Tiểu Luận Về Lý Thuyết Tính Dục. Người thầy thuốc thành Wien còn khai triển đề tài nói trên trong những công trình nghiên cứu khác vào khoảng năm 1927. Phải chăng khuynh hướng bái vật về bàn chân đã bắt nguồn từ tình yêu bị ức chế của đứa con đối với mẹ mình như các nhà tâm lý học theo trường phái này cố gắng giải thích?

Đặc điểm của Tanizaki trong Bàn Chân Fumiko là ông chỉ chuyên chú vào khía cạnh nghệ thuật của hiện tượng tâm lý bái vật và mỹ hóa nó một cách tài hoa, trang nhã. Không phải vì đưa những đề tài cấm kỵ lên mặt giấy mà ông trở thành một nhà văn lớn. Không có nó, ông đã vĩ đại rồi.

Đâu là lý do khiến Tanizaki có khuynh hướng phơi bày những mảng tối trong tâm hồn? Ông muốn tìm về thiên đường ấu thơ đã mất bên bà mẹ yêu dấu, người từng đánh thức những cảm xúc phái tính đầu đời của mình? Ông cố ý nói lên sự tuyệt vọng trong tình yêu của con người, khiến cho ngoại giới bao la chỉ còn ngưng tụ lại trong một vật thể cỏn con? Hay là ông muốn mượn cuộc sống trụy lạc làm nơi ẩn náu để chống đối xã hội ngụy thiện và công thức đương thời?

Trước khi những lệch lạc tính dục kể cả khuynh hướng bái vật được trình bày trong văn chương Âu Châu thời trung cổ và cận đại mà Marquis de Sade (1740-1814) là một tác giả tiên phong tên tuổi, sách vở Á châu đã từng nhắc tới Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục, Tây Môn Khánh… các nhân vật đặc biệt sùng bái bàn chân người đẹp. Trong văn chương Trung Quốc và Việt Nam, không thiếu gì những cách diễn đạt văn học ca ngợi bàn chân như “bộ bộ sinh liên hoa”, “tam thốn kim liên”, “sen vàng lững thững”, “hài thương nữ”…

Nhân vì tính dục cũng còn là một vấn đề nóng bỏng của thời đại chúng ta và là trọng tâm khám phá của các nhà văn trẻ, việc phủi lớp bụi thời gian thử đọc lại Bàn Chân Fumiko, ra đời cách đây gần một thế kỷ để thưởng thức lối hành văn kể chuyện lôi cuốn và sức tưởng tượng phong phú của Tanizaki, tự nó chắc cũng có một ý nghĩa nào đó.


Nguyễn Nam Trân


*

Thưa thầy,

Mong thầy tha cho cái tội đường đột của một anh học trò mặt trắng như em, chưa từng hân hạnh gặp thầy một lần mà dám cầm bút viết thư. Dẫu biết thầy trăm công ngàn việc nhưng xin hãy bỏ chút thời giờ quý báu để đọc từ đầu đến cuối câu chuyện sắp kể ra đây. Cho em mạn phép thưa trước điều đó.

Có thể thầy nghĩ rằng khi mở miệng nói như vậy, em tỏ ra hợm hĩnh, nhưng thật tình trong tận đáy lòng, em thầm nghĩ rằng câu chuyện em định kể ra, đối với thầy, không thể nào hoàn toàn vô vị. Nhược bằng thầy lại thấy nó có đôi chút giá trị tư liệu khơi nguồn cảm hứng cho một tác phẩm mai sau của mình thì em cũng không thấy có gì cản trở. Ngược lại, việc đó còn làm em vô cùng vinh hạnh. Thú thật với thầy, vì em hằng mong sao cho câu chuyện này được thầy dựng thành tiểu thuyết nên mới viết lá thư này để bày tỏ lòng kỳ vọng của em. Ngoài thầy, nhà văn xưa nay em hết sức ngưỡng mộ, có lẽ không một ai hiểu được tâm lý vô cùng đau khổ và kỳ lạ của nhân vật chính trong câu chuyện. Người duy nhất có thể rủ lòng thương cảm đối với nhân vật đó chỉ là thầy chứ không ai khác… Ý nghĩ này là động cơ đầu tiên thôi thúc em viết thư cho thầy, thế nhưng, chỉ cần thầy chấp nhận nghe em kể chuyện mà thôi cũng đã làm em mười phần mãn nguyện chứ đừng nói việc thầy nghe lời thỉnh cầu của em mà sử dụng nó như một tư liệu viết văn.

Có thể sự thôi thúc của em sẽ gây bực bội, làm mất lòng thầy, nhưng chỉ cần thầy chịu nghe em mà đặt bút viết về nó thì, em trộm nghĩ, người đóng vai chính trong câu chuyện này nhất định sẽ hết sức hài lòng. Dù thế nào đi nữa, dưới con mắt của một người mà em đánh giá là có sức tưởng tượng dồi dào lại giàu kinh nghiệm sống như thầy, em không tin rằng những tình tiết trong câu chuyện lại chẳng đáng cho thầy đảo mắt qua một lần. Em là một thanh niên không rành viết lách nên khó trình bày câu chuyện khéo léo hơn người ta, nhưng xin thưa một lần nữa, dám mong thầy chịu khó để ý đọc nó cho đến hàng chữ cuối.

Nhân vật chính của câu chuyện giờ đây đã qua đời. Ông ta tên Tsukakoshi, thuộc một gia đình sống bằng nghề cầm đồ có cửa hiệu ở xóm Muramatsu trong khu Nihonbashi tự đời Edo. Ông Tsukakoshi mà em đang nói tới, nếu tính từ tổ tiên trở xuống là đời thứ mười. Ông ta mới vừa chết cách đây có hai tháng, vào ngày 18 tháng 2 năm nay, ở cái tuổi 63. Thật ra, sau khi cái bệnh tiểu đường mà ông mắc phải từ hồi 40 tuổi và có thời làm cho ông béo núc nác như một tay đô vật, khoảng năm sáu năm trở lại, lại đi kèm với chứng lao phổi, khiến cho ông lần lần gầy rạc, một hai năm trước khi chết người chỉ còn hơn que tăm. Đến khi dọn về nhà nghỉ mát ở Shichiri-ga-hama gần Kamakura được một thời gian, chứng lao phổi dần dần trở nặng, vượt cả bệnh tiểu đường và kết liễu đời ông. Thời xuống dưới Kamakura ở, ông coi như đã về nghỉ hưu, nhường cửa tiệm cầm đồ cho anh con nuôi ở rể là Kakujirô cai quản, cho nên người trong nhà vẫn gọi là ông là “cụ hưu” thế này, “cụ hưu” thế nọ. Em cũng bắt chước theo họ mà gọi ông ta bằng cái tên đó. Mối giây liên lạc giữa “cụ hưu” và gia đình trên Tôkyô vô cùng xấu, từ lúc người bệnh hấp hối cho đến phút lâm chung, bên giường chỉ có mỗi một mình Hatsuko, con gái độc nhất của “cụ hưu” và là vợ của anh con nuôi ở rể tên Kakujiirô. Gia đình Tsukakoshi vốn là nhà cố cựu đất Edo, nội thành phố Tôkyô thôi it nhất phải có năm sáu cửa hiệu lớn của bà con thân thích trong họ. Thế mà trong thời gian cụ ta nằm bệnh, ít có khi nào thấy ai xuống thăm, còn tang lễ cũng chỉ được cử hành cực kỳ đơn giản và trong sự buồn thảm.

Chính vì lý do đó, những người biết được rành mạch tình cảnh lúc trước và sau khi ông cụ sắp mất chỉ có bà sai vặt tên gọi o-Tei, lúc đó được cắt tới chăm nom bên giường và Fumikoc1, cô hầu non của cụ. Tính thêm cả em nữa, vỏn vẹn cũng chỉ có ba người. Đến đây xin được phép cắt ngang câu chuyện một chút để nói về sự liên hệ giữa ông cụ và em cũng như cảnh ngộ cá nhân em. Năm nay em vừa mới 25 tuổi, sinh viên trường mỹ thuật, quê ở quận Akumi thuộc tỉnh Yamagata. Vì gia đình em và gia đình Tsukakoshi có liên hệ họ hàng xa xôi cho nên ngày em cất bước lên Tôkyô, vì không chỗ nương tựa, vừa đặt chân tới ga Ueno, là em đã bọc bức thư gửi gắm của ba em trong người, tìm ngay đến tiệm cầm đồ của cụ trong khu Muramatsu. Lúc đó cụ hưu vẫn còn coi sóc cửa hàng nên rốt cuộc cụ thành ra là người chăm sóc em mọi thứ. Cũng vì lý do đó nên về sau, em thường ghé qua xóm Muramatsu mỗi năm vài ba lần thăm cụ. Thế nhưng sự giao hảo của cụ và em có được sự thân mật đặc biệt vượt qua giới hạn một liên hệ ơn nghĩa là điều mới bắt đầu cách đây không lâu… khoảng từ một năm hay nửa năm nay thôi. Em chỉ muốn thầy hiểu cho rằng ngoài nhân vật đóng vai chính, ông cụ về hưu, còn có một nhân vật nữ không kém phần quan trọng là Fumiko, cô hầu non ấy, và sau nữa là bản thân em, cả ba đều dính dáng một cách sâu xa với nội dung câu chuyện. Nhất là em không hề làm một kẻ đứng bên lề, để rồi thầy sẽ thấy, có lẽ em còn giữ một vai tuồng trọng yếu trong đó nữa. Hơn thế, trong khi em phân tích tâm lý ông cụ, có thể cùng lúc em cũng đang mổ xẻ chính tâm lý của em.

Vì lý do nào mà ông cụ và em lại trở thành thân thiết à? Nói đúng ra, phải hỏi đâu là duyên cớ khiến em bắt đầu tiến đến gần cụ cơ! Chuyện nên được mào đầu bằng câu trả lời cho thắc mắc này. Một đứa con trai sinh trưởng ở một nơi quê mùa hẻo lánh trên Yamagata như em và một người sinh vào gia đình cố cựu trong một khu phố làm ăn buôn bán đất kẻ chợ Edo như cụ, thật hoàn toàn không có một điểm chung nào, từ tính nết, học vấn cho đến phong cách. Em là một gã học trò trẻ tuổi nhà quê lên tỉnh, vì ngưỡng mộ văn chương mỹ thuật Âu Tây nên chỉ sống với ước mơ mình sẽ trở thành một họa sĩ hội họa Tây phương. Cụ hưu ngược lại, không những là dân Edo mà còn là dân Edo chính cống, sống theo truyền thống và tập quán sót lại từ thời mạc phủ Tokugawa. Em xin thưa là nơi cụ có một chút gì hơi điệu hạnh, cho mình là sành sỏi, thái độ thường thấy nơi mấy người già ở khu phố buôn bán trong thành. Ai mà thấy cũng phải nhìn nhận cụ và em là hai mẫu người hoàn toàn khác biệt, lời ăn tiếng nói không thể nào hợp nhau. Sở dĩ hai bên trở thành thân thiết là vì em đã tìm đến với cụ. Về phía cụ hưu thì bị người trong gia đình lẫn thân quyến ghét bỏ xa lánh, cho nên khi được em đôi lúc đến thăm, tuy chỉ bà con xa nhưng bao giờ cũng biết kính cẩn một điều thưa, hai điều bẩm, không lẽ cụ lại không mừng rỡ. Đặc biệt lúc sắp mất, ngoài người thiếp Fumiko thì không nói, hễ em mà không đến nhà thương thăm viếng mỗi ngày là cụ giận. Tuy vậy, nếu từ phía em không đi bước đầu để tiếp cận, chắc cụ sẽ không thể nào trở nên thân tình như thế. Những ai không rõ chuyện cứ tưởng rằng em vì cám cảnh cụ bị bà con họ hàng bỏ rơi, sinh lòng tội nghiệp nên hay lui tới thăm nom. Ai tốt bụng giải thích như vậy, em xin hết sức cảm ơn nhưng nói kiểu đó chỉ tổ làm em thẹn đỏ mặt. Động cơ khiến em đến gần với cụ không hề cao cả như vậy. Nói trắng ra, cái cớ làm em đến gặp cụ hưu không phải là vì cụ mà là vì Fumiko, người thiếp trẻ của cụ đấy. Dĩ nhiên không phải tìm gặp để thỏa mãn một ước muốn sâu kín gì, lại nữa, cho dầu ước muốn đó trồi lên, em cũng ý thức ngay rằng cái thân một thằng học trò nhà quê như mình thì dễ gì với tới người đó. Thế nhưng cứ mỗi lần hình bóng của Fumiko lướt qua trước mắt, thì em đã cảm thấy say sưa đến mức độ đứng ngồi không yên như cả mười ngày trời chưa được gặp. Vì lý do đó mà em hết tìm cớ này đến kế nọ, có khi không công chuyện gì cũng tìm cách dẫn xác tới nhà ông cụ.

Sở dĩ họ hàng ruồng rẫy cụ hưu cũng chỉ vì cụ đã bị Fumiko, một cô geisha ở xóm Yanashibashi quyến rũ đến độ đưa cô ấy về nhà. Chuyện xảy ra đúng vào khoảng tháng chạp cách đây hai năm, cụ hưu 60 tuổi, còn Fumiko hồi đầu năm vừa tròn 16, mới thành nghề. Chính ra hình như chuyện chơi bời phóng đãng của cụ cũng đã thành vấn đề từ trước nhưng nghĩ rằng từ thời trai trẻ cụ bay bướm rồi cho nên đến lúc đó, người trong thân tộc vẫn chưa rầy rà chi. Họ mong rằng đã đến cái tuổi lục tuần, mai mốt thế nào cụ chẳng phải ngừng. Em nghe người ta nói lại thì cụ đã lấy vợ hồi 20 tuổi, ba lần cải giá, đến năm 35 thì đã ly hôn với bà thứ ba. Kể từ đó cụ sống độc thân luôn (và Hatsuko, cô con gái độc nhất là kết quả cuộc hôn nhân giữa cụ và người vợ đầu tiên. Việc cụ thay đổi vợ nhiều lần như thế, không thể chỉ giải thích bằng tính phóng đãng, mà còn phải đưa ra thêm một nguyên nhân bí mật, đó là cái tật xấu đời trong đời sống tình dục của cụ, điều mà mãi đến gần đây chẳng mấy ai ngờ vực. Không chỉ đối với vợ nhà, ngay những cô đầu cụ mua, cụ luôn luôn tỏ ra tính khí thất thường. Lúc tưởng cụ đã gặp người hợp nhãn, chưa đến một tháng sau, đã thấy cụ chán ngấy cô ta và đuổi theo người đàn bà khác. Hơn nữa, cái hơi lạ ở nơi một người đàn ông gọi là trăng hoa như cụ, không bao giờ thấy có một người đàn bà nào tỏ ra say mê cụ cả. Chỉ có cụ tìm đến với họ trước và yêu thương họ nồng nhiệt. Phần các nàng, nếu có trao thân cũng vì muốn nhắm vào gia sản cụ thôi. Chưa thấy ai đem một tình yêu chân thành để báo đáp tấm lòng của cụ. Cụ đúng là dân kẻ chợ Edo thật sự, một người đàn ông đúng nghĩa, hết sức sành sỏi, làm người ta sẳn sàng bỏ qua cho thái độ huênh hoang. Đáng lý ra, không sớm thời muộn, phải có nàng nào đó gắn bó sâu đậm với cụ mới phải nhưng lạ lùng thay, bản thân cụ cứ bị các cô gái cho rơi hoặc lừa gạt. Thêm vào đó, như đã nói, cụ là người tính khí thất thường, dù mê mệt ai trong một thời gian, tự mình cũng không có đủ sức để mà tiến xa với họ.

‒ Ngữ nhà ông ta, đánh chết cũng không chừa cái tính bê bối. Cứ cho ông ấy chạy theo các cô đi nhưng cuối cùng phải biết thân mà ăn ở với một người thôi chứ! … Có lẽ cưới hẳn một cô vợ hầu thì may ra mới hết lông bông!

Đó là những câu mà đám người họ hàng nhà cụ vẫn bàn tán với nhau.

Ấy thế, cuối cùng Fumiko lại là trường hợp ngoại lệ. Cụ hưu quen biết nàng vào dịp hè cách đây hai năm, thế nhưng tình cảm từ ấy vẫn bỏng cháy chứ không hề nguội đi chút nào. Không những thế, cùng với thời gian, cụ càng mê mệt nàng hơn mà thôi. Thế rồi, vào tháng 11 năm nay, khi cô ta chấm dứt thời gian học việc như một hangyoku và trở thành ipponc2 được phép hành nghề geisha thì cụ nhà ta đã lo liệu cho cả mọi thứ chi tiêu, ngay trả lại món tiền thế chân cần thiết để ra riêng. Rốt cuộc, không bằng lòng làm chỉ chừng đó, cụ đã đem nàng về đặt trong cửa hàng ở phố Muramatsu với tư cách hầu chẳng ra hầu, vợ không ra vợ. Mặc dầu cụ hưu nhiệt tình đến mức đó nhưng giống như mọi lần, không có gì chứng tỏ Fumiko yêu thương cụ cả. Dễ hiểu thôi, hai bên chênh lệch nhau những bốn mươi tuổi, trừ phi ngu ngốc hoặc điên khùng, không ai đi yêu một ông già cỡ đó. Nàng có ngoan ngoãn nghe lời cụ chăng nữa thì cũng vì nghĩ ông lão chẳng còn sống bao lâu và mắt nàng đã dán chặt vào mớ tài sản, chứ tuyệt không có lý do nào khác.

Lần đầu tiên em gặp được người đàn bà lạ lùng bí ẩn ấy trong căn nhà ở xóm Muramatsu là đúng vào đầu năm ngoái, vào dịp ghé qua chúc Tết cụ hưu. Em được đưa vào ngôi nhà đằng sau cửa tiệm cầm đồ, cách với nó bằng một cánh cửa lưới sắt. Cũng như mọi hôm, cụ hưu ở trong căn buồng sâu tận cuối ngôi nhà.

‒ Ối dào, cậu Uno đấy à! (Thực ra, tên em là Unokichi nhưng không biết ông cụ đã quen xén bớt mất phần sau từ hồi nào. Em có ác cảm với cách gọi này vì nó giống như người ta gọi người làm). Nào, nào, vào đây chơi cái nào!

Coi bộ cụ đã uống nhiều rượu. Mặt mày đỏ ké tận mang tai. Đang ở trong nhà mà cụ quấn chăn len và rúc vào dưới bàn kotatsuc3 cho ấm. Cụ chào đón như thế với cái giọng đon đả của người dân kẻ chợ đất Edo làm em liên tưởng đến cái mồm mép dẻo quẹo của mấy ông thầy kể chuyện tếu rakugoc4. Chính lúc đó em mới nhận ra kẻ đang ngồi đối diện với cụ và cũng dựa vào cái kotatsu là một người đàn bà mình ngờ ngợ chưa hề gặp bao giờ. Khi em bước vào phòng khách thì người đàn bà đó đang chống cùi chỏ trên mặt bàn và hai đầu gối để lệch qua một bên, chỉ có khuôn mặt và phần trên thân mình quay về hướng em. Khi em nói “đầu” và “mình” xoay về phía em là bởi vì lúc đó hai phần đó như là biệt lập, mỗi phần trong đôi mắt em đều đem đến ấn tượng là nó có một vẻ đẹp riêng. Nói gọn hơn, lúc đó em không hề có cảm tưởng là chỉ có nguyên một “thân hình” đang xoay lại phía em mà thôi. Có thể tóm tắt là cái khuôn mặt sáng láng thanh tú và cái vóc người mảnh mai mềm mại lần lượt đưa về phía em những cơn sóng nhỏ, hết đợt này tới đợt khác. Và sau khi đã truyền đến nơi này rồi, những làn sóng đó vẫn còn lay động dìu dặt trên những vùng cơ thể ví dụ như đi từ chiếc cổ dài qua khe hở chiếc kimono có hoa văn để xuống đôi vai và lăn tăn đọng lại. Tất cả như gieo một ấn tượng về vẻ đẹp mỹ miều và nhục cảm nơi người con gái. Một trong những nguyên nhân khiến em suy nghĩ như vậy cói lẽ là vì ảnh hưởng do quần áo nàng mặc. Nếu đem so sánh với cách ăn mặc theo thời trang màu sắc chói chang bây giờ thì cách ăn mặc của nàng, kimono nhã nhặn với hoa văn tôzanc5 cổ hơi lớn và vạt lại quá dài, hầu như không còn đúng điệu nữa. Cụ hưu cứ tỉnh như không, đưa mắt nhìn nàng và em một hồi rồi nói:

‒ Cậu Unokichi đấy. Bà con xa với tôi, hiện là sinh viên trường mỹ thuật. Ba cậu dưới quê có gửi gắm thành thử tôi cũng cố giúp cậu ấy đến đâu hay đến đấy…

Rồi cụ him híp mắt, nở một nụ cười hơi khó hiểu. Như thế, tuy làm như tròn phận sự giới thiệu cô ta với em nhưng thật ra không có một câu nào để cho em biết người con gái ấy là ai.

‒ Em tên Fumi. Mời thầy ngồi chơi!

Người con gái như e thẹn, lúng búng mấy tiếng trong miệng rồi cúi đầu chào.Tôi cũng vui vẻ cúi đầu đáp lễ nhưng không khỏi có một tình cảm kỳ lạ như mình đang bị hồ ly tinh dụ dỗ.

‒ Người này ắt là cô hầu non của ông ta!

Tôi chắc mẩm trong bụng như thế và nhìn trộm nét mặt cụ hưu, dưới lỗ mũi đỏ hằn hai nếp nhăn to như khắc vào, đổ xuống cái miệng rộng toác mang cái tên dị dạng gamaguchi “hàm ếch”c6 vẫn không ghìm nổi một nụ cười gây khó chịu. Thế nhưng bên trong tiếng cười ấy, ta có thẻ suy đoán một hàm ý một khẳng định:

‒ Đúng như cậu đoán, cô này là người thiếp của tôi. Tôi mới đưa cô ta về đây chưa được bao lâu!

Không những thế, em nhận ra ngay cô là người rất đỗi được cụ hưu yêu dấu.

Chẳng hiểu đâu là nguyên do chứ khó lòng nói cô là một người hoa nhường nguyệt thẹn. Sở dĩ ông cụ yêu, phải chăng vì cô có ở đâu đó trên khuôn mặt và trong vóc dáng những nét phù hợp với mỹ cảm của người dân kẻ chợ như cụ thôi. Nghĩ đến đấy, em mới suy ra cái nụ cười của ông cụ như có nghĩa là:

‒ Sao cậu thấy tôi đào ra được một em ngon lành chưa!

Em cảm thấy trong thái độ của cụ ngầm chứa sự đắc ý như thế. Một cô hầu mà lại mặc một chiếc áo kimono quá dài, có mái tóc đen ánh mượt mà như nước sơn, tóc lại búi theo kiểu tsubushishimadac7 như thế thì không hợp, dáng dấp đó chỉ tạo cho cô cái vẻ một cô geisha đang ra tiếp khách. Thế nhưng cô phải lên khung như thế với cái cổ kiểu tôzan thì mới đúng sở thích ông cụ, nghĩa là sở thích tinh tế của một người ăn chơi sành sỏi đất Edo, và cái suy xét như thế của em lúc đó, thầy sẽ thấy, đã được kiểm chứng không bao lâu sau.

Nếu so sánh giữa đàn bà Nhật và ngoại quốc thì em yêu chuộng vẻ đẹp phụ nữ nước ngoài hơn nhưng cũng chẳng có lý do gì mà ghét bỏ một người đẹp hầu như đầy đủ tiêu chuẩn để thỏa mãn sở thích của dân Edo. Dĩ nhiên, không phải sự toàn bích mà là một vài khuyết điểm trên đường môi nét mũi của cô gái mới tạo ra một ấn tượng tuyệt vời về sự hài hòa và thanh tao. Để cho người đàn bà có thể toát ra được một vẻ đẹp như thế, cô ta phải có một vài chỗ bất toàn, dĩ nhiên chỉ ở mức độ cần thiết.

Khuôn mặt cô ta tròn và cân đối như quả trứng nhưng thon lại phía dưới cằm để tạo thành hình trái xoan, đôi má tuy có hơi hõm vào nhưng không hề đem đến cho khuôn mặt một ấn tượng cứng rắn, bởi vì, khi nàng thốt ra một lời nào, cử động của làn môi như dâng lên từng cơn sóng nhỏ tiếp nối nhau về phía đôi má, gợi ra một cảm tưởng dịu dàng và vun vén.

Đường nét vầng trán cũng gọn gàng tuy tóc mọc không đến độ cân đối để có thể ví nó với hình dáng đỉnh núi Fujic8. Hai món tóc tỏa ra hai bên trán, mặt cũng như trái, có vài chỗ hơi thưa và cao tuy rằng lại phủ xuống vừa vặn ở ngang tầm đuôi mắt. Đôi chỗ đường nét không hoàn toàn thẳng thớm này tuy khiến cho mái tóc không đúng hình thù ngọn Fuji lại làm vầng trán được thoáng hơn, như thế, giữa màu tóc đen nhánh, một phần của vầng trán trắng phau len vào và như được phủ bằng một màu xanh mơ hồ. Nó không chỉ đem đến cho vầng trán, chính ra là hẹp, có những biểu hiện đa dạng cũng như sự bình yên thanh thản khó lòng mà diễn tả và còn làm tôn lên màu đen của mái tóc.

Cặp lông mày dày hình vòng cung, nhưng may mắn là khác với trường hợp mái tóc viền quanh trán, màu hung hung và thưa hơn nên không tạo ra một vẻ nghiêm khắc. Mũi nàng cao và thanh, trông thật xinh nhưng vẫn không được hoàn hảo. Hai bên thành mũi hơi mọng, chỗ đường cong chạy từ lông mày xuống thấy thô thô, và phần trên hai cánh mũi lại phồng lên, hơi nhũn, làm liên tưởng đến thịt hai bắp chân. Thế nhưng, theo em nghĩ, đem gắn một cánh mũi hoàn hảo như tượng điêu khắc lên khuôn mặt này sẽ làm cho nó có một vẻ lạnh lùng. Mũi tròn trĩnh như hòn bic9 thì không nên có nhưng một đầu mũi tròn đầy gợi được cho ta cái gì phúc hậu, đáng yêu.

Tiếp theo là cái miệng. (Cứ đem kể từng chi tiết một trên khuôn mặt với một lối viết vụng về như thế này, chắc em đã làm bận mắt thầy. Thế nhưng nếu em không trình bày rõ ràng về hình thù khuôn mặt của cô gái thì lòng em không yên. Em muốn cho thầy biết đầy đủ về nét đẹp và cái duyên dáng của người con gái đó. Vì lý do trên, dù có bực mình xin thầy cảm phiền thầy chịu khó cho).

Khuôn mặt nàng thon lại như một quả trứng thắt đáy. Bên trên cằm là một cái miệng nhỏ xinh xắn trông vừa khéo, và chỗ dễ thương rất là con gái đất Edo hơn cả, là cái một dưới hơi trề ra một tíc10. Vâng, đúng thế, nếu cái môi dưới này lại thụt vào như người thường thì nó sẽ làm cho nàng có dáng nghiêm nghị hơn nhưng có lẽ sẽ đánh mất đi vẻ khêu gợi và tinh ranh. Nhưng nói đến tinh ranh thì phải nhìn nhận là tất cả sự tinh ranh nằm trong đôi mắt. Hai con ngươi màu đen, lấp lánh như lưu ly mở thật to, nằm giữa đôi lòng trắng ánh lên màu xanh xa cừ. Chúng như đang ranh mãnh chui xuống nằm dưới đáy sâu của một làn nước trong vắt tắm trong những tia sáng xuyên qua, tựa hồ những con cá nhanh nhẹn thoăn thoắt đang làm bộ nằm bất động để vây kỳ nghỉ ngơi. Giống như những cọng rong che chở thân cá, riềm mi viền quanh đôi mắt dài đến nỗi, khi nàng nhắm mắt, như thể phủ gần đến phân nửa gò má. Em chưa từng thấy ai có cặp lông mi vừa đẹp vừa dài đến thế, nhiều khi tự hỏi dài như thế thì nó có làm vướng mắt nàng lúc nhìn hay không. Mỗi lúc mắt nàng mở ra, em không còn phân biệt được đâu là mi đâu là tròng đen, như thể con ngươi đã ra khỏi vị trí của nó để hợp lại thành một với riềm mi.

Nước da của nàng làm tôn cái đẹp của đôi mi và đôi mắt. Nàng chỉ trang điểm sơ sài, một điều hiếm có đối với những cô gái thời đó (nhất là một người từng có quá khứ geisha). Không hề chói mắt, màu trắng ngà không hồng hào của làn da như phát ra một làn ánh sáng mờ ảo như trong một giấc mơ. Chỉ có đôi mắt đen nháy lộ ra rõ ràng, sinh động như con cánh cam đang bò trên tấm giấy trắng. Em không hề khoa trương quá mức về vẻ đẹp của người con gái này. Tình thực, em cảm thấy thế nào thì cứ nguyên như thế mà trình bày lại thôi.

Nếu như mọi lần thì cuộc đi chúc Tết của em đã phải đến giờ chấm dứt rồi nhưng em có cảm tưởng như vừa mới bắt được vật gì quý báu, ngày hôm đó đã ngồi ì suốt từ sáng đến hai ba giờ chiều, vừa ăn cơm trưa vừa ra sức tiếp chuyện cụ hưu. Được người đẹp chuốc chén, cụ hưu đã say nhưng em nhớ hôm đó mình cũng uống khá say.

‒ Này cậu Uno, xin lỗi cậu chứ tôi chưa từng được xem tranh của cậu bao giờ nhưng nghe đâu cậu học vẽ tranh kiểu Tây. Thứ chân dung bằng sơn dầu này kia, chắc cậu khá thành thạo đấy chứ nhỉ?

Cụ hưu bất chợt đặt câu hỏi đó. Em nghĩ trong người cụ, lúc ấy rượu đã khá thấm.

Bằng một giọng trìu mến nhưng có phần giả lả, o-Fumi-sanc11, vươn nhẹ cái gáy ra khỏi cổ áo dài, quay về phía tôi và chìa đôi môi trề ra như làm điệu, nói:

‒ Có lẽ khá thạo thôi à? Ông này già thật ăn nói không biết điều. Thầy giận cho ổng biết thân đi!

‒ Tôi nói có lẽ khá thạo, có ý gì cười cợt cậu Uno đâu. Mấy người thừa biết tôi là loại người cổ lỗ sĩ, đâu biết thưởng thức xấu đẹp!

‒ Khéo nói ghê chưa! Đã không biết gì sao lại lên tiếng.

O-Fumi san, người dám trả lời đốp chát với cụ hưu như vậy chỉ là một cô bé đầu năm nay mới vừa 17 tuổi. Trước mỗi lời cô trách móc, cụ hưu chỉ biết tìm cách chống chế, bên đuôi mắt và trên khóe miệng phảng phất một nụ cười như diễn tả một niềm hạnh phúc. Cụ như còn muốn phô trương thật lộ liễu sự hân hoan ấy và điều này ngược lại đã làm cho chính em đâm ra mắc cỡ. Đôi lúc, cụ bảo:

‒ Ái chà, trả lời sao đây ta? Lại thua con nhỏ này keo nữa rồi!

Rồi sau đó làm bộ đưa tay gãi đầu, ra chiều hết sức sợ sệt. Nhìn quang cảnh, tôi biết cụ đã trở thành một đối tượng hết sức thích hợp cho o-Fumi-san mặc tình vo tròn bóp méo, có thể bảo chẳng ai còn phân biệt được giữa cụ và một đứa bé sơ sinh. Tính tuổi tác ba người đang ở trong gian buồng này thì lúc đó cụ hưu 61, em 19 còn o-Fumi-san, như vừa nói, mới có 17 và là người trẻ nhất. Thế nhưng, theo lời ăn tiếng nói mà xét thì có thể nói là thứ tự hoàn toàn đảo ngược. Khi đứng trước mặt o-Fumi-san thì cả cụ hưu lẫn em đều có cảm tưởng là bị đối xử như con nít không bằng.

Còn chưa hết ngạc nhiên khi nghe cụ hưu đem chuyện tranh sơn dầu ra bàn ở đây, em mới vỡ lẽ là cụ muốn đặt em vẽ cho o-Fumi-san một bức chân dung bằng sơn dầu.

‒ Không biết loại tranh nào đẹp hơn tranh nào nhưng có lẽ sơn dầu thì sát sự thật hơn tranh Nhật chứ nhỉ!

Cụ hưu nói như thế, hẳn có ý muốn cậy em vẽ o-Fumi-san làm sao càng hiện thực càng tốt. Em không biết mình có vẽ được đúng ý của cụ không để có thể đáp đợi lòng trông đợi của cụ. Tuy nhiên trong bụng em nghĩ đây là một cơ hội tốt để mình có thể gần gũi với cô gái và ý nghĩ đó khiến em không còn chần chờ gì mà không nhận lời đề nghị. Như thế, từ đó mỗi tuần em đến nhà cụ hưu độ hai lần và o-Fumi-san ngồi làm mẫu cho em làm công việc đó.

Trong xóm buôn bán bình dân ở Tôkyô này, hầu hết những căn nhà cổ của thương nhân, gọi là akindoya, thường cất theo một kiểu giống nhau, nghĩa là có một lối đi hẹp dẫn vào những căn phòng khá rộng, nhưng càng đi sâu vào bên trong thì ánh sáng càng lúc càng yếu, đến nơi giữa ban ngày mà có cảm tưởng mình đang ở trong hang động. Căn nhà dòng họ Tsukakoshi cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Căn phòng của cụ hưu, nằm mãi bên trong, đặc biệt lù mù. Những khi thời tiết xấu một chút thì mới hơn ba giờ chiều đã tối om om, không còn đủ ánh sáng để đọc báo. Nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán là lúc ngày hãy còn ngắn cho nên mỗi lần em ở trường về vòng ngang qua đó, khi ở ngoài đường trời hãy còn sáng nhưng vào đến trong nhà cụ hưu thì trời đã tối hẳn. Ngồi vẽ tranh sơn dầu trong tình trạng như vậy thật là vô lý. Ánh sáng cần thiết dựa vào đó mà vẽ tranh chỉ vỏn vẹn vài vệt nắng đến từ cái sân trong rộng chừng 5 tsuboc12 nằm trước căn phòng. Đó là thứ nắng nhợt nhạt buồn bã mà mặt trời chiều mùa đông bỏ lại trước khi ra đi, phản chiếu vào trong nhà một cách hờ hững. Khuôn mặt thon như một hạt dưa, o-Fumi-san ngồi lặng yên trong bóng tối, hai vai buông xuôi và cánh cổ dài vươn ra khỏi cái cổ áo, là một hình ảnh dễ thương đến độ thần kinh em phải ngất ngây, choáng váng. Nó khiến em nhiều lúc muốn ngưng vẽ để có thể lặng người chiêm ngưỡng những đường nét da thịt thơm tho trắng ngần phản chiếu mơ hồ chút ánh sáng yếu ớt đó.

Đến khi em thật sự bắt tay vào việc, cụ hưu nhận ra cần phải gắn một bóng điện 60 oắt và kèm thêm một cái đèn chạy bằng khí đốt. Cả hai làm sáng hẳn căn phòng nhưng chói cả mắt em. Điều kiện làm việc bây giờ đã được cụ cung cấp quá đầy đủ, bây giờ bước qua giai đoạn khó khăn là xếp đặt vị trí cho người mẫu ngồi thế nào. Bởi vì tự lúc đầu, cụ hưu muốn em thực hiện một bức chân dung, khi em định vẽ một bức họa bán thân hay tương tự thì cụ đã lên tiếng:

‒ Cậu Uno ơi, tôi thấy nếu để cô ấy ngồi mà vẽ y nguyên theo đó thì chẳng có gì hay ho cả. Thế cậu có cho phép tôi nhờ cậu vẽ theo kiểu thấy trên bức ảnh này không?

Cụ ta lục từ trong đáy cái tủ nhỏ ra một tập sách truyện bằng tranh cũ rích cũ re. Cụ lật cái trang có in bức tranh minh họa truyện Inaka Genjic13 của Tanehikoc14 cho em xem. Nếu em nhớ không lầm, đó là tranh của Kunisadac15. Trong bức mộc bản ấy có một nàng con gái trẻ với đường nét của o-Fumi-san, kiểu người đẹp đúng theo quan điểm thẩm mỹ của nhà họa sư. Chân trần lội bộ từ trên con đường quê xa tắp đến nơi, cô gái đang định ghé vào một ngôi chùa cổ bỏ hoang. Vì muốn bước vào trong nên cô tạm ngồi lại bên hành lang, lấy một tấm khăn phủi nhẹ bùn đất lấm vào đôi chân của mình. Nửa phần trên thân hình nghiêng hẳn về bên trái như sắp ngã, chỉ còn dựa được vào mỗi một cánh tay mảnh khảnh. Bàn chân trái buông thõng xuống từ hành lang, đầu ngón chân chấm lên mặt đất, còn chân phải hơi gập cong lại, và cô đang ta dùng bàn tay phải để phủi bùn dính vào gan bàn chân. Tư thế này đòi hỏi người mẫu phải hết sức khéo léo, nó còn chứng tỏ các bậc đại sư tranh ukiyoc16 ngày xưa có khả năng nhận xét nhạy bén biết chừng nào về những nét biến hóa kiều mị trong động thái của người phụ nữ.

Cái gây ấn tượng cho em nhất là họa sư đã giữ được sự quân bình và tinh tế trong cách trình bày cái vẻ mềm mại của tấm thân người đẹp thay vì sự vụng về có thể xảy ra cho nàng khi ở trong tư thế khó khăn như thế này, lúc mà cả tứ chi đang uốn éo một cách phức tạp. Như em đã nhắc đến ở trên, ngực của người đẹp trong tranh nghiêng hẳn về bên trái còn chân phải gập lại trong một tư thế dễ làm mất thăng bằng, chỉ cần kéo nhẹ cánh tay nàng đang chống trên mặt đất là có thể làm cho ngã. Để tránh nguy cơ này, tất cả những cơ bắp trên tấm thân thanh nhã đều căng ra như một sợi thép và làm cho mọi bộ phận cơ thể kết hợp lại thành một hình dáng tuyệt đẹp. Ví dụ như lòng bàn tay trái của nàng, lúc đó, để chống đỡ cái vai, đã xòe ra và chống lên trên mặt sàn hành lang, năm đầu ngón tay như đang co giật. Cũng vậy, bàn chân trái không cắm hờ xuống đất nhưng rõ ràng là nàng gia sức thật nhiều vào đó nên ngón chân cái cong lại theo hình mỏ chim.

Một động tác được họa sư miêu tả linh diệu nhất và sự liên hệ giữa bàn chân phải gập lại, chìa ra phía ngoài và bàn tay người đẹp đang phủi bùn trên đó. Một tư thế như hẳn là cần thiết; bởi vì bàn chân phải đang bị bàn tay phải giữ lấy và bị bắt buộc uốn theo nó, chỉ cần bàn tay ấy buông ra là bàn chân sẽ va mạnh xuống nền đất. Như thế, bàn tay phải vừa nắm chặt lấy bàn chân trong khi vẫn lau chùi cho nó. Em không khỏi khâm phục tài năng và sự khéo léo có một không hai của họa sĩ ukiyoe bậc thầy này. Đáng lý chỉ cần giữ lấy bàn chân và nâng nó lên bằng cách nắm lấy nhượng chân hay bắt lấy cổ chân mà thôi, họa sư đã khéo léo len bàn tay cô gái vào giữa hai ngón chân, ngón thứ ba và thứ tư, để có thể nâng bàn chân mà chỉ cần sức của hai ngón tay. Những ngón chân như tìm cách thoát ra khỏi hai ngón tay nhỏ nhỏ xinh xinh này và đầu gối của người đẹp trong tranh đang co lại, run rẩy vì mọi nỗ lực không đem lại kết quả mong muốn.

Thưa thầy, mong rằng những điều em viết ra đây có thể giúp thầy hiểu được phần nào quang cảnh mà em đang cố gắng mô tả. Một bức tranh vẽ một cô gái đẹp đang đứng thẳng, mắt nhìn về xa xôi, chân tay buông thỏng như cành liễu rũ, hay nằm duỗi dài ra một cách thẫn thờ, có thể làm cho người xem thương cảm đấy; nhưng thể hiện được như ở đây những đường cong như lượn sóng và căng thẳng như chiếc roi mà không làm thương tổn đến vẻ đẹp đặc biệt đó, chắc chắn là cả một thử thách khó khăn. Bức họa vừa mềm mại vừa rắn rỏi, vừa căng thẳng vừa tinh tế, vừa mạnh mẽ vừa yếu ớt. Xúc động gây ra bởi nỗ lực muốn diễn tả cái đáng yêu của nó có thể so sánh với cái nghị lực sinh ra từ tuyệt vọng giúp con chim oanh cố gắng tiếp tục hót trong khi cổ đã đau như bị xé rách.

Thực ra, để lột được nét đẹp của tư thế này, phải vẽ được sự sống tiềm ẩn trong từng bắp thịt của mỗi đầu ngón tay, ngón chân. Không thể biết là họa sư có cố tình sử dụng một bút pháp khoa trương khi tạo ra tư thế khó thực hiện này hay không nhưng sao em chẳng thấy có gì giả tạo. Muốn biểu lộ cái nhục cảm của tư thế này thì vóc dáng người trong tranh phải mảnh mai, uyển chuyển và xinh xắn. Nếu vẽ một người mặt vừa xấu, chân ngắn, cổ núc nác thì đâu ai thèm nhìn. Nhất định là lúc sửa soạn vẽ bức tranh này, Kunisada đã có dịp chứng kiến tận mặt một mỹ nhân như thế đang đứng trong tư thế tương tự, bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của nó nên đem ứng dụng vào trong tác phẩm. Nếu không, làm gì chỉ bằng cách dựa vào sự tưởng tượng mà thôi, ông lại có thể miêu tả hiện thực như thế được.

Em đã hết điều thưa gửi là không thể nào theo đúng ý của cụ, dựa theo chi tiết trên tấm mộc bản mà vẽ hình o-Fumi-san bằng sơn dầu. Dù muốn thử lửa đi chăng nữa,với trình độ kỹ thuật còn non kém của mình, em không làm cách nào vươn tới nghệ thuật của Kunisada thấy trong bức mộc bản. Tiếng là không biết gì về hội họa Tây Phương nhưng khi đặt điều kiện làm việc như thế với em, kể ra cụ đòi hỏi hơi quá đáng. Trong đầu, có thể cụ nghĩ rằng ngay cả tranh mộc bản hai màu đen trắng mà đã đẹp và sống động như thế, thì bây giờ thử hỏi với một người mẫu bằng xương bằng thịt, có khó gì mà không vẽ cho đẹp hơn khi sử dụng kỹ thuật sơn dầu.

Tôi lễ phép từ tạ, nhắc cụ năm lần bảy lượt là nếu muốn đạt kết quả như thế bằng lối tranh sơn dầu, chẳng những phải có cái thiên khiếu, tài năng và kinh nghiệm vẽ tranh như họa sư mộc bản Kunisada, chứ không phải của anh họa sĩ quèn, chưa nắm được bí quyết của người xưa, như tôi. Nói cách mấy, cụ cũng chẳng chịu nghe. Cụ cho khênh ra giữa nhà một cái chõng bằng tre, loại chõng thường đặt trong vườn để ngồi hóng mát mùa hè. Cụ bảo o-Fumi-san ngồi lên đó và van nài tôi đẹp xấu hay dở mặc lòng (vì mình không có óc thẩm mỹ) cứ vẽ cho cụ cái cảnh nàng đang phủi chân, chỉ cần giông giống người mẫu cụ đưa ra là đủ thỏa mãn. Cứ làm thử đi, nói vô phép chứ tốn bao nhiêu tôi cũng trả.

‒ Thôi mà, đừng nói vậy tội nghiệp. Nhờ cậu giúp cho một lần đi!..............

Cụ hưu cứ lập đi lập lại kiểu đó, cúi đầu nhờ vả em cho kỳ được. Không biết cụ đùa hay thực lòng mà cái miệng cứ dẻo quẹo, dai nhách, có muốn cắt lời cũng không được. Đồng thời, cái miệng toang toác có hỗn danh “hàm ếch” nở một nụ cười cầu tài trông thật khó ưa. Ngày thường, cụ là một người thực thà, giản dị và biết điều nhưng không dè hôm nay lần đầu tiên tôi mới thấy từ bên trong ló ra cái tính ngoan cố đó. Thái độ đeo dính như đỉa, quấn quýt chân người ta, đối với em, đúng là một phát hiện không ngờ. Gương mặt của cụ lúc này trông thật lạ lùng. Cách ăn nói vẫn giống ngày thường, thái độ không có gì thay đổi so với mọi lần nhưng ánh mắt của cụ không biết lúc nào đã hoàn toàn đổi khác. Miệng vẫn nói chuyện với em đấy nhưng mắt lại nhìn đăm đăm vào một vật gì khác bên ngoài, tròng mắt đầy tia máu và đồng tử như đang bị hút sâu vào trong hố mắt, nhìn vào có thể nghĩ cụ ta đang có một sự chuyển biến tinh thần đột ngột vốn là một triệu chứng điên loạn. Trông thần mắt cụ, thấy ngay nó có chôn dấu một cái gì dị thường. Em đột nhiên trực giác là đằng sau kiểu nhìn của cụ có cái lý do để cho bà con họ hàng sinh lòng oán ghét. Cùng một lúc, trong châu thân, tôi cảm thấy có một chấn động gây ớn lạnh.

Đặc biệt là trực giác của tôi đã được xác nhận đúng qua thái độ lúc đó của o-Fumi-san. Khi thấy ánh mắt của cụ hưu thay đổi, nét mặt nàng sa sầm như muốn nói: “Lại nữa rồi!”. Hơi chau mày, nàng khe khẽ chậc lưỡi “Suỵt!” để lưu ý, rồi như thể một bà mẹ đang trách mắng đứa con ngỗ nghịch:

‒ Sao vậy ông? Thầy Uno nói không được, ông còn nài ép làm chi, hỏi có đi đến đâu không! Tui chưa thấy ai cứng đầu như ông. Trước hết, tôi sẽ không chịu làm cái việc kỳ cục vô duyên là ngồi lên cái chõng ngoài vườn mà ông đem đặt ở giữa nhà đâu. Không, không, ngàn lần không!

Vừa nói, nàng vừa trừng mắt nhìn ông già. Cụ ta mới van xin lạy lục, nịnh nọt đủ điều để nàng nguôi cơn giận và để cho nàng chịu ngồi lên chõng phủi chân. (Dĩ nhiên trong lúc làm đủ màu mè để thuyết phục nàng, miệng vẫn cười đon đả nhưng chỉ có đôi mắt là càng ngày càng đanh lại và hằn lên những tia máu). Quên hẳn thân phận của mình, tôi cảm thấy không khỏi đồng tình với thái độ của o-Fumi-san. Lý do là họa sư Kunisada vì tình cờ bắt gặp cô gái đang làm động tác phủi chân nên mới đưa hình ảnh đó vào tranh mình chứ bị áp đặt phải ngồi xuống theo một tư thế nào đó thì quả là một việc khó khăn cho người mẫu. Chưa chắc cô ta có thể ngồi yên lâu hơn ba phút. Dù nói thế, một người bản chất ngang ngược và ích kỷ như o-Fumi-san lại chấp nhận đòi hỏi của cụ hưu một cách khá dễ dàng, bởi vì trong khi ra rả em chả em chả, cô đã chịu đến ngồi lên chiếc chõng. Tôi thầm nghĩ chắc hành động này phải có một lý do sâu xa nào đó. Giả sử o-Fumi-san kiên quyết từ chối đến cùng, nói sao cũng không nghe, biết đâu những triệu chứng cuồng điên trong cặp mắt của ông cụ lại không hiện ra rõ rệt hơn trên khắp khuôn mặt rồi biến thành những cử chỉ hay lời nói không kiểm soát nổi khi cơn điên bộc phát! Có lẽ vì sợ điều đó xảy ra cho nên o-Fumi-san đã chịu khuất phục chăng? Ít nhất đó cũng là cách suy luận của riêng tôi.

‒ Tôi nghiệp cho thầy Uno quá đi thôi. Cái ông này khùng đó thầy, em không kềm ổng nổi! Thôi thì thầy có vẽ được hay không cũng không sao, cứ giả đò cho ổng yên, nghe thầy!

O-Fumi-san đang ngồi trên cái chõng, đạo diễn tôi làm như thế. Lời của nàng cũng phù hợp với những điều tôi đang nghĩ trong bụng.

‒ Thế à, vậy để tôi thử vẽ xem.

Không biết làm gì khác, em quay về phía giá vẽ mặc dù trong lòng không có chút quyết tâm là mình sẽ làm công việc đó một cách nghiêm túc. Chỉ nghe theo lời của o-Fumi-san là tránh làm trái ý ông cụ mà thôi.

Rốt cuộc, o-Fumi-san làm như lời cụ hưu dặn. Bắt chước người đàn bà trong quyển truyện, cô chống bàn tay trái lên cái chõng, chân phải hơi gập cong, dùng bàn tay phải nắm lấy đầu bàn chân đưa lên, trông không khác tư thế trong bức tranh chút nào cả. Nói ra thì có vẻ giản dị như thế nhưng phải thưa là lúc ấy sự kinh ngạc của em thật khó lòng diễn tả cho rốt ráo. Lúc o-Fumi-san vừa ngồi xuống cái chõng tre để bắt chước dáng điệu của nhân vật trong tranh thì có thể nói là nàng chợt đã hóa thân thành người đẹp của Kunisada hay gần như thực tướng của người ấy. Mới rồi, em có nói phải có thân hình thật mảnh mai, uyển chuyển, tươi tắn mới ngồi được gọn gàng với cái tư thế đó. Chưa bao giờ mấy hình dung từ này lại có thể thích hợp hơn để miêu tả sự mềm mại xinh đẹp của thân thể o-Fumi-san. Nếu không dưa vào dáng vẻ tuyệt vời của nàng, không tài nào làm sống lại người đẹp trong bức tranh mộc bản ấy một cách hoàn hảo. Khi hãy còn hành nghề geisha, hình như nàng nổi tiếng là người múa giỏi, bây giờ thấy ra, chắc quả là như vậy. Nếu không thế, hỏi làm sao nàng có thể chuyển động thân thể với chừng ấy mềm dẻo và dễ dàng để có thể bắt chước y nguyên tư thế của người trong tranh, một điều khó khăn mà người mẫu bình thường không thể nào làm được. Trong một đỗi lâu, em như người bị hớp hồn, say sưa hết ngắm người trong tranh đến người thật ngoài đời, ngắm đi ngắm lại không biết bao nhiêu lần, hết biết phân biệt đâu là tranh đâu là o-Fumi-san. Đúng như vậy, càng nhìn càng ngắm, càng không nhận thức được có sư khác nhau giữa hai bên. Thân thể của o-Fumi-san, thân thể của người trong tranh, cánh tay trái của o-Fumi-san, cánh tay trái của người trong tranh, những đầu ngón chân trái của o-Fumi-san, những đầu ngón chân trái của người trong tranh....em cứ kiểm điểm từng bộ phận một như thế và nhận ra ở cùng một bộ phận, nơi hai người, bên nào cũng tiềm ẩn một sức sống và một sự căng thẳng như nhau.

Em xin phép kể lại thầy nghe một lần nữa là những đường cong thân hình của o-Fumi-san sinh động và gợi cảm đến mức độ nào. Cho dầu một người mẫu bình thường có thể học đòi bắt chước tư thế của người trong tranh đi nữa, cũng không thể nào làm được như o-Fumi-san, nghĩa là vượt lên cả sự bắt chước. Nàng biết thể hiện cái đẹp trong từng đường nét da thịt trên thân thể trong từng chi tiết, nếu không phải nàng, không ai có thể làm được. Em còn đi đến chỗ muốn nghĩ rằng không phải o-Fumi-san bắt chước người đẹp trong tranh mà chính là người đẹp trong tranh đã đi bắt chước o-Fumi-san. Có nói Kunisada đã dùng o-Fumi-san làm người mẫu cho bức họa của ông ta chắc cũng không ngoa.

Nhưng vì cớ gì giữa chừng ấy tranh ảnh minh họa cuốn truyện, cụ hưu lại chọn tấm này cho o-Fumi-san? Tại sao tư thế của người đẹp trong bức tranh này lại lôi cuốn cụ đến vậy? Bởi vì lòng ham muốn của cụ hưu bộc lộ quá mạnh mẻ khiến em bất giác phải để ý điều đó. Dĩ nhiên là lấy kiểu ngồi như thế này, những đường nét yêu kiều diễm lệ của o-Fumi-san sẽ trưng bày ra rõ rệt hơn là trong một tư thế bình thường. Thế nhưng chỉ có lý do ấy thôi thì không giải thích được thái độ mê đắm, cuồng nhiệt, cũng như cặp mắt lóe lên ánh lửa điên rồ của ông già. Em bắt đầu nghi ngờ là đằng sau “ánh mắt” ấy có chất chứa một sự bí mật và tưởng tượng ra là cái dáng ngồi của người mẫu có chứa yếu tố gì đặc biệt thu hút tâm hồn ông cụ. Kiểu ngồi thường không thể nào cho thấy một phần nào đó của cái đẹp nhục thể ví dụ như cử động của đôi chân trần thoáng hé dưới vạt kimono và đường cong đổ dài từ bắp chân xuống phía những chiếc móng. Vì từ bé, em là người luôn luôn có một khoái cảm dị thường trước vẻ đẹp nhịp nhàng của bàn chân các nàng con gái trẻ nên tâm thần đã mê mẩn ngay giây phút nhìn thấy những đường cong đẹp đến não nùng trên đôi chân trần của o-Fumi-san. Ống chân thật thẳng thớm phẳng phiu như được tỉ mỉ chuốt ra từ lõi gỗ trắng, càng đi về phía nhượng chân càng nhỏ nhắn, thắt lại thật thanh. Cổ chân tiếp tục thoai thoải đổ dốc đến hàng ngón chân đều đặn, nhỏ dần dần, suốt ngón cái đến ngón út. Sự hài hòa này còn rõ ràng hơn cả đường nét trên khuôn mặt o-Fumi-san. Em không dám nói trên đời này không có “khuôn mặt” nào sánh được với khuôn mặt của nàng nhưng đôi “bàn chân” với hình thể gọn ghẽ, đẹp đẽ như chân nàng thì xưa giờ em chưa từng thấy. Thứ bàn chân mà gan chân bèn bẹt, ngón sắp không đều, cách nhau xa tạo thành kẽ hở khó coi, sẽ để lại nơi ta một cảm giác khó chịu như lúc phải nhìn một khuôn mặt xấu xí. Thế nhưng gan bàn chân của o-Fumi no đầy thật thích mắt, mấy ngón chân xếp đều và châu vào như hình chữ m, hàng lối đều đặn như một đường răng khéo trồng. Mấy đầu ngón chân phải có ai dùng kéo để tỉa ra từ shinko, thân củ cải trắng muối xổic17, thì mới đẹp đẽ, ngay ngắn và gọn gàng như thế chứ. Còn những cái móng chân hồng ở mút đầu ngón nữa chứ, biết lấy gì để so sánh! Em muốn ví với những quân cờ vây nhưng chúng lại bé hơn, bóng láng hơn và diễm lệ hơn cơ. Trừ phi một người thợ thật khéo tay, biết dát mỏng và đánh bóng vỏ xà cừ của loại sò lấy ngọc trai, đem hết tâm trí mài giũa từng cái một rồi gắp bằng những chiếc kẹp nhỏ, ghim chúng vào đầu thỏi shinko thì may ra đạt được kết quả tương tự. Mỗi lần được chiêm ngưỡng vẻ đẹp như vậy, em mới thấy Đấng Tạo Hóa quả thật bất công khi tạo ra sự khác nhau giữa người với người. Nơi người ta và muông thú, móng tay mong chân được “mọc ra”. Thế nhưng nơi bàn chân của o-Fumi-san, phải nói chúng đã được “cẩn vào”. Đúng như vậy thật vì mỗi ngón chân của nàng từ khi sinh ra như đã được đính thêm một viên ngọc quý. Nếu đem gỡ chúng từ tay chân của nàng ra để xâu thành chuỗi thì nó đáng gọi là chuỗi ngọc của nữ hoàng.

Hai bàn chân ấy, cho dù có bước lơ đễnh trên mặt đất hay đặt một cách hững hờ lên mặt tấm tatami cũng đã đủ gợi ra cảm xúc mỹ thuật như khi ta đứng trước của một tòa kiến trúc tôn nghiêm. Đó là chưa nói đến phần bên trái của thân hình nàng, có lẽ vì bị ảnh hưởng của cái tư thế nửa thân người phía trên hơi mất thăng bằng vì ngả về một bên, nên duỗi thẳng về phía dưới, cả thân như chịu đựng sức nặng bằng một điểm, nơi đầu ngón chân cái tiếp giáp với mặt đất. Vì vậy lớp da trên mu bàn chân, không những căng thẳng từ gót đến đầu năm ngón chân, còn cho ta cảm tưởng đang co thắt lại diễn tả sự run rẩy, sợ hãi trước một điều gì. (Nói về một bàn chân mà phải dùng những từ ngữ như là “diễn tả” có thể khó lọt tai nhưng em tin rằng, một bàn chân cũng có thể khả năng diễn tả như một khuôn mặt. Em nghĩ chỉ cần xem bàn chân thôi, ta cũng đủ biết đó là loại đàn bà đa tình hay là những con người tàn nhẫn). Bàn chân này của nàng làm em liên tưởng đến một con chim nhỏ cảm thấy bị uy hiếp, đang phồng ngực hít cho đầy không khí và đập cánh chực bay. Mu bàn chân của nàng rướn lên theo hình vòng cung khoe ra những thớ thịt mềm mại, mảnh dẻ, gọn gàng bên trong. Nếu nhìn từ gan chân, ta sẽ thấy năm ngón chân co quắp lại, xếp hàng cạnh nhau như những con sò nhỏ. Bàn chân thứ hai được tay mặt của nàng kéo lên khỏi mặt đất chỉ vài mươi phân, có một lối diễn tả khác. Nếu bảo bàn chân đó “đang cười” chắc sẽ làm một người thông thường vô cùng bỡ ngỡ. Đến thầy hẳn cũng phải lắc đầu cho là kỳ quái mà thôi! Thế nhưng ngoài lối nói “bàn chân đang cười”, em không tìm ra chữ nào để mệnh danh cho thích hợp.

Về hình thái thì ngón áp út và áp út như treo giữa không trung, còn ba ngón còn lại thì rời rạc tạo ra những kẽ hở giữa chúng và vặn vẹo như thể làm duyên. Đúng như thế, khi ta cù lét ai thì trong lòng bàn chân người đó, từ gót cho đến mấy ngón, thường thấy có hiện tượng này. Vì nó xảy ra trong khi chọc cười bằng cách cù chân, dù có gọi là bàn chân đang cười thì cũng chẳng có gì quá đáng. Em vừa nói là bàn chân biết làm duyên. Nhượng chân và các ngón cong vòng theo hai hướng đối nghịch, tạo nên một chỗ hõm ở chính giữa, toàn thể bàn chân trông giống dáng một con tôm bện bằng rơm dùng để trang trí vào dịp Tết nhất. Em thấy tư thế này dù ai nhìn cũng phải công nhận là lẳng lơ và khêu gợi. Nếu không phải là người giỏi về múa như o-Fumi-san để có những động tác mềm mại và nhuần nhuyễn, thì không thể nào uốn được bàn chân một cách gợi tình như thế được. Ta có cảm tưởng đây là động tác một điệu vũ khi người đàn bà tình tứ và yêu kiều đang để thân hình mình uốn éo mê hoặc.

Còn một chi tiết khác không thể bỏ qua nữa là gót chân tròn đầy của nàng. Nơi những người đàn bà bình thường, giữa nhượng chân và gót chân thường bao giờ cũng có một khấc gãy, thế mà điều này không thấy tí ti nào nơi o-Fumi-san. Em đi qua đi lại nhiều lần sau lưng nàng dù không có lý do đặc biệt, cốt chỉ để ngắm nghía cho thật trọn vẹn nét đẹp của gót chân nàng vì không thể nhìn rõ ràng nếu đứng đằng trước. Tuy cái nhìn của em kín đáo nhưng vẻ đẹp bàn chân đã để lại ấn tượng sâu đậm trong đầu óc. Em tự hỏi xương thịt đã được cấu tạo như thế nào để có một gót chân êm ái, tròn trịa và mịn màng đến như thế! Từ khi O-Fumi-san sinh ra cho đến năm mười bảy tuổi, có lẽ gót chân này chưa bao giờ phải dẫm lên những vật gì cứng rắn hơn là mặt nệm và mặt chiếu. Em còn nghĩ là trước một bàn chân yêu kiều như thế, thà mình hy sinh cái kiếp đàn ông để làm cái gót dính sát vào bàn chân ấy, chắc còn được hạnh phúc hơn nhiều. Nếu không được như thế thì cũng muốn hóa thành tấm chiếu để nàng dẫm bước lên trên. Nếu so sánh xem sinh mạng của em và gót chân của o-Fumi-san xem cái nào quý hơn thì em xin trả lời đó là gót chân của nàng. Nếu vì cái gót chân ấy thì dù phải chết em cũng cam đành.

Hai bàn chân bên mặt và bên trái của o-Fumi-san đều đẹp như nhau, làm sao tìm ra được một cô chị với cô em tài mạo song toàn đến thế. Và cũng như hai chị em, không phải chúng đẹp mỗi người một vẻ và đang tranh đua nhan sắc đó sao?

Tuy em đang cao hứng dùng hết lời lẽ để phô trương cái đẹp của đôi chân O-Fumi-san, trước khi dứt lời, xin thầy cho em nói thêm một điều nữa thôi. Đó là màu sắc của làn da đang bao bọc lấy đôi chân. Cho dù hình thù có hoàn chỉnh đến đâu, nếu nước da xấu thì không thể nào nói là đẹp được. Em nghĩ o-Fumi-san phải hết sức tự hào về đôi chân của mình và những khi nàng bước chân vào phòng tắm, đã chú ý đến nó không thua gì khuôn mặt. Dù sao, biết ngay là làn da này phải được kỳ cọ chăm sóc kỹ lưỡng suốt năm nên mới được trắng trẻo ngọc ngà, tươi tắn và bóng láng như thế. Không đâu, vì thực tình mà nói, chưa chắc loại ngà nào có được cái màu trắng thần bí linh thiêng của nó. Trừ phi thử rót vào bên trong lớp ngà đó dòng máu ấm của một người con gái trẻ hay một thứ chất lỏng nào có tính thần bí tương tự thì may ra mới tạo được màu sắc kỳ dị mong muốn. Nếu nói về màu trắng của đôi chân thì không chỉ toàn một màu trắng, bởi lẽ vùng chung quanh gót và móng chân của nàng đượm một màu hồng thắm như cánh tường vi, chung quanh viền một màu hồng nhạt, nó làm em liên tưởng những quả dâu hồng rưới đầy sữa tươi, món ăn mùa hè. Màu hồng chất ngọt của quả hòa với màu sữa trắng, cái màu ấy như đang chảy men theo từng đường cong bàn chân o-Fumi-san. Không biết điều em nghi ngờ có quá đáng hay không nhưng biết đâu nàng chấp nhận làm người mẫu trong tư thế khó khăn này chẳng qua là để phô trương đôi bàn chân tuyệt đẹp của mình?

Nếu nói về tâm tình của em đối với bàn chân của một người khác phái thì – chỉ cần đứng trước bàn chân của người đàn bà đẹp – là trong lòng em đã dậy lên một tình cảm ngưỡng mộ không sao kìm hãm nổi. Tâm lý đó giống như sự sùng bái thần linh. Tác dụng tâm lý do bàn chân gợi lên đã tiềm tàng trong nơi sâu thẳm nào đó của lòng em. Trong tâm hồn thơ dại của đứa con nít, em vẫn hiểu được đó là tình cảm bệnh hoạn và đã cố gắng mọi cách để dấu diếm nó trước mặt người khác. Thế nhưng việc khám phá ra rằng không phải chỉ có mình mình là mang một tâm trạng hầu như điên rồ ấy, và những tín đồ của tôn giáo bái vật lấy bàn chân của người khác phái làm đối tượng, hạng người phải được gọi là Foot-Fetischistc18 còn đầy dẫy trong xã hội…là điều em mới đọc qua sách vở từ độ sau này thôic19. Kể từ ngày đó em vẫn nghĩ rằng ít nhất mình phải có một người đồng đạo nào đâu đó không xa nên đã âm thầm tìm gặp cho bằng được. Thế nhưng chưa gì thì giờ đây đã có cụ hưu Tsukakoshi hiện ra nhập bọn với em. Cụ hưu là người chưa từng đọc những tác phẩm về tâm lý học mới ra đời, chắc chắn cụ chẳng hiểu những từ chuyên môn như Foot-Fetischism là gì và cũng không thể nào ngờ trong cõi đời này, mình lại có thể có nhiều bầu bạn đến thế. Có lẽ giống như cách nghĩ của em hồi còn nhỏ, cụ cũng tin rằng mình là người duy nhất đã vướng vào thói tật xấu xa gớm ghiếc ấy. Một người trẻ như em còn có thể tha thứ được chứ cụ hưu đây vốn là ăn chơi dân lõi đời ở cái đất Edo thanh lịch mà còn mang một não trạng bệnh hoạn của con người hiện đại như thế thì cụ không khác gì một kẻ sinh ra nhầm thế kỷ. “Tại sao một người thanh lịch như ta mà lại vướng vào cái bệnh quái gở này?” Phải chăng đó là câu hỏi cụ nhiều khi cau mày tự đặt ra cho mình, và không khỏi lo lắng nếu có ai biết được thì khốn. Nếu tôi không là nạn nhân đang chia chung một vận hạn với cụ hưu và nếu từ buổi đó tôi không nhìn cụ với một tia nhìn dò xét thì có lẽ cụ sẽ giữ bí mật của mình ở tận đáy lòng rồi. Bởi vì tự phút đầu, em đã nghi ngờ có gì không ổn ngấm ngầm trong thái độ của ông già và theo dõi cụ, lại từng chứng kiến kiểu nhìn lấm lét như kẻ cắp của cụ về phía bàn chân của o-Fumi-san, em mới nói như khơi gợi:

‒ Xin lỗi thưa với cụ chứ hình dáng bàn chân cô đây đẹp hết chỗ nói. Cháu đã quen nhìn người mẩu phụ nữ ở trường mỹ thuật rồi nhưng chưa thấy bàn chân nào xinh đẹp, hoàn hảo đến mức này cả.

Vừa dứt lời, em đã thấy mặt của ông cụ ửng đỏ và đôi tròng mắt long lanh một cách dị thường, miệng nở một nụ cười khinh khỉnh như muốn che dấu cái thâm ý cực kỳ xấu xa của mình. Do đó, em đành phải đứng ra tích cực giải thích là đường nét bàn chân quan trọng đến mức nào đối với sắc đẹp nhục thể của người phụ nữ, và việc tôn thờ một bàn chân đẹp cũng chỉ là chuyện thế gian thường tình. Nghe thế, cụ mới dần dần an tâm trở lại và từ từ để lộ cái đuôi ra.

‒ Này, cụ hưu ạ! Hồi nãy cháu có phản đối cái gợi ý của cụ thật nhưng bây giờ mới biết khi đòi hỏi cô đây phải ngồi làm mẫu với tư thế trong tranh thì quả là cụ có lý chứ chẳng chơi. Tư thế này giúp cô bộc lộ không sót một nét đẹp của bàn chân. Cụ cứ nói mình chẳng biết tí gì về hội họa thì không đúng chút nào ạ!

‒ Ấy chết. Xin cảm ơn. Cậu Unokichi đánh giá như thế thì tôi hết sức sung sướng. Mà này, chuyện bên Tây tôi không biết ra sao chứ đàn bà Nhật từ xưa vẫn tự hào là có bàn chân đẹp. Cậu cứ xem, các cô geisha thời Mạc Phủ, mùa đông cũng không chịu mang tabi bởi vì cố ý khoe bàn chân đẹp. Đó là cái nét phong lưu các nàng phải có để nuông chiều khách. Ngày nay các cô geisha khi ra tiếp khách lại đi tất tabi, so với thời xưa, thật chả ra làm sao. Hơn nữa, các cô bây giờ đâu có ai được một bàn chân đẹp, cho nên mới hiểu tại sao cho dù được van nài, họ cũng từ chối không cởi tabi ra. Nhưng riêng o-Fumi vì có đôi chân thật đẹp, đúng là một ngoại lệ, nên tôi cứ nhất quyết đòi hỏi cô ấy lúc nào cũng chớ có mang gì trên đó cả.

Nói đến đây, cụ hưu hất cằm lên xuống, gật gù ra chiều mãn nguyện.

‒ Nếu cậu Unokichi hiểu được bụng dạ tôi thì tôi không biết nói gì hơn. Dù cậu không vẽ bức chân dung ấy được như ý muốn, chẳng hề hấn gì cả. Cho nên, cậu ạ, nếu chỗ nào rắc rối, cậu cứ phiên phiến. Chỉ xin cậu vẽ thật tỉ mỉ phần bàn chân cho tôi !

Rốt cuộc, ông cụ đã thừa thế nói ra những gì em đã dự tưởng. Trong khi bao người khác chỉ cần vẽ mặt – một điều có thể gọi là đương nhiên ‒ thì cụ ta lại muốn vẽ đôi chân. Chuyện cụ ta mắc cùng một chứng bệnh như em thì chỉ cần nhìn qua chứng cứ này cũng quá rõ.

Kể từ hôm đó, hầu như không ngày nào em không ghé qua chỗ của cụ. Ngay lúc ở nhà trường, hình ảnh bàn chân o-Fumi-san vẫn cứ lúc ẩn lúc hiện trước mắt, đến nỗi em không mó tay vào được công việc gì cả. Nói như thế không có nghĩa là mỗi khi đến nhà cụ em đã dồn hết tâm lực cho cái việc cụ nhờ đâu. Về việc bức tranh thì em cứ vẽ vời dối dá cho qua, chỉ cùng với cụ hưu hết giờ này đến giờ khác ngắm nghía nét đẹp bàn chân o-Fumi-san rồi trầm trồ, tấm tắc. Cô nàng hình như cũng biết tỏng thói tật của cụ hưu nên đôi lúc tuy để lộ ra ngoài vẻ mặt không vui nhưng vẫn chịu khó làm người mẫu, nói chung là chỉ ngồi im lặng mặc cho em và cụ trao đổi câu chuyện. Tuy gọi là người mẫu nhưng cô ta không phải làm mẫu cho người khác vẽ mà chỉ là một cái cớ. Cô được bày ra đó để hai cặp mắt mê mẫn sắp hóa khùng của cụ già và chàng trai phóng lên trên đó những tia nhìn đắm đuối. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh đương sự thì mới thấy cô phải chịu đựng những tia nhìn hết sức khó chịu. Làm mẫu mà lại trở thành đối tượng để tôn thờ nên vị trí của cô thật khó xử. Đến mức này em mới thấy rõ là sinh ra với đôi bàn chân đẹp là đã vướng vào điều phiền não. Một người đàn bà bình thường dĩ nhiên mạnh tay từ chối công việc gàn dở như thế, nhưng, vốn tính ranh mãnh, o-Fumi-san biết giả tảng ngây thơ chiều ý ông cụ. Cô ta trở thành món đồ chơi của người đàn ông thật đấy, nhưng vì chỉ cần đưa đôi chân trần ra cho xem và được tôn thờ là đã đem đến niềm vui tột cùng cho ông cụ, cho nên đối với cô, điều đó đâu có nhọc nhằn gì!

Dần dần khi quan hệ giữa ông cụ và em càng gắn bó, ông mới lộ thói tật của mình nhiều hơn. Phần em vì bản chất hiếu kỳ, cũng tìm mọi cách đốc thúc để ông cụ bày tỏ thêm. Để thực hiện mục đích đó, em cũng phải cho cụ thấy nơi em cũng có những khuynh hướng khó được người đời chấp nhận. Có điều là em tìm cách làm cho quá quắt hoặc tô vẽ thật xấu xa khi kể lại những kinh nghiệm cá nhân với ý định giúp ông cụ trút bỏ hết mọi ngượng ngùng. Khi nghĩ lại, em thấy rằng động cơ hướng dẫn hành động của mình hồi đó không chỉ vì muốn biết bí mật người khác nhưng hẳn phải có một sự thèm thuồng thích đào bới tận đáy sâu tâm lý chính con người mình. Có thể là, khi đóng vai trò bạn đồng chí hướng với cụ hưu, em muốn dò thấu cái khoảng tối tăm đó qua sự chia sẻ cùng một định mệnh với cụ. Khi em mở rộng lòng mình, cụ đã đón nhận với tất cả sự đồng cảm và kể lể cho em không chút che đậy tất cả kinh nghiệm bản thân, từ ngày còn thơ cho đến lúc bước vào tuổi lục tuần. Nó còn kỳ cục, xấu xa, độc đáo và phong phú hơn cả những gì đã xảy ra cho em nữa. Em không muốn thuật lại làm chi những điều cụ thổ lộ ở đây vì sẽ làm cho thầy chán ngấy lỗ tai. Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra một bằng chứng về hành vi kỳ quái của cụ mà thôi thì thưa thật, không phải đây là lần đầu tiên cái chõng tre được cụ cho đem đặt giữa căn phòng. Cụ đã nhiều lần khóa trái cửa nẻo, đặt O-Fumi-san lên cái chõng đó và đóng trò như một con chó, đùa nghịch bàn chân của nàng. Cụ khẳng định rằng với cái trò chơi ấy, cụ còn tìm ra một niềm khoái lạc to tát hơn là khi được nàng xem như ông chủ.

Đúng vào tháng ba năm nay, cụ hưu mới chính thức làm xong thủ tục hưu trí nghĩa là trao trọn tiệm cầm đồ cho vợ chồng con gái và dọn về ngôi biệt thự ở Shichiri-ga-hama. Lý do đưa ra bề ngoài là theo lời khuyên của thầy thuốc, hai chứng tiểu đường là lao phổi đã đến lúc trầm trọng, cụ cần đổi gió, thế nhưng tình thực là cụ ra riêng để hú hí với o-Fumi-san cho thỏa thích và tránh được con mắt dòm ngó của người đời. Tuy vậy, từ khi dọn nhà, sức khỏe của cụ xuống cấp thấy rõ thành thử lý do gọi là bề ngoài đó đã trở thành lý do thực sự. Bệnh tật không làm thay đổi cái tính bướng bỉnh: tuy bị tiểu đường, cụ vẫn tiêu thụ một lượng sake đáng kể cho nên sức khỏe cụ có suy sụp cũng không đáng ngạc nhiên. Ngoài ra, cái đáng lo là chứng ho lao lại tiến nhanh hơn cả bệnh tiểu đường. Cứ chiều đến thì cụ lại sốt khoảng băm tám, băm chín. Người đã gầy sẳn, bây giờ cụ rạc ra thấy rõ. Chưa được mươi lăm hôm, cụ xuống sắc đến nỗi không ai nhận ra. Cụ không còn có thể vui đùa quậy phá với O-Fumi-san được nữa rồi. Trong ngôi biệt thự đâu lưng vào sườn núi, nơi từ đó có thể nhìn ra cảnh biển tuyệt đẹp trước mặt, có một gian hướng ra phía nam có nắng và rộng mười tấm tatami đặc biệt dành cho chủ nhân. Cụ hưu suốt ngày gối đầu nằm dài xuống sàn, nhìn ra ngoài hàng hiên sáng sủa, không hề di động, trừ ba bữa cơm trong ngày. Đôi khi sau một trận thổ huyết, cụ lại ngửa khuôn mặt nhợt nhạt lên phía trần nhà, cặp mắt nhắm nghiền như thây chết. Có bác sĩ S. từ bệnh viện X. ở Kamakura đến chẩn mạch cho cụ hai hôm một lần.

‒ Cụ nhà ta không khá! Nếu sốt không hạ, coi bộ chẳng còn bao lâu...Giỏi lắm, kéo thêm một năm nữa là cùng.

Đó là những lời bác sĩ nói với cô hầu non như để nhắc nhở. Tình hình sức khỏe càng tuột dốc, cụ càng đâm ra khó ở. Mỗi bữa cơm, cụ đều chê là món ăn không vừa miệng, và đổ lỗi lền đầu O-Sada, người đàn bà giúp việc.

‒ Làm sao tôi nuốt được cái món nhạt nhẽo như thế này, hử? Bộ chị tưởng tôi ốm rồi khinh thường tôi đấy phỏng?

Với cái giọng khàn đặc, cụ than vãn, cụ văng tục. Lúc thì nhiều muối nên mặn quá, khi thì bỏ lắm mirinc20 thành quá ngọt, ra vẻ ta đây ăn uống sành sỏi, cụ trách móc đủ điều. Nhân vì từ lúc ngả bệnh, miệng cụ không còn phân biệt được các vị nữa cho nên cứ đưa thức nào ra, dù ngon cách mấy, cụ cũng không thỏa mãn. Mỗi lần như thế, cụ lại cáu kỉnh, không ngớt chĩa mùi dùi hạch sách o-Sada.

‒ Sao lại cứ ăn nói vô lý như thế, hở ông?....Cơm không ngon đâu có phải lỗi của o-Sada! Tại miệng ông ăn hết biết mùi vị rồi. Đau ốm không biết thân mà còn nói hành nói tỏi! Thôi, o-Sada ơi, chị cứ mặc kệ. Ông ấy chê thì cho ông ấy nhịn!

Mỗi khi cụ hưu dấm dẳng là o-Fumi-san mắng át giọng như thế. Bị cô ấy kê tủ đứng, cụ mới chịu im cho. Cụ sụp mắt xuống và thu người lại chẳng khác nào con sên bị người ta ném muối lên người. Lúc ấy mới thấy o-Fumi-san chẳng khác nào ông thầy dạy mãnh thú đang trị một con cọp hay sư tử, khiến cho người đứng bên cạnh nhìn vào không khỏi khiếp sợ.

Cái ông già bẳn tính khó chiều đến thế mà không biết tự lúc nào đã phải bó tay chịu phép dưới quyền uy của o-Fumi-san. Dạo đó, đôi khi cô ta không biết bỏ nhà đi đâu, khi thì nửa buổi, khi thì trọn ngày, để mặc con bệnh nằm nhà:

‒ Hôm nay tôi phải lên Tôkyô, có mấy thứ mua sắm!

o-Fumi-san buông thõng một câu như thể đang nói một mình, chẳng đợi cụ hưu ừ hử gì cả, đã hấp tấp sửa soạn rồi đi cái vù. Trông cách ăn mặc và son phấn của cô nàng thật diêm dúa, không thích hợp với việc ra chợ mua sắm tí nào. Hành động ngoại tình của o-Fumi-san hết sức trắng trợn, như thể cô chẳng kiêng nể ai cả (Đúng vậy, phải nói đó là một hành động ngoại tình chứ không dùng được chữ nào khác. Bởi vì khi cụ hưu mới qua đời chẳng bao lâu, với mớ tài sản kết xù vừa lọt vào tay mình, cô đã kết hôn với gã T., nguyên kép hát. Có lẽ từ dạo cụ còn đó, cô nàng đã lén lút gặp gỡ anh chàng). Sở dĩ gia đình quyến thuộc không ai dám nói một câu bởi vì từ lâu họ đã ngán ngẫm cái tính si mê đến bệnh hoạn của ông cụ. Phần cụ hưu, người đang ở trong tình cảnh không biết chết sống ngày nào, nếu có bị cô hầu non bạc bẽo hành hạ hay phản bội cũng là việc có thể đoán trước được. Bà con của cụ nghĩ rằng cụ chỉ đang gặt hái những gì cụ đã gieo ra mà thôi. Mặt khác, nếu ta đặt mình vào địa vị của cô hầu non, hãy còn quá đẹp và quá trẻ, mà bị bắt buộc chầu chực ngày này qua ngày khác bên cạnh một cái thây sống dở chết dở để nhìn mãi cái màu không thay đổi của mặt biển, thì mới thông cảm cho nỗi bực dọc của cô ta. Từ buổi đầu, cô đã chẳng có một chút cảm tình nào với cụ, cái gì vơ vét được thì cô vét gọn cả rồi, cụ hưu lại đang lâm bệnh nặng và bị thân bằng quyến thuộc bỏ rơi nên cô nàng mới nghĩ không lý gì phải chờ đợi lâu la, đây đã đến lúc cho ông lão thấy được tình cảm thật của mình.

O-Fumi-san biến mất như thế ít nhất năm ngày một lần. Người bệnh tỏ ra hết sức bực dọc mỗi lần cô ta vắng nhà. Trong khi một câu nói của cô gái đủ làm cho cụ hiền lành ngoan ngoãn như một chú mèo thì chỉ cần cô ấy đi khuất là cơn thịnh nộ của cụ đùng đùng đổ lên đầu chị người làm. Đang hùng hùng hổ hổ nhưng hễ nghe tiếng guốc geta báo hiệu o-Fumi-san sắp về là cụ giả vờ nhắm mắt ngủ và ngưng tất cả những hành vi chống đối. Thái độ tiền hậu bất nhất của cụ trông hài hước đến nỗi O-Sada cũng không khỏi tức cười.

Ngoại trừ o-Fumi-san, trong ngôi biệt thự còn có thêm ba người khác nữa: chị giúp việc o-Sada, em đây và một anh đàn ông phụ trách tắm rửa cho cụ. Nhân vì o-Fumi-san khôn còn ngó ngàng gì đến ông cụ, o-Sada phải kiêm luôn cả nhiệm vụ y tá. Tuy bác sĩ nhiều lần thôi thúc cụ đặt một người y tá chuyện nghiệp bên cạnh nhưng cụ nhất nhất từ chối. Có lẽ dù đã liệt giường, nhấc người lên không nổi, nhưng cụ không bao giờ muốn những hành vi bí mật của mình bị tiết lộ. Chắc cụ cho rằng sự hiện diện của người y tá nào đó có thể làm cụ hết thoải mái trong khi đi tìm khoái lạc. Chỉ có ba người chia sẻ với cụ bí mật ấy: o-Fumi-san, chủ nhân của đôi bàn chân xinh đẹp, em và chị giúp việc o-Sada.

Từ khi cụ hưu dọn về sống ở Kamakura, em thường xuyên lui tới thăm viếng, không phải bản thân o-Fumi-san mà chỉ vì đôi chân của nàng đã khiến em nhung nhớ vô kể. Phần nàng, vì không thể kiếm cớ bỏ nhà đi mãi được, cũng như cần người nói chuyện cho đỡ chán, đã tiếp nhận em với tất cả sự thân thiết. Từ dạo đó, em thường trốn học và xuống ở lì suốt hai ba hôm liền dưới Kamakura. Tuy nhiên, cái người còn mong đợi một cách nồng nhiệt những chuyến thăm viếng của em hơn cả o-Fumi-san, chính là cụ hưu. Đó chỉ là chuyện tự nhiên thôi. Bởi vì làm sao cụ có thể thỏa mãn hết dục vọng của mình nếu không được em tiếp sức? Đối với một người đã liệt giường liệt chiếu như cụ thì sự có mặt của em cũng quan trọng như o-Fumi-san vậy. Nhất là khi cụ, vì nằm mãi trên giường nên lưng đã lở loét và không còn đủ sức lết ra tới nhà vệ sinh. Cụ hết giả làm chó để đùa nghịch được nữa rồi, chỉ còn biết thừ ra chiêm ngưỡng đôi chân của o-Fumi-san mà không biết phải hành động như thế nào. Cụ xin cô hầu non ngồi lên chiếc chõng tre mà cụ đã cho dọn đến cạnh đầu giường và bắt em đóng vai con chó trong khi cụ mê mãi nhìn tấn tuồng xảy ra trước mắt. Em tưởng tượng ra những lúc như thế, ông cụ phải chịu một sự xúc động ghê gớm, có hại cho sức khỏe đã suy nhược của cụ. Riêng em cũng phải thú thực có cảm thấy một sự thỏa thích trong khi đóng vai con chó. Do đó, em đã vui lòng chấp nhận lời yêu cầu của cụ. Nhiều lúc, không để cụ phải nhờ, em đã tự ý bày ra lắm trò điên loạn. Trong khi viết những dòng chữ này, những hình ảnh ấy như hãy còn nhảy múa sống động trước mắt em. Ôi chao, cái cảm giác em nhận ra khi bàn chân của o-Fumi-san lướt trên mặt em làm lồng ngực em tràn trề hạnh phúc. Em, người được nàng đưa chân dẫm lên còn có diễm phúc hơn cả cụ hưu, lúc ấy chỉ biết say đắm chong mắt ra nhìn. Tóm lại, em đã thay thế cụ hưu để tôn vinh bàn chân của o-Fumi-san, trình bày trước mắt cụ bao nhiêu là quang cảnh thần tiên, tạo cho cụ dịp được thờ phượng nó. Còn o-Fumi-san, khi thấy hai người đàn ông lăng xăng quấn quýt bên đôi chân mình như trước món đồ chơi, có lẽ cười chúng em là một lũ đã hóa khùng rồi cũng không chừng.

Cái khuynh hướng lệch lạc cuồng bạo của cụ hưu, được trợ lực bằng sự đồng lõa có một không hai của em, trở thành mãnh liệt theo đà tàn phá của chứng lao phổi ngày một trầm trọng. Em không thể bảo mình hoàn toàn trong trắng bởi vì chính em đã bày trò đưa đẩy ông lão đáng thương kia xuống đáy vực này. Thế nhưng giờ đây, cụ ta không chỉ bằng lòng đóng vai trò một người xem suông mà còn đòi hỏi em phải để cụ tự tay đụng vào đôi bàn chân của cô hầu non, điều mà cụ xem như là một quyền lợi

‒ -O-Fumi-san ơi, tôi sắp hết số rồi. Em có thể nào đưa bàn chân dẫm lên mặt tôi một ít lâu không. Được như vậy thì có xuống suối vàng, tôi cũng không còn gì ân hận…

Trong khi đờm rãi còn mắc nghẹn trong cổ họng và giữa tiếng thở khò khè đứt quãng, cụ hưu thì thào cầu xin. Nghe thế, o-Fumi-san cau đôi mày liễu, khuôn mặt nàng đau khổ như người vừa đạp phải một con giun đất, rồi chẳng nói chẳng rằng, cô lấy gan bàn chân mềm mại của mình đặt lên khuôn mặt tái mét của con bệnh. Dưới bàn chân mỹ miều, tràn đầy sinh lực, con bệnh với khuôn mặt đã lạc thần và gầy gò bất động, như đang chìm đắm trong một niềm ngưỡng mộ vô biên. Ông cụ giống tảng băng sắp sửa tan thành nước dưới ánh sáng mặt trời ban mai, tràn đầy sự biết ơn vì đã đạt được hạnh phúc tột cùng, người duỗi ra nhè nhẹ tưởng chừng sắp sửa bước vào giấc ngủ vĩnh viễn. Đôi khi, vẫn trong cùng một tư thế, ông cụ lại đưa hai bàn tay khẳng khiu lên khỏi đầu để thử sờ vào đôi chân của o-Fumi-san.

Đúng như lời tiên đoán của bác sĩ, kể từ đầu tháng hai năm nay, bệnh tình cụ hưu đã bước vào giai đoạn nguy kịch. Thế nhưng cụ vẫn còn tương đối tỉnh táo, đôi khi như chợt nhớ ra, thường hay đòi hỏi bàn chân của người thiếp yêu. Cho dù hết còn thiết gì đến ăn uống nhưng mỗi khi o-Fumi-san tẩm một chút sữa bò hay miếng xúp vào một mảnh vải đưa lên miệng cụ và dùng mấy ngón chân để giữ miếng vải đó là thấy cụ cứ mút lấy nó một cách tham lam như người bị bỏ đói quá lâu. Đầu tiên, cách thức này được cụ khám phá ra, rồi khi bệnh trở nặng, nó đã thành một thói quen. Nếu có ai từ chối cho cụ ăn kiểu này, cụ bướng bỉnh không chịu đụng vào các món khác. Ngay cả o-Fumi-san, khi cho cụ ăn cũng chỉ được phép dùng chân chứ không được dùng tay.

Hôm cụ lâm chung, cả o-Fumi-san và em đều túc trực bên giường từ buổi sáng. Đến ba giờ chiều thì bác sĩ có mặt, chích cho cụ một mũi dầu long não rồi về. Cụ hưu lên tiếng:

‒ Thế là hết! Tôi sắp tắt hơi rồi. …O-Fumi, o-Fumi ơi, em cứ để nguyên bàn chân ở đó cho tới khi tôi nhắm mắt, nghe em! Tôi muốn được chết với bàn chân của em dẫm lên mặt!...

Hơi của cụ yếu ớt tưởng chừng nghe không rõ nhưng mỗi chữ đều phát âm ràng mạch. O-Fumi-san vẫn giữ thái độ cố hữu, không nói không rằng, gương mặt kiêu kỳ, còn bàn chân thì đã đặt lên khuôn mặt con bệnh. Từ lúc đó cho đến khoảng năm giờ rưỡi chiều là lúc ông cụ trút linh hồn, trong suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ, cô cứ phải đứng dẫm liên tiếp nên đã mỏi chân, đành ngồi xuống cái chõng tre, thế rồi, hết chân phải sang chân trái, thay phiên nhau mà dẫm. Cụ hưu trước sau chỉ gật đầu và se sẽ nói có một lời:

‒ Cảm ơn em ….

Thế nhưng o-Fumi-san chỉ lặng thinh, không chút phản ứng. Không biết có phải là em tưởng tượng quá mức hay sao mà lúc đó thấy nơi khóe miệng nàng phảng phất một nụ cười nhạt như muốn nói: “Làm sao bây giờ! Ổng ta chẳng còn bao lâu nữa, thôi mình ráng chịu khó thêm chút nữa!”.

Ba mươi phút truớc giờ ông cụ ra đi vĩnh viễn, Hatsuko, cô con gái của cụ đã tất tả chạy từ cửa tiệm gốc ở Nihonbashi đến nơi, và dĩ nhiên là cô ta phải chứng kiến cái quang cảnh vừa lạ lùng, vừa nực cười, nói chung là quái đản này. Thay vì buồn thương trước phút lâm chung của cha già, cô chỉ thấy khiếp sợ dựng cả tóc gáy, mặt cúi gầm cứng nhắc, không nỡ đưa mắt nhìn. Tuy nhiên o-Fumi-san trước sau vẫn dửng dưng, như muốn nói rằng vì được nhờ nên cô bắt buộc phải làm và tiếp tục đặt bàn chân của mình giữa khoảng đôi mày của cụ hưu. Phải ở trong địa vị của Hatsuko thì mới rõ cô ta khổ tâm biết chừng nào, thế nhưng o-Fumi-san thì vẫn là o-Fumi-san, có lẽ tình cảm thù địch của nàng đối với gia đình ông cụ đã khiến cho nàng cố ý giữ thái độ như thế để trêu ngươi tất cả bọn họ. Tuy vậy, thái độ cứng cõi ấy lại có một kết quả không ai chờ đợi là đem lại cho con bệnh một nguồn an ủi không gì to lớn hơn. Chính nhờ o-Fumi-san xử sự như vậy mà ông cụ đã nhắm mắt ra đi trong niềm hoan lạc. Trong khi cái chết gần kề, cụ đã được bàn chân của người đẹp như một chòm mây tím21 buông xuống tự trời cao đến tiếp dẫn linh hồn.

Thưa thầy,

Đến đây em xin phép chấm dứt câu chuyện ông lão Tsukakoshi. Bắt đầu em chỉ muốn thông tin sơ qua cho thầy thôi, rốt cuộc đã viết vòng vo kéo ra dài dòng đến thế này. Em hết sức hối hận vì mình không biết thu vén câu chuyện nên đã làm thầy mất bao nhiêu thời giờ quý báu. Thế nhưng chuyện đời cụ hưu mà em vừa thuật ra ở trên, chắc cũng có điểm nào đó đáng cho thầy để mắt tới, phải không ạ? Ví dụ chuyện nói trên muốn chứng minh cho ta rằng tính tình con người ở đời vốn bắt nguồn từ những cội rễ rất sâu xa. Lối hành văn của em hãy còn vụng về nhưng em tin chắc rằng, nếu được thầy ra tay sửa chữa những chỗ khiếm khuyết, bản văn này có thể dùng làm chất liệu để viết thành một truyện ngắn, đó thầy.

Đến đây em xin dừng lời và kính chúc thầy đạt nhiều thành công trên trường văn trận bút.

Một ngày tháng 5 năm thứ 8 đời Taishô

Trình trước án thư nhà văn Tanizaki.

Noda Unokichi kính bút.

NNT (Tokyo, ngày 6 tháng 6 năm 2008)




Tư Liệu Tham Khảo:


  1. Tanizaki Jun.ichirô, 1981, Fumiko no ashi, trong Toàn Tập Tanizaki Jun.ichirô, quyển thứ 6, trang 357-393, Chuô Kôron, Tôkyô xuất bản, tái bản lần thứ nhất năm 1992. Nguyên tác Nhật ngữ.

  2. Lévy-Faire d’Acier, Madeleine, 1986, Le Pied de Fumiko, dịch sang Pháp văn từ Fumiko no ashi, đăng trong Tanizaki Oeuvres, Tome I, trang 431-458, Gallimard xuất bản, 1997.




Chú Thích Của Người Dịch:


c1Để ý đến lối chơi chữ của Tanizaki: Fu (Phú). Mi (Mỹ). Ko (Tử), chỉ người con gái đẹp. Ngoài ra danh động từ Fumi đến từ động từ Fumu có nghĩa là dẫm lên, đi lên trên, chà đạp.

c2Hangyoku nhận phân nửa tiền thù lao trong khi ippon lấy nguyên.

c3Bàn có phủ chăn bông dưới mặt bàn, bên dưới thường có lỗ khoét trên nền nhà đặt lò sưởi. Ngày nay, kotatsu không cần khoét lỗ nữa vì gắn lò sưởi điện

c4Truyện tếu bình dân với kết luận không ngờ. Nội dung châm biếm hoặc khôi hài, thường là do những người chuyên nghiệp gọi là rakugoka trình diễn.

c5Âm Hán gọi là “đường sạn”: áo dệt kiểu bình thường bằng sợi vải thường, nhã nhặn, không kiểu cách.

c6Thật ra phải dịch “miệng cóc” nhưng lối ví von này hơi xa lạ với độc giả Việt Nam.

c7Một kiểu bới tóc của geisha hay đào hát, thành hình củ hành tây dẹp ở đằng sau đầu, bắt nguồn từ kiểu bới tên là shimadamage. Kiểu shimadamage tương truyền do kép tuồng Kabuki tên Shimada Mankichi đề xướng trong năm Kan.ei (1624-44).

c8Nguyên văn Fujigata: hình núi Fuji, có nghĩa là cái trán tròn trịa cân đối với một vết lõm ở giữa, giống như đỉnh ngọn núi lửa Fuji, tựa một cánh quạt xòe đặt ngược.

c9Nguyên văn dangobana : mũi tròn như viên bánh bột gạo.

c10Nguyên tác ukeguchi (miệng hứng), môi dưới hơi trề ra như hứng đồ vật. Đặc biệt Tanizaki cũng có cặp môi như thế này (xem chân dung ở đầu truyện, chụp năm 1964, một năm trước khi ông mất).

c11O-Fumi san là tiếng gọi Fumiko khi ở vị trí một người lạ, còn có khoảng cách, trong khi Fumi và Fumiko là tiếng tự xưng, cũng là tiếng gọi trong chỗ thân tình hay khi đóng vai người trên. Cả ba cùng một nghĩa.

c12Đơn vị đo diện tích đất cát của Nhật, ước chừng 3,306m2,

c13Nguyên văn Nise Murasaki Inaka Genji (Truyện anh Genji nhà quê do bà Murasaki giả mạo soạn), tiểu thuyết phong lưu miệt vườn nhái theo tác phẩm cổ điển của nữ quan Murasaki Shikibu thời Heian.

c14Ryuutei Tanehiko (1783-1842), tiểu thuyết gia bình dân cuối đời Edo.

c15Nhà danh họa thời Edo, Utagawa Kunisada (1786-1864), có nhiều kiệt tác.

c16Tranh lối Nhật miêu tả thiên hình vạn trạng nếp sinh hoạt trong xã hội bình dân.

c17Chính ra phải viết là shinkô (âm o dài), dưa muối xổi bằng củ cải, màu rất trắng.

c18Nguyên văn tiếng Anh.

c19Có thể Tanizaki ám chỉ tác phẩm của Richard von Krafft-Ebing.

c20Một loại rượu ngọt cất từ nếp hay gạo, dùng để gia vị khi nấu ăn.

c21Tín ngưỡng Phật giáo của giới bình dân Nhật Bản cho rằng tu hành được vãng sanh thì lúc lâm chung sẽ được Phật tổ cho một đám mây lành màu tím đến rước về cõi Tây Phương.



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss