Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Nguyễn Du: Bất Mị

Nguyễn Du: Bất Mị

- Nguyễn Du & Phạm Thảo Nguyên — published 17/05/2011 12:20, cập nhật lần cuối 22/05/2011 00:21
Phạm Thảo Nguyên dịch thơ Nguyễn Du và bình chú.

Đọc lại Nguyễn Du


Một bài thơ nhỏ:
Bất Mị


Phạm Thảo Nguyên



Năm 1789, sau trận đại thắng Đống Đa, vua Quang Trung tiến vào thành Thăng Long, áo bào đen màu thuốc súng. Tướng Thanh Tôn Sĩ Nghị cùng tàn quân chạy tơi tả qua sông Hồng về Tàu, chen nhau đến nỗi cầu phao sập đổ. Vua Lê Chiêu Thống và một số quần thần cũng cuống cuồng chạy theo.

Nguyễn Du lúc đó không khác, cố thoát khỏi kinh đô Thăng Long khói lửa, ông tìm cách giúp vua Lê. Thất bại, ông đi giang hồ gió bụi, ăn nhờ ở đậu khoảng mười năm lẩn trốn sợ quân Tây Sơn truy đuổi. Đang là con em quan đại thần đầu triều, bỗng nhiên thi nhân trở thành người không gia đình, không nhà cửa, không sinh kế, tứ cố vô thân. Ông đã từng phải nhận sự thương hại giúp đỡ của người (bài Khất Thực). Cõi lòng đầy sầu khổ, Nguyễn Du bắt đầu viết xuống tâm sự của mình. Cuốn thơ đầu tay Thanh Hiên Tiền Hậu Tập dần hình thành, trong đó có bài thơ Bất Mị. Những tứ thơ như rút ruột viết ra cho ta thấy nỗi lòng đau đớn, hoang mang rất thật của người thơ, chìm trong nỗi cô đơn mênh mông, không lối thoát.




不 寐



Phiên âm : Bất Mị

不 寐 聽 寒 更
寒 更 不 肯 盡
關 山 引 夢 長
砧 杵 催 寒 近
廢 灶 聚 蝦 蟆
深 堂 出 蚯 蚓
暗 誦 天 問 章
天 高 何 處 問

Bất mị thính hàn canh*
Hàn canh bất khẳng tận
Quan sơn** dẫn mộng trường
Chiêm chử*** thôi hàn cận
Phế táo tụ hà ma
Thâm đường xuất khâu dận
Ám tụng thiên vấn chương ****
Thiên cao hà xứ vấn ?


Thơ dịch: Mất Ngủ


Mất ngủ nghe lạnh trống canh
Lạnh hoài chẳng hết trống canh chẳng tàn
Quan san dẫn mộng ngút ngàn
Tiếng chày thình thịch lạnh càng gần thêm
Bếp hoang ếch nhái họp đêm
Góc sâu giun dế bò lên nhà ngoài
Thầm đọc chương tấu “Hỏi Trời”
Trời cao thăm thẳm hỏi nơi chốn nào ?





Bình Chú


* Canh: Ngày xưa một đêm được chia làm năm canh, mỗi canh dài độ hai tiếng đồng hồ. Khi hết một canh, thường có tiếng trống đổi canh, sang canh. Cho nên ta có thể “nghe canh”, và gọi một canh là « một trống canh ».

** Quan sơn: Aỉ và núi, chỉ sự xa cách

*** Chiêm chử: tiếng chầy nện, thường là nện vải vừa dệt xong cho mềm ra. Thời xưa người dân quê thường dệt vải lúc nông nhàn để mặc hoặc bán. Tiếng chầy nện vải rộn ràng khắp miền thôn dã đã tạo nhiều cảm hứng cho các nhà thơ cổ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du.. . Nhưng thời nay ta không còn biết đến nữa.

**** Thiên Vấn: Hỏi Trời, tên một tác phẩm kỳ lạ của Khuất Nguyên (338-288 trước CN), một danh sĩ thời Xuân Thu Chiến Quốc, Trung Hoa. Trong thiên này, Khuất Nguyên kể sau khi bị đuổi, (bị vua đày đi xa ngàn dậm) ông đi vơ vẩn nơi núi, đầm, thấy nước Sở có miếu thờ đấng tiên vương cùng từ đường công khanh, trong có tranh vẽ trời đất, núi sông, thần linh, nhân viết lên vách để hỏi (theo Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu).

Nguyễn Du viết một bài thơ đã hơn hai trăm năm trước mà sao gần hiện thực đến thế. Người đọc như nghe được tiếng, như động được tới cái lạnh, nỗi buồn, những thao thức trong đêm dài … Cùng với thời gian đặc sệt và không gian tuyệt đối trần trụi không ảo vọng, thi nhân thấm thía sự vô cùng cô đơn và hoang mang của con người trước vũ trụ vô tận, vô tình.

Đặt câu hỏi « Hà xứ vấn? » (Hỏi nơi chốn nào ?) là thi nhân đã biết chắc rằng: Làm gì có « ông trời » nào chịu trách nhiệm trước con người mà hỏi!.


PTN

Trích trong cuốn
Đọc Và Dịch Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du,
Thảo Nguyên, 2007, 2009.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Exposition des oeuvreus artistiques et des produits en laque du Vietnam 15/09/2024 - 20/09/2024 — 19-19 bis rue Albert 75013 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us