Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Chiến tranh, thiên anh hùng ca bất khả

Chiến tranh, thiên anh hùng ca bất khả

- Claudio Magris & Vũ Ngọc Thăng dịch — published 07/05/2022 20:55, cập nhật lần cuối 07/05/2022 23:43

Chiến tranh,
thiên anh hùng ca bất khả


Claudio Magris
Bản dịch : Vũ Ngọc Thăng



Franz Joseph, Joseph Roth viết trong Radetzky March, không thích các cuộc chiến tranh, bởi ông biết, « chúng sẽ tự thua mà thôi », nghĩa là, dù kết thúc có thế nào, tất cả các bên liên quan đều thấy mình bị bại trận, sự mất mát trong một cuộc xung đột là không thể bù đắp và hệ quả của nó là khôn lường. Song vị hoàng đế Áo lại thích các cuộc diễu binh, bởi nhìn những trung đoàn vuông vắn răm rắp tiến bước một cách hoàn hảo, giữa những hồi trống dồn, những lá cờ phấp phới và những bộ quân phục bạc màu, ông cảm thấy cái hình ảnh trấn an của tính trật tự, tính cân đối, tính điều hòa, vốn mang lại cho cuộc sống sự đảm bảo về một ngôi nhà thân thuộc mà cuộc chiến thực sẽ gây đảo lộn, dơ duốc, và hủy diệt trong một sự hỗn mang và một cơn nhầy nhụa máu me.


Trong một bài viết, Giorgio Pressburger1 nhận xét rằng từ ba nghìn năm nay, một trong những chủ đề chính của văn học là chiến tranh, và ông tự hỏi, liệu văn học – mà ngày nay dường như im lặng về nó – sẽ phản ứng thế nào với cái trận chiến vốn chưa bao giờ ngủ yên và thật ra vẫn nổ ra ở những quốc gia khác nhau trên trái đất, đã quay trở lại cắt xẻ Châu Âu. Cho đến vài tuần trước đây, nói chung, người ta miễn cưỡng dùng từ « chiến tranh », ngay cả trước những bằng chứng rõ rệt nhất. Chẳng hạn, thật kì quặc khi đọc tin báo chí loan báo đại sứ Ý bị rút khỏi Belgrade: từ nhiều tuần nay NATO đã ném bom Belgrade và Serbia, tàn phá và giết chóc, trong khi những vụ thảm sát đang diễn ra tại Kosovo, và các tờ báo quan ngại rằng biện pháp ngoại giao này có thể gây ảnh hưởng trầm trọng, làm xấu đi quan hệ giữa Ý và Serbia, như thể đó là một cuộc tranh chấp về xuất nhập khẩu cam. Suốt nhiều năm, người ta làm như tin rằng chiến tranh đã thuộc về quá khứ, làm ngơ trước những cuộc xung đột đẫm máu trên trái đất; hôm nay, chiến tranh đang ở thì hiện tại, một mối đe dọa thực sự cho tương lai trước mắt. Rằng nó có tìm được một diễn đạt văn học thích hợp hay không, không mấy quan trọng; bởi đứng trước những nỗi thống khổ và những cái chết tàn khốc, thì sự khác biệt giữa một kiệt tác thơ ca và một bài kiểm trong lớp nói lên được gì đây.


Dẫu sao, như mọi trải nghiệm, chiến tranh cũng sẽ trở thành chuyện kể không tránh được; cuộc chiến ở Bosnia, để nêu một ví dụ, đã tìm thấy một thể hiện mãnh liệt trong Sarajevo Marlboro của Miljenko Jergović. Văn học về chiến tranh phong phú không ngờ với những tác phẩm lớn. Song từ gần hai thế kỷ nay, các nhà văn băn khoăn trong việc làm thế nào để thể hiện chiến tranh; để dẫn chiếu một nhan đề của Kafka, « Mô tả về một trận chiến »2 là một chương lớn của văn học hiện đại, tự nó ngày càng mang tính nan đề. Trong một tiểu luận tuyệt vời, Stefano Jacomuzzi3 đã sâu lắng đương đầu với chủ đề này khi phân tích và so sánh sự kể lại trận Waterloo trong nhiều văn bản văn học khác nhau, từ Những người khốn khổ của Victor Hugo, Tu viện thành Parma của Stendhal, Hội chợ Phù hoa của Thackeray, cho đến Một trăm ngày của Roth.


Tiểu luận của Jacomuzzi mang tựa đề Waterloo: thiên anh hùng ca bất khả? Chiến tranh quả là nhất hạng mang tính sử thi; không vì nó tường thuật những hành vi anh hùng, mà vì, ít ra trong những thể hiện cổ điển, nó dựa trên cái cảm thức về một tổng thể bao quát, siêu vượt cái cá thể, và hình dung cuộc sống như là sự thống nhất mà ở đó các nỗi đoạn trường cá thể hình thành, như những chuyến tàu đắm và những trận phong ba bão táp trong tổng thể đại dương. Trong Iliad, ngay cả khi tranh chấp, các đạo quân Achaean hoặc Trojan không phá hủy tính trật tự và cảm thức về thế giới. Trong trang viết của Hugo – và qua một góc độ hoàn toàn khác, cũng trong trang viết của Roth – người kể chuyện, giữa đám đông chiến trận, bất chấp mọi sự, có khả năng nhận biết một trật tự, một kế hoạch hành động; có khả năng bao quát ánh mắt các cuộc công kích và các cuộc tháo lui, từ đó đảm nhận, có thể trong dại dột và sai lầm, một phương hướng, một lý lẽ; cái cá thể có thể mất mạng trong hoang tàn và thảm bại, song không phải nó không mang tính cao cả, và được sống hòa đồng một cách sử thi, dù nhiều khi không ý thức, với dòng chảy cuộc sống và lịch sử.


Trong tiểu thuyết của Stendhal, trái lại, trận chiến dường như không tuân theo những hoạch định chiến lược, đích đáng hay sai lạc, nó dường như không biết đến trật tự hay lý lẽ; mọi thứ đều hỗn loạn, rời rạc, ngẫu nhiên, những người lính chạy về một hướng, song có thể chạy ngược lại, không có một góc nhìn từ trên cao thu chụp một bức tranh toàn cảnh và vượt trên góc nhìn của người lính nằm bò trên mặt đất tránh những làn đạn, trước mặt chỉ là bùn lầy và những cột khói. Trong tác phẩm của Thackeray, sự hỗn loạn thậm chí còn được nhấn mạnh hơn bằng nỗi hoang mang, ngay cả về thời tính, qua đó tin tức truyền đi và bị tả tơi từ tuyến đầu sang tuyến sau. Dù Roth viết tác phẩm của mình năm 1936 và Tháng 8 năm 1914 của Solzhenitsyn vén mở một sức mạnh sử thi mãnh liệt và hoành tráng, cuộc mô tả về trận chiến thành công hoặc hầu như duy nhất có thể trong văn học là của Stendhal từ thế kỉ trước; thiên anh hùng ca, Jacomuzzi viết, là bất khả. Chiến tranh không còn là diện mạo của một tổng thể khúc chiết theo một lô gích của nó, như trong tác phẩm lớn của von Clausewitz, vốn lấy chiến tranh làm chiếc gương phản ánh một thế giới có thể thu nắm được một cách hợp lý. Cái trật tự đẹp đẽ của các cuộc diễu hành bị đảo lộn trong trận chiến và bị sắp xếp lại, Rezzori4 viết, trong sự đối xứng của những ngôi mộ và những hàng thập tự tại các nghĩa trang.


Chiến tranh trở thành hình ảnh triệt để nhất của cuộc sống dưới dạng vô trật tự, tai biến ngẫu nhiên, may rủi. Trong Tales of Sevastopol của Tolstoy hay trong The Red Badge of Courage  của Stephen Crane5, người ta không hiểu gì về những sự di chuyển của các đạo quân và những kế hoạch phải tuân theo; binh lính và sĩ quan kéo đến và rời đi, dừng lại trên phố, ngưng chiến đấu để ăn uống, tiến lên hoặc bỏ chạy mà không biết về đâu và tại sao, điều tương tự cũng xảy ra trong câu chuyện kể lão luyện của Black Elk6 về trận Little Bighorn, trong đó tướng Custer bị thiệt mạng.


Trong những văn bản này – và trong nhiều văn bản tương tự khác – trận chiến giống như một đám rước, có kẻ nhập vào, có kẻ tách ra đi uống cà phê hoặc về nhà, có kẻ tiện thể, bằng một lối tắt, chuyển sang một khúc khác. Chiến tranh không còn có thể được bao quát trong tính toàn thể của nó, nó vỡ tan thành một đám bụi mù. Ngay cả những nhà văn phân tích những nguyên nhân xã hội và những thao túng ý hệ về nó, nghĩa là, thu chụp nguồn gốc và cơ chế của nó một cách hợp lý, cũng không thể thể hiện nó ngoại trừ như một cuộc chấn động mơ hồ không thể giải mã, bởi đề ra một bức tranh sử thi thống nhất chặt chẽ và hoành tráng hẳn là một sự giả tạo, không phán đoán đích đáng sự mất phương hướng và nỗi hoang mang mà người ta hôm nay đang sống qua, và không thể không bị sống qua: chiến tranh.


Một trong những hình ảnh dữ dội và mang tính trung thực nhất về chiến tranh đã được điện ảnh thể hiện trong phim Apocalypse Now, qua những xen đụng độ đầy ảo giác, trên một giòng sông ở Việt Nam. Thật vậy, về chiến tranh, dường như không thể phơi bày trọn vẹn diện mạo mà chỉ một vài mẩu mảnh của nó. Ngay cả những nhà văn đã đương đầu với nó bằng một cam kết đạo đức kiên định và mang tính suy tưởng, chẳng hạn Gadda7 hoặc Stuparich8, để trung thực, cũng mô tả nó bằng những chi tiết cụ thể đơn lẻ; ai sống với nó như một cuộc khai mở huyền học, như một cơn chuyến choáng dionysus - công nghệ, chẳng hạn Jünger, cũng không thể hiện tính tổng thể, mà chỉ thể hiện những miểng vỡ đâm thấu của nó. Trong một số truyện kể và những vần thơ tuyệt vời của Kipling, trận chiến tồn tại dưới dạng chớp nháng và vụn vỡ, trong âm vang và chi tiết.


Viên trung sĩ trong tuyết của Mario Rigoni Stern9 là một trong số ít tác phẩm mang tính sử thi – trong hơi thở lớn này, có khả năng lên án sự xấu xa tàn khốc của chiến tranh, cùng lúc bày tỏ lòng kính trọng trước những phẩm tính dũng cảm và tình liên đới vốn cũng tồn tại trong nó – song không phải ngẫu nhiên mà tác phẩm này là một Odyssey hơn là một Iliad. Sự khó khăn trong việc thể hiện chiến tranh trở nên hầu như không thể vượt qua đối với Thế chiến II, mà ở đó thiếu vắng, dù đã có nhiều nỗ lực hết sức đáng chú ý – chẳng hạn Thomas Pynchon – một cuộc trần thuật phù hợp với thực tại của nó. Đối với nhiều nhà văn, vách đá này là một nỗi dằn vặt đích thực về sáng tạo, trải nghiệm như là sự thất bại.


Về chiến tranh, người ta chờ đợi ở các nhà văn một cuộc lên án và một cuộc giải huyền thoại; một niềm kỳ vọng bất khả xâm phạm song đôi lúc mang tính ảo tưởng, bởi đã có những nhà văn, ngay cả có tầm quan trọng lớn – chẳng hạn Jünger, và ông không phải duy nhất – đã chào mừng và ái mộ chiến tranh, dù điều này bị coi là không thể hiểu nổi hoặc quái dị. Để giải trừ và chống chiến tranh: văn học không cần đến những thuyết giáo ý hệ, bởi những bài giảng đạo, dù cao quý, không là sở trường của nó; nó cần phô bày và kể lại những sự thực, làm chúng có thể động chạm được bằng tay mà cảm nhận nỗi kinh hoàng. Xem nhẹ cái sức mạnh khủng khiếp của chiến tranh và những gì thúc đẩy việc tiến hành nó, trong lúc tin rằng chỉ cần chút ít cảm xúc tốt lành và vài bài ca trong tiếng đệm đàn ghi ta là đủ để ngăn cản nó, có nghĩa là ngỏ đường cho nó, là không kịp thời chặn đứng cơ chế của nó.


Trong kiệt tác điện ảnh La grande illusion của Renoir, chiến tranh dường như không thể tránh khỏi và không thể cưỡng lại, như thể cuộc sống hầu như không thể tách rời khỏi nó. Chỉ những ai như Renoir mới biết cách phơi bày cái quyền năng quỷ quyệt của chiến tranh trong việc tự tráo đổi nó thành một thiết yếu sống còn, mới biết cách góp phần xua tan sự dụ dỗ của nó, mới không để cuộc sống vô tình trở thành kẻ đồng lõa với nó. Trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, có lần, một nhà lãnh đạo cao tuổi Bắc Việt Nam, cương nghị và nhã nhặn sầu tư nói với đài truyền hình Pháp rằng, đối với những người ở độ tuổi của ông trên những vùng đất này, đã chiến đấu qua nhiều thập kỷ, cuộc sống hầu như đồng nhất với chiến tranh; và điều này, ông nói thêm, là mối hiểm nguy cam go nhất mà chúng tôi phải cảnh giác, cái tập quán coi chiến tranh là cần thiết và không thể tránh khỏi, như cuộc sống, như hơi thở.

________________________

12/7/1999

Vũ Ngọc Thăng dịch


Nguồn: « La guerra, epopea impossibile »,
Alfabeti – Saggi di letteratura, Garzanti 2008


Chú Thích:


1 György Pressburger (1937 - 2017): Đạo diễn, nhà văn, nhà viết kịch người Hungary mang quốc tịch Ý.

2 Tiếng Đức: Beschreibung eines Kampfes (truyện ngắn).

3 Stefano Jacomuzzi (1924-1996): Nhà văn, nhà phê bình văn học người Ý.

4 Gregor von Rezzori (1914 - 1998): Nhà văn, diễn viên, nghệ sĩ Áo.

5 Stephen Crane (1871 - 1900): Nhà thơ, nhà văn Mỹ.

6 Black Elk (1863 - 1950): Lương y, nhà kể truyện, vị thầy tâm linh của bộ lạc da đỏ Oglala thuộc bộ tộc Lakota-Sioux; tuổi trung niên, cải đạo sang Công Giáo, kết hợp với truyền thống tâm linh của mình; năm 2017 Giáo phận Rapid City, South Dakota, đã chính thức mở hồ sơ xin Giáo hội Công giáo phong Thánh cho ông.

7 Carlo Emilio Gadda (1893 - 1973): Nhà văn, nhà thơ Ý.

8 Giani Stuparich (1891 - 1961): Nhà văn Ý.

9 Mario Rigoni Stern (1921 - 2008): Nhà văn Ý, cựu chiến binh Thế chiến II.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us