Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Dịch giả, kẻ-tác-tạo-bất-tận

Dịch giả, kẻ-tác-tạo-bất-tận

- Claudio Magris & Vũ Ngọc Thăng dịch — published 10/10/2022 16:25, cập nhật lần cuối 10/10/2022 18:05

Dịch giả, kẻ-tác-tạo-bất-tận.
Mỗi tác phẩm ẩn giấu một tác phẩm khác


Claudio Magris
Vũ Ngọc Thăng dịch



Từ dưới từ, một bậc thầy ngôn ngữ học như Jean Starobinski viết, khi tham chiếu những phép đảo ngữ của một bậc thầy vĩ đại khác, Ferdinand de Saussure1. Mỗi từ trùm phủ, ẩn chứa và bao hàm một từ khác; và khi ta dùng đến nó thì như ta gạt lớp đất mùn, khơi dậy và làm xuất hiện từ nó những từ khác, những hiện vật bị chôn vùi trong lòng đất hoặc trong ký ức, cá thể và tập thể. Mọi biểu đạt đều can dự đến cái mỏ ẩn tàng này; sự dịch, trước hết, cho mỗi biểu đạt, có nhiều hơn một lựa chọn, một hầm đá kết tầng trong tâm trí tác giả đang dịch và trong các nền văn minh giao thoa trong họ. Dịch không những có nghĩa truyền đạt mà còn có nghĩa tái tạo một câu chuyện, một số phận, làm cho chúng vẫn là chính chúng song đồng thời cũng trở thành những sự khác. Dịch là một hình thức viết, không kém sáng tạo so với các hình thức được gọi là nguyên bản; Vincenzo Monti ghi khắc trong văn học Ý bằng phiên bản Iliad hơn là bằng những vần thơ của mình, và John Dryden coi bản dịch Aeneid là kiệt tác văn chương của mình.

Nói chung, người ta dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, dù nhiều khi – điều hay diễn ra – là từ một văn bản, tới phiên nó, được chuyển ngữ rồi; điều này nhân lên các khúc xạ và khiến cuộc tái tạo sau cùng trở nên gian nan hơn, thậm chí gây bàn cãi, dù không kém phần sáng tạo và quan trọng về văn hóa. Mikaël Gómez Guthart, một nhà văn và nhà nghiên cứu về nhiều lĩnh vực, viết một tiểu luận hấp dẫn và kỳ lạ: Lâm Thư (Lin Shu), tác giả của Quixote2. Lâm Thư, Gómez Guthart kể, là một học giả Trung Hoa tài hoa, họa sĩ, nhà thơ và nhà thư pháp – điều hầu như đồng nhất đối với thẩm mĩ Trung Hoa –, tiểu thuyết gia, song trước hết, là dịch giả. Ông không biết ngôn ngữ của các tác giả mình mang lại cho độc giả Trung Hoa : Balzac, Dumas cha và Dumas con, Hugo, Goethe, Chekhov, Ibsen, Tolstoy, Shakespeare, Stevenson, Cervantes, Montesquieu. Ông cho các trợ lý của mình, những người biết ngôn ngữ nguồn, đọc văn bản, diễn tả bằng tiếng Quan thoại cho mình nghe, và sau đó, dịch chúng, thông qua con mắt của một người khác, như Guthart viết.

Đây chắc chắn không phải là một quy trình mang tính khoa học đúng nghĩa, bởi nó có cơ biến đổi sự dịch, hoặc biến bản dịch thành một biến thể của những phạm vi (chữ nghĩa) chồng lấn nhau. Song ngay cả Isaac Bashevis Singer, dù không biết tiếng Na Uy và tiếng Ý, cũng dịch Hamsun và D'Annunzio sang tiếng Yiddish, truyền bá những kiệt tác này cho người Do Thái ở Trung và Đông Âu. Gombrowicz – Guthart còn đề cập – viết lại tác phẩm Ferdydurke của mình ở Argentina, với sự giúp đỡ của hai nhà văn Cuba không biết tiếng Ba Lan; rồi ông dịch bản (tiếng Tây Ban Nha) này sang tiếng Pháp với sự giúp đỡ của một vị giáo sư, và đấy là cái phiên bản đã từ Pháp truyền đi khắp Âu Châu và thế giới.

Lâm Thư, theo cách tương tự, trở thành dịchgiả-tácgiả của Don Quixote. Trên quan điểm này, cuốn tiểu thuyết là ví dụ, cũng bởi ngay từ nguồn gốc sự viết của nó, đã có cái ý niệm ẩn mật, rằng mỗi văn bản luôn là sự dịch hoặc cuộc làm lại một sư dịch khác; chính Don Quixote, trong sáng tác của Cervantes, hẳn cũng là phiên bản tiểu thuyết của một tác giả Ả Rập. Trong cái trò chơi ánh gương này, Lâm Thư có thể xuất hiện là tác giả của Don Quixote không kém Cervantes. Như thể, bên dưới mỗi tác phẩm, lúc nào cũng có một tác phẩm khác, sự hỗn mang – ban đầu, đồng thời, bên ngoài mọi khuôn khổ thời gian – được Lời sắp xếp và tái tạo mãi. Dịch giả chắc hẳn đã tồn tại trước Tháp Babel. Hầu như trong mỗi loạt tác phẩm phiêu lưu nơi hải đảo hoang dã (Robinsonade), đều có nhiều bản bắt chước và viết lại Robinson Crusoe của thế kỷ 18, kẻ đắm tàu đơn độc trên một hòn đảo tìm thấy những dấu hiệu và bản đồ của một kẻ đắm tàu sống sót khác đã chết nhiều năm trước đó, và đến lượt mình, kể về những kẻ bị đắm tàu trước mình. Sâu thẳm cái giếng quá khứ, dòng viết mở đầu của bộ tứ Joseph và những người anh em của Thomas Mann.

Thày Giovanni Getto của tôi xác định ông tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết ở thế kỷ XVII Historia del cavalier perduto của Pace Pasini – mà tới phiên nó tham chiếu một câu chuyện áp chế về quyền được hưởng đầu tiên (jus primæ noctis) ở vùng Veneto – một kiểu « nguyên bản » giả định của Những kẻ đính hôn (I promessi sposi), do đó càng tạo tầm vóc cho kiệt tác của Manzoni.

Bạn muốn là ai? Đôi khi dường như tác giả hỏi nhân vật mình đang kể như thế; và càng sống động, càng chân thực, thì nhân vật sẽ càng cảm thấy mình tránh được vòng kiểm soát của tác giả, như khi đề cập về Anna Karenina, Tolstoy nói: « Nàng hãy làm theo ý nguyện ». Nhưng có lúc tác giả cũng đặt câu hỏi ấy cho chính mình – những ước mơ, những khao khát, những nỗi bất an, màn sương mù bảng lảng trong bản thân.

Câu hỏi này được đặt ra trong cuốn tiểu thuyết Les passants essentiels của một nhàvăn-dịchgiả độc đáo, Jean Pastureau, người đã dành cuộc đời cùng với vợ mình, Marie-Noëlle, một cách tuyệt vời dịch sang tiếng Pháp những tác phẩm của kẻ khác, đặc biệt của những nhà văn Ý, những bản dịch xuất sắc vốn cũng đã trở thành sự viết cá biệt của ông, cuộc truy tìm mà cũng là cuộc tác tạo của ông về thực tại. Chắc hẳn, đối với Jean Pastureau, không có sự khác biệt giữa việc làm người kể truyện và làm dịch giả, hầu như hai cuộc biên soạn một tác phẩm ngôn ngữ học.

Bạn muốn là ai? Câu trả lời cho câu hỏi này được bao hàm trong chương L'homme à la mallette, có lẽ là chương thú vị nhất của cuốn tiểu thuyết. Một chiếc vali lý tưởng chứa hầu hết mọi thứ – những trang viết, những ý tưởng về những gì sẽ viết, những thứ sẽ dịch, những hình ảnh thôi thúc việc dịch chúng, có thể hôm nào đó trên trang giấy, song chắc chắn ngay lập tức trong tâm trí. Ở đây cũng vậy, từ dưới từ. Sự dịch mang tiềm năng là một thư viện Babel nhỏ và bất tận.

Thư viện này, như trong tưởng tượng của Borges, chứa đựng mọi thứ, mọi văn bản, mọi phiên bản, mọi bản nháp, mọi lời đồn đại về tác giả. Biết đâu, có lẽ Jean Pastureau – như Lâm Thư – trước hết khát khao được làm dịch giả, tức là, nhà-văn-toàn-diện. Chắc hẳn, ông không mang ảo tưởng về các từ của mình, chuyển dịch hay tác tạo. Có lẽ, ông cũng không tìm kiếm sự xuất sắc văn chương. Song, như được phát biểu trong cuốn tiểu thuyết, chỉ có một sự xuất sắc thực sự, đó là « được sống sót ». Sự viết có lẽ là một sợi chỉ Ariadne, không phải để hỗ trợ cho chuyến ra khỏi mê cung, như trong thần thoại cổ đại, mà để thâm nhập vào khắp các phía, chằng cuốn nó, đánh lạc hướng cung đường dẫn chúng ta ra cửa mê-cung-của-cuộc-đời. Một sự viết tìm cách hỗ trợ cho chuyến rời sàn diễn chậm hơn một chút. Chẳng có gì nhiều, song đã là chút gì đó.

Claudio Magris

Vũ Ngọc Thăng dịch


Nguồn: Corriera della Sera, 10/9/2020


____________________


1 Đó là về cuốn khảo luận: Les Mots sous les mots: les anagrammes de Ferdinand de Saussure (1971) của Starobinski.

2 Có thể đọc tiểu luận này ở đây: lin-shu-author-quixote-mikael-gomez-guthart

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss