Dịch giả mắc bệnh chôm
DỊCH GIẢ MẮC BỆNH CHÔM
Dezsö KOSZTOLANYI
Trong cuộc nói chuyện, chúng tôi nhắc tới tên những nhà thơ nhà văn, những người bạn xưa kia đồng hành, rồi một lúc nào đó, nửa đường đứt gánh, mất luôn tăm tích. Có ai còn nhớ... không nhỉ ? Chúng tôi gật đầu, hé môi cười. Nhìn trong mắt nhau, chúng tôi bỗng nhận ra một khuôn mặt tưởng đã quên hẳn, một sự nghiệp gãy cánh, một cuộc đời dang dở. Ai có tin tức gì của... không nhỉ ? Sống chết ra sao ? Câu trả lời duy nhất là im lặng. Trong im lặng, vòng nguyệt quế của vinh quang khô khốc rạn vỡ như những chiếc lá khô trong nghĩa địa. Chúng tôi lặng im.
Cứ thế, nhiều phút, chúng tôi lặng im, rồi bỗng ai đó nói đến tên Gallus.
-- Tội nghiệp anh ta, Kornél nói. Cách đây mấy năm tôi còn gặp. Bảy tám năm rồi, buồn lắm. Anh ta vấp phải một chuyện liên quan tới cuốn tiểu thuyết trinh thám. Bản thân câu chuyện tự nó đã là một cuốn tiểu thuyết rồi, bất ngờ và đau xót chưa từng thấy.
Hoá ra các bạn cũng biết anh ta, ít nhiều cũng là chỗ sơ giao. Tài năng, xuất sắc, trực giác mẫn cảm, văn hoá cao, cần mẫn chi li. Thạo nhiều ngoại ngữ. Rất giỏi tiếng Anh, nghe đồn đã dạy thái tử Anh đấy. Anh ta sống bốn năm ở Cambridge mà.
Tội một cái, anh ta có cái tật quái ác. Không, rượu chè thì không. Chỉ có cái tật là mó tay vào cái gì là cầm nhầm cái ấy. Bạ cái gì cũng thó. Đồng hồ bỏ túi, giầy dạ đi trong nhà, cái ống khói lò sưởi to đùng, cũng chôm tất tật. Bất kể to nhỏ, đắt tiền hay rẻ mạt, cũng chẳng cần biết lấy cắp để làm gì. Cái thú của anh ta, cái thú duy nhất là làm cái việc mà anh ta không thể nào không làm : ăn cắp. Lũ bạn thân chúng tôi tìm đủ cách khuyên bảo. Chúng tôi dùng tình cảm. Chúng tôi mắng, chúng tôi doạ. Anh ta cũng nghe. Anh ta hứa sẽ đấu tranh với bản thân. Nhưng vô phương. Ngựa quen đường cũ, anh ta liên tục tái phạm.
Nhiều lần anh ta bị người lạ chộp được và sỉ nhục giữa nơi công cộng. Có lần bị bắt quả tang, khiến chúng tôi phải tìm cách giải quyết hậu quả hành động của anh ta. Rồi một hôm, trên chuyến xe lửa tốc hành đi Wien, anh ta nhót cái bóp của một tay lái buôn người Moldavia, bị tay này vớ được, tàu đến ga sau, trao ngay cho sen đầm. Thế là anh ta bị còng tay xích chân áp tải trở về Budapest.
Chúng tôi lại tìm cách cứu vớt. Các bạn là nhà văn, các bạn biết sức mạnh của câu chữ. Giá trị một bài thơ, số mệnh một con người, một câu một chữ có thể thay đổi hẳn. Chúng tôi đã tìm cách chứng minh anh ta không phải là một tay ăn cắp, mà là người mắc bệnh chôm, kleptomania. Người quen mới biết là mắc bệnh, người lạ thì đổ tội ăn cắp. Toà án không quen anh ta, nên quy anh ta là ăn cắp và kết án hai năm tù.
Ra tù, anh ta bổ nhào lại nhà tôi, đói meo, rách rưới. Đó mà một buổi sáng tháp chạp, ảm đạm. Anh ta quỳ sụp trước mặt tôi cầu cứu, xin tôi đừng bỏ rơi, van nài tôi tìm cho anh ta một công ăn việc làm độ nhật. Viết bài mà kí tên thật thì không được rồi, ít nhất trong một thời gian. Nhưng ngoài viết lách ra, anh ta chẳng biết làm gì nữa. Tôi chỉ còn cách chạy lại một nhà xuất bản tốt bụng. Được tôi giới thiệu, ngày hôm sau nhà xuất bản trao cho anh ta dịch một cuốn tiểu thuyết trinh thám tiếng Anh. Một cuốn tiểu thuyết sờ vào thì bẩn tay, chỉ đáng vứt vào sọt rác. Không nên đọc làm gì. Chẳng may phải dịch, thì đeo găng tay mà dịch. Nhan đề cuốn truyện, đến bây giờ tôi còn nhớ : Lâu đài bí ẩn của bá tước Vitsislav. Cái tên không quan trọng. Quan trọng là tôi hài lòng vì đã giúp được anh ta, anh ta thì hài lòng vì đã kiếm được cái cần câu cơm. Và anh ta bắt tay vào việc. Làm việc rất hăng, đến nỗi chưa hết kì hạn, chỉ ba tuần sau là anh ta đem nộp bản thảo.
Tôi bật ngửa khi mấy ngày sau, ông chủ nhà xuất bản gọi điện thoại nói bản dịch của anh ta không ra gì cả, dứt khoát ông ta sẽ không trả một xu nhuận bút. Tôi chẳng hiểu gì hết, gọi xe đến ngay nhà xuất bản.
Không nói không rằng, ông ta đặt tập bản thảo vào tay tôi. Anh bạn của chúng ta đánh máy sạch sẽ, trang nào ra trang ấy, lại còn lấy ruybăng màu cờ tổ quốc buộc chung quanh cẩn thận. Đúng là anh ta, và – hình như tôi đã nói với các bạn rồi – về văn chương, có thể tin cậy ở anh ta được, cừ lắm. Tôi bắt đầu đọc bản dịch. Thỉnh thoảng lại xuýt xoa, thú vị. Những câu văn sáng sủa, những chỗ dịch thoát tài tình, những sáng tạo ngôn ngữ hóm hỉnh, thật là một trời một vực so với nguyên tác quá tồi tệ. Tôi ngẩn người, hỏi ông chủ nhà xuất bản phàn nàn ở chỗ nào. Không nói không rằng, ông đưa cho tôi nguyên tác bằng tiếng Anh, rồi bảo tôi so sánh với bản dịch. Tôi đọc liền nửa giờ đồng hồ, đôi măt chăm chú nhìn vào bản chính rồi sang bản dịch. Cuối cùng thì tôi ngã ngửa. Tôi nói với nhà xuất bản, ông có lí, hoàn toàn có lí.
Vì sao ? Bạn đừng đoán làm gì. Thế nào cũng trật. Không phải anh ta đã dịch nhầm một tác phẩm khác. Đúng là Lâu đài bí ẩn của bá tước Vitsislav, bản dịch trôi chảy, điệu nghệ, đôi khi đầy chất thơ. Bạn lại nhầm rồi. Không có chỗ nào anh ta dịch ngược nghĩa cả. Anh ta giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Hung. Bàn đừng đoán làm gì. Chưa bao giờ bạn gặp một ca như vậy. Vấn đề ở chỗ khác. Hoàn toàn khác.
Ngay tôi, cũng phải từ từ, từng bước, tôi mới nhận ra. Nguyên tác tiếng Anh, câu đầu viết như sau : Ngôi lâu đài cổ kính trải qua bao giông tố bão bùng hiện ra nguy nga, sáng trưng ba mươi sáu khung cửa sổ. Phía trên, ở từng lầu thứ nhất, trong gian phòng khiêu vũ, bốn chùm đèn pha lê đua nhau toả sáng... Bản dịch tiếng Hung : Ngôi lâu đài cổ kính trải qua bao giông tố bão bùng hiện ra nguy nga, sáng trưng mười hai khung cửa sổ. Phía trên, ở từng lầu thứ nhất, trong gian phòng khiêu vũ, hai chùm đèn pha lê đua nhau toả sáng... Tôi trố mắt, đọc tiếp. Trang 3, tác giả người Anh viết : Bá tước Vitsislav mỉm cười mỉa mai, rút chiếc ví dầy cộp ra và ném cho chúng số tiền chúng đòi, một nghìn năm trăm bảng Anh... Nhà văn Hung dịch thành : Bá tước Vitsislav mỉm cười mỉa mai, rút chiếc ví dầy cộp ra và ném cho chúng số tiền chúng đòi, một trăm năm chục bảng Anh... Tôi bắt đầu cảm thấy ngờ ngợ, nhưng chỉ năm phút sau, sự ngờ ngợ đã trở thành chắc chắc, và đau buồn. Vẫn ở trang 3, phía dưới, tôi đọc trong nguyên tác : Bá tước phu nhân Eleonore ngồi ở góc phòng khiêu vũ. Bà vận bộ lễ phục dạ vũ, mang trên người những nữ trang thừa kế của dòng họ : trên đầu là mũ miện gắn những hạt kim cương của bà cố, phu nhân của một hoàng thân người Đức, uỷ viên hội đồng cử tri ; quanh ngấn cổ trắng ngần như con thiên nga là chuỗi ngọc trai óng ánh trong muốt ; những ngón tay của bà gần như không động đậy được nữa vì đeo đầy những nhẫn kim cương, ngọc đỏ, ngọc lam... Đoạn văn tả thực đầy màu sắc ấy, tôi không ngạc nhiên khi đọc bản dịch : Bá tước phu nhân Eleonore ngồi ở góc phòng khiêu vũ. Bà vận bộ lễ phục dạ vũ... Vậy thôi. Mũ miện, vòng ngọc trai, nhẫn kim cương, ngọc đỏ, ngọc lam không cánh mà bay.
Bây giờ bạn hiểu ra hành vi ông bạn tội nghiệp của chúng ta rồi chứ ? Anh ta đã chôm hết bao nhiêu vàng bạc đá quý của bà bá tước cũng như đã cầm nhầm của ông bá tước khả ái một nghìn năm bảng Anh, chỉ để lại một trăm rưởi, bốn cái chùm đèn pha lê thì khuân đi hai cái, ba mươi sáu cái cửa sổ của toà lâu đài cổ kính đã trải qua bao giông tố bão bùng thì mất biến hai mươi bốn cái. Tôi choáng váng cả người. Nỗi kinh hoàng của tôi lên tới tột đỉnh khi tôi nhận ra, không một chút nghi ngờ gì nữa, là việc này đã được tiến hành một cách nhất quán, xuyên suốt từ đầu đến cuối. Ngòi bút đi tới đâu, chưa kịp làm quen với nhân vật là dịch giả đã ra tay rồi, bất kể là bất động sản hay động sản, không coi quyền tư hữu thiêng liêng của con người ra cái gì nữa. Anh ta dùng trăm phương ngàn kế. Thường thường, các đồ vật quý giá thì đơn thuần không cánh mà bay. Chẳng hạn những tấm thảm, cái két sắt, bộ dao nĩa bằng bạc... mà tác giả đã dầy công bày biện để nâng cao giá trị văn học của nguyên bản tiếng Anh, thì trong bản Hung văn, mất tiêu. Những thứ khác, anh ta không lấy tất cả, chỉ chôm một nửa hay hai phần ba. Có người sai đầy tớ khuân năm cái va li lên toa tàu, anh ta chỉ ghi là hai, lờ luôn ba cái kia. Tệ nhất, đối với tôi – đây rõ ràng là bằng chứng cố tình chơi xấu – là anh ta đánh tráo, kim loại đá quý biến thành những chất liệu vô giá trị, bạch kim biến thành thiếc, kim cương thành kim cương giả hay thuỷ tinh.
Tôi sượng người cáo từ ông chủ nhà xuất bản. Tò mò, tôi xin luôn cả bản tiếng Anh. Về tới nhà, vẫn còn bị câu chuyện này ám ảnh, tôi tẩn mẩn ngồi kiểm kê tất cả những đồ vật bị mất cắp. Tôi làm việc một mạch từ một giờ trưa cho đến sáu giờ rưỡi sáng hôm sau. Trong cơn lầm lạc, anh bạn tôi đã biển thủ một cách phi pháp và trái phép của bản thảo tiếng Anh : 1 579 251 bảng Anh, 177 chiếc nhẫn vàng, 947 chuỗi ngọc trai, 181 cái đồng hồ bỏ túi, 309 cặp hoa tai, 435 cái vali, ngoài ra không kể những cơ ngơi, rừng rú, đồng cỏ, lâu đài công hầu bá tước và trăm thứ bà rằn khác như khăn tay, tăm xỉa răng, chuông lắc kể ra cho hết thì quá dài mà cũng không thêm gì.
Bao nhiêu nhà cửa, đồ đạc, vật dụng ấy, chỉ tồn tại trên trang giấy, sản phẩm của hư cấu, anh ta để đâu, mà chôm đi không biết để làm gì ? Trả lời câu hỏi ấy sẽ đi quá xa, nên tôi xin ngưng ở đây. Điều chắc chắn là anh ta đã trở thành nô lệ của sự đam mê, của chứng bệnh trầm kha vô phương cứu chữa, xã hội không thể nào dung nạp. Giận dữ, tôi quyết định mặc kệ anh ta. Tôi đoạn giao và từ đó đến nay, không nghe nói gì về anh ta cả.
nguyên tác tiếng Hung
KIẾN VĂN dịch
từ bản tiếng Pháp của Adam Peter và Maurice Regnault :
Le Traducteur Cleptomane, Viviane Hamy éd., 1993 (tái bản 2006)
Bản tiếng Việt : © Diễn Đàn Forum
Các thao tác trên Tài liệu