Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Dưới cống

Dưới cống

- Erri de Luca — published 25/08/2007 22:27, cập nhật lần cuối 25/08/2007 22:27
truyện ngắn của Erri de LUCA (bản dịch của Hải Ngọc)


Dưới cống

truyện ngắn

Erri de Luca

Khi tìm ra ống dẫn chất thải, tôi vui sướng nhưng không thể cười được. Biết bao ngày sống trong tình thế hiểm nghèo, thần kinh của tôi đã trở nên đanh cứng. Với cây cuốc chim, tôi đục một lỗ thủng ở phần trên của ống dẫn và hà hít mùi hôi thối như thể đấy là hương vị của chiến công. Tôi không điên đâu; ngược lại, tôi đã được cứu thoát.

Erri de Luca, nhà văn Ý, sinh năm 1950, tại Napoli. Từng được trao giải Fémina của Pháp cho tác phẩm nước ngoài xuất sắc nhất năm 2002 với tiểu thuyết Montedidio – một tác phẩm đươc xem là đầy chất Napoli.

The Trench” – tác phẩm được chuyển ngữ dưới đây – có thể xem như là một tác phẩm điển hình cho lối viết dụ ngôn được kế thừa từ Franz Kafka. Có cảm giác câu chuyện như là một đối âm và điệp âm với tác phẩm “Hang ” của Kafka: Con thú trong truyện của Kafka đào mãi cho mình một hang ổ để chạy trốn sự bất an phi lý của đời sống. Nhân vật “tôi” trong truyện của Luca một mình trụ lại dưới cống như một cách phản kháng cái thực tại tàn bạo, bất công trên mặt đất nhưng để rồi ở dưới cống này, anh ta phải đối mặt với tình thế phi lý khác: anh ta phải đấu với cái cống để xem giữa sự thối tha của cống rãnh với sự thối tha của con người – cái nào nặng mùi hơn; cầm cuốc phang vào đúng nầm mồ của mình mà vẫn hy vọng nấm mồ đó chưa phải dành cho mình.

Nguồn: “The Trench” (bản điện tử), Ann Goldstein dịch từ tiếng Ý, Tạp chí The New Yorker, ngày 13 -3 -2006. 

Chúng tôi đã bắt đầu công việc đào bới này nhiều ngày trước đó. Hầm đào bắt đầu từ một ngôi nhà, chạy qua một khu vườn, rồi ra tới phố, choán nửa con đường. Bên dưới mặt phố, ở một độ sâu mà chúng tôi không rõ là bao nhiêu, chúng tôi được bảo cho biết nhiệm vụ của mình là phải tìm ra ống dẫn chất thải chính. Ban đầu, chúng tôi có nhiều người; nhưng khi hố đào trở nên sâu hơn thế đứng của người thì chỉ còn lại hai đứa chúng tôi. Cái cống rộng gần một mét, độ rộng tối thiểu mà bạn cần để có thể xoay qua xoay lại được, và đến khi tôi chạm được vào ống dẫn chất thải, đáy cống đã cách mặt đường chừng sáu mét. Chúng tôi phải làm đường dẫn từ nhà đến cái ống này.

Hai đứa chúng tôi đào bới trong cái cống hẹp ấy mất mấy ngày, mỗi ngày cống lại tối hơn hôm trước. Chúng tôi xúc rác rưởi đổ vào những thùng chứa rồi chúng được kéo lên trên nhờ một sợi ròng rọc. Chúng tôi chui xuống hố vào lúc sáng sớm; đến trưa thì chui lên nghỉ, rồi đến năm giờ chiều thì lại chui lên lần nữa. Ngay cả những người không làm công việc này cũng biết một cái cống như thế cần phải được củng cố ở cả hai bên với những cột chống được lèn thêm bởi những thanh giằng đặt vuông góc nhau. Nếu không, cái cống rất dễ sập. Nhưng gã sếp của chúng tôi không bận tâm đến tất cả chuyện đó. Vì thế hai thằng chúng tôi cứ đào, mặt đối mặt, biết rằng mình đang bị kẹt trong một cái bẫy khốn nạn. Chúng tôi là ai và tại sao chúng tôi lại chấp nhận sự nguy hiểm này?

Gã làm cùng với tôi là người Algerie, 40 tuổi, đứng đắn, ít nói. Hắn là người cuối cùng được bên công trường thuê và hắn biết mình không thể thoái thác nhiệm vụ này: hắn sẽ bị sa thải. Khỏi cần phải nói, hắn cần việc; hắn vừa mới đến Paris, hắn chỉ nói được rất ít tiếng Pháp, đây là công việc đầu tiên của hắn trên đất Pháp này. Còn tôi, một gã 32 tuổi, người Ý, làm lao động tay chân, được thuê mấy tháng trước đó và không được ông sếp Pháp ưa lắm. Tôi là một trong những người đầu tiên đến chỗ thi công vào sáng sớm nhưng cũng là một trong những người đầu tiên ra về vào buổi đêm. Không có còi hiệu, các công nhân phải tự nhìn đồng hồ và như thế có nghĩa là chưa bao giờ họ dừng việc đúng giờ - tất cả đều ngại khi có vẻ như mình chưa làm tròn công việc. Vì thế, cuối cùng họ đành cố làm lấn sang những giờ không được chấm công, để làm hài lòng ông chủ vốn thừa kinh nghiệm làm trò mèo đối với kẻ làm thuê thuộc loại này. Đúng năm giờ hơn, tôi rời công trường, tôi không làm tăng ca vào những ngày không làm việc. Điều này hẳn gây khó dễ cho sự linh hoạt của sếp. Tôi không phải là thằng dẻo dai, thực sự, cơ bắp tôi của tôi cứng đờ, ngủ nghê thì khó khăn. Thế nên những công việc khổ ải nhất, bẩn thỉu nhất người ta đều cố tình phân công cho tôi. Tôi là thằng da trắng duy nhất làm những công việc ấy.

Vào buổi trưa, trong khi ngồi húp soàn soạt bát xúp đầy gia vị lõng bõng nước, thỉnh thoảng chúng tôi cũng nói với nhau đôi câu tiếng Pháp sơ đẳng, thế rồi mỗi người lại trở về với những ý nghĩ của riêng mình bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Những công nhân khác gọi tôi là “ thằng Ý” nhưng tôi không cảm thấy mình thuộc về một dân tộc cụ thể nào. Tôi không đề cao tinh thần “màu cờ sắc áo dân tộc” hay một sắc da đặc biệt nào, kể cả của chính mình. Tôi chấp nhận cái biệt hiệu ấy. “Thằng Ý” làm việc cật lực và không hề có ý muốn thế chỗ của bất cứ ai khác vì cũng chẳng có ai thèm vị trí của hắn. Tôi cần công việc này. Khó khăn lắm, tôi mới kiếm được nó sau hàng tuần rã cẳng trên hè phố ngoại ô Paris. Tôi đã có nó, tôi muốn giữ nó, không một tay chủ nào có thể buộc tôi thôi được. Nếu y muốn nói xin lỗi để rồi tống khứ tôi, tôi sẽ không nhận lời xin lỗi ấy. Thà chui xuống địa ngục, chứ tôi nhất định không chịu rút lui.

Đó là lý do vì sao, mấy ngày vừa qua, hai thằng công nhân không biết nhau, thậm chí ngay cả tên nhau cũng không biết, đứng đối diện nhau trong cái cống, liều mạng để tìm một cái ống dẫn chất thải. Mỗi bước chúng tôi dấn thêm được, bầu trời lại thu hẹp lại; chẳng mấy chốc nó chỉ còn là một mảnh vừa bằng cái hố mà chúng tôi đứng trong đó. Mỗi bước chúng tôi dấn thêm được, chúng tôi lại phấp phỏng chờ cái cống đó đổ sập xuống mình, chôn sống cả hai thằng.

Những công nhân khác không còn chào hỏi chúng tôi vào buổi sáng; họ cứ lẳng lặng đi làm việc của mình. Vào giữa trưa, thường có ai đó mời chúng tôi uống một chút gì. Tôi luôn từ chối; một sự tức tối không bật ra thành lời lớn dần trong tôi, một nỗi giận dữ ghê gớm đối với con người khiến tôi có thể chịu đựng hàng giờ dưới hố sâu. Công việc này kéo dài bao lâu? Cũng không còn nhiều – độ chục ngày thôi. Đến cuối tuần thứ nhất, gã làm cùng với tôi bắt đầu bắt chuyện. Trong bóng tối – dưới đó, giữa ban ngày, vẫn tối mò mò – qua luồng sáng rọi ra từ những cây đèn của chúng tôi, tôi nhận ra đôi mắt đen tròn của hắn đang chằm chằm nhìn tôi, khuôn mặt hắn mồ hôi rỏ ròng ròng, hắn thầm thì như thể đang cầu khẩn một cách vô thức, lời cầu khẩn mà nếu bịt tai lại, tôi vẫn nghe thấy: “Thấy chưa? Cậu tìm thấy chưa?”[i]: cái giọng hắn khản đặc như giọng của một người lạc lối, hơi thở hắn phả ra cái mùi thường thấy của các cống rãnh ở thế kỷ ấy. “Chưa, tôi vẫn chưa tìm thấy, nhưng chắc nó ở gần đây thôi. Hỏi xem có ai có thể làm thay cho cậu không, anh bạn. Sếp chắc không có gì để tức giận với cậu – cậu đã làm cái phần việc của mình rồi.” Tôi bảo hắn thế và rồi hắn im lặng, không nói thêm gì. Hắn đã hỏi những công nhân người Algerie khác nhưng chẳng có ai sẵn lòng chui xuống hố cả. Thế nên tôi quả quyết với hắn: nếu cái cống này sập thì chỉ nội đêm nay thôi, điều đó sẽ xảy ra khi không khí ẩm xuất hiện. Tôi nghĩ ra những cách giải thích duy lý và có vẻ hắn tin tôi; tôi là kẻ có học.

Sự thật là cái cống sẽ không sập; hắn không vượt biển đến đây để rồi cuối cùng bị chết vùi cùng với một thằng đến từ Napoli – chúng tôi sẽ chết trên đại dương, chết trong núi, nhưng không phải là ở đây. Điều này tôi không nói với hắn: người ta không nên nói về cái chết với một người lúc nào cũng có nguy cơ thụt chân xuống miệng huyệt. Tôi cố gắng trấn tĩnh hắn, nhưng tôi cũng làm điều đó với bản thân mình, vì tôi cần hắn – có hai đứa, công việc sẽ hoàn thành sớm hơn. Nếu hắn suy sụp, nếu hắn tự làm mình bị sa thải, tôi sẽ phải hoàn thành cái việc đào bới này một mình, như thế sẽ mất thời gian hơn và cũng nguy hiểm hơn bội phần. Nhưng tại sao nhỉ, tại sao một con người phải chịu đựng khổ sở như thế này? Tại sao trên thế giới này, con người ta phải cố kiếm bằng được bánh mì cho con cái trong khi có một sợi dây thòng lọng quấn quanh cổ mình? Với tôi, đấy là vấn đề về lòng kiêu hãnh của con người, nhưng với hắn, đó chỉ là vấn đề bánh mì mà thôi, và hắn vẫn phải nhúng nó vào thứ nước mặn chả khác gì nước mắt của chúng tôi.

Rồi tôi nhận thấy hắn chả giúp mình được mấy – tự tôi có thể xoay sở tốt hơn. Vì thế, một hôm, giữa lúc nghỉ ăn trưa, tôi đến gặp sếp, y nhìn tôi với ánh mắt như muốn gây sự. Tôi nói thẳng đó là vấn đề công việc, và nếu tôi đã không muốn làm thì cửa đấy, chào ông, tôi biến. Tôi đã từng nghe y nói như thế với những người khác: không thích làm thì cứ tự nhiên mà đi. Trước mặt những công nhân khác, tôi bảo y giờ không thể cựa mình nổi trong cống được nữa, để hai người tiếp tục làm việc dưới đó là bất khả, và đến thời điểm này, đáng ra chúng tôi phải ở gần với ống dẫn rồi. Tôi đề nghị sếp để một mình tôi hoàn thành việc này. Y nhìn xuống chiếc đĩa của mình và gật đầu.

Thế là sau giờ ăn trưa, tôi một mình chui xuống cống. Đó là lần đầu tiên trong suốt bao nhiêu ngày, tôi cảm thấy lòng mình yên tĩnh; không có một ai khác ở bên, tôi hết căng thẳng. Bây giờ tôi không chỉ phải dùng cuốc, tôi phải sử dụng cả xẻng nữa. Như thế này, công việc sẽ kéo dài hơn nhưng chí ít, tôi không còn phải chịu đựng những ánh mắt khác dán vào mình, tôi không còn phải nghe tiếng lào thào ấy (“Thấy chưa? Cậu tìm thấy chưa?”) hay phải nhìn thấy nỗi khổ sở của con người với mồ hôi đầm đìa, với nỗi tủi cực và cả sự quỵ lụy, dẫu không muốn, khi phải cầu xin người khác cứu giúp mình. Giờ đây, khi lần đầu tiên nhớ lại những ngày ấy, tôi mới hiểu điều đó. Còn lúc ấy, tôi chỉ có ý nghĩ rằng ta cóc cần hắn, cóc cần thằng nào giúp ta tìm ra cái ống dẫn chó chết đó. Không phải chứng kiến nỗi đau khổ của hắn, tôi thấy nhẹ nhàng hơn. Song tôi vẫn không tìm được ống dẫn.

Ngày nối ngày trôi qua như thế; tháng Tám, bầu trời buổi sáng trên đất Pháp thật tươi trong. Từ đáy cống nhìn lên thấy bầu trời như một dòng kênh. Tôi không đổ mồ hôi nhiều; ở dưới này thấy mát. Vẫn hay có người nào đó nhòm xuống từ miệng hố hỏi: “Ổn cả chứ?”. Lần nào tôi cũng chỉ trả lời: “Đang đi nghỉ dưỡng”. Nếu có một chiếc xe tải chạy qua phố thì đất tơi từ thành cống lắc rắc rơi xuống. Như thể cái cống đang toát mồ hôi, căng những cơ bắp của mình để không bị sập: nó thấm ướt mặt đất. Nó cùng phe với mình, tôi thầm nghĩ. Thỉnh thoảng, ngay cả một công việc nặng nhọc cũng không thể làm cho đầu óc của người ta tập trung được, và một người đơn độc suốt tám tiếng đồng hồ dưới hố sâu hóa ra cũng có khối thời gian để thêu dệt đủ các câu chuyện chính mình. Tôi có cảm giác – phải thú nhận như thế – cái hố này cũng có một cơ thể và một ý chí vậy; chẳng hạn, dường như nó có tình ý với tôi, nó không muốn đổ gục trên thân tôi.

Rồi một ngày nọ, có ai đó, hình như muốn đùa, thả xuống hố một cây thập giá thô sơ được tạo bởi hai mẩu gỗ buộc vuông góc với nhau bởi một sợi dây thừng. Nó hạ xuống gần ngay cái cuốc của tôi. Tôi những muốn nhảy vọt lên mặt đường để tóm bằng được kẻ nào dám chơi trò đưa ma với tôi. Một người đã chết trỗi dậy, cầm cây thập giá trong tay, xông ra xua đuổi đám người đang đưa ma mình: và rồi tôi mỉm cười.

Cuối cùng, khi chiếc cuốc của tôi cắm phập xuống đất và va vào phần trên của ống dẫn chất thải, nó nảy bật ra kèm theo một âm thanh chát chúa, tôi lấy làm sung sướng lắm. Nhưng đến lúc đó, tôi không thể nào cười nổi: các dây thần kinh đã siết chặt cơ mặt của tôi lại giống như sợi dây buộc thít một miếng thịt nướng trong lò. Tôi muốn gào lên nhưng không có âm thanh nào phát ra được. Với chiếc xẻng, tôi dọn đất chỗ đó và phang mạnh một nhát cuốc, tôi đập thủng cái hầm mộ mà cuối cùng, tôi cũng đặt chân vào. Đã từng có người nào sung sướng khi được ngửi cứt chưa? Là tôi đấy, và trong tôi sôi sục niềm kiêu hãnh, tôi trộn lẫn cái mùi tự nhiên đó với mùi hôi thối phản tự nhiên của đủ thứ rác rưởi ám vào mình suốt hai tuần qua. Cứt đè lên cứt – đó hẳn là sự nối kết giữa tôi với cái cái cống này, như thể chúng tôi đang đấu với nhau xem ai là kẻ chứa nhiều cứt hơn. Tôi không muốn nói cay đắng về mình. Khi người ta, một lần nào đó trong đời, bị đặt vào một tình thế khó khăn, người ta có thể dùng bất cứ cách nào để thoát ra được mà không cần băn khoăn cách đó đến từ đâu. Chính những ý nghĩ kiêu hãnh đã giúp tôi trụ lại dưới cống này mà không cần đòi hỏi ai phải hạ cố giúp mình. Những ý nghĩ đó đã nâng đỡ tôi nhưng đồng thời chúng cũng là những ý nghĩ bệnh hoạn. Tôi hả hê vì mình đã thắng được sự tàn bạo của gã chủ, kẻ sẽ không bỏ một cắc nào bồi thường cho một nhân công bị chết vùi dưới một cái cống sập.

Hôm đó, tôi ra khỏi cống sớm và mọi người hỏi tôi với vẻ lo âu, không biết tôi đã tìm thấy ống dẫn chưa, họ e ngại nghĩ cuối cùng thì tôi cũng quyết định bỏ cuộc. Tôi trả lời bằng cách lấy hai ngón tay bịt mũi lại. Hết kỳ nghỉ rồi à? Họ hỏi. Họ mừng vì tôi đã thành công. Tất cả bọn họ đều thừa hiểu rằng họ đã chấp nhận khả năng một người trong bọn họ có thể chết mà không hề có một hành động nào từ phía họ để ngăn chặn. Nhưng cách duy nhất họ có thể làm được điều gì đó cho tôi là: hoặc đánh liều với cái việc làm tạm bợ của mình hoặc thế chỗ tôi mà làm việc đó: không thể bảo người ta mặc mẹ cái thằng công nhân quèn kia đi đồng thời vẫn vừa cao giọng hay giương thánh giá lên. Tuy nhiên, người ta có thể biểu hiện sự cảm thông với cái thằng công nhân quèn ấy bằng một động thái khác mà người ta phải kìm nén lại để có thể sau này trở thành bạn của hắn được. Hôm đó, tất cả các công nhân đều đồng loạt ra về vào lúc năm giờ. Vào lúc năm giờ, không còn ai ở điểm thi công cả. Bây giờ thì tôi mỉm cười thông cảm; chứ lúc đó tôi hầu như không để ý đến.

Phải mất một tuần để làm công việc nối đường dẫn. Những công nhân chuyên biệt đề nghị gia cố toàn bộ cái cống theo đúng các quy định. Tay chủ bực mình vô cùng vì thời gian để làm việc này buộc y phải xì tiền ra. Y chỉ vào tôi để cho họ thấy có cái đếch gì nguy hiểm đâu, thậm chí, điên tiết lên, ông ta còn hỏi thẳng tôi trước mặt họ xem có tí đất nào lở ra từ thành cống khi tôi làm việc dưới đó không, những mong là tôi có thể về phe với y. “Như mưa đá ấy”, tôi trả lời vậy.

Có lẽ, trong đời của tất cả chúng ta, rồi sẽ có cái ngày chúng ta vui sướng ngửi cứt. Tôi biết, trong cuộc sống của mình, tôi đã xử sự quá quắt, tôi đã thí mạng mình vì lòng tự trọng, vì sự phẫn nộ, và vì mọi nỗi niềm nào khác có thể nảy nở trong tim của một con người. Mặc dù kể từ đó, sự hiện diện của tôi được đề nghị trong từ điển của nhiều thứ tiếng, và vô số người mời tôi ngồi cạnh họ, tôi vẫn ước ao không có ai khác phải làm cái công việc như tôi đã làm, cầm cuốc phang vào đúng nấm mồ của mình, trong lúc hy vọng rằng nó vẫn chưa sẵn sàng cho mình.

Hải Ngọc 

dịch từ bản tiếng Anh

truyện ngắn của Erri de LUCA (bản dịch của Hải Ngọc)

[i] Nguyên văn tiếng Pháp: “Trouvé? Tu l’as trouvé?”


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss