Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Giới thiệu văn hào Nhật Bản Shiba Ryôtarô

Giới thiệu văn hào Nhật Bản Shiba Ryôtarô

- Nguyễn Nam Trân & Isoda Michifumi — published 09/04/2017 22:40, cập nhật lần cuối 09/04/2017 22:40

Giới thiệu văn hào Nhật Bản
Shiba Ryôtarô


Isoda Michifumi


Biên soạn: Nguyễn Nam Trân



Shiba

Shiba Ryôtarô (1923-1996)


Từ bóng cây ngôi mộ bên đường,
Từ mái tranh bên đình trong làng,
Nguồn sử xanh âm thầm vẫn sống...

Lê Thương (Hòn Vọng Phu 3)


Dẫn nhập

Bài dưới đây được soạn từ thông tin cung cấp bởi Tiến sĩ Isoda Michifumi, giáo sư Đại học văn hoá nghệ thuật Shizuoka, một học giả Nhật Bản đương đại ngành sử và cổ văn thư. Tuy hãy còn trẻ tuổi, Giáo sư Isoda tỏ ra rất uyên bác và bén nhạy, biết nhìn lịch sử nước mình với cái nhìn thông thoáng. Ngoài sinh hoạt trên bục giảng, ông đã có nhiều trước tác ăn khách như Kinh tế gia đình samurai (Bushi no kakeibo), Những người Nhật không riêng tư (Mushi no Nihonjin)1, Truyện Ryôma (Ryômashi) ... và đặc biệt được biết đến rộng rãi nhờ màn ảnh truyền hình, vũ khí lợi hại nhất của ông.

N.N.T.


Diễn Đàn : Vì tác phẩm quá dài, chúng tôi xin đăng toàn bộ dưới dạng PDF đính kèm để bạn đọc tiện ghi vào máy mình, như vậy lúc nào cũng đọc lại được, dưới đây là phần mở đầu của tác giả Isoda Michifumi.


Di Chúc Của Một Nhà Văn
Những bài học lịch sử Shiba Ryôtarô để lại


Isoda Michifumi



Isoda

Giáo sư Isoda Michifumi (sinh năm 1970)


Qua bài nghiên cứu này, chúng ta thấy Shiba đã để lại cho hậu thế những bài học lịch sử quí giá, nhất là tìm ra những bất cập tai hại tiềm ẩn trong cuộc Minh Trị Duy Tân mà xưa nay, nhiều người tưởng là thần thánh. Nó vạch ra những lỗi lầm di họa đến bao nhiêu thế hệ khi một quốc gia tân hưng tỏ ra hãnh tiến.


I) Lời nhắn nhủ của một nhà văn tâm huyết


Shiba Ryôtarô nghiên cứu sâu hơn ai hết mối tương quan giữa con người và lịch sử, ít nhất là liên hệ giữa người Nhật và lịch sử nước họ. Ta có thể khẳng định rằng ông là nhà văn Nhật Bản mà quan điểm lịch sử đã ảnh hưởng đến người cùng thời đại hơn bất cứ đồng nghiệp nào. Nhân vì trong suốt nửa sau của cuộc đời cầm bút, ông viết toàn là văn nghị luận và phê bình lịch sử nên có nhiều người xem ông là sử gia hơn là người viết tiểu thuyết. Dù bản thân ông có muốn hay không, người ta thường nhắc tới Shiba shikan司馬史観 hay “cách nhìn lịch sử (sử quan) của Shiba” và đánh giá ông như một sử gia. Tuy vậy, khi nhìn toàn thể sự nghiệp văn bút, ta thấy rõ ràng bản chất của ông vẫn là người viết tiểu thuyết.

Trong số tác phẩm đồ sộ Shiba để lại, có ba tiểu thuyết trường thiên đáng lưu ý nhất. Đó là Ryôma ga yuku (Ryôma xông pha), Tobu ga gotoku (Như bay bổng) và Saka no ue no kumo (Vầng mây trên đầu dốc). Ba tác phẩm này mô tả 3 giai đoạn tiến hoá của xã hội Nhật Bản (chuẩn bị, thực hành và đạt đến đỉnh cao) trong quá trình trở thành một nhà nước cận đại. Trước tiên, chúng đề cập đến những hoạt động của Sakamoto Ryôma rồi cặp đôi Ôkubo Toshimichi và Saigô Takamori, sau nữa mới tới quần hùng của thời Chiến tranh Nhật Nga trong đó có Akiyama Saneyuki. Những người này đã giúp Nhật Bản trở thành quốc gia Á châu duy nhất có thể góp mặt với liệt cường Âu Mỹ. Ba cuốn ấy đã vẽ nên bức chân dung của Nhật Bản (NB) mà người dân Nhật khi đọc chúng, đều cảm thấy hài lòng và tự hào.

Tuy vậy, mặt khác, Shiba cũng đã khơi gợi lên những điểm đen tối của lịch sử NB đương thời cũng như nỗi khổ tâm của các nhân vật trong cuộc. Nó bắt nguồn từ trải nghiệm cá nhân của chính tác giả hồi chiến tranh Nhật Trung. Nước Nhật cuối đời Mạc phủ bước vào giai đoạn Duy Tân đã xây dựng được một thể chế quyền lực dựa trên sức mạnh quân sự để rồi sau đó, không những giúp nó thoát khỏi hiểm họa bị trị bởi chế độ thực dân mà còn có đặc quyền đứng về phía kẻ đô hộ người khác. Thế nhưng đặc quyền này đã làm cho tuổi thanh xuân của Shiba vô cùng đen tối và cay đắng, nói cách khác, nó đã dẫn đến cuộc chiến tranh vô cùng bi thảm vào thời Shôwa.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ sử dụng nhiều tác phẩm của Shiba để tìm hiểu lịch sử Nhật Bản kể từ thời Chiến quốc (Sengoku, thế kỷ 16), giai đoạn cuối Mạc phủ đầu Duy Tân (thế kỷ 19), chiến tranh Nhật Nga (1904-05) cho đến Shôwa tiền kỳ (1926-45), một thời kỳ kinh hoàng (mà Shiba gọi là thời kỳ đẻ ra “quái thai” (kitai)) và dừng lại ở thời điểm 1945. Tất cả những tri thức đó có thể giúp ta kiểm điểm lại cách đánh giá về đất nước và con người NB thời hậu chiến.

Ngoài ra, như ta đã nhận ra trong tiểu sử, Shiba Ryôtarô qua đời vào năm 1996, ông hoàn toàn là người của thế kỷ 20. Buổi vãn niên, theo lời yêu cầu của những người soạn sách giáo khoa cho học sinh bậc tiểu học, Shiba đã viết tác phẩm ngắn “Thư gửi đàn em nhỏ của thế kỷ 21”(Nijuuisseki ni ikiru kimitachi e) để đăng vào đó, làm như ông có linh cảm mình sẽ không sống sót đến thế kỷ 21. Đúng như thế, ông đã đột ngột qua đời không bao lâu sau và bức thư kia trở thành di chúc của ông gửi cho hậu thế.

Văn chương của Shiba không phải chỉ để tiêu khiển. Nó còn muốn có uy lực để thay đổi cuộc đời. Những con người sống trong thế kỷ 21 - Nhật Bản cũng như ngoại quốc - như chúng ta ngày nay có thể dựa vào đó để suy ngẫm và hành động.

Có ý kiến cho rằng, khi viết văn, tác giả nào cũng đưa tất cả những gì muốn nói vào bên trong tác phẩm rồi nên tự thể nó là một bài nghị luận. Và như thế không cần phải bàn tán thêm làm gì về ảnh hưởng của nó đối với bên ngoài. Tuy nhiên văn chương của Shiba – cũng như manga của Tezuka Osamu2 - là những tác phẩm mà người tạo ra chúng đã dồn vào trong đó tất cả tâm tư cho nên có thể làm cho cuộc sống của người đọc tốt đẹp hơn. Chẳng những thế, xã hội mà những độc giả ấy xây dựng nên cũng có thể được cải thiện.

Theo Shiba, Shôwa tiền kỳ (1926-45) là một thời kỳ thất bại của nhà nước NB. Ông đã thu thập nhiều tài liệu về thời Shôwa nhưng rốt cục không viết được cuốn tiểu thuyết nào liên quan đến nó. Nếu như Shiba tiểu thuyết hoá được thời Shôwa, hỏi thử ông sẽ nói lên được điều gì hay chỉ giống như tô màu lên những bức tranh như điều chúng ta đã thấy? Thực vậy, đối với giai đoạn này, ông không miêu tả gì cả mà chỉ tô màu lên thôi. Thành ra ông đã để lại cho những người sống vào thế kỷ 21 như chúng ta biết bao nhiêu vấn đề cần phải suy ngẫm.

Theo Shiba thì nhà nước NB đã bao lần lập đi lập lại những lỗi lầm theo một khuôn định hình (pattern). Ở Nhật, hầu như khi một luồng tư tưởng đã bám vững trong tập đoàn rồi thì các cá nhân không còn duy trì được cách suy nghĩ hợp lý của họ nữa. Một mặt, tổ chức của xã hội Nhật Bản tuy phát huy được sức mạnh bằng cách phân bố vai trò cho các thành viên nhưng mặt khác, vì không khoanh vùng trách nhiệm rõ ràng cho nên khi phải đối phó với một sự cố bất chợt thì cơ năng lãnh đạo của nó lộ ngay sự yếu kém. Ngoài ra, sau khi thu lượm được thông tin để tích trữ trong nội bộ, người Nhật có khuyết điểm là không chia sẻ được với bên ngoài tổ chức để có thể cùng hoạt động cho một mục đích chung trong tương lai. Tư thế (tatazumai, appearance) hay nói cách khác, quốc dân tính này của người Nhật không thể thay đổi dễ dàng dù với một đơn vị thời gian lâu la là một hay hai trăm năm. Vì vậy những điều Shiba viết ra cho đến thế kỷ 20, người Nhật vẫn có thể dùng để chiêm nghiệm trong hoàn cảnh của thế kỷ 21, làm tấm gương soi chiếu hành động của mình. Đó cũng là điều Shiba mong mỏi khi cầm bút viết lá thư gửi thế kỷ 21 như một cách thể hiện tinh thần trách nhiệm của một thế hệ đã trải nghiệm chiến tranh đối với lớp người trẻ mai sau. Chính vì lý do đó mà cho đến ngày nay, Shiba Ryôtarô vẫn được quốc dân Nhật Bản yêu mến và tìm đọc.




1 Mushi 無私(vô tư) ở đây có nghĩa là biết xoá bỏ cái khác nhau giữa ta và người chứ không có nghĩa đạo đức như chí công vô tư (impartial) hay thoải mái, không ngại ngùng (indifferent, unworried )như hiện đang thông dụng trong giới bình dân ở VN.

2 Tezuka Osamu 手塚治虫 (1928-89), tốt nghiệp bác sĩ y khoa đại học Ôsaka nhưng chuyển hướng sang đường nghệ thuật. Tác giả những tập tranh manga nổi tiếng Nhật Bản và thế giới.

Attachments

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss