Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / HAI TRUYỆN NGẮN ENDÔ SHUUSAKU

HAI TRUYỆN NGẮN ENDÔ SHUUSAKU

- Shuusaku & Nguyễn Nam Trân — published 21/04/2015 11:20, cập nhật lần cuối 21/04/2015 11:26

HAI TRUYỆN NGẮN


ENDÔ SHUUSAKU
(1923-1996)


Nguyễn Nam Trân

(Dịch từ nguyên tác và giới thiệu)



tacgia

 
 

NIỀM TIN KI-TÔ-HỮU
TRÊN QUÊ HƯƠNG THẦN ĐẠO

 

Cùng với Yasuoka Shôtarô, Kojima Nobuo, Miura Shumon, Yoshiyuki Junnosuke... nhà văn Endô Shuusaku (Viễn Đằng, Chu Tác, 1923-1996) thuộc thế hệ thứ ba đến sau chiến tranh, bắt đầu có tên tuổi trên văn đàn từ giữa thập niên 1950 và là một trong những cây bút Nhật Bản cận đại được Âu Mỹ chú ý nhiều nhất. Ông đoạt tất cả các giải thưởng văn chương lớn ở Nhật từ Akutagawa, Noma, Shinchô đến Tanizaki. 

Sinh ra ở Tôkyô nhưng theo gia đình sang Đại Liên thuộc Mãn Châu, Endô Shuusaku chỉ về nước sống với mẹ và anh ở Kobe năm 1933 từ khi cha mẹ ly hôn, rồi chịu phép rửa tội theo đạo Công Giáo, tên thánh là Paul. Từ đó, tôn giáo trở thành một ám ảnh suốt đời, thường làm cho ông bị xâu xé bởi con người Nhật Bản truyền thống và con chiên ngoan đạo cùng cư ngụ trong bản thân. Năm 1945, ông vào học văn chương Pháp ở Đại Học Keiô, yêu thích F. Mauriac, G.  Bernanos và các nhà văn công giáo đương thời. Giai đoạn này, ông đăng nhiều bài nghị luận trên tạp chí Mita Bungaku (Mita là địa danh khuôn viên trường Keiô, sau trở thành tên một trường phái văn học). Ông có sang Pháp du học ở Đại Học Lyon (ông sẽ đề cập quãng đời nầy trong Ryuugaku “Du học” và các truyện ngắn khác), du lịch và hành hương nhiều nơi ở Âu Châu và Trung Đông. Khi bước vào làng văn, ông đoạt giải Akutagawa với Shiroi Hito « Người trắng » (1955). Sau đó viết Umi to dokuyaku « Biển và thuốc độc » (1958) nói về những thí nghiệm sinh vật trên lính Mỹ bị Nhật bắt trong chiến tranh. Liên quan đến tín ngưỡng thì có một loạt tác phẩm quan trọng như Chinmoku « Lặng thinh » (1966), Shikai no hotori « Bên bờ Biển Chết » (1973), Yesu no shôgai « Đời chúa Giê-su » (1973), Samurai (1980) . Chinmoku nói về sự lựa chọn khó khăn của những tín hữu trong thời cấm đạo, không biết phải chịu cực hình và tuẫn đạo hay dẫm lên thánh giá, bội đạo, để sống còn. Cuối đời, ông viết Fukai Kawa « Deep River » hay « Sông Sâu », một trầm tư có tính tôn giáo về sự chết. Ông còn có tác phẩm hài hước như tập tùy bút Korian (Hồ Ly Am) và các tập tiểu luận khác. Ngoài ra, Shuusaku còn được biết đến như là người của sân khấu và điện ảnh nữa . 

Nhiều nhà phê bình đánh giá ông là một tiểu thuyết gia dùng thủ pháp « độc thoại nội tâm » bậc thầy. Được xem như « Graham Greene Nhật Bản », ông có vinh dự nằm trong danh sách hiếm hoi các nhà văn Nhật Bản đề cử cho Giải Nobel văn chương.

 
 
 

QUA TRẠM FUDA-NO-TSUJI

(FUDA NO TSUJI, 1963)

 

Truyện ngắn nhan đề Qua trạm Fuda no Tsuji được trích từ một trong ba tập 6,7 và 8 thu thập các truyện ngắn của Endô Shuusaku thuộc toàn tập gồm 15 quyển do nhà Shinchô xuất bản. Nhân vật « Chuột Nhắt » trong tác phẩm này có cái gì gợi cho chúng ta nhớ đến A Q. , Khổng Ất Kỷ của Lỗ Tấn hay Chí Phèo của Nam Cao. Thế nhưng kẻ bị vùi dập khinh khi như một loài sâu bọ đó lại có thể đem đến niềm hy vọng cho đồng loại qua một hành động cao cả, để vào phút cuối cùng của cuộc đời, « Chuột Nhắt » đã ngẩng mặt làm người, khỏi phải mang cái tiếng « sống trong sự hèn nhát và khi chết được chôn chung một lỗ với sự hèn nhát ». 

 


thuphong 

Trong thư phòng, tháng 12 năm 1970

 

Mỗi lần leo lên xe điện đường trong thành phố Tôkyô, cứ y như rằng gã đàn ông ấy lại nhớ đến thiên tùy bút của Kafuu1 đọc hồi còn sinh viên. Trong tác phẩm đó, Kafuu kể lại kinh nghiệm của mình khi vừa quan sát đám hành khách lên xuống chiếc xe điện già nua từ một trạm ven đường cho đến trạm cuối cùng, vừa thử tưởng tượng ra cuộc đời của từng người khách. Ngày nay, dù từ lâu gã đã chia tay với cái thế giới của sách vở, thế nhưng mỗi lần leo lên xe điện đường, không hiểu vì sao mẩu tùy bút ấy của nhà văn bao giờ cũng hiện về trong trí nhớ. 

Đó là buổi xế trưa một ngày thu, trời đang mưa. Ngả lưng trên chiếc ghế cứng nhắc của toa xe điện, gã đi về hướng Ginza, trung tâm thành phố. 

Phải bao nhiêu năm rồi ấy nhỉ, gã mới đi họp hội đồng song để gặp lại mấy đứa bạn cùng lớp một thời đã quây quần bên nhau chung một dãy bàn. Thật tình mà nói, mặc bộ đồ tây nhàu nát và đi đôi giày tàn tạ như bây giờ ra trình diện chúng bạn là điều gã rất ngại ngùng, nhưng hôm qua, khi một đứa trong bọn điện thoại đến sở làm, gã vì yếu lòng, đã lí nhí lên tiếng nhận lời có mặt mất rồi. 

Toa xe hầm hập một cái mùi quyện đủ thứ, từ mùi ẩm ướt của những chiếc dù, mùi bùn tanh lẫn mùi mồ hôi người. Gã đàn ông vừa quan sát lũ người đi làm và đám học sinh trung học, những người giống như gã nghĩa là chả có gì đặc biệt, và tuy không học đòi bắt chước Kafuu, gã thử hình dung ra cuộc sống của bọn người này. Anh chàng trung niên đứng ngay trước mặt gã trong chiếc áo vét mà ống tay đã sờn kia biết đâu chẳng là một nhân viên chào hàng ngành bảo hiểm. Có thể anh ta đang sống trong căn nhà nhỏ ngoại ô, đi làm xong về đến nhà là đã phải ngồi đối mặt với bà vợ, cau có nhai miếng cơm chiều, xong bữa lại nằm lăn ra lẳng lặng nghe ra-đi-ô. Gã có cảm tưởng những chi tiết một ngày sinh hoạt của người đàn ông trung niên này đang hiện ra trước mắt. Ngồi xế qua một bên là cô con gái mang cái băng quanh cần cổ. Cô ta có lẽ mắc chứng viêm khí quản cho nên tận bây giờ mỗi ngày vẫn còn phải nhẫn nại ngồi như con bò chân chỉ trong phòng đợi của một bệnh viện tối tăm nào đó. 

Khi tưởng tượng ra những cảnh đời như vậy, đương nhiên gã đàn ông thực tình ngán ngẩm cho người trong cuộc. Gã có lần nhủ thầm: “Ôi chao, ngày ngày cứ sống như thế thì chán thật!” nhưng trong lúc này, mặc một bộ quần áo cũ nhàu nát trên đường đi dự buổi họp mặt bạn đồng song, gã mới thấy nhận xét kia như đang quay ngược lại để áp dụng cho trường hợp của mình. 

Từ khung cửa sổ cáu bẩn của toa xe, phố xá hiện ra sau màn mưa. Cảnh tượng những con đường nhầy nhụa bùn đất được đào xới lên để xây đường cao tốc và những ngôi nhà bị đập vỡ, như đưa khu phố trở lại giữa thời chiến tranh. Trên hàng cột giây thép dơ dáy, thấy dán đủ thứ loại quảng cáo từ oden2 hiệu Kibun đến máy truyền hình Sanyo. 

Một thanh niên mặc áo đi mưa bằng cao-su hợp chất đang sửa chữa chiếc xe tải ngừng lại bên vệ đường. Xưa giờ, gã đàn ông trên xe điện chúa ghét những ngôi nhà bẩn thỉu những con đường bẩn thỉu và bầu trời mưa gió. Gã không thể nào nghĩ rằng có một vật gì nối kết mình với thế giới bên ngoài cho được. 

– Fuda no Tsuji. Thưa quí khách, đã đến trạm Fuda no Tsuji. 

Khi nghe cái giọng mệt mỏi của người soát vé vọng lên từ sau lưng đám hành khách, gã đàn ông nãy giờ hững hờ nhìn khung khách phố phường trải ra dưới màu trời đã về chiều, chỉ nhận ra có cái trạm xăng và vài bin-đinh nho nhỏ với gò đất đen và lùm cây bao chung quanh. Đằng sau gò đất là một khu chung cư hạng sang màu trắng, gã còn nhớ ngay trên khu mộ địa nhỏ bé nằm dưới chân nó, người ta có trồng một cây long não3. Dù chỉ trong một khoảnh khắc thôi, từ chiếc xe điện đường cũ kỹ, gã lại có dịp nhìn qua khung cửa sổ về hướng gò đất và khu mộ địa, nơi mà hai mươi mốt năm về trước, cũng một ngày mưa như thế này, gã đã có mặt ở đó. 

Hôm ấy, gã đang đi quanh dưới chân gò với ông thầy dòng người ngoại quốc có biệt danh là “Chuột Nhắt”4, cả hai đều run rẩy trong mưa lạnh. Thân hình gầy yếu như gập đôi, “Chuột Nhắt” đang cố gắng đi mà giống như là bò lên con đường ngập đầy cỏ gai. Ông ta vụng về thật, ngay cách cầm dù cho gọn cũng không rành. Cái khuôn mặt chuột nhắt bé choắt5 chứng cứ của bản tính nhát nhúa, giống hệt hỗn danh người ta đặt cho ông, lúc đó đã ướt nhẹp nước mưa. 

– Đợi một chút coi, cái cha này …!

Ra một góc giữa đám cỏ gai, gã đàn ông nấp nửa thân người sau chiếc dù đi mưa, trút hết tất cả những gì chất chứa đầy bọng đái tự nãy giờ, lén đưa mắt trông chừng ông thầy dòng. Hai ống chân gầy guộc xỏ trong cái quần đã dính đầy bùn, ông ta cứ bươn bả đi tới trước, trông chẳng khác một con chuột nhắt. 

– Anh Inoue ơi, xóm Kodenma nằm phía nào vậy?

Cuối cùng, khi đã đặt chân trên đầu mỏm đất, ông thầy dòng mới hỏi. Gã đàn ông nghe tiếng của ông ta lẫn vào trong tiếng mưa và những trận gió tối. 

– Chắc là đầu đằng kia! Phía Nihonbashi đó!

Inoue trả lời một cách miễn cưỡng. 

– Nhờ anh lên chỗ này xem hộ. Từ đây mình có thấy được nó không?

Nói cái gì vậy kìa, gã đàn ông tặc lưỡi, mặt lộ vẻ bực mình dù chỉ vì một cái cớ không đáng, rồi men con đường mòn leo lên gò. 

“Chuột Nhắt” là ông thầy dòng người ngoại quốc hiện giúp việc tại Đại Học G. 6 ở Yotsuya, nơi gã đàn ông theo học. Thầy dòng không phải là linh mục nên ông ta chỉ có quyền tham gia vào công việc trong trường hay chạy vặt cho nhà chung. 

Dĩ nhiên “Chuột Nhắt” không phải tên thật của ông ta. Nghe đồn tên thật của ông là Baflosky hay là Biflosky gì đấy, người Đức gốc Do Thái, một cái tên khó khăn, nếu muốn phát âm, thiếu điều răng phải cắn nhằm lưỡi, nên bọn sinh viên trong trường này không bao giờ gọi đến. Lúc gã đàn ông, sau mấy lần thi nhập học các nơi khác không đỗ, tìm được cách vào ghi danh ở cái đại học nhà chung này, thì từ lâu bọn học trò đã tặng cho ông thầy dòng cái hỗn danh “Chuột Nhắt” kia rồi. Không chỉ riêng hình dáng bên ngoài, cả tính tình ông ta cũng có gì hèn yếu. Mỗi khi ông ta chường cái mặt chuột nhỏ choắt trắng trẻo ra chỗ cửa sổ văn phòng để trao cho ai cái thẻ sinh viên hay giấy chứng nhận đang theo học thì cái dáng điệu của ông họ thấy ông giống hệt con chuột nhát nhúa đang thò đầu ra khỏi cửa hang. 

“Chuột Nhắt” bị bọn học trò hiếp đáp như thế không chỉ vì cái tính sợ sệt của ông thôi đâu. Khi chiến tranh đến hồi khốc liệt, những người ngoại quốc sống trên đất Nhật, kể cả công dân của các quốc gia đồng minh như Đức, đều trở thành đối tượng của sự hiềm nghi. Đặc biệt một đại học do tổ chức tôn giáo như Hội Truyền Giáo Cơ Đốc đứng ra kinh doanh thì hình như luôn luôn bị cảnh sát và quân đội tìm đủ cách kiểm soát. Nhiều khi học sinh còn gặp cả mật vụ7 trong khuôn viên nhà trường đang theo dõi những hoạt động nhà chung. Trước khi gã đàn ông nhập học một năm, có xảy ra sự kiện đền thần đạo Yasukuni8 và đã thành vấn đề. Các báo chí đều đăng tải chuyện các sinh viên có tín ngưỡng riêng đã từ chối lệnh của Bộ Giáo Dục bắt buộc mọi người phải đến đó lạy chào vào những ngày thiên hoàng ban chiếu chỉ. 

Một năm sau khi biến cố ấy xảy ra, có một viên trung tá mới từ chiến trường ở miền bắc Trung Quốc trở về, được gửi đến Đại Học G. với tư cách ủy viên quân sự nhà trường. 9

Những buổi sáng mùa đông, khí trời lạnh sắc như một sợi giây cung căng thẳng, đám sinh viên vẫn thấy viên sĩ quan cưỡi ngựa nhong nhong qua lại bên bờ hào Yotsuya. Đã mang trong người sự bực bội của anh chàng nhà quê lần đầu tiên thấy cảnh tỉnh thành, viên trung tá lại càng muốn phô trương sức mạnh của mình trong cái trường có quá nhiều linh mục ngoại quốc này. Dận trong đôi ủng đánh bóng kỹ lưỡng lên nước một màu đồng sáng loáng, trung tá thường cột ngựa lại trước cửa trường, rồi với cái mặt đỏ bao quanh bằng hàm râu quai nón, ông ta nghiêm nghị đón nhận những cái cúi chào của đám sinh viên. Bọn học trò đang hút thuốc hay đứng choán cả hành lang và trước lớp học, cứ mỗi lần nghe tiếng đôi ủng da cồm cộp tiến gần đều đưa mắt nhìn nhau thật nhanh, dụi điếu thuốc vứt đi và chạy trốn vào trong lớp. 

Không chỉ có bọn sinh viên khiếp sợ trung tá. Nhiều khi giữa giờ học, người ta vẫn nghe tiếng ủng da từ phía ngoài hành lang dần dần đến gần. Mấy vị linh mục giáo sư ngẩng đầu lên khỏi trang sách giáo khoa và tỏ ra khó chịu. Và khi tiếng cọt kẹt của đôi ủng da bước ngang qua rồi xa xa dần, các vị ấy vẫn ngóng tai theo, và một hôm, trong đám giáo sư ngoại quốc ấy có một vị thì thầm như nguyền rủa:

– Đồ mất dạy!10

Có một câu chuyện bây giờ vẫn làm gã đàn ông rùng mình. Đó là một ngày trời mây mù, nhằm lúc thiên hoàng hạ chiếu. Hôm đó, như qui định, cả đám học sinh đều tụ tập ở cái sân con trong trường để nghe một người đọc chiếu chỉ và cùng chào quốc kỳ. Lá cờ in hình mặt trời mọc màu úa nhạt treo ủ rũ dưới bầu trời nặng mây. 

– Nghiêm chào! ... ... 

– Tan hàng!

Khi hiệu lệnh ấy vừa được hô lên thì đột nhiên viên trung tá ngăn đám giáo chức đang lục đục chuẩn bị di động. Ông ta leo lên khán đài và trong một lúc lâu, ném những tia nhìn nghiêm khắc xuống đám sinh viên phía dưới. Tuy thấy dáng điệu ấy khôi hài giống như một đưa con nít đang muốn ra tay xem thử sức mình đến đâu nhưng chẳng một ai dám cất tiếng cười hay huýt sáo trước cảnh tượng đó. 

– Này, chúng mày……. . 

Trung tá có cái tật là khi hăng tiết lên thường nói lắp. 

– ………. là một lũ khố… khố … khốn nạn. Không chỉ chúng mày thôi… mà cả đại học, cả tụi ngoại quốc kia… cả bọn nhân viên đề… đề… đều thối nát hết!

Lúc đó, gã đàn ông có đưa mắt thử nhìn đám giáo chức đang đứng trên khán đài, người nào người nấy không căng thẳng thì cũng đực mặt ra. Trên bầu trời phủ đầy mây như mớ bông gòn cũ, có tiếng ì ầm như tiếng nổ của động cơ máy bay. Một trận gió lốc quét qua một góc sân trường cuốn lên rác rưởi vào trong đám bụi vàng. Thế nhưng mọi người đều nín thinh trước những lời tuyên bố hằn học, vô lễ. 

Trong đám sinh viên cũng có kẻ từng xử sự y hệt lời lẽ của viên trung tá. Xử sự giống ông ta có nghĩa là trong quá khứ, họ cũng cố tình miệt thị và chống đối những linh mục giáo sư người ngoại quốc và các thầy dòng nhân viên nhà trường. Thế rồi, với cái bầu không khí như thế, khuôn mặt “chuột nhắt” của cái con người vẫn thập thò cái đầu bên cánh cửa sổ nhỏ để trao những thứ thẻ sinh viên hay giấy chứng minh tòng học càng lúc càng chuyển sang màu tái mét vì sống trong khiếp sợ. 

Giữa đám linh mục và thầy dòng người ngoại quốc thân hình to lớn, “Chuột Nhắt” thấp bé một cách đặc biệt. Ngay cả khi đem so sánh với đám sinh viên gầy nhom vì sống thiếu thốn trong hoàn cảnh chiến tranh thì cái khổ người đầu cổ tay chân, tất tất đều nhỏ bé của ông, vẫn đập vào mắt người ta. Không những thân thể thấp bé mà nhân vì động tác và cách diễn tả của ông có phần nào giống Harold Lloyd11, một danh hề ngày xưa, ông đã trở thành một cái đích để đám sinh viên thiếu suy nghĩ cười cợt. Chúng không ngừng kể đi kể lại cho nhau một loạt những mẩu chuyện chứng minh cái tính nhút nhát yếu đuối của ông ta. 

Có thể đưa câu chuyện như sau để làm ví dụ. Mới năm ngoái thôi, một anh sinh viên lớ ngớ làm sao mà rơi từ lớp học trên lầu ba xuống đất. Hình như trong lúc đùa nghịch với bạn bè, anh tựa vào cánh cửa sổ lắp kính, chẳng ngờ khung cửa bị long ra. Khi anh ta đụng phải mặt đất, người chung quanh chạy bay đến nơi thì anh ta đã ngất rồi, tay và chân ghim đầy những miễng kính vỡ. Sau khi họ đem băng ca tới khiêng anh ta đi, đám học sinh có mặt tại chỗ mới nhận ra “Chuột Nhắt” mặt tái mét, đang tựa người vào cái cột giây thép cho khỏi ngã. Hình như chỉ cần nhìn mặt mũi đầy thương tích và bê bết máu của nạn nhân là ông thầy dòng đã hoa cả mắt. 

Thêm một vụ này nữa, do cậu con ông y sĩ nhà trường kể lại cho đám sinh viên. Số là cũng cách đây một năm, “Chuột Nhắt” mắc phải chứng viêm màng bụng rất nặng phải nhập viện. Ông thầy dòng của chúng ta không tín nhiệm thầy thuốc người Nhật, khóc lóc van xin cha bề trên gọi một ông bác sĩ ngoại quốc tới bằng được. 

– Đừng để tôi chết. Tôi sợ chết lắm!

Người sốt cao, mồ hôi đổ như tắm, “Chuột Nhắt” chẳng chút hổ thẹn và bất chấp người khác đàm tiếu, cứ ỉ ôi kêu khóc với tất cả, từ mấy người y tá đến bọn sinh viên tới thăm. Bên giường bệnh “Chuột Nhắt” có chưng tấm ảnh chụp mẹ và em gái mình. Trong phòng đầy một mùi hăng nồng như phó mát, mùi đặc biệt toát ra từ thân thể những người da trắng. Thế nhưng điều làm bọn sinh viên cười thích thú nhất là câu chuyện bộ phận sinh dục của “Chuột Nhắt” mà cậu con viên y sĩ trong trường kể lại đã trông thấy tận mắt. Cậu ta tiết lộ:

– Con cò thằng chả………. . chỉ bé bằng hạt đậu!

Không những thân thể bốc lên một mùi hăng nồng như phó mát, sợ chết đến nỗi kêu khóc như con nít, nay còn thêm cái tội có bộ phận sinh dục không lớn hơn hạt đậu! Câu chuyện này không những làm cho đám sinh viên cười cợt mà còn khiến chúng đâm ra khinh miệt ông thầy dòng ấy nữa. Huống chi trong giai đoạn có chiến tranh với dân da trắng nên lắm khi, bọn sinh viên bày nhiều trò dã man để đày đọa con chuột nhắt nhát nhúa đó. 

Gã đàn ông được dịp tiếp xúc với “Chuột Nhắt” một buổi chiều ở vào thời điểm như thế. 

Chiều hôm ấy, đã tan học rồi mà gã vẫn còn nấn ná lại trường nhưng không hẳn vì có công chuyện gì đặc biệt. Trong phòng học bụi bặm chẳng còn một bóng sinh viên, gã tựa cằm lơ đãng ngắm bầu trời đỏ bầm ở bên ngoài cùng mặt nước dưới hào và những mái nhà dân đang sẫm màu dần theo bóng chiều. 

Giữa khi đang lơ đãng như thế bỗng gã nghe tiếng ủng da cồm cộp từ phía hành lang xa vọng tới. Lúc đầu gã không chú ý vì đâu ngờ lại có tiếng ủng da trong một giờ muộn màng như thế này, nhưng khi ý thức được tiếng động đó một cách rõ ràng thì, tựa một hành động phản xạ, gã vội chạy ra ngoài hành lang như muốn thoát khỏi căn phòng. 

– Này, đứng lại cái coi. Sao chú mầy vô phép không chào ta!

Gã luống cuống đứng nghiêm nghe ông ủy viên quân sự trách mắng cái tội thất lễ, hỏi tên hỏi tuổi xong còn ra lệnh cho hắn phải lập lại lời hiểu dụ trong chiếu chỉ thiên hoàng đã ban ra. 

Gã đàn ông ấp úng. Gã quên mất mình đã được dặn dò trong những giờ tập huấn là phải luôn luôn thuộc nằm lòng những lời hiểu dụ này. Để chữa thẹn, hắn hơi phác một nụ cười nhẹ trên khuôn mặt và đây là điều lẽ ra hắn không nên làm. 

– Đồ khi quân phạm thượng!

Gã lảnh ngay nguyên một quả đấm như búa bổ vào giữa mặt. Đưa tay trái lên để che mặt thì cánh tay ấy lại ăn thêm một quả khác. Và nếu như lúc đó cái người mang tên “Chuột Nhắt” kia không tình cờ bước vào phòng thì gã còn được thưởng thêm mấy đấm nữa. 

“Chuột Nhắt” bước vào đấy không phải với chủ tâm giải cứu gã. Chẳng qua đôi khi có dịp mở cửa văn phòng nằm ở cuối hành lang, đưa cái mặt hề Harold Lloyd nhìn vào mà thôi. Ông thầy dòng cứ đứng khựng như chôn chân, đôi mắt sợ sệt chăm chăm nhìn một dòng máu mỏng như tơ rịn xuống từ má gã đàn ông và cái khuôn mặt đỏ thẫm của viên trung tá. 

Nếu vào một dịp khác, người sĩ quan ủy viên quân sự hẳn đã bỏ đi rồi nhưng hiện giờ thì cặp mắt của ông ta chạm phải đôi mắt kinh ngạc của thầy dòng đang nhìn mình. Có lẽ chỉ cần đối tượng trước mắt là một người da trắng là đủ làm bùng nổ cái mặc cảm cố hữu đặc biệt của người Nhật nơi ông. La hét hai ba tiếng gì đó mà không ai hiểu muốn nói gì, ông ta đưa tay chụp mạnh người thầy dòng mang tên “Chuột Nhắt” và đẩy dúi ra ngoài hành lang. 

– Cá… cá…i cái giáo dục của bọn mày cũng như của cái trường này sai lầm từ căn bản, biết chưa?

Sau khi tiếng ủng da của trung tá xa dần, gã đàn ông lấy tay đưa lên chùi máu trên mép và nhổ nước bọt ra ngoài cửa sổ. Nhổ xong, gã quay đầu nhìn lại thì ở một góc hành lang bây giờ đã tối đen, “Chuột Nhắt” vẫn đứng như trời trồng ở đó. Đưa mắt lảng đi chỗ khác, gã đàn ông bước ra ngoài. 

Với cái không khí căng thẳng như thế, trong đám các linh mục ngoại quốc và nhân viên nhà trường, cũng có kẻ cố gắng muốn làm một cái gì để giữ cho truyền thống của học đường được tiếp tục. Chẳng hạn một tháng một lần, các sinh viên khoa sử đứng ra chủ trì những cuộc họp của Nhóm Nghiên Cứu Ki Tô Giáo, tổ chức trong một căn phòng đọc sách nhỏ của thư viện nhà trường. Việc này có thể xem như là một hành động đề kháng âm thầm đối với bầu không khí thời ấy. 

Tuy gã đàn ông hoàn toàn không có hứng thú gì đối với đạo Ki-Tô nhưng vì muốn thoát ra khỏi cái bầu không khí sát phạt nặng nề để được dễ thở đôi chút nên cũng có đến họp với nhóm, được đâu một lần. Hôm đó, ông giáo sư trẻ tuổi người Nhật của khoa sử đang nói chuyên về một di tích đạo Ki-Tô ở Tôkyô. Gã đứng lơ đãng đằng sau một nhóm sinh viên có đến khoảng ba mươi người và dĩ nhiên nội dung ông giáo phát biểu chẳng có gì lôi cuốn gã. Không những thế, khi nhìn đám sinh viên đang chăm chú ghi ghi chép chép vào tập vở và mấy linh mục ngoại quốc tóc bạc nghiêm trang ngồi nghe, gã còn cảm thấy hối hận không hiểu tại sao đã dẫn xác đến cái chỗ không ăn nhập gì với mình để làm gì. 

Chuyện ông giáo kể hắn không hiểu rõ cho lắm nhưng hình như ở cái nơi gọi là Fuda no Tsuji12 mà ông ta nhắc tới, dưới thời Tướng Quân Iemitsu13, đã xảy ra cuộc hành hình năm mươi người tín đồ đạo Ki-Tô. 

Năm Genna thứ năm (1619)14, quan binh đi tróc nã nhận được tin mật báo có những tín đồ Thiên Chúa đang ẩn nấp trong thành Edo, bèn tìm bắt và tống tất cả bọn vào nhà ngục ở xóm Kodenma15. Hai tháng sau, những người bị giam giữ này, kể cả hai linh mục ngoại quốc, bị bắt trói dẫn từ Muromachi qua các xóm Kyôbashi, Hamamatsuchô, Mita16, rồi lôi ra bãi hành hình ở Fuda no Tsuji. Ở đó, họ bị cột vào năm mươi cái cọc để đợi thiêu sống. 

Gã đàn ông bây giờ vẫn nhớ lỏm bỏm vài chi tiết của câu chuyện đó. Một trong những điều được kể lại là đời sống trong tù thời ấy mà ông giáo sư trẻ đã đọc cho nghe, trích dẫn từ văn kiện cũ do một nhân chứng đương thời, tu sĩ San Francesco. 

Hồi đó, nhà ngục Kodenma chia làm bốn khu. Trần thì thấp, người ta chỉ đục thông mỗi cái lỗ đủ cho cái đĩa đưa cơm nên hầu như không có lấy một chút ánh sáng. Khi vừa đến trước cửa ngục thì ngoại trừ manh khố dưới hạ bộ, tín đồ đã bị tước đoạt tất cả từ quần áo, đồ vật tùy thân cho đến xâu chuỗi mân côi 17 để cầu kinh mà họ trân trọng còn hơn bản mệnh. Và bọn ngục lại cứ như thế xô đẩy và tống tất cả vào bên trong. 

Căn nhà lao hẹp và tối như hũ nút, ở đó lũ tù nhân đều ngồi hay quì như chồng chất bên nhau. Khi những người tín đồ vừa mới đặt chân vào chưa yên chỗ thì họ đã va phải những cái thân hình ốm yếu xương xẩu ấy. Cùng lúc, một cái mùi thối tha khủng khiếp bốc lên mũi họ. 

Mỗi căn phòng trong nhà lao chiều sâu chỉ có khoảng mươi mét, bề rộng không hơn bốn mét, tù nhân bị bắt phải ngồi dàn ra thành ba hàng. Tù hàng thứ nhất và hàng thứ ba đấu mặt nhìn nhau trong khi hàng thứ hai ngồi xen kẽ ở giữa. Dù ngồi hay quì, họ đang ở trong tình cảnh bị nén lại gần như cơm nắm cá, chẳng cách chi đứng lên được. Tay chân cũng không tài nào duỗi ra. Chấy rận mặc tình bò qua bò lại trên thân người tù bây giờ chỉ quấn độc mỗi manh khố. 

Vì thân hình không cử động được nên tù nhân, kể cả những con bệnh nằm ở phía trong, cứ như thế mà đi tiểu đi đại vương vãi ra đấy. Khi chân ướt chân ráo vào tới nhà lao mà đám con chiên đã cảm thấy mùi xú uế chính là vì lý do ấy. Mỗi ngày một bận, cơm nước được cho vào qua cái lỗ bé xíu đậy bằng nắp gỗ. Cơm chưa tới nơi đã bị những kẻ có sức lực đoạt lấy ăn trước. Nước thì chỉ cho có hai lần một ngày nhưng với cái nóng không chịu nổi của nhà tù và cái ngột ngạt vì nhân số quá đông, tù nhân cứ phải luôn miệng xin nước hoặc thè cái lưỡi khô nẻ ra một cách vô vọng. 

Ngoài cửa ngục, không kể bọn lính canh gác còn có hai mươi bốn người cai ngục luôn miệng quát tháo, đi tuần tra. Mỗi khi bên trong ngục có gì xôn xao ồn ào, những anh cai ngục này sẽ leo lên bên trên và đổ những đồ xú uế vào. Chính vì bị xối lên người bằng những vật ô uế như thế mà thân thể tù nhân trông bẩn thỉu đến độ không còn phân biệt được ai với ai nữa. Dĩ nhiên không ngày nào lại không có người chết. Đôi khi có những xác chết bị bỏ đó hàng bảy tám hôm. Mùi xác chết dần dần thối rữa quyện lại với mùi cứt đái làm đám tín đồ khổ sở vô cùng. 

Buổi chiều tối, khi ông giáo trẻ trưng bức thư tu sĩ San Francesco viết ra như một bằng chứng để trình bày về cuộc sống của nhà tù xóm Kodenma thì trong căn phòng đọc sách, có những tiếng thở dài hay tiếng thở hắt nổi lên, và thân thể mọi người động đậy lao xao như từng cơn sóng nhỏ. Chiến tranh dần dần trở nên khốc liệt, đường phố cũng tối tăm, lương thực mỗi ngày không còn no đủ, thế nhưng Tôkyô bây giờ nếu đem so sánh với Edo thuở đó thì vẫn còn khá hơn nhiều. 

Cũng giống như những sinh viên khác, gã đàn ông khi nghe kể lại câu chuyện, có cảm tưởng sự kiện tàn bạo cũng như cảnh tượng thê thảm đó chẳng khác nào một khúc phim câm. Họ thấy những chi tiết đó không có gì quan hệ với cuộc sống của bọn mình và đã hoàn toàn thuộc về một thời đại xa xưa. 

Trong đám tín đồ bị tống vào ngục có hai linh mục Tây Ban Nha và một samurai tên Hara Mondo18. Mondo thuộc họ Hara, một gia đình dòng dõi đất Chiba, ông ta từng là cận vệ của Tướng Quân Iemitsu. Thế nhưng dù người chung quanh đã thuyết phục và cảnh cáo, ông ta vẫn không chịu bỏ đạo Ki-Tô. 

Sau khi Hara bị bắt hai lần, họ cắt đứt nhượng chân và khắc ấn có dấu thập tự lên mặt rồi tống giam ông vào ngục Kodenma. 

Lúc nghe chuyện nói về mấy người tuẫn đạo, gã đàn ông có cảm tưởng mình là người đang đứng giữa một trận mưa, trông dõi về xa nơi họ đứng, một ngọn đồi có nắng rọi. Không phải vì những người có đức tin này thuộc về một thời đại đã xa xôi trong quá khứ. Họ thật sự là những người có niềm tin vững chãi và sức mạnh nội tâm mà một kẻ bản chất vô thần như gã không tài nào hiểu được. Nhưng người ta cũng có thể bảo rằng động cơ thúc đẩy họ là sự cuồng tín nữa. Tuy vậy, khi nghe ông giáo dạy sử kể lại những giây phút cuối cùng của đám tín đồ, không biết tại sao gã bỗng đau lòng liên tưởng đến câu chuyện mới xảy ra vài đêm trước, khi mình bị viên trung tá hành hung trong cái hành lang vắng lạnh đó. Gã hãy còn nhớ thật rõ ràng cái cảnh mình căm tức chạy ra khỏi phòng, đưa cánh tay trái lên che lấy mặt. 

Trước khi buổi họp chấm dứt, gã đàn ông chợt bắt gặp mình đang nán lại trong một góc phòng đọc sách cùng “Chuột Nhắt” và một đám sinh viên khác. Gã nhớ lại hôm trước, “Chuột Nhắt” cũng bị hạ nhục, đứng một chỗ như trời trồng cho đến khi viên trung tá túm lấy bộ áo nhà dòng, lôi xềnh xệch ra ngoài. Gã thấy việc ông thầy dòng còn đến chường mặt ngồi đây, xem như không hề có chuyện gì, thật buồn cười và có gì giống như hành vi của một con chuột thực. Không, không phải buồn cười, phải nói là ngụy thiện thì đúng hơn. Cảm tưởng của gã về sự ngụy thiện của ông ta bắt đầu từ lúc nhận ra thái độ của “Chuột Nhắt” lúc nhập viện, đến mùi hôi hám giống như phó mát tanh phát ói cũng như cái của quí chỉ lớn bằng hạt đậu của ông ta, cả ba như hòa nhập vào nhau. 

Cuộc họp tan, gã đàn ông vừa nén một cái ngáp, vừa lẩn vào trong mùi người chua ngòm của đám đông học sinh đi xuống cầu thang thì đằng sau lưng, với đôi mắt sụp mí núp sau mục kỉnh, “Chuột Nhắt” bước đến sánh vai với gã:

– Này , Fuda no Tsuji là chỗ nào vậy anh?

– Fuda no Tsuji?

– Anh không nghe chuyện về Fuda no Tsuji vừa kể xong à?

Gã đàn ông bâng quơ nhớ lại chuyện năm mươi người tuẫn đạo bị hành hình ở Fuda no Tsuji mới được nhắc đến trong buổi diễn giảng. Thế nhưng gã không hài lòng cho lắm khi thấy thay vì chọn một trong những sinh viên khác để mà hỏi, “Chuột Nhắt” lại đến ngỏ lời với gã. Có lẽ cái cha này vì nghĩ mình cũng là nạn nhân như hắn đêm hôm trước nên mới coi như đồng bọn của hắn đây! Hoặc giả hắn muốn đem sự yếu đuối của bản thân ra bày tỏ cho mình hòng lấy lòng? Nghĩ đến đó, đang đến lưng chừng mấy bậc thang, gã bỗng dừng chân lại và đăm đăm nhìn vào mặt “Chuột Nhắt”. 

– Vâng, Fuda no Tsuji thì tôi có biết!

– Nếu thế, anh hướng dẫn tôi đến Fuda no Tsuji nhé?

– À, cái đó…

Gã đàn ông bị du vào thế kẹt, miệng ấp úng. 

Dù vậy, một buổi chiều trời mưa, hai người cũng đã lên đường về phía Fuda no Tsuji. Xuống trạm xe, cuốc bộ theo hướng Shinagawa một đỗi thì họ gặp một ngôi chùa tên là Chifukuji19, nó nằm cùng một dãy với mấy hiệu bán thuốc lá và tiệm rau quả. Một chỗ trong chùa này ngày xưa là bãi hành hình, đó là điều “Chuột Nhắt” đã được ông giáo trẻ dạy sử ở buổi diễn giảng kể cho nghe. 

Phía sâu trong khuôn viên chùa Chifukuji có mấy nấm mộ, ở cuối dãy mộ là một gò đất màu đen, cỏ gai mọc um tùm. Phía dốc dẫn lên đầu gò, xen vào giữa đám sắn dây bò lan là hai cây cọ cùng một cây long não có đã lâu đời, cành tỏa rộng. Thêm vào đó, phía bên trên hãy còn khu rừng con um tùm những sồi và tầm ma còn sót lại như dấu tích duy nhất của một thời xưa. 

Trong màn mưa sương, gã đàn ông và “Chuột Nhắt”, hai người cùng giương dù đứng trên gò. Bầu trời trên kia cũng như những ngôi nhà và đường phố đã bắt đầu bị sương mù của buổi chiều cùng với đêm đen bao vây một lượt. Những ống khói của các cơ xưởng phía biển Shinagawa còn làm cảnh vật nhòe nhoẹt thêm. 

 Thế thì xóm Kodenma là chỗ đằng kia sao?

– Chắc thế!

Dĩ nhiên trong lớp sương mù dày như thế này, nhất định không thể biết xóm Kodenma nằm ở hướng nào nhưng gã đàn ông vì cảm thấy bực mình nên cứ nói đại cho xong chuyện. 

Hồi đó, đám tín đồ bị kéo đi vòng vòng từ xóm Kodenma qua các khu Shimbashi, Mita…mỗi người đều bị bắt phải đeo trên vai một tấm biển20 ghi tên tuổi họ. Nào là Kakuzaemon, Yusaku, Kudayuu, Shinshichirô, Kisaburô… toàn là tên của người dân rất bình thường, có thể tìm ra bất cứ nơi nào trong thành phố Edo. Thế nhưng ở cuối đoàn tín đồ đó, có một người được đặt trên lưng con ngựa không yên, đó là Hara Mondo21

Trên pháp trường, năm mươi chiếc cọc đã được cắm sẵn. Dưới mỗi chiếc cọc, những bó củi chất đống. Người đi xem nhiều đã tụ tập không xiết kể, kẻ mở cơm hộp ra ăn, người nhâm nhi trà nóng trong lúc đợi xem hành hình. 

Đột nhiên trong đám tù nhân có một người đàn ông, khi vừa thấy quang cảnh pháp trường, đã bắt đầu khóc toáng lên, xin được phép bỏ đạo. Tức thì hắn được cởi trói lập tức và phóng thích ngay tại chỗ. 

Sau khi trói đám tín đồ vào cọc, kẻ chấp pháp đi một vòng để châm lửa. Hôm đó trời có gió nên lửa mượn sức gió bùng lên ngay, rồi lửa và khói trùm kín ngay đám người đang bị trói vào cọc. Hai giáo sĩ Tây Ban Nha chết trước tiên, sau đó là Hara Mondo, trong khi còn tưởng ông ta đang quơ tay như đang ôm lấy một vật gì trên người thì đầu đã xụi xuống một bên vai. 

Lúc đang đứng trên bãi hành hình, gã đàn ông có cảm tưởng hình ảnh của khúc phim cũ mấy hôm trước bây giờ lại như đang được diễn lại bên gót chân mình và điều đó không khỏi làm gã thấy trời đất quay cuồng. Gã không thể nào gạt ra khỏi lòng mình cái tình cảm cho rằng thế giới của đám người tín đồ tuẫn đạo này là một cõi trời nào đó thật xa xôi, không có chút liên hệ gì với thế giới gã đang sống. Hành vi phải nói là siêu nhân của họ chỉ có những người mạnh mẽ, đã được tuyển chọn mới hoàn thành được. Cuộc sống của họ không cùng một kích thước, không cùng một thế giới đối với cuộc sống của gã. 

Lúc ấy, gã đàn ông mới đưa mắt nhìn qua khuôn mặt ướt đẫm của “Chuột Nhắt” như dò xét. Gã hầu như có thể tưởng tượng ra điều ông thầy dòng này đang suy nghĩ. Mình chỉ là một sinh viên bình thường chứ không phải tín đồ Thiên Chúa cho nên những người tuẫn đạo này đối với mình chỉ là kẻ thuộc về một thế giới nào khác. Riêng người mang cái tên “Chuột Nhắt”, tuy tính khí giống như loài chuột thật đi nữa, một khi đã lặn lội đến cái nước Nhật này để làm thầy dòng thì ít nhất ông ta cũng phải biết so sánh đức tin của người ngoại quốc tử đạo với cái tính nhát nhúa ươn hèn của mình mà cảm thấy muôn vàn hổ thẹn chứ! (Thế nhưng coi bộ ông sao mà không khá chút nào. Tôi đã không ra gì mà ông còn tệ hại quá mức!). 

Gã đàn ông cứ suy diễn từ cách hành xử của mình là đủ thấy được những hạn chế nơi “Chuột Nhắt”. Kẻ đã hèn thì lúc nào cũng hèn thôi. Làm sao có thể trở thành Hara Mondo hay những con người can đảm và cương nghị như đám tín đồ cùng tuẫn đạo cùng với ông ta. Cả gã và “Chuột Nhắt”, đêm hôm đó trong hành lang, đã mặc cho viên trung tá hành hung mà không đủ sức chạy trốn nữa là! Cả hai cùng thuộc về một giống người, không cần đợi cho thân xác bị khủng bố, cuộc sống tinh thần đã bị tước đoạt hết ý nghĩa rồi. Gã hay “Chuột Nhắt” cũng vậy thôi, họ là hạng mà trước khi đặt chân đến di tích pháp trường này, chắc chắn sẳn sàng dẫm chân lên ảnh Chúa22 hay dẫm lên bất cứ một vật gì. 

– Ông còn gia đình bên nước ông không?

Lần đầu tiên gã mới tỏ ra muốn tìm hiểu về cuộc đời của “Chuột Nhắt” cho nên khi câu hỏi vừa buột ra khỏi miệng mình, gã thấy ông thầy dòng hầu như người trong mơ chợt tỉnh giấc, quay người ngạc nhiên:

– Hả?

– Bên Đức, ông còn bà con, thân nhân?

– Có, mẹ và em gái tôi sống ở Kohln. 

– Cái gì đưa đẩy ông thành thầy dòng vậy?

Tay vẫn cầm dù, “Chuột Nhắt” làm thinh trước câu hỏi của gã. Tuy mưa tạnh rồi nhưng khu vực chung quanh hai người đã chìm hẳn vào trong bóng tối. Gã đàn ông cẩn thận từng bước cho khỏi trượt, đi khỏi gò đất vừa mới leo lên khi nãy và xuống mặt đường. 

Thế rồi từ ngày đó, dầu gặp nhau ở trường, gã cũng chẳng có cơ hội trao đổi với “Chuột Nhắt”. Chiến tranh ngày một khốc liệt, Nhật đến giai đoạn bắt đầu chịu những trận dội bom. Thay vì đến trường nghe giảng, sinh viên mỗi ngày phải đi làm việc ở các cơ xưởng dưới Kawasaki23 . Vùng Yotsuya chung quanh nhà trường bị cháy, gã đàn ông cũng chẳng để ý đến việc “Chuột Nhắt” không biết đã mất dạng khỏi văn phòng sinh viên vụ của đại học từ thời điểm nào! Có tin cho hay ông ta bị gửi về bên Đức và gã quên bẵng đi cả việc mình cùng ông ta từng leo lên cái gò ở Fuda no Tsuji. 

Khi xe điện đường đã qua khỏi trạm Fuda no Tsuji, trong một thoáng, gã nhớ lại chuyện xảy ra hai mươi mốt năm về trước. Nhớ là nhớ vậy chứ trong lòng không thấy có một chút hoài cảm. 

Xuống xe ở ga Shinbashi, trong màn mưa chen lẫn ánh đèn nê-ông, những chiếc ô tô buýt và tắc xi chạy bắn cả bùn lên. Chỗ họp mặt của nhóm bạn đồng song là một tiệm ăn tên Fuugetsu. Khi đến đấy, gã mới cảm thấy hôm nay nếu mình ở nhà thì chắc hay hơn. Bộ đồ tây nhàu nát của gã ướt dầm nước mưa trông càng thảm thương, trong khi đám bạn bè có lẽ đến bằng tắc-xi, đầu tóc vẫn rẽ ngôi ngay ngắn, lại diện cả khăn mùi xoa ló trên ngực áo khoác. Cũng có người vỗ vai gã ra điều xúc động vì đã lâu ngày không gặp, thế nhưng khi nhận được một cử chỉ như vậy, lòng gã chỉ nặng trĩu vì có cảm tưởng người ta đang tội nghiệp gì mình. 

Gã đàn ông ngồi trong góc cái bàn ăn hẹp và dài, vừa nghĩ tiếp nếu mình không tới chắc lại hay hơn, vừa im lặng nhấp tách trà đỏ. Quanh bàn ăn, bọn bạn bè kể lể cho nhau công việc làm ăn buôn bán, tin tức dạo sau này, trao đổi danh thiếp… Thế rồi câu chuyện chuyển qua đề tài tin tức đồn đại chung quanh những người hôm nay vắng mặt cũng như kỷ niệm về các ông thầy cũ. Gã hơi ganh tị đưa mắt nhìn đám bạn bè chung quanh đang ra sức móc nối lại một cách giả tạo những tình cảm cũ. 

– Thằng Sayama giờ ra sao?

– Nghe nói ở dưới tỉnh Mie. Làm nghề chở hàng đường biển. 

– Úi chà, chở hàng đường biển à?

– Có nhớ ông giáo tên Roku không?

– Có, có chứ! Vẫn đi dạy đó nghe. 

Trong lòng gã bỗng dâng lên một tình cảm khó chịu khi thầm nghĩ không hiểu vì cớ gì bọn họ bây giờ lại làm bộ thiết tha đến ngôi trường cũ một cách lạ lùng như vậy. Gã thì chẳng thiết tha đến cái quái gì cả mà cũng chẳng có xúc cảm nào đối với bất cứ một ai trong nhóm bạn học ngày xưa. 

– “Chuột Nhắt” thế nào? Nhớ không? Trước làm ở văn phòng đấy!

Chỉ có lúc đó gã đàn ông mới ngừng nhấp trà và ngẩng đầu lên khỏi cái tách, lắng tai nghe. Hơn một phân nửa người trong nhóm vẫn còn nhớ “Chuột Nhắt” là ai. Khi một kẻ trong nhóm vừa cười vừa miêu tả khuôn mặt và dáng điệu của ông thầy dòng nhát nhúa ấy thì họ đã lau nhau:

– A, a, cái cha đó à?

– Nếu là cha đó… thì tôi có nghe một câu chuyện lạ lắm!

Người vừa nói ra là Mukai, một anh học trò cũ được giữ lại làm giáo sư trong trường. Anh ta kể rằng sau khi trở về Đức, vì là gốc Do Thái, “Chuột Nhắt” đã bị bắt và tống vào trại tập trung. Chỗ ấy có tên là Dachau, một nơi gần biên giới Ba Lan. Thế rồi biệt vô âm tín. 

– Có điều gần đây hình như ông Bita đã đọc được một bài báo viết ở bên đó nói như thế này này…

Ông Bita là một linh mục ngoại quốc, giáo sư dạy Luật trong trường. Linh mục đã đọc trong một tờ báo bên nước đó kể lại rằng ở Dachau, có một người thầy dòng đứng ra chịu chết thế cho một người bạn đồng tù. Khi một người Do Thái cũng bị giam chung một trại với ông bị phạt phải bỏ đói cho đến chết, ông thầy dòng này xin được lảnh án thay và sau đó đã chết. 

– Họ nói ông đó đã có thời đến Nhật truyền giáo nữa kia!

– Không lẽ “Chuột Nhắt”?

– Chẳng hiểu nữa. Hình như bài báo không ghi chép tên tuổi. Ông Bita chỉ nói…

– Sao lại có thể là “Chuột Nhắt” được! Cứ xem tính tình hắn thì biết… Với lại, thằng chả có tới Nhật truyền giáo hồi nào đâu!

Trong một lúc khá lâu, nhóm bạn bè đó nhắc cho nhau nghe cảnh “Chuột Nhắt” sợ hãi đến nỗi xây xẩm mặt mày, chuyện cái bộ phận đàn ông lớn không hơn hạt đậu của ông thầy dòng, rồi cười nói oang oang. Họ cười anh chàng “Chuột Nhắt” với gương mặt giống vua hề Harold Lloyd, vẫn hay nhô đầu ra khỏi ô cửa phòng học vụ tối tăm để trao cho sinh viên mấy tấm thẻ sinh viên và tem phiếu giảm giá. Cũng là anh chàng “Chuột Nhắt” lúc nào cũng bước hấp tấp đi lòng vòng trong khuôn viên đại học, miệng luôn luôn nở một nụ cười cầu tài. Bọn sinh viên tốt nghiệp có mái tóc rẽ đường ngôi thật ngay ngắn và những chiếc mùi soa nhô lên khỏi ve áo, sau khi hát xong bài ca hiệu đoàn của trường cũ, cuối cùng đã giải tán. 

Cuộc họp tan xong, kẻ trước người sau bắt tắc-xi, hướng về phía một quán rượu ngoài phố Ginza để nhậu tiếp đợt hai. Gã đàn ông một mình leo lên xe điện đường ra về giữa cơn mưa. Chiếc xe điện vẫn như hồi chiều nghĩa là hầm hập một thứ mùi ẩm ướt quyện đủ mùi dù đi mưa, mùi bùn đất và hơi người. Gã đàn ông vừa ngắm đám hành khách trong xe, cũng như gã, những con người không có gì đặc sắc, rồi gã lại bắt chước Kafuu để tưởng tượng ra cuộc đời bọn họ. Anh chàng ngồi ngay trước mặt gã đang móc ra cây bút chì hý hoáy viết cái gì đó trên tờ báo chuyên cá độ đua xe đạp mở banh ra trước mặt. Cô gái đi học lớp đêm về ngủ gà ngủ gật, cuốn từ điển Anh văn Reader’s Crown nằm trên đầu gối. Cả đám hành khách trong toa với gã nào có khác chi, họ đang sống một cuộc đời tẻ nhạt, chắc chắn là sống trong sự hèn nhát và khi chết cũng sẽ được chôn chung một lỗ với sự hèn nhát. Thế nhưng, khi xe chạy ngang qua trạm Fuda no Tsuji, gã đàn ông đưa mấy ngón tay lên chùi cánh cửa sổ đã nhòe vì nước mưa, dí đầu sát vào đó như muốn nhìn cho rõ phong cảnh bên ngoài. 

Đằng sau ánh đèn tù mù của những ngôi nhà và tiệm quán, màu đen của gò đất như nổi hẳn lên. Cái trại Dachau nơi “Chuột Nhắt” bị giam cầm, nó ra sao ấy nhỉ? Mấy năm về trước, gã đã có dịp xem vài cuộn phim thời sự về các trại tập trung nên cũng rõ về quang cảnh những nơi này. Nó không khác bao nhiêu so với nhà ngục xóm Kodenma, nơi đám tín đồ Ki-Tô giáo ngày xưa đã bị tống giam. Nếu “Chuột Nhắt” đã từng sống ở một nơi như thế thật thì điều đó đáng làm cho gã phải kinh ngạc. Thế rồi, gã nghĩ, nếu đúng như người ta kể, “Chuột Nhắt” đã vì bạn đồng tù và vì tình yêu thương chịu chết thay người, thì nó không phải chuyện xa xưa mãi tận thời Edo mà là một sự kiện mới đây và ảnh hưởng thấm thía tới tâm tình của chính gã trong lúc này. Ai và cái gì đã thay đổi được thái độ của “Chuột Nhắt”? Ai và cái gì đã nâng “Chuột Nhắt” lên đến một tầm cỡ như thế? Gã đàn ông lắc đầu, hết ngắm cô gái đang ngủ gà ngủ gật trên chiếc ghế đằng trước mặt đến nhìn anh thanh niên đang chúi mũi vào tờ báo cá độ đua xe đạp. Gã thầm nghĩ, giữa đám hành khách như vậy, vâng đúng thế, trong đám đông bình thường này, chắc hẳn có một người với khuôn mặt khôi hài giống Harold Llyod, mặc cái quần bùn bê bết lên tới đầu gối, đang ngồi đó rung đùi24. Đó là “Chuột Nhắt”. 

(Dịch xong tại Tôkyô ngày 13/ 06/2008. Cập nhật 16/04/2015)





NGƯỜI ĐÀN ÔNG BỐN MƯƠI

(YONJUSSAI NO OTOKO, 1964)

 

Cứ mỗi 10 năm, Endô Shuusaku lại viết một truyện ngắn có tính tự truyện như thể muốn đánh dấu chặng đường vừa đi qua. Ít nhất là vào thời ông ở các lứa tuổi bốn mươi (1963), năm mươi (1973) và sáu mươi (1983). 

Đoản thiên “Người đàn ông bốn mươi” đã được viết ra để nhớ đến thời gian ông đạt tới cái tuổi “bất hoặc” (không còn ngờ vực hay bị dao động) như lời Khổng Tử xưa kia đã trình bày trong Luận Ngữ. Tính tự truyện có thể nhìn thấy qua thể nghiệm bệnh phổi của Suguro, nhân vật chính (Suguro là cái tên xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Endô Shuusaku). Ngoài ra, trong đời thường, nhà văn của chúng ta đã mắc chứng ho lao, phải giải phẫu, ngay từ thời du học ở Lyon (Pháp) và cho đến cuối đời, vấn đề sức khoẻ đã thường trực ám ảnh tâm trí cũng như văn nghiệp ông. 

Trầm tư về tôn giáo của Endô Shuusaku ở đây xoay quanh những câu hỏi ông hãy còn phải tự đặt cho mình ở giữa tuổi bốn mươi liên quan đến sự bất lực của con người khi tìm về Thượng Đế, bản chất của tội lỗi cũng như quyền buộc tội và tha tội. 

 
 

 namvien

Nằm ở Bệnh viện đại học Keiô (Tôkyô) tháng 3 năm 1961. 

 

1

 

Suguro nghĩ rằng đã là con người thì ai đôi khi cũng nghĩ đến lúc mình có thể chết, nhưng chết ở nơi đâu hay chết trong một gian phòng như thế nào là cái hầu như chưa ai hình dung được. 

Ở bệnh viện, nếu chết, họ chỉ được người ta xử lý như gửi đi một kiện hàng. 

Vào một buổi chiều, bên cạnh phòng Suguro nằm, một con bệnh mắc chứng ung thư đường ruột đã chết. Tiếng than khóc của gia đình vọng đến tai anh trong chốc lát. Cuối cùng khán hộ chở ông ta lên băng-ca và đưa xuống nhà xác. Sáng hôm sau, khi các bà nhân viên vệ sinh đến quét dọn gian phòng trống đó, họ vừa làm việc khử trùng vừa hát líu lo. 

Đến chiều thì đã có con bệnh khác trám vào chỗ ấy. Không có ai báo cho người bệnh mới đến là nơi ông ta nằm, hôm qua vừa có người chết. Và con bệnh mới cũng không cách chi tìm được một thông tin như thế. 

Bầu trời quang đãng. Cuộc sống ở bệnh viện trôi qua như không có gì xảy ra, bữa cơm chiều vẫn được đem đến phân phát bình thường. Bên dưới cửa sổ, ô tô, xe buýt chạy xẹt qua xẹt lại. Tất cả như đang muốn cùng nhau che dấu một việc gì. 

Hôm ấy nhằm hai tuần trước cuộc giải phẫu lần thứ ba, Suguro nhờ vợ mua hộ cho anh ta một con nhồng25. Khác với khi nói đến cưởng hay vàng anh, khi tên của con chim hơi đắt giá này vừa mới buột ra ở đầu cửa miệng, anh bắt gặp chút thảng thốt hiện ra trên khuôn mặt vợ mình. 

– Được chớ, có sao đâu!

Nàng vẫn gật đầu đồng ý và cố nở một nụ cười. Đôi má thấy có hóp đi vì mệt mỏi sau những tháng dài trông nom bệnh chồng. Cái cười mỉm miệng này, trong thời gian nàng nuôi bệnh, Suguro đã thấy mấy lần rồi. Bác sĩ đến, trên tay là một tấm phim chụp quang tuyến còn ươn ướt, ông soi nó trước ánh đèn rồi bảo:

– Chỗ bệnh lậm đến thế này chắc phải mổ thôi!

Được báo tin sẽ phải bị cắt đi sáu cái xương sườn, trong một thoáng, Suguro đã câm lặng như muốn nén nỗi lo lắng vào bên trong thì khi đó, cái mỉm cười can đảm của người vợ đã hiện ra như để nâng đỡ tinh thần anh. Giữa đêm khuya, lúc ca giải phẫu đầu tiên vừa xong và mới tỉnh thuốc mê, hãy chưa hoàn hồn, hình ảnh đầu tiên bồng bềnh trước mắt anh vẫn là khuôn mặt của vợ với nụ cười nhẹ nhàng đó. Rồi ngay cả lúc cuộc giải phẫu lần thứ hai bị thất bại và Suguro rơi vào trong một trạng thái tinh thần hầu như kiệt quệ, nụ cười ấy vẫn không hề biến mất từ khuôn mặt nàng. 

Ba năm nằm nhà thương, tiền dành dụm đã hao hụt đi nhiều. Trong tình trạng như vậy mà anh còn đòi mua một con nhồng đắt giá thì chắc chắn không phải là người biết nghĩ. Thế nhưng hiện thời thì Suguro, vì một lý do riêng tư, đã nằng nặc muốn mua con chim kia cho được. 

Có lẽ người vợ chỉ nghĩ đơn thuần đây là sở thích hơi ngông của con bệnh nên gật đầu nói:

– Để ngày mai em ra gian hàng ở hiệu bách hóa xem sao nhé!

Buổi chiều hôm sau, dắt theo đứa con, hai tay đong đưa hai túi hàng lớn, nàng bước vào phòng bệnh. Đó là một ngày tháng chạp mây u ám. Một túi đầy mấy thứ quần áo, đồ ngủ và đồ lót của chồng vừa được giặt xong. Còn cái túi kia là một khăn vải vẻ (vẽ)hoa văn lạ mắt, nghe từ đó tiếng sột soạt của một thân chim đang lay động. 

– Mắc không em?

– Bố đừng lo cho mệt. Họ có xuống giá cho mình mà. 

Đứa con trai lên năm có vẻ mừng rỡ, khom lưng trước cái lồng chim và chăm chú nhìn vào bên trong. 

Con nhồng khắp người lông đen nhánh nhưng trên đầu có mấy lằn vàng sáng. Nó đậu không động đậy trên một thanh ngang, chòm lông trước ngực hơi bù xù có lẽ vì bị lắc qua lắc lại suốt cuộc hành trình bằng xe điện để đến đây. 

– Như vậy, khi mẹ con em ra về rồi, bố cũng có bạn đỡ buồn. 

Đêm bệnh viện tối u và dài. Sau 6 giờ chiều, người ta không cho phép gia đình đi thăm được nán lại. Suguro ăn một mình, ngủ cũng một mình, chỉ biết ngửa mặt nhìn đăm đăm trần nhà. 

– Cách cho chim ăn hơi rắc rối một chút đấy. Người bán chim bảo phải thấm nước vào mồi bột dành cho nó và vo thành viên to cỡ đầu ngón tay trỏ. 

– Cho ăn mồi to cỡ đó có làm nó bị mắc nghẹn ở cuống họng không hở?

– Không đâu. Ngược lại nhờ đó nó lại có thể bắt chước được nhiều giọng. 

Thằng con đưa ngón tay chọt chọt thì con nhồng tỏ vẻ hoảng sợ, đứng nép vào một góc lồng. Người vợ đi khuất về phía gian bếp dành cho bệnh nhân để sửa soạn mấy món ăn đệm cho chồng. 

– Con chim này biết nói đủ thứ đó! Nhớ dạy cho nó để vào lần sau, nó nói được nhiều nhiều khi con tới nghe ba!

Nghe con nói vậy, Suguro vừa gật đầu vừa nhoẻn miệng cười. Sáu năm về trước, đứa trẻ cũng đã ra đời trong khu sản khoa của nhà thương này. 

– Ừ nhỉ, mình dạy nó cái gì bây giờ ? Hay con dạy nó lập lại tên con đi vậy!

Sương chiều dần dần bắt đầu bủa vây gian phòng người bệnh. Từ cửa sổ nhìn ra, những dãy nhà trong bệnh viện lần lượt lên đèn. Tiếng động của chiếc xe phân phát phần ăn đang đi qua ngoài hành lang nghe ken két. 

– Thôi nghen. Hôm nay không có ai trông nhà, bố cho phép mẹ con về bây giờ nhé!

Người vợ đã sửa soạn xong mấy món ăn đệm, bọc mấy cái đĩa vào trong giấy kính nhựa, đặt nó lên trên ghế, miệng nói:

– Không muốn ăn cũng ráng ăn cho hết nghe bố. Trước khi mổ phải ăn đủ chất để lấy sức chứ!

Bảo thằng con nói con chào, bố nhớ giữ gìn sức khoẻ, xong, bà ta kéo nó ra khỏi căn phòng người bệnh nhưng còn quay lại nói với:

– Bố cố gắng lên, bố nhé!

Thế rồi, khuôn mặt nàng lần nữa lại điểm cái nụ cười nhẹ ấy. 

Bệnh viện chợt trở nên im ắng. Trong lồng, con nhồng động đậy sột soạt. Vẫn ngồi trên giường, Suguro lặng lẽ ngắm đôi mắt buồn bã của con chim trên cái thanh đu ngang. Biết đòi hỏi của mình là ngông cuồng nhưng Suguro vẫn vòi vĩnh vợ phải mua cho mình con chim đắt giá. Thật ra, anh có một số lý do. 

Vì hai lần giải phẫu đều thất bại và bây giờ anh đang đợi người ta cắt đi một bên phổi, Suguro rất đau khổ khi phải gặp người khác. Khi nói đến lần giải phẫu thứ ba này, miệng các bác sĩ bao giờ cũng nói chắc như bắp nhưng thái độ và ánh mắt của họ lại làm cho anh lo ngại về sác xuất thành công của nó. Đặc biệt trong trường hợp riêng anh thì sau lần giải phẫu thứ hai thất bại, màng phổi đã bị dính chặt vào thành ngực. Đem tách chúng rời nhau ra, có nguy cơ xuất huyết nhiều và đó là điều nguy hiểm nhất. Nghe nói từng có một số bệnh nhân ở vào trường hợp của anh đã tắt thở giữa ca mổ. Suguro giờ đây không còn sức để tỏ ra mình có tinh thần cao hay bông đùa về bệnh trạng của mình cho khách đến thăm nữa rồi. Vì vậy, lý do thứ nhất để nuôi nhồng của anh là việc anh nghĩ mình chỉ còn có con vật này là người bạn hợp tình hợp cảnh để tâm sự. 

Sắp đến tuổi bốn mươi, Suguro bỗng đâm ra thích tìm hiểu có gì trong ánh mắt những con súc vật như chó và chim chóc. Nhìn từ một góc cạnh nào đó sẽ thấy những đôi mắt đó lạnh lẽo, không có hơi ấm tình người nhưng dưới một góc cạnh khác, mới nhận ra được là những đôi mắt ấy chất đầy nỗi buồn. Suguro có lần nuôi cưỡng. Một hôm, con chim lăn ra chết. Trước khi thở hơi cuối cùng trong bàn tay anh, con chim nhỏ, với cái màng bao tròng trắng đục ra, dần dần lạc thần mà vẫn cố chống trả với tử thần, còn ráng mở mắt thêm một, hai lần nữa. 

Cũng như cặp mắt con chim ấy, Suguro cảm thấy có những đôi mắt chất chứa nỗi buồn tương tự đang quan sát cuộc đời của chính anh. Đặc biệt những đôi mắt đó nhìn chòng chọc vào anh kể từ khi có cái biến cố vào một ngày trong quá khứ. Những đôi mắt đó như đang mở trừng trừng. Không chỉ nhìn chòng chọc mà thôi, chúng tựa hồ muốn tố cáo việc gì đó. 

 

2

 

Một thủ tục cần thiết trước khi giải phẫu là soi khí quản để kiểm tra. Sử dụng một cái kính đính vào một ống kim loại, người ta thọc trực tiếp nó vào phổi theo đường miệng để nhìn rõ bên trong. Bệnh nhân thường gọi nó là “barbecue” (xâu thịt nướng). Hình ảnh người bệnh nằm ngửa trên giường, thanh kim loại đi sâu vào trong người khiến họ có cảm tưởng mình chẳng khác nào một xâu thịt xiên. Người bị kiểm tra bằng cách này có khi miệng khạc ra cả máu, thân thể quằn quại đau đớn làm các cô khán hộ phải ra sức giữ chặt cho yên. 

Cuộc kiểm tra xong xuôi, Suguro vừa lấy giấy chậm vết thương còn chảy máu chung quanh chân răng vừa trở lại phòng mình thì vừa lúc đó, vợ anh lại đưa con trai tới nơi. 

– Mặt bố tái mét kìa!

Sau hai lần chịu giải phẫu, cơ thể của Suguro dường như đã chai lỳ với thống khổ. Đau đớn trở không còn là đối tượng của sợ hãi nữa. 

– Bố ơi, con nhồng thế nào?

– Nó chưa học được câu nào cả!

Suguro ngồi trên giường, một lúc mới điều chỉnh được nhịp thở chút đỉnh. 

– Trước khi em tới, “con bé Yasu” trên Ômori có gọi điện thoại đến nhà. Nó bảo hôm nay sẽ đi với anh chồng đến thăm bố đấy. 

Vợ anh lưng quay đằng sau, vừa đeo tấm tạp dề vào người, vừa thông tin cho anh. Vì người đàn bà quay lưng lại phía mình cho nên nét mặt của nàng lúc đó như thế nào, Suguro không sao đoán biết. 

– Đi với chồng à?

– Vâng. 

Yasuko ở Ômori là cô em họ vợ anh. Bốn năm về trước, cô ấy đã kết hôn với một viên chức thuộc Vụ Kế Hoạch Bộ Kinh Tế. Người chồng của cô cho Suguro cảm tưởng anh ta là một nhà kinh doanh với tinh thần thực dụng, đầy sức sống, thân thể vạm vỡ, cổ bạnh vai u. 

– Chuyện “con bé Yasu” trên Ômori đến thăm ... nếu bố thấy trong người chưa lấy lại sức sau đợt kiểm tra, thì để em gọi điện thoại từ chối nó. 

Có thể vợ anh bảo thế vì không chịu nổi sự im lặng quá lâu, không có lấy một câu trả lời của chồng mình. 

– Không sao đâu em. Người ta cất công tới thăm mà!

Suguro nằm trên giường, mặt ngước lên. Hai tay khoanh vào nhau, đôi mắt dán vào trần căn phòng bệnh, nơi có mấy chỗ ngả màu vì nước mưa thấm vào. Cái vè của mấy chỗ dột đã vàng xỉn. Trời cũng đã mưa vào buổi chiều hôm đó nhỉ!

Tuy vậy, hôm ấy, quang cảnh là một căn phòng dùng để xưng tội, nhỏ và tối tăm hơn phòng dành cho con bệnh như thế này, Suguro thì đang ở trong tư thế quì, ngăn cách với ông linh mục tu sĩ già người ngoại quốc miệng nồng mùi rượu vang, bằng một cái màng lưới tết bằng kim loại. 

Miseraetur tui Omini potens Deus... 

Sau khi đưa một cánh tay lên và đọc lời cầu nguyện bằng tiếng La-Tinh, người tu sĩ quay người qua một bên, yên lặng chờ đợi những gì Suguro sẽ phát biểu. 

– Con... 

Suguro nói được đến đó thì câm miệng. Đã lâu, anh ta không có dịp bước vào một căn phòng xưng tội và có hơi do dự khi phải nói cho người khác biết về câu chuyện đó. Thế nhưng, hôm nay, anh đã can đảm đến đây để có thể bóc mảnh vải băng vốn đã dán chặt vào thịt trên miệng của vết thương mình. 

– Con... Con... Ngày còn nhỏ, con đã chịu phép rửa tôi theo ý chí của cha mẹ chứ không phải thực lòng mình muốn, cho nên trong một quãng thời gian dài, con chỉ đi nhà thờ theo thói quen và hình thức mà thôi. Thế nhưng, cũng kể từ hôm ấy, con hiểu rõ rằng con không thể nào vứt bỏ được bộ quần áo mà cha mẹ đã quyết định mặc cho con dù nó không được cắt đúng ni tấc của mình. Rồi qua bao năm tháng, bộ quần áo cha mẹ mặc cho đã trở thành một phần của đời con. Con biết rằng nếu con vứt bỏ nó đi thì con sẽ không còn gì, tâm hồn và máu thịt, ngay cả những gì đang bảo vệ mình. 

– Nói nhanh lên đi!

Với hơi thở nặng mùi rượu đang phả ra chung quanh, người linh mục già hạ giọng thôi thúc. 

– Có người đang đợi đến phiên mình đấy. 

– Trong một quãng thời gian dài, con không dự lễ Misa. Con đã có những hành động thiếu tình yêu thương... 

Suguro để miệng anh tuôn ra liên tu bất tận những tội không đâu. 

– Con không phải là một người chồng và người cha gương mẫu trong gia đình. 

Những điều mình đang thốt ra đây có đáng buồn cười không nhỉ! Quì xuống mà lẩm ba lẩm bẩm ba câu kỳ cục ngu ngơ. Trong đầu Suguro lúc đó hiện ra những khuôn mặt bạn bè, từng người từng người một, anh tưởng tượng nếu họ thấy cảnh này thì sẽ cười cợt và khinh miệt anh biết bao. Những lời anh thốt ra không chỉ có vẻ hài hước mà còn chứa cả sự ti tiện trong con người ngụy thiện của anh nữa. 

– Có chừng đó thôi sao?

Suguro có cảm tưởng lúc này là lúc anh đang sắp làm một hành động giả dối nhất:

– Thưa vâng, chỉ có chừng đó thôi ạ!

– Này nhé! Đọc kinh “Kính mừng Marie Đức Mẹ Chúa Trời” ba lần đi. Nhớ cho là bao tội lỗi của chúng ta thì khi chết, Chúa đã gánh chịu hết cả rồi...

Lời dạy dỗ thật đơn giản và một sự tha tội cũng thật đơn giản đã được ban ra bằng giọng điệu hầu như là công thức. Nói xong, ông linh mục già người ngoại quốc kia lại đưa cánh tay lên và lẩm nhẩm mấy lời cầu nguyện bằng tiếng La-Tinh. 

– Thôi, cứ yên tâm và đi đi!

Suguro đứng dậy, tiến ra phía cánh cửa căn phòng. Tại sao chỉ cần làm một hành vi nhỏ nhặt như thế này mà người ta được tha thứ tội lỗi? Suguro còn nhớ lời của ông tu sĩ bảo là tội lỗi của chúng ta Chúa đã chuộc cho bằng cách gánh hết trên lưng mình khi ngài chết đi. Đầu gối Suguro hãy còn hơi đau, chắc vì đã phải quì quá lâu. Anh có cảm tưởng đằng sau lưng mình, một cặp mắt buồn bã đang chăm chú nhìn theo. Cặp mắt ấy còn buồn bã hơi cả đôi mắt của con cưỡng nằm chết trong bàn tay anh ngày nào. 

– Chào, chào, chào... 

– Con nói nhanh thế thì con nhồng làm sao học được. 

Suguro từ trên giường dích đôi dép trên sàn nhà, xỏ vào chân, cùng cậu con trai đi ra ngoài bao lơn nơi có đặt cái lồng của con nhồng rồi hai người ngồi sụp xuống bên cạnh. Con vật hơi nghiêng đầu như thể ngạc nhiên, nghe ngóng những gì cậu bé nói. 

– Này, chào đấy nghe. Chào, nói đi!

Chiếc lồng chim trùm lưới sắt trông sao giống như căn phòng xưng tội buổi tối ngày nào. Giữa mình và người tu sĩ ngoại quốc già nua kia cũng có một tấm lưới sắt được dựng đứng lên. Rốt cuộc, hôm ấy mình đã không nói được điều đó. Mình không thể nói. 

– Nói thành tiếng đi mày. Không chịu nói hở, cái con nhồng này!

Nghe tiếng của con, vợ anh ngạc nhiên quay lại nhìn:

– Chắc nó không nói được, đó con!

Suguro ngượng ngập cúi đầu. Vừa lúc ấy, có tiếng gõ cửa rồi một khuôn mặt đàn bà trắng trẻo nhìn vào. Đó là Yasuko, em họ của vợ anh. 

 

3

 

– Em xin lỗi nhiều lắm nghe. Cứ nói đến thăm anh, đến thăm anh... mà không làm. Chồng em ảnh cũng mắng em vì chuyện đó đấy!

Yasuko mặc một chiếc kimono kiểu Ôshima màu trắng khoác haori có vân nhỏ, đặt xách tay ngang tầm đùi, cùng ngồi xuống ghế với chồng và nói như thế. 

– Có đem chút quà mọn, anh chị dùng lấy thảo. 

Quà của nàng đem đến là một hộp bánh nướng của hiệu Izumiya. Đó là loại bánh trái nổi tiếng ngang hàng với loại bánh bông lan của tiệm Nagasakiya mà khách đến thăm bệnh hay chịu ơn ai hầu như đều mua để biếu xén. 

Suguro nghĩ bâng quơ. Giống như loại bánh nướng đó, khuôn mặt của chồng Yasuko – ông công chức Vụ Kế Hoạch Bộ Kinh Tế kia – đang biểu lộ tình cảm của một người đi viếng thăm bà con đang bệnh vì nghĩa vụ. Lỡ mình có chết, Suguro thầm nghĩ, anh ta sẽ đi dự đám ma, cũng đeo băng tang đen trên cánh tay chớ chẳng phải không. Thế nhưng khi vừa về đến nhà, anh ta sẽ tức tốc nhờ bà vợ Yasuko rải muối lên người mình để xả xui ngay trước cửa vào cũng không chừng!

– Em thấy sắc mặt của anh coi bộ khá ra đấy. Lần mổ này chắc không sao đâu. Nhất định mà, không có chuyện gì rủi ro xảy đến cho anh đâu. Cứ nghĩ là năm tuổi nó tới sớm, mình thanh toán vận hạn trước cho xong là được. 

Nói xong, Yasuko quay qua phía người chồng ngồi bên cạnh, như thúc giục một sự đồng tình:

– Phải không mình!

– Ờ ờ!

– Ông chồng em đây xưa nay vì chưa biết bệnh tật là gì, ngược lại, mới nguy hiểm. Cứ mượn cớ họp hành kia nọ, ảnh cứ tiệc tùng thâu đêm liên tiếp. Bệnh mà đổ ra là hết cách. Riêng anh nhà đây, trái lại, mới là người sống dai. Mình cẩn thận cho em, mình nghe!

– Ờ, ờ!

Chồng của Yasuko miệng ờ ờ chấm câu, tay thò vào túi lấy gói thuốc lá hiệu Peace. Mắt anh ta chợt bắt gặp ánh mắt của Suguro trong một giây, bèn cất nó vào. 

– Hút đi chớ. Không sao mà!

– Dạ không. 

Anh chồng hơi bối rối, lắc đầu. 

Yasuko và vợ Suguro bắt đầu nói những chuyện giữa đàn bà với nhau. Toàn là chuyện về những người bạn thời xa xưa của họ mà Suguro lẫn anh chồng của Yasuko hình như đều không quen biết. Hết chuyện cô nào bà nào lấy ai và đang sống vùng nào, qua chuyện một người thầy dạy môn vũ cổ điển định khai trương và sắp sửa một cuộc trình diễn ở đâu đó để chiêu mộ học trò. Hai người đàn ông bị đặt bên lề cuộc đối thoại không biết làm gì hơn là nhìn nhau một cách bâng quơ trong im lặng. 

– Cái obi em mang dễ thương quá đấy nhé, Yasuko. 

– Đâu có chị. Thắt lưng này, đồ rẻ tiền mà. 

Trên nền áo kimono Ôshima màu trắng, Yasuko quấn một chiếc obi đỏ tươi. 

– Màu đỏ như vậy hợp với em lắm. May ở tiệm nào?

– Mitsudaya đằng Yotsuya ... đó chị!

Người vợ của Suguro ít khi ăn nói kiểu châm biếm như thế. Anh biết rằng nàng thường xem việc đeo obi màu này kiểu này kém thanh nhã nhưng cớ sao hôm nay cô ta lại dối lòng đi khen khéo Yasuko. Anh nghĩ một lý do có thể là ngày nay nàng không có trong tay loại obi như thế nữa. Từ hồi lấy nhau đến giờ, nàng đã mất dần, hết kimono và obi này đến kimono và obi khác. Trong thời gian ba năm anh nằm nhà thương, Suguro để ý là nàng đã lặng lẽ bán lần hồi mấy tấm kimono của mình. Nhưng khi phát hiện ra rằng không phải chỉ vì lý do đó mà người vợ mới có giọng điệu châm chọc, Suguro chợt giật bắn. 

Cái obi màu đỏ của Yasuko làm Suguro nghĩ đến màu máu. Ngày anh đưa cô nàng đến một bệnh viện sản khoa ở Setagaya, máu đã bắn đầy lên cái áo của ông bác sĩ khám nghiệm cô. Máu đó là máu của Yasuko chứ chẳng của ai khác. Nói đúng hơn, trong giòng máu đó còn có một phần máu của anh nữa. Nó là máu của một vật thể mà anh và Yasuko đã cùng nhau tạo ra. 

Hồi đó, vợ Suguro nằm ở khoa sản ở bệnh viện anh đang chữa trị. Không phải để đợi ngày sanh mà để đối đầu với nguy cơ đẻ non rất nguy hiểm nên nàng phải nhập viện gần nửa tháng. Cứ như thế, đứa bé con anh đã sinh ra nhưng chỉ nặng chưa đầy bảy trăm gam và phải được nuôi trong lồng kính. Bác sĩ phải tiếp tục chích kích thích tố cho vợ anh trong một thời gian dài. 

Vì thuở đó, Yasuko hãy chưa chồng, cô thường xuyên đến thăm người chị họ. Quà cô đem đến thời đó là bánh kem Bavarois chứ không phải bánh nướng hiệu Izumiya như bây giờ. Cô vứt đi mấy loại hoa màu lộn xộn cắm trong bình nơi phòng người bệnh và thay vào đó bằng những đóa hoa hồng. Chỗ cô đang học vũ là khu Samon-machi vốn ở gần nhà thương nên sau khi tập tành, trên đường về, cô thường ghé bệnh viện, thật là tiện lợi. 

Khi tiếng chuông báo hiệu giờ thăm viếng đã chấm dứt, Suguro kéo cao cổ áo khoác, sánh vai Yasuko bước ra ngoài. Quay đầu nhìn lại, khu sản khoa của nhà thương trông giống như một con tàu nằm im trên bến cảng trong bóng đêm. Qua những cánh cửa sổ nhỏ, đã thấy anh đèn của các gian phòng từng cái một. 

– Bây giờ, anh một mình về nhà rồi lại một mình nấu cơm ăn chứ gì? Tội nghiệp anh quá! Nhà không có cô giúp việc nào, phải không anh?

Đầu rụt vào trong tấm khăn san, Yasuko đã có thể nói một câu như vậy. 

– Biết làm sao! Đi mua mấy thứ đồ hộp trên đường về vậy. 

– Nếu thế thì... em đến sửa soạn cho anh bữa cơm chiều nhé! Có chịu không?

Giờ mà nghĩ lại Suguro không thể nào phân biệt rõ ràng là mình đã bước một bước trước để dụ dỗ Yasuko hay ngược lại, chính nàng làm như vậy để dụ dỗ anh. Thế nhưng, chuyện đó mà có thì cũng chẳng đáng bàn. Mối quan hệ giữa hai người, không biết phải chăng là do tình yêu và sự cô đơn đã kết hợp với nhau để sinh ra, đã bắt đầu tự ngày ấy. Khi Suguro kéo giật cánh tay của Yasuko, người con gái dường như đã đợi sẵn, đôi mắt mở lim dim và người xiêu hẳn về phía anh. Hai người đã ngả chồng và đan lấy nhau trên chiếc giường mà vợ Suguro đem từ nhà cha mẹ về hồi họ mới cưới. Khi mọi việc xong xuôi, Yasuko đã ngồi trước tấm kính bàn trang điểm của vợ anh, vươn hai cánh tay trần và ngẩng đầu lên lên để sửa lại mái tóc rối. 

Thế rồi nhằm cái ngày trước hôm vợ anh nhập viện trở lại và lần này để thực sự sinh con, Yasuko đã sợ hãi đến báo tin cho Suguro:

– Anh ơi, hình như em có mang. Làm sao bây giờ?

Anh ta lúc đó có một khuôn mặt thật khó thương và đã nín thinh. 

– Thôi, em biết rồi. Anh sợ, có phải không? Đúng là sợ chớ gì! Đâu dám nói em cứ đẻ đi!

– Không phải vậy đâu, nhưng mà... 

– Hèn quá. Anh thật khiếp nhược!

Nói đến đó, nàng bắt đầu cất tiếng khóc. 

Sau khi vợ anh nhập viện, Suguro cảm thấy hụt hẫng, cứ ngồi chết lặng trong căn phòng 6 chiếu trong nhà. Ánh nắng hướng tây từ cánh cửa sổ bằng kính rọi lên trên hai cái giường. Một trong hai cái giường ấy là giường người vợ, nơi hôm nào anh và Yasuko đã ngả chồng lên nhau quấn quít. Trên một góc của mảnh chiếu nơi ánh nắng chiều rọi xuống, Suguro bất chợt nhận ra có một vật gì màu đen và nhọn tựa một cây kim đang lấp lánh. Một cái kẹp tóc đàn bà. Cái kẹp ấy là của vợ anh hay là vật hôm đó Yasuko đánh rơi, anh không biết nữa. Thế nhưng, Suguro đã đặt cái vật đen đen nhỏ bé ấy vào lòng bàn tay một hồi lâu và đăm đăm nhìn nó. 

Nhờ một người bạn cũ thời trung học mách nước, Suguro đã đưa Yasuko tới cái bệnh viện nhỏ chuyên về sản khoa trong khu Setagaya. Anh không biết phải dùng chữ gì khi hỏi thăm người ta, phá thai hay trục thai đây. Một người không rành chuyện đời cho mấy như anh thì chọn được đúng chữ quả là một việc khó khăn. 

– Ông bà là vợ chồng?

Khi người nữ khán hộ có nhiệm vụ tiếp khách mở cánh cửa kính tò vò để đặt câu hỏi, Suguro chỉ biết giữ im lặng, khuôn mặt căng thẳng. Bên cạnh anh, có tiếng Yasuko trả lời rõ mồn một:

– Vâng, đúng thế!

Sau khi Yasuko cùng với người nữ khán hộ đi khuất, Suguro vừa ngồi co ro trong căn phòng đợi nhỏ bé và lạnh lẽo, hồi tưởng lại nét mặt của Yasuko khi nàng thốt ra cái câu trả lời rành rọt, không chút chần chừ: “Vâng, đúng thế!”. 

Mấy con dán đang bò trên bức tường của gian phòng đợi. Tường lại có những vệt ố to như bàn tay. Suguro lật mấy trang một tờ tạp chí cũ nhàu nát đặt lên đùi trong một khoảng thời gian khá lâu, đầu óc dĩ nhiên nghĩ vẩn vơ về mấy chuyện khác. Anh thừa nhận rằng là người từ bé đã chịu phép rửa tội theo đạo Công giáo, anh không thể chấp nhận một hành động gọi là trục thai. Tuy nhiên bây giờ hành vi này cũng như chuyện tình cảm xảy ra với Yasuko đang đùn anh vào thế kẹt. Anh tưởng tượng đến khi tất cả vỡ lở ra, vợ anh và gia đình anh đều biết. Vì hạnh phúc gia đình, anh muốn nhắm mắt làm ngơ trước mọi chuyện. Mãi một lúc sau thật lâu, Suguro mới thấy dáng người bác sĩ già mở cửa bước vào nhưng trên chiếc áo choàng làm việc của ông, có những tia máu bắn nghiêng dính lên, chắc là máu Yasuko. Bất chợt, anh đưa mắt nhìn qua chỗ khác. 

– Mấy hôm trước, tụi em đi Izu mới về. Không phải để tắm suối nước nóng đâu nhé. Em đi theo để xách đồ đánh “gôn” cho cái anh này đó. Anh chị có để ý dạo sau này em dần dần béo ra không? Chồng em cứ khuyên, thôi, em cũng học đánh “gôn” đi. Thời buổi này, vụng về cách mấy ai cũng chơi “gôn” nên em bắt chước người ta!

Người vợ của Suguro lần nữa lại nở nụ cười cố hữu, lắng nghe câu chuyện của cô em họ. Ông anh vợ có lần kể cho Suguro hay rằng từ ngày con gái, Yasuko và Yoshiko, người vợ của anh, luôn luôn có thái độ tỵ nạnh với nhau Hai người cùng đi học vũ cổ điển nhưng đến lúc ra trình diễn, sau khi vợ anh múa điệu Tamaya, Yasuko đã bật khóc vì chỉ được thầy cho múa điệu Sagimusume kém đẳng cấp hơn. Cho nên giờ đây, khi đưa ra đề tài chơi “gôn”, nhất định cô đang muốn so sánh so sánh ông chồng bệnh hoạn của bà chị với người chồng khoẻ mạnh của mình. Còn ông chồng ấy thì vẫn ngồi đối mặt với Suguro và thái độ không tỏ ra có gì thay đổi. Anh ta chẳng nói chẳng rằng, nếu không muốn bảo là có vẻ như đang muốn cuộc viếng thăm vô vị này chấm dứt cho nhanh. 

– Ông bà là vợ chồng?

– Vâng, đúng thế!

Từ sau câu hỏi và câu trả lời cũng như nét mặt thản nhiên của Yasuko trong cái bệnh viện sản khoa nhỏ bé ấy, Suguro còn được gặp lại cô nàng một lần nữa, vào dịp cô kết hôn. 

Tiệc cưới được tổ chức ở khách sạn P. . Trước cửa ra vào, cô dâu chú rể đứng xen giữa ông mai bà mối để lần lượt cúi đầu chào khách đến dự. Theo dòng người, khi đến lượt vợ chồng Suguro đi ngang qua trước mặt họ, ánh mắt của anh và Yasuko, lúc đó trong bộ y phục tuyền trắng của nàng dâu, đã gặp gỡ nhau nhưng đôi mắt của cô chỉ mở lim dim như mắt một pho tượng Phật. Nó chăm chắm nhìn vào anh. Thế rồi, cô khẽ lặng lẽ cúi đầu. 

– Chúúc mừừng cô chúú... 

Suguro lí nhí nói không thành tiếng. Lúc ấy, một lần nữa, bức tường ngôi bệnh viện sản khoa ở Setagaya và cái choàng trắng của ông bác sĩ dây máu Yasuko lại hiện ra trong trí anh như những cái bóng lung linh. Chàng rể vẫn chắp hai tay phía trước và đứng thẳng không động đậy chẳng khác một người nộm. Dĩ nhiên Suguro đoan chắc rằng gã đàn ông này không hề biết gì về sự việc đã xảy ra. 

Khi tiệc tùng đã vãn, Suguro và vợ rời thềm khách sạn, lúc ấy không còn một bóng người. Khi họ đang chờ một chiếc taxi trống chỗ để bắt, vợ anh lẩm bẩm như đang nói một mình:

– Con bé Yasuko chắc thở phào... 

– Ừ, phải rồi, lấy vợ lấy chồng xong xuôi là đánh dấu một giai đoạn quan trọng... 

Tuy trả lời bằng một câu nói hầu như thông thường nhưng giọng của Suguro có vẻ ràn rạn. Đột nhiên, anh nghe:

– Mọi sự đều đã được giải quyết êm đẹp. Kể cho cả anh ... cho cả chúng mình nữa... 

Chân Suguro khựng lại, anh quay lại nhìn trộm vợ. Không hiểu vì sao, trên khuôn mặt của nàng, nụ cười mỉm đang từ từ tỏa nhẹ. Thế rồi, nàng nhanh nhẹn chui vào chiếc taxi vừa trờ tới đậu lại trước mặt họ. 

(Ôi chao, cái con ranh này, sao nó biết tài thế!). Đặt người xuống nệm xe, trong chốc lát, hai người không trao đổi thêm với nhau một câu nào. Nụ cười của người vợ vẫn còn thoang thoảng trên môi. Anh muốn đọc ý nghĩa của nụ cười ấy. Duy anh chỉ chắc chắn có một điều là từ rày về sau, vợ anh sẽ không bao giờ nhắc đến câu chuyện hôm nay thêm một lần thứ hai. 

– Giải phẫu xong, trăm sự đâu lại vào đấy thôi, anh ạ! Nhưng em phục “chị Yoshi” quá thể. Suốt ba năm trời, chị phải luôn luôn chăm sóc cho anh. 

Yasuko quay đầu về hướng giường Suguro nằm:

– Anh mà được ra khỏi nhà thương, nhớ cưng chị cho thật nhiều không thôi bị phạt đó nghe!

– Ô, phạt thì đã bị phạt rồi còn gì!

Suguro ngẩng đầu nhìn trần nhà, húng hắng ho:

– Cứ thấy đây thì biết. 

– Lại ăn nói kiểu đó nữa!

Yasuko cố tình nói to lên và cười. 

– Em cứ nói với chồng em hoài. Nè, có đúng như thế không, mình? Có phải em cứ nói sao mà “chị Yoshi” tội nghiệp quá thể, đúng không?

– Chắc không đến nỗi vậy đâu, em. Em không thấy chị ... khờ khạo hay sao?

Ba người mỗi người một câu nói với những cái gai nhọn họ muốn dấu đằng sau ý nghĩa ngoài mặt của nó. Chỉ có mỗi anh chồng của Yasuko thì chẳng hiểu gì – hai bàn tay đặt trên đùi, ngón cái đưa lên hạ xuống – làm như chán ngán vì bị bắt ngồi lâu. 

– Có lẽ mình cũng phải xin kiếu anh chị mà về thôi. Để người bệnh mệt là không nên. 

– Vâng, đúng rồi. Em xin lỗi đã không để ý để tứ gì cả!

Mấy chữ “không để ý để tứ” mà Yasuko vừa thốt ra một cách vô tâm lại làm cho lòng Suguro đau điếng. Câu nói đó đã đủ tóm tắt được nội dung cuộc nói chuyện tay tư. Người chồng của Yasuko cũng “không để ý để tứ”. Ba người còn lại thì làm ra vẻ “không để ý để tứ” nhưng đều không mở miệng nói ra điều đó mà thôi. Chỉ với một việc này, họ dường như vì anh và cũng vì họ mà muốn tự đánh lừa. 

– Chào, chào... 

Ngoài bao lơn, đứa trẻ vẫn còn đang hướng về phía con nhồng và tiếp tục dạy cho nó nói:

Nói đi, nhồng! Không chịu nói sao, hở mày?

 

4

 

Hôm đó, chỉ còn ba hôm nữa sẽ đến ngày giải phẫu. Cuộc sống cho đến bữa ấy vẫn yên tĩnh bỗng bận bịu hẳn ra. Các cô khán hộ theo anh suốt buổi, hết đo sức hô hấp và cơ năng làm việc của hai lá phổi lại lấy máu nhiều lần để xét nghiệm. Không những họ muốn biết loại máu mà còn muốn xem máu tuôn ra từ thân thể của Suguro khi ở trên bàn mổ phải mất bao nhiêu lâu mới đông lại được. 

Lúc đó nhằm thượng tuần tháng 12. Vì lễ Giáng Sinh đã gần kề, trong giờ nghỉ trưa, tiếng tập hợp xướng của các cô nữ sinh trường khán hộ phụ thuộc bệnh viện vang đến tận khu vực bệnh nhân nằm. Mỗi năm, trong nhà thương này, có thông lệ là trong đêm Giáng Sinh, các cô khán hộ đến giúp vui cho các em bé đang nằm trong khu nhi khoa. 

– Giải phẫu lần này chỉ cần chuẩn bị như mọi lần thôi cũng đủ, phải không bác sĩ?

Suguro hỏi thăm người thầy thuốc trẻ đang ghé qua căn phòng. Người trực tiếp cầm dụng cụ mổ cho anh phải là một vị giáo sư nhưng anh bác sĩ này chắc chắn sẽ phụ giúp ông ấy. 

– Như ông thì quá quen với việc mổ xẻ rồi. Lần này không có gì phải sửa soạn đặc biệt đâu!

– Lần trước tôi như con cá rút xương... 

Bệnh nhân thường diễn tả như vậy khi nói đến việc họ bị cắt xương trên ngực. 

– Còn lần này, mất đi lá phổi trái chắc thành đi tàu bay một cánh quá!

Người bác sĩ trẻ chỉ biết cười gượng gạo rồi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa sổ. Tiếng hợp xướng mừng lễ Giáng Sinh từ bên ngoài tràn qua cửa sổ âm vang rộn ràng làn điệu một khúc dân ca:

Một tiếng còi xe hỏa hú,

Đoàn tàu đã đưa mình rời khỏi ga Shinbashi ... 

– Xác suất thành công độ bao nhiêu, bác sĩ?

Mắt vẫn không rời người đối thoại, đột ngột Suguro bật ra câu hỏi:

– Tôi muốn hỏi kỳ giải phẫu lần này, liệu tôi có qua nổi không?

– Sao bây giờ ông lại ăn nói bi quan như vậy! Không sao đâu mà. 

– Thật không hở bác sĩ?

– Ờ, thật chứ ... 

Thế nhưng lúc đó, giọng của người bác sĩ nghe có vẻ chần chừ xen lẫn ngượng ngùng. 

– Thật mà. 

Hakone, ngọn đèo chớn chở,

Hàm Cốc Quan nào có sánh bằng... 

Tôi chưa muốn chết. Không, tôi không muốn chết. Cho dù cuộc giải phẫu lần thứ ba này có cực khổ đau đớn đến đâu, tôi cũng không muốn chết. Tôi hãy còn chưa hiểu gì về cuộc đời và ý nghĩa của nó. Tôi là đứa làm biếng, lười chảy thây, đang tự dối mình. Kỳ thực, người ta một khi đụng đến một con người khác thì không chỉ đụng chạm sơ qua mà thôi. Tôi đã hiểu là nhất định nó sẽ để lại dấu vết. Nếu tôi không đụng chạm tới họ, con người ấy biết đâu sẽ chẳng có một cuộc đời khác. Ví dụ như trường hợp của vợ tôi, của Yasuko. 

– Tao muốn sống chứ. Tao... 

Sau khi người bác sĩ đi khỏi đó, Suguro hướng về phía con nhồng mới được đem từ ngoài bao lơn vào trong phòng mình và hạ giọng nói với nó như thế. Tấm giấy báo lót trong lồng giờ đã dây bẩn phân chim. Những mẩu nhỏ của mấy viên thực phẩm làm mồi cho nó còn sót lại, vương vãi. Con nhồng hình như đang thu tròn cái thân thể đen nhánh, đôi mắt của nó buồn bã, nhìn đăm đăm về phía Suguro. Cái mỏ màu xanh xám quằm quặp kia trông sao mà giống cái mũi ông linh mục ngoại quốc. Khuôn mặt của nó có cùng một dáng điệu với ông ta, lúc đang phả hơi thở nồng mùi rượu vào mặt anh. Và giữa ông thầy tu ấy với Suguro cũng được ngăn cách bởi một cái lưới bằng kim loại. 

Chuyện của mình với Yasuko, không thể nào làm khác hơn. Việc đưa cô ấy đi bệnh viện sản khoa cũng vậy, chẳng tìm ra cách giải quyết khác. Có gì gọi là tội lỗi! Hành động này chỉ liên quan tới Yasuko và mình thôi, chấm dứt ở đó. Chỉ có điều là nó đã khơi dậy những vòng sóng, từ một thành hai, hai thành ba. Mọi người đều đã cùng nhau lấp liếm. 

Con nhồng gục đầu im lặng như thể đang ngóng tai nghe điều anh nói. Giống y cái cảnh ở trong phòng xưng tội, ông linh mục cũng đã ngồi im lặng, đầu quay ngang về phía anh như thế. 

Đột nhiên con nhồng bay vụt từ thanh ngang dưới lên thanh ngang trên và lúc đó nó rùng mình một cái, để rơi xuống một cục phân tròn. 

Đêm xuống. Trong hành lang, tiếng chân của mấy bác sĩ và nữ khán hộ trực ban ghé thăm tình hình của bệnh nhân nghe xa, xa dần. 

– Không có gì lạ chứ?

– Vâng, không ạ!

Ánh sáng những chiếc đèn bấm họ cầm trong tay di động dọc theo bức tường tối của gian phòng con bệnh. Trong chiếc lồng chim che bằng khăn vải, con nhồng lục cà lục cục gây ra vài tiếng động. 

Một vòng sóng sinh ra một vòng sóng khác, cứ thế mà thêm một vòng thứ ba. Người đầu tiên ném hòn đá xuống mặt nước để gây ra vòng sóng đầu tiên là mình. Rồi lần này, nếu mình chết trong khi giải phẫu thì những vòng sóng chắc sẽ tỏa rộng ra và lan mãi, hết đợt này đến lượt khác. Hành động của con người không thể nào tự nó kết thúc. Mình đã khiến cho những người chung quanh cùng nhau tạo ra một sự đánh lừa. Nhưng nếu trong bệnh viện người ta tìm cách xóa đi cái chết của một con người thì giữa ba con người này, suốt cuộc đời, dù có muốn đánh lừa cũng không sao xí xóa được tất cả. 

(Còn ba hôm nữa là đến ngày giải phẫu rồi. Nếu mà mình qua khỏi, chắc sẽ được ăn thêm một cái Tết trong bệnh viện nữa ấy nhỉ)

Bởi vì Tết năm nay, Suguro tròn 40 tuổi. Lòng sẽ không còn gì để nghi ngờ nữa. “Tứ thập nhi bất hoặc” kia mà. 

Sau đó, Suguro nhắm mắt lại và cố dỗ giấc ngủ. 

 

5

 

Buổi sáng hôm giải phẫu đã tới. Trong khi khu bệnh viện hãy còn tối, Suguro đã được các cô khán hộ đánh thức. Đêm hôm trước, họ cho anh uống mấy liều thuốc ngủ Himinar nên anh cảm thấy hơi nặng đầu. 

Sáu giờ rưỡi, họ cạo lông ngực nơi phải mổ, bảy giờ rưỡi, họ súc cho sạch ruột. Đến tám giờ, họ đánh thuốc mê đợt đầu bằng cách tiêm Pansco và cho anh uống thêm ba viên thuốc khác màu trắng. 

Vợ anh và mẹ của cô đẩy nhẹ cánh cửa phòng, cô nhìn vào bên trong và khe khẻ nói:

– Hình như anh ấy hãy còn đang tỉnh ... 

– Bộ khùng sao. Có chừng này thuốc làm gì đã ngủ được. Đâu phải lính mới tò te. 

– Thôi, anh đừng nói nhiều không tốt. 

Bà mẹ vợ của anh khuyên can, dáng lo lắng. 

– Con nằm yên một chỗ thôi nhé!

Con bé Yasuko chắc cũng đã quên béng hôm nay là ngày mình phải lên bàn mổ. Có lẽ cô nàng vẫn với mái tóc có chiếc kẹp như làm bằng kim loại đang bận pha cà phê hay món gì đó cho đức ông chồng nhân viên Vụ Kế Hoạch của Bộ Kinh Tế. 

Hai người nữ khán hộ trẻ xuất hiện với chiếc băng ca:

– Nào, ông Suguro, mình đi thôi!

– Các cô chờ cho một chút. 

Thế rồi, anh ta quay lại nói với vợ:

– Mình đem con nhồng ngoài lan can vào hộ. Để tôi còn nói mấy câu chia tay với nó nữa chứ!

Người chung quanh ai nấy đều mỉm cười trước câu nói khôi hài của anh. 

– Vâng, vâng!

Người vợ đem chiếc lồng chim vào phòng. Từ trong lồng, con nhồng hướng về Suguro và nhìn anh với đôi mắt buồn bã của nó. Cái chuyện tao không thể nói cho ông linh mục trong phòng xưng tội, tao chỉ nói được với mày. Dù không hiểu gì cả, mày đã nghe tao thú thật chuyện đó. 

– Thôi, tôi sẳn sàng rồi!

Suguro được dìu lên băng ca, mặt ngửa lên trời. Xe băng ca chuyển động, cút kít đi về hướng hành lang. Vợ anh bước song song bên cạnh, cho tay kéo giữ lại tấm chăn len đang chực rơi. 

– Ông Suguro đấy à. Gắng chiến đấu nhá!

Đằng sau anh, có tiếng ai gọi như thế. 

Nhìn phải, nhìn trái, anh thấy những căn phòng bệnh nhân và phòng của nữ khán hộ dạt ra hai bên. Sau khi đi qua khỏi khu nhà bếp, người ta đẩy anh vào bên trong thang máy. 

Khi chiếc thang máy lên tới lầu năm, xe băng ca vẫn tiếp tục cút kít tiến lên trong hành lang đầy mùi thuốc khử trùng. Ở trước mặt nó là căn phòng mổ, cửa đóng chặt. 

– Bà Suguro ạ, bà chỉ được đến đây thôi!

Ngưòi nữ khán hộ thông báo cho vợ anh. Bởi vì từ chỗ này, không một người nào trong gia đình được đi tiếp. 

Vẫn nằm ngó lên không, Suguro đưa mắt nhìn vợ. Trên gương mặt hom hóp đi của nàng, nụ cười nhẹ cố hữu lại thoáng hiện. Khi có một chuyện gì xảy ra, hầu như lúc nào nàng cũng nở nụ cười ấy. 

Vào đến phòng mổ, Suguro phải cởi áo ngủ, đôi mắt liền bi che. Sau khi được đặt nằm trên chiếc bàn mổ, có mấy cánh tay kéo tấm vải vừa mới được phủ lên người anh gắn vào những cái móc. Họ lại đắp chăn nóng ấp chân anh chắc muốn giúp huyết quản nở rộng để tiếp máu vào cho dễ. Anh nghe có tiếng lách cách hình như là của mấy thứ dụng cụ kim loại chạm vào nhau. 

– Ông biết cách thức dùng thuốc hơi gây mê rồi chứ?

– Vâng ạ!

– Vậy chúng tôi đặt ống vào miệng ông nhé!

Mùi cao su xông lên mũi Suguro và cả miệng lẫn mũi anh đều bị cao su trùm kín. 

– Ông lập lại đúng như chúng tôi đếm đi!

– Vâng!

– Môột. 

– Môột

– Haai. 

– Haai. 

Trong đầu anh, khuôn mặt và đôi mắt người vợ hiện ra. Coi bộ con bé này nó đã biết hết mọi chuyện. Có điều là nó đang chờ đợi mọi sự lắng xuống cho đâu vào đấy thôi. Không biết tự hồi nào mình đã biến nó thành một người hay tự dối lòng như thế. 

– Naăm. 

– Naăm. 

Thế rồi đầu óc Suguro nhòa nhạt đi, không còn ý thức gì nữa. 

Anh cảm thấy chỉ có một hay hai phút trôi qua từ lúc bước vào cơn mê cho đến khi mở mắt. Thực ra, phải đến đêm hôm đó, anh mới từ từ thoát khỏi ảnh hưởng của thuốc gây mê. 

Trong đầu anh lúc ấy gương mặt của người bác sĩ trẻ trồi lên. Có cả nụ cười nhẹ cố hữu của người vợ. 

– Ồ, ... chào mọi người. 

Anh định khôi hài một chút nhưng lại rơi nhanh vào giấc ngủ sâu. Khi mở mắt lại lần thứ hai thì đã gần 4 giờ sáng. 

– Ồ, ... chào mọi người. 

Anh chào lần nữa nhưng không thấy bóng dáng vợ mình đâu cả. Mỗi người nữ khán hộ đang bạo tợn quấn cái băng vải đen của máy đo huyết áp trên cánh tay mặt của anh để xem sức ép của máu thế nào. Mũi của anh được đặt ống cao su dưỡng khí để thở và dưới chân có gắn kim tiêm tiếp máu vào người. Lồng ngực bên trái là hai cái lỗ đen ngòm. Chúng được nối với bên ngoài bằng nhiều ống làm bằng sợi vinyl. Suguro nghe tiếng máy đang đẩy liên tục những giọt máu ứa từ trong người anh qua những ống nhựa ấy vào một cái bình thủy tinh. Anh thèm uống nước không thể tả. 

– Nước... cho miếng nước!

– Không được đâu. 

Anh nghe tiếng chân của người vợ đi sửa soạn túi nước đá để chườm vừa bước trở vào gian phòng. 

– Nước, cho nước!

– Bố ráng nhịn một chút. 

– Mổ mất mấy giờ hở em?

– Mất sáu giờ. 

– Làm phiền mọi người quá!

Anh muốn nói một câu tạ lỗi như vậy nhưng không đủ sức. 

Suguro thấy trong lồng ngực của mình như có nhồi một tảng đá lớn. Thế nhưng cái đau đớn về thể xác như vậy, anh đã quá quen. 

Một vệt sáng nhạt lộ qua khung cửa sổ. Khi biết bình minh sắp đến, lần đầu tiên Suguro mới ý thức mình vừa tai qua nạn khỏi và nghĩ đi nghĩ lại là hãy còn may mắn. Tự dưng lòng anh bỗng vui rộn ràng. 

Tuy vậy, máu vẫn ứa ra và lẫn vào nước bọt. Thông thường tình trạng này sẽ chấm dứt hai ba hôm sau khi mổ xong và đó là chứng cớ máu từ vết thương trong phổi đã ngừng tuôn ra. Thế mà mãi năm hôm sau, trong nước bọt của Suguro vẫn còn dây dưa chút máu. Ngoài ra, khổ hơn nữa là cơn sốt chưa hạ. 

Nhiều bác sĩ lần lượt thay nhau vào phòng theo dõi bệnh tình anh, khi bước ra, họ thầm thì to nhỏ ngoài hành lang. Suguro biết ngay ít nhất họ đang nghi ngờ là phân nhánh khí quản của anh có thể hở ra và rò rỉ. Trong trường hợp đó, vi khuẩn sẽ vào khí quản làm nó bưng mủ, cần mổ đi mổ lại nhiều lần nữa. Các bác sĩ bèn tức tốc tiêm thêm thuốc kháng sinh và bắt đầu bắt anh uống Irotycin

Đến tuần thứ hai, máu không còn vướng vào đờm dãi nữa. Sốt cũng bắt đầu hạ xuống đôi chút. 

– Bây giờ chuyện đã qua tôi mới nói ông nghe... 

Vị giáo sư kéo ghế ngồi xuống bên giường Suguro và vui vẻ lên tiếng... 

– Ông may mắn lắm đấy. Kỳ rồi, toàn gặp những chuyện ngặt nghèo... 

– Ngay giữa lúc giải phẫu, thưa giáo sư?

– Vâng. Giữa khi mổ, tim ông có ngưng đập vài giây. Lúc đó chúng tôi phải phản ứng thật nhanh. Nhưng mạng ông còn to lắm, ông ạ. 

Người bác sĩ trẻ đứng bên cạnh cũng cười và góp lời:

– Chắc ngày thường, ông Suguro ăn ở biết tu nhân tích đức!

Một tháng sau, vin vào đoạn giây mắc quanh thành giường, rốt cuộc Suguro đã có thể ngồi dậy. Hai chân bày ra xương xẩu, bảy cái xương sườn và một bên phổi không còn nữa. Suguro bất giác đưa bàn tay gầy guộc vỗ về cái thân thể thảm hại của mình. 

– Ừ nhỉ, thế cái con nhồng của tôi đâu?

Trong suốt thời gian chiến đấu chống trả bệnh tật, Suguro quên khuấy con vật mà anh đã gửi ở phòng trực của các cô khán hộ để họ chăm sóc. 

Người vợ cúi gầm:

– Nó chết rồi!

– Tại sao lại chết?

– Chẳng qua là các cô khán hộ lẫn em đều không có thời giờ ngó ngàng tới con nhồng. Vẫn đem mồi cho nó ăn đàng hoàng nhưng nhằm hôm trời lạnh gắt, mọi người lại để quên nó ngoài bao lơn mà không đem cất lồng chim vào phòng. 

Suguro ngồi thừ người một lúc, không nói gì. 

– Em xin lỗi anh vậy. Nhưng em có cảm tưởng là nó đã chết thế cho anh... Em đã đem xác nó về nhà mình và chôn cất ngoài vườn.

Chuyện nói trên có xảy ra cũng chẳng có gì làm lạ. Đương nhiên, làm sao vợ anh có thể thong thả để tâm mà lo lắng cho một con chim!

– Còn cái lồng?

– Vẫn để ngoài bao lơn.

Đầu óc hoa lên nhưng Suguro gượng nén, xỏ chân vào đôi dép dưới sàn.Vừa tỳ tay vào tường, anh bước từng bước một ra đến ngoài bao lơn. Đến nơi anh mới thấy đỡ váng vất.

Bầu trời thật quang đãng. Xe hơi và xe buýt vẫn chạy xẹt qua xẹt lại trên con đường nằm bên dưới cửa sổ. Ánh sáng mùa đông nhàn nhạt chiếu lên trên chiếc lồng chim trống trải. Trong lồng, con chim chỉ còn để lại đôi ba vết tích của nó: những bệt phân trắng bám trên thành cây đu và chỗ đựng nước uống đã khô queo một vệt nâu. Trong cái lồng chim trống trải ấy, duy còn đọng lại một thứ mùi. Không chỉ là mùi của con nhồng nhưng còn cả cái mùi cuộc đời mà Suguro để lại. Đó là mùi hơi thở của anh khi tâm sự về đời mình với con vật bị nhốt trong chiếc lồng này.

– Từ bây giờ, mọi việc thông suốt rồi đấy, bố nhé!

Vừa đỡ cho chồng mình khỏi ngã, người vợ nói với anh như vậy.

– Đâu, đâu thế được.

Suguro dợm trả lời nhưng đã giữ lại kịp.

(Dịch xong tại Tôkyô ngày 20 tháng 3 năm 2015)





1 Nagai Kafuu (永井荷風 1879– 1959), nhà văn sở trường về tiểu thuyết và tùy bút với văn phong duy mỹ, từng sống nhiều năm ở Âu Mỹ, nổi tiếng trên văn đàn từ cuối đời Meiji (1868– 1912). Nhan đề tùy bút của Kafuu ông nhắc đến ở đây có thể là “Khúc Hát Fukakawa” (Fukakawa no Uta, 1909).

2 Món nhậu bình dân gồm đậu phụ, trứng, củ cải trắng, chả bột cá… ninh trong nước dùng.

3 Nguyên văn kusunoki (camphor tree), một loại cây đến từ miền Nam, cao khoảng 20m, toàn thân có hương thơm, tháng 5 ra hoa trắng pha vàng.Thường được trồng ven đường.

4 Nguyên tác nezumi, con chuột.

5 Nguyên văn hatsuka-nezumi hay nankin-nezumi, tên một giống chuột. Thường chỉ chuột nhắt trong nhà.

6 Có thể là Sophia University (Jôchi Daigaku) nơi Shuusaku đã theo học dự bị đại học năm 1942.

7 Nguyên văn kempei (hiến binh) nhưng trong bối cảnh Nhật Bản trước thế chiến, không phải hiến binh (cảnh sát tư pháp hay quân cảnh) thuần túy mà có nghĩa là mật vụ chính trị.

8 Tịnh Quốc Thần Xã, đền thờ chiến sĩ trận vong Nhật Bản nhưng nơi này thờ chung họ với cả các chiến phạm hạng A Thế Chiến thứ 2. Sự tồn tại của nó đã tạo ra nhiều phức tâm và tranh cãi chính trị cho đến cả ngày nay.

9 Chế độ haizoku shôkô (phối thuộc tướng hiệu) thời chiến ở Nhật, đặt sĩ quan quân đội trong nhà trường.

10 Nguyên văn tiếng Pháp: Paysan! (Đồ nhà quê!).

11 Harold Lloyd, 1893– 1971, tài tử hài hước điện ảnh Mỹ thời phim câm.

12 Fuda = mộc giản, bảng bố cáo. Tsuji = ngã tư đường. Một địa danh vẫn còn trong thành phố Tôkyô.

13 Tokugawa Iemitsu (Đức Xuyên Gia Quang, 1604-1651) tướng quân đời thứ ba của giòng họ, người đã bố cáo chính lệnh bế quan tỏa quốc và trong 28 năm cai trị, xây dựng được nền tảng vững vàng cho Mạc Phủ Tokugawa.

14 Niên hiệu Nguyên Hòa (1615-1624).

15 Tức xóm Ngựa Trạm.

16 Tất cả những địa danh này nay đều nằm ở trung tâm Tôkyô.

17 Nguyên văn rosario

18 Hara Mondo 原主水, 1587– 1623), nhân vật có thực, một trong những con chiên Nhật Bản thời Edo sơ kỳ. Thuộc giai cấp hatamoto thân tín, năm1603, ông là samurai đứng đầu đội cận vệ của Shôgun Ieyasu. Được giáo sĩ Morehon (Pedro Morejoacuten 1562-1639) rửa tội ở Ôsaka, có tên thánh là Juan. Vì ủy ban thanh tra của mạc phủ phát giác là tín hữu vào năm 1612, ông bị khắc thập giá lên mặt, cắt gân chân và đuổi khỏi thành Shunpu, nơi Ieyasu hưu trí. Tuy vậy, Hara vẫn đeo đuổi việc giảng đạo nên năm 1623 bị bắt lần thứ hai và kỳ này, bị xử chết thiêu trên giàn hỏa ở khu Takanawa (Edo) cùng với 50 người khác kể cả giáo sĩ Jeromino de Angelis (1568-1623) .

19 Trí Phúc Tự

20 Cũng gọi là fuda như trong Fuda no Tsuji.

21 Đây không hẳn là một đặc quyền dành cho tội phạm xuất thân từ đẳng cấp samurai. Có thể vì Hara đã bị cắt mất nhượng chân, không thể đi đứng bình thường.

22 Nguyên văn fumie 踏み絵 tức là ảnh Đức Mẹ Maria, thập tự giá khắc lên gỗ, đồng vv…, các thánh tích mà giáo đồ bắt buộc phải dẫm lên để chứng minh ý chí bội đạo. Fumi 踏み = dẫm bằng chân, chà đạp; e 絵 = tranh ảnh. Chính quyền Tokugawa đã tổ chức những buổi như vậy trong những ngày đầu xuân khoảng thời gian từ 1628 đến 1857.

23 Thành phố kỹ nghệ ở ngoại ô, nằm giữa Tôkyô và Yokohama.

24 Nguyên văn binpô-yusuri = rung đùi. Người Nhật cũng xem đây là một cái “tướng bần” vì thích nhàn, không thể làm việc gì to tát được.

25 Nguyên văn kyuukanchô (mynah bird)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss