Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / L'Adieu - thơ Apollinaire

L'Adieu - thơ Apollinaire

- Hàn Thuỷ — published 04/02/2023 18:30, cập nhật lần cuối 05/02/2023 22:43
Tại sao đã có bản dịch với ngôn từ trác tuyệt của Bùi Giáng mà người viết bài này lại muốn có bản dịch khác ? Lý do là...

L'Adieu


Apollinaire


Hàn Thuỷ dịch



L'Adieu

J'ai cueilli ce brin de bruyère
L'automne est morte souviens-t'en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t'attends

Apollinaire    

Lời vĩnh biệt

Cha đã hái một nhành hoa thạch thảo
Con nhớ cho mùa thu đã chết rồi
Trên trần thế từ nay không gặp lại
Hương thời gian nhành thạch thảo là đây
Cha nhớ nhé nơi này con vẫn đợi

Bản dịch Hàn Thuỷ    


Lời bình của người dịch :


1. Tại sao đã có bản dịch với ngôn từ trác tuyệt của Bùi Giáng mà người viết bài này lại muốn có bản dịch khác ? Lý do là : những hiểu biết mới về văn bản học cho biết rõ hơn nội dung bài thơ nguồn, nên bản dịch sẽ phải khác nếu muốn trung thành hơn.

Quan niệm về dịch của một kẻ hậu sinh nghiệp dư về dịch văn học không thể phóng khoáng như của một đại thi hào mà mình luôn ngưỡng mộ! Tự biết chỉ có thể đi theo một con đường "đại chúng" hơn. Đó là, tìm cách hiểu kỹ tác phẩm trong ngôn ngữ nguồn rồi diễn tả nó theo cảm nhận của mình qua ngôn ngữ đích một cách trôi chảy, tuân thủ cả hai quy phạm rất khác nhau của hai nền văn hoá Pháp và Việt.

Dĩ nhiên, quy phạm văn hoá của ngôn ngữ vừa cho phép tự do sáng tạo, vừa giới hạn nó vào trong miền sử dụng và diễn tả của một cách dùng và hiểu chung, thừa hưởng từ một quá khứ sống chung hàng ngàn năm. Vừa kế thừa, vừa sáng tạo; có nghĩa vừa cần học hỏi những nét đẹp từ những người đi trước, vừa cần đột phá thoát khỏi chúng nếu cần. Trong việc dịch thuật điều này càng thiết yếu, vì ngoài nhu cầu tự do đột phá và kế thừa, còn những đòi hỏi của sự dung hoà với một nền văn hoá khác, với một lịch sử văn hoá khác và những vẻ đẹp khác.

Trong nghĩa đó kẻ hậu sinh, trong khi vận dụng các hiểu biết mới sẽ nói dưới đây, đã không nề hà thừa hưởng những câu chữ trong bản dịch của Bùi thi sĩ, trong khi cố gắng thể hiện qua ngôn ngữ của mình những cảm nhận riêng đối với bài thơ nguồn.


2. Trong bài nghiên cứu văn bản học khá dài (phụ lục 3) do Arnaud Laster công bố ngày 17-12-1988, rất lâu sau bản dịch của Bùi Giáng; ta đọc được các bản thảo khác nhau của bài l'Adieu− đặc biệt văn bản dưới đây với ngoặc kép kết thúc đoạn trên và ngoặc kép mở đầu đoạn dưới. Những điều này cho thấy nội dung bài thơ nguồn là một cuộc đối thoại giữa người cha Victor Hugo đi viếng mộ con, và con gái Léopoldine Hugo dưới mồ.

J'ai cueilli ce brin de bruyère
Mets-le sur ton cœur plus longtemps
Nous ne nous verrons plus sur terre."

"J'ai mis sur mon cœur la bruyère,
Et souviens-toi que je t'attends.


Cha đã hái nhành hoa thạch thảo này
Hãy đặt nó trên trái tim con lâu hơn nữa
Trên trần thế từ nay chúng ta không gặp lại."

"Con đã đặt trên tim nhành thạch thảo
Cha nhớ nhé con vẫn đợi cha

H.T. dịch


Dĩ nhiên cuộc đối thoại này là do Apollinaire tưởng tượng ra, nhưng bản thân ông cũng dựa trên một bài thơ của Victor Hugo viết 4 năm sau khi con gái ông Leopoldine Hugo (1824-1843) qua đời, trước khi đi thăm mộ con gái: "Demain, dès l'aube" (ngay sáng sớm ngày mai). Bài này không có tựa, sau thường được gọi tên bằng những từ đầu, có viết:

Et quand j'arriverai, je mettrai sur ta tombe
Un bouquet de houx vert et de bruyère en fleur

Và khi cha đến nơi, cha sẽ đặt trên mộ của con
Một bó hoa có ô-rô xanh cùng thạch thảo đang nở.(Phụ lục 1)


3. Hai câu trên có thể là cái mầm cho một ý thơ đã theo đuổi Apollinaire trong nhiều năm, trước khi cuối cùng bài thơ l'Adieu được xuất bản trong tập thơ Alcools (1913), khi đó ông đã chủ trương bỏ hết các dấu chấm câu. Phải chăng là một sự phá rào với văn chương cổ điển Tây phương, để mang lại tự do "sáng tạo lại thơ" cho người đọc thơ ?

4. Một ví dụ điển hình, do suy diễn hoàn toàn chủ quan của người dịch, nằm ở câu 4, một câu cực kỳ khó hiểu. "Odeur du temps brin de bruyère", tác giả đặt tiếp nối hai đoản ngữ "hương thời gian" và "nhành thạch thảo" trong một câu thơ : Như thế chỉ có thể muốn nói : Hương thời gian "là" nhành thạch thảo, và nhành thạch thảo "là" hương thời gian. Một hiện tượng vật chất cụ thể lại đồng nghĩa với một cảm giác về mùi vị thời gian. Để làm gì vậy ? để nói rằng "không-thời-gian của người con gái là một không-thời-gian khác". Nàng đang ở "thế giới bên kia" để đợi cha nàng tới sum họp.

Hoặc nếu hiểu theo ý thức hệ Thiên Chúa giáo thì, tựa bài "adieu" là viết gọn của "à Dieu", nó có nghĩa như một lời chào từ biệt quan trọng khi xa nhau lâu dài, không chỉ là vĩnh biệt. Adieu / "à Dieu" hàm ý cầu cho người đi được Thượng Đế chăm lo (mặc dù từ nhiều thế kỷ nay không ai còn liên tưởng đến từ nguyên của adieu nữa). Như thế ta có thể hiểu thêm ý nghĩa tiềm ẩn của tựa bài thơ. Vì "thế giới bên kia" là thế giới của Thượng Đế, là thiên đường, nơi tất cả các sinh linh của mọi nơi và mọi thời tụ tập trong ngày tận thế, để nghe Thượng Đế phán xử. Ở đó cha con họ sẽ gặp nhau trong ngày phán xét cuối cùng.

*

*     *

Vậy thì, tại sao không ? Khi Bùi thi sĩ sáng tạo một bài thơ qua việc dịch một bài thơ. Với 'ta' thay cho 'cha' và 'em' thay cho 'con'... và coi cả bài thơ là lời của một người; thay vì, trong nguyên tác, đó là sự mô tả một hiện tượng còn huyễn hoặc hơn: lời con gái dưới mồ đáp lại lời người cha còn sống; nhất là khi Bùi thi sĩ không có những thông tin gốc về nguyên bản. Nói cho cùng, vẻ đẹp của một tác phẩm văn chương nghệ thuật không nằm ở phản ảnh hiện thực khách quan. Mà nghệ thuật làm sao phản ảnh được hiện thực khách quan? và điều đó có cần chăng ?

Hàn Thuỷ

___________________


Phụ lục :


1. Bản dịch của Bùi Giáng


Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo
Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi
Chúng ta sẽ không tao phùng được nữa
Mộng trùng lai không có ở trên đời
Hương thời gian mùi thạch thảo bốc hơi
Và nhớ nhé ta đợi chờ em đó…


Bùi Giáng đã cao hứng "diễn dịch" từ nguyên tác thành nhiều phiên bản với nhiều cách mở rộng ý qua lời dịch với những cảm nhận của ông. Ở trên là bài nổi tiếng nhất, sát nghĩa nhất, bản này được Phạm Duy phổ nhạc (với những thay đổi về lời cho hợp giai điệu).

Xin xem Sóng Việt Đàm Giang, với ba bản dịch khác của Bùi Giáng:

L'Adieu (Guillaume Apollinaire) và Mùa Thu Chết


2. Về các danh từ Pháp/Việt bruyère/thạch thảo, trong giới văn học Việt đã từng có nhiều tranh cãi. Theo thiển ý, giải thích có tính thuyết phục với các bằng chứng rõ ràng nằm trong bài của Vương Trung Hiếu, báo Thanh Niên (16/11/2021 ): 

Bùi Giáng đã dịch sai bài thơ của G. Apollinaire mà Phạm Duy từng phổ nhạc nổi tiếng?


3. Độc giả quen thuộc văn học Pháp và thích Apollinaire chắc đã đọc nghiên cứu dưới đây (viết ngày 17-12-1988 ) về bài thơ này, của Arnaud Laster (1945-), nhà phê bình văn học, nguyên GS ĐH Sorbonne, chủ tịch "hội những người bạn Victor Hugo":

L'Adieu d'Apollinaire : un hommage à Victor Hugo?


4. Một hiện tượng kinh tế - xã hội, Hoa cúc cánh mối (Aster amellus ): Hoa này gốc ở châu Âu vùng Địa Trung Hải, và được trồng ở vùng cao nguyên Việt Nam từ thế kỷ 20. Nó được bán và tiêu thụ như những loại hoa bình thường khác cho tới khi được đổi tên thành "thạch thảo" (phải chăng với ý đồ thương mại?) sau khi bài thơ L'Adieu (Lời vĩnh biệt) được Bùi Giáng dịch, rồi lại được Phạm Duy phổ nhạc. Thật đáng buồn. Cúc cánh mối rất đẹp, và cái tên dân dã đó lại càng đẹp hơn vì nó chứng tỏ rằng hoa này đã hoà nhập hoàn toàn vào đất nước và con người Việt Nam. Tại sao phải xúc phạm đến một cái tên như thế? Lỗi tại ai?


canhmoi

Nguồn ảnh : Hoa tươi Việt Nam


5. Hoa Bruyère tím, tức hoa thạch thảo (Calluna vulgaris ):

Hoa này mọc vùng ôn đới châu Âu từ bắc xuống nam, thường nở từ mùa thu tới mùa đông, khác loại hoa bruyère trắng nở mùa xuân và mùa hè :. Xem: Dược Thảo Thực Dụng.

Khi đi du lịch châu Âu qua những miền chân núi Alpes có các thảm cỏ dại, lác đác rơi trên cỏ một chút sỏi đá... ta sẽ thấy những bụi bruyères/thạch thảo sơ xác hơn mọc xen kẽ đá. Một điều có duyên với bruyère cho những ai hút thuốc lá ống vố: cái vố (tẩu) để nhồi và đốt thuốc... theo truyền thống Pháp được làm bằng rễ cây bruyère, vì nó có vân đẹp, rất chắc và khó bén lửa.

Có lẽ nếu đã trồng được, và được biết đến nhiều ở Việt Nam, thì chắc đã không có sự chiếm đoạt thô bạo cái tên "thạch thảo" của bruyère như hiện nay.


thach thao

Nguồn ảnh : Binette & Jardin - Le Monde


Images

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss