Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Một bài thơ tình sầu

Một bài thơ tình sầu

- Hàn Thuỷ — published 10/01/2013 00:00, cập nhật lần cuối 15/08/2016 14:46


Cuối cùng cho một tình yêu,
bình và dịch một bài thơ tình sầu


Hàn Thuỷ



Thơ tình yêu hay, ở nước nào cũng nhiều, và mỗi thời mỗi khác. Hãy cứ xin giới hạn trong thơ Việt Nam hiện đại, kể từ phong trào thơ mới, và trong tầm hiểu biết vừa chủ quan vừa hạn hẹp của tại hạ, người viết bài này. Đọc vài câu chắc nhiều người nhớ, để thấy cái khác của mỗi thời.

Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong,
Hôm xưa em đến, mắt như lòng.
Nở bừng ánh sáng. Em đi đến,
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng.

Huy Cận, Áo trắng

Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu.

Xuân Diệu, Yêu

Thật ra thơ tình yêu của hai ông hoàng thơ mới này, không có gì sâu sắc. Họ nằm trong số những người có đóng góp rất lớn cho ngôn ngữ Việt, về cả cấu trúc câu văn xuôi lẫn bút pháp thơ, kế thừa ngôn ngữ thơ cổ điển của dân tộc và tiếp thu cái mới của thơ Pháp để hình thành một ngôn ngữ đẹp, từ đó biểu lộ được những tình cảm tinh tế... điều này nhiều học giả đã chỉ ra, ở một bài tản mạn này không dám nói nhiều. Nhưng trong tình yêu thì tinh tế chưa đủ, hình ảnh đẹp bóng bẩy cũng chưa đủ. Nhiều khi trong thơ tiền chiến người ta thấy tình yêu chỉ là cái cớ để nhà thơ... làm thơ, thí dụ như :

Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng:
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng,
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại,
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng.

Đinh Hùng, Tự tình dưới hoa

Chẳng thà như Nguyễn Bính, rất chân thật :

Cầm tay anh khẽ nói:
-Khóc lóc mà làm chi?
Hôn nhau một lần cuối,
Em về đi, anh đi...

Nguyễn Bính, Hôn nhau lần cuối

Nói sao cho rõ đây ? có lẽ trừ vài bài ngoại lệ như Hai sắc hoa ti-gôn ; còn những bài thơ "tình cảm", hoặc "nói về tình yêu" của thời tiền chiến, rất hay, như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Ngậm ngùi của Huy Cận, Ngập ngừng của Hồ Dzếnh, Vì sao của Xuân Diệu... với tại hạ, đó không phải là thơ tình yêu, vì trong đó tình yêu chỉ là cái cớ, đối tượng yêu chỉ là cái bóng. Trong nghĩa đó, văn chương của Trương Quỳnh Như và Phạm Thái là những tác phẩm tuyệt vời về tình yêu, từ hơn hai thế kỷ trước.

Tại hạ nghĩ là phải đến sau phong trào thơ mới, thơ tình yêu Việt Nam mới có nhiều bài hay. Hãy ghi nhận trong thời kháng chiến những bài thơ như Màu tím hoa sim... thời chiến, không có thì giờ tô điểm, lời thơ như lời kể chuyện, mà làm ta đau nhói :

Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại

(…)

Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt

Hữu Loan, Màu tím hoa sim

Đến đây có lẽ không còn cần thú nhận nữa: một bài thơ tình hay, theo chủ quan của tại hạ, là một bài thơ về mối tình (có thể đơn phương, nhưng) liên quan đến hai con người, toát ra tình yêu chân thành, không lý luận, không lạm dụng những ẩn dụ, những hoa hoè bóng bảy... Thơ hay là những câu làm người ta tê tái như tím chiều hoang biền biệt, hay "hết hồn" luôn, như :

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang

Trần Dạ Từ, Nụ hôn đầu


*


Ô hay ! tại hạ đang định tán về một bài thơ buồn mà. Vậy xin trở lại chủ đề, nhưng để bắt đầu mời bạn nghe Khánh Ly hát đã :


Cuối cùng cho một tình yêu


Bài hát này do Trịnh Công Sơn phổ thơ Trịnh Cung (1958), gần như giữ nguyên văn, trừ câu kết (và thêm cái coda tuyệt vời, nhưng điều ấy chỉ thuộc về bản nhạc), theo lời Đinh Cường:

...Sơn đã phổ nhạc bài thơ 4 chữ "Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu" của Trịnh Cung,
và sửa câu cuối. "Lời ca anh nhỏ, nỗi buồn hôm nay" thành "nỗi lòng anh đây"...

Từ đây xin quên bản nhạc để chỉ nói về bài thơ dưới đây, với câu cuối đã được Trịnh Công Sơn sửa đổi, bởi công chúng đã biết như thế và chắc Trịnh Cung đã chấp nhận, vả lại, bạn bè đề nghị đổi một hai chữ là chuyện tự nhiên.

Ừ thôi em về
Chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui
Hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui
Hai bàn chân mỏi

Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui
Một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này

Một lần yêu thương
Một đời bão nổi
Giã từ, giã từ
Chiều mưa giông tới
Em ơi em ơi

Sầu thôi xuống đầy
Làm sao em nhớ
Mưa ngoài sông bay
Lời ca anh nhỏ
Nỗi lòng anh đây


Ừ thôi em về, câu mở đầu là một lời từ biệt quá đỗi bình thường giữa hai người có tình cảm thân thiết với nhau ; câu hai cũng bình thường như thế, tại sao phải về ? đơn giản là vì trời sắp mưa giông, Chiều mưa giông tới chỉ khác ngôn ngữ nói chút xíu, cô đọng cho hợp với khổ thơ. Hai câu thơ giản dị, mà bài thơ độc đáo chính ở sự khởi đầu giản dị đó. Tuy vậy, độc đáo không chắc đã hay ! ở đây cái hay của nó chỉ ngấm dần khi người ta đọc toàn bài với những câu thơ kỳ lạ khác, rồi đọc lại lần nữa... bài thơ này không thể chỉ đọc một lần.

Tại sao ? bài thơ gần như dựa trên một thi pháp duy nhất, sự tỉnh lược (ellipse) ; thi pháp này có thể nói là phổ quát trong thi ca từ Đông sang Tây, từ cổ đến kim. Có hai mức độ tỉnh lược; ở mức thứ nhất nó cho phép bỏ bớt các từ đưa đẩy, miễn là ý đã rõ, đó là sự tỉnh lược văn phạm; ở mức thứ hai, sự tỉnh lược ý tưởng, thì ngay cả các ý tưởng liên hệ giữa các mệnh đề cũng có thể không cần viết ra, khi văn cảnh cho phép hiểu ngầm. Mà văn cảnh là cái không khí toát ra từ toàn bài, cho nên một bài thơ như bài thơ này, dùng cả hai loại tỉnh lược ở mức rất cao, thì không thể đọc nó một cách tuyến tính.

Loại thơ như thế đưa cảm nhận chủ quan của người thưởng thức ngày càng sâu hơn, một khi đồng cảm với tác giả. Bạn đã nghe bài thơ một lần rồi, qua một người phổ nhạc bạn thân của thi sĩ, và qua một giọng ca truyền cảm tinh tế, vậy xin trở lại từ chỗ bắt đầu bài thơ, khung cảnh thời gian và không gian của nó.

Bên bờ sông Hương xứ Huế, cuối những năm 50, người con gái và người con trai ngồi bên nhau. Họ vẫn yêu nhau nhưng phải nói với nhau lời chia tay lần cuối, trời sắp mưa giông và đã đến lúc người con gái phải về nhà.

Thời tiền chiến, sự giao thoa văn hoá Việt Pháp đã thúc đẩy một phần nào trong thanh niên tinh thần tự do luyến ái theo văn minh tây phương. Đã cho con gái đi học đến tú tài hay đại học, thì cấm cửa là không thể. Tuy vậy, từ truyền thống văn hoá, gia đình, xã hội, đến bản thân người thanh niên, đều chỉ chấp nhận một mức độ tự do có giới hạn; có thể gặp, có thể yêu ngoài môn đăng hộ đối (và nếu gia đình biết chuyện thì cuộc sống của người con gái không hề dễ dàng), nhưng thường dừng ở mức thuần khiết (platonique) trước khi người con gái đi lấy chồng. Khi ấy nảy ra bi kịch phải từ tạ nhau tuy vẫn yêu nhau. Không đổ vỡ, không giận dữ, không hy sinh cao cả như khi người con trai ra trận... nhưng vẫn phải chấp nhận tình yêu tan đắm. Dĩ nhiên đây chỉ là nói chung, không mối tình cụ thể nào không có những nét riêng.

Tới thời điểm của bài thơ, có lẽ tình cảnh "tiền chiến" nói trên chỉ còn xẩy ra trong xứ Huế. Miền Nam là vùng khẩn hoang, từ lâu đã thoáng hơn nhiều ; và Hà Nội sau 54 đã nằm trong một không khí khác hẳn rồi.

Khung cảnh xã hội và tâm thức ấy soi sáng bài thơ, và giải thích tại sao sự tỉnh lược của tác giả lại tự nhiên không giả tạo. Không có nó bài thơ trở nên rất khó hiểu, tình cảm của người trong cuộc dễ bị hiểu sai, hoặc bài thơ bị tưởng rằng gồm những lời siêu thực, hiểu sao cũng được.

Đó là lời của người con trai sau khi người yêu nói lời từ tạ cuối, trong lòng rất đau, chỉ thốt ra được những cảm tình mãnh liệt nhất, những điều khác đã chìm sâu để chi phối lời thơ một cách vô thức.

Tại hạ không dám đi sâu vào nhạc điệu của bài thơ vì sợ không tách ra khỏi nhạc của Trịnh Công Sơn được ; nhưng quả tình, như anh Đặng Tiến cho biết, có nhiều điều đáng nói. Đại đa số các câu trong bài thơ có toàn chữ với âm bằng, trừ chữ vần thì lại trắc (thí dụ 8 câu đầu), và dùng toàn vần thông (âm không giống nhau hoàn toàn : tới/đói/mỏi/rỗi/nổi...) ; như một cái gì nhói lên rồi lại nhói lên, nhói lên nữa, trên cái nền trầm buồn của tâm tình. Thơ hay vì thế, rất cô đọng mà truyền cảm, vì nội dung cùng nhạc điệu đều toát ra tâm trạng, và khi cảm thông được với tâm trạng tác giả, ta không còn thấy đâu là sự tỉnh lược nữa.

Ừ, thôi em về (để ý dấu phảy ngầm trong diễn tả của Khánh Ly), '   ' bây giờ là sự chấp nhận trong đau đớn, ' thôi ' hằn lên ý nghĩa của sự gián đoạn thời gian, và ' thôi ' còn là tự ý buông rời. Quá khứ có nhau, tương lai thôi không có nhau. Và câu tiếp theo, chiều mưa giông tới, không đơn giản chỉ là một lý do thời tiết, nó còn là một ẩn dụ.

Đau như vậy, mà sao nói bây giờ anh vui ? Đó chỉ là lời nói dối để xoa dịu người yêu. Người yêu, sau khi nói ra quyết định phải chia tay, sợ người con trai quá buồn. Vì vậy phải trả lời như thế ; trả lời như thế, nhưng lại nói tiếp theo (riêng cho mình ?) hai bàn tay đói. ' Đói ' là sao ? là từ đây đôi tay anh vẫn rất thèm, nhưng không còn được cầm tay em hay ôm vai em nữa – lúc đầu tại hạ dịch là mes mains avides, cám ơn Đỗ Tuyết Khanh đã tặng cho chữ orphelines, quá hay. Lại tiếp tục phủ nhận bây giờ anh vui, và lại tiếp tục phủ nhận cái phủ nhận ấy : hai bàn chân mỏi ; đúng thế, khi tâm tình rung động mãnh liệt thì người ta tự nhiên có cảm tưởng mệt mỏi rã rời. Phủ nhận của phủ nhận, trong tiếng Pháp có chữ ' si ' đầu câu, rất thích hợp.

Ở đoạn hai tác giả mới thực sự tìm cách tự an ủi mình. Vì sống ở đây và lúc này nên không sao, dù tan nát nhưng linh hồn sẽ được cứu rỗi bởi tình yêu xứ Huế hay/và tình yêu của xứ Huế !

Tự an ủi được như thế nên trong đoạn ba, mặc dù bi thiết, tác giả đã có bước lùi xa hơn để nhìn nhận chung về cuộc tình và nói ra được lời từ giã. Một lần yêu thương / một đời bão nổi, tám chữ, mô tả một tình yêu đầy giông tố, không đổ vỡ mà không thành, của thanh niên nam nữ một nơi, một thời.

Câu đầu của đoạn cuối Sầu thôi xuống đầy... thật là... thần sầu. Chỉ cảm được mà khó lòng diễn tả, đừng nói đến dịch được cho hết ý ; không đơn giản là một ghi nhận khẳng định ! nó gợi nhớ câu thơ Kiều, Sầu đong càng lắc càng đầy, chữ ' thôi ' này vừa van xin vừa kháng cự : "Hỡi nỗi sầu, hãy thôi rơi xuống như mưa rơi ngoài kia, để thôi lấp đầy tâm hồn ta, tâm hồn người yêu, và thôi lấp đầy không gian". Để người yêu vừa chia tay sẽ nhớ tâm tình của ta, ở đây, hôm nay, với cơn mưa này. Để tâm tình nàng thấm sâu một lời ca nhỏ.

Nhạc điệu cuối cùng chuyển thoát khỏi các đoạn trước, nó trở nên miên man nhờ ở ba vần bằng đầy/bay/đây lặng lẽ trồi lên khoả lấp cái nhói đau của hai vần trắc nhớ/nhỏ. Không biết bạn có để ý ? đây cũng là vần của đoạn thơ về linh hồn được cứu rỗi.

Sẽ không còn gặp nhau ngoài đời, nhưng vẫn miên man hy vọng gặp nhau trong tâm tưởng.

Thơ hay tự nó không có tính phi thời gian ; nó trở thành phi thời gian, chính vì nó là một tuyệt cú đại diện cho một khoảng thời-không nhất định, trước không có, sau cũng không.


*


Dưới đây là bản dịch tiếng Pháp, hy vọng qua đó nói rõ được hơn với bạn đọc quen tiếng Pháp cảm nhận của người dịch về bài thơ, tuy rằng làm việc này đúng là hơi liều. Tại hạ đã cố sử dụng phong cách tỉnh lược của tác giả, nhưng tiếng Pháp dù sao cũng cần tuân theo logic chặt chẽ của nó ; cho nên vẫn bớt mông lung.

Xin cám ơn anh Đặng Tiến, các bạn Mai Ninh và Phan Huy Đường, đã góp ý ; và nhất là cám ơn Đỗ Tuyết Khanh, đã nhiều lần chỉnh lý tiếng Pháp, cả về từ ngữ, văn phạm và phong cách của mấy phiên bản khác nhau mà người dịch đề nghị.





Cuối cùng
cho một tình yêu



Ừ thôi em về
Chiều mưa giông tới
Bây giờ anh vui
Hai bàn tay đói
Bây giờ anh vui
Hai bàn chân mỏi

Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui
Một linh hồn rỗi
Tình yêu xứ này

Một lần yêu thương
Một đời bão nổi
Giã từ, giã từ
Chiều mưa giông tới
Em ơi em ơi

Sầu thôi xuống đầy
Làm sao em nhớ
Mưa ngoài sông bay
Lời ca anh nhỏ
Nỗi lòng anh đây


Thơ Trịnh Cung





Dernières paroles
pour un amour



Oui, il est temps que tu rentres
Ce soir l'orage menace
Si, je suis bien
Mes mains orphelines
Si, je suis bien
Mes pieds las

Vivre en ce lieu et ce temps
Je suis bien maintenant
Mon âme est sauvée
L'affection de cette terre

Une fois un amour
Une vie de tempêtes
Adieu, je te dis adieu
Ce soir l'orage menace
Mon aimée, adieu

Qu'importe ma tristesse
Si tu ne les as pas oubliés
Cette pluie sur la rivière
Ce cœur qui crie tout bas
Ma chanson que voilà


Bản dịch Hàn Thuỷ




Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: thơ dịch
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss