Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Những ngày vàng

Những ngày vàng

- Hamvas Béla & Nguyễn Hồng Nhung (dịch) — published 22/09/2021 13:33, cập nhật lần cuối 22/09/2021 13:33

NHỮNG NGÀY VÀNG


HAMVAS BÉLA


Bản dịch : NGUYỄN HỒNG NHUNG



Hinh


Chỉ một vài ngày, một vài giờ hoặc một tuần, thậm chí nhiều hơn, nhưng là khoảng thời gian luôn luôn quay lại trong mọi năm, cái tôi thích gọi là: những ngày vàng.

Đất, từ những cơn mưa cuối hè bỗng lại ẩm ướt và mềm ra. Nước rửa sạch bụi trên lá cây, và khu đồi xanh lại. Những bình minh tươi tỉnh nhưng ngày vẫn còn nóng. Và trên những triền núi hoàng hôn ấm áp đến cùng gió tây. Tôi đặt tên khoảng thời gian này là những ngày vàng bởi vì màu của tháng Chín là màu vàng.

Những đôi mắt vụn lóng lánh trầm ngâm trong không khí và nếu con người từ những đỉnh núi nhìn xuống đồng bằng, sẽ thấy bụi vàng óng ánh ôm choàng lấy cảnh vật. Trong màn sương ẩm ướt rạng rỡ những khu vườn lười biếng nghỉ ngơi, từ sự mơ màng chậm rãi này nho chín, táo sủi bọt, hạnh nhân, đào, mận và quả óc chó từ từ đậm vị. Trái đất bơi trong mật vàng óng và tia nắng sáng lấp lánh như dầu chảy vàng xuộm.

Khi mưa cuối hè chấm dứt, bầu trời trở nên trong sạch và gió tây mềm mại mang đặc thù mùa bắt đầu thổi, biết đây là những ngày vàng, tôi luôn tìm cách dù chỉ hai lần hoặc hai mươi tư giờ liền đi lên núi và nằm trong vườn đến chừng nào có thể.

Không chỉ vì tôi đang ngồi dưới những gốc nho và nếm chậm rãi từng loại nho một. Loại Muscat Black Hamburg có hình quả trứng, nước ngọt đen đặc quánh mang vị nho khô quyến rũ không bao giờ chán. Nhưng có cả loại Muscat Ottonel, loại Nho Mật Trắng, loại Delaware, Hoàng Hậu của các loại nho. Rồi tôi nhai hạnh nhân, ngồi trên bờ tôi đập quả óc chó ra ăn, một cách vô tư và chăm chú. Và lũ chim, trong những ngày chín muộn ấy cũng liên hồi hát ca. Sáng sớm tôi nghe giọng sáo, buổi chiều họa mi véo von vài nốt như thở dài, khiến tôi rưng rưng đến nghẹn ngào. Tại sao? Tôi không biết.

Buổi sáng là mùa xuân, buổi trưa là mùa hè và buổi tối là mùa thu, hoa keo nở trắng, sơn tước ca và cả đêm tôi nghe âm thanh của lũ chiền chiện rừng từ thung lũng, thời tiết như thể diễn tiến của cả một năm, nhưng thanh bình vô tận và dịu dàng, như ký ức đầy hình ảnh của một nhà thông thái tan vào trong một nỗi buồn bã ngọt ngào.

Tôi bước giữa các khu vườn để uống trọn, ngập ăm ắp cả cơ thể trong hương vị của sự nẫu chín, để mắt no bằng những bắp cải tròn trịa, những luống cà rốt, cà chua ửng hồng, ớt, dưa, bầu bí đẹp tươi. Cành mận sà xuống con đường mòn, tôi hái lấy hai quả, rồi cúi gập người sát đất tôi ngắt một cọng chua me bốn lá, cứ như thể đang là cuối tháng Năm.

Nhưng bước ra vườn cũng bởi vì tôi được tận hưởng trực tiếp một cái gì đó của sự ra đi trong những ngày ngây ngất này nhiều hơn tháng Tư tinh khôi hay tháng Bảy đổ lửa: hưởng ân sủng của đời sống. Sắc vàng rạng rỡ trên bầu trời và trong không gian này không phải là hiện tượng tự nhiên. Đây là hào quang của ân sủng tỏa sáng trên trái đất sung chín. Và trong sự trầm ngâm siêu nhiên, trên bậu cửa của cái chết, nhưng trên đỉnh của đời sống, thiên nhiên tự nguyện trút hết của cải của mình ra không chút mê muội và bắt buộc, trong cái đẹp bình thản, cùng mọi cơ hội bỗng chín mọng bên trong một thứ quả bí ẩn như thế nào đấy.

Đã bao nhiêu lần khi những ngày vàng này bắt đầu, tôi đều lên đường dự phần vào sự hiện hữu của chúng, luôn luôn nhận được một thấu thị báo trước nào đó như thể công việc của năm lúc đó đã chín muồi, chỉ đợi để thu hoạch.

Năm nay những ngày vàng bắt đầu hơi muộn và kéo dài một cách bất thường. Bầu trời trong vắt hẳn lên khoảng vào ngày hai mươi tháng Chín, và màu vàng rực rỡ rạng ngời trên những cánh rừng cho đến tận mùng năm tháng Mười, lũ chiền chiện rừng già ca hát không ngừng, còn tôi đi hái từng bó hoa tím to tướng trong các thung lũng ẩm ướt. Tôi lang thang hàng nửa ngày giữa rừng với bộ quần áo hè mỏng, khi trở về nhà, bỗng nhác thấy những cành oải hương nở dịu dàng dưới những hàng nho trong vườn.

Những gì tôi nói đều mang tính chất cá nhân. Ngay lập tức có thể thấy chẳng liên quan đến ai. Nhưng tôi vẫn kể, và tôi biết mình không bất lịch sự bởi nhiều người cũng có một hoàn cảnh tương tự như tôi. Có lúc, hàng trăm người gặp hoàn cảnh như thế và vị trí của họ không hề vô giá trị.

Buổi chiều khi ngả lưng bên sườn núi, tôi chăm chú ngắm một người nông dân đang miệt mài cắt cỏ bằng liềm trên cánh đồng dễ đến hai tiếng đồng hồ rồi, nên tôi không hề động đến cuốn sách đã mở, trong thẳm sâu tâm hồn, tôi thấy mình dễ chịu, nếu không nhận ra nhiều điều khác nữa. Rút cục không cần chỉ khổ sở im lặng hoặc ghi chép nhật ký, những việc làm đối với nhiều người là một sự chôn cất.

Chiều tà thủng thẳng về trên những ngọn thông. Huệ thu nở trong những khoảnh đất nhỏ, tôi rón rén đi giữa chúng, cả người tê dại, hạnh phúc. Tôi bâng khuâng trong sự giàu có vô hạn của những cảm giác cô đơn và bỗng hiểu những con người thà chọn một góc vườn hay một phòng thư viện còn hơn lao vào từ ngữ và các trận chiến. Trong giây phút này đời sống cộng đồng tẻ nhạt, kịch trường rỗng tuếch, thú giải trí gắng vui không thể chịu đựng nổi, chúng mới đơn điệu và phi nội dung làm sao so với đời sống cô đơn giàu có. Sự cô đơn một mình giàu sự kiện hơn so với đời sống công cộng. Nhà thông thái sống nhiều hơn so với người anh hùng. Trong những ngày vàng ở đây, một tuần liền một mình, không lời, tôi dự phần vào đời sống nhiều hơn so với hai mươi năm sáu tháng tôi sống trong chiến tranh.

Từ khu rừng đi xuống, sát hàng cây dẻ tôi nhìn bỗng thấy hoa anh túc nở trong nắng. Những ngày vàng luôn luôn làm con người ngạc nhiên. Trên kia là hoa huệ thu, dưới này là hoa anh túc: mùa thu và tháng Sáu ở cạnh nhau. Chữ bỗng hiện ra trong óc. Từ: agon. Một từ Hy lạp nhưng nhà sử học Burckhardt giải thích thật hay. Ông giải thích: trong thế giới Hy Lạp chỉ cái gì xảy ra trước công chúng cái đó mới có ý nghĩa. Nghĩa về một trật tự đời sống, người Hy lạp dùng với nghĩa nói về cái diễn ra nơi công cộng. Cái quan trọng: danh tiếng, sự thành công, sự nổi tiếng, sự vinh quang. Nhưng trong bản thân chúng ta những điều này lại không có ý nghĩa. Tôi làm gì với danh vọng trong sự cô đơn trên rừng của tôi?

Những điều trên quan trọng vì chúng mang tính công cộng. Sức con người hướng ra ngoài biến thành vai diễn bởi nó chỉ mang duy nhất một bản chất: nổi bật lên trước người khác trong lợi thế.

Một vị vua Ba Tư muốn xây một cái lâu đài, hai nhà kiến trúc sư dâng kế: một theo kiểu Trung Hoa, một theo kiểu Hy Lạp. Nhà vua xem xong hai bản thiết kế bèn phán: mẫu lâu đài Hy Lạp đẹp hơn, hướng ngoại, ai nhìn thấy cũng sẽ lập tức nhận ra nhà vua sống trong sự sa hoa lộng lẫy; nhưng bên trong, các phòng trống rỗng và lạnh lẽo. Mẫu lâu đài Trung Hoa bên ngoài không lộng lẫy bằng nhưng bên trong ấm cúng, gần gũi, ta chọn mẫu lâu đài này. Vì ta muốn sống trong căn nhà của ta chứ không phải trong căn nhà làm cho dân chúng thưởng thức.

Trật tự đời sống Trung Hoa, hay nói đúng hơn của phương Đông trái ngược với agon cái công khai. Đây là thứ đời sống riêng tư mà chúng ta thiếu. Khi tôi sống cô đơn hơn một tuần tôi mới hiểu nhà vua Ba Tư, bởi giờ đây tôi sống cho tôi chứ không cho công chúng. Đời sống cho chốn công cộng là một đời sống vô vị.

Có một tảng đá tròn nhô ra phía đồi cỏ. Ngồi lên nó thật thích. Tôi móc túi ra một quả đào chưa chín hẳn, gặm rồi vứt hột thật xa. Tôi đang cảm nhận. Tôi cảm thấy mình đang sống những giây phút quyết định. Tôi cần lựa chọn. Đúng hơn: tôi đã lựa chọn xong. Không phải đời sống của một vị vua chúa, hay mang tính chất công cộng, hay tên tuổi nổi danh, thành công, dân chúng, mà hoàn toàn là một cá nhân, một đơn độc ấm áp, đơn giản chỉ vì như thế giàu có hơn. Nhiều hơn. Khó có thể đánh lừa con người. Không thể bảo con người hãy đến đây mi sẽ nhận được nhiều hơn. Sau một thời gian họ biết mình bị lừa, thế là hết.

Con người là một sinh linh đói khát sống không thể tưởng tượng nổi. Luôn luôn nó đến nơi ấy, nơi nó dự được phần sống nhiều hơn. Nó đủ khả năng biến thành con bệnh nếu sức khỏe của nó tham dự ít phần sống. Luôn luôn nó cần nhiều hơn, cần rạng rỡ hơn, cháy bỏng hơn, ly kỳ hơn, nghiêm chỉnh hơn, hồi hộp hơn, có tác động hơn, gắn bó hơn. Xưa kia tôi tưởng chốn công cộng có vấn đề, vì dành cho con người ít. Giờ đây tôi thấy mình không giúp giải quyết được vấn đề của chốn công cộng.

Tôi đã chọn vườn tược, phòng thư viện, những buổi dạo chơi lặng thinh, những nguyện cầu không lời và những lúc ngồi im thư thả. Tại sao? Vì như vậy tôi nhận được vô cùng nhiều, những thứ tôi cần. Đời sống đơn độc so với đời sống công cộng giàu có phi giới hạn.

Tôi muốn sống cho tôi trong đời sống của tôi chứ không phải cho đời sống công cộng. Hành vi này của tôi những người cùng thời với tôi đã cho tôi hết sức dễ dàng. Tinh thần, thứ mà tôi phụng sự, trên đất này vô danh. Nếu tôi muốn đơn giản hóa cho dân chúng, cho đời sống công cộng hiểu, tôi cần nói về tinh thần này, chứa ba điều cơ bản.

Điều thứ nhất: nhận thức về con người cần từ từ có bằng mọi cách, kể cả bằng cái giá của những sự khó chịu, bởi mối quan hệ hiệu quả giữa những con người chỉ nảy sinh từ sự xác định đúng và từ nhận thức đúng về con người, và chỉ những ai biết về nhau mới coi trọng nhau nghiêm chỉnh.

Điều thứ hai: thừa nhận tính chất khủng hoảng nghiêm trọng của thời đại chúng ta đang sống và đối diện với bản chất của thời gian khủng hoảng này.

Điều thứ ba: mystique au lieu de politique như Péguy nói cần ưu tiên Sách Thiêng giữa các chương trình của đảng cầm quyền.

Có thể thứ tinh thần này rất đối mặt với quyền lợi của những kẻ đang sống ở đây. Biết đâu ở Anh, Pháp hoặc Đức tôi có thể đạt tới một ảnh hưởng nào đấy. Tôi không rõ và cũng không thể biết về các điều kiện và các khả năng. Nhưng không nghi ngờ gì nữa, tôi đã rất sốt sắng với những ý tưởng bên ngoài tổ quốc tôi, có thể vì ở đây tôi không hề tìm thấy một ý tưởng nào hết ngoài các loại chương trình.

Về những gì mang trình độ tổng quát và hợp lý tôi không cần xấu hổ với trình độ của mình. Nhưng về những sản phẩm cơ bản nói thật là tôi không biết chắc chắn bởi vì tôi không thể biết tôi có thể can thiệp một cách có hiệu quả hay không vào các sự vật.

Ở Hungary người ta ngờ vực tiếp nhận các ý tưởng. Tỷ lệ phần trăm của sự ngờ vực này tất nhiên nói về các cá nhân, tôi đã nhận ra điều này khá sớm. Nhưng tôi không có ý định thay đổi các mối quan tâm của mình cũng như đặt chúng ra ngoài bản chất riêng của mình. Tôi đành tự thỏa mãn với hoàn cảnh đặc thù phi vị trí của mình.

Thực chất ở đây, tôi có thể đang ở trong một thứ tinh thần châu Âu chưa được coi là hiện thực, nơi là quê hương của những tinh thần tôi thực sự coi trọng, kính cẩn và tiếp nhận thân thiện, và cái nhân tố rằng tôi có thể hiện hữu thực sự ở đây, trên đất Hungary, đã lấy mất trọng lượng và sức sống ngôn từ của tôi.

Tôi nghĩ rằng tôi đã giải thích rõ về vị trí của mình khi tôi nói ở đây tôi không ở nhà mình, bởi tôi không hợp thời, không hợp lý, không đại chúng; và ở nơi ấy, nơi tôi có thể ở, đơn giản là tôi chưa bao giờ đến.

Tại đây một kẻ duy nhất tôi cũng chưa hề bắt gặp, một kẻ như một mối quan hệ liên quan đến thứ tinh thần sống bên trong tôi, để từ đó có thể xuất hiện một cộng đồng có hiệu quả, và ít nhất có thể là nền tảng cho một nhóm nhỏ nhoi. Nơi tôi có thể gặp những con người thiện cảm, nơi đó tôi chưa bao giờ ở lâu đến mức có thể tiếp cận và làm sâu sắc các mối quan hệ.

Nói một cách ngắn gọn như sau: nơi có thể sống một cách có ưu thế cho tôi, nơi ấy hoặc rất ít hoặc chưa bao giờ tôi sống; còn ở đây nơi tôi đã sống, bản chất và các ý tưởng của tôi tồn tại xa lạ.

Điều này, tại sao lại xảy ra: tôi đã đi trước thời đại của mình, các ý tưởng của tôi mới mẻ, bản chất tôi quá trừu tượng, các tư tưởng phi lý, cá nhân tôi quá cấp tiến, các cấp độ cao hay khác thế nào, giờ đây hoàn toàn là vấn đề phụ. Quyết đoán kiểu như thế tóm lại không liên quan đến tôi, bởi con người trong những vấn đề như vậy không thể nói những ý kiến không chấp nhận nổi.

Và sự phi vị trí như thế này có thể đâm ngã gục kẻ nào cố gắng vươn đến sự điều khiển và gây ảnh hưởng. Khi tôi vẫn tưởng tôi cần phải cầm lái và gây ảnh hưởng, tôi cũng bị đâm gục. Muộn hơn, khi tôi tự nguyện từ bỏ khát vọng và không bao giờ dựa vào nhu cầu đạt tới một ảnh hưởng nữa, đột nhiên ưu thế vô tận của sự phi vị trí mở ra trước mắt tôi.

Đây là khoảng thời gian, dù không hề có ý thức cân nhắc, tôi đã từ bỏ trật tự sống theo công chúng nông cạn và vô hiệu quả. Cái công chúng công cộng này là cái gì trong sự chống đối, lúc đó tôi chưa hề biết. Trước mắt chỉ biết rằng: giã từ công cộng!

Một lời với đảng cầm quyền, một lời khác với đám bạn bè, một lời khác nữa với liên minh quyền lợi và lời thứ tư dành cho đám học trò.

Mọi ý kiến nghiêm túc xứng đáng để chú ý mà tôi đã gặp phải, tất nhiên ở trong nước, của số đông, và ý kiến đã xoay chuyển số đông, và số đông này đồng hóa họ với ý kiến. Tất cả mọi từ ngữ thực chất đều là từ ngữ phát ra nhân danh số đông. Tôi nhận ra, người ta đo trọng lượng ngôn từ bằng cách có bao nhiêu người đồng nhất với nó. Và những từ ngữ này người ta vô cùng yêu thích nó.

Nếu họ tấn công một ai, đấy là từ ngữ của nhóm, và nếu họ bảo vệ một ai, sự bảo vệ này cũng nhân danh nhóm. Tư tưởng, văn bản viết, sự đấu tranh, ý kiến, sự tranh luận gần như là sự thể hiện tập thể hoàn toàn. Những từ ngữ tinh thần, như tôi đã nói, thực chất là ngôn từ của những thế giới quan, các lập trường, của các quan hệ quyền lợi hoặc cảm xúc.

Từ góc độ phi vị trí của mình, tôi chưa bao giờ có thời cơ để sử dụng ngôn từ như vậy. Luôn luôn tôi chỉ có thể phát biểu nhân danh tôi. Đằng sau, bên cạnh, cùng tôi, chưa bao giờ có ai. Cái tôi nói ra không ai đồng nhất với nó. Ngược lại hoặc họ chống, hoặc họ sa vào tranh cãi hoặc trở nên hằn học, và sau rốt đúng là chọc tức, khi tất cả mọi người đều thổ lộ thứ ý kiến tập thể hoặc nhóm, vậy thì hãy có một kẻ tỉnh bơ trên tất cả, và chỉ phát biểu nhân danh nó thôi.

Tôi là kẻ phi vị trí, không hợp thời, không đại chúng, phi phong cách. Chẳng ai bảo vệ, tôi cần tự bảo vệ tôi. Chẳng ai lên tiếng vì tôi, tôi cần lên tiếng vì mình. Toàn bộ trách nhiệm vì trách nhiệm trình bày ý kiến đè nặng lên tôi. Tôi không thuộc bất cứ nhóm nào. Thế là từ từ tôi đã trở thành chính mình đến mức còn tốt hơn cả ý định „gốc” có thể của mình.

Tôi đã tự cá nhân hóa một cách đặc biệt. Những người cùng thời với tôi đã bắt tôi rơi vào sự đơn độc hoàn toàn một mình, thứ trong đó hoàn toàn đứt đoạn và cắt đứt với toàn bộ quan hệ tập thể, và tôi chỉ có thể nói ra cái hiện thực mà đúng là tôi đang nói.

Nói nhiều có hại. Tôi bước ra khỏi sự công cộng và trở thành outsider (người ngoài). Đúng hơn người ta nhìn tôi như nhìn kẻ ngoài cuộc. Bởi vì người ta vẫn tưởng tôi đang dự phần vào cuộc đua.

Họ không thể nào tưởng tượng nổi một kẻ khác hẳn mọi kẻ khác đến mức chạy đua cũng không hề. Người ta gọi con ngựa chạy bên lề đường là outsider. Họ không hề linh cảm rằng tôi đã không còn là kẻ dự thi công cộng vì thành công trước công chúng một kẻ không thể từ bỏ vai diễn của mình.

Tôi đã bước ra khỏi vũ đài và trở thành khán giả. Nhưng không phải khán giả của cuộc đua. Toàn bộ lịch sử cuộc đua, sự hồng hộc bệnh tật ngày nào cũng phải làm mới vì thành công thật chán ngắt. Tôi đã tìm thấy những cái để nhìn ngắm đặc biệt khác trong cái thế gian đẹp đẽ này. Tôi đã tìm ra những suy tư đặc biệt, những đời sống đặc biệt, những điều viết đặc biệt. Khát Vọng của tôi tăng lên. Tôi khinh bỉ khả năng chiến thắng giành từ các cuộc đua. Và thế là tôi đã đạt tới sự vô danh nổi tiếng.

Sự vô danh nổi tiếng là sự trái ngược với trật tự đời sống công cộng. Nó là một trật tự đời sống trong đó người nổi tiếng vô danh; chính vì con người tự giữ mình lại trong một khoảng cách thận trọng nhất định với sự công cộng.

Tất nhiên khoảng cách không mang nghĩa tiêu cực. Đời sống công cộng đôi khi thật sự lý thú và phần lớn tôi chấp nhận những gì xảy ra ở đó một cách có thiện chí. Nhưng không hề muốn gắn bó với nó và sau cùng tôi vẫn cho toàn bộ cuộc sống công cộng là một một trạng thái phi sự kiện.

Nếu ai tìm tôi, tôi sẵn lòng nói chuyện với họ, nếu họ đón tiếp, tôi không phản đối, nếu họ mời, tôi cũng sẵn lòng đến. Nhưng họ đừng mong cuộc đua công cộng trở thành nỗi đam mê của tôi: tôi không thể thực hiện mong ước này. Họ cần cân nhắc, vì những điều tôi quan tâm hoàn toàn khác.

Hành vi của sự vô danh nổi tiếng không mang tính người. Con sáo sống trong sự vô danh nổi tiếng cũng giống hệt con dế, hay một nhà thông thái hoặc một vị thánh, hoặc một kẻ tốt bụng không tên hoặc một nghệ sĩ đơn côi.

Khái niệm ấy chỉ có ngần này ý nghĩa: sự lấp đầy của ý nghĩa trong vị trí vũ trụ. Nó trái ngược với công cộng, bởi công cộng là sự trình diễn tác động của vai trò trước công chúng.

Theo quan điểm của tôi sự vô danh nổi tiếng hoàn toàn thích hợp với các nhà thơ, các triết gia, các nhà thông thái, những kẻ sùng đạo và ham hưởng thú vui sống. Trong tôi dường như mỗi thứ nói trên đều có một ít nên hành vi sống kiểu này với tôi quả thật hoàn hảo.

Ai không muốn đạt tới bất cứ cái gì bên ngoài, một cách công cộng, vẫn không có nghĩa rằng không muốn đạt tới một cái gì đó nói chung. Kiểu quan niệm như vậy làm hiểu lầm khát vọng người. Tôi có nhiều kinh nghiệm về sức mạnh bất tử của khát vọng. Rất khủng khiếp, khi nó bùng cháy, nhưng còn khủng khiếp hơn, nếu nó bị bóp nghẹt. Cần cho khát vọng điều để nó biến con người thành nổi tiếng, nếu bằng mọi giá con người muốn làm điều đó.

Một thực tế khủng khiếp như vậy như khát vọng không thể đè nén nó một cách vô tội. Thí nghiệm bạo lực cuối cùng chỉ thành một thứ bệnh lý tâm trạng.

Nhưng có điểm khác biệt giữa việc tôi phấn đấu vì thành công trước đám đông công cộng và tôi nổi tiếng trong sự vô tận vô danh. Tôn giáo nói: trước Thượng Đế. Và vì điều này phù hợp với vị trí này nên cần cho rằng đây là một cách nói hay nhất.

Các thực thể: hoa, cây, các ngôi sao, chim muông chỉ biết đến sự nổi tiếng trước Thượng Đế ; độc nhất có con người thỏa mãn với điều ít ỏi hơn: nổi tiếng trước nhân loại. Cứ như thể danh tiếng sẽ bị mất đi trước nhân loại nhiều hơn sự bất tử trong Thượng Đế.



Ý nghĩ này chấm dứt ở đây. Không phải điều tôi nghĩ trong một ngày. Khi nó chín muồi, từ các khu vườn tôi đã quay về từ lâu, mùa đông đã qua và mùa xuân lại đã đến.

Nhưng đã bao nhiêu lần nó đến trong óc tôi và làm tôi trầm ngâm vì nó, trong tôi luôn luôn hiện ra một đỉnh núi ưu tư phủ ánh hào quang, một khu rừng ấm áp, một người nông dân đang dùng liềm phạt cỏ, những bông hoa anh túc, và tôi cảm thấy vị lên men của nho, và khuôn mặt tôi tìm kiếm chút vuốt ve âu yếm của gió tây dịu dàng thổi đến.

HAMVAS BÉLA „ARANY NAPOK”

Trích tác phẩm: Sách đảo nguyệt quế

NGUYỄN HỒNG NHUNG DỊCH 

Từ nguyên bản tiếng Hungary
2021.09.09


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss