Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Nobel 2016 : văn học về thực tại

Nobel 2016 : văn học về thực tại

- Roberto Saviano/V.N.T. — published 24/03/2016 00:00, cập nhật lần cuối 16/03/2016 00:25

Thế là Giải-Nobel-về-thực-tại
làm cuộc cách mạng văn học


Roberto Saviano1


Giải Nobel trao cho Svetlana Alexievich không đơn thuần là sự công nhận dành cho một trí thức dưới ách cai trị của Lukashenko và đấu tranh với Putin. Giải Nobel trao cho Svetlana Alexievich là một cuộc cách mạng văn hóa: sau nhiều thập niên, tự sự không-hư-cấu đã được vinh danh. Đối với thế giới nói tiếng Anh, hay đúng ra, đối với cái thế giới chi li vốn nói tiếng Anh, và vốn có, ngay cả trong văn học, điểm tựa là chủ nghĩa thực-chứng-tin-lành, giải Nobel năm nay là một kiểu động đất. Điều này được nêu ra một cách thuyết phục trong một bài viết của Philip Gourevitch2 trên tạp chí The New Yorker ngày 9 tháng 10 năm 2014, và được tác giả đăng lại trên trang twitter của mình.

Trên tạp chí The New Yorker, Gourevitch cho biết Svetlana Alexievich là ai, viết gì, và giải thích cái thái độ hẳn là biết bao cách mạng nếu giải Nobel văn học cuối cùng được mở ra cho cách nhìn thế giới ấy, cho câu chuyện về thực tại vốn dường như bất chấp biên mục. Hầu như một lời tiên tri. Nhiều người đã không tin vào điều đó và nghĩ rằng Giải Nobel sẽ tiếp tục dựa theo điển phạm cổ điển, trao cho cái dòng văn học vốn cố hữu là hư cấu hoặc mang tính hư cấu, mà nếu khác đi, sẽ không là văn học. Vấn đề là thuộc phạm trù nhận thức luận, và để trình bày luận điểm của mình, Gourevitch trích lại lời của Gay Talese3 trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí The Paris Review: "Các tác giả không-hư-cấu là công dân hạng hai, đơn giản, chúng tôi không thể bước lên Ellis Island của văn học. Nói thật, điều này khiến tôi nổi khùng."

Những lời của Telese cũng sói rõ chủ hướng của thị trường văn học. Nhà văn thường bị đứng trước vấn đề là xây dựng một tác phẩm để có thể mang một cái nhãn trên thị trường, để có thể chính xác được xếp vào ngăn kệ đó: cái nhu cầu lập danh mục về sự viết quả là thiển cận. "Các nhà xuất bản và các nhà sách - Gourevitch viết - cùng với những kẻ bảo tồn điển phạm, bảo tồn sự tước đoạt thủ cựu đối với sự-viết-bằng-tư-liệu lớn lao, là những kẻ đồng lõa khi chỉ dành riêng cái nhãn ‘văn học’ trên các trang bìa và các ngăn kệ cho các tác phẩm hư cấu". Các nhà sách và các nhà xuất bản cùng tham gia vào một sự hiểu lầm ghê gớm khi gọi "văn học" chỉ là những gì được sáng tác thuần túy, và gán cho cho tự sự kể-lại-thực-tại một vai trò thứ cấp. Bản thân tôi, trong phạm vi của mình, cho rằng biết đâu chừng ngược lại, và tôi sẽ không chịu khuất phục trước những “mệnh lệnh” của thế giới anglo-saxon, mà hầu như toàn bộ trong đó, bị áp đặt bởi cái luật phân chia ngớ ngẩn giữa hư cấu và không-hư-cấu.

Văn học và sự đọc, hiểu như thế, bị gắn với loạt nghi vấn phủ đầu vốn cắt sống sự viết. Svetlana Alexievich chính xác là ai, một nhà báo hay một nhà văn? Bà là nhà văn nhiều hơn hay là nhà báo nhiều hơn? Các nhà báo khác nghĩ gì về bà? Thế còn các nhà văn khác? Bà nghiêm cẩn trong chuyện kể hay bà tự chứng nhận mình? Những câu hỏi này là trật đường ray, bởi chúng không ghi nhận cái cứu cánh. Và cứu cánh là cuộc sáng tạo một bích họa văn học.

Thế nên tác phẩm không-hư-cấu có thể được kể theo phương thức này: một thể loại văn học không lấy tin tức làm đối tượng, mà xem chuyện-kể-sự-thật là cứu cánh. Nhà văn của tự sự không-hư-cấu tự chuẩn bị để xử lý một sự-thật-tư-liệu, song ứng xử với nó bằng tự do của thơ ca. Họ không sáng tạo biên niên ký mà vận dụng nó. Alexievich kể chuyện trong lúc sử dụng những mẩu chuyện bà lắng nghe ở nhà ga; sau một cuộc phỏng vấn bà biểu đạt cơn nôn mửa mình đã nhận chịu. Bà không sợ các lá thư từ mặt trận do mình chọn, các cuộc phỏng vấn do mình thực hiện có thể bị coi là sáng tác vì sự hoàn hảo hết mực của chúng. Bà biết, thực tại vượt xa trí tưởng tượng, và chấp nhận mình làm cái loa, bộ khuyếch đại của nó. Sự vĩ đại của bà là ở lòng dũng cảm văn học, không để mình bị hàng ngũ hóa bởi thực tiễn công việc do các tờ báo áp đặt.

Chọn văn học không-hư-cấu, mặt khác, là một lựa chọn về văn phong, là sự lựa chọn một lộ trình. Santa Evita của Tomás Eloy Martínez4 là tác phẩm kể lại hay hơn hết câu chuyện về Evita Peron, song nó không kể lại những gì một cách không thể chối cãi được coi là thực có. Nó không phải là một cuốn tiểu sử. Nó thu thập dữ kiện, nhiều trong số đó có những phiên bản khác nhau, và chọn những phiên bản được coi là chân thật hơn cả, hoặc hiệu quả hơn cả cho tự sự. Dù có thể bị chối bỏ, song Martínez hẳn là có cái khả năng tự tại để bảo vệ tính khả tín trong công việc của mình, tức là cuộc nghiên cứu nhân học.

Có người đòi hỏi nghệ thuật không là nghệ thuật nữa. Có người cho rằng nghệ thuật thật hơn so với sự thật. Hiện thực hơn cả hiện thực. Như thể nó là một bộ-thước-sao-đồ khổng lồ, mà cuối cùng: vô dụng. Giải Nobel 2015 chọn cái hướng đối nghịch, nó không chỉ tưởng thưởng lòng dũng cảm của một người bất đồng chính kiến, mà còn, và trên hết, tưởng thưởng lòng dũng cảm của một nhà văn nữ đã chọn một phương pháp, và với phong thái văn chương của mình, thách thức quyền lực.

Svetlana Aleksievitch

Cái sự thật mà Svetlana Alexievich kể cho chúng ta nghe là phổ quát, cho dù người ta không thể đo lường nó. Thử nhìn nhận một cách phản chứng: tác phẩm Zinky Boys (Những quan tài kẽm) – một DVD với tất cả các cuộc phỏng vấn đã thực hiện, họ và tên chính xác – có thể hàm ý gì, phải chăng là để chứng tỏ rằng các cuộc trò chuyện ấy đã diễn ra y như chúng ta đọc chúng? Tất nhiên, nó không hàm ý gì, vì người đọc quan tâm đến một sự thật khác: đón nhận các dữ kiện và thẩm lọc chúng thông qua ánh chiếu văn học, ánh chiếu nhân bản, cuộc chăm chút ngôn từ. Biến chúng thành sáng tạo, không phải biên niên ký. Các nhà văn của tự sự không-hư-cấu cho đến nay bị đầy vào trong một cõi lâm-bô không được tin cậy. Svetlana Alexievich (thậm chí bị gọi là gián điệp: một điệp viên CIA ở Belarus) bị các đồng nghiệp đánh đồng qua những lời ru hời nhàm tẻ: "Tất cả chúng tôi đều quan tâm tới Afghanistan", "Tất cả chúng tôi đều viết về Chernobyl", "Bà ta chẳng qua chỉ viết về những gì người ta đã biết”.

Đương nhiên, có hàng chục, hàng trăm phóng sự về Afghanistan hay Chernobyl, song Alexievich không chỉ kể, bà tạo nên một Afghanistan và một Chernobyl đa chiều, phản đề trước những gì tin tức truyền hình hoặc phóng sự vạch lại. Bà kể về những gì chứa bên trong, bên trên, và bên cạnh các sự kiện, không phải sự kiện đơn thuần, những cái ấy bà để cho phóng viên, cho những người biến chúng thành biên niên ký.

Bà đã kể chính mình và cái thế giới thông qua các cuộc đời và các cái chết đó. Bà đã kể những gì không thể nhìn thấy, song có diễn ra: những cảm xúc, những thôi thúc, những suy đoán của mình ngay cả khi không có chứng cứ chắc chắn. Điều này biên niên ký không thể làm, nhưng đó là nhiệm vụ của văn học. Gia cố thực tại trong tiểu thuyết, loại trừ sự lạnh lùng ở tin tức, đấy là con đường duy nhất tồn tại để mang những luận đề "nhạy cảm" đến với mối quan tâm của người đọc.

Truman Capote5 viết: "Tôi có cái ý tưởng làm một công việc cao cả và uy nghi; nó phải y như một cuốn tiểu thuyết, duy một khác biệt: mọi ngôn từ trong đó phải là thật, từ đầu đến cuối". Hôm nay, để viết và bảo vệ In Cold Blood (Máu lạnh), hẳn ông càng gặp nhiều khó khăn. Nó bị đánh tới tấp khi ra đời và hôm nay hẳn là càng tồi tệ hơn, bởi cái tội-trọng là thao tác (không có nghĩa là giả mạo) thực tại, vốn bị coi là cuộc xâm phạm vào lĩnh vực của người làm tin tức. Tom Wolfe6, nhà lý luận của New Journalism, khẳng định rằng thuật lại lời lẽ các nhân vật (thực có, không phải sáng tác) là không đủ, bạn cần xây dựng cái bối cảnh trong đó họ hành động và nói năng. Và ở đây thì văn học nhập cuộc.

Nhưng có lẽ văn học không-hư-cấu bị coi là một thể loại hạ đẳng vì cái lý do chính trị: câu chuyện thế giới chỉ được dành riêng cho công việc của phóng viên hoặc cho cuộc đo-đếm của thông tin, tức là đập vỡ nó, cô lập nó, và qua cách nào đó suy nhược hóa nó. Ngược lại, ứng xử với chính câu chuyện ấy bằng phương pháp tự sự, tức là sáng tạo một bích họa có thể hiểu; tức là dừng lại cuộc tiêu thụ tin tức và bắt đầu cuộc tiêu hóa các mối vận hành; tức là tái tạo cái bức khảm và chuyện trò với những ai không bao giờ đọc những tin tức như thế, vốn không thể hiểu được nó nếu không trong cái bối cảnh tổng thể, và sẽ không cảm thấy đó là chuyện của mình. Hãy thử đọc những trang viết của Alexievich về buổi hoàng hôn của một ý thức hệ cộng sản, về những vụ tự tử của những người tin cậy nó, bạn sẽ hiểu cái cung cách ngôn từ của bà tiến lên toa đầu tầu văn học và đi đến nơi. Alexievich gánh lấy cái trách nhiệm trau giồi thực tại chứ không trú trốn trong đó. Vì vậy, tôi không hiểu tại sao ở Ý, khi thảo luận về những nhà văn lớn còn sống, người ta trước hết không nhắc đến Corrado Stajano7, đến những tác phẩm Un eroe borghese (Một người hùng dân sự) Africo (Thị trấn Africo) của ông.

Văn học là Le guerre politiche / Những cuộc chiến chính trị, thử nghiệm không-hư-cấu của Goffredo Parise8, hay hơn so với nhiều tác phẩm hư cấu của ông. Văn học là Bandits a Orgosolo (Làm kẻ cướp ở Orgosolo) của Franco Cagnetta9, nhanh chóng bị dán nhãn là một nghiên cứu nhân học. Văn học là Un popolo di formiche / Một nhân quần kiến ​​của Tommaso Fiore10 mà người trẻ đôi mươi (miền Nam và ngay cả miền Bắc Ý) cần nên đọc, văn học là cuộc điều tra về cái chết của Francesca Spada trong Mistero napoletano /Vụ tự vận bí ẩn ở Napoli của Ermanno Rea11, là Il provincial / Người quan sát miệt vườn của Giorgio Bocca12. Tôi đang trích dẫn các tác phẩm thường chẳng bao giờ được nhắc đến khi người ta thảo luận về văn học Ý, dù rằng đó là những tác phẩm rút ra những khí quyển tốt nhất ở những thập kỷ vừa qua. Văn học là Über das Meer /Vượt biển gần đây của Wolfgang Bauer13, cái câu chuyện trải nghiệm tận mắt cùng người Syria chạy nạn. Sao lại có thể không coi là văn học: Dispatches / Công văn của Michael Herr14, hoặc những tác phẩm của Ryszard Kapuściński15 (bị cáo buộc một cách có hệ thống là “bịa đặt” cả khi còn sống và sau khi đã mất: ông, người được coi là một phóng viên, và do đó, phải chứng minh các sự thật của mình).

Văn học là El Hambre/ Đói di Martín Caparrós16, tác phẩm hay nhất từng được viết về nạn đói trên thế giới. Tất cả những nhà văn mà tôi đề cập, trước giải Nobel này, đã sống chung với cái bóng ma của sự lãnh đạm thường xuyên. Và các lý thuyết của họ về tiểu thuyết không-hư-cấu, về New Journalism, bị nhận thức như là những biện-minh-theo-sau-sự-kiện hoặc lập dị nghệ thuật. Ngay cả vị trưởng lão của tất cả các tác giả không-hư-cấu Rodolfo Walsh17 cũng bị gán như vậy, người mà bằng phương tiện văn chương qua tác phẩm Operación Masacre / Chiến dịch Tàn sát xuất bản năm 1957 kể lại một giai thoại không được biết đến và cực kì tàn khốc về cuộc đàn áp của quân đội Argentina. Sự tố cáo của ông vang dội thế giới chính là nhờ cái văn phong nhất quyết đương đầu với chủ đề.

Điện ảnh cũng từng bị như thế; các đạo diễn Vittorio De Seta18 và Francesco Rosi19 luôn bị ngấm ngầm buộc tội là "thao túng" sự thật. Các ông được ưu ái trong phạm vi những buổi thưởng lãm quá khứ văn hóa, song các tác phẩm của mình thi bị e ngại và đóng cửa trong cuộc thảo luận chính trị. Il caso Mattei /Trường hợp Mattei ngày hôm nay hẳn sẽ bị trói cứng bởi những vụ kiện cáo và những lời buộc tội là không trung thực, nó hẳn là một kiệt tác hơn bất kỳ một kiệt tác nào khác trong việc kể về những gì nước Ý có thể là ở thời hậu chiến, thế mà vẫn chưa được coi như thế.

Giải Nobel lần này đã can đảm khi trao cho một người được định nghĩa là nhà tiểu luận, được định nghĩa là nhà báo, được định nghĩa là phóng viên, dù rằng lúc nào bà cũng là một nhà văn. Tôi hy vọng lời tiên tri một năm trước đây của Gourevitch trên The New Yorker sẽ thực sự diễn ra: "Ngay khi cái rào cản không-hư-cấu trong giải Nobel bị rỡ bỏ, thì sự thể nó đã từng tồn tại dường như là phi lý. ‘Văn học’ chỉ là một từ được phát minh để chỉ sự viết”.


V.N.T. dịch

Nguồn: La Repubblica 12/10/2015

1 Roberto Saviano (1979): nhà văn, nhà báo Ý.

2 Philip Gourevitch (1961): nhà văn, nhà báo Mỹ.

3 Gay Talese (1932): nhà văn Mỹ.

4 Tomás Eloy Martínez (1934 – 2010): nhà báo, nhà văn Argentina.

5 Truman Capote (1924 – 1984): nhà văn, nhà viết kịch bản phim, kịch tác gia, diễn viên Mỹ.

6 Thomas Kennerly "Tom" Wolfe, Jr. (1931): nhà văn, nhà báo Mỹ.

7 Corrado Stajano (1930): nhà báo, nhà văn Ý.

8 Goffredo Parise (1929 – 1986): nhà văn, nhà báo Ý.

9 Franco Cagnetta (1926 – 1999): nhà tiếu tượng học, nhà nhân học, nhà dân tộc học Ý.

10 Tommaso Fiore (1884 – 1973): nhà văn, chính khách Ý.

11 Ermanno Rea (1927): nhà văn, nhà báo Ý.

12 Giorgio Bocca (1920 – 2011): nhà tiểu luận, nhà báo Ý.

13 Wolfgang Bauer (1970): nhà báo Đức, phóng viên chiến trường.

14 Michael Herr (1940): nhà văn, nguyên phóng viên chiến trường người Mỹ.

15 Ryszard Kapuściński (1932 – 2007): Nhà báo, nhà văn, nhà tiểu luận Ba Lan.

16 Martín Caparrós (1957): nhà báo, nhà văn Argentina.

17 Rodolfo Walsh (1927 – 1977): nhà báo, nhà văn, dịch giả Argentina.

18 Vittorio De Seta (1923 – 2011): đạo diễn, nhà viết kịch bản Ý.

19 Francesco Rosi (1922 – 2015): đạo diễn Ý.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss