Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Quan hệ Mỹ - Trung Quốc / Quan hệ Mỹ - Trung Quốc (7)

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc (7)

- Nguyễn Văn Nhã — published 20/09/2012 05:05, cập nhật lần cuối 23/09/2012 18:03
Thay lời kết


Quan hệ Mỹ - Trung Quốc



NGUYỄN VĂN NHÃ

tập hợp và biên dịch



Chương 7

THAY LỜI KẾT



Cuốn sách này tập hợp những bài viết và biên khảo liên quan tới quan hệ Mỹ - Trung Quốc, do Nguyễn Văn Nhã tuyển chọn và biên dịch (xem Lời nói đầu Đánh thức Rồng).

Đã xuất bản ngày   3.9.2012 : Chương 1 - Tình hình Kinh tế 2012

Đã xuất bản ngày   4.9.2012 : Chương 2 - Một số vấn đề xã hội ở Trung Quốc

Đã xuất bản này   11.9.2012 : Chương 3 - Một số quan điểm an ninh của Mỹ và Trung Quốc

Đã xuất bản ngày 14.9.2012 : Chương 4 - Trung Quốc và các nước lân bang

Đã xuất bản ngày 17.9.2012 : Chương 5 - Tranh luận về tương lai Trung Quốc

Đã xuất bản ngày 20.9.2012 : Chương 6 - Chiến lược mới của Mỹ trong thời biến động



THAY LỜI KẾT


TƯƠNG LAI QUAN HỆ TRUNG-MỸ
Xung đột là sự chọn lựa, chứ không phải là tất yếu


Henry A. Kissinger

Foreign Affairs, March/April 2012


(Trích)

Ngày 19-1-2011, vào cuối chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama và ông Hồ đã ra một thông cáo chung. Họ tuyên bố là cùng cam kết  tán thành một “ quan hệ Trung Mỹ xây dựng, hợp tác và toàn bộ ”. Nước Mỹ nhắc lại là nó chào mừng một nước Trung Quốc mạnh, phồn thịnh và thành công, để có thể giữ vai trò lớn hơn nữa trong những vấn đề của thế giới. Trung Quốc chào đón nước Mỹ là một quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Từ đó hai chính phủ đã tìm cách thực hiện những mục tiêu kể trên. Các quan chức cao cấp Mỹ và Trung Quốc trao đổi những cuộc viếng thăm và định chế hóa sự trao đổi trên các vấn đề lớn về chiến lược và kinh tế. Các cuộc gặp gỡ quân sự giữa hai bên cũng được khởi động lại, mở những kênh liên lạc quan trọng. Và trong tầm mức bán chính thức, những nhóm vẫn được gọi là “ Kênh thứ 2 ” đã tìm hiểu thêm khả năng diễn biến của quan hệ Trung Mỹ.

Tuy nhiên, khi hợp tác tăng lên, sự tranh cãi cũng tăng lên. Nhiều nhóm tại cả hai nước đều cho là sự tranh đua để giữ vai trò thống lĩnh giữa Trung Quốc và Mỹ là không tránh khỏi, và có lẽ đã bắt đầu. Trong viễn cảnh này, kêu gọi hợp tác Trung – Mỹ có vẽ là lỗi thời, ngay cả ngây thơ.

Sự thù địch lẫn nhau nổi lên từ những phân tích song song tại mỗi quốc gia. Một số nhà chiến lược Hoa Kỳ cho rằng chính sách của Trung Quốc theo đuổi hai mục đích : thay thế vai trò cường quốc nổi trội của Mỹ ở miền Tây Thái Bình Dương, và củng cố châu Á thành một khối riêng biệt phục vụ cho quyền lợi kinh tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trong quan niệm này, mặc dù khả năng quân sự của Trung Quốc chính thức chưa bằng với Mỹ, Bắc Kinh đã có khả năng tạo ra những môi nguy cơ không chấp nhận được trong cuộc xung đột với Washington, và họ đang triển khai những phương tiện tinh vi để xóa bỏ lợi thế truyền thống của Hoa Kỳ. Khả năng trả đũa lần thứ hai bằng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc (2), cùng với việc mở rộng tầm bắn của các loại tên lửa đạn đạo chống chiến hạm, và khả năng trong lĩnh vực không gian và không gian mạng. Trung Quốc có thể tạo lập vị thế thống trị hải quân của họ thông qua một loạt các dãy hải đảo ở xung quanh nước họ. Một số người lo sợ là một khi tạo lập được các căn cứ rồi, các nước lân bang của Trung Quốc, vì phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, và vì họ nghi ngờ khả năng Mỹ không phản ứng kịp, có thể điều chỉnh lại chính sách của họ theo ý muốn của Bắc Kinh. Như thế, sẽ dẫn tới việc thành hình một khối châu Á hướng tâm về Trung Quốc, thống trị miền Tây Thái Bình Dương. Những báo cáo gần đây nhất của chiến lược quốc phòng của Mỹ, đã phản ánh một số quan ngại này.


Không có một quan chức Trung Quốc nào lại tuyên bố một chiến lược như vậy. Tuy nhiên, có hầu như đầy đủ tài liệu trong hệ thống báo chí bán chính thức ở Trung Quốc và các viện nghiên cứu hỗ trợ cho lý thuyết là quan hệ hiện nay giữa hai nước sẽ dẫn tới đụng độ thay vì hợp tác.

Nhưng nỗi lo ngại chiến lược của Mỹ lại được tăng lên vì những vấn đề ý thức hệ để đấu tranh với toàn bộ thế giới phi dân chủ. Các chế độ toàn trị, một số người lý luận, tự nó mong manh, bị bó buộc phải tạo nên sự ủng hộ ở trong nước bằng những lời nói mỹ từ và những hành động mang tính dân tộc chủ nghĩa và bành trướng chủ nghĩa. Về lý thuyết – quan điểm này được chấp thuận ở Mỹ kể cả bên tả lẫn bên hữu – căng thẳng và đụng độ với Trung Quốc nẩy sinh ra từ cơ cấu nội bộ của Trung Quốc. Họ đã xác định là, hòa bình phổ quát sẽ tới từ sự chiến thắng của nền dân chủ, hơn là từ lời kêu gọi hợp tác. Ví dụ, nhà khoa học chính trị Aaron Friedberg đã viết : “ một nước Trung Quốc tự do dân chủ không có lý do để sợ hãi các quốc gia dân chủ khác, và càng ít có khuynh hướng sử dụng vũ lực chống lại các quốc gia này ”. Từ đó, “ bỏ qua sự mềm mỏng ngoại giao, mục tiêu cuối cùng của chiến lược của Mỹ (phải là) thúc đẩy cách mạng, dù là ôn hòa, để xóa bỏ nhà nước độc đảng toàn quyền của Trung Quốc, và để cho nền dân chủ tự do lên thay thế ”.

Về phía Trung Quốc, lý thuyết đối đầu dựa trên một lô gich ngược lại. Họ nhìn Hoa Kỳ như một siêu cường đã bị trọng thương, quyết tâm phá đám sự nổi lên của bất cứ đối thủ nào, trong đó Trung Quốc là đối thủ quan trọng nhất. Dù Trung Quốc tiếp tục hợp tác thế nào chăng nữa, một số học giả Trung Quốc vẫn tin rằng mục đích của Washington là tìm cách ngăn chặn sự tăng trưởng của Trung Quốc bằng sự triển khai quân sự và những hiệp định cam kết, như thế sẽ ngăn cản Trung Quốc, không cho nó trở lại vai trò của Vương quốc Trung tâm xưa kia. Trong viễn cảnh này, mọi hợp tác lâu dài với Mỹ là tự đánh bại mình, vì nó chỉ giúp cho Mỹ đạt nhanh tới mục tiêu và làm tê liệt Trung Quốc. Sự hiềm khích có hệ thống đôi khi được coi là đi liền với ảnh hưởng văn hóa và công nghệ của Mỹ. Những ảnh hưởng này tạo ra áp lực cố ý để xói mòn sự đồng thuận nội bộ của Trung Quốc và những giá trị cổ truyền. Những tiếng nói mạnh mẽ nhất cho rằng Trung Quốc quá thụ động trước chiều hướng chống đối của Mỹ (ví dụ, vấn đề lãnh thổ ở biển Nam Trung Hoa). Trung Quốc phải đối chọi lại các nước láng giềng đang tranh chấp với nó, và rồi nói theo lời nhà chiến lược Long Đào (Long Tao) : “ suy nghĩ, suy nghĩ trước, và đánh trước khi sự việc vuột khỏi tầm tay… đánh vài trận nhỏ sẽ răn đe bọn khiêu khích không dám đi xa hơn nữa ”.


Quá khứ không phải là lời dẫn đầu

Như thế, liệu có cần tới một quan hệ hợp tác Trung-Mỹ, và những chính sách để đạt được mục tiêu đó. Nói rõ ra, sự nổi lên của một cường quốc trong lịch sử thường dẫn tới xung đột với một cường quốc đã có sẵn. Nhưng tình hình đã thay đổi. Người ta nghi rằng các nhà lãnh đạo đã gây ra chiến tranh 1914 sẽ không làm như vậy nếu họ biết rõ là thế giới sẽ trở nên như thế nào vào cuối chiến tranh. Các nhà lãnh đạo ngày nay không có những ảo tưởng như vậy. Một cuộc chiến tranh lớn giữa các cường quốc hạt nhân sẽ tạo ra thương vong và tàn phá không thể so sánh nổi với những mục tiêu đề ra. Các cú đánh phủ đầu (1) phải bị loại trừ, nhất là đối với những nền dân chủ đa nguyên như nước Mỹ.

Nếu bị khiêu khích, Hoa Kỳ sẽ làm tất cả những gì cần phải làm để bảo vệ an ninh của mình. Nhưng nó không nên coi đối đầu là một chiến lược nên lựa chọn. Tại Trung Quốc, nước Mỹ sẽ gặp một đối thủ có bản lĩnh từ hàng thế kỷ lấy  chiến tranh trường kỳ làm chiến lược, và học thuyết của họ nhấn mạnh tới sự cạn kiệt tâm lý của đối phương. Trong một cuộc tranh chấp, cả hai bên đều có đủ khả năng và kỹ thuật để giáng những đòn thiệt hại kinh khủng lên nhau. Vào phút cuối cùng của cuộc chiến tranh giả tưởng này, mọi người tham chiến đều kiệt quệ. Lúc đó cả hai bên sẽ bị bó buộc đối mặt với nhiệm vụ mà họ đang phải giải quyết vào ngày hôm nay : “ xây dựng lại một trật tự quốc tế, trong đó cả hai quốc gia đều là thành viên lớn ”.

Kế hoạch “ bao vây ” có từ thời chiến tranh lạnh do cả hai quốc gia đã sử dụng để chống lại Liên Xô, không thể áp dụng được cho tình hình hiện nay. Kinh tế của Liên Xô lúc đó còn yếu (ngoại trừ sản xuất vũ khí) và không ảnh hưởng gì tới kinh tế toàn cầu. Một khi Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ và xua đuổi các nhà cố vấn Nga, có rất ít quốc gia khác (ngoại trừ những nước vệ tinh) có liên hệ kinh tế lớn với Liên Xô. Ngược lại, Trung Quốc hiện nay là một nhân tố năng động của kinh tế thế giới. Nó là đối tác thương mại chính của tất cả các quốc gia lân bang và của hầu hết các cường quốc kinh tế Tây phương, kể cả Mỹ. Một cuộc chiến tranh lâu dài giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm sụp đổ nền kinh tế thế giới với những hậu quả khó lường được cho tất cả mọi người.

Cũng thế, Trung Quốc sẽ thấy họ không thể sử dụng cùng một chiến lược trong cuộc chiến trước kia với Liên Xô để đối phó với Hoa Kỳ. Chỉ có một số ít quốc gia – không có quốc gia Á Châu – sẽ coi sự hiện diện của Mỹ ở châu Á là những “ ngón tay ” cần phải chặt cụt đi (như Đặng Tiểu Bình đã nói về các căn cứ tiền phương của Liên Xô). Ngay cả những quốc gia châu Á không phải đồng minh của Hoa Kỳ cũng tìm sự trấn an bằng sự hiện diện chính trị của Mỹ tại khu vực này, và coi hạm đội Mỹ đồn trú tại vùng biển gần đó như là một bảo lãnh cho thế giới mà họ đã quen thuộc. Có một quan chức Indonesia đã nói với một đồng nghiệp Mỹ : “ Đừng bỏ chúng tôi, và đừng bắt chúng tôi phải chọn lựa ”.

Sự xây dựng quân sự gần đây của Trung Quốc không phải là một hiện tượng mới mẻ : vấn đề bất bình thường là một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới và một nước nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất thế giới lại không diễn dịch sức mạnh kinh tế của mình thành một khả năng quân sự lớn mạnh. Vấn đề là liệu sự xây dựng này có bỏ ngỏ (open ended), và mục tiêu của nó là gì ? Nếu nước Mỹ coi mọi tăng tiến khả năng quân sự của Trung Quốc là một hành động thù nghịch, nó sẽ bị lôi cuốn vào những cuộc tranh chấp bất tận, dưới danh nghĩa những mục đích kỳ quái. Nhưng Trung Quốc cũng phải hiểu rằng, từ kinh nghiệm lịch sử của nó, có một đường phân chia rất mỏng manh giữa khả năng tự vệ và khả năng tấn công, và những hậu quả của một cuộc chạy đua vũ trang không kiềm chế.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có những lý lẽ của họ để bác bỏ những đề nghị nội bộ cho một chính sách đối đầu, như họ đã công khai tuyên bố. Sự bành trướng đế quốc trước kia của Trung Quốc được thực hiện bằng thẩm thấu hơn là chinh phục. Hay là đồng hóa những người chiến thắng bằng văn hóa Trung Quốc. Thống trị châu Á bằng vũ lực là một sự nghiệp ghê gớm. Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô được bao quanh bởi một giải các quốc gia yếu kém kiệt quệ trong công việc quốc phòng của họ. Trung Quốc ngày nay phải đối mặt với nước Nga ở phía bắc, Nhật Bản, Hàn Quốc có liên minh quân sự với Mỹ ở phía đông ; Việt Nam, và Ấn Độ ở phía nam, và Mã Lai, Indonesia cũng gần đâu đó. Đây không phải là một chòm sao có mục tiêu để chinh phục. Đúng hơn, nó có vẻ làm người ta sợ hãi về một chính sách bao vây. Mỗi quốc gia đều có truyền thống lâu đời về quân sự, và sẽ tạo nên những vật cản ghê gớm nếu đất nước hay nền độc lập của họ bị đe dọa. Một chính sách đối ngoại hiếu chiến của Trung Quốc sẽ làm cho các quốc gia này củng cố đoàn kết hơn nữa, làm cho Trung Quốc nhớ lại cơn ác mộng của lịch sử trước kia, như đã xảy ra vào thời kỳ 2009-2010.


Đối phó với một Trung Quốc mới

Một lý do khác cho sự kiềm chế của Trung Quốc trong trung hạn, là đất nước này đang đối mặt với sự thích ứng nội bộ. Sự khác biệt trong xã hội Trung Quốc, giữa các vùng bờ biển phát triển và các vùng phía Tây còn kém mở mang, đã làm cho Hồ Cẩm Đào đưa ra lý thuyết “ xã hội hài hòa ” vừa mang tính bó buộc, vừa mơ hồ. Sự thay đổi văn hóa cũng là một thách thức. Thập kỷ sắp tới sẽ chứng kiến, lần đầu tiên, ảnh hưởng của chính sách một con lên xã hội người lớn ở Trung Quốc. Điều này điều chỉnh lại văn hóa trong một xã hội có truyền thống có gia đình lớn, để chăm sóc người có tuổi và người bệnh tật. Khi mà 4 ông bà tranh nhau sự phụng dưỡng của một đứa cháu…

Tình hình này càng phức tạp hơn nữa vào năm 2012, lúc đó sẽ có một Đại hội để thay đổi các lãnh đạo chủ chốt của Trung Quốc. Những người lãnh đạo mới hầu hết sẽ thuộc vào thế hệ đầu tiên của Trung Quốc được sống trong một đất nước hòa bình. Sự thách thức chính cho họ là tìm cách quản lý một đất nước  đang làm một cuộc cách mạng về kinh tế chưa bao giờ có, một công nghệ thông tin mở rộng rất nhanh một nền kinh tế toàn cầu mong manh, và một cuộc di dân hàng trăm triệu người từ nông thôn ra thành thị. Mô hình chính phủ lập ra có lẽ là một tổng hợp của những tư duy hiện đại và những quan niệm cổ truyền của Trung Quốc về chính trị và văn hóa. Và sự truy tầm sự tổng hợp này sẽ tạo ra màn kịch đang diễn ra ở Trung Quốc.

Sự chuyển biến xã hội, chính trị này đã được chú ý theo dõi với nhiều hy vọng ở tại Mỹ. Sự can thiệp trực tiếp của Mỹ không phải là thông minh cũng như không có hiệu quả...

Một biện pháp chiến lược giản dị nhất là nhấn mạnh vào khả năng lấn áp đối thủ tiềm ẩn bằng các nguồn lực và vật lực phong phú. Nhưng trong thế giới hiện đại, điều này khó thực hiện. Trung Quốc và Mỹ phải chắc chắn tiếp tục chấp nhận thực tế của nhau. Không ai có thể nhờ người khác lo vấn đề an ninh cho mình. Từ lâu rồi, các đại cường không ai làm như vậy – và mỗi quốc gia sẽ tiếp tục đi theo quyền lợi của riêng mình, đôi khi có thể gây thiệt hại tương đối cho người khác. Nhưng cả hai phải có trách nhiệm để ý tới những cơn ác mộng của nhau, và cả hai phải cảnh giác những lời mỹ từ, cũng như những chính sách hiện nay của họ, có thể làm tăng sự nghi ngờ lẫn nhau.

Sự sợ hãi chiến lược lớn nhất của Trung Quốc là các cường quốc ngoại bang bố trí căn cứ quân sự ở vùng biên của Trung Quốc, có khả năng chiếm đóng lãnh thổ hay can thiệp vào tình hình nội bộ Trung Quốc. Trong quá khứ khi Trung Quốc nhận thấy họ phải đối mặt với những đe dọa như vậy, họ đã gây ra chiến tranh hơn là ngồi nhìn mối nguy hiểm đang tụ hội. Ở Triều Tiên vào 1950, chống Ấn Độ 1962, tại biên giới Liên Xô 1969, và chống lại Việt Nam năm 1979.

Sự sợ hãi của nước Mỹ, chỉ được phát biểu một cách gián tiếp, là bị đẩy ra khỏi châu Á bởi một khối chính trị độc quyền. Nước Mỹ đã tham gia Thế chiến II chống lại Đức và Nhật Bản để ngăn chặn một kết cục như vậy, và đã sử dụng chiến tranh lạnh (chính sách ngoại giao) để chống lại Liên Xô. Trong cả hai sự nghiệp này, cần phải ghi nhận những mối đe dọa bá quyền.

Các quốc gia khác ở châu Á cũng nhấn mạnh tới mục tiêu của họ là triển khai khả năng của họ để phục vụ quyền lợi quốc gia của họ, chứ không phải để tham gia vào sự tranh chấp giữa các đại cường ngoại bang. Họ cũng không muốn trở lại hệ thống triều cống xưa kia. Cũng như họ không tự coi mình là một bộ phận của chính sách bao vây của Mỹ, hay là của một dự án của Mỹ muốn thay đổi tình hình nội bộ Trung Quốc. Họ mong muốn có quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, và họ chống lại bất cứ áp lực nào bắt họ phải chọn lựa giữa hai cường quốc (3).

Liệu người ta có thể hòa giải được nỗi sợ hãi bá quyền với cơn ác mộng bị bao vây ? Liệu có khả năng tìm được không gian trong đó cả hai bên đều đạt được những mục tiêu cuối cùng mà không cần phải quân sự hóa chiến lược của họ ? Cho những quốc gia đại cường với khả năng toàn cầu và khác biệt nhau, ngay cả khi có nguyện vọng đối chọi với nhau một chút, đâu là biên giới giữa xung đột và nhịn nhục ?

Trong gần hai thế hệ, chiến lược của Mỹ về bảo vệ khu vực đã dựa vào bộ binh – để tránh hậu quả kinh khủng của một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện. Trong những thập kỷ gần đây, dư luận của Quốc hội Mỹ và của quần chúng đòi hỏi chấm dứt những cam kết như vậy ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan. Bây giờ, khó khăn ngân sách lại hạn chế thêm khả năng sử dụng biện pháp này. Chiến lược của Mỹ đã được chuyển hướng từ việc bảo vệ lãnh thổ qua việc đe dọa trừng phạt ghê gớm những kẻ xâm lăng tiềm ẩn. Điều này đòi hỏi có một lực lượng phản ứng nhanh, và có phạm vi hoạt động toàn cầu, nhưng không lập căn cứ dọc theo biên giới Trung Quốc. Điều mà Washington không nên làm là phối hợp chính sách quốc phòng có những hạn chế về ngân sách với một nền ngoại giao dựa trên những mục tiêu ý thức hệ vô giới hạn.

Cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc lên các quốc gia xung quanh có thể gây ra sự sợ hãi về việc thống trị, cho nên các nỗ lực theo đuổi quyền lợi quốc gia truyền thống của Mỹ có thể được hình dung là bao vây quân sự. Cả hai phía nên hiểu là sự tinh tế theo đó các biện pháp có vẻ truyền thống hay có vẻ hợp lý, đều gây ra lo ngại cho nước kia. Họ nên tìm chung một không gian để khoanh vùng lại sự cạnh tranh kinh tế một cách hòa bình. Nếu được quản lý khôn khéo, người ta có thể tránh được sự đụng độ và đô hộ quân sự. Nếu không, căng thẳng leo thang là điều không tránh khỏi. Vai trò của ngành ngoại giao là phải tìm ra không gian này, mở rộng nó ra nếu có thể, và tránh để cho quan hệ giữa hai nước bị các nhu cầu chiến thuật hoặc nội bộ lấn át.


Cộng đồng hay xung đột ?

Hệ thống trật tự thế giới hiện nay phần lớn được xây dựng mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Do đó, đôi khi Trung Quốc cảm thấy không bị ràng buộc lắm bởi các luật lệ của nó. Khi nào trật tự này không phù hợp với ý muốn của Trung Quốc, Bắc Kinh đề nghị một cách dàn xếp khác. Ví dụ như những đường kênh tiền tệ riêng biệt đã được xây dựng với Brazil và Nhật Bản hay các quốc gia khác. Nếu cách làm này trở thành quen thuộc và lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác, sẽ gây ra sự cạnh tranh giữa các hệ thống trật tự thế giới.

Thiếu vắng mục đích chung, đi cùng với luật lệ đã được đồng ý về kiềm chế, sự ganh đua được định chế hóa sẽ leo thang vượt qua mọi tính toán và mọi dự tính của người khởi xướng. Trong một thời đại mà khả năng tấn công chưa từng có, và công nghệ xâm nhập được nhân lên, sự phạt đền những chính sách như vậy sẽ quyết liệt và có lẽ không đảo ngược được.

Sự quản lý khủng hoảng sẽ không đủ sức để chịu đựng một quan hệ mang tính toàn cầu như vậy, và dưới nhiều áp lực ở trong cả hai quốc gia, và ở giữa hai quốc gia. Đó là lý do tại sao tôi đưa ra quan niệm về một Cộng đồng Thái Bình Dương, và mong muốn là Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể tạo ra mục đích chung hay ít nhất là trong một số vấn đề hai bên cùng quan ngại. Nhưng mục tiêu cho một cộng đồng như vậy sẽ không đạt được nếu các bên quan niệm sự nghiệp này chủ yếu là một cách thức hữu hiệu để đánh bại hay làm yếu đối phương. Cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể thách thức một cách có hệ thống mà không để lộ ra. Và nếu thách thức bị lộ ra, nó sẽ bị chống cự. Cả hai quốc gia phải tự mình cam kết cho một hợp tác thực sự, và tìm cách liên lạc và trao đổi quan điểm của mình cho nhau biết, và cho cả thế giới cùng biết.


Chú thích :

(1)    Cú đánh phủ đầu : Ngôn ngữ dùng trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Quốc gia A tấn công quốc gia B bằng vũ khí hạt nhân , mà không tuyên bố trước.

(2)    Khả năng trả đũa lần thứ hai : Khả năng của bên B, sau khi bị đánh phủ đầu, vẫn còn đủ lực lượng, dùng vũ khí hạt nhân để tấn công, trả đũa bên A.

(3)    Chữ in nghiêng là của dịch giả.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us