Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Quốc tịch ngôn ngữ

Quốc tịch ngôn ngữ

- Vũ Ngọc Thăng — published 14/07/2023 09:46, cập nhật lần cuối 14/07/2023 09:46

Quốc tịch ngôn ngữ*


Elena Ferrante

Bản dịch Vũ Ngọc Thăng



Tôi yêu đất nước tôi, song tôi không mang tinh thần ái quốc chủ nghĩa và không có niềm tự hào dân tộc. Hơn nữa, tôi kém tiêu hóa pizza, tôi ăn rất ít spaghetti, tôi không nói to, tôi không khuơ động tác, tôi ghét tất cả bọn mafia, tôi không cảm thán “Mama mia!”. Những đặc điểm dân tộc là những sự giản đơn hóa cần được tranh luận. Là người Ý, với tôi, bắt đầu và kết thúc bằng việc tôi nói và viết tiếng Ý.

Nêu lên như vậy có vẻ chẳng có gì nhiều, song thật ra là rất nhiều. Ngôn ngữ là bộ toát yếu về lịch sử, địa lý, đời sống vật chất và tinh thần, thói tật và phẩm hạnh, không chỉ của người nói ngôn ngữ đó mà còn của người đã nói nó qua nhiều thế kỷ. Từ vựng, ngữ pháp, cú pháp là chiếc dùi đục định hình ý nghĩ chúng ta. Đó là chưa kể truyền thống văn học, một xưởng lọc phi thường về kinh nghiệm thô nguyên tươi sống, hoạt động từ những thế kỷ này sang những thế kỷ kia, một kho tàng trí tuệ và kỹ thuật diễn đạt; nó là cái truyền thống tạo nên tôi và tôi tự hào tô vẽ trên đó.

Khi tôi bảo tôi là người Ý, đó chính là vì tôi viết bằng tiếng Ý; tôi muốn nói, tôi tràn đầy là người Ý – song là người Ý theo cái cách duy nhất mà tôi sẵn lòng quy cho mình một quốc tịch. Tôi không ưa những cách khác; chúng làm tôi sợ hãi, đặc biệt khi chúng trở thành chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa sô vanh, chủ nghĩa đế quốc và dụng ngôn một cách đáng trách, tự giam mình trong đó, nuôi dưỡng một tính thuần khiết vừa không đâu vừa bất khả, hoặc áp đặt ngôn ngữ thông qua sức mạnh áp đảo về kinh tế và vũ khí. Điều này đã xảy ra, đang xảy ra, sẽ xảy ra; và đó là tai ác có cơ xóa bỏ những khác biệt giữa chúng ta và khiến tất cả chúng ta nghèo đi.

Tôi thích xem quốc tịch ngôn ngữ là một điểm xuất phát để đối thoại, một nỗ lực vượt giới hạn, nhìn sang bên kia giới tuyến – bên kia mọi giới tuyến, đặc biệt là về giới. Thế nên người hùng duy nhất của tôi chính là các dịch giả (tôi đặc biệt yêu mến những ai chuyên về nghệ thuật dịch tức thời). Tôi đặc biệt quý trọng khi họ còn là những độc giả đắm say và đề xuất những bản dịch. Nhờ họ, tính cách Ý du hành khắp thế giới, khiến nó thêm phong phú; và thế giới, với nhiều ngôn ngữ, dạo ngang tính cách Ý và biến đổi nó. Dịch giả vận chuyển những quốc gia này vào trong những quốc gia kia; họ là người đầu tiên xét định bằng những phương thức cảm xúc phương xa. Ngay cả những nhầm lẫn của họ cũng là bằng chứng của một năng lực tích cực. Dịch thuật là sự cứu rỗi chúng ta: nó kéo chúng ta lên khỏi cái giếng mà ở đó hoàn toàn ngẫu nhiên chúng ta được sinh ra.

Vậy thì, tôi là người Ý, đầy đủ và với niềm tự hào. Song nếu có thể, tôi sẽ đằm sâu vào tất cả các ngôn ngữ, để tất cả các ngôn ngữ thấm nhuần mình. Ngay cả cái công cụ Google Translate mắc dịch cũng an ủi tôi. Chúng ta có thể là nhiều hơn những gì chúng ta tình cờ là.

Elena Ferrante

Vũ Ngọc Thăng dịch

_______________


* “Linguistic Nationality”, Incidental Inventions (tập hợp loạt bài viết hằng tuần của nhà văn Ý mang bút danh nữ Elena Ferrante cho báo The Guardian suốt năm 2018), Europa Editions, 2019, Ann Goldstein dịch. Từ hơn ba thập niên nay, với 14 tác phẩm, tác giả đã giữ kín nhân thân của mình và trở thành một hiện tượng văn học. Trong ít cuộc phỏng vấn viết hiếm hoi tác giả cho rằng: “Những tác phẩm, một khi đã được viết ra, không cần đến tác giả của chúng...Việc giấu tên là điều kiện tiên quyết cho tác phẩm và việc danh tính không bị soi mói là chìa khóa cho quá trình sáng tác”. Đã có nhiều nỗ lực đi tìm nhân thân của tác giả từ các học giả, nhà ngữ văn, nhà phê bình, nhà ngôn ngữ, nhà khoa học máy tính, phóng viên; và giả thuyết đưa ra gần đây nhất: có thể đó là nhà văn nữ, dịch giả Anita Raja, hoặc nhà văn, nhà viết kịch bản, nhà báo chồng bà Domenico Starnone, hoặc cả hai.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss