Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Sự Tưởng Tượng Trong Sáng Tạo

Sự Tưởng Tượng Trong Sáng Tạo

- Ngu Yên — published 09/03/2017 10:00, cập nhật lần cuối 09/03/2017 13:33

Sự Tưởng Tượng
Trong Sáng Tạo.


Ngu Yên



Diễn Đàn : Chúng tôi vừa nhận được "Tôi không biết", tác phẩm Chuyển ảnh thơ (theo khái niệm của dịch giả) từ nhà thơ Ngu Yên. Đây là một công trình dài hơi, vừa nguy nga đồ sộ vừa chắt chiu công phu, gồm hai tập, cộng lại khoảng 1300 trang. Trong tác phẩm này nhà thơ Ngu Yên đã chuyển ảnh và giới thiệu gần như toàn bộ các bài thơ mà mình tìm được bằng tiếng Anh của nữ thi sĩ Ba Lan Wislawa Szymborska, giải Nobel văn chương năm 1996. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc, và mời đọc dưới đây các trích đoạn do tác giả chọn lọc để gửi tới bạn đọc Diễn Đàn.

Có thể tìm hai tập thơ này trên nhà sách trên mạng Amazon, với từ khoá Ngu Yen.



Trích trong "Tôi Không Biết" của Wislawa Szymborska.


Thi ca không có nhiệm vụ mô tả lại hiện thực. Thi ca mượn hiện thực để bày tỏ những ngụ ý, những tư tưởng, những tình cảm cá nhân, có hoặc không có tầm vóc, hình dạng, giá trị chung của nhân loại, nhưng nhất định phải có giá trị cảm hóa, thuyết phục, hoặc giải tỏa tâm tư.

Ralph Waldo Emerson, trong Poetry and Imagination, viết rằng: " Học giả Bacon bày tỏ định nghĩa, 'Thi ca bao hàm những trình diễn, phô bày của sự vật qua ước muốn của tâm tư', và Swedenborg đã nói, 'Không có gì tồn tại trong suy nghĩ của người, cho dù có liên quan đến những nguyên lý bí ẩn nhất của đức tin, nhưng [suy nghĩ] đã kết hợp với hình ảnh tự nhiên và gợi cảm'."

Một biểu tượng luôn luôn kích thích trí tuệ, trong chiều hướng đó, thơ là cách diễn tả cao nhất. Sự dàn dựng của tưởng tượng trong thơ là khả năng thiên phú, có thể luyện tập, để thuần hóa con người trong đường hướng vươn lên.

Thơ đa phần là tưởng tượng và hư cấu, nhưng không phải để viển vông, hoặc phô trương khả năng biến hóa của trí tuệ, mà để diễn tả, giải thích giá trị chung qua ý kiến riêng của thi sĩ. Và hành trình này tạo ra giá trị và phẩm chất thơ của mỗi người làm thơ.

Thơ của Szymborska, không ngoại lệ, cưu mang tưởng tượng và hư cấu, nhưng cách diễn đạt của bà, mới đọc tưởng chừng như biểu tượng tư duy, hơn một bậc nữa, là cấu trúc của trí tuệ.

Nó không thích trò đùa,
nó tìm ngôi sao, xây cầu nổi.
Nó không biết nghề dệt, hầm mỏ, canh nông,
đóng tàu, hoặc làm bánh.

Trong mơ ước, dự tính tương lai,
nó làm quyết định cuối cùng,
biết hay không, chẳng có gì quan trọng.

Thậm chí nó không hoàn tất được điều gì
đó là cá tính của nó.
Không đào huyệt mộ,
không đóng quan tài,
không dọn dẹp sau đám tang.

Tâm trí bận rộn giết người,
thi hành vụng về lúng túng
thiếu hệ thống, kém khả năng.
Tưởng chừng, mỗi người chết đều là lần đầu tiên nó giết.

Dĩ nhiên nó thành công
nhưng gây nhiều thảm họa
khi giết người thất bại,
[ họ được cứu sống hoặc hồi sinh,]
nó phải cố giết nhiều lần nữa.

Đôi khi nó không đủ sức lực
đập con ruồi đang bay.
Nhiều con là sâu bướm
bò nhanh hơn nó.

Nó là ai? Nó làm cho người đọc tò mò, muốn đọc nhanh hơn để gặp mặt nó. Cách dàn dựng của bà, cho chúng ta tưởng tượng một hình ảnh của nó. Hình ảnh này khác nhau tùy sự dự đoán của mỗi người. Nó ghê gớm, nó hiền lành, nó yếu đuối, nó hung bạo giết người không gớm tay. Nó là ai vậy?

"Thi sĩ phát hiện những giá trị của con người, có giá trị cao hơn như biểu tượng, thiên nhiên là cái bóng mênh mông của nhân loại. Hành động của người chỉ là cuốn sách hoạt cảnh mà họ tin tưởng. [...] Thế giới được triệt để nhân cách hóa thành khuôn mẫu và hình thức qua tâm trí." (Ralph Waldo Emerson.)

Nó, dĩ nhiên, được nhân cách hóa để gần gũi và liên hệ mật thiết với người. Bà Szymborska dẫn đưa người đọc đến gần cuối, gặp nó. Nó chính là...

Chết
luôn luôn đến vào lúc quá muộn.
Vô ích vì cánh cửa vô hình
đã mở ra.
Người sắp chết đã đi vào
Chết không thể làm gì khác hơn.

(O śmierci bez przesady. Không Quá Lời Khi Nói Về Sự Chết.)

Nghệ thuật làm thơ có trọng tâm nơi tưởng tượng. Sự tưởng tượng dàn trải về một đối tượng, tạo ra sức thu hút tác giả lẫn độc giả đeo đuổi lời thơ. Ngày nay, sự tưởng tượng đi mây về gió bởi cần sa, ma túy, rượu mạnh, thuốc kích thích đã lỗi thời. Sự tưởng tượng hoang tưởng, không gần gũi hiện thực cũng đang trên đà thối lui. Sự tưởng tượng sáng tạo trong thơ hôm nay là khả năng tưởng tượng từ hiện thật, giống hiện thực và có thể xảy ra như chuyện thực tế hàng ngày. Cho dù, những hình ảnh và tứ thơ mang tính hoang đường, thần thoại hoặc giả tưởng, cũng ngụ ý, hoặc biểu hiện cho một kinh nghiệm hiện thực, một chuyện gì đã thật sự xảy ra. Chỉ có loại tưởng tượng bịa đặt là không có chỗ đứng trong thi ca, trong nghệ thuật.

Cõi thực tế không biến mất
như chiêm bao.
Không thì thầm,
không rung chuông báo hiệu ngoài cửa,
không quát tháo, không ầm ào
không thể phá vỡ.

[...]

Cõi thực tế có nghĩa là thức tỉnh,
nơi ẩn tàng bí mật hàng đầu.
Chiêm bao cần chìa khóa.
Cõi thực tế tự động mở ra
không thể nào đóng lại.

[...]

Trong chiêm bao
những người mới qua đời, vẫn sống,
vẫn khỏe mạnh như thường,
có khi họ trẻ lại.
Nhưng cõi thực tế đã chưng bày xác chết
trước mắt chúng ta.
Không một chút ngần ngại, không nao núng.

Chiêm bao nhẹ như lông,
trí nhớ xóa phai một cách dễ dàng.
Cõi thực tế không sợ bị quên lãng.

(Cõi Thực Tế. Jawa.)


Giới Thiệu vài bài thơ tuyển của Szymborska.



Thiểu Số Thích Thơ.

Niektorzy lubią poezje.


Ít người
không phải tất cả.
Đừng kể đám đông, chỉ thiểu số.
Đừng kể học đường, nơi học trò phải học thơ
đừng kể thi sĩ,
có lẽ, trong một ngàn người, chỉ được hai người.

Thích thơ
như họ thích phở gà,
như thích lời khen và thích màu xanh,
như thích khăn quàng quen thuộc,
như thích lối sống cá nhân
như thích vuốt ve chó.

Thơ
nhưng thơ là gì?
Nhiều câu trả lời hời hợt
không thỏa mãn câu hỏi.
Tôi cũng không biết, nhưng bám lấy thơ
như vịn lan can cầu thang, đứng vững.


Từ Vựng.

Słówka.


" La Pologne? LaPologne? (1) Xứ đó trời lạnh khủng khiếp phải không?" Bà hỏi, sau tiếng thở dài nhẹ nhõm. Bởi vì, ngày nay, đối với một số quốc gia, an toàn nhất là bàn về khí hậu.

Tôi định trả lời. "Thưa bà, các nhà thơ ở xứ tôi, viết thơ mang găng tay. Tôi không quả quyết rằng, họ không bao giờ cởi ra, nhất là, những khi ánh trăng gây ấm áp.

Chỉ những câu thơ mang theo giông bão, có thể nghe trong tiếng gầm của gió, ca ngợi những người chăn nuôi hải cẩu ở xứ tôi.

Những nhà thơ hàng đầu sáng tác bằng mực từ nhủ băng, khiến trời rơi tuyết. Những nhà thơ còn lại, khóc than cho số phận tuyết rơi.

Những ai muốn chết đuối, cần có một cái rìu để đục lỗ hàn băng. Thưa bà, bà thân mến."

Đó là những điều tôi muốn trả lời, nhưng quên mất tiếng Pháp, từ "hải cẩu" là gì. Lại không nhớ rõ từ "lỗ băng" và "cái rìu."

" La Pologne? La Pologne? Xứ đó trời lạnh khủng khiếp phải không?"

Tôi trả lời lãnh đạm: "Pas du tout". (2)


Ghi:

1. La Pologne: Xứ Ba Lan. Người hỏi là người Pháp. 

2. Pas du tout: Tương đương với "không có gì cả", trong trường hợp này: "Thưa, không."



Trong Dòng Sông Heraclitus.

W rzece Heraklita.


Trong dòng sông Heraclitus
cá bận rộn bắt cá,
cá phanh thây cá bởi cá răng bén,
cá sinh ra cá, cá cưu mang cá,
có một con cá chạy thoát vòng vây hãm.

Trong dòng sông Heraclitus
một con cá yêu một con cá,
Mắt anh, sáng như cá lấp lánh trên trời,
Em muốn cùng anh sánh đôi bơi ra biển,
Ôi, đó là điều đẹp nhất của loài cá.

Trong dòng sông Heraclitus
cá hư cấu một con cá trên tất cả loài cá
cá quì gối trước cá, cá ca ngợi cá,
cá cầu xin cá cho kiếp cá an vui.

Trong dòng sông Heraclitus
Tôi, con cá cô độc, con cá bị cách ly
( cách biệt ít nhất với cá cây và cá đá ),
có nhiều khi, tôi viết về loài cá nhỏ
có vảy bạc chớp nháy long lanh,
phải chăng như nháy mắt bối rối trong bóng tối?


Con Cháu Trong Thời Đương Đại.

Dzieci epoki.


Chúng ta, con cháu thời đương đại,
kỷ nguyên chính trị đa dạng đa hình.

Cả ngày lẩn đêm diễn ra liên tục
vấn đề của thù, của bạn, của chúng ta
tất cả là chính trị.

Dù muốn hay không
chính trị đã di truyền trong máu,
làn da nơi chính khách diễn tuồng,
đôi mắt nơi chính trị phát hiện.

Lời nói phát sinh ra tiếng dội,
im lặng là lời nói ẩn thân.
Cả hai đều chính trị.

Thậm chí khi đi vào rừng sâu
mang theo chính trị trên chân bước
dẫm lên chính trị trong đất rừng.

Ngay cả thơ phi chính trị vẫn chính trị,
dù vầng trăng ngời sáng trên cao
đến nay không còn là trăng sáng.
Phải hay không phải, là câu hỏi
hãy trả lời, câu hỏi thuộc loại gì?
mãi mãi là câu chính trị chất vấn.

Không cần phải làm người
để có bản chất chính trị.
Nguyên liệu, đồ hộp, dầu thô,
sản phẩm tái chế đều mang tính chính trị.

hoặc hình dạng bàn hội nghị
gây ra tranh chấp nhiều tháng năm,
khi thương lượng ngoại giao gây sống chết,
nên dùng bàn vuông hay bàn tròn?

Trong khi, người ta thiệt mạng,
thú vật diệt vong,
nhà cửa hỏa hoạn,
đồng cỏ hoang vu,
như một thời xa xưa
chính trị còn sơ lậu.


Phong Thái Khán Giả Mù.

Uprzejmość Niewidomych.


Một thi sĩ đọc thơ cho người mù.
Không ngờ trước, lại khó khăn như vậy.
Giọng run run.
Bàn tay run rẩy.

Ông cảm thấy từng câu thơ
đưa vào nơi đen tối thử nghiệm.
Ông phải đối phó một mình,
khi không có sắc màu và ánh sáng.

Một cuộc phiêu lưu nguy hiểm
cho bài thơ ngôi sao,
bình minh, cầu vồng, mây, mặt trăng, đèn điện,
cho cá dưới nước óng ánh bơi
cho ó điểu vút cao, lặng lẽ trên đỉnh trời.

Dù gì đã quá muộn để ngưng lại - Ông đọc thơ
về cậu bé mặc áo khoác vàng trên cánh đồng xanh,
những nóc nhà đỏ nhìn thấy từ thung lũng
những con số động đậy trên áo cầu thủ đá banh,
và người kỳ dị khỏa thân đứng sau cánh cửa khép.

Ông muốn bỏ bớt - dù không thể nào -
tất cả thần thánh vẽ trên trần nhà thờ
vẫy tay từ xe lửa lúc chia ly,
kính hiển vi, vòng tròn phản chiếu sáng,
màn ảnh, gương soi, những tập hình.
Nhưng tuyệt diệu là lòng tử tế khán giả mù
hết sức kiên nhẫn và quảng đại.
Lắng nghe, mỉm cười rồi vỗ tay.

Hơn nữa, còn có người lần mò đến
mở cuốn sách ra
xin chữ ký nhưng không bao giờ thấy.



tap1

Bìa trước, gáy sách và bìa sau : bấm chuột nút phải để phóng to đọc chữ

tap2

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss