Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Thơ Ocean Vương

Thơ Ocean Vương

- Hoàng Hưng giới thiệu và chuyển ngữ — published 11/04/2018 00:00, cập nhật lần cuối 22/03/2018 09:22

Thơ Ocean Vuong


Hoàng Hưng 

(giới thiệu và chuyển tiếng Việt)


Ocean Vuong (sinh năm 1988) là nhà thơ và nhà viết luận văn người Mỹ gốc Việt, người vừa đọat giải Thơ TS Eliot của Vương quốc Anh năm 2017 cho tập thơ đầu tay “Night Sky and Exit Wounds” (“Trời đêm lỗ chỗ vết thương”), sau khi đã đoạt giải nhiều giải văn chương của Mỹ (Giải Pushcart năm 2014, Giải Whiting năm 2016, Giải Forward năm 2017…)

Phản chiếu hậu quả chiến tranh đối với 3 thế hệ, tập thơ đầu tay của chàng trai 29 tuổi được nhà phê bình của báo Observer mô tả là “một đường dẫn cho ta tới cuộc sống trong đó bạo lực và sự thanh tao đụng độ với nhau”.

Chủ tịch hội đồng giám khảo Bill Herbert gọi tác phẩm này là “sự khởi đầu chắc chắn một cách thuyết phục, sự tới đích rõ rệt của một giọng nói quan trọng”… “Có một sức mạnh không thể tin nổi trong câu chuyện… có bí mật nằm sâu trong cuốn sách nói về cái nghiệp truyền qua các thế hệ, kẻ di dân chấm dứt quan hệ với quá khứ của mình, với người cha và với tính dục của mình. Tất cả thể hiện rõ trong việc xây dựng hình ảnh thật khác thường. Cách nhìn thế giới của cuốn sách thật đáng kinh ngạc”.

Sinh ra ở một vùng nông thôn Sài Gòn, Vuong đến Mỹ lúc 2 tuổi, được mẹ, bà nội và dì ruột nuôi dưỡng. Mãi tới năm 11 tuổi anh mới học đọc tiếng Mỹ. Vuong là một người đồng tính công khai.

Vuong hiện sống tại bang Massachusetts, là phó giáo sư chương trình Thạc sĩ Sáng tác Thơ Văn của Đại học Massachusetts tại Amherst.

Hai khía cạnh của cuộc sống bản thân – đời sống tính dục khác thường và việc vắng bóng người cha luôn thể hiện trong tác phẩm.

Giải Thơ TS Eliot được trao cho một tập thơ mới bằng tiếng Anh lần đầu tiên được xuất bản tại Vương quốc Anh hay Cộng hòa Ireland. Giải bắt đầu có từ năm 1993, do Hội Sách Thơ (Poetry Book Society) của Vương quốc Anh chủ trì, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Hội và vinh danh nhà thơ T.S Eliot, nhà sáng lập Hội (Thomas Steams Eliot, 1888-1965, nhà thơ Anh gốc Mỹ, đoạt Giải Nobel văn chương 1948, nổi tiếng nhất với tác trường ca The Waste Land – Đất hoang). Giải TS Eliot là một trong những giải Thơ tiếng Anh uy tín nhất, từng được trao cho những nhà thơ sau đó trở nên danh tiếng như Ted Hughes, Carol Ann Duffy, Alice Oswald, Seamus Heaney.

Năm 2017, kỷ niệm 25 năm lịch sử của Giải, người đoạt Giải được nhận 25.000 bảng Anh thay vì 5000 bảng như kỳ Giải trước (2016).

Vuong từng bộc lộ với báo chí:

Cái tên Ocean được mẹ anh đặt lại cho anh khi bà đã ở Mỹ. Một bữa, đang làm việc ở tiệm nail, bà kêu lên nóng quá và muốn được ra bãi biển. Một người khách hỏi: “why not ocean?”. Với vốn tiếng Anh ít ỏi, bà ngơ ngác. Khi được giải thích đó là vùng nước giữa nước Mỹ và Việt Nam, bà bèn quyết định lấy từ Ocean làm tên con.

Vuong kể rằng gia đình anh từng sống trong căn hộ 1 phòng ngủ ở Hartford (bang Connecticut), và đó giống như một ngôi làng toàn phụ nữ Việt Nam là những người nuôi dưỡng anh (5 người bà con, không kể mẹ anh). Vì thế văn hóa Việt được giữ khá nguyên vẹn với tiếng Việt và đồ ăn Việt sử dụng hằng ngày.

Chiến tranh Việt Nam cũng là nỗi ám ảnh sâu xa trong ngôi nhà này. “Tôi cảm thấy… mình là kẻ nhận thừa kế của chiến tranh. Cuộc sống và thơ của tôi cố gắng điều tra cái giao điểm làm nên ý nghĩa của một người Mỹ sinh ra từ bạo lực, làm nên nghĩa lý từ bạo lực”.

Về bút pháp thơ, anh thấy hình như mọi người trong gia đình mình có khó khăn về việc đọc tiếng Anh, nhưng anh lại coi việc ấy có tác dụng tích cực cho chuyện làm thơ của mình: “… bởi vì tôi viết rất chậm và nhìn các từ y như các vật thể. Tôi luôn tìm cách tìm từ bên trong từ. Thật tuyệt vời cho tôi khi thấy được từ laughter [tiếng cười] nằm bên trong từ slaughter [sự tàn sát]”.

Ngưỡng cửa


Trong thân thể ấy, nơi mỗi thứ đều có giá,
tôi là kẻ ăn xin. Trên hai đầu gối,

tôi đã nhìn, qua lỗ khóa, không nhìn
người đàn ông đang tắm vòi sen, mà nhìn mưa

rơi qua ông: những dây đàn ghi ta tanh tách
trên đôi vai vồng lên.

Ông đang hát, đó là lý do
tôi nhớ chuyện này. Giọng hát –

đầy ngập người tôi, vào tận tủy
như một bộ xương. Thậm chí tên tôi

cũng quỳ xuống trong tôi, xin miễn thứ.

Ông hát. Tôi chỉ nhớ bấy nhiêu.
Vì trong thân thể ấy, nơi mỗi thứ đều có giá,

tôi đang sống. Tôi đã không biết
có lý do nào hay hơn.

Rằng sáng hôm ấy, cha tôi đã ngừng
con ngựa non dừng trong mưa trút –

& lắng nghe hơi thở nghẹt
phía sau cánh cửa. Tôi đã không biết cái giá

của việc đi vào một bài ca – là lạc mất
lối về.

Nên tôi đã đi vào. Nên tôi đã mất.
Tôi đã mất cả bài ca trong khi hai mắt

mở to.




Telemacus


Giống như mọi đứa con ngoan, tôi kéo cha tôi ra khỏi
nước, nắm tóc mà lôi

qua cát trắng, khuỷu chân ông vạch một lối mòn
mà sóng ào lên xóa. Bởi vì thành phố

phía trong bờ biển không còn
khi chúng tôi bỏ đi. Bởi vì ngôi nhà thờ bị đánh bom

giờ đây là một nhà thờ
bằng cây cối. Tôi quỳ gối bên ông để xem mình có thể

chìm đến tận đâu. Ba biết con là ai
không hả Ba?
Nhưng câu trả lời không bao giờ có. Câu trả lời

là lỗ đạn ở lưng ông, đầy
nước biển. Ông nằm bất động đến nỗi tôi tưởng

ông là cha của ai kia, đã tìm thấy
theo cách một cái chai màu xanh có thể hiện ra

ở chân một thằng bé, chứa đựng một năm
mà nó chưa bao giờ đụng tới. Tôi chạm vào

hai tai ông. Vô ích. Tôi lật ông
nằm ngửa. Để ông nhìn nó. Ngôi nhà thờ

trong hai con mắt màu biển đen. Gương mặt ông
không phải mặt tôi – nhưng là gương mặt tôi sẽ mang

khi hôn chào ngủ ngon mọi người tôi yêu:
cái cách tôi gắn chặt đôi môi cha

với môi mình & bắt đầu
công việc thủy chung của mình: chìm xuống.



Cầu nguyện


Thay vì thế, năm mới bắt đầu
với hai đầu gối tôi
cào vào gỗ cứng,
một người khác ra đi
vào họng tôi. Tuyết tinh khôi
gõ vào cửa sổ,
mỗi bông tuyết một chữ cái
từ bảng chữ
tôi đã khép vào mãi mãi.
Bởi vì sự khác nhau
giữa cầu nguyện & từ bi
là cách mình uốn
lưỡi. Tôi dán lưỡi tôi
vào vòng xoắn của lỗ rốn
thân thuộc, những sợi mạch nha
nhểu xuống lời cầu nguyện. & không gì
chí thánh hơn là giữ chặt
một nhịp đập con tim giữa
hai hàm răng, được mài sắc
bằng quá nhiều
không khí. Cái miệng ấy, cửa sau cùng
đi vào Tháng Giêng, phải yên lặng
vì tuyết tinh khôi lốp bốp
trên cửa sổ.
& thì sao nhỉ - nếu lông cánh của tôi
bốc cháy. Tôi
chẳng bao giờ đòi bay.
Chỉ muốn cảm nhận
đầy đủ,
hoàn toàn, cái cách tuyết
chạm vào da trần trụi &
bỗng dưng, không còn
là tuyết.


Nguồn :  Bài giới thiệu đã đăng trên Người Đô thị (báo Tết  năm nay) và Văn Việt, kèm theo ba bài thơ khác ba bài trên đây.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2018
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss