Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Về mối nguy kinh khủng của việc đọc sách

Về mối nguy kinh khủng của việc đọc sách

- Voltaire / Nguyễn Văn Khoa dịch và giới thiệu — published 31/10/2021 12:00, cập nhật lần cuối 02/11/2021 11:47

Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi


VỀ MỐI NGUY KINH KHỦNG

CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH



 Voltaire 

(Nguyễn Văn Khoa dịch và giới thiệu)


Mặc dù máy in được Johannes Gutenberg [Ả Rập: Aywan Kutanbark] phát minh từ năm 1440 tại Mainz, nó chỉ được phổ biến trên Đế Chế của Osman1 từ khoảng 1727. Đây là một sự chậm trễ (khoảng 3 thế kỷ!) đã làm tốn khá nhiều giấy mực, nhưng giới sử gia không đạt được đồng thuận về nguyên nhân của hiện tượng. Có chăng một đạo luật ngăn cấm việc sử dụng và phổ biến máy in, nghề in trên lãnh thổ này?

Về sự kiện, một quyển sách đầu tiên bằng tiếng Ả Rập đã được in năm 1514, nhưng tại Fano, một thành phố Ý. Cũng đã có nhiều nhà máy in xuất hiện trên Đế Chế của Osman từ thế kỷ thứ XV, nhưng chủ nhân là người nước ngoài (Hy Lạp, Armenia, Do Thái), và chỉ in sách bằng ngôn ngữ của họ. Đến năm 1587, Sultan Murat III mới ký một sắc lệnh chính thức cho phép bán loại sách Ả Rập in ở nước ngoài trên lãnh thổ của Đế Chế. Ibrahim Müteferrika (kẻ cải đạo, gốc Hung) là người Hồi Giáo đầu tiên mở nhà in năm 1727 tại Istanbul để in sách bằng tiếng Ả Rập, nhưng ngoài lĩnh vực tôn giáo; sau khi xuất bản được khoảng 17 tác phẩm khoa học, nhà in phải đóng cửa năm 1742 vì sự phản đối bạo lực từ các phường hội của giới sao chép sách thủ công. Tuy nhiên, không có dấu vết nào về một đạo luật cấm đoán máy in và nhà in ban xuống từ Nhà Nước. Ý kiến trung dung, được cho rằng có xác suất đúng nhất, là nếu có sự chậm trễ, thì sự kiện này có thể được giải thích bằng các lý do tôn giáo, văn hoá, mỹ thuật (mỗi sách chép tay là một tác phẩm độc đáo có thể đem trưng bày, hợp với thị hiếu của các gia đình giàu sang, vốn là lượng độc giả chủ yếu trên Đế Chế), hơn là chính trị. Hơn nữa, nếu có sự cấm đoán chính thức bằng pháp luật, hẳn Voltaire đã không ngần ngại nêu tên kẻ đã ký đạo luật, thay vì phải đặt ra một nhân vật tưởng tượngJoussouf-Chéribi 2.

Thật ra, Đế Chế của Osman chỉ là bối cảnh bên ngoài của văn bản được dịch dưới đây. Ở Voltaire, bài văn là thuật mượn chuyện người để nói chuyện ta. Bối cảnh bên trong mới là đối tượng đả kích thực sự của tác giả. Đương thời, trong nhận thức của đại chúng, Đông phương vẫn là một đề tài hấp dẫn, còn đầy nét huyền bí, khác lạ, tuy đã có vẻ tụt hậu so với phương Tây, trừ trong hai lĩnh vực quan trọng còn tệ hại ngang nhau là tôn giáo và chính trị. Ở Pháp, bất chấp đối kháng Nhà Nước - Nhà Thờ (Giáo Hội), cả hai bắt tay nhau trước đe doạ chung là bọn người mà đời sau gọi là «các triết gia (les philosophes)»3, trong đó Voltaire là một trong những ngôi sao sáng nhất.

Về tôn giáo, Voltaire quan niệm một Thượng Đế mà sự tồn tại được biểu lộ trong thế giới tự nhiên như nguyên lý tạo lập vũ trụ, hoàn toàn dựa trên tư tưởng thuần lý, chứ không phải trên sự tiết lộ của các tôn giáo mặc khải (Ki-tô Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo), một Thượng Đế của lý tính chứ không phải của đức tin hay phụng thờ. Vì vậy: một mặt, ông căm ghét sự cuồng tín ở các thiết chế tôn giáo đương thời (giáo hội, giáo quyền, giáo điều…); mặt khác, không có lý do gì để tin rằng ông đánh giá Ki-tô Giáo cao hơn Hồi Giáo, hay ngược lại. Về chính trị, đời sau cho rằng Voltaire đã có thể chấp nhận một nền quân chủ ôn hoà và tự do hơn, được «các triết gia» soi sáng.

Dù sao, với tuyên bố «Tôi viết để hành động = J’écris pour agir» và mệnh lệnh «Nghiền nát sự bỉ ổi = Écrasez l'Infâme» (sự bỉ ổi = mê tín, cuồng tín, bất dung), ông bênh vực những nạn nhân của sự độc đoán tôn giáo và chính trị trên đất nước ông, bằng mọi hình thức (thơ, văn, kịch, kiến nghị, tố cáo, châm biếm, đả kích, phỉ báng…), với những cái giá không nhỏ từng phải trả (đòn hội chợ ngoài đường, đối tượng của vài chiếu tống giam, nằm ngục Bastille 11 tháng, phải tránh khỏi Paris, phải trốn ra nước ngoài, nhiều tác phẩm bị tịch thu, cấm hoặc đốt…

Khi mất năm 1778, Voltaire để lại hai dòng chữ này: «Tôi ra đi, trong sự sùng kính Thượng Đế, yêu thương bạn bè, không oán giận kẻ thù, và căm ghét mê tín». Linh cữu của ông được đưa vào điện Panthéon năm 1791.


N.V.K.

*

Chúng tôi, Joussouf-Chéribi2, Quyền Quảng diễn Thánh Luật4 của Đế Chế Osman Thần thánh do ơn trên của Thượng Đế, ánh sáng của mọi ánh sáng, người được ân sủng trong số bao kẻ được ân sủng, gửi đến mọi tín hữu sẽ đọc những dòng này, ngu dại và phúc lành. Vì Saïd-Effendi5, đại sứ của Thiên Môn6 trước đây tại một tiểu quốc tên là Frankrom7, nằm giữa Tây Ban Nha và Ý Đại Lợi, đã báo cáo với chúng tôi về công dụng độc hại của máy in, và sau khi đã thỉnh ý các hàng Giáo phẩm anh em8 ​​của đế đô Stamboul9 về vấn đề này, đặc biệt là những tu sĩ khổ hạnh mà lòng cuồng nhiệt chống báng trí tuệ của họ người người đều biết, thì đối với Tiên tri Muhammad10 cũng như đối với Chúng Tôi, cần phải lên án, cấm chỉ, đưa vào sổ đen của quốc giáo11 cái phát minh máy in quỷ quái nói trên, vì những lý do nêu ra dưới đây.

1° Sự dễ dàng truyền đạt tư tưởng này hiển nhiên là có xu hướng xua đuổi sự ngu dốt, vốn là nền tảng bảo vệ và duy trì sự trường tồn của mọi Nhà nước có văn hoá.

2° Trong số những tập sách được đưa từ phương Tây về, e rằng sẽ có một số quyển về nông nghiệp, về các phương tiện hoàn thiện kỹ thuật cơ khí, mà về lâu dài và trái với ý muốn của Thượng Đế, có thể đánh thức thần khiếu của nhà nông và nhà tiểu công của chúng ta, kích thích tay nghề và làm gia tăng sự giàu có của họ, rồi một ngày nào đó sẽ truyền cho họ cái cảm hứng thăng hoa tâm hồn, yêu thích công ích, vốn là những tình cảm hoàn toàn phản lại Thánh Giáo.

3° Cuối cùng, điều phải đến là chúng ta sẽ có những quyển sách lịch sử thoát ly mọi biến cố kỳ diệu, vốn luôn luôn giữ quốc gia ta xưa nay trong tình trạng ngu ngốc một cách hạnh phúc. Trong loại sách này, người ta có cả sự khinh suất là dám đánh giá mọi hành động tốt cũng như xấu, đề bạt công lý và lòng ái quốc, những điều rõ như đập vào mắt là trái với các đặc quyền của Bổn Dinh.

4° Rồi với thời gian, dưới thứ lý cớ đẹp mã nhưng đáng bị trừng phạt là khai sáng con người và khiến họ trở nên tốt lành hơn, bọn triết gia khốn kiếp3 có thể sẽ đổ xô đến nhằm dạy cho chúng ta những đức tính nguy hiểm mà nhân dân lẽ ra không bao giờ được nghe nói tới.

5° Chúng có thể, bằng cách gia tăng sự tôn trọng chúng dành cho Thượng Đế, và in ra một cách đáng phỉ nhổ rằng Người hiện diện ở khắp nơi, trong mọi sự vật, làm giảm thiểu số lượng người hành hương đến Makkah, gây thiệt hại lớn cho sự cứu rỗi linh hồn.

6° Điều chắc chắn sẽ xảy ra nữa là, do đọc đi đọc lại các tác giả phương Tây từng nghiên cứu về sự điều trị các thứ bệnh truyền nhiễm và cách phòng tránh chúng, chúng ta sẽ có đủ dại dột để tìm cách bảo vệ mình khỏi dịch bệnh, nhưng đây lại là một xúc phạm khổng lồ chống lại mệnh lệnh của Đấng Quan Phòng.

Vì những lý do này và nhiều lý do khác nữa, vì sự gây dựng tín đồ, vì lợi ích cho linh hồn họ, chúng tôi cấm họ không bao giờ được đọc bất kỳ một quyển sách nào, nếu không muốn vĩnh viễn bị đày xuống địa ngục. Và, để tránh cho họ bị cái cám dỗ quái quỷ bắt phải tìm học, chúng tôi cấm mọi bậc bố mẹ dạy con cái mình đọc. Và, nhằm ngăn chặn mọi vi phạm pháp lệnh này, chúng tôi dứt khoát cấm họ suy nghĩ, nếu không muốn chịu những hình phạt tương tự; đồng thời ra lệnh cho mọi tín hữu chân chính phải tố cáo trước giáo phận và cơ quan địa phương của Nhà Nước ta bất kỳ ai có thể thốt ra bốn câu liên kết với nhau, từ đấy một ý nghĩa rõ ràng có thể được suy diễn. Chúng tôi cũng ra lệnh rằng trong mọi cuộc trò chuyện, nhân dân phải sử dụng loại từ vựng không có ý nghĩa gì cả, theo đúng cách sử dụng truyền thống của Thiên Môn.

Và để ngăn chặn bất kỳ một ý tưởng lậu nào chui vào Thánh Đế Đô, chúng ta hãy đặc biệt giao cho vị Y sĩ trưởng của Hoàng Thượng, vốn sinh ra ở một vùng đầm lầy phía Tây Bắc; người từng giết bốn hoàng thân uy nghi của gia tộc Osman12, kẻ quan tâm hơn bất kỳ ai khác trong sự nghiệp ngăn chặn bất cứ sự du nhập tri ​​thức nào vào quốc gia ta; qua những dòng này, hãy trao cho Ngài toàn quyền ra lệnh bắt khẩn cấp mọi ý tưởng, được phát biểu bằng văn bản hoặc miệng lưỡi ở các cổng thành, trói gô tay chân ý tưởng đó lại, lôi nó đến đây để Chúng Tôi giáng cho nó cái hình phạt nào Chúng Tôi thấy hả dạ13.

Làm tại Đại Dinh Đần Độn14,

ngày 7, tháng Muharem, năm 1143, lịch Hégire15.


Chú thích:

1 Empire ottoman. Đế Chế do Osman Đệ Nhất (Uthman I) sáng lập, tồn tại từ năm 1299 đến năm 1923, còn được gọi là Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ, hay «Nhà Nước Osman Tối cao».

2 Nhân vật tưởng tượng, được trình bày như kẻ đã ban bố đạo luật nhằm ngăn cấm việc du nhập và phổ biến máy in trên toàn lãnh thổ của Đế Chế.

3 Xem: Will Durant & Ariel Durant, The Age of Voltaire, 3 q., 1965 (The History of Civilization, q. 9), tác phẩm nhấn mạnh đặc biệt trên đối kháng tôn giáo - triết học ở Pháp. «Các triết gia» là từ đời sau dùng để chỉ những tác giả đã có ảnh hưởng lớn tới cuộc Cách Mạng 1789.

4 Trong nguyên bản: «muphti» (còn có thể viết là «mufti» hay «moufti»), thuật từ chỉ cấp giáo chức nắm quyền diễn giải thánh luật trong đạo Hồi, và ban hành các đạo luật gọi là «fatwas».

5 Saïd-Effendi là Đại sứ của Đế Chế Osman tại Vương Quốc Pháp (1741-1742), và là con của Mehemet-Effendi, trước kia cũng là Đại sứ của Đế Chế tại đây (1720-1721). Có thể cả hai cha con đều có liên quan đặc biệt tới ngành xuất bản trên Đế Chế. Theo một số tài liệu, nhờ ảnh hưởng của Mehemet mà Ibrahim Müteferrika được phép mở nhà in đầu tiên bằng tiếng Ả Rập tại Constantinopolis năm 1727. Nhưng theo Voltaire ở đây, chính vì báo cáo tiêu cực của Saïd mà Nhà nước Hồi giáo thấy cần phải kết án máy in, đóng cửa nhà in trên khắp lãnh thổ.

6 Nguyên bản: Sublime-Porte, chỉ cánh cổng hoành tráng dẫn vào trụ sở Chính phủ của Đế Chế Osman tại Constantinopolis, ở đây là hiện thân của Đế Chế. Sublime là tuyệt vời, cao quý, cao tới Trời, nên có lẽ chỉ phải dịch là Thiên Môn thôi, dù không muốn ám chỉ gì khác.

7 Có thể do Frankrom tiếng Đức hay Frenchdom tiếng Anh, nhưng đều chỉ Vương quốc Pháp.

8 Trong nguyên bản: cadisimans

9 Stamboul: tên cũ của Istanbul.

10 Voltaire từng viết một vở kịch về Muhammad: Le Fanatisme hay Mahomet le prophète (1741). Vở kịch được công diễn năm 1742, và rất được tán thưởng tại Paris, nhưng những người thuộc giáo phái theo Cornelius Jansen (cánh cho rằng sự giải thoát của mỗi cá nhân là hoàn toàn do ân sủng tiền định của Thượng Đế), rất đông ở các Nghị Viện (toà án ở các địa phương), hiểu rằng Voltaire chỉ mượn sự cuồng tín của Hồi giáo để phê bình sự bất dung của Ki-tô giáo nên làm áp lực với chính quyền để cấm đưa lên sân khấu. Vở kịch phải ngừng sau ba buổi công diễn.

11 Ám chỉ quyển Index librorum prohibitorum, còn gọi là Index expurgatorius (Danh Mục Sách Cấm, Danh Mục Sách Phải Thanh Lọc), được lập ra sau Hội nghị Giám mục tại Trent (1545-1563) nhằm liệt kê những tác phẩm bị xem là «độc hại» (vô luân hoặc trái với đức tin) mà con chiên Ki-tô giáo không được phép đọc, trong đó các triết gia Pháp của thế kỷ 17, 18 nằm ở những vị trí danh dự. Từ sau «Thông Báo Về Việc Bãi Bỏ Danh Mục Sách Cấm (Notification de la suppression de l'index des livres interdits) của Vatican năm 1966, Danh Mục (ấn bản cuối cùng năm 1948) không còn tính chất bắt buộc và vai trò kiểm duyệt nữa, mà chỉ còn là một «hướng đạo tinh thần».

12 Ám chỉ Gérard Van Swieten (1700-1772), nhà y học người Hà Lan, từ khoảng năm 1744 trở thành y sĩ chính và cố vấn khoa học của Maria Theresia (1717-1780), Nữ Đại Công Tước của Đại Công Quốc Áo, và Đế Hậu của Thánh Đế Chế La Mã (tồn tại từ năm 962 đến năm 1806), người được xem là nắm thực quyền trong thời kỳ chồng bà (Franz Stefan, Franz I) làm Hoàng Đế (1745-1765). Với vị trí và uy thế của mình, Van Swieten đề xuất được nhiều cải cách quan trọng về y học và giáo dục y học cho vương triều Habsburg ở Áo, tuy không ngăn chặn được vi khuẩn bệnh đậu mùa len lỏi vào hoàng cung, giết chết bốn nhân vật trong hoàng gia dưới sự săn sóc của ông (1761-1763). Ngoài sức khoẻ thân thể, Van Swieten còn được giao cho nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ tinh thần: tổ chức Thư viện Hoàng gia, định ra các phương pháp khoa học và hợp lý để đánh giá sách báo, tổ chức lại chế độ và guồng máy kiểm duyệt; ở đây, ngoài việc sa thải các tu sĩ dòng Tên vì thiếu hiệu lực, ông ta còn cấm du nhập những tác phẩm nguy hiểm, trong đó phần lớn là trước tác của các triết gia Pháp.

13 Không kể những đầu sách in ở nước ngoài hoặc dưới tên khác để tránh kiểm duyệt (Candide), đây là một số hình phạt «cho hả dạ» tiêu biểu: Quyển Lettres philosophiques của Voltaire bị Quốc Hội lên án và đốt năm 1734; vở kịch Le Fanatisme ou Mahomet le prophète của Voltaire phải ngưng diễn năm 1742; quyển De l’Esprit của Helvétius bị lên án và đốt năm 1759; bộ Bách Khoa Toàn Thư bị rút «đặc ân của Hoàng Thượng» (privilège du Roi, xem giải thích bên dưới) cùng năm 1759; các quyển Du contrat social Émile ou De l'éducation của Rousseau vừa xuất bản đã bị kết án năm 1762; quyển Dictionnaire philosophique portatif của Voltaire bị lên án năm 1765…

14 Ở Pháp, từ thế kỷ XV-XVI, cái đóng vai Đại Dinh Đần Độn nhằm bảo vệ Ki-tô Giáo là bộ ba Nhà Nước, Nhà Thờ và Nhà Trường. Đi tiên phong, năm 1521 Phân khoa Thần Học ở Đại học Sorbonne kết án những ý tưởng của Luther-Calvin, và lập danh mục những tác phẩm tà đạo năm 1543, trước cả quyển Index Librorum Prohibitorum của Giáo Hội. Năm 1534, Vua François I cấm in mọi thứ sách, nếu không muốn lãnh án tử hình; lệnh bị thu hồi một tháng sau, thay thế bằng những biện pháp kiểm soát việc in ấn sách báo: hạn chế số lượng nhà in ở mỗi tỉnh, đặt ra cái gọi là «đặc ân của Hoàng Thượng» thực chất là giấy phép xuất bản hai mặt: mặt phải, bảo vệ nhà in chống cạnh tranh và sách in lậu; mặt trái: kiểm duyệt nội dung tác phẩm); sách phải được phê duyệt trước khi in, tên tác giả và nhà in phải hiện rõ trên mỗi ấn bản. Thế kỷ XVII: kiểm duyệt chính thức trở thành một thiết chế Nhà Nước: chức vụ Kiểm duyệt viên Hoàng gia (censeur royal) ra đời năm 1641, chịu trách nhiệm cấp các «đặc ân của Hoàng Thượng»; việc kiểm duyệt được tổ chức bởi Cục Sách Báo, với khoảng 200 nhân viên trong mọi lĩnh vực, và cục trưởng do Bộ Tư Pháp bổ nhiệm. Thế nhưng sự thiết chế hóa kiểm duyệt hoàng gia cho chế độ trước khi in vẫn để lại một khoảng trống; để lấp lỗ hổng của sự kiểm duyệt sau khi in, nghị viên, tu sĩ, dư luận viên chống triết học sẽ được tha thiết mời gọi, và không ngần ngại nhập cuộc. Đấy là tình hình trước cuộc Cách mạng 1789. Sau cách mạng, kiểm duyệt còn tồn tại ở Pháp hay không là vấn đề khác.

15 Lịch Hijri (A: Hegira, P: Hégire, còn gọi là lịch Hồi giáo hay lịch Ả Rập) là thứ âm lịch gồm có 12 tháng, 354 hay 355 ngày trong một năm. Lịch được đặt ra để đánh dấu cuộc di dân từ Makkah (Mecca) đến Madinah (Medina) và thành lập cộng đồng Hồi giáo đầu tiên (ummah), biến cố mở ra thời đại Hijra mà năm đầu tiên tương ứng với năm dương lịch 622. Tháng Muharram (P: Muharem) là tháng đầu tiên trong lịch. Như vậy, năm 1143 theo lịch Hijra tương ứng với năm (622 + 1143) 1765 dương lịch.

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us