Bạn đang ở: Trang chủ / Dịch thuật / Vũ Ngọc Thăng dịch Claudio Magris

Vũ Ngọc Thăng dịch Claudio Magris

- Vũ Ngọc Thăng — published 14/01/2008 21:28, cập nhật lần cuối 15/01/2008 00:58
Văn chương là một chuyến du hành liên tục giữa lối-viết-ngày, trong đó một tác gia tranh đấu cho những giá trị và những vị thần của mình, và lối-viết-đêm, trong đó một nhà văn lắng nghe và thuật lại những gì mà các tính cách quỷ ám của mình phát biểu, những con-người-đúp ngụ trong đáy tâm can, ngay cả khi những kẻ này phát biểu những điều chối bỏ những giá trị của chính mình.


Đối đáp với ORHAN PAMUK
về vấn đề VĂN CHƯƠNG
và tính DẤN THÂN


Claudio Magris



TRÁI TIM NGUỘI LẠNH CỦA NHÀ VĂN

Trong một chương nổi tiếng của Republic, Plato loại trừ các nhà thơ – thậm chí và trước hết những tên tuổi lớn nhất như Homer và những tác gia bi kịch mà chính ông cũng rất yêu chuộng – ra khỏi Nhà nước Lí tưởng và sự hình thành tinh thần cho người công dân lí tưởng của Nhà nước không tưởng này. Chỉ có thơ ca “doric” là được thừa nhận, thứ nghệ thuật nghiêm khắc vốn triệu gọi đức hạnh, và nếu cần, tính chiến đấu; thứ nghệ thuật rèn luyện đạo đức, những giá trị ái quốc, xã hội, và công dân. Theo cách nói hiện đại, có thể bảo rằng chỉ có văn chương dấn thân là được phép.       

Không thể chấp nhận cái bản án platonic này, và Plato – người đồng thời cũng là tác giả của những vở bi kịch bị chính mình hủy bỏ – hơn ai hết biết rõ điều đó đến mức trong khúc đối thoại Ion tán dương thơ ca như là sự hưng cảm thần thánh; như là niềm hứng khởi chỉ có trong chính nó, trong những tính chất biển thẳm và trong những chắp cánh của trí tưởng tượng và của cảm xúc; như là suối nguồn và ý nghĩa của chính nó. Tất nhiên, không thể tán thành cuộc trục xuất platonic này đối với các nhà thơ ra khỏi Nhà nước Cộng hòa, bởi điều này hẳn hàm nghĩa chủ nghĩa toàn trị, cái quyền năng tuyệt đối của một Nhà nước không khoan dung với các biểu hiện khác với mô hình giá trị của nó, xúc phạm cái cá thể và quyền được khác biệt của cái cá thể. Thế nhưng, để bác bỏ sự kết án platonic, cần suy xét tường tận sự kết án này và cái tính chất xác thực song nguy hiểm và bị bóp méo của nó, không ý thức về điều này thì không thể nhận ra quyền của văn chương, không thể đón nhận sức quyến rũ và cái tính nhiều nghĩa của nó, và cho nên, ý nghĩa mà nó dành cho cuộc sống con người, dù họ là những công dân trách nhiệm, những kẻ hoang đàng lén lút, hay những đắm chìm sinh tồn phó mặc cho những tính cách quỷ ám và rồ dại của chính mình.

Văn chương – Orhan Pamuk, trong lúc luận chiến với sự chính trị hóa nghệ thuật, viết trên báo Corriere cách đây mấy hôm – không là sự phán xét đạo đức mà là sự đồng nhất hóa với một nhân vật, với phương thức tồn tại (nhân hậu hay ác hiểm), với niềm tin, với đam mê, với cái tính cách bạo liệt hoặc điên cuồng của nhân vật ấy. Văn chương không phân xử, cũng không chấm điểm hạnh kiểm sống, nó chuyển lưu ở bên này hoặc ở bên kia cái thiện và cái ác; nếu văn chương thể hiện một đóa hồng, thì nó biết – như vị tu sĩ dòng Tên, nhà thơ huyền học lớn người Đức ở thế kỉ 17, Angelus Silesius nói – hoa hồng không mang động cơ, hoa hồng nở vì hoa hồng nở. 

Song tự đồng nhất hóa với cuộc sống ngụ ý tự đồng nhất hóa với mọi khía cạnh của nó, cho nên, không chỉ với mùa xuân hoa nở mà còn cả với những trận động đất; và đối với nhân gian, thì không chỉ với tình yêu và giấc mơ của họ, mà còn cả với cái ác họ giáng lên người khác, những bất công họ phạm phải, những cuộc chiến tranh họ kích động. Kể về cuộc sinh tồn của một kẻ buôn bán lén lút những bộ phận cơ thể cắt đi từ những đứa trẻ ở những khu phố ngoại ô ổ chuột ở Ba Tây (favelas) bao hàm – đối với một nhà văn xác thực, vốn không là một nhà đạo đức – một cuộc đồng nhất hóa nhất định, tự nó đã gây khắc khoải. Nếu nghệ thuật là cái đẹp, thì cái đẹp không luôn luôn, như theo Plato, hẳn phải là cuộc hiện ra của cái Thiện và cái Chân.       

Plato sợ rằng nghệ thuật, do không phải quan tâm đến những phán xét đạo đức, có thể trở nên đồng lõa với bất công và những sự bạo hành vốn ngự trị thế giới; ông trực giác ra rằng cái cá thể, trong lúc trao tiếng nói cho những cảm xúc của mình, thường đi đến việc làm đỏm cho chính cái tính vị kỉ của mình; thỏa thuê mô phỏng những tình cảnh khốn cùng, những mâu thuẫn, và lắm lúc, sự tầm thường của tâm trạng mình; tôn sùng sự hoàn hảo của tác phẩm của mình, làm thiệt hại tính nhân bản: một nhà thơ, khi xúc động thể hiện một đám cháy, có cơ rung cảm với những tuyệt cú miêu tả những nạn nhân trong lửa đỏ hơn là những nỗi đau có thực của các nạn nhân ấy. 

Các nhà thơ thường phô diễn những cảm xúc hay đẹp, nhưng họ – nhà thơ lớn Milosz [1] nêu lên trong một vần thơ – thường có một trái tim nguội lạnh ngay cả khi họ đang thuyết phục điều ngược lại, trước tiên là với chính họ.

Dòng văn chương gọi là dấn thân, trái lại, cho rằng – đặc biệt đối với một số người – nhiệm vụ của nó cũng là sự cứu giúp các nạn nhân của đám cháy, sự góp phần vào việc thay đổi thế giới chứ không chỉ thể hiện thế giới. Một sự dấn thân đạo đức – và cho nên, không thể tránh được, một sự dấn thân chính trị – là (hoặc hẳn phải là) cái khả năng thiết yếu trong việc nhìn ra – và xoa dịu – không chỉ những nỗi khốn khó của một người đơn biệt mà chúng ta quen biết và thương yêu, nhưng cả những nỗi khốn khó của nhiều người khác mà bản thân chúng ta không quen biết, rằng họ ở trong tình cảnh tương tự, rằng họ cũng được những người khác thương yêu, cũng quan trọng không hơn không kém chúng ta. Một tác phẩm văn chương, ngay cả khi nó nảy sinh từ một hoàn cảnh không thể lặp lại của một người, nó phát biểu với mọi người, cho nên, nếu nó tải một thông điệp đạo đức, thì thông điệp ấy cũng trở nên một thông điệp chính trị, bởi nó đi vào cuộc sống, vào tư tưởng, vào tình cảm của thành bang (polis), vào tình cảm của cộng đồng. Tính dân chủ, bị tư tưởng phản động hết sức chế giễu như là sự trừu tượng ý thức hệ, trái lại, là cái khả năng tuyệt vời trong việc lĩnh hội và cảm thấy rằng, ngay cả hàng triệu người mà chúng ta không quen biết – và tất nhiên chính vì thế mà chúng ta không thể đích thân cảm nghiệm tình trìu mến hoặc say đắm – thì cũng có thực và cụ thể, cũng được cấu tạo bằng xương bằng thịt y như chúng ta và những người thân quen của chúng ta. Theo nghĩa này, mỗi tiểu thuyết – khi không phải xét đến cái ý thức hệ chủ trương của nhà văn – thì mang tính dân chủ, bởi nó đặt chúng ta trong những vai trò và trong những trạng huống kẻ khác.  

Nhưng sự dấn thân cũng can dự đến các thành phần khác chứ không chỉ can dự đến nhà văn hay nghệ sĩ. Các bổn phận cơ bản đối với người khác liên quan tới mỗi người; nền tảng của mỗi cuộc sinh tồn là sống lương thiện, sẵn lòng giúp đỡ, chân thật, thủy chung. Nhà văn và nghệ sĩ không phải là một giáo sĩ thế tục trông nom con người về phương diện tâm linh, họ cũng không nhất thiết lĩnh hội cuộc sống và chính trị tốt hơn người khác. Nhiều trong những nhà văn lớn nhất của thế kỉ 20 đã là những người Phátxít, những người Quốc xã, những người Cộng sản mến mộ Stalin; chúng ta tiếp tục quý chuộng họ, hiểu cái hành trình khúc khuỷu và thường là thống khổ mà họ đã trải qua khi tự đồng nhất hóa với căn bệnh mà lại nghĩ là một thang thuốc, và chúng ta cũng tiếp tục học được ở họ một tính nhân bản sâu xa vốn không thể bị bóp nghẹt bởi sự lệch lạc của họ về ý thức hệ, nhưng về phương diện chính trị, chắc chắn họ lĩnh hội kém hơn hàng triệu người cùng thời không quen biết.        

Mỗi người có trách nhiệm với thế giới qua mối quan hệ với người khác và trách nhiệm này gắn liền với cuộc sống, với công việc của mình, dù trong cương vị luật sư, nhà văn hay thợ cắt tóc. Tiểu thuyết – Doris Lessing gần đây có phát biểu – không nên là một tuyên ngôn chính trị; sự dấn thân chính trị, bà nói thêm, ắt không tự cạn kiệt với cái chữ kí ở cuối những bức tuyên ngôn vốn rất thường giống như một danh sách đăng kí vào một câu lạc bộ riêng biệt. Nhà văn lớn Ernesto Sábato [2] không tự giới hạn mình trong việc kí tên vào những bản tuyên bố chống lại nền độc tài của những tướng lãnh Argentina, trong một thời gian dài đã hy sinh hoạt động nhà văn của mình để tìm kiếm những Người Mất Tích (Desaparecidos).

“Phục vụ một chính nghĩa”, Pamuk nói, “phá hủy cái đẹp văn chương”. Hẳn lẽ ra có thể nói, phương cách phục vụ một chính nghĩa: sẽ phá hủy, tạo tiềm lực, hay thậm chí, kích thích việc sáng tạo cái đẹp. Nhà văn không là một người cha trách nhiệm trong gia đình, mà đúng ra, là một đứa con nổi loạn, tuân theo những tính cách quỷ ám của mình; văn chương yêu sự vui chơi, yêu sự tự do sáng tạo ra cuộc sống như nam tước Münchhausen, khiến thực tại nhẹ tênh như một quả bong bóng đa sắc vuột khỏi tay tung tăng bay lên. Dồn toàn bộ những điều này vào một ý thức hệ, vào một chính nghĩa, vào một nhiệm vụ, tức là giết chết văn chương. Song khi việc phục vụ một chính nghĩa trở nên niềm đam mê, cái sức mạnh tuyệt vời vốn đồng nhất hóa – thích đáng hay không thích đáng – chính nghĩa với cuộc sống, thì lúc ấy tính dấn thân cũng có thể trở nên thơ ca, cảm hứng sáng tạo, tự do tưởng tượng. Virginio khi ngợi ca đế chế La Mã; Kipling khi ngợi ca đế quốc Anh; và Brecht khi ngợi ca chủ nghĩa cộng sản; các ông làm nên thơ ca; Thiên Chúa giáo – nghiệm-sống, không rao giảng – của Bernanos [3], thì không thể tách biệt với bản anh hùng ca của ông; sự công phẫn đạo đức và cái lí tưởng đế chế hoặc siêu hình học của Dante sáng tạo ra những đỉnh cao không thua kém sự tham dự cảm thương đối với Paolo và Francesca [4].  Nếu trong quá khứ cần tranh cãi với cái áp lực nghẹt thở của chính trị và của ý thức hệ đối với văn chương, thì hôm nay – như Alberto Asor Rosa [5] và Franco Cordelli [6] nhận xét – chính cái sự chối từ dung tục hoặc thoái chí đối với chính trị mới đe dọa một tầm nhìn về thế giới, và một cách gián tiếp, một tầm nhìn về thơ ca, mới dập tắt điều mà Pierluigi Battista [7], trên trang báo này, gọi là “niềm đam mê sáng tạo vô song trong thời của sự thức tỉnh”, và đó là hệ quả của “cái mùa đấu tranh và cái mùa ý thức hệ trước đó”. Vầng thái dương tương lai bị phủ khuất đang kéo theo buổi hoàng hôn về ý nghĩa của tương lai, về niềm hy vọng vào thế giới.   

Các nhà sáng lập vĩ đại của tôn giáo, từ Chúa Jesus cho tới Đức Phật, đã loan báo chân lí, song để con người lĩnh hội và cảm thấy một cách cụ thể, các ngài đã cần đến văn chương: đã kể những câu chuyện ngụ ngôn, trong đó chân lí tự hóa thân vào cuộc sống và trở nên cuộc sống, và giáo lí trở nên truyện kể. Đây chính là cái chiều kích đích thực về đạo đức – và do đó, về tính dấn thân chính trị – của văn chương, vốn không rao giảng mà bày tỏ. Joseph Conrad không truyền đạt những bài thuyết giáo, nhưng đọc những truyện kể của ông người ta lĩnh hội, người ta cảm thấy thế nào là sống trong chân thực hay trong dối trá, trong can đảm hay trong sợ hãi, trong sự tranh đấu kiên gan hay trong sự bỏ trốn. Theo nghĩa này – và chỉ trong nghĩa này – văn chương là sự giáo dục con người, chỉ có hiệu quả khi nó không đề xuất sự giáo dục mà thực hiện điều này một cách trực năng, cùng với việc thể hiện những sự kiện. Mặt khác, ngay cả sự giáo dục theo nghĩa hẹp, cũng chỉ có hiệu quả khi nó không rao giảng, mà bày tỏ, và làm cảm thấy những giá trị. Bố mẹ tôi chưa bao giờ bảo tôi không nên là người kì thị chủng tộc, cũng như chưa bao giờ bảo tôi không được ăn cơm trong nhà cầu; đơn giản, cung cách sống, làm việc, giải trí của bố mẹ khiến tôi không thể nghĩ tới chuyện kì thị chủng tộc và ăn spaghetti trong nhà cầu. Nếu bố mẹ đã phải nói thẳng với tôi về điều này, thì có lẽ sự thể đã quá muộn.

Thể hiện văn chương cũng là phán xét, nhưng một cách ẩn tàng và luôn luôn bao hàm tính toàn thể: trong Tội ác và Trừng phạt, Dostoevsky thành công trong việc truyền đạt cho chúng ta nỗi bơ vơ của con người vốn xui khiến Raskolnikov phạm tội ác; trong việc khiến chúng ta tham dự vào số phận của anh ta, nhưng ông cũng giúp chúng ta hiểu – và cho nên, phán xét – cái tính chất tầm thường ngu xuẩn của những ý tưởng thúc đẩy anh ta phạm tội ác và sự ghê rợn của tội ác. Văn chương là một chuyến du hành liên tục giữa lối-viết-ngày, trong đó một tác gia tranh đấu cho những giá trị và những vị thần của mình, và lối-viết-đêm, trong đó một nhà văn lắng nghe và thuật lại những gì mà các tính cách quỷ ám của mình phát biểu, những con-người-đúp ngụ trong đáy tâm can, ngay cả khi những kẻ này phát biểu những điều chối bỏ những giá trị của chính mình. Sábato, người đã đề cập về hai lối viết này, trong một tác phẩm mang tính dấn thân cao đẹp, bảo rằng: những sự thật sâu kín của ông không tìm thấy trong tác phẩm này mà trong những truyện kể u ám khác của ông – “những sự thật thậm chí kinh hoàng vốn đôi lúc đã phản bội tôi”. Một số năm trước ở Madrid tôi đã nói với ông rằng khi đầm mình xuống nơi đó ông đã khám phá ra 2 + 2 có thể là 4, có thể là 9, không thể và vô nghĩa khi xác minh nó một cách chính xác. Thế nhưng khi trở lên, thì ông không dựa vào đó để trục lợi trong tờ biên nhận tại một tiệm ăn.    

Mỗi tiểu thuyết, ở bên kia các ý thức hệ, thì mang tính dân chủ, bởi nó đặt chúng ta trong những vai trò và trong những trạng huống kẻ khác. Khi chính nghĩa đang theo đuổi tự đồng nhất hóa với cuộc sống, thì lúc ấy, tính dấn thân cũng có thể trở nên thơ ca.

Vũ Ngọc Thăng dịch và chú thích

Nguồn: Corriere della Sera  21/10/2007

 
 

[1] Czeslaw Milosz (1911 – 2004) : nhà thơ, nhà văn, nhà tiểu luận, dịch giả người Ba Lan ; Nobel Văn chương 1980. 

[2] Ernesto Sábato (1911 -) : tiến sĩ vật lí, nhà văn, nhà luận văn người Argentina; chủ tịch đầu tiên của CONADEP: một ủy ban truy cứu những Người Mất Tích trong thời kì độc tài quân phiệt tại Argentina (1976 – 1983) ; các tố cáo của Ủy ban đã dẫn đến những phiên tòa xét xử một số kẻ trách nhiệm về những tội ác đó.

[3] Georges Bernanos (1888-1948) : nhà văn, nhà báo, nhà luận chiến người Pháp. 

[4] Paolo và Francesca: một giai thoại tình yêu xảy ra ở Ravenna khoảng giữa những năm 1275 – 1285, được Dante Alighiere sử dụng trong Thần Khúc, phần Địa ngục, Khúc V. Theo lời kể của Giovanni Boccaccio (khi ông bình luận tác phẩm bất hủ này một thế kỉ sau đó): thời ấy, vì lí do chính trị, có một cuộc dàn xếp hôn nhân giữa con gái của Lãnh chúa vùng Ravenna là Francesca da Polenta (dậy thì, xinh đẹp, nhạy cảm) và con trai của Lãnh chúa vùng Rimini là Gianciotto Malatesta (xấu xí, mang tật thọt chân). Em trai của Gianciotto là Paolo Malatesta (tuấn tú, tao nhã) được gửi đi cầu hôn; tưởng Paolo chính là vị hôn phu tương lai của mình, Francesca nhận lời. Sau đó, không cưỡng lại được niềm đam mê thực sự trong lòng, mối quan hệ em chồng–chị dâu giữa Paolo và Francesca  đã vượt qua sự ràng buộc thường tình của xã hội và luân lí. Một hôm, được gia nhân báo cáo, Gianciotto bất ngờ bắt tại trận cặp tình nhân và giết chết cả hai. Chúng ta đang ở tầng thứ hai của địa ngục, nơi những linh hồn khi sống đã để “lí trí chiều theo dục vọng” đang bị đày đọa trong một cơn dông bão bất tận. Giữa những chiếc bóng bị cuốn xoáy và va đập tả tơi, Dante chứng kiến đôi bóng Francesca và Paolo luôn kề sát bên nhau và “dường như  thơ thới trong gió”. Trong lúc Francesca kể lại cho ông nghe niềm hạnh phúc một thời của đôi uyên ương và hoàn cảnh nàng đón nhận nụ hôn đầu, thì Paolo, cạnh đó, khóc nức nở. Sự tham dự cảm thương của Dante là toàn diện; cuối cùng, ông lịm người ngã xuống như một xác chết. Dù người ta không tìm thấy bất cứ một cứ liệu lịch sử nào về những tình huống cụ thể của câu chuyện tình yêu say đắm và bi đát này, nhưng từ đó, nó được lưu truyền trong dân gian và trở nên nguồn cảm hứng cho những cách diễn giải và cho nhiều sáng tác nghệ thuật. Đây cũng là một trong những Khúc được đọc nhiều nhất trong Thần Khúc

[5] Alberto Asor Rosa (1933 - ): Nhà văn, nhà phê bình, nhà văn học sử người Ý, giáo sư đại học La Sapienza (Roma).

[6] Franco Cordelli (1943 - ): Nhà văn, nhà phê bình sân khấu người Ý.

[7] Pierluigi Battista (1955 - ): nhà văn, nhà báo người Ý, phó tổng biên tập tờ Corriere della Sera, nhật báo có số người đọc đứng thứ ba ở Ý sau tờ Repubblica và tờ Gazzetta dello Sport.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss