Bạn đang ở: Trang chủ / Đường giải phóng mới đi một nửa...

Đường giải phóng mới đi một nửa...

- Nguyễn Ngọc Giao — published 24/03/2019 00:00, cập nhật lần cuối 24/03/2019 11:02


Hà Nội, Alger, Sài Gòn, Johannesburg….




Đường giải phóng mới đi một nửa…


Nguyễn Ngọc Giao


« Mùa Xuân Ả rập » lại nở rộ trên phố phường Alger và các thành phố Algérie. Khác với Cairo, Tripoli, lần này, không ai nghĩ, cũng chẳng ai dám nói có bàn tay của những « lực lượng thù địch » ở bên ngoài can thiệp, xúi giục « tuổi trẻ nhẹ dạ ». Trong một văn bản (chắc do người khác soạn), tổng thống Bouteflika tuyên bố từ bỏ quyết định ra ứng cử tổng thống lần thứ 5, nhưng lại nấn ná kéo dài vô hạn định nhiệm kỳ thứ tư. Hai lực lượng chính quyền chủ yếu, đảng FLN (Mặt trận giải phóng dân tộc) và Quân đội – hai tổ chức, cách đây gần 60 năm, đã mang lại độc lập cho đất nước, từ đó nắm trọn quyền lực, và ngày nay bị coi là người phải chịu trách nhiệm trong sự phá sản của một đất nước phong phú tài nguyên (không kém Venezuela) – đang lúng túng tìm cách xoa dịu sự phẫn nộ của quần chúng mà vẫn giữ chặt quyền lực. Algérie, đất nước đau thương của một dân tộc anh hùng, sẽ đi về đâu ? Không một nhà bình luận nào dám nói chắc, giỏi lắm là đưa ra được mấy « kịch bản », từ bi quan tới lạc quan, mà không ai tính được xác suất.

Về cơ bản, hành trình của Algérie, với những khác biệt không nhỏ, có nhiều tương đồng với hành trình của Việt Nam. Cả hai đều bị chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược, Algérie trước, Việt Nam sau (30 năm). Cùng năm 1945, cả hai đều vùng dậy. Cuộc biểu tình ôn hoà ngày đồng minh đại thắng phát-xít (7.5.1945) của nhân dân Algérie đã bị dìm trong biển máu. Phải đợi 6 tháng sau đại thắng Điện Biên Phủ, Algérie mới bắt đầu cuộc đấu tranh vũ trang 8 năm để đi tới Hiệp định Evian, thừa nhận độc lập và chủ quyền của Algérie. Điều trớ trêu, nhưng xét cho cùng, rất phù hợp với lôgic của lịch sử, người phải thừa nhận nền độc lập của « ba tỉnh của nước Pháp », lại là một lão tướng, anh hùng dân tộc, Charles de Gaulle, người phải chịu trách nhiệm số 1 trong cuộc « chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất » (1945-1954) ; năm 1958 trở lại chính quyền Pháp trong một cuộc « đảo chính hợp pháp », kết liễu nền « đệ tứ cộng hoà » với nhiệm vụ gìn giữ « Algérie française » (Algérie của Pháp). Thế hệ trẻ đầu thế ký XXI chắc khó lý giải tại sao, sau Điện Biên Phủ, quá trình giải thực trở thành một xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, mà nước Pháp của Tuyên ngôn nhân quyền, năm 1954, lại lặp lại ở Algérie những sai lầm ở Đông Dương 9 năm trước đó ? Có nhiều nguyên nhân thực chất : trước tiên, Algérie là một thuộc địa « thực dân », với một thiểu số (không nhỏ) người da trắng (giống như Nam Phi), mà một bộ phận quan trọng hợp thành giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản, làm chủ một đất nước mà họ coi là tổ tiên của mình đã « làm ra » suốt một thế kỷ. Đó là cơ sở xã hội cho phần sống sót của Quân đội Viễn chinh Pháp từ Đông Dương trở về, với đội ngũ tướng tá không tiêu hoá nổi thất bại Điện Biên Phủ, quyết tâm rút kinh nghiệm để triển khai chiến lược chống nổi dậy, trả thù bọn « Việt » bằng chiến thắng lũ « Rệp » – ảo tưởng này có sức mạnh của nó, ý chí phục thù và thiết bị quân sự (máy bay lên thẳng, phương pháp tra tấn « gégène », « máy bay tàu ngầm » đã thử thách ở Đông Dương), và đã được Kennedy và Lầu năm góc đưa sang Nam Mỹ.

Một điều khó hiểu nữa : chiến tranh Algérie, ngay từ đầu, đã hiện nguyên hình một cuộc chiến tranh thuộc địa. Không có chuyện cộng sản (Đảng cộng sản Algérie chủ yếu có cơ sở trong giới lao động và trí thức da trắng, mà điển hình, như chúng ta biết là Maurice Audin, Henri Alleg…), không có chuyện « thế giới tự do », không nhân danh ủng hộ một phe trong cuộc nội chiến (mặc dầu, ở Algérie, cuộc tương tàn giữa hai đảng FLN và MNA về thực chất cũng không khác xung đột « quốc cộng » 1945-46 ở Việt Nam). Cũng không có chuyện « chiến tranh uỷ nhiệm » trong bối cảnh chiến tranh lạnh, đối đầu giữa « cộng sản quốc tế » và « thế giới tự do ».

Khi thế kỷ XX bước sang thập niên cuối cùng, trường hợp Việt Nam và Algérie (đấu tranh vũ trang trường kỳ) hiện ra như mô hình duy nhất có thể để giành độc lập trong tay chủ nghĩa thực dân (cũ và mới) – ít nhất trong tình huống nước đế quốc (Pháp rồi Mỹ) đã chọn con đường vũ trang và từ khước mọi giải pháp chính trị. Và trong cả hai trường hợp, thử nghiệm « xã hội chủ nghĩa » (mang màu sắc Mác-Lê hay mơ hồ « liên - Ả rập » kiểu Nasser) đều dẫn tới thất bại cay đắng. Sự thất bại này tất nhiên dẫn tới tâm trạng hoang mang, dằn vặt : bao nhiêu hy sinh, xương máu, để đi tới kết quả này sao ? Sự dằn vặt trở thành tiếc nuối khi Nam Phi, với nụ cười tinh khôi của Nelson Mandela, sau mấy thập niên đấu tranh từ vũ trang chuyển sang bất bạo động, giành được độc lập trong hoà bình, hoà giải sắc tộc.  Lịch sử cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc của hai phần ba nhân loại trong thế kỷ XX (mà Hobsbawm gọi là « Thế kỷ Ngắn », 1911-1991) khép lại với những nhân vật điển hình : Gandhi, Hồ Chí Minh, Mandela. Riêng ở Việt Nam, cuộc tranh luận nổ ra, trở lại sự « lựa chọn » giữa hai con đường : Phan Châu Trinh hay Nguyễn Ái Quốc mở ra cách đây đúng một thế kỷ.

Con đường giải phóng dân tộc rõ ràng là đa dạng. Nhưng sự « chọn lựa » không phải là một chọn lựa trí tuệ, trừu tượng, mà nó diễn ra trong bối cảnh lịch sử cụ thể, mà yếu tố quyết định – hay ít nhất, đồng quyết định, nếu không nói là siêu quyết định – lại không nằm trong tay dân tộc bị trị, mà trong tay chính quyền thống trị. Ở Đông Dương những năm 1920, sự thất bại của Phan Châu Trinh gắn liền với sự thất bại của « chủ nghĩa cải lương » trong nội bộ chính quyền thực dân (với những cuộc cải cách thật bại của Sarraut, Pennequin…). Ở Ấn Độ, chính quyền Anh đã biết kịp thời « nhả ra » năm 1947, nhưng không thể nói đế quốc Anh hoàn toàn vô tội trong cuộc đổ máu tôn giáo – dân tộc đã gây ra cái chết của mấy triệu người, và ngày nay vẫn còn tiếp diễn trong xung đột Ấn Độ - Pakistan. Và ở Nam Phi, mọi mỹ từ cũng không đủ để ngợi ca sự vĩ đại của Nelson Mandela khi ông cảm hoá được một số người « phía bên kia » (từ viên cai tù đến thủ tưóng De Klerk) và chủ động hoà giải với thiểu số da trắng, bảo đảm chỗ đứng của họ trong nước Cộng hoà Nam Phi mới, song cũng không thể quên rằng con đường hoà bình ở Nam Phi trong thập niên cuối của Thế kỷ XX chỉ có thể mở ra khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, trên hoang tàn của « chủ nghĩa xã hội hiện tồn ». Trước đó, Mandela chỉ có thể bị giết hay ngồi tù.

Người viết bài này hoàn toàn ý thức được rằng mấy ý tưởng nêu trên không khép lại, mà mở ra nhiều cuộc tranh luận sẽ còn kéo dài. Nhưng chủ đề của bài viết này không phải là kết luận đúng-sai giữa các con đường giải phóng dân tộc. Mà là một câu hỏi : rồi sao nữa ?

Câu hỏi trở thành thời sự nóng hổi với những biến cố đang tiếp diễn ở Alger. Nhưng không chỉ ở Alger, mà còn nóng bỏng ở Johannesburg, ở Hà Nội, cũng như Caracas, và thủ đô các nước « thế giới thứ ba » trên toàn thế giới. Nó càng nóng bỏng vì đặt ra từ những con số thống kê lạnh lùng mà mỗi người có thể tìm thấy dễ dàng trên mạng : ở Nam Phi, cũng như ở Việt Nam hay Algérie, bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng.

Ở Việt Nam « 10% dân số nghèo nhất chỉ được hưởng 2,59% GDP trong khi đó 10% dân số giàu nhất chiếm giữ tới 30% GDP » (VnExpress). Algérie : « 10% dân số nắm trọn 80% tài nguyên quốc gia » (LADDH). Nam Phi : « 10% dân số giàu nhất chiếm 58% tài nguyên quốc gia. Trong khi đó, 10% dân số nghèo nhất 0,5% » (Investigaction). Sự thực, những con số ấy đại thể cũng không khác gì những thống kê chung của thế giới « toàn cầu hoá » dưới sự thống trị của con bạch tuộc « tài phiệt » tư bản tài chính.

100 năm sau « 8 yêu sách của nhân dân An Nam », vấn đề tự do ngôn luận, tự do cá nhân, dân chủ (kinh tế và chính trị) đặt ra, từ Hà Nội đến Johannesburg, qua Caracas, Alger. Đó là những vấn đề cốt lõi, vượt qua những đặc thù quốc gia, quá trình lịch sử.

Trong ý nghĩa đó, con đường đi lên của các dân tộc, bước sang thập niên thứ ba của Thế kỳ XXI, không phải chỉ là nhìn lại quá khứ, càng không phải là làm lại lịch sử, mà là đối mặt với những vấn đề hiện tại, nhận dạng và tập hợp toàn bộ các lực lượng tiến bộ, hoàn thành con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người đã bắt đầu từ một thế kỷ trước.

Paris,  Xuân phân 2019

N.N.G.



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2019, thời sự
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss