Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / “ Câu lạc bộ điện ảnh ” 100 tuổi và đang trẻ lại

“ Câu lạc bộ điện ảnh ” 100 tuổi và đang trẻ lại

- Kiến Văn — published 24/09/2022 17:30, cập nhật lần cuối 24/09/2022 19:05


“ Câu lạc bộ điện ảnh ”

100 tuổi và đang trẻ lại



Anh bạn vừa từ Sài Gòn trở qua Pháp, cho biết một tin mừng : hiện nay ở Thành phố, có khá nhiều “câu lạc bộ điện ảnh” (ciné-club) đang hoạt động. Một số rạp chiếu bóng – phải chăng vì vắng khách ? – nhận cho thuê phòng chiếu liền 3-4 giờ để câu lạc bộ thực hiện chương trình : đạo diễn hay một chuyên gia giới thiệu, chiếu phim, thảo luận. Hà Nội trong hơn mười năm đã có một địa điểm tương tự : 22, Hai Bà Trưng, “chủ rạp” là một người mê điện ảnh, người Mỹ : Gerry Herman. Số bạn trẻ, nhất là sinh viên điện ảnh, tới dự không nhiều, câu lạc bộ biến dần thành nơi gặp gỡ của những “expat” (người nước ngoài cư trú ở Việt Nam). Rồi Bộ văn hóa rút hợp đồng cho thuê, biến địa điểm văn hóa thành một phi vụ địa ốc nhan nhản ở Hà Nội. Cũng may, Gerry có người chạy tiếp sức, như đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (tác giả Đập cánh giữa không trung) với sáng kiến “Ơ kìa Hà Nội !”.

Trong khi các câu lạc bộ tự phát đang mang lại một sinh khí mới cho công chúng điện ảnh ở Sài Gòn và Hà Nội, thì ở Paris và nhiều tỉnh nước Pháp, các ciné-club cũng phát triển mạnh. Một ví dụ điển hình : rạp Grand Action (rue des Ecoles, Paris 5) hiện nay là nơi cư trú của hơn 10 câu lạc bộ điện ảnh, trong có phải kể YĐA (viết tắt của Yêu Điện Ảnh) ra đời từ năm 2008, đã giới thiệu không biết bao nhiêu phim truyện và phim tài liệu Việt Nam. Cũng ở rue des Ecoles, các rạp Paris Cinéma đón nhận 14 câu lạc bộ, Filmothèque 10 câu lạc bộ. Ở các thành phố khác cũng thế, hầu như có bao nhiêu “cộng đồng người yêu điện ảnh” thì có ngần ấy (hay nhiều hơn) câu lạc bộ hoạt động.Trong khi đó thì số khán giả Pháp đi xem phim ở rạp đã giảm 29% so với năm 2019 (trước đại dịch covid) – ở các nước phát triến khác, tình hình còn đen tối hơn, ở Hoa Kỳ, hàng loạt rạp chiếu phim đã phải đóng cửa. Xu hướng này đã bắt đầu từ mấy thập niên, với sự ra đời của băng video, rồi DVD, nhất là với máy tính và điện thoại di động, người ta xem phim ở nhà, trên máy điện thoại, ở bất cứ đâu, trừ các rạp.

Nhưng, như Jean-Luc Godard (cha đẻ của Làn Sóng Mới trong điện ảnh Pháp, vừa từ trần ở tuổi 91) đã nói rất đúng : “ Xem phim ở rạp, người ta ngẩng đầu lên ; xem phim ở máy truyền hình, người ta cúi đầu xuống ”. Có lẽ cúi đầu mãi cũng mỏi, người ta muốn ngẩng đầu lên ? Ngồi một mình, hai mình hay vài mống, khác hẳn ngồi trong rạp, và nhất là, trước đó và sau đó, có những cuộc thảo luận sống động, cho thấy những cái nhìn khác, những hình ảnh, tình tiết mà ta đã bỏ qua.

Có lẽ cũng chính vì thế mà các câu lạc bộ điện ảnh đã ra đời, cách đây 100 năm (chính xác là năm 1921, do sáng kiến của Louis Delluc). Từ đó đến nay, lúc lên lúc xuống, nhưng bao giờ nó cũng tồn tại. Khởi xướng, đầu thế kỷ 20, là những người đam mê điện ảnh, “ đấu tranh ” muốn chứng minh điện ảnh không chỉ là một thứ giải trí, mà là một nghệ thuật chân chính – cụm từ “ nghệ thuật thứ 7 ” ra đời từ đó. Sau đó, nó gắn liền với trào lưu xã hội - chính trị. Không phải ngẫu nhiên và các câu lạc bộ điện ảnh đã nở rộ ở Pháp trong thập niên 1930, nhất là trong thời kỳ Mặt trận Bình dân (Front Populaire), rồi mười năm sau, khi nước Pháp được giải phóng. Đáng chú ý là ở đỉnh điểm, trong số hơn 500 câu lạc bộ điện ảnh, một nửa là những câu lạc bộ ở nông thôn. Phong trào này đồng thời lan rộng ở các nước Đức, Anh, Thụy Sĩ, Mỹ, Nhật Bản. Những hiệp hội quốc tế đã được thành lập.

Nghệ thuật và chính trị đan xen. Lịch sử các câu lạc bộ còn ghi lại những pha đấu tranh gay go, giật gân. Điển hình là những cuộc chiếu phim Chiến hạm Potemkin của S. Eisenstein (1925). Phim bị chính quyền Pháp cấm chiếu (từ đó cho đến 1953), coi là “tuyên truyền cộng sản”. Nó đã được chiếu trong những câu lạc bộ, khi cảnh sát đột nhập vào rạp, thì nhóm chiếu phim (phòng máy đặt trên cao) phải mang những hộp phim thoát khỏi rạp bằng cách chạy trên các mái nhà hàng xóm. Điều mỉa mai là trong khi đó, ở Liên Xô, phim của Eisenstein bị Stalin phê phán là “thiếu quan điểm quần chúng” – quần chúng công nhân là những nông dân vừa ở nông thôn ra thành phố, phim “nhanh” quá, họ không hiểu. Phản ứng nồng nhiệt của công chúng phương Tây – trí thức có, công nhân có – đã cứu Eisenstein khỏi số phận đen tối của nhiều nghệ sĩ Liên Xô khác.

Như đã nói trên, công chúng điện ảnh giảm dần từ thập niên 1980, dưới tác động của vô tuyến truyền hình, video, DVD, internet. Sự trỗi dậy của các câu lạc bộ điện ảnh ở Pháp cũng như ở Việt Nam trong mấy năm qua là một hiện tượng rất đáng chú ý và tìm hiểu. Còn quá sớm để phân tích đầy đủ những nguyên nhân của sự kiện này. Dẫu sao, đó là điều đáng mừng. Biết đâu, đó là ánh sáng le lói ở cuối đường hầm ?

Kiến Văn






Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us