Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / “ Thắt lưng buộc... miệng ”

“ Thắt lưng buộc... miệng ”

- Nguyễn Hữu Vinh — published 12/11/2007 10:54, cập nhật lần cuối 12/11/2007 11:49


“ Thắt lưng, buộc ... miệng ”


Nguyễn Hữu Vinh



Để vực dậy một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá, nghèo, lạc hậu, lại tiếp tục tụt hậu thêm do mất nhiều năm mắc những sai lầm trong đường lối phát triển kinh tế thì ngoài những giải pháp như khuyến khích kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài... nói chung, không thể không tính đến những biện pháp tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu, từ ngân sách Nhà nước cho tới khích lệ mọi người dân biết chắt chiu cho bản thân và gia đình. Nước Nhật những năm sau Thế chiến thứ Hai cho tới tận hôm nay là một tấm gương điển hình để học hỏi. Đó là chính sách “ thắt lưng buộc bụng ”.


Ấy thế mà có vẻ ta đang như chàng nông dân lên tỉnh mới kiếm bộn tiền, chi xài vung vít. Từ sân vận động Mỹ Đình, xây dựng gấp gáp, quá tốn kém mà chất lượng cũng kém, để rồi hiệu suất sử dụng rất thấp trong khi còn thiếu bao nhiêu nơi vui chơi cho người dân, trẻ nhỏ. Kế đến là Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng có số phận tương tự. Người ta sẽ cố tìm cách tận dụng những nơi này để “ làm kinh tế ”, cho thuê rẻ, không tránh khỏi những cảnh nhếch nhác, làm xuống cấp nhanh hơn, như cho thuê bãi để xe, tổ chức tiệc cưới... nhưng lại thiếu tiền giữ gìn, tu bổ. Và bây giờ là chuyện toà nhà Quốc hội. Còn tiếp theo nữa sẽ là Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hà Nội. Đó là chưa nói tới những công trình tuy trực tiếp phục vụ sản xuất, đời sống song khoản đầu tư lại rất lớn, như Dung Quất, đường Hồ Chí Minh, nhưng chưa từng được “ mổ xẻ ” minh bạch về hiệu quả kinh tế, mức độ thiệt hại trong quá trình xây dựng. Thế rồi “ thuyền đua thì lái cũng đua ”, trung ương có “ công trình thế kỷ ” thì địa phương cũng có bao nhiêu trụ sở ban ngành “ hoành tráng ”, những chợ, trung tâm thương mại ... xây lên rồi để hoang phế.


Thử đặt dấu hỏi về những công trình “ hoành tráng ” (mang nhiều ý nghĩa tinh thần hơn là hiệu quả thực tế) này. Đó có phải là thói quen quản lý nhà nước bằng mệnh lệnh hành chính của thời bao cấp ? Có phải (cũng là thói quen) bằng những công trình lớn tốn kém để minh chứng cho một xã hội ưu việt, đang “ khởi sắc ” ? Cầu Thăng Long với nhiều năm đầu xây lên “ vắng như chùa Bà Đanh ” là một ví dụ hài hước của cái thời đó. Sâu xa hơn bên trong “ thuật ” quản lý nhà nước, liệu có phải những chi tiêu tốn kém này lại góp phần lấy “ điểm ” vì nâng cao thêm chỉ số GDP ?


Còn nếu bàn đến cả tính thẩm mỹ thì không thể không nói tới thực trạng đáng lo ngại trong gần như tất cả các công trình tầm cỡ quốc gia qua mấy chục năm nay, chúng không thể “ sống với thời gian ”. Kiến trúc của Cung Văn hóa Hữu nghị, trụ sở Uỷ ban và Bưu điện Hà Nội là vài ví dụ đáng buồn làm xấu thêm cho bộ mặt của cả nước. Rồi những tượng, tượng đài cũng cùng chung số phận, góp phần gây hiệu quả ngược cho mục đích tuyên truyền, lấy niềm tin nơi dân chúng.


Hãy hình dung trong một gia đình nghèo (hay một doanh nghiệp tư nhân nhỏ), bỏ ra một món tiền kha khá chi tiêu cho việc gì đó là thấy xót, phải cân nhắc kỹ lưỡng tính hiệu quả quay vòng vốn, hỏi han mọi thành viên. Còn với một quốc gia, tựa như một doanh nghiệp khổng lồ, không phải chưa có Luật Trưng cầu Dân ý mà lại có thể cứ để tiếp tục dễ dãi chi xài đến vậy. Thậm chí tiếng nói của giới trí thức, nhà khoa học vẫn thường bị bỏ ngoài tai. Trong những ngày này, thiên tai dữ dội liên tiếp, vật giá leo thang ngang ngửa mức tăng trưởng, mà đồng lương thì vẫn còm cõi nhưng vì Chính phủ “ không có tiền ” nên... đành chịu mãi, càng thấy dân ta còn nghèo khổ đến mức nào, càng cần tiết kiệm bằng những việc làm thiết thực chứ không phải chỉ hô hào suông.


Nhưng vẫn chưa hết về những lý lẽ để phản đối những quyết định tiêu tiền của dân chúng tốn kém theo kiểu này. Đó là tệ nạn ăn cắp trắng trợn (thường được thay bằng ngôn từ hoa mỹ hơn, là “ thất thoát ”). Thích xây dựng, nhất là những công trình lớn, biến báo để sao cho mọi thủ tục đều trong tình trạng gấp gáp, còn ý nghĩa thì đều là “ lớn lao ” đặng dễ bề kiếm chác, khi đổ bể thì dễ đổ tại “ khách quan ” và khó bị đụng tới vì đều là việc “ lớn ”, “ nhạy cảm ” ảnh hưởng tới uy tín quốc gia, v.v.. là những thủ thuật đã trở nên quá phổ biến. Những lình xình ẩn khuất quanh vụ sân vận động Mỹ Đình từ khâu đấu thầu cho tới thi công tới nay vẫn còn là dấu hỏi lớn.


Thế nên, để hy vọng may ra tiến kịp các nước trong vùng sau vài chục, thậm chí trăm năm nữa, thì Nhà nước, nhân dân đều không những cần “ thắt lưng", mà còn phải biết “ buộc miệng ”, cái “ miệng ” tham nhũng, lãng phí ngốn ngấu khủng khiếp tài sản quốc gia, nếu không thì dẫu có “ thắt lưng ” cũng chỉ là công cốc. Phải bằng mọi cách siết chặt nó trước những miếng mồi béo bở nhất – những “ công trình thế kỷ ” – trước hết bằng lắng nghe công luận, đâu phải bỏ phiếu tại Quốc hội đã là đủ. Trong khi cũng chính trên diễn đàn này, nhiều lần được bàn thảo là tỉ lệ bị mất cắp trong các công trình là 20 hay 30%, nhưng lại chưa từng được bàn tới một giải pháp “ buộc miệng ” tham nhũng, từ cấp phường xã cho tới trung ương, là hạn chế đến mức tối thiểu xây dựng những công trình chưa thật cần thiết, hoặc không gắn trực tiếp tới đời sống dân sinh, phát triển kinh tế, không nhận được sự đồng thuận của đông đảo dân chúng.




Lời bàn của người đánh máy :



Tôi nghĩ nước ta đã có chủ trương “ thắt lưng buộc miệng ” đấy chứ. Chỉ có điều tác giả thì muốn buộc miệng những cái mồm tham nhũng, còn Ban tuyên giáo trung ương và Bộ 4T thì buộc miệng báo chí. Không tin cứ nghe những chỉ thị được phổ biến trong buổi “ giao ban ”  mỗi tuần đó. Vừa qua, báo Đại Đoàn Kết bị kết án là đánh mất “ tính đảng ”  khi nó không “ buộc miệng ”  đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tóm lại là báo chí rất ư quán triệt chủ trương “ buộc miệng ”  của Đảng. Bằng chứng là có tờ báo nào nói gì đến Hải “ phò mã ”  (trong vụ PMU18) nữa đâu ? Chẳng lẽ vì Hải là con rể của ông Nông Đức Mạnh ?

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss