Bạn đang ở: Trang chủ / Giọt mực, ... / Bài học từ anh bạn người Hoa

Bài học từ anh bạn người Hoa

- Kiến Văn — published 27/12/2007 19:19, cập nhật lần cuối 28/12/2007 12:47

Giọt mực giọt đời



Bài học của anh bạn người Hoa




Kiến Văn



Đọc tin du học sinh Việt Nam và cộng đồng người Việt ở London đã biểu tình chung trước sứ quán Trung Quốc tại Anh ngày 22-12 vừa qua (hai "bên" thoả thuận không trương quốc kì  hay cờ ba sọc mà chỉ trương hình bản đồ lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam), tôi thật xúc động. Và nhất là khâm phục những anh chị em sinh viên cũng như các lãnh đạo hội đoàn chống Cộng đã biêt vượt qua quán tính não trạng để thấy đâu là lợi ích quốc gia.

Nhìn họ đứng bên nhau, nói lên cùng một ý chí, tôi bỗng nhớ tới anh Bành, anh bạn người Hoa mà tôi được làm quen ở California. Anh là người Triều Châu, sinh trưởng ở Chợ Lớn, cùng năm sáu chục người đồng tộc vượt biển từ những năm 1978-79. Từ đó, anh chưa trở lại Việt Nam lần nào, nhưng vẫn gắn bó với nơi "chôn nhau cắt rốn" của mình. Anh nấu bếp giỏi và có cái thú nữa là dịch thơ Đường ra Việt ngữ. Mỗi lần sang Mĩ tôi đều tìm gặp anh, vừa được nếm cơm, vừa được nghe thơ Đường, nghĩa là tôi nhận được rất nhiều từ anh. Còn anh, anh chẳng nhận được gì từ tôi, nhưng không hiểu sao, anh cũng rất mến tôi, lần nào cũng đòi chở tôi, nhiều khi cả vợ con tôi đi chơi. Mùa hè năm 1997, cách đây đúng 10 năm, anh đưa chúng tôi lên vùng núi phía đông Los Angeles. Hai đứa con tôi thấy hồ nước là đòi đi chơi thuyền, anh cũng chiều. Gió thổi có lúc hơi mạnh, nhưng thuyền cũng không chòng chành. Trái với mọi lần, anh Bành ít nói hẳn đi, chúng tôi yên lặng ngắm trời, non, nước... Lên bờ trở lại, anh mới giải thích : từ ngày vượt biển đến giờ, anh chưa bao giờ đặt chân xuống thuyền...

Trên đường từ vùng núi về lại quận Cam, chúng tôi lại chuyện trò râm ran. Tôi thường lợi dụng để học hỏi anh đủ thứ chuyện. Chính nhờ anh Bành mà tôi hiểu được nghĩa hai chữ "tê cố". Anh chị nào sống ở Hà Nội những năm 50 hay 60, ít nhất ở khu 36 phố phường, chắc còn nhớ món quà nay đã mai một, gọi là "tê cố" hay "xê cố", tức là món kem (sorbet) chanh thơm mát, thanh tao mà một ông già người Hoa vẫn đi rao bán mùa hè. Chỉ là đường, chanh, và nước, quay đều trong thùng đá lạnh, rồi "nạo" ra bằng một cái thìa nhỏ, mài sắc, thành những vồng mỏng manh như gỗ bào, để lên lưỡi, tan ra, toả ra mùi thơm mát... Ở Sài Gòn, tôi không thấy. Nghe tôi mô tả, cuối cùng, anh Bành mới tìm ra cách giải thích tôi cho là hợp lý : "xê cố" tiếng Quảng Đông là "tuyết giao", nghĩa là... "cà lem", đơn giản vậy thôi.

Lần ấy là cuối tháng 7-1997. Ngày 1.7, cả nước Trung Hoa lục địa ăn mừng "Hồng Kông trở về với tổ quốc mẹ". Tôi hỏi anh Bành có ăn mừng không. Có chớ, anh trả lời ngay.  Làm sao không mừng. Một mảnh đất Trung Hoa bị nước người chiếm hữu, sau 99 năm, trở về với tổ quốc mà. Có điều tôi ngạc nhiên, anh Bành nói tiếp, là thấy chúng tôi ăn mừng, có vài ông bạn người Việt chống cộng lại hỏi tôi : "Sao Hồng Kông về tay Trung Cộng, anh không ưa gì Trung Cộng, mà anh lại mừng ?", tôi trả lời họ : "Giá sử một ngày kia, toàn bộ Trường Sa và Hoàng Sa trở lại dưới chủ quyền của Việt Nam, tôi tưởng mọi người Việt Nam, không phân biệt "quốc" hay "cộng", cũng mừng chớ ?".

Có lẽ đó là bài học quý nhất tôi học được từ anh Bành. Nhìn tấm ảnh chụp ở London ngày 22-12-2007, tôi chợt nhớ tới anh.

Kiến Văn

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us